Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Cơn Đau Tim Và Nước



Khi bạn đứng, cơ thể giữ nước ở phần dưới của cơ thể, khiến chân bạn sưng lên. Khi bạn nằm xuống, cơ thể hạ xuống thấp hơn, do đó, thận thải nước dễ dàng hơn, độc tố cũng dễ dàng loại bỏ hơn.

RẤT QUAN TRỌNG, xin hãy ghi nhớ:

- 2 ly nước sau khi thức dậy - giúp kích hoạt các cơ quan nội tạng

- 1 ly nước 30 phút trước bữa ăn - giúp tiêu hóa

- 1 ly nước trước khi tắm - giúp giảm huyết áp

- 1 ly nước trước khi đi ngủ - tránh đột quỵ hoặc đau tim.

Kết quả một số công trình nghiên cứu cho thấy trước khi đi ngủ, uống một cốc nước có thể giúp phòng ngừa chứng tai biến mạch máu não.

Trong thực tế, những trường hợp tai biến mạch máu não thường xảy ra vào sáng sớm. Sau một đêm dài cơ thể không được cung cấp nước, máu trở nên đặc hơn, và đây là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến tai biến mạch máu não.

Trong một ngày, máu có lúc đặc lúc loãng, đồng thời có một quy luật nhất định. Buổi sáng, từ 4 giờ đến 8 giờ, là lúc máu đông đặc nhất, sau đó dần dần loãng ra, đến khoảng 12 giờ đêm là thời điểm loãng nhất, rồi dần dần đặc lại, và đến buổi sáng hôm sau lại lên đến đỉnh cao.

Vì vậy, mỗi chúng ta, nhất là những người lớn tuổi, buổi tối trước khi đi ngủ nên uống khoảng 200 ml nước (chừng một cốc), thì sáng ngủ dậy, không những máu không bị đặc mà còn loãng ra.

Các chuyên gia y học cũng khuyên rằng, buổi tối trước khi đi ngủ uống nước khiến cho máu loãng ra, có lợi cho sự tuần hoàn của mạch máu, giúp phòng chống tai biến mạch máu não.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến mạch máu não, sự đông đặc của máu tăng lên chỉ là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, có thể khẳng định thói quen uống nước trước khi đi ngủ có tác dụng nhất định đối với việc phòng chống tai biến mạch máu não.

LÀM SAO ĐỂ SỐNG QUA CƠN ĐAU TIM KHI BẠN Ở 1 MÌNH

Người bệnh khi lên cơn đau tim thì tim họ sẽ đập loạn nhịp, yếu. Sau đó, họ cảm thấy choáng, uể oải.

Khi bắt đầu cảm thấy như thế, thì chỉ còn 10 giây nữa họ sẽ ngất.

Tuy nhiên người bệnh có thể tự giúp mình bằng cách ngay lập tức ho rất mạnh, rất dài và rất sâu (như khạc đờm từ sâu trong ngực). Đồng thời, trước và xen kẽ mỗi cơn ho người bệnh hít 1 hơi thật sâu.

Người bệnh cần lặp lại hít thở sâu và cơn ho như trên mỗi 2s, chỉ dừng lại cho đến khi cảm thấy tim đập trở lại bình thường và người có thể giúp đỡ đến.

Hít thở sâu giúp cho oxy vào phổi nhiều hơn bình thường và mỗi cơn ho dài, mạnh, sâu giúp bóp mạnh quả tim làm cho máu lưu thông.

NAM MÔ DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG VƯƠNG PHẬT 

Nguồn Dr Azhar Sheikh
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Hạnh Phúc Không Xa




Đừng tìm hạnh phúc nơi nào xa quá
Hãy quay về tìm nó ở trong ta
Chỉ cần tâm thanh thản sẽ nhận ra
Vì hạnh phúc là điều đơn giản nhất

Khi ăn uống biết ngon là hạnh phúc
Khi tai còn nghe rõ những âm thanh
Khi mắt còn thấy rõ áng mây lành
Khi đi đứng nói làm đều tự tại

Biết giúp ích nhân loại điều thiết thực
Biết sẻ chia vật chất lẫn tinh thần
Biết cảm thông mọi rắc rối thế nhân
Biết trang trải bằng tình thương chân thật

Người hạnh phúc nhất là người trầm tĩnh
Trái tim người thật sự vị nhân sinh
Mọi việc làm có chánh niệm phân minh
Sự an tịnh tâm hồn luôn có mặt.


Thích Nhật Từ
Nguồn Đạo Phật Ngày Nay
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Beautiful Chistmas Music to Dream

                       
                       
Kính chúc quí Đạo Hữu một mùa Giáng Sinh thật Vui Vẻ và Hạnh Phuc

Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Cầu Siêu?



" Cầu siêu xin hỏi lấy gì siêu?
Ngũ ấm giai không Phật dạy rồi!
Vô ngã, vô nhơn... vô thọ giả!
Cái gì ở lại? Cái gì siêu? "

Cầu siêu, cầu an, cầu nguyện, cầu hòa bình thế giới. Người nào không còn muốn sống và không còn muốn gì nữa hết, mới dám không tin, thậm chí dám nói thẳng: Không được gì!

Nếu nhìn thẳng sự thật, nếu tâm trong sáng nhận xét khách quan, nếu đừng tự ti mặc cảm, nếu đừng kiến thủ kiến, ai cũng có thể chứng minh được rằng: tất cả các thứ cầu nguyện nói trên đều không hiệu nghiệm.

Đạo Phật chân chính, cho việc “cầu nguyện, cầu an, cầu siêu, cầu xin” là việc làm không hợp chân lý. Xin hãy đọc kỹ bài thơ trên với tâm trong sáng và thực tế.

Người đệ tử Phật hãy mở rộng lòng chánh tín khách quan mà tu tập. Đạo Bà La Môn tự đặt cho mình cái độc quyền cầu nguyện, lễ khấn, cúng tế, Đức Phật bất hợp tác từ khi thành Phật cho đến lúc từ giã nhiệm vụ độ sanh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thập phương chư Phật, không phải là đối tượng sở cầu để chúng sanh khấn nguyện van xin kêu cứu. Nếu Phật vạn năng, đáp ứng việc van xin phù hộ theo ý năng cầu của khách hàng đệ tử, thì tam tạng giáo điển kinh Phật dạy để làm gì? Thực tế, kinh tụng lễ CẦU SIÊU ai cũng biết, dù có dụng ý câu giờ cũng không hơn ba tiếng đồng hồ hê ha tụng tán!

“Tụng kinh giả minh Phật chi lý”, tụng đọc kinh cốt để học hiểu Phật dạy cho ta cái gì để học tập hành theo. Sự thật trên đời, ai ăn người ấy no, ai ngủ người ấy khoẻ; người này ăn đem sự no của mình cầu nguyện hứa cho để người khác được no, việc làm ấy không hợp chân lý, người trí không tin như vậy. Tụng kinh Cầu Siêu, lấy công tụng của người này Cầu Nguyện ban cho kẻ khác, việc làm đó chẳng những trái với sự hiểu biết của người trí ở thế gian, mà còn phản nghịch chân lý “Nhân quả” của vũ trụ. Đức Phật đã chứng ngộ, đúc kết và dạy dỗ cho hàng đệ tử mình về chân lý nhân quả và duyên sanh.

“Xưa bày nay làm” câu tục ngữ ấy chẳng có gì hay ho, vậy mà nhiều người nghe, ít người dám sửa đổi, dù biết nó lạc hậu sai lầm!

Dựa trên chân lý nhân quả và duyên sanh ấy, Tổ Qui Sơn dõng dạc giọng hải triều:

Kim sanh tiệm tu quyết đoán
“Tưởng liệu bất do biệt nhơn
“Tức ý vong duyên bất dữ chư trần tác đối
“Tâm không cảnh tịch chỉ vị cửu trệ bất thông”

Thế cho nên đệ tử Phật chơn chánh không van xin, không khấn vái, mà chỉ siêng năng tu tập:

“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”.

Hòa Thượng Thích Từ Thông
NHTS.
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Phong vũ vãn bạc



Cùng Bạn ,
Chiều thứ bảy buồn, đọc bài thơ nầy lòng tôi vô cùng cảm khái, phỏng dịch gởi đến bạn thân đọc chơi, Qua cảnh vật nên thơ của Đất Trời, thi nhân cảm xúc gởi lòng mình qua vài câu thơ nhưng nghe thấm thía vô cùng .
Thân mến
Mailoc

  風雨晚泊                Phong vũ vãn bạc

              白居易                               Bạch Cư Dị

苦竹林邊蘆葦叢, Khổ trúc lâm biên lô vĩ tùng
停舟一望思無窮。 Đình chu nhất vọng tứ vô cùng
青苔撲地連春雨, Thanh đài phác địa liên xuân vũ
白浪掀天盡日風。 Bạch lãng hiên thiên tận nhật phong
忽忽百年行欲半, Hốt hốt bách niên hành dục bán
茫茫萬事坐成空。 Mang mang vạn sự tọa thành không
此生飄蕩何時定,
Thử sinh phiêu đãng hà thời định
一縷鴻毛天地中    Nhất lũ hồng mao thiên địa trung
     
               Bản dịch của MaiLộc

          Bên bờ lau , trúc tre xào xạc ,
   Buộc con thuyền , bát ngát vời trông .
         Mưa xuân đất phủ rêu phong
Suốt ngày sóng gió bọt tung trắng trời .
  Tuổi trăm năm nửa đời chớp nhoáng ,
  Muôn việc trần thấp thoáng có không .
         Bao giờ thôi hết bềnh bồng ?
  Giữa trời lơ lửng lông hồng nhẹ tênh.
                                                MaiLoc
***
   Đậu Thuyền Chiều Mưa Gió      

Bụi lau khóm trúc giữa mênh mông
Thuyền nhỏ xa mờ lãng đãng trông
Mưa suốt mùa xuân rêu xanh sắc
Ngày dài gió lộng sóng không cùng
Trăm năm chớp mắt qua già nửa
Muôn việc rồi ra cũng hoá không
Rốt lại đời ta lang thang mãi
Như lông hồng lơ lửng từng không

                                   C.D.M.
***
SQ cũng xin mua vui cùng các bạn "vườn thơ thẩn"
Để không vượt qua ý người xưa,SQ cũng chỉ lượm lặt ghép lại mà thôi. Mong lượng thứ.
SQ

        GIÓ MƯA TỰ VẤN

Ven bờ lau sậy mọc thong dong
Một chiếc thuyền con dõi mắt trông
Mưa đổ tiết Xuân rêu sắc thắm
Gió lay ngày cuối sóng lung tung
Trăm năm mấy chốc, giờ hơn nữa
Vạn sự rồi qua , có tựa không
Phiêu lãng bao giờ ta cố định ???
Đất trời nhẹ thể một lông hồng !!
                               SONG QUANG
***  
  Đỗ Chiêu Đức  Diễn Nôm :
                          
Rừng trúc xạc xào khua lao sậy,
Dừng thuyền cảm xúc cảnh vô cùng.
Rêu xanh phủ đất mưa xuân ướt.
Sóng bạc ngất trời gió lộng tung.
Thoáng chốc trăm năm đà quá nửa,
Mơ hồ vạn sự cũng thành không.
Kiếp nầy phiêu bạc khi nào nghỉ ?
Một sợi tơ trời lãng đãng trông. 
                              Đỗ Chiêu Đức.           
***
 Thưa quí Thi hữu,
Tôi xin cố gắng nương theo ý tác giả được  gần chừng nào hay chừng nấy mà dich bài này để cùng nhau góp vui với qui bạn
Thân chào
 Quang Tuấn
 
NEO THUYỀN TRÊN BẾN MƯA

Lau trúc mọc đầy khắp dải sông
Cho thuyền đỗ bến xa vời trông.
Mưa Xuân dầm đất rêu xanh biếc
Gió lộng tung trời sóng trắng trong.
Thấm thoát trăm năm qua quá nửa
Miên man vạn sự trở thành không.
Bao giờ yên ổn đời phiêu lãng?
Nhẹ bổng chiếc lông cõi mịt mùng .

                                        
Quang Tuấn
***  
 Quên Đi xin góp đôi dòng:

Đường hoạn lộ của Bạch Cư Dị cũng lắm gian nan. Đang tước trọng quyền cao ở triều đình, từ từ bị giáng xuống làm một viên quan coi việc quân ở tận huyện Giang Châu. Có phải đây lả tâm trạng của Ông trong bài "Phong Vũ Vãn Bạc"?
 
Phong Vũ Vãn Bạc     

Khổ trúc lâm biên lô vi tùng,
Đình chu nhất vọng tư vô cùng .
Thanh đài phác địa liên xuân vũ,
Bạch lãng hiên thiên tận nhật phong.
Hốt hốt bách niên hành dục bán,
Mang mang vạn sự toạ thành không.
Thử sinh phiêu đãng hà thì định?
Nhất lũ hồng mao thiên địa trung.
 

Dịch Nghĩa : Neo Thuyền Đêm Mưa Gió
              
Đám sậy cạnh bên rừng tre
Thuyền đã dừng lại, bồi hồi nhìn về chốn xa xăm
Mưa xuân liên tiếp khiến rêu xanh phủ đầy mặt đất
Sóng bạc đầu như được gió nâng lên trời lúc cuối ngày
Thoáng chốc trăm năm đi qua muốn nửa
Tràn ngập muôn việc trên đời lại phải ngồi không
Cuộc sống trôi giạt bao giờ mới ổn định
Hay như những chiếc lông hồng giữa đất trời.

Dịch Thơ :

    
Neo Thuyền Đêm Mưa Gió

Bên cạnh rừng tre chen chúc sậy
Dừng thuyền xao xuyến vợi vời trông

Mưa xuân ẩm đất rêu xanh phủ
Sóng gió nước đùa trắng cả sông
Thoáng chốc trăm năm đà được nửa
Ngập tràn muôn việc lại ngồi không
Bao giờ ổn định thân trôi giạt
Hay mãi lưng trời tựa chiếc lông

                              Quên Đi
***
 NEO THUYỀN ĐÊM MƯA

Neo thuyền bên đám sậy chen dầy
Ngơ ngẩn nhìn về chốn cuối mây
Thấm đẫm mưa xuân, rêu phủ đất
Tung trào sóng bạc, gió đưa ngày
Nửa đời thấm thoát, chưa yên phận
Mọi việc bời bời, vẫn bó tay
Như chiếc lông hồng trong vũ trụ
Đời ta ổn định lúc nào đây?

                                Lộc Mai

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Ý Nghĩa Câu Chú OM MANI PADME HUM - Đức Đạt Lai Lạt Ma



Trì tụng minh chú Om mani padme hum [Án ma ni bát di hồng] là một việc rất tốt. Tuy vậy, khi tụng chú cần phải nhớ nghĩ đến ý nghĩa của lời chú, vì sáu âm này mang ý nghĩa thâm sâu quảng đại vô cùng.



Âm thứ nhất, OM, là tổng hợp của ba mẫu tự A, U và M, tượng trưng cho thân miệng ý ô nhiễm của người tụng chú, đồng thời cũng tượng trưng cho thân miệng ý thanh tịnh của Phật đà.

Có thể nào chuyển thân miệng ý ô nhiễm thành thân miệng ý thanh tịnh được không? hay đây là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt? Tất cả chư Phật đều là đã từng là chúng sinh, nhờ bước theo đường tu nên mới thành đấng giác ngộ; Phật Giáo không công nhận có ai ngay từ đầu đã thoát mọi ô nhiễm, mang đủ mọi tánh đức. Thân miệng ý thanh tịnh đến từ sự tách lìa trạng thái ô nhiễm, chuyển hóa ô nhiễm thành thanh tịnh.

Chuyển hóa bằng cách nào? Phương pháp tu được nhắc đến qua bốn âm kế tiếp. MANI [ma ni], nghĩa là ngọc báu, tượng trương cho phương tiện, là tâm bồ đề, vì chúng sinh mà nguyện mở tâm từ bi, đạt giác ngộ. Cũng như viên ngọc quí có khả năng xóa bỏ cảnh nghèo, tâm bồ đề cũng vậy, có khả năng xóa bỏ sự bần cùng khó khăn trong cõi luân hồi và niết bàn cá nhân. Như ngọc như ý có khả năng chu toàn mọi ước nguyện của chúng sinh, tâm bồ đề cũng vậy, có khả năng chu toàn mọi ước nguyện chúng sinh.

Hai chữ PADME [bát mê], nghĩa là hoa sen, tượng trưng cho trí tuệ. Hoa sen từ bùn mọc lên nhưng lại không ô nhiễm vì bùn. Tương tự như vậy, trí tuệ có khả năng đặt người tu vào vị trí không mâu thuẫn ở những nơi mà người thiếu trí tuệ đều sẽ thấy đầy mâu thuẫn. Có nhiều loại trí tuệ, trí tuệ chứng vô thường, trí tuệ chứng nhân vô ngã (con người không tự có một cách độc lập cố định), trí tuệ chứng tánh không giữa các phạm trù đối kháng (nói cách khác, giữa chủ thể và khách thể) và trí tuệ chứng sự không có tự tánh. Mặc dù có nhiều loại trí tuệ, nhưng chính yếu vẫn là trí tuệ chứng tánh Không.

Trạng thái thanh tịnh có được là nhờ sự kết hợp thuần nhất giữa phương tiện và trí tuệ, được thể hiện qua âm cuối, HUM [hồng]. Âm này ứng vào trạng thái bất nhị, không thể phân chia. Trong hiển thừa, phương tiện và trí tuệ bất nhị có nghĩa là phương tiện ảnh hưởng trí tuệ, và trí tuệ ảnh hưởng phương tiện. Trong mật thừa, sự hợp nhất này ứng vào một niệm tâm thức trong đó phương tiện và trí tuệ đồng loạt hiện hành. Nói về chủng tự của năm vị Thiền Phật, HUM là chủng tự của Bất Động Phật [Akshobhya], sự đứng yên không gì có thể lay chuyển nổi.

Vậy Lục Tự Đại Minh Chú, Om mani padme hum, có nghĩa là dựa vào đường tu kết hợp thuần nhất phương tiện và trí tuệ mà người tu có thể chuyển hóa thân miệng ý ô nhiễm của mình thành thân miệng ý thanh tịnh của Phật. Thường nói người tu không thể tìm Phật ở bên ngoài, tất cả mọi nhân tố dẫn đến giác ngộ đều sẵn có từ bên trong. Đức Di Lạc Từ Tôn có dạy trong bộ Tối Thượng Đại Thừa Mật Luận (Uttaratantra) rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh trong tâm. Chúng ta ai cũng mang sẵn trong mình hạt giống thanh tịnh, cốt tủy của Như Lai (Tathatagarbha – Như lai tạng), đó là điều cần nuôi nấng phát triển đến mức tột cùng để bước vào địa vị Phật đà.

Nguyên bản tiếng Anh: Om Mani Padme Hum by HH the Dalai Lama – 
Hồng Như chuyển Việt ngữ
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Sức Mạnh Của Tâm



Con người ngay từ thời xa xưa đã biết nhiều cách bảo trì sức khỏe để sống mạnh, sống vui và sống lâu. Ngày nay đa số mọi người tin tưởng vào các lương y, bác sĩ có khả năng, kiến thức. Sau khi được bác sĩ chẩn mạch, cho thuốc, bệnh nhân cũng phải có niềm tin vào thuốc và lời dặn của bác sĩ để chữa trị và duy trì thân thể được khỏe mạnh lâu dài.

Về phần tinh thần, tâm người đời vốn rất yếu đuối, hết lo âu đến buồn khổ, hết căng thẳng đến trầm cảm... Người Phật tử thuần thành tin Đức Phật có khả năng chữa cho con người khỏi các căn bệnh tâm linh . Ngài đã để lại nhiều toa thuốc vi diệu được phổ biến khắp nơi hơn 2500 năm nay, ai dùng cũng hết bệnh, nếu có niềm tin vững mạnh. Với lòng tín thành vào Đức Phật và Giáo Pháp như vậy, ta mới bắt đầu Pháp dược để trị bệnh tâm. 

Phật Pháp đã trở thành môn thuốc thần hiệu vì chính Đức Bổn Sư đã thành công trong việc tự trị liệu cho mình. Rồi vì lòng đại bi thương chúng sanh, Ngài truyền lại phương thức thuốc cho chúng sanh. Toa thuốc phổ biến nhất gồm có 5 vị chính được gọi là NGŨ LỰC gồm : 

Tín Lực : Đức tin .

Tấn Lực : Nỗ lực kiên trì. 

Niệm Lực : Sức ghi nhận liên tục các đối tượng ngay trong giây phút hiện tại. 

Định Lực : Định tâm trên đề mục. 

Huệ Lực : Trí Tuệ. 

Nhầm bồi bổ, tăng cường năng lực tâm linh.

Người nào đã được 5 vị thuốc thâm nhập vào tâm thức sẽ thấy mình có nơi nương tựa, sức khoẻ tâm linh ngày càng tăng trưởng, Không bị chi phối bởi các điều kiện pháp bên ngoài, không bị những xung động của thế gian làm cho điên đảo. ..

Về Tín Lực, Đức Phật dạy Không nên có lòng tin mù quáng, cũng đừng vội tin và cũng đừng vội bỏ khi nghe giáo Pháp của Ngài mà phải chính mình thực hành để tự kiểm chứng. Chỉ khi thân chứng được giáo Pháp thì đức tin mới không khi nào bị lay chuyển, thay đổi nữa. 

Mong năm lực này sẽ luôn là bạn lành của hành giả, là sức mạnh của tâm nâng đỡ trong mỗi hơi thở,  mỗi bước chân, để chế ngự tham ưu ở đời. Tức là những phiền não đối với thân tâm. Ngũ lực tròn đủ, vững mạnh chắc chắn sẽ đưa hành giả đến đất lành của sự an vui tuyệt đối. 

THIỀN SƯ KIM TRIỆU. 
KHIPPAPANNO

Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Phước Báo Của Sự Cứu Độ Sanh Linh



Thuở xưa, có một vị La Hán ở trên núi tuyết đã chứng Lục thông: thấy rõ việc trong ba đời như xem việc trước mắt. Nên danh tiếng vang lừng, người đương thời đều cảm phục.

Vị La hán kia có nuôi thiếu niên Sa Di làm đệ tử.

Một hôm, vị thiếu niên đệ tử đứng hầu bên cạnh thầy. Vị La hán xem qua sắc tướng của vị đệ tử mình, Ngài liền buồn rầu bảo vị thiếu niên đệ tử rằng:

- Con ơi, Thầy xem sắc tướng hôm nay, Thầy rõ biết phước báu của con đến nay đã gần hết, sau bảy ngày nữa mạng con sẽ chết. Thôi Thầy trò ta ngày nay vĩnh biệt. Thầy cho con trở về nhà thăm bà con quyến thuộc và cho con được thấy cha mẹ con trong phút cuối cùng.

Nghe xong, thiếu niên Sa Di chỉ biết đau đớn đảnh lễ thầy rồi gạt lệ từ tạ ra đi.

Trên đường về, gặp phải trận mưa lớn, thiếu niên Sa Di rẽ qua con đường hẻm thấy một bầy kiến nhỏ đang chơi vơi trên một dòng nước nhỏ chảy ngang đường. Bầy kiến hết sức chống đỡ, nhưng vô hiệu; vì thân nhỏ sức yếu mà dòng nước quá mạnh, nên đành để dòng nước tự do dày xéo, và chờ dòng nước đưa về cõi chết.

Thiếu niên Sa Di thấy vậy, động lòng từ bi, liền cỡi chiếc áo đang mặc trong mình ngăn ngang dòng nước để đàn kiến có chỗ leo vào, những con nào kiệt sức, không thể leo vào áo được, thiếu niên Sa Di nhẹ tay bắt từng con bỏ và, rồi đem bỏ vào chỗ khô ráo. Hai ba phen xem xét thấy bầy kiến chắc chắn thoát chết, mới yên lòng về nhà.

Ðến nhà, trong thời gian bảy ngày, thiếu niên Sa Di lo sợ chờ ngày mạng chung. Nhưng đến ngày thứ tám, thiếu niên vẫn còn sống. Thiếu niên Sa Di mừng rỡ trở về chỗ thầy.

Ðến nơi, vị La hán hết sức ngạc nhiên! Không biết vì sao đệ tử mình đến bây giờ mà vẫn còn sống. Ngài liền nhập định dùng diệu trí quan sát mới biết đệ tử mình do công đức cứu bầy kiến nên bảy ngày không chết mà còn sống lâu được nữa. 

Sau khi xuất định, vị La hán giải cho Sa Di rõ lý do thoát chết, và giải nghĩa chữ từ bi.

Từ đấy, thiếu niên Sa Di tinh tấn tu hành không bao lâu chứng đặng đạo quả.

Ðức Tâm

Dùng lòng từ bi cứu một mạng sống đặng phước báo không kể xiết.

Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Tây Phương Ngay Hiện Đời





Tây phương ngay hiện đời
Sống an lạc thảnh thơi
Tự tánh A DI ĐÀ
Là thanh tịnh bình an.

Vượt không gian thời gian
«Hương thơm người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay»
Đó là vô là VÔ LƯỢNG THỌ.

Ánh sáng người giác ngộ
Chánh hạnh thật đoan trang
Rạng ngời và tỏa sáng
Đó là VÔ LƯỢNG QUANG.

Sống ngay giữa trần gian
Theo lời PHẬT đã dạy :
«Không làm các việc ác
Làm tất cả việc lành »
VÔ LƯỢNG CÔNG ĐỨC.

Sống an lạc tĩnh thức
Phật tâm ngay hiện tiền
Hoa sen từng cánh nở
Xinh đẹp nụ cười hiền.

Cực lạc cõi thân tiên
Thân an tâm giải thoát
Dung thông tam thế giới
Từng bước nhẹ thảnh thơi.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ BỒ TÁT QUÁN TỰ TẠI!

Thích Nữ Nguyên Bích.
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Trì Tụng Đại Tạng Kinh Bằng Tiếng Pali (Tipitaka) Quốc Tế Tại Bồ Đề Đạo Tràng - Ấn Độ



Namo Sakya Muni Buddha

Ngày 02 tháng 12 năm 2011, chương trình tụng kinh Tipitaka quốc tế do Tăng già nước Lào và Bangladesh đồng tổ chức, dưới sự bảo trợ của tổ chức Ánh sáng Phật pháp quốc tế đã khai mạc vào lúc 13h30 tại cội Bồ đề thiêng liêng – Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ. 

Chương trình trì tụng kinh Tipitaka bắt đầu từ ngày 03 đến ngày 12 tháng 12; mỗi ngày tụng kinh 4 thời sáng chiều, mỗi thời kéo dài 2 tiếng đồng hồ, buổi tối có thời giảng pháp cũng diễn ra dưới cội Bồ đề.

Chương trình trì tụng kinh Tipitaka quốc tế năm nay là lần thứ 7, gồm có các quốc gia tham dự như sau: Lào, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Nepal, India, Sri Lanka, Bangladesh, Việt Nam và các nước khác, với hơn 1200 Tăng, Ni và hơn 2000 Phật tử tham dự.


Chư Tăng tiến vào Bồ Đề Đạo Tràng


Đoàn Việt Nam






Được biết, cứ mỗi hai năm, các nước luân phiên đăng cai tổ chức. Từ năm 2006 do Hội Maha Bodhi, Ấn Độ tổ chức lần đầu tiên; sau đó là Thái Lan; Lào và Bangladesh; và dự kiến năm 2012 và 2013 Miến Điện đăng cai.

Đoàn Việt Nam hơn 50 người bao gồm Tăng, Ni đang du học tại Ấn Độ và Phật tử từ các nơi trên thế giới.



Nơi đức Phật thành đạo: Ngày ấy và bây giờ

Là người Phật tử ai cũng từng đọc qua sử sách ghi chép về nơi đức Phật thành đạo, đó là một vùng đất, có cây Bồ đề, gần dòng sông Ni Liên Thiền…

Ở đó, một vị ẩn sĩ đã phát nguyện thành Phật trong bốn mươi chín ngày. Đến ngày cuối cùng, khi sao Mai ló dạng, vị ẩn sĩ đó đã chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ai cũng biết điều đó. Lịch sử đức Phật Thích Ca mà chúng ta đọc đã ghi lại điều đó. Trong bài viết này, tôi muốn nói đến những gì các bạn chưa biết hoặc ít biết đến nơi đức Phật thành đạo: chuyện ngày xưa và chuyện ngày nay.

Chuyện ngày xưa:

Đã lâu lắm rồi cách đây khoảng 2300 năm, tức sau khi đức Phật nhập Niết bàn, có ông vua tên là Asoka, một vị anh hùng của lịch sử Ấn Độ thời xưa cũng như thời nay. Ông mạnh mẽ và có tài cỡ như Tần Thủy Hoàng của đất nước Trung Hoa. Lúc bấy giờ, đất nước Ấn Độ cũng chia năm xẻ bảy, mỗi nơi là một quốc độ riêng, có vua riêng, quan riêng không thống nhất được. Thế là ông phát động cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, và ông đã thành công. Vì có công thống nhất đất nước cho nên ông trở nên ngạo mạn, xem mình không có đối thủ trong thiên hạ. Chỉ cách thời đức Phật có vài trăm năm nên ông biết rõ về con người nổi tiếng ấy thời trước mình.

Một hôm, nhân lúc đi khắp thiên hạ để xem nước mình rộng cỡ nào, ông đến ngay đúng nơi đức Phật thành đạo. Lúc ấy, cây Bồ đề nơi đức Phật thành đạo vẫn còn tươi tốt, ông liền sanh tâm ghen tị với bậc xuất trần thượng sĩ.

Phải nói rõ ràng rằng, không phải tự nhiên mà ông tình cờ đến nơi này, Sử sách có ghi lại nói rằng, hoàng hậu vợ của ông đã ngày đêm khuyên ông để trở về với đức tính từ bi của đức Phật; nên tới lễ bái cây Bồ đề để có thể hóa giải tội lỗi chất chồng mà ông đã xua quân chém giết trên chiến trường. Trong hậu cung, hằng ngày rỉ vào tai ông những lời khen ngợi người đàn ông khác khiến con người bất bại của ông nổi máu anh hùng. Vì thế ông đã đến đây.

Vì ghen tị với sự nổi tiếng của đức Phật, ông đâm ra ghét bỏ cây Bồ đề, một biểu tượng của đức Phật khi Ngài nhập vào Vô dư Niết Bàn. Đó là kiểu ‘giận cá chém thớt’ của tâm lý con người. Thế là ông ra lệnh cho binh lính của mình chặt bỏ cây Bồ đề gai mắt kia. Ông nói, nếu quả thật ông Gotama là người vĩ đại, là bậc kính ngưỡng của chư thiên và loài người thì hãy hiện điều gì đó để ông tin. Sau khi cho chặt cây xong, ông sai binh lính đốt ra tro cây Bồ đề đó mới thôi. Khi đốt thì một vầng hào quang rực sáng phát ra từ các nhánh cây Bồ đề.

Tuy nhiên, vì lòng sân hận và si mê che lấp, ông chưa thỏa mãn và còn nói rằng, quả thật nếu ông Gotama đúng như lời đồn đại thì hãy cho ông thấy thứ gì đó khác lạ để ông tin.

Tối hôm đó, khi ngủ ông nằm mộng thấy chư Thiên xuống mách rằng: ngày hôm sau, nhà vua nên cho người lấy sữa bò tưới nơi gốc cây bị chặt sẽ xuất hiện điềm lành. Sáng ra, nhà vua sai lính làm y như thế. Và điều kỳ diệu xảy đến, cây Bồ đề con đâm trồi mọc lên trước sự ngỡ ngàng của nhà vua và quan lại. Từ đó, ông đã tin những lời người ta đồn về đức Phật, và ông bắt đầu tin theo những gì Phật dạy.

Câu chuyện không dừng lại đó một cách đơn giản như vậy. Người ta nói: sông sâu dễ dò, lòng người khó đoán. Quả thật là như vậy. Sau khi vua Asoka bắt đầu quyngưỡng đức Phật để chuộc lại lỗi lầm, ông đã bỏ cả chính sự, quên luôn hậu cung chỉ để được gần gũi và chăm sóc cây Bồ đề con mới mọc. Việc quên cả hậu cung đã xuất hiện tình tiết bất ngờ.

Vị hoàng hậu tin Phật trước kia, người ngày đêm rỉ rả bên tai vua về đức tính từ bi của đức Phật, ngày đêm khuyên vua nên trở về làm đệ tử đức Phật giờ quay ngoắt 180 độ, lại trở nên ghen tị với đức Phật. Bà cho rằng, chính đức Phật đã cướp tinh thần người yêu của mình, vì thấy chồng mình bỏ bê hậu cung, ưa thích gần cây Bồ đề hơn gần mình. Thế là bà nổi ghen đùng đùng, quyết bắt vua trở lại. Bà mật sai lính của mình ra sức chặt phá cây Bồ đề lần nữa. Thật là nghiệp oan khiên. Cây Bồ đề chỉ mới lên chừng vài mét cao, mà lại lần nữa bị si mê của con người sát hại.

Trong sử sách có ghi lại, cây Bồ đề tại nơi đức Phật thành đạo đã bị tàn phá ít nhất bảy lần. Đó là những lần bị sát hại nặng nề. Chắc hẳn vẫn còn có những lần chặt cành làm củi, cưa lấy gỗ v.v.. của dân làng ở gần đó. Điều này có thể xảy ra vì nhiều trong số các đại tháp mà vua Asoka sau khi quy y với Phật đã xây dựng, bị người dân xung quanh đào lấy gạch để xây nhà của mình; hay một số trụ đá ghi lại những nơi đức Phật hành đạo cũng bị đập phá để làm cột nhà. Cho nên điều tương tự chắc hẳn xảy ra với cây Bồ đề thiêng liêng này.

Những lần cây Bồ đề bị chặt phá tiếp theo sẽ được kể trong loạt bài kế tiếp, giờ nói sang chuyện ngày nay.

Chuyện ngày nay:

Ngày nay, Bồ đề tọa nơi đức Phật thành đạo đã trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, được tổ chức UNESCO công nhận; và là một trong bốn Tứ Động Tâm hay bốn Thánh tích quan trọng nhất của người Phật tử khắp năm châu. Trong tiếng Anh, người ta chỉ dùng chữ Holy Places (tức Thánh địa) để chỉ cho nơi này chứ không có từ tương xứng như từ Tứ Động Tâm. Tứ Động Tâm có nghĩa là những nơi khiến cho người nào một khi tới đó tâm người đó xúc động, tâm trí xao động, hướng thiện nhiều hơn là nghĩ tới việc ác.

Đó là điều có thật. Đa số người con Phật khi đến bốn Thánh Tích đó (Vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Phật đản sinh; Bồ đề đạo tràng, nơi Phật thành đạo; Vườn Nai, nơi Phật thuyết pháp đầu tiên; và Câu Thi Na, nơi đức Phật Niết bàn) đều rơi lệ, tâm hồn thổn thức, Bồ đề tâm càng tăng trưởng.

Bồ đề Đạo tràng ngày nay có một đại Bảo tháp, được xây dựng khá lâu, bảo tháp đó đánh dấu nơi đức Phật tọa thiền thành đạo. Trong đại Bảo tháp có tượng đức Phật dung mạo tuyệt đẹp đang ngồi tọa thiền. Các phái đoàn các nơi thường cúng dường y nên tượng đức Phật trong đại Bảo tháp này luôn được thay y liên tục.

Cây Bồ đề bây giờ to lớn, tỏa bóng mát trên một chu vi khá rộng, cành lá vươn xa cả chục mét. Để bảo vệ, người ta phải dựng các cột sắt chống đỡ các cành vươn ra xa này. Tất nhiên, để bảo vệ và điều hành đại Bảo Tháp và cây Bồ đề này là có cả một ban bệ quản trị. Hằng năm, cứ bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, là mùa hành hương của Phật tử khắp bốn phương đã đem lại sự sầm uất cho khu vực quanh Di sản văn hóa thế giới này.

Xung quanh khu vực Bồ đề Đạo tràng là hằng trăm ngôi chùa của các nước có văn hóa Phật giáo như Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Bangladesh, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Tạng, Sri Lanka…cho nên được coi là nơi tập trung nhiều ngôi chùa quốc tế nhất thế giới. Nhưng không vì chuyện thu hút được nhiều khách quốc tế đến như thế mà nhưng~ ngôi làng xung quanh Bồ đề đạo Tràng giàu khá lên.

Nói cho gần thôi, 20 năm trước cảnh vật và cuộc sống thế nào thì 20 năm sau y như thế ấy. Người nghèo vẫn đầy ra, sự ô nhiễm ngày càng trầm trọng, ít được cải thiện, và có lẽ người nghèo tập trung tới nơi này mỗi lúc một đông hơn. Đơn cử, trước chùa Viên Giác cách đây 6 năm không có nhà cửa, giờ người nghèo tới lập trại, lấy bao ni lông quay lại thành nhà chỉ để xin tiền những ai từ chùa đi ra. Từ việc không biết câu Nam mô A Di Đà Phật bằng tiếng Việt, sau vài năm giờ họ đã biết câu niệm danh hiệu đó chỉ để xin tiền. Và trong kinh đức Phật có dạy rằng, hễ ai dù chỉ xưng câu Nam mô Phật thì chắc chắn có ngày họ cũng sẽ thành Phật. Vậy mình cũng nên mừng cho họ vậy.

Thời đức Phật còn tại thế, cảnh vật nơi đây chắc đẹp hơn giờ nhiều, lúc ấy có lẽ thanh bình và nhiều cây cối, khí hậu ôn hòa, trong lành. Trong kinh sách có ghi lại dòng sông Ni Liên nơi đức Phật xuống tắm, và quăng bình bát phát nguyện, nước sông tràn đầy và không ô nhiễm. Qua hơn hai thiên niên kỷ, dòng sông lịch sử ấy vẫn còn nhưng nước thì đã cạn trơ đáy. Không biết vào mùa mưa có được cải thiện hơn không chứ thời gian từ tháng 9 trở đi, nhiều năm tới chỗ này vẫn thấy chỉ có ít nước còn sót lại ở giữa dòng, còn lại là cát.

Người ta nói, những nơi nào đức Phật đi tới thì nơi ấy toàn là nơi nghèo khổ. Có đi thi. thực thì mới thấy đức Phật quả giàu lòng từ bi, ngài không chọn cho mình nơi sung túc để dưỡng thân, Ngài đi tới nơi nào người ta cần phương pháp cứu khổ để giúp họ thoát khỏi căn nhà ta bà lửa cháy này. Xung quanh khu vực Bồ đề Đạo tràng, nhà cửa bây giờ san sát, môi trường vệ sinh ô nhiễm, có lẽ chính quyền địa phương đã không tích cực cải thiện để mang lại một địa chỉ sạch và hấp dẫn cho du khách bốn phương. Và hầu hết các nơi có Thánh tích đều như thế. Thế nhưng, những điều đó không cản được bước chân của người con Phật khắp nơi vân tập để lễ lạy cúng dường.

Trong những tháng mùa đông này, hình ảnh từng đoàn người con Phật tập trung lễ lạy, dâng hoa, ngồi thiền, tụng kinh, kinh hành rất sống động và thánh thiện, khiến ai đó, dù không muốn tu, ít tin vào Phật pháp bất giác cũng chấp tay niệm một câu Nam mô Phật, Nam mô Pháp và Nam mô Tăng. Nếu ai đó muốn tìm hiểu về văn hóa Phật giáo các nước có lẽ đây là nơi thích hợp nhất.

-Y màu đỏ, lạy Phật nằm dài xuống đất, tiếng tụng kinh ồ ồ là văn hóa Phật giáo Tây Tạng.

-Áo màu nâu hay lam, y màu vàng, lạy Phật kiểu mộp người xuống là Việt Nam.

-Phật tử bận áo toàn màu trắng, đội đồ cúng dường trên đầu, có người dùng cây dù để che đồ cúng dường, đi chân đất từ xa vô chùa, đó là Phật tử Sri Lanka.

-Y màu xám hay màu nâu, chỉ bận áo kiểu tàu khi ra đường thì đó là chư tăng Hàn Quốc hay Nhật Bản v.v.. Nhiều màu nhiều sắc như thế chúng ta không thể tìm thấy ở nơi nào khác trừ nơi này.

Chúng tôi xin kể lược chuyện xưa và chuyện nay những điều biết qua sách vở và những điều mắt thấy tai nghe để hầu chuyện cùng bạn đoc. Mong rằng, những ai đã đi tới Thánh địa này Bồ đề tâm bất thối, ngày càng tăng trưởng; những ai chưa đi, phát nguyện đời này hoặc đời sau, một lần trong đời đến để lễ lạy cúng dường cây Bồ đề hầu mang lại phước báo nhân thiên, và mai hậu sẽ thành Chánh giác.

Về vui dưới bóng ngọt ngào 
nghìn năm, còn đó lẽ nào ta quên.
Chắp tay hoa, chánh niệm bền
Người xưa hạnh ngộ bên thềm vô sinh . 

Bodhgaya monk
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Tu Tập Bát Chánh Đạo


... Thiền minh sát (vipassanā) bao giờ cũng gồm định và tuệ; và khi thực hành thì chánh niệm mang chức năng của định và tỉnh giác mang chức năng tuệ. Vậy, trong tất cả các trường hợp khi đi đứng nằm ngồi, mặc áo ăn cơm, lái xe, làm việc tại công sở... hành giả minh sát phải luôn luôn chánh niệm, tỉnh giác. Tuy nhiên, điều đặc biệt lưu ý là chánh niệm, tỉnh giác không phải hai trạng thái tâm trí tách biệt, định tuệ tách biệt. Nó là nhất như đấy!

Ví dụ: Sư Minh đang ngồi như thế kia, đang trong tình trạng chánh niệm, tỉnh giác – thì thầy quăng cho sư ấy một trái cam. Sư ấy chụp bắt được liền. Vậy thì sư ấy lấy chánh niệm mà bắt hay lấy tỉnh giác mà bắt? Rõ ràng, chánh niệm thì chỉ mới chú tâm còn chánh kiến mới thấy rõ. Quan sát qua vĩ mô thì có hai, nhưng quan sát qua vi mô thì dường như chúng đồng hiện hữu tức thời, là một. Rộng sâu hơn chút nữa, là ngay khi bắt dính trái cam thì toàn bộ thân tâm, toàn bộ tâm sinh lý, toàn bộ hệ thần kinh... nó hoạt động đồng nhất để bắt trái cam ấy!

Lấy ví dụ ấy để áp dụng cho mọi loại công việc lúc thực hành minh sát. Nếu công việc chậm thì chánh niệm tỉnh giác ghi nhận chậm, từng đối tượng đi qua đi qua, ta cứ thanh thản ghi nhận. Cứ thanh thản từng niệm thế thôi chứ không cần phải phân biệt đâu chánh niệm, đâu tỉnh giác. Chính sát-na ghi nhận đối tượng như vậy là ta đã có đủ chánh niệm, tỉnh giác rồi.

Lúc các sư chuyền gạch, chuyền ngói từ vị trí nầy sang vị trí kia, từ thấp lên cao... thì chỉ cần chú tâm“nhận”, “chuyền”... là công việc tiếp diễn liên tục – vì ngay khi chú tâm để nhận, để chuyền là có cả chánh niệm, tỉnh giác rồi.

Trở lại với câu hỏi làm nhanh. Thì cũng tương tự thế thôi. Chậm cũng chú tâm, nhanh cũng chú tâm. Chỉ cần chú tâm là đủ. Ông bạn kia làm việc nhanh nhưng có lẽ không nguy hiểm bằng đi xiếc trên dây, không bằng lái xe đua tốc độ. Họ có trạng thái chú tâm cực đỉnh cả đấy. Phải nói là toàn bộ thân tâm, toàn bộ tâm sinh lý, toàn bộ hệ thần linh đều phải tập trung vào chú tâm. Lơ là, mất cảnh giác, thiếu chú tâm một sát-na là vong mạng!

Chú tâm có mặt trong mọi lãnh vực sinh hoạt của người đời, của xã hội. Có cái chú tâm hướng đến thiện, có cái chú tâm hướng đến ác, có cái chú tâm trung tính không thiện, không ác. Thiện như chú tâm niệm Phật, tụng kinh, hành thiền... Ác như chú tâm giết heo, bò, rình trộm... Trung tính như chú tâm làm vi tính, nghiên cứu khoa học, làm toán, lái xe, rửa chén bát, lau nhà...

Trong Bát chánh đạo, có chú tâm là có chánh niệm, có chánh niệm là có chánh định. Trong thiền định, có chú tâm làm cho tầm, tứ thuần thục để phát sanh hỷ lạc. Trong thiền tuệ, có chú tâm là có chánh niệm, tỉnh giác. Các con phải ghi nhớ điều này: Trong thiền định thì sử dụng tầm, tứ; trong thiền tuệ thì sử dụng chánh niệm tỉnh giác. Đối tượng của thiền định là các đề mục như đất, nước, lửa, gió... Đối tượng thiền tuệ là ngũ uẩn, thập nhị duyên khởi hoặc thân, thọ, tâm, pháp.

Còn nữa, chúng ta cần phân biệt rõ hai loại chú tâm. Ví như 40 đề mục thiền định thì có 40 đối tượng. Loại chú tâm này sẽ đưa đến định. Trong sinh hoạt thường nhật, lăng xăng với moị công việc, nếu chúng ta chú tâm, chăm chăm từng đối tượng thì sẽ sinh ra mệt mỏi vì bị tiêu hao năng lực và còn dễ bị thất niệm nữa. Vậy loại chú tâm với từng đối tượng như thế thì không tương thích, không áp dụng được.

Loại chú tâm thứ hai thì dường như không chú tâm gì cả. Cứ thư giãn, buông xả tự nhiên thôi. Ví dụ như khi chúng ta đang ngồi hít thở đây, cứ lặng yên thở thế thôi, không chú tâm vào đối tượng nào cả, nhưng khi có gì tác động lên thân, lên tâm là chúng ta ghi nhận liền, có chú tâm liền. Loại thứ nhất là cách chú tâm của định. Loại thứ hai là cách chú tâm của tuệ.
Khái quát toàn bộ sự tu tập minh sát trong sinh hoạt thường nhật, thầy có thể dẫn ra đây câu kệ của ngài Viên Minh mà thầy đang treo ở thư phòng của thầy:

“- Nói, làm thường thận trọng,
Luôn trọn vẹn chú tâm;
Lắng nghe quan sát rõ,
Đến, đi Pháp lặng thầm!”

“Nói, làm thường thận trọng”. Tại sao lời nói phải thận trọng? Nếu lời nói, cử động khẩu không thận trọng thì dễ rơi vào 4 cách nói xấu ác, đó là nói dối, nói 2 lưỡi, ác khẩu và phù phiếm. Tại sao hành động phải thận trọng? Nếu hành động thân không thận trọng thì dễ rơi vào 3 nghiệp ác đó là sát sanh, trộm cắp, tà hạnh. Vậy, câu kệ đầu tiên đã ngăn giữ được 7 nghiệp xấu ác trong thập ác nghiệp rồi nên đã hàm nghĩa ta đã có giới.

“Luôn trọn vẹn chú tâm!” Chú tâm nhưng là phải chú tâm trọn vẹn. Chú tâm trọn vẹn cũng có nghĩa là không chú tâm một đối tượng khu biệt nào. Cứ ngồi thế thôi, cứ đứng thế thôi, cứ đi thế thôi, dường như không chú tâm ở đâu nhưng lại là chú tâm tất cả, nó quán xuyến tất cả mọi hoạt động của thân và khẩu. Vậy, câu kệ thứ hai là trầm tỉnh, bình tỉnh, ổn định tâm sinh lý trong mọi lúc, mọi khi - hàm nghĩa ta đã có định.

Có định rồi thì mới “lắng nghe, quan sát rõ” được. Đây chính là tuệ mà ta đã có. Nhờ có định, có tuệ nên cái gì tác động thân tâm, cái gì duyên sinh, duyên khởi qua mắt tai mũi lưỡi thân ý đều được ghi nhận, được lắng nghe, quan sát rõ.

Có giới, định, tuệ rồi thì bắt đầu sống tuỳ pháp, thuận pháp, Pháp là chân lý, là sự thật, nó luôn diễn tiến trong thế giới đang là, ở đây và bây giờ. Chân lý, sự thật không ở Đông, Tây, Nam, Bắc, không ở quá khứ, không ở vị lai, không ở thế giới xa xăm huyễn hoặc, mù sương, bóng khói nào. Pháp luôn là cái cụ thể luôn tác động căn trần thức mà duyên khởi. Phải thấy pháp đó, tuỳ pháp, thuận pháp mà sống, mà ăn nói, mà hít thở, mà mặc áo, ăn cơm - không phải tuỳ bản ngã, thuận bản ngã. Pháp ấy nó “âm thầm, lặng lẽ” lắm. Nó đến cũng âm thầm, lặng lẽ. Nó đi cũng âm thầm, lặng lẽ. Không phải ai cũng hiểu, cũng biết, cũng thấy!

Chúng ta có thể học thông Tam Tạng, có thể có kiến văn giáo pháp rất chi là quãng bác, thâm sâu nhưng không thấy biết rõ pháp đến, pháp đi như thế nào trong sinh hoạt hằng ngày để hiện quán thì cũng coi như bỏ đi!

Các con hãy thuộc nằm lòng 2 câu Kinh Lời Vàng số 101, 102 sau đây:

“- Dẫu cho ngôn ngữ trăm ngàn. 
Mà nghe vô ích, chỉ bàn suông thôi! 
Tốt hơn: Một chữ, một lời. 
Nghe xong tịnh lạc, sống đời vô ưu”.

(Sahassamapi ce vācā, anatthapadasaṃhitā; ekaṃ atthapadaṃ seyyo, yaṃ sutvā upasammati).

“- Chữ câu ngàn vạn ích gì. 
Luận kinh nói mãi, lắm khi loạn mù.
Một câu có ích, cho dù, 
Nghe xong tịnh lạc, an như đời đời!”

(Sahassamapi ce gāthā, anatthapadasaṃhitā; ekaṃ gāthāpadaṃ seyyo, yaṃ sutvā upasammati).

Vậy, Tam Tạng có thể không cần nhớ hết, chỉ cần thuộc mỗi một Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế khi thực hành chỉ nhớ Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo tóm tắt chỉ còn Tinh tấn, Chánh niệm, Tỉnh giác. Khi công phu thì chỉ còn nắm Chánh niệm, Tỉnh giác hay Niệm, Tỉnh giác mà lên đường (trong Niệm và 

Tỉnh giác thì đã có tấn rồi) Niệm, Tỉnh giác để nhìn ngắm mọi sự mọi vật, trong, ngoài, tâm pháp duyên sinh như chúng đang là – pháp như thực tánh.

Để kết luận, hãy ghi nhớ lời đức Phật dạy: “Tu tập Bát Chánh Đạo thì có đệ nhất sa-môn, đệ nhị sa-môn, đệ tam sa-môn và đệ tứ sa-môn. Tu tập ngoài Bát Chánh Đạo sẽ không có đệ nhất sa-môn, đệ nhị sa-môn, đệ tam sa-môn và đệ tứ sa-môn!”

Các con có chánh niệm, tỉnh giác lúc tập thiền cũng như trong mọi sinh hoạt là đang tu tập Bát Chánh Đạo đó, đang có Bát Chánh Đạo trong tâm và trí của mình rồi!
Hãy cứ như vậy mà tu tập, mà lên đường!

Hòa Thượng Giới Đức - Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Ngẫu Thành 2 - Nguyễn Trãi


       偶 成                         Ngẫu Thành 2

世上黃梁一夢餘   Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư, 
覺來萬事總成虛   Giác lai vạn sự tổng thành hư. 
如今只愛山中住   Như kim chỉ ái sơn trung trú, 
結屋花邊讀舊書   Kết ốc hoa biên độc cựu thư.
                    阮廌                             Nguyễn Trãi

Dịch nghĩa

Đời này cũng như một giấc mộng kê vàng mà thôi
Muôn việc khi nghĩ lại tất cả cũng không hề thực
Thế nên ngày hôm nay mới thích ở trong núi
Làm nhà cạnh vườn hoa và đọc những sách cũ xưa.

Dịch Thơ:

      Chợt Viết Ra

Cuộc đời như giấc mộng trôi qua
Muôn việc gẫm suy ảo chính là
Nay núi tìm về theo ý thích
Dựng lều sách cũ đọc cùng hoa
                           Quên Đi
***
CHỈ MỘT GIẤC KÊ VÀNG

Giấc mộng kê vàng mới thoáng qua,
Thành công, thất bại, ảo thôi mà.
Nay ta ở núi tùy duyên phận,
Sách cũ lều thơ đọc ngắm hoa !
                    Mai Xuân Thanh

BẤT CHỢT
NGẪU NHIÊN RA CỚ SỰ

Kê vàng một giấc mộng mông lung,
Mọi sự chung qui cũng số không.
Lên núi an nhiên mà tự tại,
Lều tranh đọc sách thưởng hoa hồng.
                           Mai Xuân Thanh
***
     Ngẫu Nhiên Làm
Cuộc đời như giấc kê vàng thôi
Muôn sự hư không tỉnh mộng rồi .
Nay thích ở cùng rừng núi thẳm ,
Bên hoa đọc sách dựng lều chơi .
                 Mailoc phỏng dịch
***
Cùng các bạn yêu thơ Việt,
Hôm nay chủ nhật, mở máy lên gặp bài thơ của cụ Nguyễn Trãi do bạn Quên Đi giới thiệu, thật vui ! Nhưng trước khi góp thơ thì xin có vài lời thư giản cùng quí bạn.
1.- Trong thơ của Nguyễn Trãi có 2 bài mang tên Ngẫu Thành (ngẫu nhiên mà thành ra), một bài 'bát cú' cụ làm lúc cụ "hết việc, ngồi không" khi cụ còn tại chức và bài này là khi cụ đã về hưu. Hai bài đều mang tên Ngẫu Thành. Ý là, cụ muốn giải thích chuyện : Khi đang tại chức mà ngồi không và khi đã về hưu, lại có việc làm. Cả hai cái việc trái khuấy ấy xảy ra đều là chuyện ngẫu thành cả, nghĩa là không phải đến từ ý muốn của mình. Chúng ta trong đời chắc cũng có nhiều vị có cùng hoàn cảnh như cụ Nguyễn Trãi ?
2.- Câu 2 : Giáo lai, vạn sự tổng thành hư 覺來萬事總成虛 : Tỉnh giấc, muôn việc thảy rồi ra không có gì. Bạn Quên Đi diễn xuôi : Muôn việc khi nghĩ lại tất cả cũng không hề thực. Như vậy là bạn đã hiểu sai câu thơ, vì bị câu thơ trước ám ảnh. Giấc kê vàng là một ví dụ, còn chuyện đời của tác giả thì vẫn là chuyện thực đã xảy ra. Cụm từ覺來này có 2 âm đọc : Giác lai và Giáo lai. Đọc Giác thì Giác là hiểu biết, còn đọc Giáo thì giáo là thức giấc. Ở đây, xét theo văn cảnh, thì phải đọc Giáo với nghĩa Thức giấc (anh chàng Lư Sinh khi thức giấc mới hay những gì mình vừa trải qua đều chỉ là chuyện trong mộng). Hư : Hư là hư không, là chuyện đang thực trở nên không có gì, khác với : Không hề thực là chuyện chưa hề xảy ra. Câu thơ của tác giả là muốn đem câu chuyện anh chàng Lư Sinh để biện giải cho cuộc đời của chính tác giả, chứ không phải là kể chuyện Giấc kê vàng của Lư Sinh. Nguyễn Trãi là nhà chính trị, thơ ông, tất nhiên không nói chuyện xuông. Có vậy, ông mới được thế giới ngưỡng mộ, họ ngưỡng mộ về tư cách của ông chứ không phải thi tài của ông. Họ đâu có thưởng thức được thơ ông như chúng ta.
3.- Bài thơ này, câu cuối có 2 dị bản. Trong các quyển Thi Lục và Thi Tuyển đều chép là :
Kết ốc, hoa biên, độc phụ thư (Dựng nhà, bên hoa, đọc sách của cha).
Riêng bản Dương Bá Cung thì chép như bạn Quên Đi :
Kết ốc, hoa biên, độc cựu thư (Dựng nhà, bên hoa, độc sách cũ).
Vậy, chúng ta nên chọn câu nào ? Câu chép trong các quyển tuyển lục thơ hay câu của Dương Bá Cung ? Tôi nghĩ : câu trong các cuốn tuyển thơ đúng hơn. Chữ Phụ tuy nghĩa đen của nó là cha, nhưng phụ cũng có thể để chỉ những sách của các hiền triết đời trước đáng bậc sư phụ. Còn Cựu thư thì chỉ để nói chung chung : các sách cũ, sách gì cũng được, là chỉ để đọc giải khuây. Nếu cụ chỉ đọc sách để giải khuây, chắc cụ không đến phải chịu cảnh thảm thương lúc đã về trí sĩ : Tru di tam tộc (Ba họ bị giết). Họ giết ba họ nhà cụ là kết tội cụ đang mưu tính chuyện phản nghịch. Chữ cụu thư, như vậy, chỉ là chữ đã bị chữa lại lúc sau, cho nó thành trung dung, không đụng chạm đến ai. Giờ đây, tôi nghĩ, ta nên quên chữ Phụ, chữ Cựu đi, cụ muốn đọc sách gì đó là quyền của cụ.
Cũng nên nói thêm là cụ Nguyễn Trãi đã được UNESCO vinh danh nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của cụ, năm 1980 tại Paris.
                                                     Chuyện ngẫu nhiên mà ra
                                               Cuộc đời, rốt lại, giấc kê vàng;
                                               Thức giấc, muôn điều thảy huyễn mang.
                                               Vào núi, giờ đây, ta chỉ thích :
                                               Dựng nhà, đọc sách cạnh hoa trang.
                                                                       Danh Hữu dịch
         Chúc các bạn vui vẻ !
                 Danh Hữu
***
Theo em nghĩ mình nên giải thích từ HƯ với nghĩa từ nguyên của nó là đối với THỰC và xác định là nó thuộc cái thế giới HƯ song song với cái thế giới THỰC. Nếu nói như Anh Quên Đi (QĐ) là “tất cả cũng không hề thực” không có nghĩa là nó không hiện hữu mà là  nó thuộc cái thế giới HƯ. Còn nếu nói như Thầy DH cho rằng HƯ là không có gì” thì cũng không ổn bởi vì nó có chứ, có cái thế giới (cõi) HƯ riêng của nó như mạng ảo hiện nay chẳng hạn. Nghĩ như vậy và đối chiếu với bài thơ thì cũng vẫn thích hợp với tâm sự của cụ Nguyễn Trãi mà Thầy DH đã phân tích. Hai câu đầu là hồi ức về những ngày làm quan đã qua, nó là một chuỗi sự kiện có thực nhưng lại thuộc cõi HƯ so với hiện tại được diễn tả ở hai câu sau là công việc dựng lều đọc sách mới thuộc về cõi THỰC lúc ông về hưu.

Em cũng góp dịch bài thơ này để góp vui

     CHUYỆN NGẪU NHIÊN

Cuộc đời như giấc mộng vừa trôi
Tỉnh giấc thực - hư chuyện đã rồi
Ẩn núi bây chừ ta chỉ thích
Dựng lều đọc sách ngắm hoa thôi!
                 Nguyễn Đắc Thắng
***
          Ngẫu Nhiên

Cuộc đời chẳng khác giấc chiêm bao
Muôn sự xem ra có thực nào
Thích núi tìm về cho thỏa ý
Bên hoa đọc sách cạnh lều cao.
                      Kim Phượng
***
       NGẪU THÀNH

Đời người như giấc kê vàng ấy,
Chợt tỉnh tay không muôn việc chưa.
Chỉ thích kết lều nơi núi thẵm,
Bên hoa ta đọc sách người xưa !
                      Đỗ Chiêu Đức
***
(Theo huynhhuuduc.blogspot.com)