Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Du Tử Ngâm - Mạnh Giao



  遊子吟           Du Tử Ngâm
          孟郊               Mạnh Giao

慈母手中線   Từ mẫu thủ trung tuyến
遊子身上衣   Du tử thân thượng y
臨行密密縫   Lâm hành mật mật phùng
意恐遲遲歸   Ý khủng trì trì quy 
誰言寸草心   Thuỳ ngôn thốn thảo tâm
報得三春暉   Báo đắc tam xuân huy

Dịch Nghĩa: Câu Ngâm Của Người Con Đi Xa

Sợi chỉ trong bàn tay người mẹ
Giờ đã nằm trên tấm áo người con đi xa.
Lúc người con lên đường, bà mẹ khâu sợi chỉ ấy thật khít khao
Ý sợ rằng con chốn xa mà về trễ áo sẽ đứt chỉ may
Ai nói tấm lòng của một tấc cỏ (ý nói tấm lòng nhỏ nhoi của người con)
Đền đáp được ánh nắng của ba xuân (làm sao bù đắp được tình thương của cha mẹ)

Dịch Thơ:

     Lòng Mẹ

Mẹ cặm cụi kim chỉ

Ngồi vá áo cho con
Xa nhà phải khâu kỹ
Phòng mãi vui quên về
Ai rằng lòng cỏ mọn
Nhởn nhơ nắng trời xuân
                         PKT
***
Khúc Ngâm Của
        Đứa Con Đi Xa

Trong tay má sợi chỉ
Giờ yên trên áo con
Đường kim khâu kỹ kỹ
Ngừa nẻo về muộn muộn
Biết tấm lòng cỏ mọn
Có xứng ánh xuân chăng
               Quên Đi
***
Diễn Nôm

Kim chỉ trên tay từ mẫu,
Khâu nên áo lãng du nhân.
Khi đi chắc chiu từng mũi,
Sợ ngày về lắm lần khần.
Ai bảo nỗi lòng tấc cỏ,
Báo đền được nắng ba xuân ?!


Lục Bát

Đường kim mũi chỉ mẹ hiền,
Khâu nên chiếc áo trên mình lãng du,
Chắc chiu từng mũi từng khâu,
Sợ e con trẻ đi lâu chửa về
Ai rằng tấc cỏ bên lề,
Báo đền được ánh nắng về ba xuân ?!
              Đỗ Chiêu Đức diễn nôm
***
      Khúc Ngâm Của Đứa Con Xa 

     Từng sợi chỉ trong tay hiền mẫu ,
        Tấm áo con yêu dấu ngày đi .
         Đường kim thật chặt chi li ,
     Sợ con bê trễ những khi quên về .
             Tấm lòng tấc có ủ  ê ,
Cũng không đáp nổi một trời nắng xuân .
                               Mailoc
***
        Lời Du Tử

Đường kim sợi chỉ trong tay mẹ
Chiếc áo lãng du đã khoác rồi
Lòng mẹ chắt chiu từ mũi nhỏ
Để con thanh thản phút quy hồi
Nỗi lòng tấc cỏ nào so nổi
Thảm nắng ba xuân rộng biển trời.
               Nguyễn Đắc Thắng
                      20150328
***
1-     Bên Con Lòng Mẹ

Se chỉ luồn kim tấm áo con,
Thương yêu rất mực đặng vuông tròn.
Đường xa vá víu bàn tay mẹ,
Nẻo khuất đường kim mủi chỉ còn.
Có trễ hay chăng, không áy náy,
Bao la tình mẹ chớ hao mòn.
Công lao, ngọn cỏ chưa nao núng,
Góp lại ba xuân há xứng nào...

2 -         Theo Bước Con Đi

          Trên tay kim chỉ sẵn sàng,
      Mẹ khâu lại áo kỹ càng cho con.
           Nẻo xa một tấm lòng son,
      Quan san cách trở núi non sá gì.
            E rằng trễ nãi đường đi,
     Chiếc thân tấc cỏ hồi qui an lành.
       Ba xuân dương ánh qua nhanh,
Báo đáp ơn nghĩa sinh thành đặng chăng !

                  Mai Xuân Thanh


***
         Khúc Ca Người Du Tử
         Mẹ hiền kim chỉ trên tay
Khâu con chiếc áo cho ngày lãng du
   Chắt chiu mũi chỉ, đường khâu
    E rằng con trẻ còn lâu mới về
      Mấy khi ngọn cỏ xanh kia
 Báo đền ơn nắng vỗ về ba năm ?!
                Phương Hà phỏng dịch
***
Lời ngâm của người con đi xa

Hiền mẫu, chỉ trong tay
Thân áo, đứa con này.
Đi xa, may nhặt mũi;
E trễ, ở lâu ngày.
Lòng tấc cỏ, ai bảo :
Ánh ba xuân, báo đây.
       Danh Hữu dịch

Trong Kiều, câu thơ 617 - 620 :

           Đau lòng tử biệt, sinh ly;
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên.
        Hạt mưa, sá nghĩ phận hèn,
  Liệu đem tấc cỏ, quyết đền ba xuân.

Nguyễn Du đã mượn ý thơ Mạnh Giao để nói việc nàng Kiều hạ quyết tâm dùng thân mình để báo hiếu cha mẹ : công dưỡng dục là nặng, cuộc tình khó thể so, vì nếu cha bị đi tù thì mẹ cũng khó sống nổi. Liệu đây là lo liệu, là nàng đã tính toán rồi đi đến quyết định.
Liệu, Quyết là những chữ đắc thế của câu thơ.
Danh Hữu
(Dimanche, 29/03/2015)
***
Câu Ngâm Của Người Con Đi Xa

       Nâng niu sợi chỉ trong tay
   Mẹ khâu tấm áo ơn dày xiết bao
     Đường kim mũi chỉ khít khao
    Ngày về e muộn ý trao giữ bền
        Lòng con tấc cỏ nào quên
Xứng sao công khó đáp đền ba xuân
                            Kim Phượng
***
Theo huynhhuuduc.blogspot.com

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Trung Thu Nhắc Chuyện Đường Minh Hoàng

Khi nhắc đến vị vua lãng mạn đa tình Đường Minh Hoàng, mọi người đều không thể không nói đến Vũ Khúc Nghê Thường. Nhân mùa trung thu, chúng ta cùng tìm hiểu về vũ khúc này được trích từ "Điển Hay Tích Lạ" của Nguyễn Tử Quang.

                    Khúc Nghê Thường Vũ Y



Theo truyền thuyết (sách "Dị văn lục") thì khúc vũ này do Đường Minh Hoàng (*) du Nguyệt điện về chế ra cho những người cung nữ múa hát.
Nguyên một đêm Trung Thu, niên hiệu Khai Nguyên đời nhà Đường (713-741), vua Minh Hoàng thấy trăng sáng, mơ ước được đặt chân đến đấy xem chơi. Có đạo sĩ tên La Công Viễn (có sách chép là Diệp Pháp Thiện), người có phép tiên mới dùng giải lụa trắng, hóa thành một chiếc cầu đưa nhà vua đến Nguyệt điện.
Trong điện bấy giờ sáng rực. Tiếng nhạc du dương. Những nàng tiên trong những xiêm y xinh tươi, lộng lẫy, uyển chuyển múa hát như đàn bướm đủ màu tha thướt, bay lượn bên hoa.
Đường Minh Hoàng càng nhìn càng thấy say mê, quên cả trời gần sáng, nếu không có La Công Viễn nhắc thì quên trở về.
Nhờ ghi nhớ các điệu nên khi trở về triều, Đường Minh Hoàng chế thành khúc "Nghê Thường vũ y" để tập cung nữ múa hát. Rồi cứ đến đêm rằm tháng tám, Đường Minh Hoàng cùng với Dương Quý Phi uống rượu dưới trăng, ngắm đoàn cung nữ xiêm y rực rỡ, uyển chuyển múa khúc Nghê Thường để tưởng như sống trong cung Quảng Hàn, điện Nguyệt.
Truyền thuyết này có tính cách thần thoại.
"Đường thư" chép: Đường Minh Hoàng lên chơi Nguyệt điện, thấy các tiên nữ mặc áo cánh chim, xiêm y ngũ sắc, hát bài "Tây Thiên điệu khúc", đến khi trở về trần, còn nhớ mang máng. Nhằm lúc có Tiết độ sứ là Trương Kính Thuật từ Tây Lương, đem khúc hát Bà La Môn đến biếu, Minh Hoàng truyền đem san định lại và đổi tên là khúc "Nghê Thường vũ y".
Tài liệu này có phần thực tế.
"Nghê" là cầu vồng. Tiếng miền Nam gọi là cái mống, do ánh nắng xuyên qua hơi nước trong mây nên phân thành bảy màu. Sách Tàu ngày xưa chỉ nhận có năm màu.
"Thường" là xiêm, để che phần hạ thân của người. "Nghê Thường" có nghĩa là xiêm cắt bằng năm màu. "Vũ y" là áo dệt bằng lông chim. Hay có nghĩa là kiểu áo theo hình cách chim.
"Nghê Thường vũ y", ta có thể cho đó là những vũ nữ mặc áo theo hình cánh chim, còn quần thì bằng lụa phất phới ngũ sắc.
Những nhà sử học và khảo cổ học đã cho biết: đời Đường (và trước đời Đường), người Tàu đã có một khái niệm rõ rệt về địa dư vùng Tân Cương mà họ thường đến để mua bán và... chinh tây. Mặc dù người Tàu chưa từng chinh phục Ấn Độ nhưng sự bang giao về thương mại và chính trị đã có từ đời Hán (206-196 trước D.L.). Ấn Độ là nơi mà đạo Bà La Môn rất phồn thịnh. Lắm khi người Tàu và người Tân Cương lúc bấy giờ gọi phần đất Ấn Độ là Bà La Môn quốc. Bằng cớ là vào năm 629, lúc nhà sư Trần Huyền Trang (thường gọi là Đường Tam Tạng) đi thỉnh kinh ở Ấn Độ, ghé nước Cao Xương. Vua nước này có viết một bức thư cho vị Khả Hãn Tây Đột Quyết, yêu cầu Khả Hãn hết sức ủng hộ Huyền Trang đi dễ dàng đến "Bà La Môn quốc".
Vậy, ta có thể cho khúc "Nghê thường vũ y" là hình thức biến chuyển của khúc hát "Bà La Môn" đã có trước tiên ở phần đất Ấn Độ ngày xưa. Nó truyền sang Tàu ở đất Tây Lương do Tiết độ sứ Trương Kính Thuật đem dâng cho Đường Minh Hoàng.
Đất Tây Lương chính là huyện Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc ngày nay của nước Tàu. Trước đời nhà Đường, Đôn Hoàng đóng một vai trò quan trọng về phương diện văn hóa và thương mại.
Về mặt văn hóa, Đôn Hoàng chính là nơi các pháp sư Ấn Độ đến nghỉ ngơi, giảng đạo trước khi đi sâu vào đất Tàu. Về mặt thương mại, Đôn Hoàng là đầu cầu nối liền đường chở tơ lụa từ Tàu sang Ấn Độ, Ba Tư đến Địa Trung Hải. Ở đây là nơi tập trung các đoàn thương gia quốc tế chuyên chở hàng hóa trên lưng lạc đà tấp nập để trao đổi sản phẩm. Các nhà sử học gọi là "Đường tơ lụa" (Route de la soie). Con đường dài xa thẳm ấy phải trải qua nhiều nước nhỏ với những vùng nông nghiệp rải rác phì nhiêu. Những nước nhỏ này nay đã bị diệt vong. Nhưng từ đầu công nguyên, những nước này có một nền văn hóa khá cao, chịu ảnh hưởng Ba Tư, Ấn Độ và Trung Hoa. Nước đáng chú ý nhứt là nước Qui Tư. Nước này giỏi về âm nhạc và vũ khúc. Nhạc công đội khăn đen, mặc y phục bằng lụa đỏ, tay áo thêu. Bản nhạc của họ có nhiều tên thơi mộng "Trò chơi giấu kim thoa", "Người ngọc chuyền ly rượu", v.v... Khi hòa tấu, có bốn người biểu diễn ca vũ. Ở vùng núi nước Qui Tư có những ngọn suối đàn. Nước nhỏ xuống đá từng giọt phát âm bổng trầm. Mỗi năm một lần các nhạc sĩ đến lắng nghe để phổ thành nhạc. Phụ nữ nước Qui Tư rất đẹp. Gương mặt tròn, đều đặn. Y phục đặc biệt là nhiều kiểu, nhiều màu, thêu thùa khéo léo. Đàn ông mặc áo trắng viền xanh hoặc xanh viền trắng. Đàn bà mặc hai kiểu áo: tay rộng và tay chật. Áo trắng bâu xanh. Áo đen có thêu hình màu xanh trắng. Áo dài xanh viền vàng hoặc có sọc vàng. Phải chăng đó là những màu "nghê thường"?
Vậy, căn cứ vào khoa khảo cổ và sử học, ta có thể cho khúc "Nghê Thường vũ y" là một ca vũ khúc Ấn Độ truyền sang. Trên con đường phiêu lưu bằng "con đường tơ lụa" trước khi truyền sang Trung Hoa, khúc ca vũ này đã bị các sắc tộc dọc đường biến cải ít nhiều. Và khi đến Trung Hoa thì nó được chấn chỉnh lại cho hợp với dân tộc tính Trung Hoa do một nhà vua phong lưu tài tử, ăn chơi rất mực. Trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, có câu:
             Dẫu mà tay múa, miệng xang,
Thiên tiên cũng ngoảnh Nghê Thường trong trăng.
 
 
Trong "Bích Câu kỳ ngộ" cũng có câu:
 

       Đong đưa khoe thắm, đưa vàng,

Vũ y thấp thoáng, Nghê Thường thiết tha.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn

*****
(*)
Đường Huyền Tông (chữ Hán: 唐玄宗, bính âm: Tang Xuanzong, 8 tháng 9 năm 685 - 3 tháng 5 năm 762), hay thường gọi là Đường Minh Hoàng (唐明皇, bính âm: Tang Ming Huang), tên thật là Lý Long Cơ (chữ Hán: 李隆基, bính âm: Li Lung chi), thụy đầy đủ là Chí Đạo Đại Thánh Đại Minh Hiếu Hoàng đế (玄宗至道大聖大明孝皇帝), là vị hoàng đế thứ bảy hoặc thứ chín[5] của triều đại nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc.
Lý Long Cơ xuất thân là con trai thứ ba của Đường Duệ Tông, vị hoàng đế thứ năm (hay thứ bảy) của nhà Đường. Thời niên thiếu của ông chứng kiến những biến động to lớn của triều đại, từ việc nữ chúa hưng khởi cho đến Vi hậu mưu đoạt đế vị... Hoàng tử trẻ tuổi Lý Long Cơ trưởng thành từ hoàn cảnh đó, nên từ nhỏ đã nuôi chí chấn hưng xã tắc Đường triều. Năm 710, sau khi bác ruột là Đường Trung Tông bị mẹ con Vi hoàng hậuCông chúa An Lạc ám hại, ông liên kết với cô là Công chúa Thái Bình, tiến hành chánh biến Đường Long, phế truất họ Vi, tôn Duệ Tông Lý Đán trở lại ngôi vua. Sau đó, Lý Long Cơ được phong làm Bình vương rồi Hoàng Thái tử. Năm 712, Long Cơ được vua cha nhường ngôi, trở thành Đường Huyền Tông. Sau khi đăng cơ, Huyền Tông thanh trừng các phe cánh chống đối của Công chúa Thái Bình, chấm dứt gần 30 năm biến động của nhà Đường. Sau đó, ông bắt tay vào việc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trọng dụng nhân tài, ngăn chặn quan liêu lãng phí, mở ra thời kì Khai Nguyên thịnh trị kéo dài hơn 30 năm.
Tuy nhiên về cuối đời, Đường Huyền Tông sinh ra mê đắm trong tửu sắc, không chú ý đến nền chính trị ngày càng bại hoại suy vi, bên trong sủng ái Dương Quý Phi, bỏ bê việc nước, bên ngoài trọng dụng gian thần Lý Lâm Phủ, khiến cho nền thống trị ngày càng xuống dốc. Các phiên trấn do người Hồ cai quản được trọng dụng quá mức, trong đó có mạnh nhất là tặc thần An Lộc Sơn. Năm 755, An Lộc Sơn chính thức phát động loạn An Sử sau đó nhanh chóng tiến về kinh đô. Tình thế nhà Đường lâm vào bờ vực của sự diệt vong, Huyền Tông và triều đình phải bỏ chạy khỏi kinh thành Lạc Dương, đi đến Thành Đô. Cùng năm 756, con trai ông là thái tử Lý Hanh xưng đế, tức là Đường Túc Tông, Huyền Tông buộc phải thừa nhận ngôi vị của Túc Tông, lên làm Thái thượng hoàng.
Cuối năm 757, khi quân Đường giành lại được Trường An, Thái thượng hoàng Huyền Tông mới được đón về kinh đô nhưng không còn quyền lực và bị gian thần Lý Phụ Quốc ức hiếp. Những ngày cuối cùng của ông sống trong u uất và thất vọng cho đến lúc qua đời vào ngày 3 tháng 5 năm 762, ở tuổi 79.

Theo  vi.wikipedia.org


Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Lòng Tin Của Người Phật Tử (tiếp theo 3)- Tin Lời Phật Dạy Là Chân Chính

 


TIN LỜI PHẬT DẠY LÀ CHÂN CHÍNH

Ta tin những lời dạy vàng ngọc của Phật, tức là ta thực hành lý nhân quả-luân hồi-nhân duyên để áp dụng vào trong đời sống hằng ngày. Muốn được quả tốt thì ta phải tạo nhân tốt và những duyên phụ thuộc cũng phải tốt mới được. Từ lý nhân quả này, chúng ta xét thấy mọi việc trên thế gian không có gì xảy ra bỗng dưng khi không mà có được. Chúng ta phải đi từ nhân tới quả bằng sự quán chiếu và nghiệm xét. Nhân mình làm tốt thì quả tốt, nhân mình làm xấu thì quả xấu. Biết được nhân quả phù hợp với đạo lý làm người rồi, chúng ta phải quyết tâm cố gắng ngăn ngừa từ nhân, không cho nhân xấu phát sinh. Ta đã không tạo nhân xấu mà biết tìm cách phát huy tạo nhân tốt, đó là người Phật tử chân chính. Như chúng ta thường thấy, “gieo nhân thì gặt quả” như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Người làm nghề nông chọn lựa giống tốt, chuẩn bị cày bừa thì phải làm sạch cỏ dại, rồi mới phân nước đầy đủ, chờ khi thời tiết thuận lợi mới có thể gieo giống. Bởi giống tốt và siêng năng chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây lúa tốt tươi, bông lúa nặng trĩu, nhiều hạt, và cuối cùng là thu hoạch một mùa bội thu.

Như có anh nông dân kia sau thời cuốc ruộng mệt nhọc, anh vào ngồi nghỉ dưới gốc cây, vô tình có một con thỏ bị con thú lớn rượt đuổi nên hoảng hồn chạy thụt mạng, đâm sầm vào gốc cây chết liền tại chỗ. Anh nông dân mừng quá, nghĩ rằng từ nay về sau khỏi cần làm ruộng, cứ mỗi ngày ra đây ngồi chờ con thỏ đến nộp mạng. Đây là quan niệm của những kẻ lười biếng muốn ăn không ngồi rồi mà hưởng thụ. Họ nghĩ rằng tất cả đều là ngẫu nhiên khi không nên sinh ra tư tưởng không muốn làm mà muốn có ăn; như anh chàng nông dân kia thay vì tin sâu nhân quả, muốn trúng mùa lúa bội thu thì trước tiên phải lựa giống tốt, sau đó cuốc ruộng, phơi đất, vô nước, bón phân, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật làm ruộng, cộng với thời tiết, nhân duyên thuận lợi thì chắc chắn sẽ trúng mùa. Nếu chúng ta cứ mỗi ngày ra ngoài bờ ruộng, chắp tay nguyện Phật trời cho con mùa này trúng lúa mà không chịu làm gì hết như anh nông dân trên thì thật là điều vô lý hết sức. Ta không chịu gieo giống, tạo nhân duyên đầy đủ về mọi phương diện mà đòi có quả trọn vẹn, tốt đẹp thì không bao giờ có được. Đó là lẽ thật. Người thông minh, sáng suốt biết siêng năng, cần cù trong mọi công việc, biết chọn nhân tốt để gầy dựng tương lai và sự nghiệp cho gia đình được kết quả trọn vẹn trong hiện tại và mai sau. Ngược lại, người không biết tu tạo phước đức, thường hay tạo nhân xấu ác thì quả xấu sẽ đến như người trộm cướp sẽ bị bắt và chịu tù tội. Tất cả quý Phật tử khi nghe lời Phật dạy đã hiểu rồi thì ráng cố gắng chọn lựa nhân tốt để làm, nhân xấu loại ra, bất cứ làm việc gì chúng ta cũng lấy nhân quả làm nền tảng thì lợi ích vô cùng.

Thế gian có nhiều người gây nhân mà không dám chịu quả; như trong nhà có nhiều anh chị em mà ta lỡ tay làm bể cái chén quý của mẹ, do không dám nhận lỗi nên khi cha mẹ tra hỏi ta đổ thừa không biết. Cuối cùng, mẹ phải bắt tất cả anh chị em trong nhà ra điều tra, mấy đứa kia đâu có làm bể nên chúng nói không biết. Mẹ giận quá phải đánh đòn hết để điều tra ra sự việc coi ai làm bể. Chúng ta đã lỡ tạo nhân thì phải can đảm chịu quả, nhận lỗi lầm về mình do sơ xót làm bể, “dạ thưa mẹ, đây là lỗi của con, con lỡ như vậy, xin mẹ thương mà tha thứ bỏ qua cho con”. Ta biết nhận lỗi như vậy thì mẹ nào lại chẳng thương yêu, tha thứ. Ta khỏi làm phiền hà khiến anh chị em bị đòn oan. Thế cho nên, người biết tin sâu nhân quả và dám chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình là người sống có nhân cách và phẩm chất đạo đức tốt. Người nào không tin nhân quả là người yếu đuối, hèn nhát, không có hiểu biết và nhận thức đúng đắn, nên sống càn, sống dở, làm tổn hại cho gia đình, người thân và xã hội.

Kế đến ta tin con người sau khi chết không phải là hết mà chỉ thay hình, đổi dạng tuỳ theo nghiệp nhân gieo tạo tốt-xấu của mình. Ta tin có tái sinh, luân hồi thì càng làm mình thêm dè dặt hơn để trong đời sống như thế nào cho phải đạo làm người; bởi ai cũng muốn đời sống sau được bình yên, hạnh phúc, có tất cả tiền tài, danh vọng, nên phải giữ gìn 5 điều đạo đức, là chuẩn mực thước đo lòng người trong hiện tại và mai sau: Không sát sanh hại vật; không gian tham trộm cướp, lường gạt của ai; không tà dâm phi pháp; không nói dối hại người; không uống rượu say và hút chích xì ke, ma túy. Ai giữ được 5 điều trên thì bảo đảm đời sau được sinh trở lại làm người có nhân cách và phẩm chất tốt đẹp. Chúng ta tu để chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành được an vui, hạnh phúc, làm tròn trách nhiệm bộn phận đối với gia đình, người thân và phục vụ lợi ích cho xã hội. Người không sát sanh hại vật thì đời sau sống thọ và ít bị bệnh hoạn. Người không gian tham trộm cướp thì đời sau không bị ai lấy cắp, lường gạt. Người không tà dâm thì đời sau sẽ đẹp đẽ, đoan chính, trang nghiêm, ai thấy cũng mến thương. Người không nói dối hại người thì đời sau nói năng lưu loát, nói ra mọi người đều tin theo, không bị ai nghi ngờ. Người không uống rượu say, không hút chích xì ke, ma túy thì đời sau sanh ra thông minh, sáng suốt, trí tuệ đầy đủ. Như chúng ta đã thấy, chỉ cần tin sâu nhân quả và giữ giới đầy đủ, trọn vẹn thì ta sẽ có một tương lai tốt đẹp mà khỏi cần phải cầu khẩn, van xin một ai. Những ai không tin sâu nhân quả và kiếp luân hồi tái sinh thì đâu có biết tu, nên đời sau họ sẽ đau khổ, lầm mê.

Một người biết giữ gìn 5 giới và tất cả mọi người đều giữ giới thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc, làm gì có chiến tranh, binh đao tàn sát, giết hại lẫn nhau. Nhà nào có người bị vướng vào tệ nạn xã hội thì trộm cướp hoặc rượu chè be bét, hút chích xì ke, ma túy thì đó là họa lớn làm tổn hại cho mình và người. Cho nên, người Phật tử chân chính sẽ không làm phiền luỵ đến một ai mà con đem lại hạnh phúc cho gia đình, người thân và giữ gìn tốt an ninh trật tự cho xã hội. Chúng ta nhờ tin lời Phật dạy nên quyết tâm ứng dụng và hành trì thì kết quả mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cuộc sống. Qua đó, chúng ta mới thấy lời Phật dạy là chân lý nhiệm mầu luôn giúp cho mọi người biết sống yêu thương nhau bằng tình người trong cuộc sống.

TIN CHƯ TĂNG VÀ BIẾT CUNG KÍNH

Ta tin Tăng - tức những người vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn cho mọi người biết cùng tu học. Tăng là những người hiến trọn đời mình cho mục đích trên cầu thành Phật, dưới cứu độ tất cả chúng sinh. Nhờ có chư Tăng ni thay Phật truyền đạt lời dạy của Ngài, khiến Chánh pháp được mở mang rộng rãi giúp nhiều người sống tốt hơn. Nhờ vậy, những ai tiếp thu được Phật pháp sẽ sống bình yên, hạnh phúc hơn và sẵn sàng chia vui, sớt khổ trên tinh thần vô ngã, vị tha. Tuy nhiên, Tăng cũng có nhiều loại, đại khái lược lại có 3 loại là: Bồ tát Tăng, Thanh văn Tăng và phàm phu Tăng. Đây là Tăng bảo chân chính xứng đáng được mọi người y chỉ tu học và tôn kính cúng dường. Phật dạy, đối với Tam bảo Phật-Pháp-Tăng ta phải kính tin trọn vẹn. Phật thì tuỳ duyên giáo hoá, cứu độ chúng sinh vượt thoát biển khổ, sông mê và đã nhập Niết bàn, nay chỉ còn lại lời dạy vàng ngọc của Ngài. Tăng là những người kế thừa sự nghiệp của Phật, hiến trọn đời mình vì lợi ích nhân loại; nhưng ta tin Tăng mà không thần tượng quá vị thầy của mình, vì thần tượng dễ sụp đổ và dễ dàng đả phá, công kích người khác do thấy thầy mình nhân cách, đạo đức hơn người.

Tăng phàm phu là những người chân thật, vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn mọi người, nguyện hiến đời mình cho lý tưởng giác ngộ, giải thoát, giúp mọi người bớt khổ, thêm vui, tránh ác, làm lành với tinh thần thương yêu, đùm bọc, san sẻ cho nhau nhằm chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc trong từng phút giây. Tuy phàm phu Tăng vẫn còn nhiều khiếm khuyết do chưa thành tựu đạo quả, nhờ học hiểu, tu tập tới đâu thì đem ra hướng dẫn mọi người tới đó. Cho nên, ai phát tâm cúng dường phàm phu Tăng vẫn được phước báo vô lượng, vô biên. Ngày nay, đối với Tăng bảo trong thời đại này chúng ta cần phải tìm hiểu và chọn lọc. Vì sao vậy? Vì thời đức Phật còn tại thế, Ngài biết căn cơ, trình độ, căn tánh của mọi người, nên khi giáo hóa gặp ai có cơ duyên, Ngài dạy xong họ nhận hiểu và ứng dụng rất mau ngộ đạo. Vì vậy, thời Phật trực tiếp giáo hóa Tăng Ni cũng như Phật tử được gọi là thời Chánh pháp, 100 người tu thì 100 người ngộ đạo.

Thực tế trong cuộc đời này, phàm phu Tăng là số đông gần gũi với chúng ta nhất. Phàm phu Tăng chân thật tu hành, thuyết pháp độ sinh mang tinh thần Thánh Tăng Bồ tát và Thánh Tăng Thanh Văn, đem đạo pháp vào đời cũng bắt đầu từ phàm phu Tăng. Phàm phu Tăng là số đông đang tu học nên quý Phật tử dễ tiếp cận và gần gũi hơn, do đó mọi người vẫn học hỏi được những điều hay lẽ phải để áp dụng tu tập vào trong đời sống hằng ngày. Nhiều khi chúng ta rất mâu thuẫn, mình khuyên nhủ mọi người chuyển hoá lòng tham hoặc không nên uống rượu, hút thuốc, mà bản thân lại uống, hút liên miên. Như vậy, mình dạy người thì ai tin được? Cho nên, buộc lòng mọi người phải chọn lọc, tìm hiểu kỹ càng chứ không nên nghe ai nói sao tin vậy. Do đó, chúng ta phải dè chừng, cẩn thận, nếu ta dễ tin mà không tìm hiểu chín chắn thì vô tình làm cho Tăng bảo bị mất giá trị và ảnh hưởng không tốt đến sự tu tập của nhiều người.

TỰ TIN CHÍNH MÌNH

Kế đến, ngoài việc tin Tam bảo, tin lời Phật dạy, chúng ta còn phải tự tin nơi chính mình. Tin mình là tin cái gì? Tin ta có đủ khả năng thay đổi hoặc chuyển hóa những nghiệp nhân xấu-ác trở thành nghiệp thiện lành-tốt đẹp. Ta tin mình có khả năng bỏ được những hành động xấu và cố gắng làm những điều hay lẽ phải để giúp người, cứu vật. Trước kia khi chưa biết tu, quý Phật tử trực tiếp giết hại những con vật như gà, vịt, bò, heo để nuôi sống gia đình. Bây giờ biết tu, mặc dù vẫn ăn thịt cá nhưng chỉ mua ăn những con đã chết hoặc làm sẵn, như vậy chúng ta đã biết chuyển nhân giết hại từ từ, tự mình thấy được sự tác hại của nó, thấy sát sinh hại vật là nhân gây thù chuốc oán, làm khổ đau cho người và vật. Ý thức được sự giết hại là khổ đau nên ta quyết tâm từ bỏ thì bỏ được, chớ đâu ai bỏ thế cho mình được. Thật vậy, ai tin nhân quả tức cũng là tin vào chính mình. Ta tin rằng khổ đau hay hạnh phúc đều do chính mình tạo lấy từ những suy nghĩ, nói năng, rồi dẫn đến hành động. Đạo Phật không tin vào một đấng thần linh thượng đế hay tạo hóa nào có quyền ban phước, giáng họa trên thế gian này. Cho nên, Kinh nói ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào đã làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy. Do đó, tin nhân quả là tin thành Phật hay thành chúng sanh, sống cuộc đời hạnh phúc hay khổ đau, sang hay hèn, phú quý hay bần tiện… đều tùy thuộc vào chính bản thân mình có tu tập hay không tu tập mà thôi. Nhận rõ được quả báo hành vi, ngôn ngữ và ý niệm của chính mình như vậy, chúng ta sẽ không oán trách trời đất, không phiền muộn gia đình và xã hội, mà chỉ biết tự trách mình. Chúng ta sẽ tích cực tu tâm dưỡng tánh làm sao cho mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn, để cuộc đời được tươi sáng và gia đình hạnh phúc hơn.

Nếu chúng ta tin tưởng ở chính mình có khả năng thay đổi được các nghiệp nhân xấu ác và các thói quen nghiện ngập, thì ta sẽ trở thành người tốt trong hiện tại và mai sau. Ngược lại, nếu ta không tin nơi chính mình, cứ đổ thừa tại-bị-thì-là mà không can đảm vượt qua để rồi phải chịu khổ đau suốt đời, suốt kiếp. Cho nên, niềm tin nơi chính mình rất quan trọng, nó đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao độ và nhận thức rõ ràng về sự tác hại của nó, nhờ vậy giúp ta thăng tiến trên con đường tu tập mà cố gắng vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Đó là ta đã tự tin chính mình để chuyển hoá những thói quen bên ngoài, nhưng tin như vậy chưa đủ, ta còn phải tin mình có tính biết sáng suốt ngay nơi thân này, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy mà không khởi niệm phân biệt đẹp-xấu, sự vật như thế nào thì ta thấy biết rõ như thế ấy, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Như vậy, ai cũng có Phật tính thanh tịnh, sáng suốt hay chiếu soi muôn loài vật, nên thấy biết, nghe biết, ngửi biết, nếm biết, thân xúc chạm nóng lạnh biết và ý biết tất cả. Khi chúng ta tu, ta biết cách chuyển hoá và buông xả thì tâm hoàn toàn thanh tịnh; do đó, trí tuệ sáng suốt sẵn có phát ra. Trí tuệ ấy vượt ngoài tất cả hiểu biết thông thường của thế gian, nên Phật gọi là vô sư trí, tự nhiên trí hay căn bản trí. Chúng ta có trí vô sư, có trí căn bản, có trí tự nhiên, nhưng không chịu tin nhận nên đành phải chịu sống trong đau khổ, lầm mê.

Đức Phật là một con người, chúng ta cũng là con người, đức Phật có sẵn trí vô sư, trí tự nhiên, trí căn bản, thì chúng ta cũng có đầy đủ như Ngài. Vậy tất cả mọi người có tin không? Nếu không tin là bởi lòng tin của chúng ta còn yếu quá, vì thế mình tu hoài mà không thấy giác ngộ. Nếu chúng ta vững niềm tin nơi chính mình, khẳng định mình cũng sẽ giác ngộ như Phật trong nay mai thì ta mới mong thực hiện được nguyện vọng cao cả ấy, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ tất cả chúng sinh. Ở thế gian, các nhà khoa học hoặc bác học khi muốn nghiên cứu một đề tài gì họ phải dồn hết cả tâm lực vào đó, có khi quên cả vợ con, quên cả tắm rửa, quên cả ăn uống, họ dồn sức đi sâu trong vấn đề đang nghiên cứu. Nhờ dồn sức mãnh liệt như vậy, qua một thời gian bỗng dưng họ sáng lên nên mới gọi là phát minh. Như vậy có ai dạy họ phát minh không? Tự họ sáng ra do tâm thanh tịnh, sáng suốt và chuyên nhất, không tạp loạn. Đó là trí vô sư đã sẵn mà trước kia họ lo học, lo tìm kiếm, lượm lặt bên ngoài, nên trí ấy không thể phát ra được. Bây giờ, họ trở lại chuyên tâm dồn sức để phát huy trí tuệ của mình, do đó nó phát ra. Điều này chứng tỏ chúng ta ai cũng có sẵn trí vô sư, nhưng vì mình không chịu nhận mà lãng quên nên không dùng được, rồi tự cho mình là ngu si, mê muội.

Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Như vậy, tất cả chúng ta đều có chủng tử, có nhân duyên sẽ thành Phật. Người tu quyết chí đi tới giác ngộ viên mãn, chớ không phải tu cầm chừng cho có, thì nhất định sẽ thành Phật trong tương lai. Chúng ta đến với đạo Phật không phải để cầu khẩn, van xin, không phải để nương tựa thần quyền hay đấng tối cao nào khác, mà ta phải biết nương tựa chính mình, hoạ hay phúc từ ta mà ra. Niềm tin trong đạo Phật hướng về những điều mà Đức Phật đã giác ngộ, đó là duyên sinh, là nhân quả nghiệp báo, là vô thường-khổ-không-vô ngã. Nếu chúng ta xây dựng niềm tin không vững chắc, hoặc niềm tin có được trên cơ sở nhận thức cảm tính mà không xuất phát từ lý trí, từ kinh nghiệm thực tiễn, thì sớm muộn gì niềm tin ấy cũng bị đổ vỡ. Người ta dễ dàng bỏ đạo, thay đổi thái độ, quan điểm, cũng chỉ vì niềm tin không vững chắc và kiên cố, do không có sự tìm tòi, cân nhắc và do tham muốn quá đáng. Người ta dễ dàng bị lôi cuốn, tha hóa, chạy theo tà đạo, rơi vào mê tín dị đoan, làm điều bậy bạ cũng vì không có niềm tin chân chính, lâu dài.

Ngoài ra, còn một điều hết sức quan trọng là lòng tự tín của người Phật tử. Đây là niềm tin căn bản nhất không thể thiếu. Lòng tự tín là lòng tin vào khả năng giác ngộ của chính mình, tin rằng mình sẽ thành Phật nếu biết cách nỗ lực tu hành. Bởi sự giác ngộ là tự mình giác ngộ chứ không ai có thể giác ngộ thay thế cho mình, vì thế nếu không có lòng tự tin thì chúng ta không cố gắng nỗ lực bền bỉ, lâu dài. Tóm lại, niềm tin căn bản trong đạo Phật là niềm tin Tam bảo Phật-Pháp-Tăng và niềm tin chính mình, tin vào khả năng giác ngộ của chính mình, tin mình có thể đạt đến chỗ hoàn toàn giác ngộ, giải thoát. Một khi có niềm tin nơi Tam bảo là những gì được xem là chân lý, là thánh thiện, thì con người sẽ phấn đấu hướng đến những gì tốt đẹp nhất để đạt được mục tiêu an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai; cũng như con thuyền đã xác định được phương hướng nên biết bến đỗ nơi đâu. Phật ngày xưa khi chưa thành tựu đạo pháp, nhưng nhờ có niềm tin đã khơi dậy được tánh giác nên Ngài thành Phật, còn chúng ta có tánh giác mà chưa chịu nhận nên ông Phật của mình còn ngủ quên chớ không phải không có. Bây giờ, nếu khéo tu, khéo chuyển thì chúng ta sẽ thành Phật, sẽ giác ngộ như Ngài trong nay mai.

Có nhiều người cứ nghĩ mình đủ thứ mê muội, nhiều tội lỗi, đủ thứ xấu xa nên dễ gì thành Phật, nhưng Phật đã mở ra một con đường sáng để chúng ta có đủ niềm tin mà tu hành; bởi chư Phật luôn muốn chúng sanh được giác ngộ chớ các Ngài không muốn chúng sinh chìm mãi trong biển khổ, sông mê. Quí vị khi nào được năm ba phút không nghĩ việc này, việc nọ hay không, nếu làm được vậy sẽ thấy trong đầu mình thảnh thơi, sáng suốt và an lạc vô cùng. Chúng ta càng suy nghĩ, tính toán thì càng thêm rối rắm; càng suy nghĩ thì càng bị căng thẳng, nên dễ bị bệnh thần kinh; cũng như muốn cho nước trong mà ta cứ quậy hoài thì biết bao giờ nước mới trong được. Cũng vậy, tâm chúng ta lăng xăng, điên đảo, cuồng loạn, hết nghĩ cái này lại tính cái kia vì sợ bị mất mát, thiệt thòi. Bây giờ biết tu rồi ta phải ngồi lại nhìn nó, thấy được từng tâm niệm lăng xăng chạy đôn chạy đáo, chạy ngược chạy xuôi, biết nó là vọng tưởng liền buông bỏ không theo, nhờ vậy dần hồi tâm bớt loạn động.

Muốn vượt ra ngoài biển khổ, sông mê thì chúng ta phải giác ngộ, giải thoát hoàn toàn mới được. Như hiện giờ trong tâm mỗi người mình nhớ cái gì nhiều nhất? Chắc chắn là không ngoài hai niệm thương và ghét, thương nhiều cũng nhớ mà ghét nhiều lại càng nhớ hơn, quý vị có thấy vậy không? Vì hai niệm thương-ghét này mà chúng ta phải đau khổ hoài, thương mà không được gần cũng khổ, ghét mà gặp nhau hoài càng khổ. Như vậy, trong lòng mình cứ luôn chất chứa cái thương-cái ghét, cái buồn-cái giận và đủ thứ hết. Những thứ đó là nhân sẽ đưa chúng ta đi trong luân hồi sanh tử, gặp lại nhau để đền trả mãi không thôi. Nhà Phật gọi thương nhiều là ái, tức là yêu thích; từ ái sẽ dẫn tới luyến lưu trong đời này và đời sau gặp lại nhau tiếp. Ghét nhiều là tắng, tức là bực tức, thấy mặt là không ưa rồi, cũng là nhân dẫn tới đời sau phải gặp lại nhau. Muốn không nằm trong cái vòng lẩn quẩn thương-ghét đó ở mai sau nữa thì chúng ta phải dứt lìa hai niệm thương-ghét đó. Do không tỉnh giác hoặc thói quen tập khí quá sâu dày, nên chúng ta cứ ôm ấp những nhân đau khổ, vì vậy đời này khổ và đời sau càng khổ hơn. Thế cho nên, Phật dạy chúng ta tu là phải ngăn ngừa từ nhân, chừa bỏ những niệm xấu-ác để đời sau có mặt trên thế gian không gặp phiền muộn, khổ đau nữa. Đó là ta biết tu và có niềm tin nơi chính mình. Người Phật tử chân chính phải tập làm chủ bản thân ngay nơi từng ý niệm của mình. Một niệm vừa khởi lên ta tìm cách chuyển hoá, bỏ hoặc không bám víu theo thì tự động nó sẽ lặng xuống cho đến khi nào tâm mình lắng trong, thanh tịnh, sáng suốt; được như vậy ta mới sống đời giác ngộ, giải thoát.

Đức Phật dạy: “Chiến thắng vạn quân không bằng thắng chính mình. Thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất”. Cho nên, làm chủ chính mình mới là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng. Người Phật tử chân chính phải cố gắng, nỗ lực, quyết tâm chuyển hóa từ ý nghĩ cho đến lời nói, hành động, làm sao chuyển hóa nghiệp xấu-ác trở thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ, rồi chúng ta sẽ từng bước chuyển từ một phàm phu trở thành một Thánh nhân. Đó là quyền của mỗi cá nhân, ai cũng có thể làm được và ta phải tin chắc như vậy. Gốc của sự tu hành chính là tin nơi khả năng giác ngộ của mình, tin nơi trí tuệ sẵn có của mình, Phật có thì ta cũng có, vì Phật là con người mà ta cũng là con người.

(hết)

Thích Đạt Ma Phổ Giác
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Xướng Hoạ: Ngư Ông Gác Mái

Xướng

       Ngư Ông Gác Mái
Đêm về gác mái lão ngư ông
Mặc chiếc thuyền nan lạc cuối dòng.
Bẽn lẽn ghẹo râu làn gió mát
Sụt sè mơn tóc ánh trăng trong.
Lợi danh quang gánh đâu vừa ý
Sông nước thả câu rất thỏa lòng.
Sao rụng đầy khoang, đêm tĩnh mịch
Lão ngồi nhấp rượu ngắm hư không.
                 Cuối Xuân Nhâm Thìn 2012 
                            Quang Tuấn
 
***
Các Bài Họa:
 

               Ông Câu
Lơ lững xuôi chèo một lão ông
Thuyền đơn đêm vắng thả theo dòng
Rơi rơi mờ ảo làn sương lạnh
Toả toả lung linh ánh nguyệt trong
Men rượu tỉnh say đời chán ngấy
Thuyền câu êm ả thảnh thơi lòng
Nam kha giấc mộng còn chi tưởng
Danh lợi phồn hoa cũng chỉ không
                                  Quên Đi
***
            Bóng Ngư Ông

Thuyền con một chiếc bóng ngư ông,
Chiều xuống lênh đênh thả giữa dòng
Vời vợi sông khuya làn sóng bạc
Mơ màng đêm tối lớp sương trong
Đèn câu mờ tỏ soi mui lá,
Trời Đất mênh mang lắng tiếng lòng
Danh lợi bon chen đà mệt mỏi
Buông cần vui thú với trời không 
                                   Mailoc
                                  9-24-12
***
              Ông Câu

Bến vắng xuồng con một lão ông
Vài cây cần trúc thả xuôi dòng
Hững hờ trăng nọ hòa sương trắng
Chăm chú phao này gợn nước trong
Con nước lớn ròng lo tất dạ
Cảnh đời no đói bận bên lòng
Ai đầy danh vọng câu tiêu khiển
Sao biết nỗi buồn rộng trống không!
                           Cao Linh Tử
                              27/8/2014
 
***
           Thú Câu Đêm 

Chiều nay gió nhẹ chiếc ghe ông,
Thấp thoáng thuyền nan đậu giữa dòng.
Ngóng đợi buông câu nghe đớp động
Trông chờ bủa lưới nước Thu trong
Thuở xưa Lã Vọng câu thời vận...
Hậu thế người ta nguyện tấm lòng.
Ngắm cảnh hoàng hôn buồn tịch mịch,
Bên bờ hiu quạnh có hơn không!
                        Mai Xuân Thanh
              Ngày 26 tháng 08 năm 2015
***
              Gác Mái  

Có gì đây nhỉ ở bên ông?
Lỉnh kỉnh thuyền câu đợi chuyển dòng
Trăng đã cuối tuần nên bớt tỏ
Nước thời triều xuống cũng đâu trong
Khiến cho Lã Vọng chưa tròn ý
Còn biến Ngư nhân khó toại lòng
Thành thử quan ngài buồn gác mái
Quay về bến lạ với tay không.
                                Thái Huy
                                  8-27-15
***
      Ngư Ông Buông Cần

Một chiếc thuyền câu có lão ông
Gác chèo xuôi mái thả xuôi dòng
Lục bình níu nhợ mơ vầng nguyệt
Nhánh trúc cầm phao ước nước trong
Ôm mộng Tử Nha chưa thỏa chí
Mượn cần Lã Vọng tạm yên lòng
Công danh thế sự đành xin gác
Thử hỏi ai nhàn hơn lão không ?
                            Song Quang
***
   Ông Câu Trên Vàm Ba Láng

Ba Láng chiều chiều một lão ông,
Chiếc xuồng ba lá thả xuôi dòng.
Mái chèo nhẹ quẩy vầng trăng sáng,
Nón lá chập chờn bóng nước trong.
Bắt bóng thả mồi theo thói tục,
Tranh danh đoạt lợi đã nguôi lòng!
Câu ca vọng cổ nghe văng vẳng,
Gió thoảng chập chờn tiếng được không!
                               Đỗ Chiêu Đức
***
       Tâm Sự Ngư Ông

Tâm sự về chiều một lão ông
Chiếc thuyền câu nhỏ thả xuôi dòng
Gió lay gợn nhẹ làn sương ẩm
Tay với vốc đầy bụm nước trong
Kẻ sĩ lỗi danh buồn tránh mặt
Nho gia thất chí tạm ru lòng
Khúc sông dìm lắng lời vô cảm
Con cháu ngỡ ngàng nỗi trống không!
                  Nguyễn Đắc Thắng
                          20150828

***
Theo longhovinhlong.blogspot.com

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Tuyển Tập Thư Thầy 20 - 21



[Thư số 20]


Ngày ........ tháng ........ năm ........

Con,

Thầy có nhận được thư con, nhưng lúc này Thầy ít khi ở chùa nên chưa trả lời chắc con trông lắm. 

Con ạ, sống trên đời con sẽ thấy đối nội và đối ngoại đều quan trọng cả. Đối nội thì mình phải trong sáng, hồn nhiên, bình lặng. Đối ngoại thì mình phải thương yêu, giúp đỡ, hòa thuận với mọi người. Không nên quá vì mình cũng không nên quá vì người. Cả hai đều cần cả. Hơn thế nữa khi có tâm hồn trong sáng mới có thương yêu và mới thấy giá trị của tình yêu thương. 

Khi thương yêu đừng nên thiên chấp, khi được thương yêu đừng nên thủ trước. 
Khi trở về với mình đừng nên vị ngã, khi quên mình đi đừng để vong thân. 

Phật có ba đức: Trí đức là sáng suốt, biết mình, biết người. Tịnh đức là trong sạch, trầm lặng. Bi đức là xả kỷ vị tha, nghĩa là thương yêu cứu giúp chúng sanh. 

Sống được hài hòa con sẽ thấy mọi thứ đều giá trị, vì vậy con chớ khinh suất một sự việc gì dù xấu, dù tốt, dù nhỏ, dù lớn ở trên đời. 

Thôi, Thầy dừng bút, chúc con mạnh giỏi.

Thân ái chào con.

Thầy.



[Thư số 21]



Ngày ..... tháng ..... năm .....

Con,

Thầy đã nhận được thư con, Thầy biết không chính xác nhưng biết chắc rằng con đang gặp phải một nỗi khó khăn. Thầy tự trách là quá thờ ơ với những nỗi khổ của con. Nhưng Thầy cũng trách con là đã không nói thật hoàn cảnh của con cho Thầy biết. Con sợ làm phiền Thầy, con sợ đánh mất sự thanh thản của Thầy, và vì vậy con đóng kịch để Thầy yên tâm. Con đã lầm với thiện ý ấy. Chính ra Thầy cần phải biết mọi nỗi khổ ở đời để sửa sai mình và nuôi lớn tình yêu thương nhân loại.

Thầy rất dễ chủ quan với tâm hồn thanh thản của mình, tưởng cái gì cũng dễ dàng, tưởng cái gì cũng nhẹ nhõm và rồi phớt tỉnh trước mọi sự, trước mọi nỗi khổ đau của nhân loại chúng sanh. Không, con hãy đem đến cho Thầy những nỗi khổ đau phiền muộn của con để Thầy biết yêu thương và thông cảm, để Thầy có thể chia sẻ và gánh vác cùng tha nhân những nỗi thống khổ ở đời.

Có yêu thương là có đau khổ, điều ấy chỉ đúng cho những ai bị hệ lụy trong vòng ái luyến vị kỷ. Nhưng nếu lòng từ ái vị tha có đem lại khổ đau thì khổ đau ấy chỉ giúp ta càng thêm lớn mạnh.

Chung quanh ta biết bao là ràng buộc khổ đau! Cha mẹ, chồng con, anh chị em, Thầy, bạn, xóm giềng và cả sự sống của bản thân ta nữa. Tất cả đều trở nên hệ lụy nếu ta cứ loay hoay trong vòng tính toán vị kỷ và tình thương ấy quả chỉ đưa ta vào khổ não triền miên. Nhưng nếu tình yêu thương lột bỏ được tính chất ích kỷ thì tất cả mọi khổ đau sẽ trở thành giải thoát.

Tuy nhiên vị tha không có nghĩa là đánh mất mình mà cứ loay hoay lo cho kẻ khác. Vị tha chỉ có nghĩa là gột sạch tính ích kỷ hắc ám để ta có được một tấm lòng trong sáng, cởi mở, sẵn sàng chia sẻ và cảm thông với người. Ta có thể giúp đỡ kẻ khác, ta cũng có thể dửng dưng hoặc thậm chí có thể xua đuổi kẻ khác, tùy theo hoàn cảnh mà vẫn có lòng vị tha.

Ðôi lúc lo cho kẻ khác chỉ để được lòng người, để người kính nể, để người thương mến v.v... Ðôi lúc lo cho kẻ khác vì sợ hãi, vì cả nể, vì nhu nhược, vì danh dự, vì tự tôn hoặc tự ti v.v... Ðôi lúc lo cho kẻ khác vì bị nô lệ vào ý tưởng rằng mình sẽ được một đức tính vị tha mà mọi người ưa chuộng. Như vậy, không phải là vị tha mà chỉ là vị kỷ.

Lòng vị tha chỉ có khi thành thực với chính mình, với hoàn cảnh, với mọi người. Không nên vị tha quá sức mình, không nên vị tha một cách bất đắc dĩ, không nên vị tha để khoa trương, không nên vị tha để hóa trang cho lòng ích kỷ hoặc che giấu một sự thật chua cay. Khi Thầy đói con chia sớt cho Thầy nắm cơm hạt muối, đó là thành thực vị tha. Vị tha không phải chỉ có cho mà không nhận. Vị tha cũng không cân lường bằng số lượng mà giá trị ở tấm lòng. Tấm lòng chân thành, cởi mở và thương yêu.

Thầy có thể  không có tiền để cho ai một đồng nào mà Thầy vẫn vị tha. Thầy có thể sống bằng sự bố thí của tín đồ mà vẫn vị tha v.v... Bởi vì nếu Thầy có một tấm lòng bao dung cởi mở thì cho hay nhận đều là vị tha, đón mời hay xua đuổi đều là vị tha, giúp đỡ hay cầu viện đều là vị tha v.v...

Ở quê Thầy có nhiều người đỗ đạt, cưới vợ hoặc được thăng quan tiến chức họ thường có tục lệ đãi đằng hàng xóm. Có khi họ phải vay nợ đến phải trả hàng chục năm mà vẫn phải đãi đằng! Họ tưởng như thế là vị tha. Họ có thể phải nghèo khổ nợ nần cả đời đôi khi chỉ vì một chút hư danh! Rõ ràng là họ thiếu thành thực và cởi mở.

Bên Lào người ta có phong tục thật cởi mở. Khi dư thì đem đến chùa cúng, khi thiếu thì cứ đến chùa mà ăn. Phong tục ấy thành thực hơn tục lệ đãi đằng của mình rất nhiều.

Tất nhiên nếu chỉ nhận mà không cho vì lười biếng, ích kỷ thì không được. Nhưng nhận trong hoàn cảnh khó khăn khách quan nào đó thì chẳng có gì đáng ngại, chẳng đánh mất lòng vị tha nếu ta chân thành cởi mở.

Nếu con chân thành kính mến Thầy thì không phải chỉ cúng dường Thầy mà khi thiếu hụt con có quyền được Thầy chia sớt. Bởi vì nếu con chỉ cúng dường thì khi không có gì để cúng dường con phải lánh Thầy hay sao?

Dân miền Trung thường bị thiên tai bão lụt, thường phải nhận sự giúp đỡ của những người hảo tâm ở miền nam. Như vậy chưa hẳn dân miền Trung đã không có tình yêu thương đồng loại. Nhưng nếu người miền nam bố thí đồng bào nạn nhân một cách khinh bỉ, cao ngạo thì họ cũng chỉ là những người ích kỷ, xan tham.

Thường người ta hiểu chữ vị tha theo nghĩa lo bao đồng mà quên rằng vị tha cốt ở tấm lòng thành thực, bao dung và cởi mở.

Thường người ta hiểu chữ vị tha là lòng tự ái, chỉ giúp người chứ không chịu để người giúp mình, e đó là một cái nhục.

Vì hiểu như thế người ta đã tạo cho đời mình thêm phức tạp với những hành động thiếu thiết thực, thiếu chân thành.

Con thương mến,

Hãy bắt tay vào đời sống một cách chân thành và thiết thực. Hãy làm những điều cần thiết, giản dị và cởi mở. Hãy lo cho mình, cho chồng con, cho cha mẹ, cho anh em một cách thiết thực với khả năng của mình, không buông trôi hờ hững cũng không làm quá sức mình, hoặc làm điều không cần thiết.

Thầy mong rằng con có thể vượt qua được những khó khăn hiện tại bằng cách sống cởi mở chân thành, giản dị và thiết thực.

Chúc con thành công.

Thầy.

Trích trong Tuyển Tập Thư Thầy
Thiền Sư Viên Minh
Sưu tầm: Hanh Nghiêm