Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Tầm Đạo và Đạo Sư






Hỏi :

– Thưa ông, trong chữ guru (đạo sư ), thì chữ gu có nghĩa là bóng tối của sự ngu dốt và chữ ru có nghĩa là người gỡ bỏ, người xua đuổi. Do đó, guru là ánh sáng xua tan bóng tối của sự ngu dốt, và ông chính là cái ánh sáng đó đối với tôi bây giờ. Vậy thì theo ý ông, vai trò của vị đạo sư (guru) là gì, một vị thầy hay là một người tỉnh thức?

J. Krishnamurti đáp:

– Thưa ông, nếu ông dùng từ guru theo nghĩa cổ điển, nghĩa là “xua tan bóng tối của sự ngu dốt”, vậy thì liệu rằng có thể có một người nào đó, bất kể là sáng suốt hay ngu xuẩn, có thể thực sự giúp xua tan cái bóng tối này cho ai không? Giả tỉ như anh A là kẻ ngu tối, và ông là đạo sư của hắn – đạo sư với cái nghĩa là người xua tan bóng tối, người mang gánh nặng giúp cho người khác, người chỉ đường – liệu rằng vị đạo sư như thế có thể thực sự giúp cho kẻ khác được không? Hoặc là hơn thế nữa, vị đạo sư có thể xua tan bóng tối cho kẻ khác, – không phải là lý thuyết suông, mà là trên thực tế không? Có thể nào ông, nếu ông là một vị đạo sư của ai đó, ông có thể xua tan bóng tối cho hắn không? Biết rằng hắn đau khổ, bối rối, thiếu sáng suốt, thiếu tình yêu, buồn bã, liệu ông có thể giúp hắn xua tan được cái bóng tối đó không? Hay là chính bản thân hắn phải cật lực ra mà tự giải thoát? Ông có thể chỉ cho hắn, ông có thể nói: “Nhìn, hãy bước qua cái cửa kia đi”, nhưng mà bản thân hắn phải làm trọn công việc từ đầu cho đến cuối. Cho nên, nếu ông công nhận rằng người này không thể làm giúp người khác cái công việc đó, thì quả thật ông không phải là đạo sư theo cái nghĩa kể trên.

Hỏi :

– Này nhé, đây là chuyện “nếu” … “nhưng mà” … , vậy thì “nếu” như có cái cửa ở đó, tôi phải bước qua. “Nhưng mà” cái sự ngu tối này nó khiến cho tôi không nhìn thấy cái cửa ở chỗ nào. Vậy thì ông, do sự chỉ ra cái cửa, đã gỡ bỏ được sự ngu tối.

Đáp :

– Nhưng mà chính đương sự phải bước. Ông là đạo sư và ông chỉ ra cái cửa. Công việc của ông đến đây là chấm dứt.

Hỏi :

– Tuy nhiên, bóng tối của sự ngu muội đã được gỡ bỏ.

Đáp :

– Không, công việc của ông đã chấm dứt, nay là lúc chính tôi phải đứng lên, bước, và làm tất cả mọi chuyện tiếp theo.

Hỏi :

– Vậy là tuyệt rồi!

Đáp :

— Cho nên không phải là ông đã xua tan cái bóng tối của tôi.

Hỏi :

– Xin lỗi, vậy chứ tôi không biết làm sao mà thoát ra khỏi được cái phòng này. Tôi hoàn toàn mù tịt về sự có một cái cửa đang hiện hữu ở đâu đó, và vị đạo sư đã cởi bỏ sự ngu tối ấy cho tôi. Nhờ vậy, tôi mới làm được những việc cần thiết để thoát ra khỏi căn phòng.

Đáp :

— Thưa ông, xin nói cho rõ. Ngu tối là sự thiếu hiểu biết, hay là thiếu hiểu biết về bản thân, không phải là đại ngã hoặc tiểu ngã. Cái cửa là cái “tôi” mà qua nó, tôi phải tiến. Cái đó không phải ở ngoài “tôi”. Đó không phải là cái cửa thực sự như cái cửa sơn kia. Đó là cái cửa trong tôi mà tôi phải đi qua. Ông chỉ nói: ” Làm đi”.

Hỏi :

– Đúng thế.

Đáp :

– Nhiệm vụ đạo sư của ông đến đây là đã chấm dứt. Ông không còn quan trọng nữa. Tôi không choàng vòng hoa quanh đầu ông. Tôi phải làm mọi việc. Ông không xua tan được bóng tối của sự ngu dốt. Ông đã, đúng hơn, chỉ ra cho tôi rằng: “Anh là cái cửa, và anh, chính bản thân anh phải tự bước qua.

Hỏi :

– Nhưng mà thưa ông, ông có công nhận rằng ”sự chỉ ra cái cửa đó” là cần thiết không?

Đáp :

– Có chứ! Tôi chỉ ra, tôi làm điều đó. Tất cả chúng ta đều làm điều đó. Tôi hỏi một người bộ hành trên đường: ”Xin chỉ cho tôi đường nào đi tới Saanen” và hắn ta chỉ cho tôi. Nhưng tôi không bỏ thì giờ ra để mà cung kính: ”Trời ơi! Ông là nhân vật vĩ đại nhất thế giới”. Thật là quá con nít!


J. Krishnamurti – The Awakening of Intelligence
Người dịch: Danny Việt (ĐPK) 
Đăng bởi Cội Nguồn
Sưu Tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Mãi Là Hạt Bụi


Mưa cuồng buông nặng hạt 
Lá bàng hoàng rung rẩy 
Đàn chim trong ngơ ngác 
Một trời xám sắc mây 
               Bình minh hay đêm tối 
               Kiếp người chừng như vội 
               Hoa khoe hương một sớm 
               Thời gian hững hờ trôi 
Cuộc đời luôn chìm nổi 
Vinh nhục mãi kề đôi
Nơi đâu là bờ bến
Một mái chèo chông chênh 
               Đường trần còn bao dặm 
               Miệt mài thêm khổ tâm 
               Cam lồ nào cứu rỗi 
               Phận bụi vẫn xót thầm.

                                Quên Đi
***

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Worth Living


             


Jacksonville, 11-17-2015

Dear all Dharma Friends,


We’re glad to meet all of you and we wish you keep enjoy practicing meditation in your daily live; in the early morning after you wake up or in the evening or the night time before you go to bed anytime whenever you have time. By doing that, we think your life will be improved a lot, and you will enjoy your life much more than before in a simple way but wealth in your mind...if so, you are easily to connect with us in many aspect of life... Therefore, we should arrange our daily life in a way that is worth living. We shall live life with joy, happiness, and peace. We shall live a worthy life by being in touch with the magic of nature, of mother-earth. What do we use our intelligence for? We usually use it to succeed with this or that, to obtain a degree, to achieve a social status, or to proceed on a project. We rarely use our intelligence to prioritize and arrange our daily way of life so that we can live a life full of precious moments of laughter, joy, and happiness. We usually look forward to the future and forget our present moments. Therefore, if we know how to live, we shall use our given intelligence to arrange our daily lifestyle that is worth living. We should make our daily life full of mindful and happy moments to nurture our mind and our body… 

And I just finished compose a short song in English: we hope you enjoy it!! 


Fresh and New 

Breathing in I know I am breathing in 
Breathing out I know I am breathing out 
Breathing in I feel happy 
Breath out I release my worries 
Breathing in I know this is a new day 
Breathing out I try to live deeply! 
Present moment 
Wonderful moment! 
It is fresh and new forever! 
No worries I breathing in 
Be happy I breathing out 
Present moment 
Wonderful moment! 
It is fresh and new forever!! 

Thích Pháp Thiện 


*****

Đấy là thư của Thầy Thích Pháp Thiện gởi đến Rudy và các bạn trong nhóm AA mà Thầy đã hướng dẫn thực tập chánh niệm tại bãi biển Melbourne, Florida ngày 14-11-2015.

Những người bạn nầy đã từng thất bại, sa ngã trong cuộc sống, nhưng nay quyết tâm sửa đổi làm mới lại cuộc đời.


Thầy đang hướng dẫn thực tập thở



Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông vang vọng làm trong sạch lòng






Thầy và Rudy hướng dẫn đi thiền hành






Vang tiếng ca của Thầy...

Ta hạnh phúc liền giây phút nầy
Lòng đã quyết dứt bớt âu lo
Không đi đâu nữa, có chi để làm
Học buông bỏ tâm không rộn ràng....




Thầy giải đáp câu hỏi của các bạn và thưởng thức gió cùng tiếng sóng của Đại dương...



Từng bước chân thảnh thơi
Cùng người ta bước như dạo chơi





Một buổi trưa thật ý nghĩa, nét hân hoan rạng rỡ trên khuôn mặt mọi người...

Hanh Nghiêm

“Bởi vì tấm vải che tử thi không có túi.”



Đây là một ông lão mới thoạt nhìn trông nghèo khó lại keo kiệt. Nhưng việc ông làm lại khiến ông trở thành tấm gương cho các phú hào khác như Bill Gates và Warren Buffett đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông.


Ông đã 76 tuổi, ở cùng vợ trong một căn hộ cho thuê ở thành phố San Francisco nước Mỹ. Ông chưa từng mặc qua quần áo hàng hiệu, kính mắt rất cũ kỹ, đồng hồ đeo tay cũng không hợp thời. Ông không thích món ăn ngon, thích nhất là sữa hâm nóng và bánh sandwich cà chua giá rẻ. Ông cũng không có ô tô riêng, ra ngoài thường đều đi bằng xe buýt, túi xách mà ông từng dùng để đi làm là túi vải.

Mặc khác, nếu bạn cùng ông đến một quán rượu nhỏ uống bia, ông nhất định sẽ cẩn thận kiểm tra đối chiếu hóa đơn; nếu bạn ở lại nhà ông ấy, trước khi ngủ ông ấy nhất định sẽ nhắc bạn tắt đèn.

Một ông già keo kiệt nghèo khó như vậy, bạn có biết trước 76 tuổi ông đã làm những việc gì chăng?

Ông đã từng cống hiến cho đại học Cornell 588 triệu đô la Mỹ, cho đại học California 125 triệu đô la Mỹ, cho đại học Stanford 60 triệu đô la Mỹ. Ông từng bỏ vốn 1 tỷ đô la cải tạo và xây mới 7 trường đại học ở New Ireland và hai trường đại học ở Northern Ireland. Ông từng thành lập quỹ từ thiện để phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch cho trẻ em ở các nước đang phát triển… Cho đến nay, ông đã quyên 4 tỷ đô la, còn 4 tỷ nữa đang chuẩn bị quyên góp.

Ông là người sáng lập tập đoàn được miễn thuế toàn cầu DFS. Keo kiệt với chính mình, hào phóng với mọi người, thích kiếm tiền lại không thích được tiền – ông là Chuck Feeney.

Trước mắt, Chuck Feeney còn ba nguyện vọng: Một là trước năm 2016 quyên hết 4 tỷ đô la còn lại, nếu không chết không nhắm mắt. Hiện tại, từ số tiền kia mỗi năm đều có hơn 400 triệu đô la chảy về các nơi cần trên thế giới.

Ông đã dựng nên một tấm gương cho những người giàu có: “Trong khi hưởng thụ cuộc sống đồng thời quyên góp cho mọi người”. Bill Gates và Warren Buffett đều chịu ảnh hưởng nhiều từ ông mà đã thay đổi hành động của mình.

Sau khi việc thiện của Chuck Feeney bị tiết lộ ra, rất nhiều phóng viên muốn tiếp xúc với ông. Trong tâm ai cũng đều có một nghi vấn: Làm sao Chuck Feeney có thể dửng dưng trước gia tài hàng tỷ đô la kia chứ?

Đối với nghi vấn của mọi người, Chuck Feeney mỉm cười kể cho mọi người một câu chuyện: “Một con hồ ly thấy bồ đào trong vườn kết trái đầy, muốn vào trong ăn một chầu no bụng, nhưng giờ nó mập quá, không chui vào được. Thế là ba ngày ba đêm nó không ăn không uống để thân thể gầy xuống, cuối cùng cũng chui vào được! Ăn no nê, cảm thấy thỏa mãn, nhưng khi nó muốn rời đi, lại không chui ra được. Bất đắc dĩ đành phải giở trò cũ, lại ba ngày ba đêm không ăn uống. Kết quả, lúc nó đi ra, bụng vẫn giống như lúc đi vào.”

Kể xong câu chuyện, Chuck Feeney nói:

“Mỗi người đều là trần trụi sinh ra, cuối cùng cũng đơn độc ra đi, không ai có thể mang theo tài phú và danh tiếng mà bản thân đã đau khổ tìm kiếm cả đời.”

Truyền thông hỏi Chuck Feeney, vì sao ông lại quyên góp hết gia tài của mình?

Câu trả lời của ông đơn giản và ngoài dự đoán của mọi người! Ông nói: 
- “Bởi vì tấm vải che tử thi không có túi.

Mai Thanh Xuân Sưu Tầm
---------
(Theo huynhhuuduc.blogspot.com)

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Giai Thoại và Tính Năng Quý Giá Của Rau Diếp Cá




Cây cỏ giản đơn nhưng nếu vào tay thầy thuốc giỏi thì cũng nào khác chi linh đan thần dược. Giai thoại và những bài thuốc từ diếp cá là một ví dụ, thật đáng để người đời lưu danh.

Dao sắc không gọt được chuôi

Dân gian thường bảo “Dao sắc không gọt được chuôi“. Còn trong y giới thường nói “Y sinh nan trị tự gia bệnh“. Nhận định trong hai thành ngữ trên quả không sai, nhất là đối với trường hợp danh y Lưu Hoàn Tố.

Lưu Hoàn Tố (1120-1200), còn có tên là Lưu Hà Gian, tự là Thủ Trân, hiệu Thông Huyền xử sĩ. Ông xuất thân nghèo khổ, năm 15 tuổi mẹ bị bệnh, ba lần mời thầy chữa không khỏi và đã bị chết. Từ đó ông quyết chí học y và đã trở thành một thầy thuốc kiệt xuất, sáng lập ra “Chủ hỏa học phái” và được tôn vinh là một trong “Kim Nguyên tứ đại gia” (bốn thầy thuốc lớn thời Kim – Nguyên, Trung Quốc). Ông từng được vua ba lần triệu ra làm quan, nhưng cả ba lần ông đều từ chối. Ông được triều đình phong danh hiệu “Cao thượng tiên sinh“.

Trong nhiều thư tịch của Đông y có chép sự việc Lưu Hoàn Tố mắc bệnh thương hàn, phải nhờ Trương Nguyên Tố mới chữa khỏi được.

Sự việc cụ thể như sau:

Khi tuổi đã ngoài 60, có lần Lưu Hoàn Tố vào núi hái thuốc, gặp trời mưa to và đã bị thương hàn nặng. Ban đầu người ông thấy rét run, đồng thời phát sốt, họng khô, miệng khát, ho rất nặng và rất nhiều đờm, dần dần thì trong đờm có lẫn cả máu… Lưu Hoàn Tố cho rằng, đã bị thương hàn nặng, biến thành phế ung (tương tự áp-xe phổi trong y học hiện đại). Ông đã kê đơn thuốc để tự chữa trị, nhưng tất cả hoàn toàn vô hiệu. Bệnh kéo dài, ngày càng trầm trọng, cứ liên tục nôn ra máu mủ, không ăn uống được…

Người nhà và môn sinh xoay quanh, mà không biết cần phải làm gì. Cuối cùng, môn sinh đã phải mời một thầy thuốc khác là Trương Nguyên Tố đến để chữa trị. Đương thời thanh vọng của Lưu Hoàn Tố cao hơn Trương Nguyên Tố rất nhiều. Khi Trương Nguyên Tố đến thăm bệnh, Lưu Hoàn Tố quay mặt vào tường, nhưng Trương Nguyên Tố vẫn bình tĩnh, chẩn mạch cẩn thận. Sau khi chẩn bệnh, Trương Nguyên Tố lấy từ túi ra một bó cỏ, đưa cho môn sinh và nói:

– Loại thuốc này tôi đã dùng chữa cho nhiều người. Cực kỳ linh nghiệm.

Nói dứt lời, liền lập tức cáo từ ra về. Sau khi Trương Nguyên Tố đi khỏi, Lưu Hoàn Tố liền bảo lấy thuốc ra xem. Ông thấy nó có hình dạng tựa như tam bạch thảo và nói:

– Tam bạch thảo là thuốc thanh nhiệt, lợi thủy, tiêu thũng, giải độc… Làm sao mà có thể chữa khỏi được bệnh phế ung của ta!.

Dứt lời, ông liền bỏ thuốc sang một bên. Môn sinh đã phải van nài và khuyên nhủ mãi, Lưu Hoàn Tố mới chịu uống thử.

Thuốc sắc xong, Lưu Hoàn Tố nhìn thấy nước thuốc có màu hồng tựa như hồng trà, vị hơi chát và có mùi rất giống nhục quế. Ông đưa chén thuốc lên và nói:

– Thuốc này không phải tam bạch thảo.

Dứt lời liền một hơi uống cạn chén thuốc. Sau ba ngày, bệnh của Lưu Hoàn Tố đã giảm đi nhiều. Hơi thở đã đều đặn, ho giảm nhiều và đờm đã sạch.

Lưu Hoàn Tố rất phục tài dùng thuốc của Trương Nguyên Tố, đang định cho người đi mời, thì thấy ông đã đến.

Sau khi hàn huyên, Lưu Hoàn Tố tỏ ra rất cảm phục và hỏi:

– Không biết tiên sinh đã cho tôi uống loại thuốc gì? Có phải là đặc sản của quê ngài không?

Trương Nguyên Tố lấy từ trong giỏ ra một bó thuốc còn tươi. Lập tức có thứ mùi tanh như cá tràn ngập khắp phòng. Ông nói:

– Quê tôi gọi nó là trấp thái. Mùi nó tanh như cá, nên có tên là ngư tinh thảo. Nó sinh trưởng ở nơi ẩm thấp, bên các ao đầm. Hái về, phơi trong bóng râm (âm can), thì sẽ hết mùi tanh. Sắc lên có mùi thơm rất dễ chịu. Không biết lão tiên sinh uống có cảm thấy như vậy không?

Lưu Hoàn Tố đáp:

– Quả đúng như vậy.

Từ đó đi đâu Lưu Hoàn Tố cũng hết lời khen ngợi tài chữa bệnh của Trương Nguyên Tố. Tin Trương Nguyên Tố chữa khỏi bệnh thương hàn cho Lưu Hoàn Tố lan truyền khắp nơi, khiến thanh danh của ông càng ngày càng tăng.

Trương Nguyên Tố, tự là Khiết Cổ, người cùng thời với Lưu Hoàn Tố, nhưng trẻ tuổi hơn. Trương Nguyên Tố từ nhỏ thông minh. Năm 27 tuổi đã đỗ Tiến sĩ, nhưng vì phạm húy nên đã bị xóa tên. Từ đó, ông quyết chí theo học nghề y và đã trở thành một thầy thuốc nổi tiếng.

Trương Nguyên Tố là một người có tư tưởng cách tân, chữa bệnh có nhiều sáng tạo. Ông chủ trương, chữa bệnh trước hết phải biện biệt rõ tình trạng hư thực của tạng phủ, căn cứ vào khí hậu lúc đang phát bệnh và đặc điểm thể chất của bệnh nhân, mà dùng thuốc một cách linh hoạt, không nên câu nệ vào cổ phương. Ông đã sáng tạo ra rất nhiều phương thuốc rất đơn giản và rất hiệu nghiệm. Sử dụng rau diếp cá chữa khỏi bệnh cho Lưu Hoàn Tố nói ở trên là một ví dụ. Sau này, rất nhiều phương thuốc của Trương Nguyên Tố đã được Lý Thời Trân thu thập, đưa vào bộ “Bản thảo cương mục“, đánh giá rất cao.

Rau diếp cá (Ảnh: Internet)

Thần dược chữa phế ung:

Diếp cá, còn có tên là lá giấp, trấp thái. Đông y thường gọi là ngư tinh thảo.

Diếp cá là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, ưa chỗ ẩm ướt, có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ nhỏ mọc ra từ các đốt, thân mọc đứng, cao tới 40cm, có lông hoặc ít lông. Lá mọc cách, hình tim, đầu lá hơi nhọn hay nhọn hẳn. Hoa nhỏ màu vàng nhạt, không có bao hoa, mọc thành bông, có 4 lá bắc màu trắng; trông toàn bộ bề ngoài của cụm hoa và lá bắc giống như một cây hoa đơn độc, toàn cây vò có mùi tanh như cá. Hoa nở về mùa hạ vào các tháng 5-8.

Nhìn thoáng qua, cây diếp cá có hình dạng tựa như tam bạch thảo nên Lưu Hoàn Tố đã có nhận định về tính năng của nó như trong truyện kể trên.

Trong sách thuốc Đông y hiện đại, diếp cá được xếp được xếp trong loại thuốc “Lương huyết tiêu độc” (mát máu, tiêu độc).

Theo Đông y: Ngư tinh thảo có vị cay, tính lạnh; vào các kinh Phế và Can. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu thũng. Dùng chữa chứng ho do phế nhiệt, phế ung, thủy thũng, nhiệt lỵ, bạch đới, mụn nhọt…

Trong Đông y truyền thống, rau diếp cá thường được sử dụng để chữa các chứng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… đặc biệt là chứng bệnh mà người xưa gọi là “phế ung” (“phế ung” có những triệu chứng giống như áp-xe phổi trong y học hiện đại).

Để chữa phế ung và các chứng bệnh đường hô hấp: Thời xưa người ta thường giã lá diếp cá rồi vắt lấy nước hoặc đem diếp cá sắc với nước, cho bệnh nhân uống.

Ngoài ra người xưa còn hay sử dụng diếp cá dưới hình thức một số Món ăn – Bài thuốc như sau:

(1) Món ăn – Bài thuốc 1: Dùng diếp cá tươi 30g, cho vào nồi đất, đổ ngập nước ngâm trong 1 giờ, sau đó đun sôi 1-2 phút (chú ý không được đun lâu), bỏ bã chắt lấy nước, đập một quả trứng gà vào trộn đều; ăn từ từ từng ít một; mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục 20-30 ngày. Có tác dụng chữa chứng ho ra máu, khạc ra đờm hôi thối ở bệnh nhân bị bệnh lao phổi.

(2) Món ăn – Bài thuốc 2: Diếp cá tươi 60g, phổi lợn 1 bộ, nấu thành món canh; ăn phổi và uống nước thuốc, cách 2-3 ngày ăn 1 lần, dùng liên tục khoảng 3-5 thang. Có tác dụng chữa chứng ho ra máu trong bệnh viêm phế quản, viêm phổi.

Những năm gần đây, kinh nghiệm sử dụng rau diếp cá để chữa các bệnh đường hô hấp của người xưa đã được chứng thực trên lâm sàng. Xin phép được giới thiệu hai kết quả nghiên cứu tương đối tiêu biểu:

(3) Thử nghiệm lâm sàng 1: Dùng diếp cá tươi 30g, sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày. Theo tạp chí “Thượng Hải Trung y dược“, thầy thuốc Chư Vân Trình đã thử nghiệm dùng đơn thuốc trên cho 23 ca bệnh phổi (bao gồm 5 ca áp-xe phổi, 2 ca viêm phổi, 2 ca giãn phế quản, 14 ca viêm phế quản cấp và bán cấp), sau 1 tuần điều trị các chứng trạng suyễn thở, ho, khạc ra đờm lẫn máu… đều cải thiện rõ rệt.

(4) Thử nghiệm lâm sàng 2: Dùng diếp cá 30g, cát cánh 15g; đầu tiên sắc riêng cát cánh, sau khi sôi giữ nhỏ lửa 10-15 phút, tiếp đó cho rau diếp cá vào đun thêm 5 phút là được; chia 3-4 lần uống trong ngày. Theo tạp chí “Trung Hoa Nội khoa“, người ta đã tiến hành thử nghiệm đơn thuốc trên đối với 120 ca viêm phổi; kết quả rất khả quan, sau 10 ngày dùng thuốc 92% số bệnh nhân đã khỏi bệnh mà không cần dùng đến một thứ thuốc nào khác.

Những tác dụng khác:

Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, rau diếp cá có một số tác dụng chủ yếu như sau: 

Đối với virus: Kết quả thí nghiệm ngoài cơ thể người cho thấy, diếp các có tác dụng ức chế đối với nhiều loại virus; có khả năng kìm hãm tác dụng gây bệnh của echovirus. Tinh dầu diếp cá, dùng dưới dạng thuốc tiêm, thuốc uống hay thuốc nhỏ mũi, đều có tác dụng phòng ngừa cúm ở mức độ nhất định. Nước cất diếp cá có tác dụng ức chế đối với Herpes simplex virus (HSV). 

Đối với vi khuẩn gây bệnh khác: Thuốc nước chế từ diếp cá tác dụng ức chế đối với nhiều loại vi khuẩn, như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lao, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn coli, trực khuẩn lỵ… 

Tác dụng kháng viêm: Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, rau diếp cá có tác dụng kháng viêm đối với động vật thí nghiệm. 

Đối với hệ thống miễn dịch: Nước sắc diếp cá, cũng như thuốc chế từ một số hoạt chất chiết từ diếp cá có tác dụng tăng cường khả năng diệt khuẩn của bạch cầu và của đại thực bào. 

Một số tác dụng khác:Còn có tác dụng lợi niệu, cầm ho (trấn khái) và cầm suyễn (bình suyễn). 

Độc tính: Kết quả thí nghiệm cho thấy, rau diếp các có độc tính rất thấp. 

Tuy nhiên, khi sử dụng cũng nên lưu ý một số cảnh báo của người xưa như sau: Diếp cá là một thứ có tính hàn (lạnh), nên nếu dùng quá nhiều sẽ hao tổn tinh tủy và dương khí, có thể sinh ra khí suyễn. Ngoài ra, người thể tạng hư hàn cần kiêng sử dụng.

Một số đơn thuốc khác có dùng diếp cá:

(1) Chữa viêm tai giữa, sưng tắc tia sữa: Dùng toàn cây diếp cá khô 20g, hồng táo (táo tàu) 10 quả, nước 600ml; sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

(2) Chữa mắt đỏ đau: Lá diếp cá giã nhỏ, ép vào hai miếng gạc sạch, đắp lên mắt khi ngủ, làm như vậy 2-3 lần là khỏi.

(3) Chữa trĩ, lòi rom: Lá diếp cá 6-12g sắc nước uống; đồng thời sắc nước lấy hơi xông rồi rửa. Nhiều người dùng thấy hiệu nghiệm.

(4) Chữa tiêu chảy do nhiễm khuẩn trong mùa hạ: Lá diếp cá tươi 60g (khô 20g), sắc với nước, thêm chút đường trắng vào uống trong ngày.

(5) Chữa viêm đường tiết niệu: Lá diếp cá tươi 30g, mã đề 15g, kim tiền thảo 15g; sắc với nước, chia thành 2-3 lần uống trong ngày.

(6) Chữa viêm tiền liệt tuyến cấp tính: Lá diếp cá tươi 60g, giã nát, đổ ngập nước vo gạo ngâm trong 1 giờ, sau đó bỏ bã, chia 2 lần uống trong ngày.

Sưu tầm: Quang Tuyết Lê

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Thôi Kệ!





Thôi kệ, buồn chi những tiếng đời
Chỉ là âm điệu thoảng đầu môi
Nghe khen càng thích, chê càng khổ
Thế sự muôn trùng.. vẫn cứ trôi..

Thôi kệ, sầu chi chuyện được thua
Tuồng đời thăng giáng lúc tôi, vua
Ai khôn mà chẳng dăm lần dại
Rồi cũng phù vân.. ngọn gió đùa!

Muôn sự trên đời do Nghiệp, Duyên
Hiểu ra, thanh thoát mọi ưu phiền
Trong mơ, ai biết đời hư ảo
Thả mồi bắt bóng tự truân chuyên..

Thôi kệ, đừng than trách thế nhân
Đừng nhìn lỗi họ để.. bâng khuâng!
Nhân tình thế thái xưa nay vậy
Thánh thiện thì ai ở dưới trần?

Thôi kệ, chi rồi cũng sẽ qua
Giận, hờn, ân, oán, nặng riêng ta
Gỡ cặp kính màu cho bớt khổ
Mắt nhặm trông đời vạn đốm hoa..

Sống giữa nhân hoàn mấy chục năm
Nói năng thì dễ, khó là câm!
- Đời trôi, ta nhọc vì ôm giữ
Vui, buồn, sướng, khổ tại nơi tâm.

Thích Tánh Tuệ
Trích theo Đạo Phật Ngày Nay
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Tuyển Tập Thư Thầy số 26 - 27




[Thư số 26]



Ngày ...... tháng ...... năm ......

T.U con,

Thầy trả lời thư con hơi chậm, mấy lúc này Thầy không được rảnh lắm. Có một số vấn đề còn tồn tại nơi con mà con cần phải có thái độ dứt khoát, không phân vân nghi ngờ. Tính con có hai đặc điểm rõ nét là lý trí và mặc cảm.

1) Về lý trí, nó là con dao hai lưỡi, vừa có thể đi với tuệ để trở thành trí tuệ, vừa có thể đi với vô minh để trở thành tà kiến, vọng thức. Phân vân nghi ngờ là mặt trái của lý trí. Ðức Phật dạy: "Ðức tin nhiều hơn lý trí thì sinh tham, lý trí nhiều hơn đức tin thành ra nghi".

Con có thói quen phân tích, suy diễn một số vấn đề rộng ra mà theo Thầy chỉ cần thấy vấn đề một cách tổng quát giản dị, hoặc thấy một số yếu tố có liên hệ đến tu tập là đủ. Khi đề cập một vấn đề Ðức Phật chỉ nói những khía cạnh cần thiết cho con đường giác ngộ giải thoát mà thôi. Những điều cần phải nói như lá trong nắm tay còn những điều dù biết cũng không cần phải nói thì như lá trong rừng. Có như vậy mới lấy được lõi cây, không lấy vỏ cây.

Kinh Dịch nói: "Dị giản nhi thiên hạ chi lý đắc hỷ", hoặc Lão Tử dạy: "Cố tri chỉ kỳ sở bất tri chí hỷ". Dị giản và dừng cái biết lại chỗ không biết chính là khai mở con mắt tuệ, không phải con mắt lý trí vọng thức. Thánh Kinh dạy: "Hãy trở nên như con trẻ", hoặc Ðức Phật khuyên thấy cái thấy như thực đều với nghĩa dẹp bỏ lý trí vọng thức để trở về cái biết như thực. Lão Tử nói "khí trí" hoặc "tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân" cũng đều với nghĩa ấy. Krishnamurti thì nói là giải trừ kiến thức, dẹp bỏ kinh nghiệm đều có mục đích khuyên con người bớt phân biệt, bớt lý luận, bớt tưởng tượng để cho cái thấy biết (tri kiến) trở nên sáng suốt trong lành. Nếu không làm như vậy lý trí sẽ đồng nghĩa với khổ đau.

Ðể cân bằng lý trí và đức tin cần phải tu tập chánh niệm. Chánh niệm sở dĩ được hầu hết các tông phái vận dụng hàng đầu vì nó là pháp dẫn đầu các thiện pháp. Chánh niệm tức không thất niệm, còn một tên khác là không phóng dật (Appamàdo). Ðức Phật dạy: "Một pháp có nhiều tác dụng trong các thiện pháp là không phóng dật" (Appamàdo kusalesu dhammesu ayam eko dhammo bahu-kàro).

Giới chính là chánh niệm trên hành động của thân và khẩu, vì vậy giới được gọi là điều học (sikkhàpadam). Không sát sanh có nghĩa là chánh niệm để giữ thân không hành động sát hại sinh mạng. Không nói dối có nghĩa là chánh niệm để giữ khẩu không nói lời không thật v.v... Những người điên, những người đãng trí không thể giữ giới vì không có chánh niệm.

Những pháp khác như chánh định cũng nhờ chánh niệm để tập trung sự chú tâm, chánh tinh tấn cũng nhờ chánh niệm để thấy rõ pháp cần phải làm, pháp cần phải bỏ, chánh tư duy không có chánh niệm sẽ trở thành vọng tưởng v.v...

2) Về các mặc cảm, Thầy thấy dường như con đang bị một mặc c?m nào đó chi phối sâu xa. Chính những mặc cảm này biến dạng từ tự ti đến tự tôn, từ tình cảm thành lý trí do đó phát sinh những đắn đo, phê phán, suy luận, tưởng tượng, thành kiến...

Mặc dù con nói con chịu được thiệt thòi khi sống theo đạo đức, nhưng cả trong 3 bức thư lời lẽ của con vẫn đầy tính chất bất mãn đến nỗi Thầy có cảm giác như khi con viết "người ngay mắc nạn: càng ngay thẳng thật thà bao nhiêu càng gặp nhiều thiệt thòi, cay đắng bây nhiêu" v.v... con đang bị bất mãn chi phối một cách vô thức.

Hãy cảnh giác, đừng để những tư tưởng như thế gặm nhấm tâm hồn con nữa. Những tư tưởng đến gần như thành kiến do mặc cảm tạo ra ấy mới thật là nguy hiểm mà nếu không kịp thời chế ngự hoặc đoạn trừ thì con không sao có thể tiến sâu hơn vào nội tâm an ổn, trong lành.

Ðức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú: "Nó lăng mạ tôi, chiến thắng tôi, cướp giựt của tôi. Người nào còn ôm ấp những ý tưởng tương tự thì lòng oán hận chẳng bao giờ nguôi". Trước đây trên đường học đạo con có thể đã hiểu lầm rằng tu hành sẽ được hưởng phước báu như mạnh khỏe, giàu sang, danh vọng, địa vị, thiên sắc, thiên lạc v.v... Ðiều đó không hẳn là sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng nếu như người tu hành xem đó là mục đích hay ít ra cũng là phần thưởng cho sự tinh tấn của mình.

Con muốn an ổn giải thoát, hay muốn đạt được tịnh lạc thì điều kiện tiên quyết là phải loại trừ hỷ tham, ái luyến đối với các phần thưởng ấy. Có thể vì một lý do nào đó một người tu hành được hưởng những thuận lợi hữu lậu trên, nhưng tuyệt đối phải cảnh giác đừng để đắm chìm, đừng để đắm trước, đừng dừng lại ở mục đích ấy, trái lại thà chịu thiệt thòi còn hơn.

Có thể rằng người tu hành vì chưa thấy được lợi ích của phước báu vô lậu nên vẫn còn luyến tiếc những phước báu hữu lậu, vẫn chưa từ bỏ được sự hấp dẫn, khả hỷ, khả lạc, khả ý của phước báu hữu lậu, vẫn còn tật đố đối với những người có phước báu hữu lậu. Nếu con thực sự hiểu đạo thì đừng tỏ ra bất mãn với những thiệt thòi, đừng tỏ ra phân vân nghi hoặc khi phải "lựa chọn giữa ngay thật và gian dối" nữa.

3) Người tu hành đừng thấy hơn người khác. Thật ra thành quả của sự tu hành chẳng có công lao gì cả. Chúng ta tự tập nhiễm những thói hư tật xấu khiến rối loạn thân tâm nay ý thức được phải tự tu sửa để tự ổn định mình như vậy đâu có gì đáng hãnh diện mà trái lại đáng hổ thẹn là khác.

Tóm lại mặc cảm tự ti hay tự tôn đều có nghĩa là thuộc vào giá trị bên ngoài. Phải quên bên ngoài để tu tập bên trong thì tự nhiên tất cả mặc cảm, tất cả lý trí vọng thức đều dần dần lùi bước.

Chúc con đạt được sự an ổn chính mình trên hành trình tự tu, tự giác

Thầy.



[Thư số 27]


Ngày ..... tháng ..... năm .....

T.U con,

Nhận thư con trong thời gian Thầy đang nhập thất để tĩnh dưỡng tối đa nhân đầu mùa an cư kiết hạ. Ðáng lẽ ra thất Thầy mới viết cho con, nhưng Thầy không nỡ để con kéo dài tình trạng khủng hoảng có thể đưa đến thối giảm tín tâm trên con đường học đạo.

Tín tâm là đầu mối của tinh tấn, giác niệm, định tĩnh, trí tuệ, giác ngộ và giải thoát. Nếu tín tâm thối giảm thì toàn bộ tiến trình giác ngộ giải thoát sẽ bị lung lay. Ðó là điều Thầy không thể không quan tâm.

T.U, con hãy bình tĩnh, Thầy sẽ giúp con hiểu tại sao con đang bị khủng hoảng và làm thế nào để con có thể ra khỏi tình trạng khủng hoảng này.

Trước hết con đừng sợ tình trạng khủng hoảng mà con đang trải qua, vì đó là quá trình tất yếu. Trên quá trình tiến hóa, con người tất yếu phải đi qua các giai đoạn khủng hoảng để đi vào và thoát ra mỗi chặng đường cam go, khốc liệt, rồi cứ thế họ tiến đến cứu cánh cuối cùng.

Con đã bước qua được chặng đường vật chất thô thiển như nghèo khổ, bệnh tật, khó khăn... mà con đã từng đấu tranh và khắc phục được chúng, trong khi những người khác đang loay hoay trong cơn sốt thành bại, được mất, nghèo giàu, hơn thua, yếu mạnh... Như thế con đã ra khỏi chặng đường bùn lầy đó. Thầy mừng cho con.

Rồi bây lâu nay con đã tiến vào một chặng đường mới, đó là chặng đường giá trị đạo đức. So với giai đoạn vật chất thì nó cao thượng hơn, nhưng cũng chính ở đó con tìm thấy một tình trạng khủng hoảng mới khi con phải phấn đấu, lựa chọn giữa hai con đường thiện và ác, tốt và xấu, ngay thẳng và gian manh, chân thực và giả dối... Con đã thấy rằng một bên là đỉnh cao, một bên là vực sâu, và con cũng đã quyết định phải chọn đỉnh cao cho định hướng của đời con. Ðó là quyết định đúng và cao quý. Nhưng oái oăm thay trước mắt con những giá trị đạo đức đó dường như đang lung lay và không thực! Rõ ràng là những kẻ đạo đức, thực thà, chất phác đang bị thiệt thòi, đang bị chà đạp và biếm nhẽ! Còn những kẻ bất lương, gian manh, dối trá lại nghiễm nhiên được ưu đãi, được tâng bốc và kính nể!

Như vậy đạo đức, nhân quả, nghiệp báo, luân hồi có thực hay không? Nghi ngờ này khởi lên nơi con như một thử thách khiến con phải lẩn quẩn trong vòng thiện ác thị phi và bị bế tắc lâu dài trong đó. Khổ nỗi bây giờ làm thiện thì khó tin và làm ác thì cũng không sao làm được! Suy nghĩ, đắn đo, phân vân , phấn đấu, thất bại, chán nản, nghi ngờ, khủng hoảng, bế tắc!

Nhưng rồi con cứ yên tâm, "vật cùng tắc biến, biến tắc thông" mà. Một ngày nào đó khi đầy đủ nhân duyên con sẽ vượt ra khỏi thiện ác thị phi để thấy ra một chân trời mới, một chặng đường mới. ở đây đạo đức sẽ không đòi hỏi điều kiện nào cả, nó chấp nhận thiệt thòi, chà đạp và biếm nhẽ vì nó đã thoát thai để trở thành trí tuệ với chân lý tuyệt đối và tối thượng, không phải nhân quả thiện ác tầm thường. Giống như con sâu biến thành con nhộng.

Và khi con bước vào chặng đường mới này của trí tuệ con lại phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng mới, như nhộng phải biến thành bướm để bay vào khung trời cao rộng: đó là sự phân vân giữa chân và vọng, giữa khổ đế với diệt đế, giữa tập đế với đạo đế.

Nếu con vượt qua chặng đường này con sẽ "parasangate" như trong câu chú cuối Bát Nhã Tâm Kinh: "Gate, gate, paragate, parasangate, Bodhi svàhà" (vượt qua, vượt qua, vượt qua bờ bên kia, hoàn toàn vượt qua bờ bên kia, ôi tuệ giác siêu việt!).

Ðó, con thấy không, chặng đường nào cũng phải có hai bờ để khủng hoảng và để vượt qua. Con đang vượt qua, vượt qua... tất nhiên con phải kham nhẫn nhận chịu đớn đau và khủng hoảng. Vậy con hãy tinh tấn, sáng suốt, định tĩnh, đừng để tín tâm thối giảm, đừng để phóng dật trổ sinh.

Hãy tin ở con, không tin ở lý thuyết nhân quả tại sinh một cách máy móc và kinh điển, không tin ở giá trị đạo đức nào tiền định. Chân lý chỉ tìm thấy nơi con khi con sáng suốt, định tĩnh, trong lành, giác ngộ và giải thoát. Có một số vấn đề về nhân sinh, vũ trụ, đạo đức v.v... Ðức Phật chỉ tạm dùng để giải thích cho người mới học đạo, rồi sau những sự thật này cần phải được hành giả tự thấy, tự chứng ở mức độ thâm sâu, vi tế và như thực chứ không nhắm mắt tin theo một số khía cạnh nhỏ mà Ðức Phật vì lòng từ bi tạm tùy cơ ứng hóa để người tu học yên tâm tu niệm.

Thầy cũng có thể giải thích cho con một số khía cạnh về nhân quả nghiệp báo nhưng thật là dài dòng vô ích. Riêng ở khía cạnh con thắc mắc Thầy có ý kiến thế này:

1) Ðối với người thiên nặng về vật chất thì đạo đức bị xem thường, người này có thể làm điều ác để được mục đích lợi dưỡng. Và khi người này gặp thời, nghĩa là thời mà đa số con người thiên nặng vật chất thì người ấy được tôn trọng, được địa vị, danh vọng, uy quyền. Nhưng con nghĩ thế nào khi họ không gặp thời nữa?

Giống như trên một đồng lúa, gặp thời con người lười biếng thì cỏ được tốt tươi, lúa bị èo uột. Còn gặp thời con người siêng năng thì lúa được tốt tươi, cỏ bị nhổ bỏ. Thời của nhân quả cũng vậy.

2) Ðối với người thiên nặng đạo đức thì vật chất bị xem thường, người này có thể làm thiện để được phước báu tinh thần. Và khi người này gặp thời, nghĩa là thời mà đa số con người thiên nặng đạo đức thì người ấy được tôn trọng, được địa vị, danh vọng và uy quyền. Trái lại thì cũng bị chê bai, khinh bỉ, chà đạp. Ðời là vậy có gì con phải ngạc nhiên!

Ngày xưa Khuất Nguyên thấy đời đục cả chỉ một mình ông trong nên ông khổ sở lắm. Có lần ông ra bờ sông Thương Lương đứng than thở trò đời thì nghe một ngư ông hát:

Thương Lương chi thủy thanh hề khả dĩ trạc ngã anh
Thương Lương chi thủy trược hề khả dĩ trạc ngã túc.

(Nước sông Thương Lương trong thì ta giặt giải mũ,
còn nước sông Thương Lương đục thì ta dùng rửa chân).

Con cũng vậy, nếu con đặt trọng tâm của đời sống là giác ngộ thì chính trò đời này đã phơi bày bản chất của nó cho con giác ngộ. Nếu cuộc đời không có những nguy hiểm mà chỉ có những vị ngọt thì khó có người giải thoát, phải không con? Còn nếu con đã là người chấp nhận con đường đạo đức mà không gặp thời thì một là con phải thật khiêm tốn nhu hòa, đừng để lộ đạo đức ra ngoài, "đức hậu tỷ như xích tử" (đức dày giống như trẻ sơ sinh), cứ hòa với mọi người, thương yêu và hỷ xả cho họ, miễn đừng bị đồng hóa là được. Nếu không được như vậy thì hai là con phải có khí phách cao ngạo một tí, phải xem thường bình phẩm khen chê ở đời, phải xem thường những thiệt thòi mà con phải chịu đựng. Con không nhớ câu nói của Chúa: "Kẻ nào chịu thiệt thòi trên thế gian này, kẻ ấy được ưu tiên trên nước Thiên đàng". Thế gian là quyền lợi vật chất, còn thiên đàng là an lạc tinh thần. Nếu một người thực sự đạo đức họ sẽ an bần lạc đạo như lời Chúa và các bậc Thánh hiền dạy. Vì thật ra chưa nói đến tối thượng an ổn khỏi các ách phược của một bậc hoàn toàn giải thoát, chỉ những an lạc tinh thần cũng đủ đền bù biết bao thiệt thòi ở giữa thế gian đầy tranh chấp nhiệt não, phải không con?

Thật là hay nếu con lắng sâu hơn nữa để nghe từ bên trong những giá trị đạo đức đích thực, để bắt gặp một niềm an lạc tinh thần mà không một quyền lợi nào trên đời có thể so sánh được. Người nào đạt được thiền tịnh thâm sâu Ðức Phật gọi là đã đạt được hiện tại lạc trụ của các bậc Thánh. Lắng sâu cũng có nghĩa là vượt qua, vượt qua cái vỏ bề ngoài của những tư tưởng, ý niệm hay hành động đạo đức để hướng vào bên trong (Opanayiko), bên trong nữa... cho đến khi con bắt gặp sự thâm sâu của thiền tịnh: sáng suốt, định tĩnh, trong lành, giải thoát và biết mình giải thoát.

Có sá gì những phần thưởng bên ngoài của đạo đức, có sá gì những thiệt thòi mà cuộc đời bắt con gánh chịu, hãy lắng sâu vào bên trong bằng con đường Chánh niệm Tỉnh Giác, hãy lắng sâu, lắng sâu đến chỗ uyên áo của đạo.

Thân ái chào con.

Thầy.


Trích trong Tuyển Tập Thư Thầy 
Thiền Sư Viên Minh
Sưu Tầm: Hanh Nghiêm


Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Làm Vệ Sinh Bộ Não





1. DẪN NHẬP
Vệ sinh nghĩa gốc là: Vệ = bảo vệ; Sinh = sức khỏe, sự sống. Về sau có nghĩa rộng là: Làm cho sạch sẽ, lau chùi dọn dẹp ngăn nắp. Ví dụ: Làm vệ sinh căn phòng, căn nhà, chỗ ăn, chỗ ở...

2. TẠI SAO CẦN LÀM VỆ SINH?
Ngoại trừ một số người có tật bầy hầy, bừa bãi, chúng ta ai cũng thích ngăn nắp sạch sẽ. Nên nói “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon. Nghèo cho sạch, rách cho thơm.”

Nhất là ở xứ đầy đủ vật chất này càng chuộng nếp sống vệ sinh. Đi đâu cũng thấy nhắc: Không hút thuốc, xả rác bị phạt, rửa tay cho sạch sau khi đi vệ sinh.

3. TẠI SAO CẦN LÀM VỆ SINH BỘ NÃO?
Vật chất bên ngoài cần giữ vệ sinh kỷ lưỡng như thế, huống là bộ não. Cơ quan trọng yếu nhất của chúng ta thì thế nào? Có ai dám lái chiếc xe mà bộ phận tay lái xộc xệch, lỏng lẻo, lắc lư không? Thế mà chúng ta quen sống với bộ não lao chao, bất định, rối rắm căng thẳng, ý nghĩ thay đổi như chong chóng. Ít khi tâm được thanh thản sáng suốt, an bình. Vì sao? Vì nhiều nguyên nhân. 
Nguyên nhân bên ngoài: Cuộc sống càng ngày lại càng khó khăn, bon chen, cạnh tranh khốc liệt. Càng nhiều người, ít việc lại càng phải cố gắng để giữ việc đang làm, hay càng tranh đua với nhiều người khác để có việc làm. Lâu ngày tâm đã quen tật tranh đua, tranh giành, tranh chấp, cho đến những việc không cần tranh, ta cũng cứ tranh. 
Nguyên nhân bên trong: Như trên đã nêu, sống trong xã hội đua chen, không có chỗ cho người lừng khừng, chẫm rãi, chậm chạp. Do huân tập lâu ngày miệng bằng tay tay bằng miệng nên việc gì ta cũng lanh tay, lanh chân, lẹ làng, không chậm trễ. Lâu dần tâm ta luôn luôn ở trong tâm trạng đáp ứng mau lẹ với sự việc. Người ta chưa đánh ta đã hạ thủ, gọi là đánh phủ đầu. Nó trở thành một quán tính, một phản xạ, một tinh thần tranh thắng, tranh hơn trong mọi trường hợp. 

4. NÃO VÀ TÂM
Não bộ là một cơ chế vật chất nằm trong hộp sọ, gồm có nhiều tỷ tế bào thần kinh (Neuron). Nhưng nó quan trọng là chỗ gá nương của cái TÂM.

Ngày xưa người ta quan niệm rằng TÂM ở nơi trái tim. Chữ Hán viết Tâm theo tượng hình trái tim, hay định nghĩa Tâm là tim. Sau này khoa học chứng minh, thay tim mà không thay Tâm. Như vậy Tâm không ở nơi tim mà ở nơi não. Não đảo điên Tâm điên đảo. Não an tịnh Tâm thảnh thơi.

Bộ não có nhiều chức năng, xin tạm kể: 
Ý thức phân biệt, ý căn suy nghĩ, trí năng suy luận, ký ức ghi nhớ. 
Vùng giác tri tâm linh, tánh giác gồm có tánh thấy, tánh nghe, tánh xúc chạm và tánh nhận thức biết (không lời). 
Đường mòn ngôn ngữ gồm có: Vùng kiến giải tổng quát (Wernicke), vùng giải mã (Broca) vùng nói (trên thùy đỉnh) vùng cơ chế phát ngôn. (miệng lưỡi, cổ họng, dây âm thanh, âm quản). 
Hệ thống viền não (để nhớ). 

5. TÂM LÀ NHỮNG GÌ?
Theo Phật học, tâm gồm có:

A. Tâm – Ý – Thức
Tâm Citta: cái tâm tổng quát, tâm đời, tâm đạo, tâm linh.
Ý Mano, manas: tâm tư duy, suy nghĩ, tính toán, bươi móc quá khứ.
Thức Vinnana: tâm phân biệt, so sánh, tâm hai bên (nhị nguyên).

B. Thọ – Tưởng – Hành – Thức 
Thọ: cảm giác (sensation), cảm nhận (feeling). 
Tưởng (perception): các mạng lưới khái niệm. 
Hành (mental formation): các sắc thái tâm, phản ứng của tâm. 
Thức (consciousness): tâm phân biệt, lời nghiệp, thân nghiệp. 

C. Sáu căn: mắt–tai–mũi–lưỡi–thân–ý (5 giác quan và cái ý) 
Sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. 
Năm đối tượng (bên ngoài) của giác quan và ý nghĩ. 
Sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức (tâm thức). 
Sáu căn tiếp xúc với sáu trần liền sanh sáu thức. 

D. Tóm gọn lại, có 3 tâm: 
Tâm phàm phu: ý căn, ý thức, trí năng (tâm dính mắc). 
Tâm bậc Thánh: Tánh Thấy, tánh Nghe, tánh Xúc chạm (biết mà không dính mắc). 
Tâm Phật: Tánh nhận thức biết không lời hay Tâm Như. 

6. NHỮNG GÌ CHI PHỐI TÂM?

A. Tập Khí Lậu Hoặc: 
Lậu hoặc: chất độc rỉ chảy trong tâm – tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến... hay 
Tập khí: những đam mê, ghiền nghiện đã được huân tập. 

B. Kiết sử:
Những thứ dây trói buộc tâm. 
Truyền thống gia đình 
Truyền thống văn hóa xã hội 
Truyền thống dân tộc 
Truyền thống tôn giáo 
Chủ nghĩa, ý thức hệ. 

C. Tùy miên: 
Những ấn tượng sâu sắc 
Những xúc cảm mãnh liệt 
Những hình ảnh ghê rợn 
Ghi đậm trong tiềm thức, ngủ ngầm trong tâm, thầm thầm gợi lên thường trực. 

D. Tâm ba thời: 
Tâm quá khứ, luyến tiếc, hối hận 
Tâm tương lai, ước mơ, mong cầu 
Tâm hiện tại, thói quen, sở thích. 

E. Tâm ghi nhớ: 
Ký ức vận hành ghi nhớ những chuyện vừa xảy ra. 
Ký ức dài hạn ghi nhớ những chuyện xa xưa. 
Tâm xúc cảm: gặp việc tự đột khởi do dồn nén lâu ngày, nay bùng phát, hành động tàn bạo không kịp suy nghĩ, kể cả người có tiếng đạo đức cũng giết người. 

F. Tâm dính mắc:
Mắt thấy sắc, dính mắc với sắc.
Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, da xúc chạm đều dính mắc với đối tượng.
Từ dính mắc, tâm sẽ duyên theo, dệt thành mạng lưới khái niệm, đưa đến tâm xúc cảm và tạo nghiệp lành, nghiệp dữ.

G. Ngũ dục lôi cuốn: 
Tài: tiền của, nhà cửa, tài sản. 
Sắc: sắc đẹp, sắc dục, cái thích của mắt, tai, xúc chạm. 
Danh: danh vọng, quyền thế, lời khen, tiếng chê. 
Thực: ăn uống chuộng cao lương mỹ vị, đồ ngon, vật lạ. 
Thùy: ngủ nghỉ, ưa thích giải đãi, lười biếng. 

Năm dục này là 5 sức lôi cuốn mạnh mẽ, tâm không bao giờ được yên ổn.

H. Nghiệp chướng chi phối: 
Biệt nghiệp, nghiệp riêng của mình, cùng chung một cảnh mà mình khổ hơn người chung quanh. 
Cộng nghiệp, nghiệp chung của một nhóm, nghiệp của gia đình, nghiệp của đồng đội, nghiệp của người lưu vong. 
Những thứ đua đòi theo người, a dua theo số đông, bị số đông lôi cuốn. (Ăn mặc theo thời trang, sửa sang sắc đẹp theo người mẫu). 
Những đam mê ghiền nghiện ngoài ý muốn, không chống lại được (theo bạn bè vô sòng bạc, vào quán nhậu, vào chỗ ăn chơi). 
Những ràng buộc với người mình không thích, không rứt ra được (trong sở làm, gặp boss làm tình làm tội, không bỏ sở được). 
Những quyết định bất chợt chuyển hướng cuộc đời vào sa đọa (giận tình đời, quay sang trả thù đời. Đang đi trên đường sáng sủa, bổng vì một phút giận hờn bất mãn mà bước sang nẻo đen tối). 
Những gió nghiệp cản trở con đường hướng thượng, con đường tâm linh (Tìm được Pháp được Thầy mà bị người nhà cản trở không cho tu học). 

I. Tâm tò mò, thắc mắc, cái gì cũng muốn biết: 
Tâm hay dính mắc vào chuyện trái tai, gai mắt, những chuyện không đâu 
Tâm hay xía vào những chuyện phù phiếm, thị phi bên đường 
Tâm dễ bị những chuyện quái dị, mê tín, dị đoan, thần quyền lôi cuốn 
Tâm dễ duôi, dễ bị ma lực đam mê lôi kéo (ma túy, ma men, ma dâm, thần đổ bác, thần khẩu) 
Tâm thích sưu tầm, cất giữ, tích trữ, ôm đồm nhiều việc mà không việc gì làm tới nơi tới chốn 
Tâm đam mê một thứ gì đó quên cả cuộc đời (đam mê thể thao, đam mê nghệ thuật, đam mê khoa học, đam mê văn chương chữ nghĩa) 
Tâm hay thắc mắc chuyện nhỏ mà quên chuyện lớn (người bị mũi tên độc không lo chữa độc mà cứ muốn biết ai bắn, tại sao, chất độc gì... Rốt cuộc cứu không kịp). 

J. Tâm bị ảnh hưởng của thời đại: Tự do cá nhân, tự do hưởng thụ: 
Ăn theo thuở, ở theo thì. Ai sao ta vậy. 
Về thân, chạy theo cách sống đua đòi. Ai có gì ta cũng phải có cái đó, kiểu trưởng giả học làm sang. 
Về tâm, nuông chiều ý thích, ham muốn, nuông chiều xác thân, hưởng thụ. 
Đau bệnh ỷ có bác sĩ nhà thương. Không biết ăn uống lành mạnh và tập tành nếp sống biết đủ. 
Không kể đạo đức luân lý, bất chấp phải trái, thiện ác. Thấy người làm được, ta làm được, miễn được việc mình ai bị thiệt kệ họ. 
Về trí tuệ tâm linh, cho đó là món khó tin, xa vời, không cần thiết. Chỉ cần trí lanh xảo, mưu mẹo ăn thua hơn người một bước là hay là giỏi. 
Bắt não làm việc quá sức, vui chơi hưởng thụ cũng tối đa, tom góp của cải vật chất càng nhiều càng tốt, ăn uống thỏa thích. Tất cả đều quá độ, vô độ. Kết cuộc thân phải bịnh, tâm phải khổ, và bị những chứng bịnh thời đại khó chữa như: bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh liệt rung Parkinson, bệnh ung thư, bệnh ảo giác... 

7. TẠM KẾT

Như trên đã phân tích, não bộ tuy có nhiều tỉ tế bào cất giữ dữ kiện, có thể tu tập phát huy trí tuệ tâm linh nhưng chúng ta không lựa chọn con đường chánh trí. Chúng ta lại chọn con đường dục lạc thế gian, đưa đến thân bệnh, tâm khổ, tâm linh mờ tối.

Ngược lại, con đường tâm linh hướng thượng, biết đủ, đưa đến thân khỏe, tâm an, và trí sáng. Vì sao? vì biết làm vệ sinh não bộ. Làm sạch não bộ, tẩy bỏ bớt những thứ rác rưởi, cặn bả độc hại ra khỏi tâm.

Ví như người biết mình đi lầm đường, quay lại tìm đường an lạc, hạnh phúc.

Ví như người biết mình không thấy tỏ, tìm cách chữa mắt cho tỏ rõ, sáng mắt.

Ví như người lắm bệnh, tìm cách tự chữa bệnh cho lành thay vì bệnh mình không lo, lại lo chữa bệnh người.

Nếu biết làm vệ sinh não bộ thì cuộc đời sẽ bớt khổ, thoát khổ và giác ngộ.

Nếu chưa biết, xin ghi tên học lớp “Thiền” để tự mình làm vệ sinh não bộ.


Không Chiếu
Trích từ Đặc San Thiền Tánh Không số 6 năm 2011

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Bài Kinh Nhất Dạ Hiền Giả


Ni Sư Thích Nữ Triệt Như
Từ Nguồn Thiền Tánh Không
Sưu tầm: Tuệ Nghiêm 

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Nếu Yêu Là Nghĩa Sống





Hãy cứ yêu, nếu yêu là lẽ sống
Nhưng chớ nhầm dục vọng với tình yêu,
- Mây rủ gió bay qua trời cao rộng
Chẳng trói nhau nên tự tại rất nhiều..
Nếu biết yêu trái tim bừng lửa sáng
Xót thương người trong khổ nạn, gầy hao
Vì lắm lúc đời như dòng sông cạn
Có tình yêu lai láng giọt mưa trào.
- Em hãy đến bên tôi đừng e ngại
Đóa sen hồng này ưu ái gửi trao,
Đời du sỹ tôi chân trần, áo vải
Túi đong đầy nhật, nguyệt với trăng sao..
Em có biết, tình yêu mầu nhiệm lắm!
Nếu bàn tay quen nắm, biết buông ra
Cứ thầm lặng, yêu đâu cần vội vã
Giữa muôn loài thấy lại bóng hình ta..
Đừng đuổi bắt những cuộc tình dâu bể
Bao kiếp rồi suối lệ đã trùng dương
Ngồi yên nhé, cùng phát lời hải thệ
Thắp đèn tâm cho rạng nẻo vô thường..
Hãy cứ sống, yêu với lòng biển rộng
Nắng mai ngời.. bừng giấc mộng, thênh thang..

Mumbai-South India Oct 2014
Như Nhiên (Thích Tánh Tuệ)
Sưu tầm: Giới Nghiêm