Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

"Mưa Ơi Cứ Mưa Đi"




Trong Thiền có câu nói rằng: "Thức đắc bổn tâm bổn tánh chính thị tông môn đại bệnh" nghĩa là cho rằng mình đã ngộ được Phật Tánh, Tâm Không, Thực Tánh Chân Đế, v.v... thì đó chính là đại bệnh trong Thiền. Đó có thể chỉ là tưởng tri và thức tri quá mạnh mà lưu xuất ra thôi.

Một vị Alahan giác ngộ khi thấy cái cốc mình đang trú bị dột đã thốt lên một câu nói thật bình thường: "Mưa ơi cứ mưa đi", bởi vì giác ngộ thì thấy "núi vẫn là núi, sông vẫn là sông" chẳng có gì khác thường cả.

Nếu có thì chỉ là bậc giác ngộ không còn vấn đề gì để đặt ra nữa thôi.

Tất cả mọi công án đều chỉ bày cái bình thường hiển nhiên như nó đang là nhưng vì người ta tưởng chứa đựng trong đó cái gì phi thường lắm nên chẳng thể thấy ra. Có người hỏi chân lý cùng tột là gì, một thiền sư chỉ ngay ba cân mè đang trước mặt. Nghĩ nát óc cũng không tìm ra thiền ý nào, vì đơn giản nó chỉ là ba cân mè thôi mà, nào có ý gì đâu!

Không mê là thiền, không lầm là ngộ, chứ chẳng có thiền có ngộ gì cả, nếu có thiền gì khác thường là do cái "ta" ảo tưởng lừa, nếu có cái ngộ gì đặc biệt thì chỉ là hoa đốm giữa hư không. Đơn giản bởi vì đâu cũng là Chân Lý, chỉ vì không thấy nên cứ mãi kiếm tìm...

Chỉ là mưa vẫn cứ rơi
Chỉ là lá rụng tơi bời trước hiên
Chỉ là chẳng ngộ chẳng thiền
Chỉ là tâm chẳng đảo điên kiếm tìm...


Sưu tầm: Tuệ Nghiêm

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Sống Như Là...





Đời chật chội khiến lòng ta .. sống hẹp,
Đường quanh co nên nhân thế quanh co?
Ngày nắng hạ biến ta thành sa mạc
Ngó đau thương.. hồn vô cảm, ơ thờ..

- Tôi không đợi mong anh bao hoàn hảo
Vì chính mình đã toàn vẹn gì đâu!
Chỉ xin thắp trong trái tim hoài bảo
Sống trên đời ý nghĩa.. biết thương nhau.

Sẽ sai xót nếu nghĩ mình luôn đúng
Và mọi người ai nấy cũng đều sai.
Người biết sống, sống giữa nghìn khác biệt
Vẫn nhìn nhau, thông cảm, biết quan hoài.

Trong bóng tối ta vẫn nhiều cố tật
Chớm buông lời.. liền nghĩ đến tự thân
Ai cũng có những niềm riêng, bí mật
Để cho yên, thì khoảng cách thêm gần.

- Lòng như nắng trải đều, không một phía
Hồn như mưa, mưa khắp cả ngàn phương
Tình như gió, gió tỏa về muôn hướng
Sống như là.. không cố chấp. Yêu thương...


Thích Tánh Tuệ
Trích từ: Đạo Phật Ngày Nay
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Bài Thơ Mẹo Vặt Để Chữa Bệnh

Để có được kinh nghiệm chữa nhiều bệnh nặng hay nhẹ đòi hỏi con người phải trải qua nhiều thời gian để có được kinh nghiệm rồi đúc kết và mách cho người khác. Sau đây là 1 bài thơ mang tính chất như vậy mà bạn nên biết vì rất có thể sẽ dùng đến trong cuộc sống.Mấy hôm nay, cư dân mạng đang "dậy sóng" vì một bài thơ đúc kết kinh nghiệm chữa những bệnh hay gặp nhất trong cuộc sống thường ngày.
Thực ra, trong những tình huống "khẩn cấp" về tình trạng sức khỏe, không phải ai cũng đủ bình tĩnh để nhớ ra cần phải làm gì. Vì thế một bài thơ dễ thuộc, dễ nhớ thế này có thể là "cứu cánh" cho bạn.

Chẳng may bị bỏng nước sôi
Ngâm vào nước lạnh một hồi khỏi ngay.
Chẳng may dầm đâm vào tay
Xà phòng đắp lại ra ngay vài giờ.
Vôi bắn vào mắt bất ngờ
Nước đường hãy nhỏ không chờ một ai.
Nhức răng cắn ngậm gừng tươi
Hoặc múi tỏi nướng ở nơi đau nhiều.
Khi bị xương hóc chớ kêu
Ngậm viên C, xương sẽ tiêu dần dần.
Viêm họng uống nước rau cần
Bỏ thêm tí muối vài lần hết đau.
Máu cam chảy, bày cho nhau
Cục bông tẩm giấm nhét vào hết ngay.
Trái nhàu chín vị thuốc hay
Đắp vào mụn cóc ít ngày sẽ thôi.
Nếu bị ong đốt nhớ bôi
Một viên aspirin vào vết đau.
Muốn lạc rang dầu giòn lâu
Phun ít rượu trắng bắt đầu trộn lên
Đợi cho khi lạc nguội thêm
Rắc một chút muối đã rang khô vào.
Cá nướng không muốn tróc ít da nào
Trước khi nướng, hãy xoa vào mặt da
Một lớp mỡ mỏng, nhớ nha
Lúc đầu đun lửa lớn, sau là lửa nhỏ hơn.
Cách khử mùi tanh của tôm
Khi luộc, cần nhớ thêm vào miếng quế thơm.
Muốn cho cá hấp, béo ngậy hơn
Để lên mình cá miếng mỡ gà, vậy thôi.
Nếu muốn Nách mình đỡ hôi
Rau Ngò hãy nhớ ăn nhiều nghe không?
Hạn chế căn bệnh tăng xông (Cao huyết áp)
Thường xuyên nhớ đến cái ông rau cần.
Nhai sống, hoặc uống trà gừng
Nôn mửa sẽ hết, bạn đừng có quên.
Ngó sen xào, không muốn thâm đen
Trong khi xào, nhớ cho thêm nước vào.
Bị côn trùng đốt thì sao?
Tinh dầu Tràm hãy bôi vào thật nhanh.
Nếu muốn bảo quản quả Chanh
Cắt đôi úp nửa còn vào dấm chua.
Gan muốn giải độc thì mua
Mỗi tuần 2 – 3 quả trứng (ăn vừa vậy thôi)
Rau cải, không thiếu được rồi
Uống thật nhiều nước, giúp hồi lại gan.
Muốn da trắng trẻo, mịn màng
Rửa, nước vo gạo đầu tiên, hàng ngày.
Nếu bị mồ hôi chân, tay
Kiên trì ngâm nước muối mỗi ngày, bạn ơi.
Mồm ăn hành, tỏi bị hôi
Cứ nhai một ít bã chè sẽ thơm.
Khi ngủ nhớ ôm gối ôm
Hoặc nằm nghiêng trái, sẽ hết mồm ngáy ò ó o.
Để miếng sườn rán không co
Trước khi rán chúng, hãy tìm thớ gân
Tìm thấy chớ có tần ngần
Khía 2,3 phát 1 lần là ngon.
Muốn bóc hoa quả dễ hơn
Nhúng vào nước nóng, đồng thời vớt ngay
Thế rồi cứ lấy móng tay
Bảo đảm sẽ được chén ngay dễ dàng.
 

Mailoc Sưu tầm

Theo  http://longhovinhlong.blogspot.com

 

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Tích Truyện Pháp Cú 01




PHẨM SONG YẾU

Nếu con mắt ngươi làm hại ngươi. Hãy móc bỏ nó đi.

Ý dẫn đầu các Pháp
ý làm chủ, ý tạo
nếu với ý ô nhiễm
nói lên hay hành động
khổ não bước theo sau
như xe chân vật kéo.


Sưu tầm: Hoa Nghiêm

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Tuyển Tập Thư Thầy 16 - 17




[Thư số16]


Ngày ..... tháng ..... năm .....

Con thương mến,

Lần trước nhận được thư con Thầy trả lời ngay, Thầy viết rất rõ ràng và giải thích cặn kẽ. Tiếc là con không nhận được thư ấy.

Nay nhân chị NN ra Thầy viết lại cho con.

Con là một Phật tử may mắn. Ngay từ khi vào đạo con đã gặp những Thầy hay, bạn tốt truyền cho con tinh thần giác ngộ của Ðạo Phật, Đạo Phật có giá trị là khi nào nó đem lại cho con người một đời sống giác ngộ. 

Một người học đạo chỉ đến chùa để cầu phước, van xin khấn vái để được thế này thế kia theo ước vọng trong lòng họ, vậy là Ðạo Phật chỉ đáp ứng tham vọng. 

Người nghèo cầu được giàu, người bịnh cầu được lành, người thường dân muốn được danh vọng, người khổ muốn được vui... họ cầu Phật nếu đuợc thì Phật linh, họ cúng, nếu không được là Phật không linh, họ bỏ chùa. 

Còn một hạng người thứ hai tìm học tất cả pháp môn của Phật, trở thành học giỏi, thông minh, lý luận, vậy là Ðạo Phật đáp ứng khát vọng tri thức. Nhưng rồi khi tiếp xúc với đời sống họ lúng túng, sợ hãi, toan tính, dối gian v.v... cuối cùng họ kết luận Ðạo Phật chỉ là một mớ lý thuyết.

Không, Ðạo Phật có nghĩa là sự sống giác ngộ, và giản dị làm sao khi con ăn biết mình đang ăn; khi đang đi, đứng, nằm, ngồi biết mình đang làm như vậy. Khi sân biết tâm mình có sân, khi buồn biết tâm mình có buồn, khi đau đớn biết mình đau đớn, khi vui thích biết mình vui thích, khi chơn chính biết mình chơn chính, khi sai lầm biết mình sai lầm. Ðó là sống đạo, đó là sống hồn nhiên và trong sáng.

Con không cần tính toán, so đo, lo nghĩ vì dù có lo toan con cũng chẳng giải quyết được gì hơn, con chỉ cần trầm tĩnh để mọi việc được giải quyết một cách trực tiếp và bình thường, đời sống thực sự mới giản dị làm sao, thế mà con người cứ làm cho nó rắc rối và khó khăn thêm trong khi cố tìm an ổn.

Hai người đi xe đạp ngược chiều vô ý đụng nhau, xây xát chút đỉnh thế mà lớn chuyện mới kỳ. Họ nổi nóng gây gổ, xỉ vả rồi ấu đả... cuối cùng phải bị dẫn tới công an xử phạt mất hết cả buổi, mất công ăn việc làm, ở nhà cha mẹ, con cái trông đợi, v.v... Thế tại sao họ không mỉm cười xin lỗi, phủi bụi, sửa lại dây sên rồi lên xe đi làm công việc của mình nhỉ? Sống biết mình là thế, là giản dị biết bao, cuộc đời thế ra có gì rắc rối đâu, phải không con?

Thầy mong rằng con sẽ hiểu đạo, sống đạo, nghĩa là sống trung thực với sự sống.

Chúc con an vui.

Thầy.


[Thư số17]



Ngày ..... tháng ..... năm .....

DT con,

Cách đây khoảng một tuần, Thầy có viết thư cho con, nhân nghe D nói con bịnh. Hơn nữa lâu quá Thầy cũng trông thư con, muốn biết con đã tiến bộ ra sao?

Trước khi C vào, Thầy có trả lời con một lá thư, trong đó Thầy giải thích làm thế nào để nhiếp phục tâm sân hận, bằng cách tránh nó hay bằng cách nhìn thẳng vào nó, không biết con đã nhận được chưa, hay là thư đó của NT, nếu vậy con mượn NT để xem nhé. Bây giờ Thầy nói thêm một chút.

Khi giận con cố giữ tâm bình thản hoặc niệm Phật với tâm thư thả hoặc buột miệng hát lên... đều là những cách né tránh thực tại. Né tránh cũng là một phương pháp tu trong trường hợp thích ứng. Vì vậy con có thể áp dụng nếu con muốn, miễn là thành công. Nhưng Thầy thích nhìn thẳng vào thực tại hơn, nghĩa là nhìn thẳng vào cơn giận.

Như Thầy đã nói, có hai cách tu tâm: một là chỉ, hai là quán. Chỉ là giữ tâm yên tĩnh bằng cách tập trung tư tưởng vào một đối tượng nhất định, như niệm Phật, đếm hơi thở v.v... để giữ tâm không xao động. Hàng ngày lúc nào thuận tiện con có thể tập an chỉ tâm như vậy trong 5, 10 phút hoặc hơn tùy theo điều kiện của con.

Còn quán là soi chiếu tâm, phần nhiều là lúc nó khởi động. Như khi con giận là tâm khởi động, hãy chú tâm soi chiếu hành tướng của nó "đây là cơn giận phát sinh"... "đây là cơn giận hiện hành"... "đây là cơn giận lắng dịu"... "đây là cơn giận chấm dứt"... trong một vài niệm như vậy con sẽ thấy không còn đâu là giận cả, bây giờ chỉ còn lại hơi thở gấp, tim đập mạnh v.v... Ðó chỉ là sự xáo trộn còn lại trên thân sau tâm sân hận chứ không phải là sân hận. Con có thể hít vào một hơi thật sâu, thở ra từ từ bằng miệng để điều hòa nhịp tim lại, trong năm ba hơi thở là xong. Ðó là cách làm chủ thân tâm bằng soi chiếu, cùng với một vài phương tiện kỹ thuật giản đơn mà hiệu nghiệm.

Thầy đã nói rất nhiều rằng không phải tránh khổ đau, phiền não, không phải tránh tranh chấp, ganh tị... ở đời. Làm sao con thoát được khi bản chất cuộc đời là như vậy? Thật ra chính nhờ những xô đẩy đó con mới biết cách tự điều chỉnh mình sao cho có thể tự tại giữa những được mất, hơn thua, thành bại, xấu tốt... và biết bao những mâu thuẫn khác ở đời. Nếu không có những xô đẩy đó con sẽ trở thành yếu đuối không sao giác ngộ, giải thoát được.

Con bảo khi đọc thư Thầy thì đời có vẻ dễ sống, phiền muộn dễ quên, khó khăn dễ vượt. Coi chừng, con nói oan cho Thầy đó nghe. Thầy không bao giờ khuyên con quên phiền muộn, vượt khó khăn đâu. Thầy thường bảo con phải bình tĩnh đối diện với nó, học hỏi nó. Chỉ cần con đừng sợ hãi thì khó khăn, phiền muộn thế mấy cũng như không.

Thầy rất thông cảm với con khi con phải đương đầu với bao nhiêu phiền lụy của cuộc sống trên hành trình giác ngộ, có những lúc con sợ hãi cô đơn. Ai cũng thế cho đến khi nào chưa đứng vững một mình, nhưng bên cạnh con còn có Thầy và các bạn, sẵn sàng chia sẻ với con. Nếu Thầy để con một mình thì việc gì Thầy phải quan tâm hướng dẫn con. Chính con cũng thấy rằng luôn luôn vẫn có Thầy bên cạnh những khổ đau sợ hãi của con, tất nhiên không phải để làm vơi đi những khổ đau đó mà để giúp con có thêm lòng can đảm và giữ vững niềm tin mà "vác thập tự giá" của mình. Con đừng sợ hãi phiền não, con không nghe người ta nói phiền não tức Bồ Ðề sao? Phát tâm Bồ Ðề tức là con dám đón nhận mọi ưu phiền của cuộc đời cho sự nghiệp giác ngộ.

Con đừng có ý tưởng tự ti, cảm thấy mình yếu hèn, tội lỗi, không xứng đáng với Phật, không xứng đáng với Thầy, con hãy dứt bỏ ý tưởng ấy đi. Lòng từ bi của Phật, tình thương yêu của Thầy không đủ lượng bao dung hay sao?

Tất nhiên con còn có những tình cảm, những ước vọng, những thôi thúc rất yếu đuối. Nhưng Thầy không bảo con phải thành thánh, phải tinh khiết, phải hoàn toàn, Thầy chỉ khuyên con nên lấy đó làm chất liệu cho sự giác ngộ mà thôi, hãy cám ơn những thứ đó đã giúp con chất liệu trui rèn trí tuệ.

Con đừng tưởng Thầy là thánh, hoặc Thầy tinh khiết hoàn toàn. Không, Thầy cũng như con với tất cả cảm giác, tình cảm, ước vọng, thôi thúc của một con người. Thầy không cầu làm thánh, không cầu tinh khiết, không cầu hoàn hảo, Thầy chỉ làm người tỉnh giác trước sự bất toàn của đời sống.

Nếu đi con đường của Thầy, con không cần thêm gì, không cần bớt gì, không cần bỏ gì, không cần đạt gì, con chỉ cần giác ngộ. Nhưng giác ngộ là bản tính của con, con đâu cần phải tìm kiếm đâu xa:

Thấy như thực thấy
Nghe như thực nghe
Xúc như thực xúc
Biết như thực biết

là bản chất sẵn có nơi con. Cái gì làm cho không thấy được như thực, cái ấy là vọng; cái gì giúp con thấy được như thực, cái ấy là chơn. Vậy con không cần tự ti, mặc cảm với cái này hoặc tự tôn, tự đại với cái kia. Cái gì cũng có giá trị khi nó là thực, khi nó được nhìn qua cái nhìn giác ngộ. Những gì con thấy là xấu xa, nó chỉ xấu xa khi mê, nhưng nó trở thành tốt đẹp khi giác ngộ.

Vậy con đừng tự ti, đừng sợ hãi, hãy chỉ giác ngộ mà thôi.

Chào con.

Thầy.

Trích Trong Tuyển Tập Thư Thầy
Thiền Sư Viên Minh
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Hoài Niệm Vu Lan




Cứ mỗi độ thu về, nhìn những chiếc lá vàng rơi xào xạc với những áng mây trôi lững thững, xa xa, đâu đó, thấp thoáng những cánh nhạn tung trời, mắt dõi theo mà lòng con bồi hồi xúc động vì nhớ đến một mùa Vu Lan nữa lại về!

Vu Lan ơi! công sanh thành dưỡng dục
Vu Lan về! con nhớ tưởng Mẹ Cha.

Khó tả xiết bao khi nói đến Công lao Cha Mẹ, chín tháng cưu mang, ba năm ẵm bồng, ướt Mẹ nằm, khô ráo phần con, dành cho con các cuộc thanh nhàn, lo lắng cho con mà chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm…Nhưng các con có mấy ai nghĩ đến ơn đức ấy, bởi vất vả với cuộc sống mà các con quên đi nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với Mẹ Cha, quên đi niềm hạnh phúc mình còn đủ Cha Mẹ trong cuộc đời, tự các con đã đánh mất đi niềm vui được chăm sóc hai đấng sanh thành khi tuổi già bóng xế.

Còn Cha còn Mẹ thì hơn
Không Cha không Mẹ như đờn đứt dây
Đờn đứt dây còn xoay còn nối
Cha Mẹ mất rồi con trẻ mồ côi.

Cha đã không quản nắng mưa nuôi con không lớn, mang cả cuộc đời che chở con con, lặng lẽ âm thầm, Cha không bộc lộ cảm xúc như Mẹ, nhưng đằng sau sự nghiêm nghị ấy chứa đựng cả một tình thương.

Mẹ thì khác Cha, với các con Mẹ như một cô tiên, cần gì, có gì khó nói cũng đều chạy đến bên Mẹ mà thỏ thẻ, những lúc ấy Mẹ xoa đầu, vỗ về mà nựng yêu đứa con khờ.

Cha Mẹ là cả bầu trời thương yêu mà các con là những người hạnh phúc đang thừa hưởng sự yêu thương đó, thế mới biết:

Lên núi nhớ ơn Cha
Xuống sông thương tình Mẹ
Ôi ! núi cao vòi vọi
Ôi ! sông rộng mênh mông
Hai vai con mang nặng
Từ vô lượng kiếp rồi
Ơn Cha và Nghĩa Mẹ
Lặn ngụp biển luân hồi.

Đạo Phật có Đức Quán Thế Âm tượng trưng cho người Mẹ

Thiên Chúa thì có Đức Mẹ Maria cũng mang hình dáng Mẹ, hai hình ảnh ấy đều nói lên những đức tính dịu hiền, tình thương bao la, thương yêu các con như Mẹ thương con vậy!

Người Việt Nam có lối ví von người Mẹ rất bình dị, thân thương:

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau.

Chuối ba hương vừa ngon vừa ngọt, xôi nếp một vừa dẻo vừa thơm, đậm đà ngọt lịm như đường mía lau. Người nhà quê không biết nói một cách cao kỳ, nên họ đã mượn những hình ảnh xung quanh để họa lên hình ảnh người Mẹ.

Nói đến Mẹ thì không bút mực nào nói hết, không văn tự nào có thể lột tả hết về người Mẹ, bởi vì:

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha
Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả thân gầy Cha che chở đời con
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không!

Đức Phật dạy: Sinh ly Tử biệt là điều đau khổ mà tất cả những chúng sanh trong cõi Ta bà đều không tránh khỏi, bởi đó là định luật ngàn thu ấy, nhưng khi đối diện cảnh hợp tan vẫn không sao tránh khỏi sự xúc động nghẹn ngào.

Ngày Cha tôi mất, tôi như kẻ mất hồn, im lặng, đờ đẫn tận sâu trong đáy lòng tôi tự hiểu rằng từ đây tôi đã thực sự mất Cha rồi!

Trời ơi! một sự hối hận trong tôi pha lẫn niềm đau khổ, vì tôi chưa báo hiếu cho Cha một ngày nào .Hơn nửa đời người tôi nghĩ mình đã khôn lớn, nhưng không! người dù năm sáu mươi tuổi mà mất Cha Mẹ thì cũng không lớn thêm được, cũng chỉ là đứa trẻ mồ côi. Bài thơ MẤT MẸ của Xuân Tâm càng làm cho tôi mang nỗi xót xa khi nghĩ về hai đấng sanh thành :

Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi
Độ nhỏ tôi không tin
Người thân yêu sẽ mất
Hôm ấy tôi sững sờ
Và nghi ngờ trời đất
Từ nay tôi hết thấy
Trên trán Mẹ hôn con
Những khi tôi phải đòn
Đau lòng Mẹ la lại
Kìa ! nhà ai bên cạnh
Mẹ con vỗ về nhau
Tìm Mẹ tôi không thấy
Lúc buồn biết tìm đâu
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất Mẹ
Là mất cả bầu trời !

Thật vậy! tôi đã mất đi bầu trời mà không bao giờ tìm lại được, tuổi thơ nghèo khổ cùng những hình ảnh bên người Cha đêm đêm đốt đèn bắt rệp cho các con được yên giấc thì giờ đây chỉ còn là kỷ niệm.

Cha ơi! ở bên kia thế giới Cha có được thảnh thơi chăng? hay bị đọa đày trong cảnh lao lung ấy?

Chiều nay theo bóng Mục Kiền Liên
Ta muốn tìm ra bóng Cha hiền
Chiếc nhạn tung trời theo biển gió
Mùa thu mang nặng nỗi truân chuyên

Biết nói sao đây cho hết nỗi lòng con trẻ, nhớ lời Cha dạy trước lúc lâm chung, con đã nương mình nơi cửa Phật, mượn tiếng chuông chùa cho vơi bớt niềm đau. Giờ đây con thực sự sống xa Cha Mẹ rồi! con như cánh chim trời cô lẻ, bay đi mãi trong cùng tận của không gian.

Nơi phương xa viết đôi dòng cảm xúc
Tận đáy lòng khắc khỏai nhớ Mẹ Cha
Hỡi các con! những ai còn Cha Mẹ
Xin một lần! hãy làm Cha Mẹ vui!

Hạnh Hiếu là Hạnh Phật, Tâm Hiếu là Tâm Phật chắc hẳn người già 60-70 tuổi mà còn Cha Mẹ cũng có thể làm Cha Mẹ vui và tỏ lòng hiếu kính của mình đối với Cha Mẹ, bởi có những hạnh phúc thật đơn giản, bình dị, ít nhất một lần trong cuộc đời bạn cũng có thể ngồi đối diện với Cha Mẹ của mình mà nói rằng: “ Ba Mẹ có biết không? con thương Ba Mẹ nhiều lắm! ” Lời nói không được trau chuốt hoa mỹ, nhưng chắc chắn cả người nghe lẫn người nói đều lâng lâng một niềm hạnh phúc …

Vu Lan pháp nhiệm rải hồng ân
Tự tứ oai linh chuyển lực thần
Phật Tổ Từ bi truyền Chánh Giáo
Mục Liên thành khẩn cứu Từ ân.

Thắng Hội Vu Lan – quả thật mang đầy ‎Ý nghĩa biết bao khi mà nét đẹp tinh thần này đã được lưu truyền từ thời Đức Phật cho đến ngày nay. Phật giáo đã trải qua bao biến cố thăng trầm, nhưng vẫn đứng vững với những Đạo lí sâu xa mà các Tôn giáo khác không thay thế được.

Chúng con - những người con Phật xin đốt nén Tâm hương hướng về Cha Mẹ, tất lòng thành gởi trọn vào Vu Lan.

Hiếu Tâm tưởng nhớ Mẹ Cha
Hiếu Hạnh thiết lễ trai đàng cúng dâng
Hiếu Tu đáp nghĩa muôn phần
Hiếu Dưỡng tánh thiện ở đời bình an
Hiếu Kính thân tộc gia đàng
Hiếu Hòa huynh đệ đẹp trang Đạo Đời
Hiếu Thuận tin kính vâng lời
Hiếu Ngôi Tam Bảo trọn đời hiến Tu .

NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN BỒ TÁT MA HA TÁT .

Thích Nữ Liên Bình

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Đêm Tháng Bảy



Trong xã hội nhiều bôn chen tất bật
Trong dòng đời nghiệt ngã hám lợi danh
Trong tim con Má dường như biến mất
Trong cõi lòng phai hình bóng của Ba 
Vu Lan đến thấy bồi hồi trong dạ
Thầm trách sao con cứ phải đua tranh
Chẳng nhớ đến đấng sanh thành khuất bóng.

Đêm Tháng Bảy khiến lòng con thấm lạnh
Lạnh tâm hồn lạnh bởi vắng tình thương
Thiếu lời khuyên răn dạy của Song Đường
Mà mãi mãi con chẳng còn nghe thấy
Nay lại ước tất cả bao điều ấy
Má Ba ơi giờ biết nói gì đây
Khi nghĩ lại con càng thêm xấu hổ.

Để đêm nay ngồi đối diện với lòng
Nghe thương nhớ trào dâng trong huyết quản.
                                           Quên Đi

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Lòng Tin Của Người Phật Tử




Trong bất kỳ sự nỗ lực nào của con người thì niềm tin đều đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Người thiếu niềm tin chân chính sẽ sống một cuộc đời vô vị, không có ý nghĩa và giá trị thiết thực để đóng góp lợi ích cho gia đình và xã hội.

Phật tử là những người tu theo Phật, bao gồm người xuất gia và cư sĩ tại gia. Vậy lòng tin của người Phật tử là gì? Là tin Tam bảo - ba ngôi quý báu, hiếm thấy, khó gặp ở đời vì sự nhiệm mầu của nó; là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng.

Phật là một con người giống như tất cả mọi người chúng ta; nhờ tu tập, chuyển hoá, buông xả, nên đã giác ngộ hoàn toàn, không còn phiền não tham-sân-si chi phối; tức tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.

Pháp là những lời dạy vàng ngọc của Phật do Ngài tu chứng mà nói ra, được kiết tập trong Tam tạng kinh điển, hướng dẫn mọi người biết được điều hay lẽ phải, điều tốt lẽ xấu trong cuộc đời.

Tăng là những người đi theo con đường của Phật, vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn cho tất cả mọi người cùng tu theo, để chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ, không phải tìm kiếm bên ngoài và cầu cạnh nơi phương trời xa xôi nào đó.

Lòng tin này đối với tất cả mọi người là dễ tin hay khó tin? Dễ tin đối với người đã có nhận thức, hiểu biết chân chính; khó tin đối với người quá tham lam, si mê và ích kỷ. Lòng tin theo Phật giáo phải là chánh tín, tức niềm tin sau khi đã được cân nhắc, nghiệm xét, quán chiếu, hành trì, chuyển hoá nhờ phát sinh trí tuệ. Niềm tin mà thiếu sự hiểu biết chân chính tức tin mù, tin quáng, tin suông mà không có sự kiểm chứng, thể nghiệm về nó; như vậy chính là niềm tin mê tín. Vì thế, khi đã tin thì phải hiểu rõ về bản chất sự thật của nó và hiểu để củng cố, tăng trưởng thêm niềm tin là điều không thể thiếu đối với người Phật tử chân chính.

Trong bất kỳ sự nỗ lực nào của con người thì niềm tin đều đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Người thiếu niềm tin chân chính sẽ sống một cuộc đời vô vị, không có ý nghĩa và giá trị thiết thực để đóng góp lợi ích cho gia đình và xã hội. Niềm tin chân chánh đối với người Phật tử rất quan trọng và cần thiết, nên chúng ta cần phải suy nghĩ và thực tập cho được kết quả tốt đẹp.

Niềm tin là gì?

Từ khi loài người có mặt trên thế gian này, sống giữa trời đất bao la với hiểu biết và việc làm còn giới hạn, nên thường lo lắng và sợ hãi bởi những suy nghĩ cạn hẹp. Họ tưởng tượng ra có một đấng tối cao toàn quyền ban phước, giáng hoạ; nhìn đồi núi chập chùng, cao vót, họ tưởng ra vị thần núi; nhìn biển rộng bao la, mênh mông, họ nghĩ có vị thần biển đang cai trị ở đó, và vô số vị thần có nhiệm vụ cai quản muôn loài vật ở thế gian này. Đó là niềm tin của con người ở thời kỳ sơ khai, tin vào thế giới thần linh một cách tuyệt đối và chấp nhận giao phó số phận của mình, uỷ thác cho thần linh sắp đặt, định đoạt. Về sau, loài người chúng ta thật diễm phúc khi có được nhân duyên tốt đẹp gặp được Tam bảo, tức ba ngôi báu Phật-Pháp-Tăng trên cõi đời này. 

Đức Phật dạy rằng, niềm tin là mẹ sinh ra tất cả công đức lành, người không có niềm tin chân chính không tạo được công đức lâu dài. Do đó, chúng ta tin như thế nào là niềm tin chân chánh để không rơi vào si mê, cuồng tín. Ngài cũng tiếp thu những truyền thuyết đương thời trên nền tảng có suy xét, chọn lọc, bằng sự tu tập của chính mình để khám phá ra thế giới thần linh đúng như thật.

Niềm tin chân chánh được phát sinh sau khi có tu tập, chuyển hoá, nên khác với niềm tin mê muội, tà dại. Ngày xưa, người ta sợ trời đánh nên nghe tiếng sấm sét thì cho rằng có thần sấm sét. Người xưa vì phương tiện để răn dạy những đứa con bất hiếu, ngỗ nghịch, không nghe lời cha mẹ, nên nói rằng trời sẽ đánh kẻ bất hiếu, mục đích là để răn dạy con người sống tốt hơn, biết được đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Ngày nay, khoa học đã phát minh ra được nguyên nhân sấm sét, nên đã làm cột thu lôi ngăn chặn sét đánh; rõ ràng là chẳng có ông thần sấm sét nào cả hiện thân trên cõi đời này.

Đức Phật dạy rằng, niềm tin chân chánh là niềm tin có trí tuệ cân nhắc, soi sáng. Vì thế, đức Phật khuyên chúng ta đừng nghe những gì người khác nói dù đó là truyền thuyết có từ nhiều đời. Nghe điều gì ta cũng phải nên suy nghĩ, tìm tòi, xem sự việc đó có thiết thực, lợi ích hay không. Khi ta muốn tin điều gì mà không có trí tuệ suy xét, không chứng minh được nguồn gốc của nó, thì dễ rơi vào mê tín, dị đoan. Đức Phật cũng dạy chúng ta đừng vội tin những gì được nhiều người tin theo. Nếu họ là nhà trí thức có đời sống đạo đức, nhân cách cao thượng, được nhiều người quý mến, kính trọng, thì ta cũng phải suy xét cho kỹ càng giá trị, lợi ích của họ. Niềm tin của chúng ta căn cứ trên những tiêu chuẩn như vậy mới là niềm tin chân chánh.

Như chúng ta đã biết, niềm tin là mẹ sinh ra các công đức lành được trải nghiệm qua đời sống hiện thực, nếu không chúng ta sẽ phạm phải sai lầm đáng tiếc vì niềm tin mù quáng. Từ đó ta cũng sẽ bị người lợi dụng niềm tin để làm các việc xấu ác. Khi niềm tin của chúng ta bị lợi dụng, chúng ta trở thành người cuồng tín, si mê, dại dột, nên mặc tình giết người vì nghĩ rằng sẽ được lên thiên đường hưởng phước báo tối cao. Phước đâu chẳng thấy, chỉ thấy mang tội giết người và bị tù tội hoặc tử hình, tạo ra bao mối nguy hiểm cho xã hội. 

Trong mối quan hệ giao tế giữa con người với con người, lòng tin tạo nên sự gắn bó thân thiết trong sự liên quan các mối giao dịch làm ăn và củng cố uy tín cho chính mình đối với cộng đồng xã hội. Trong suốt quá trình xây dựng lòng tin đối với mọi người, chính chúng ta cần phải có sự kiên nhẫn và thành thật. Trong sinh hoạt gia đình, sự thương yêu, đùm bọc, sẻ chia cho nhau đều bắt đầu từ lòng tin giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, người thân và láng giềng. Lòng tin như một chất keo luôn gắn bó con người với con người, và là một chất liệu kết nối yêu thương để chúng ta thêm gắn bó và cảm thông với nhau lâu dài.

Ðức Phật dạy, tin là căn bản của sự thành công và là nguồn gốc để phát sinh muôn hạnh lành; nhưng lòng tin của người Phật Tử không phải là một lòng tin cuồng nhiệt, sôi nổi, bốc đồng, mà không có suy xét, kiểm chứng qua sự thực hành. Ðức Phật đã từng nói, “ta chỉ là vị thầy dẫn đường giúp cho mọi người đi đến con đường bình yên, hạnh phúc; ta không phải là một vị thần linh hay một đấng tối cao có quyền ban phước, giáng hoạ”. Người Phật tử tin Ngài là một con người giác ngộ và chúng ta cũng là một con người, ai quyết tâm và kiên trì, bền bỉ thì sẽ biết cách chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Do đó, sự thành công của chúng ta không phải là một thứ mê tín. Một tín ngưỡng mù quáng không xây dựng trên lý trí xét đoán là một nguy hại lớn cho đời sống của mỗi con người, có thể làm cho chúng ta ỷ lại, lười biếng, mà dang tay chờ đợi những giáo điều ngu ngơ, huyền hoặc.

Một đức tin hỗn tạp, thiếu căn cứ đều phát xuất từ lòng tham lam của con người thường tin tưởng, nương nhờ vào một thế lực không có căn cứ rõ ràng. Ðạo Phật truyền vào Việt Nam đã trên 2.000 năm, có những thời rực rỡ, huy hoàng, chói sáng, nhờ vào sự sáng suốt của các nhà vua như thời Lý, Trần; và cũng có những lúc lu mờ, tối tăm, bởi những ông vua đam mê hưởng thụ quá mức chỉ biết cho riêng mình. Con người sống tốt và có ý thức, hay suy thoái đạo đức là do niềm tin không chân chính làm xáo trộn bởi sự hiểu biết sai lầm. 

Một lòng tin chân chính phải đi theo với sự tìm tòi bằng sự quán chiếu, xem xét, hiểu rồi mới tin, thì cái tin ấy mới là chánh tín. Ðối với những ai tu theo đạo Phật tin mà không hiểu rõ ràng thì sẽ dễ lầm đường, lạc lối, tạo sự mất tin tưởng cho người khác. Ðức Phật là một người dẫn đường trong đám người lạc hướng, Ngài đã tốn rất nhiều công sức mới khám phá ra chân lý cuộc đời. Chúng ta ngày nay được thừa hưởng lời Phật dạy mà khỏi phải mất công tìm tòi cực nhọc, vất vã, vì đã có sẵn trên tay tấm bản đồ. Ví như 6 người cùng đi rừng đều khác nước, một người chỉ bỏ công ra tìm nước, khi uống thì 6 người đều hết khát; nhưng người đi tìm nước phải chịu vất vã, cực khổ. Chúng ta bây giờ cũng vậy, ta khỏi phải tốn thời gian, mất công, tổn sức, mà chỉ cần đi theo tấm bản đồ đã hướng dẫn sẵn là có thể đến đích; như người có bệnh được vị lương y cho thuốc nhưng sợ đắng nên không uống, bệnh không lành là do lỗi người bệnh, không phải lỗi do thầy thuốc. Nếu Phật Tử không hiểu lời Phật dạy, không thực hành theo những lời dạy của Ngài, thì Ðức Phật và Tam tạng giáo điển đối với chúng ta không còn ý nghĩa gì nữa hết.

Đạo Phật là đạo của con người vì sự giác ngộ của chính mình và giúp cho nhân loại cùng giác ngộ, giải thoát. Mọi sự mê tín dị đoan, thần quyền đều không có trong đạo Phật; nhưng tại sao rải rác trong các bản kinh lại có nêu ra các vị thần, như Thiên thần, Lâm thần, Thọ thần, Quỷ thần, điều này có ý nghĩa và mục đích gì? Kinh điển Phật giáo tiêu biểu như Kinh Địa Tạng cũng nêu ra rất nhiều loại Quỷ thần, nhằm nói lên nghiệp cảm sai biệt của mỗi chúng sanh trong thế giới lục đạo luân hồi. Đạo Phật không chấp nhận có Quỷ thần ban phước giáng hoạ, điều khiển, sai khiến mọi người bằng một quyền năng vô hình như các truyền thuyết khác. Thế gian này với thiên hình, vạn trạng, vô số chúng sinh đủ loại màu sắc, hình dạng; sự sai biệt đó là do tạo nghiệp bất đồng mà thọ nhận quả báo tốt hay xấu; có loài sống dưới nước như tôm, cá, lươn, cua…; có loài sống trên không như chư Thiên; có loài sống ở đất liền như loài người và các loài động vật, thực vật khác; như thế, Quỷ thần cũng là một loại chúng sanh như vô số chúng sanh khác trong bầu vũ trụ bao la này.

Kinh Phật còn cho chúng ta biết thêm về thế giới quan, có chúng sanh hữu tình, chúng sanh vô tình, có loài hữu hình, hữu tướng, có loài vô hình, vô tướng. Tất cả đều tùy theo căn thức và nghiệp cảm mà có ra vô số sự sai khác, không có một chúng sanh nào cai quản chúng sanh nào mà tuỳ theo nhân tốt xấu để cho ra kết quả tương xứng trong hiện tại. Chính vì vậy, Đức Phật không bao giờ khuyên dạy bất cứ ai cầu khẩn, van xin nơi Quỷ thần vì Quỷ thần cũng chỉ là một chúng sanh và đang chịu sự chi phối, vận hành của quy luật nhân quả.

Tóm lại, giáo lý nhà Phật có nói đến các loại Quỷ thần như là một chúng sanh bị nghiệp cảm thọ báo mang hình hài, nghiệp thức trong loài đó. Phật giáo không chấp nhận có một đấng quyền năng ban phước, giáng hoạ dù là Nhất thần hay Đa thần giáo. Ðôi khi, người Phật tử chỉ biết đặt niềm tin nơi đấng thiêng liêng nào đó để cầu nguyện, van xin, khấn vái cho được tai qua nạn khỏi, cho được bình yên hạnh phúc mà không chịu tìm hiểu rõ nguyên nhân thật giả, không chịu tìm hiểu cho chánh đáng, không chịu học hỏi bằng tâm chân chính; nên một số người lợi dụng chỗ yếu kém đó từ sự mê tín dị đoan, tin mà không hiểu, nên dễ gạt gẫm, dễ lợi dụng, dễ sai khiến; hậu quả khó lường trước được.

Thế gian này là một chuỗi dài phiền muộn, khổ đau nhiều hơn là bình yên, hạnh phúc. Cho nên, nhận định cuộc đời "khổ nhiều vui ít" là một sự thực rõ ràng, nhưng ít ai dám mạnh dạn nhìn nhận. Con người do bộn bề công việc vì mải mê đấu tranh, vật lộn với cuộc sống hằng ngày, nên không có thời giờ để suy tư, tìm hiểu, nghiệm xét. Khi gặp hoàn cảnh khổ đau hay những điều bất như ý, con người chỉ biết oán trời trách đất, đổ thừa xã hội bất công hoặc trách cứ ông bà cha mẹ ăn ở bất nhơn thất đức, nên con cháu bây giờ mới ra nông nổi này.

Lòng tin của chúng ta phải có cơ sở, mà cơ sở đó được trải nghiệm qua sự quán chiếu, tìm tòi. Chính sự quán chiếu đó làm cho ta tăng trưởng thêm sự nhận thức đúng đắn, nhờ vậy trong đời sống ta bớt âu lo, căng thẳng hay phiền muộn, khổ đau. Chúng ta tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong những phút giây làm việc để phục cho tha nhân và không phải bận tâm lo lắng nhiều đến kết quả của nó. Lòng tin khi phát sinh trí tuệ đã giúp chúng ta giải thoát được “cái tôi” dính mắc, cố chấp vào sự hiện hữu của nó. 

Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng đều phải hiểu rằng, không phải lúc nào mọi việc cũng đều thuận lợi như ta mong muốn bởi sự thay đổi bất thường trong cuộc sống. Để củng cố lòng tin, chúng ta cần phải sống có ý chí, kiên trì, bền bỉ và thành thật. Khi gặp những chỉ trích, phê phán ngược lại lòng tin của mình, ta vẫn bình thản, an nhiên mà không bị họ làm lung lạc.

Như thời đức Phật còn tại thế, Ngài rất thận trọng khi nói đến lòng tin. Trong kinh Nền Tảng Đức Tin, khi dân chúng Kalama hỏi đức Phật việc phải tin theo ai trong số các bậc đạo sư thường đến giảng dạy tại làng họ, Ngài đã chỉ cho họ cách để bảo vệ và phát triển lòng tin: “Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm; chỉ khi nào sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán; nếu sống và thực hiện các lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài, thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo”.

Chính chúng ta trải nghiệm, kinh qua để thấy lòng tin của mình được củng cố ra sao, vì giá trị vô giá của lòng tin ta không thể xem nhẹ những trải nghiệm tự thân cần thiết này. Chúng đích thực là chất liệu, là năng lực giúp mọi người duy trì để sống đời bình yên và hạnh phúc. Chúng ta hãy tìm hiểu lại cuộc đời của đức Phật trước và sau khi Ngài thành đạo bằng đôi mắt thiền quán của chính mình để có thể thấy được giá trị của lời dạy chân chính ấy. Là Phật tử, tất cả chúng ta đều biết rằng trước khi Phật thành đạo, Ngài có làm gì đâu, Ngài chỉ ngồi lặng yên nơi cội Bồ đề để chuyển hoá những tâm tư vọng động, hư dối, thế mà Thiên ma vẫn tìm đủ mọi cách để quấy phá sự thành đạo của Ngài.

Ngài đã thành tựu dưới cội Bồ đề nhờ biết cách buông xả, cho đến khi Ngài thành đạo rồi nhưng chưa có ý định đi giáo hoá thì Thiên ma lại yêu cầu Ngài nhập Niết Bàn. Trong suốt 49 năm hoằng hoá độ sinh, Thiên ma luôn luôn đi theo đức Phật và tìm đủ mọi cách để khiến Ngài sớm nhập Niết Bàn. Cuối cùng, khi Ngài đến xứ Câu Thi La, đức Phật nói với Tôn giả A Nan là Ngài dự định 3 tháng nữa sẽ nhập Niết Bàn tại đây. Sau khi đức Thế Tôn tuyên bố buông bỏ thọ mạng, đến lúc đó, ngài A Nan mới nhận ra và vội vã đến thỉnh Phật tiếp tục trụ thế; nhưng Phật dạy: ”Như Lai đã nói là làm, Như Lai đã tuyên bố buông bỏ thọ mạng. Bây giờ đã có đủ 4 chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, có giới luật rồi, có pháp của Như Lai rồi, đã đến lúc Như Lai nhập Niết Bàn!”

KHI TA CÓ NIỀM TIN 

Nếu chúng ta không biết tu thì có thể mình sẽ đụng chạm nhiều tới mọi người, bởi thế gian này luôn tranh giành, sát phạt lẫn nhau; nhưng khi chúng ta có tu, quý vị dám bảo đảm là mình sẽ không đụng chạm gì đến thế nhân hay không? Khi mình tin Phật thì sẽ làm cho các loài ma rất lấy làm khó chịu, bởi chúng mất đi một bạn đồng minh và làm những người theo ma cũng ghét lây. Chúng ta thấy rõ ràng giữa đời này ma nhiều vô số kể, chúng ta chỉ tin Phật thôi là đã đụng chạm đến nhiều người lắm rồi; nhưng ma ở đây là gì? Ma là những gì làm hại cho người và vật. Mình tin pháp Phật là những lời dạy chân chính thì sẽ đụng đến các tà thuyết bất chính làm mê hoặc lòng người. Vì thế, mình nói đúng Chánh pháp và thực hành đúng Chánh pháp là đã đụng đến các người tuyên truyền tà thuyết và mê tín dị đoan để làm mờ mắt thiên hạ. Chúng ta tin Tăng thì sẽ đụng chạm tới những người nào? Tới các thầy tà, bạn ác. Ta nếu thật sự chỉ biết đi chùa tụng kinh, lễ Phật, làm công quả, ngồi thiền và buông xả các tạp niệm xấu ác thì ta đâu có thời gian để đi nói xấu người này người kia, ấy thế mà vẫn đụng chạm tới họ.

Chúng ta tin giới pháp của Phật và áp dụng tu hành là đã đụng chạm tới những sinh hoạt phi đạo đức, gây ra các tệ nạn xã hội, làm khổ đau cho nhân loại. Cho nên, việc mình thực hiện niềm tin đối với Tam bảo thôi là mình đã đụng tới tất cả những người không có niềm tin đối với Tam bảo rồi. Người đời vì không hiểu nên thích giết hại sinh vật để ăn, tranh giành nhau để sống, tàn hại, huỷ hoại người khác để mưu cầu lợi ích cho riêng mình; còn chúng ta, khi đã tin Phật rồi thì lại không thích tàn hại bất cứ một ai, hay dẫm đạp lên bất cứ loài vật nào để tồn sinh, vì đó là nhân dẫn đến ân oán, hận thù, làm khổ đau cho nhau. Đa số đều cho rằng giết vật để bảo tồn sự sống là do thượng đế tạo ra để phục vụ cho con người, nên họ công khai giết và còn khuyến khích nhiều người khác giết. Chúng ta không giết mà còn khuyên nhủ mọi người phóng sinh, thế là đụng chạm lớn đến họ. Thế thì cuộc sống này bắt buộc phải có đụng chạm, ta không thích đụng chạm nhưng vẫn cứ đụng chạm hoài.

Chúng ta ưa tôn trọng công bằng, lẽ phải, muốn sự sống này đều được bình đẳng để ta cùng san sẻ cho nhau nhưng đâu có được, vì có những người luôn lợi dụng quyền cao chức trọng để bóc lột. Chúng ta hãy nên nhớ, cái gì làm được giúp ích cho mọi người thì cứ làm, còn điều gì có hại thì thôi. Trong nhà Phật có nói, mong muốn mà không được như ý là khổ, bởi vì sao? Vì chúng ta thấy cái đó được lợi ích cho mình nhưng bất lợi cho người khác nên mới có giới không gian tham, trộm cướp. Tiền bạc tài sản do công sức mình làm ra phải tiết kiệm lắm mới dư chút đỉnh, giờ lại bị kẻ khác lấy đi thì ai chẳng buồn khổ, vậy mà vẫn có một số người vì lười biếng, ham hưởng thụ nhiều, hoặc kẽ có chức quyền đã bớt sén của người khác; thế là cuộc sống phải chịu đụng chạm, cọ xát lung tung mà thôi. Người khôn ngoan, sáng suốt biết tạo nhân lành thì ít bị tai hoạ, còn số đông phải chịu nhiều đau khổ do không có hiểu biết chân chính.

Phật hay khuyên nhủ chúng ta hãy nên sống tiết hạnh, thuỷ chung một vợ một chồng, nhưng những người có thói quen đuổi bướm bắt hoa thì lại thích mua bán dâm, chỉ đơn giản vậy thôi thì những người kinh doanh về mặt này trong xã hội đã ghét mình lắm rồi.

Người đệ tử Phật chỉ thích nói lời chân thật, nói đúng chân lý, không nói dối để lừa gạt người khác; nhưng hễ nói lời ngay thẳng thì sẽ đụng kẻ điêu ngoa, xảo trá, hễ nói sự thật thì sẽ đụng chạm đến người nói dóc, nói láo. Là người Phật tử chân chính, ai lại đi nói dối để lừa gạt người khác phải không quý vị, chỉ cần mình nói thiệt thôi là đã đụng đến người ta rồi, thà mích lòng trước đặng lòng sau còn hơn là sống trên sự giả dối, lừa đảo lẫn nhau.

Rượu thuốc, xì ke, ma tuý tác hại đến chừng nào, nhưng thế gian lại tiêm nhiễm nặng những thứ ấy, gây bệnh hoạn, làm mất an ninh, trật tự, bạo lực gia đình, rồi dẫn đến hiếp dâm, trộm cướp, lừa đảo, làm gia đình chia ly, tan nhà nát cửa, và cuối cùng là tù tội. Chúng ta đâu có muốn như vậy mà vẫn bị nhiều người phê phán, chỉ trích kẻ đó ngu, không biết hưởng thụ gì hết. Mình đâu có giành bia ôm, rượu thịt của họ mà ăn nhưng vẫn cứ bị đụng hoài.

Cho nên, quý vị thấy, mình thật tu thì cũng bị đụng chạm tới những người không chịu tu, vậy hỏi làm sao để thế gian này thật sự được hoà hợp, hài hoà. Không thể có chuyện đó được, ai biết khôn thì nhờ, ai ngu thì phải chịu khổ đau đời đời kiếp thôi. Bởi vậy mà Thiên ma ba tuần đã tìm mọi cách để ngăn Phật thành đạo, nên nó tìm cách quấy nhiễu đủ thứ nhưng không làm gì được Phật. Tại sao? Vì Phật dùng cây cung Thiền định và cây kiếm trí tuệ để quét sạch chúng ma. Đến khi thành Phật rồi, Thiên ma lại muốn Ngài nhập Niết Bàn sớm để họ được tự tung, tự tác giữa cuộc đời làm nhiễu loạn mọi người, để tất cả đều phải là ma hết. Bởi vậy, người tu theo Phật là đụng chạm tới sự tham lam của ma mị. Mình muốn cùng dìu dắt họ đi lên để chuyển hoá cõi ma thành cõi Phật, nhưng chúng có chịu đâu, chúng cứ níu kéo lẫn nhau bày đủ mọi trò để kích thích lòng tham lam của con người.

Cho nên, sống giữa cuộc đời, người biết gìn giữ giới đức để không bị rơi vào hố sâu của tội lỗi rất là khó. Chúng ta phải can đảm, mạnh dạn, quyết tâm lắm mới có thể vượt qua nổi vì chúng ma đông vô số. Không tu thì đụng đâu chửi đó, đánh đấm, mạ luỵ lẫn nhau, đụng chạm liên miên không có ngày thôi dứt. Người có tu thì khéo sắp xếp hơn nên tuy có đụng chạm cũng không đáng kể; nhờ đâu mà được như vậy? Vì mình có sự kham nhẫn, sức chịu đựng trong suốt quá trình tu học để chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Chúng ta hay nghĩ rằng, mình tu rồi thì ai cũng thương, ai cũng kính, ai cũng mến và ai cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mình hết. Không có chuyện đó đâu quý vị, chúng ta đừng có ảo tưởng mộng mơ như vậy. Ta càng tu thì càng bị nhiều người khảo hạch, chống đối; ví như muốn biết mình không còn nóng giận nữa thì bị người trách mắng, đánh chửi, coi ta có động tâm hay không. Hiểu được như vậy, chúng ta mới cố gắng, kiên trì, bền bỉ trong từng phút giây để có cơ hội sống được trọn vẹn với niềm tin của mình trên bước đường tu tập, chuyển hoá. Thật ra, cuộc đời rất đẹp và trong sáng biết bao, chỉ có tâm ma con người tạo ra quẩn khúc của cuộc đời. Ta không hiểu nên hay đổ thừa cho cuộc đời, tại sao mình không oán trách mình nhiều hơn, mình tạo ra thì mình phải gánh chịu, đâu có ai ban phước, giáng hoạ cho mình.

Thường người thế gian hướng về Phật pháp rất ít vì bị bộn bề công việc, cơm áo gạo tiền, không có thời gian tìm hiểu, tạo dựng niềm tin cuộc sống cho chính mình, nên đa số rơi vào lầm lạc, khổ đau. Phật thấy rõ sự tác hại của nó nên vì lòng từ bi mà khuyên nhủ mọi người hãy sống có ý thức và trách nhiệm, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau vì tình người trong cuộc sống. Ngày xưa, khi con người chưa văn minh tiến bộ nên thấy dường như có đấng quyền năng sắp đặt, định đoạt số phận muôn loài vật. Nhiều người thiếu hiểu biết do không suy xét, trải nghiệm mà rơi vào tình trạng si mê, cuồng tín. Ngày nay, loại cuồng tín này cũng có phần suy giảm do sự tiến bộ của con người, nhưng mê tín dị đoan thì còn quá nhiều.

Chúng ta có niềm tin chân chính sau khi có sự thẩm xét bằng trí tuệ của mình; nhờ vậy, niềm tin chân chánh không phải nhắm mắt tin càn, ai bảo gì làm đó mà không có sự kiểm tra, cân nhắc. Chúng ta thấy lòng thương người của Đức Phật khi chưa tu đã thể hiện rõ trong cuộc sống của Ngài. Khi thấy Đề Bà Ðạt Ða bắn chim bị thương, thái tử đã cảm nhận niềm đau của nó như nỗi đau của chính mình, Ngài vội vàng cứu chữa cho con chim lành mạnh và trả nó về thế giới tự do bao la. Ngài đã có tình thương vô điều kiện ngay khi chưa thành Phật, Ngài không đòi hỏi gì ở ta, không buộc ta làm gì cho Ngài mà chỉ sẵn sàng giúp ta, cho chúng ta sự bình an để sống, để vượt qua nỗi khổ, niềm đau.

Niềm tin như một lý tưởng sống thì ta mới có quyết tâm theo đuổi mục tiêu này hay mục tiêu khác, mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Trái lại, người không có đủ niềm tin chân chính thì không có hướng đi và một tương lai tốt đẹp. Niềm tin càng vững chắc thì bước đi càng rộng mở, không có gì ngăn cản nỗi và ý chí nỗ lực càng lớn mạnh. Vì vậy mà con người cần phải nuôi dưỡng và xây dựng niềm tin về con người tâm linh, là tin chính mình có khả năng làm được tất cả mọi điều thiện lành, tốt đẹp. Trong cuộc sống, Đức Phật luôn nhấn mạnh về lòng tin sau khi có trí tuệ, xem đó là động lực thúc đẩy mọi sự tiến bộ của con người trong suốt quá trình tu tập và chuyển hoá hướng đến mục tiêu giác ngộ, giải thoát cùng lợi ích cho nhân loại.

Như vậy, theo sự chỉ dạy của Đức Phật thì niềm tin là điều tối cần thiết cho việc phát huy các phẩm chất đạo đức nhờ chúng ta có tâm thanh tịnh, sáng suốt đang tiềm ẩn nơi mỗi con người. Vậy niềm tin của người Phật tử là gì? Nói chung, niềm tin chân chính rất quan trọng và tối cần thiết trong đời sống con người, nếu niềm tin không đúng chân lý sẽ dẫn chúng ta rơi vào mê tín dị đoan, hoặc tin sau khi chết là hết làm cho nhân loại dễ dàng rơi vào hố sâu tội lỗi. Cho nên, trước khi tin bất cứ điều gì, ta phải cần xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, coi lời dạy của học thuyết đó có gì lợi ích cho nhân loại không, hay chỉ là mục đích nhằm phục vụ cho riêng mình. Chính vì vậy, người Phật tử chân chính phải tìm hiểu kỹ càng khi tin một điều gì và nhận ra tính chất của nó là thiện hay ác, chỉ khi nào ta biết chắc nó mang lại lợi ích cho nhân loại thì ta mới quyết định nên tin hay không. Đây là cách thức xây dựng niềm tin của người Phật tử chân chính. 

Như bài kinh người Kalama đến tìm Phật và hỏi Ngài: “Bạch đức Thế Tôn, có rất nhiều vị đạo sư đã đến thăm chúng con, người nào cũng tuyên truyền rằng đạo của họ là chân lý. Kính bạch Ngài, chúng con không biết lời chỉ dạy của ai là đúng để tin theo và áp dụng hành trì”. Phật không trả lời ngay câu hỏi mà hỏi lại họ: “sát sinh hại vật có từ bi hay không?” - “dạ thưa không” - “gian tham, trộm cướp, lường gạt của người có từ bi hay không?” - “dạ thưa không” – “uống rượu say sưa làm não hại thân tâm có từ bi hay không?” – “dạ thưa không”. Đức Phật của chúng ta rất khéo léo dẫn dụ, buộc mọi người phải cân nhắc, suy nghĩ, bởi Ngài đang khuyên mọi người không nên làm thế.

Một lòng tin chân chính phải đi theo với một lý trí xét đoán, hiểu rồi mới tin thì cái tin ấy mới là chánh tín. Ðối với đạo Phật, tin Phật mà không hiểu Phật tức là phỉ báng Phật, như thế dễ dàng rơi vào đường tà. Đạo Phật chủ trương cá nhân có quyền thẩm sát tất cả và tin hay không là tùy ở nhận xét của chính mình; cũng đừng vội tin những gì người ta thường lặp đi, lặp lại; đừng vội tin một điều gì dù điều đó là một tập tục cổ truyền đã trải qua nhiều thời đại; đừng vội tin một điều gì dù đó là điều người ta hay đồn và hay nói đến; đừng vội tin một điều gì dù điều đó do bút tích Thánh nhân xưa để lại; đừng vội tin một điều gì dù đó là một luật lệ đặt ra từ lâu và được xem là chánh đáng; đừng vội tin một điều gì dù điều đó do quyền năng của một bậc thầy hoặc do quyền lực của một nhà truyền giáo. Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu về niềm tin trong kinh Kalama. 

(còn tiếp)

Thích Đạt Ma Phổ Giác
Sưu tầm: Hanh Nghiêm


Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Suy ngẫm: Thế nào là Đạo Phật nguyên chất" và " đạo Phật pháp môn"?


Phần lớn những kinh hiện nay chúng ta được biết chỉ xuất hiện rất lâu sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt. Như kinh Địa Tạng, Lương Hoàng Sám xuất hiện thế kỷ thứ 6 sau công nguyên, có nghĩa là sau 800 năm



Khái niệm “Đạo Phật nguyên chất” được tôi vay mượn từ thiền sư Nhất Hạnh trong tác phẩm cùng tên được xuất bản vài năm trở lại đây. Dùng khái niệm này chúng tôi muốn mô tả về một hình thái đạo Phật do chính đức Phật Thích Ca truyền bá và nó tồn tại đến 300 năm sau khi đức Phật qua đời.

Trong văn học của Phật giáo thế giới, người ta gọi là Phật giáo giai đoạn đầu hay là Phật giáo sớm (Early Buddhism), ở Việt Nam thường gọi là Phật giáo nguyên thủy, mà đúng ra phải là Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravada Buddhism). Phật giáo nguyên thủy là một khái niệm gây ra các tranh cãi và mâu thuẫn hệ phái. “Nguyên chất” ở đây chỉ cho những lời dạy của đức Phật, chưa có sự chỉnh sửa của các nhà biên tập kinh điển. Đạo Phật nguyên chất lấy Tứ diệu đế làm pháp môn duy nhất, cách thức tu tập được thể hiện qua bát chính đạo với ba phương diện: đạo đức, thiền định, trí tuệ. 

Cốt lõi của đạo Phật nguyên chất là xây dựng một thế giới an lạc và hạnh phúc bây giờ và tại đây, chứ không đưa ra những hứa hẹn cho con người sau cái chết. Đạo Phật nguyên chất xây dựng một hình thái đạo Phật cho hai đối tượng: Tại gia và xuất gia. Ai muốn giác ngộ, trở thành thánh nhân thì phải chọn con đường xuất gia, tu chuyển hóa tham ái và tính dục, những người còn lại là người tại gia, không bận tâm đến con đường giải thoát, vì có muốn cũng không được. Người tại gia sống đời sống đạo đức, tôn trọng luật pháp, không đắm nhiễm phước báu có được, trở thành những người giàu có, biết chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh và họ là cánh tay nối dài của minh triết Phật trong đời sống. Những ai không thỏa mãn với hạnh phúc thế tục thì có thể chọn con đường xuất gia.

Ngoài bát chính đạo, sự thực tập của đạo Phật nguyên chất còn liên hệ đến 37 phẩm trợ đạo mà nội dung của nó đều xoay quanh bát chính đạo, ở phương diện này hay phương diện khác. Yếu tố đa văn và trí tuệ được lặp lại vài lần. Điều này cho thấy đức Phật rất đề cao vai trò của trí tuệ trong việc chuyển hóa khổ đau.

“Đạo Phật pháp môn” là khái niệm chúng tôi sử dụng để chỉ “đạo Phật tổ sư” do Trung Quốc khởi xướng, lấy những vị khai sáng tông phái làm hệ quy chiếu chân lý. Đạo Phật tổ sư và đạo Phật pháp môn dựa vào một (vài) bài kinh, tối đa là ba bài kinh làm nền tảng giới thiệu đạo Phật. Cách làm đạo này mang tính phiến diện. Những bài kinh khác thì các hành giả theo các pháp môn này được kích lệ không nên đọc.

Trong đạo Phật tổ sư hay đạo Phật pháp môn, phương pháp chính của đức Phật không được giới thiệu đến. Ý chủ quan của các vị tổ sư sáng lập ra pháp môn đã được mọi người nâng lên thành chân lý. Chẳng hạn Pháp Hoa tông thì lấy Kinh Pháp Hoa làm nền tảng, nhưng nội dung của Kinh Pháp Hoa quá cao siêu, không phù hợp với Phật tử sơ cơ. Tại các trường đại học trên thế giới, Kinh Pháp Hoa được giảng dạy cho sinh viên thạc sĩ năm thứ hai. Ở Mỹ và Nhật, Kinh Pháp Hoa được dạy ở cấp tiến sĩ năm thứ nhất. Trong khi đó, tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Nam Bắc Triều, Kinh Pháp Hoa được sử dụng đọc tụng như kinh điển vỡ lòng cho người mới bắt đầu. Thực tế, Phật tử sơ cơ chưa đủ kiến thức để hiểu Kinh Pháp Hoa. Hiểu không nổi thì mê tín kinh điển, họ chỉ chú trọng vào bảy ngàn hai trăm công đức mà Kinh Pháp Hoa mô tả. Thế là từ một bài kinh triết lý, Kinh Pháp Hoa trở thành một bài kinh tín ngưỡng cho người tín ngưỡng.

Cực đoan hơn, nhiều người đọc một chữ Kinh thì lạy một lạy, tức là tín ngưỡng hóa kinh điển, thay vì ứng dụng trí tuệ của kinh điển để giải quyết các vấn nạn khổ đau. Như vậy, các vị tổ sư sáng lập tông phái và pháp môn thích cái gì thì chỉ truyền đạt và giới thiệu cái đó. Do đó, người theo đạo Phật pháp môn sẽ không hiểu được đạo Phật một cách toàn diện, mà lẽ ra, cần phải như thế.

Vì vậy, muốn trở về với đức Phật gốc và đạo Phật gốc, chúng ta cần thấy rõ rằng đạo Phật nguyên chất vốn vượt lên trên rất cao so với đạo Phật tổ sư và đạo Phật pháp môn. Nếu không nhìn ra vấn đề này, ta sẽ không mạnh dạn làm, hoặc khi làm chỉ cần bị phê bình, chỉ trích, chúng ta sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Không ít người lý luận rằng, mấy chục thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu vị Bồ-tát, bao nhiêu vị A-la-hán, bao nhiêu tổ sư chấp nhận đạo Phật tổ sư, đạo Phật pháp môn, tại sao bây giờ chúng ta phải đặt lại vấn đề. Ông/ bà đặt vấn đề đó có bằng các vị tổ sư, các vị cao tăng, A-la-hán, Bồ-tát không? Đó là cách lý luận theo kiểu "cả vú lấp miệng em". Ta có thể vận dụng cùng phương thức đó để lý luận như sau: Các vị tổ sư, A-la-hán, Bồ-tát có bằng với đức Phật không? Câu trả lời là không. Như vậy, tại sao chúng ta không theo Phật mà phải theo tổ Trung Quốc?

Sau khi nhận diện sự khác biệt giữa đạo Phật nguyên chất và đạo Phật tổ sư, công việc làm đạo của chúng ta là “không phải tôn vinh mình mà là tôn vinh Phật; không phải ca ngợi kiến thức của mình, cách làm đạo của mình, mà thông qua đó để ca ngợi chính pháp.” Chúng ta không phải là người giỏi, mà vì chính pháp của đức Phật quá siêu việt, cho nên chỉ cần làm đúng 50% thôi, chúng ta đã trở nên vĩ đại rồi. Huống hồ, chúng ta tiếp cận và sử dụng càng nhiều những lời dạy nguyên chất của đức Phật.

Không ai có thể phủ nhận một điều rằng càng xa thời của đức Phật thì càng có thể xảy ra sự biên tập, sự lý giải khác với những gì mà đức Phật chủ trương. Ngày nay chúng ta có lợi thế là được sống trong thời kỳ kĩ thuật số trở thành một công cụ mới, một loại phước báu mới. Trước đây, để có được một quyển kinh là rất khó. Kinh viết trên lá bối, khắc trên đá, kinh bản đồng, kinh bản gỗ, kinh bản giấy… tốn rất nhiều tiền, nhiều công sức, vì thế, việc truyền bá kinh cho quảng đại đa số là rất nan giải. Bây giờ, chúng ta có kinh điển dạng internet, kinh điển dạng sách nói... Chùa Giác Ngộ đi tiên phong trong lĩnh vực âm thanh hóa Kinh điển. Từ năm 2004 chùa Giác Ngộ đã truyền bá kinh điển sách nói miễn phí, do các giọng đọc tiêu chuẩn của các phát thanh viên đài truyền hình, đài truyền thanh TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Trong tương lai, theo dự đoán của chúng tôi, kinh sách dạng giấy sẽ mất dần chỗ đứng. Tới một lúc nào đó, kinh sách in sẽ ngưng xuất bản, thay vào đó là kinh sách dạng E-book, audio-book. Chỉ cần có một Ipad hoặc Iphone, chúng ta có thể trữ cả một thư viện Kinh, dễ dàng mang theo người, đọc bất cứ lúc nào mà không tốn tiền bao nhiêu. Có lẽ chừng bảy chục năm sau, vai trò của E-book sẽ mờ nhạt dần và thay vào đó là sách vở và kinh điển nói dạng âm thanh, rất tiện. Với kinh sách nói, chúng ta có thể vừa nghe vừa làm các việc khác. Đó là khuynh hướng phát triển chung của thế giới mà chúng ta không thể cưỡng lại được, không thể đi ngược được.

Đạo Phật Đại thừa dạy chúng ta sử dụng trí tuệ phương tiện, tận dụng các công cụ mới, các phương tiện mới nhằm giới thiệu Phật pháp. Nếu không làm mới cách làm đạo, chúng ta sẽ bị bỏ lại sau lưng bởi các tôn giáo khác. Nếu biết khéo léo sử dụng các phương tiện hiện đại để giới thiệu đạo Phật nguyên chất, chúng tôi tin rằng trong thời gian 10 năm, 20 năm, sự mê tín dị đoan của quần chúng Phật tử sẽ giảm dần. Không có tăng sĩ nào có thể đi thuyết pháp khắp mọi nơi vì sức khỏe và thời gian không cho phép. Nếu sử dụng các phương tiện hiện đại để truyền bá Phật pháp thì đồng nghĩa với việc tạo ra các giảng sư di động, các giảng đường di động cho quần chúng ở mọi lúc, mọi nơi.

Chùa Giác Ngộ có bốn trang websites. Trang www.daophatngaynay.com giới thiệu Đạo Phật dưới hình thức học thuật. Trang www.chuagiacngo.com giới thiệu kinh sách Phật giáo, sách nói Phật giáo, âm nhạc Phật giáo và mấy ngàn bài giảng Phật pháp. Trang www.phatam.com giới thiệu âm nhạc, phim ảnh, sách nói, và trên hai chục ngàn video pháp thoại của gần một trăm giảng sư trong nước và nước ngoài để quần chúng Phật tử dễ dàng lựa chọn. Trang www.banhoangphap.com tuyển tập khoảng 1000 bài giảng của các giảng sư của khóa tu một ngày an lạc. Đây chính là nguồn tham khảo tốt cho các Phật tử sống tại những nơi không có Tăng bảo, hoặc ở nơi thiếu giảng sư.

Điều chúng tôi mơ ước là khi hình thái đạo Phật nguyên chất được phát triển mạnh thì ở tất cả ngôi chùa các vị trụ trì đều phải giảng kinh thuyết pháp tối thiểu một tuần một lần vào ngày chủ nhật. Chùa lớn, chùa vừa, chùa nhỏ đều phải tổ chức thuyết giảng cho quần chúng. Hiện nay, trên 70% các chùa không có thuyết giảng, nhiều tỉnh hội Phật giáo lớn chỉ có một hoặc hai giảng đường. Như thế, việc Phật tử bị mù chữ Phật pháp là điều dễ hiểu.

Nhiều tăng sĩ quá thờ ơ với hạnh phúc của Phật tử nên đã đánh mất trách nhiệm truyền bá lời Phật dạy cho họ một cách có hệ thống, giúp họ nương vào lời Phật, dạy sống hạnh phúc hơn, gia đình của họ an lạc và phát triển bền vững hơn. Để làm được việc này, sự góp mặt của tất cả chư tôn đức là một nhu cầu không thể thiếu.

Thích Nhật Từ 
Labels: VẤN - ĐÁP
Sưu tầm: Hanh nghiêm


Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Những Hiểu Lầm Về Đạo Phật





Với cái nhìn “chủ quan” của một tu sĩ Theravāda, tôi xin mạo muội liệt kê ra đây những hiểu lầm tai hại và rất phổ biến của Phật giáo trong và ngoài nước để chư vị thức giả cùng thấy rõ như thực.


Đạo Phật ngày càng suy đồi, tha hoá, “mạt pháp”, nguyên nhân thì nhiều, nhưng đôi khi vì trong giới tu sĩ và cư sĩ không trang bị đủ kiến thức của giáo pháp như thực - tức là giáo pháp cội rễ - mà chỉ chạy theo cành, nhánh, ngọn lắm hoa và nhiều trái. Từ đấy, khó phân biệt đâu là đạo Phật chơn chánh, đâu là đạo Phật đã bị biến chất, chạy theo thị hiếu dung thường của thế gian. Đôi nơi đạo Phật còn bị trộn lẫn với tín ngưỡng duy linh và cả tín ngưỡng nhân gian nữa... Nhiều lắm, không kể xiết đâu.

Với cái nhìn “chủ quan” của một tu sĩ Theravāda, tôi xin mạo muội liệt kê ra đây những hiểu lầm tai hại và rất phổ biến của Phật giáo trong và ngoài nước để chư vị thức giả cùng thấy rõ như thực:

1- Tôn giáo: Đạo Phật có những sinh hoạt về tôn giáo nhưng đạo Phật không phải là tôn giáo, vì đạo Phật không có một vị thượng đế tối cao hoá sinh muôn loài và có quyền ban thưởng, phạt ác.

2- Tín ngưỡng: Đạo Phật có những sinh hoạt tín ngưỡng nhưng đạo Phật không phải là tín ngưỡng để mọi người đến van vái, cầu xin những ước mơ dung tục của đời thường.

3- Triết học: Đạo Phật có một hệ thống tư tưởng được rút ra từ Kinh, Luật và Abhidhamma, được gọi là “như thực, như thị thuyết” chứ không phải là một bộ môn triết học “chia” rồi “chẻ”, “phán” rồi “đoán” như của Tây phương.

4- Triết luận: Đạo Phật có tuệ giác để thấy rõ Cái Thực chứ không sử dụng lý trí phân tích, lý luận. Còn triết, còn luận là vì chưa thấy rõ Cái Thực. Đạo Phật là đạo như chơn, như thực. Kinh giáo của đức Phật luôn đi từ cái thực cụ thể để hướng dẫn mọi người tu tập, nó không có triết, có luận đâu. Ngay “thiền” mà còn “luận” (thiền luận) là đã đánh mất thiền rồi.

5- Từ thiện xã hội: Đạo Phật có những sinh hoạt từ thiện xã hội nhưng không coi từ thiện xã hội là tất cả, để hy sinh cuộc đời đầu tròn, áo vuông một cách uổng phí. Đạo Phật còn có những sinh hoạt cao cả hơn: Đó là giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, tu tập thiền định và thiền tuệ nữa. Từ thiện xã hội thì ai cũng làm được, thậm chí người ta còn làm tốt hơn cả Phật giáo, ví dụ như Bill Gates. Còn giáo dục, văn hoá, nghệ thuật của đạo Phật là nền tảng Mỹ Học viết hoa (nội hàm các giá trị nhân văn, nhân bản) mà không một tôn giáo, một chủ nghĩa, một học thuyết nào trên thế gian có thể so sánh được. Và đây mới là sự phụng hiến cao đẹp của đạo Phật cho thế gian. Còn nữa, nếu không có tu tập thiền định và thiền tuệ thì mọi hình thái sinh hoạt của đạo Phật, xem ra không phải là của đạo Phật đâu!

6- Cực lạc, cực hạnh phúc: Đạo Phật có nói đến hỷ, lạc trong các tầng thiền; có nói đến hạnh phúc siêu thế khi ly thoát tham sân, khổ lạc (dukkha), phiền não của thế gian - chứ không có một nơi chốn cực lạc, cực hạnh phúc được phóng đại như thế.

7- 8 vạn 4 ngàn pháp môn: Đạo Phật có nói đến 8 vạn 4 ngàn pháp uẩn (dhammakhandha) chứ không nói đến 8 van 4 ngàn pháp môn (dhammadvāra). Uẩn (khandha) ngoài nghĩa che lấp, che mờ và nghĩa chồng lên, chồng chất, còn có nghĩa là nhóm, liên kết, tập hợp ví như Giới uẩn (nhóm giới), Định uẩn (nhóm định), Tuệ uẩn (nhóm tuệ). Do từ uẩn (khandha) lại dịch lệch ra môn - cửa (dvāra), pháp môn nên ai cũng tưởng là có 8 vạn 4 ngàn pháp môn, tu theo pháp môn nào cũng được! Ai là người có thể đếm đủ 8 vạn, 4 ngàn cửa pháp này? Còn nữa, xin lưu ý, 8 vạn 4 ngàn chỉ là con số tượng trưng, có nghĩa là nhiều lắm, đếm không kể xiết theo truyền thống tôn giáo và tín ngưỡng Ấn Độ cổ thời. Ví dụ 84 ngàn lỗ chân lông, 84 ngàn vi trùng trong một bát nước, 84 ngàn phiền não, 84 ngàn cách tu...

8- Xin xăm, bói quẻ, cầu sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu: Những hình thức này không phải của đạo Phật. Trong kinh tụng Pāli có đoạn: “Sunakkhataṃ sumaṅgalaṃ supabhātaṃ suhuṭṭhitaṃ, sukhno ca suyiṭṭaṃ brahmacārisu. Padakkhinaṃ kāyakammaṃ vācākammaṃ padakkhinaṃ padakkhinaṃ manokammaṃ paṇidhī te padakkhinā...”

Có nghĩa là: Giờ nào (chúng ta) thực hành thân, khẩu, ý trong sạch; giờ đó được gọi là vận mệnh tốt, là giờ tốt, là khắc tốt, là canh tốt... Ngày đó gọi là có nghiệp thân phát đạt, nghiệp khẩu phát đạt, nghiệp ý phát đạt. Và nguyện vọng theo đó được gọi là nguyện vọng phát đạt. Người tạo nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý phát đạt như thế rồi sẽ được những lợi ích phát đạt (chữ phát đạt có thể có thêm nghĩa nhiêu ích).

9- Định mệnh: Đạo Phật có nói đến nghiệp, đến nhân quả nghiệp báo chứ không hề nói đến định mệnh. Theo đó, gây nhân xấu ác thì gặt quả đau khổ, gây nhân lành tốt thì gặt quả an vui - chứ không phải “cái tơ cái tóc cũng do trời định” như định mệnh thuyết của Khổng Nho hoặc định mệnh 4 giai cấp của Bà-la-môn giáo.

10- Siêu độ, siêu thoát: Không có bài kinh nào, không có uy lực của bất kỳ ông sư, ông thầy nào có thể tụng kinh siêu độ, siêu thoát cho hương linh, vong linh, chân linh cả. Thời Phật tại thế, nếu có đến nơi người mất, chư tăng chỉ đọc những bài kệ vô thường, khổ và vô ngã để thức tỉnh người sống; và hiện nay các nước Phật giáo Theravāda còn duy trì. Có thể có hai trường hợp:

- Nếu vừa chết lâm sàng thì thần thức người chết vẫn còn. Vậy có thể đọc kinh, mở băng kinh, chuông mõ, hương trầm... để “thần thức người chết” hướng về điều lành... để thần thức tự tạo “cận tử nghiệp” tốt cho mình.

- Nếu thần thức đã lìa khỏi thân rồi – thì họ đã tái sanh vào cõi khác rồi, ngay tức khắc. Khi ấy thì gia đình làm phước để chư tăng tụng kinh hồi hướng phước ấy cho người đã mất.

Cả hai trường hợp trên đều không hề mang ý nghĩa siêu độ, siêu thoát mà chỉ có ý nghĩa gia hộ, gia niệm, gia lực mà thôi. Tu dựa vào tha lực cũng tương tự như vậy, nhưng cuối cùng cũng phải tự lực: “Tự mình thắp đuốc mà đi, tự mình là hòn đảo của chính mình”.

Chư thiên chỉ có khả năng hoan hỷ phước và báo truyền thông tin ấy cho người quá vãng mà thôi. Họ không có uy lực ban phước lành cho ai cả.

11- Huyền bí, bí mật: Giáo pháp của đức Phật không có cái gì được gọi là huyền bí, bí mật cả. Đức Phật luôn tuyên bố là “Như Lai thuyết pháp với bàn tay mở ra”; có nghĩa là ngài không có pháp nào bí mật để giấu kín cả!

12- Tâm linh: Ngày nay, người ta tràn lan lễ hội, tràn lan mọi loại điện thờ với những hình thức mê tín, dị đoan, sa đoạ văn hoá... mà ở đâu cũng rêu rao các giá trị tâm linh. Đạo Phật không hề có các kiểu tâm linh như vậy. Thuật ngữ tâm linh này được du nhập từ Trung Quốc. Và rất tiếc, tôi không hề tìm ra nguồn Phật học Pāli hay Sanskrit có từ nào tương thích với chữ “linh” này cả!

13- Niết-bàn: Nhiều người tưởng lầm Niết-bàn là ở một cõi nào đó, một nơi chốn nào đó; thậm chí là ở một thế giới ở ngoài thế gian này. Người nào tìm kiếm Niết-bàn kiểu ấy, thuật ngữ thiền tông có cụm từ “lông rùa, sừng thỏ” như ngài Huệ Năng đã nói rõ: “Phật pháp tại thế gian. Bất lý thế gian giác. Ly thế mích bồ-đề. Cáp như tầm thố giác”. Thố giác là sừng thỏ. Và giác ngộ cũng vậy, chính ở trong khổ đau, phiền não mới giác ngộ bài học được.

14- Bỏ khổ, tìm lạc: Tu Phật không phải là bỏ khổ, tìm lạc. Xin lưu ý cho: Khổ và Lạc chính là căn bản của phiền não!

15- Tu để được cái gì! Có nhiều người nghĩ rằng, tu là để được cái gì đó. Xin thưa, được cái gì là sở đắc. Ai sở đắc? Chính là bản ngã sở đắc. Đạo Phật là vô ngã. Hãy xin đọc lại Bát-nhã tâm kinh.

16- Tu là sửa: Nếu tu là sửa thì mình đã từ “cái ta này” biến thành “cái ta khác”. Nếu tu là không sửa thì cứ để nguyên trạng tham sân si như vậy hay sao? Xin thưa, sửa hay không sửa đều trật. Đạo Phật quan trọng ở Cái Thấy! Có Cái Thấy mới nói đến giác ngộ và giải thoát. Không có Cái Thấy này thì tu kiểu gì cũng trệch hướng hoặc rơi vào phước báu nhân thiên.

17- Vía: Đạo Phật không có vía nào cả. Vía, hồn, phách là quan niệm của nhân gian. Ví dụ, ba hồn bảy vía. Ví dụ, nam thất, nữ cửu – nam bảy vía, nữ chín vía. Nếu là nam thất, nữ cửu thì nó trùng với nam 7 khiếu, nữ 9 khiếu. Vía là phần hồn. Không có cái hồn, cái linh hồn tự tồn tại nếu không có chỗ nương gá. Vía không độc lập được. Như danh - phần tâm, sắc - phần thân – luôn nương tựa vào nhau. Chỉ có năng lực thiền định mới tạm thời tách lìa danh ra khỏi sắc, như Cõi trời Vô tưởng của tứ thiền. Tuy nhiên, cõi trời Vô tưởng hữu tình này không phải là không có danh tâm mà chúng ở dạng tiềm miên. Còn các Cõi trời Vô sắc thì sắc không phải là không có, chúng cũng ở dạng tiềm miên. Thật đáng phàn nàn, Phật và Bồ-tát đều có “vía” cả! Và cũng thật là “đau khổ” khi trong lễ an vị Phật, người ta còn hô “Thần nhập tượng” nữa chứ!

18- Bồ-tát: Bồ-tát là âm của chữ Bodhisatta. Chúng sanh có trí tuệ. Vậy, chúng ta tạm thời bỏ quên “khái niệm Bồ-tát”quen thuộc trong kinh điển mà trở về với nghĩa gốc là “chúng sanh có trí tuệ”. Và như vậy, sẽ có hạng chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Thanh Văn; chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Độc Giác; chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Chánh Đẳng Giác. Ngoài 3 loại chúng sanh có trí tuệ trên – không có loại chúng sanh có trí tuệ nào khác.

19- Phật: Phật là âm của chữ Buddha, nghĩa là người Giác ngộ. Vậy chúng ta nên tạm thời bỏ quên “khái niệm Phật”từ lâu đã mọc rễ trong tâm thức mà trở về nghĩa gốc là bậc Giác ngộ. Vậy, có người Giác ngộ do nghe pháp từ bậc Chánh Đẳng Giác, được gọi là Thanh Văn Giác. Có người Giác ngộ do tự mình tu tập vào thời không có đức Chánh Đẳng Giác, được gọi là Độc Giác. Có vị Giác ngộ do trọn vẹn 30 ba-la-mật, trọn vẹn minh và hạnh nên gọi là Chánh Đẳng Giác.

Không có vị Giác ngộ (Phật) nào ngoài 3 loại Giác ngộ trên.

20- Thể nhập: Tu là không thể nhập vào cái gì cả. Thể nhập là bỏ cái ngã này để nhập vào cái ngã khác. Cãi ngã khác ấy có thể là dòng sông, có thể là ngọn núi, có thể là một cội cây, có thể là một thần linh, thượng đế. Cái cụm từ “thể nhập pháp giới” rất dễ bị hiểu lầm. Khi đi, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái đi; khi nói, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái nói; khi ăn, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái ăn – thì đấy mới đúng nghĩa “thể nhập pháp giới”, ngay giây khắc ấy, mọi tham sân, phiền não không có chỗ để phan duyên, sanh khởi.

Ngoạ Tùng Am, Sơ Xuân 2015
Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
Nguồn: http://thuvienhoasen.org/a22571/nhung-hieu-lam-ve-dao-phat
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

10 Kỳ Quan Thiên Nhiên Tuyệt đẹp Trên Thế Giới




Thế giới quanh ta vẫn còn rất nhiều những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà ít người biết đến. Dưới đây là danh sách 10 địa điểm khám phá mới đáng để ghi nhớ với những ai đam mê du lịch và vẻ đẹp của tự nhiên.


Pamukkale (Thổ Nhĩ Kỳ)


Pamukkale trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là “lâu đài bông”, trước kia, đây là vị trí của thành phố cổ đại Hierapolis. Khu vực này là quần thể của những vùng đá vôi và suối nước nóng giàu khoáng chất.



Các đồi đá vôi tại đây có màu trắng phau, nhìn lấp lóa trong nắng trông như tuyết phủ. Tuy nhiên đó là do hợp chất calcium bocarbonate trong nước suối tích tụ qua nhiều ngàn năm tạo thành những mảng đá vôi trắng tinh, xếp lớp như vỏ sò. Nước suối ở đây được cho là rất tốt cho sức khỏe, chữa được nhiều loại bệnh như huyết áp cao, tim mạch, thấp khớp.


Tháp băng của núi Erebus (Nam Cực)




Núi Erebus là một trong những núi lửa đang hoạt động lớn nhất trên Trái đất. Ngọn núi này nổi tiếng với hồ dung nham luôn sôi sục nằm ngay trên miệng núi lửa. Đây cũng là nơi duy nhất trên thế giới mà lửa và băng kết hợp với nhau tạo nên những tháp băng lớn cao khoảng 20m. Khí nóng từ núi lửa phả qua các miệng tháp băng làm cảnh quan nơi đây trông thật sự kì thú và ngoạn mục.


Suối nước nóng phun - Fly Geyser (Nevada, Mỹ)




Quang cảnh nơi đây nhìn giống như trên một hành tinh khác hoặc là cảnh trong một bộ phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, nó thực sự tồn tại trên Trái đất của chúng ta mà cụ thể là tại Nevada, Mỹ. Suối nước nóng này nằm ở thung lũng Hualapai gần Gerlach và thuộc quyền sở hữu của tư nhân.


Vào năm 1916, chủ nhân khu vực này tiến hành tìm kiếm nguồn nước với hi vọng có thể xây dựng một khu nông nghiệp trù phú trong vùng sa mạc này. Họ tình cờ tìm thấy nước và giếng khoan đã hoạt động trong nhiều thập kỷ cho đến một ngày, máy khoan tình cờ khoan trúng một mạch nước ngầm phun lớn và kết quả là khu vực này trở thành một suối nước nóng phun với quang cảnh tuyệt đẹp như chúng ta thấy hiện nay.


Dãy núi đá Kasha Katuwe (New Mexico, Mỹ)




Dãy núi đá Kasha Katuwe là một di tích quốc gia của New Mexico, nơi những ngọn núi đá được định hình sau một đợt phun trào núi lửa lớn từ 6 đến 7 triệu năm trước. Trải qua thời gian, do sự xói mòn của tự nhiên tạo nên hình dáng độc đáo của chúng với một dãy những ngọn núi đá hình chóp nhọn có độ cao từ vài m cho đến 50m trải dài hơn 16km2.


Thung lũng Mặt Trăng (Argentina)




Ischigualasto, nghĩa là "nơi mà bạn đặt mặt trăng" là một thung lũng hẻo lánh ở Argentina. Nó được tạo nên bởi sự hình thành địa chất với những cơn gió lớn, những tảng đá đứng tuyệt đẹp và những viên đá tròn nhẵn trông như những viên bi lớn. Nền đất nơi đây một thời vô cùng màu mỡ, bây giờ chỉ còn khô cằn sỏi đá nhưng lại chứa đựng một kho báu lớn với rất nhiều các hóa thạch động vật và cây cối, thu hút sự quan tâm của các nhà sinh vật học trên khắp thế giới.


Danxia Lanform (Trung Quốc)




Hiện tượng địa chất độc đáo này, được gọi là “Danxia Landform” có thể thấy ở nhiều nơi tại Trung Quốc như tại tỉnh Cam Túc. Danxia, có nghĩa là “đám mây hồng” là một dạng địa hình đặc biệt được hình thành từ loại đá sa thạch đỏ đã bị bào mòn theo thời gian thành một loạt các dãy núi bao quanh bởi những vách đá dựng đứng và nhiều khối đá với hình dáng “dị thường”.


Hồ thần tiên - Vườn quốc gia Chapada Diamantina (Brazil)




Poco Encantado hay còn gọi là hồ thần tiên nằm trong Vườn quốc gia Chapada Diamantina tại tỉnh Bahia, Brazil. Nước tại khu hồ trũng khổng lồ với độ sâu hơn 41m này trong tới mức có thể nhìn thấy rõ những tảng đá và gốc cây cổ thụ nơi đáy hồ. Khi mặt trời lên tới đỉnh, ánh sáng lọt qua kẽ hở và soi bóng lên mặt nước, cảnh tượng đó quả thực đẹp vô cùng. Tuy nhiên, việc thăm quan khu vực này được kiểm soát rất chặt chẽ nhằm bảo vệ hệ sinh thái vô cùng phong phú và quí hiếm tại đây.


Thạch Lâm (Trung Quốc)




Thạch Lâm (rừng đá) của Trung Quốc là một ví dụ ấn tượng về sự đa dạng trong hình dáng của những vùng đá vôi. Những hòn đá tại đây đều từ đá vôi mà ra, sau đó được tạo hình do nước chảy, làm xói mòn dần bề mặt trở nên sắc nhọn, trông vô cùng đẹp mắt như hiện nay. Nó được mệnh danh như là “Kì quan đầu tiên của thế giới” vào thời nhà Minh tại Trung Quốc.


Wulingyan, Hồ Nam (Trung Quốc)



Khu vực Hồ Nam của Trung Quốc là một địa điểm thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới với những cảnh quan ấn tượng và vô cùng thu hút, trong đó có kì quan Wulingyan được tạo nên từ hơn 3000 vùng đá vôi khác nhau. Nơi đây có những thác nước tuyệt đẹp và những hang động đá vôi lớn nhất châu Á.


Salar de Uyuni (Bolivia)




Salar là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của Bolivia, một cánh đồng muối lớn nằm giữa Altiplano. Nó là một hồ muối cạn hầu như bằng phẳng, giống như một tấm gương lớn soi bóng trời xanh.

Khoảng 40.000 năm trước, khu vực này là một phần của hồ Minchin, một hồ lớn khổng lồ trong thời tiền sử. Khi hồ này khô cạn, nó tạo thành hai hồ là Poopó và Uru Uru cùng hai sa mạc muối lớn là Salar de Coipasa và Uyuni. Người ta ước tính nó chứa tới 10 tỷ tấn muối, với sản lượng hàng năm đạt được là 25.000 tấn.

Theo Huyền Anh 
BĐVN
Đăng lại
Sưu tầm: Hanh Nghiêm