Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Bài Học Từ Chiếc Bẩy Mồi



Bẫy là gì?

“Bẫy” là một danh từ dùng để chỉ một dụng cụ được thiết kế với mưu mẹo và toan tính nhằm mục đích đưa con vật và con người sa vào tình huống bất lợi cho đối tượng để đem lại phần lợi cho người chủ mưu đặt bẫy. Từ “bẫy” còn có thể dùng như động từ để diễn tả hành động dùng chiếc bẫy để phục vụ mục đích của mình. Trong một số trường hợp, con người dùng bẫy để hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực của loài vật đến đời sống và sinh hoạt của mình, trong đó phổ biến nhất cần phải kể đến bẫy chuột, bẫy ruồi, bẫy gián. Trong một số trường hợp khác, với trí khôn và mưu chước hơn loài vật, con người thiết kế các loại bẫy khác nhau tùy vào đặc trưng của mỗi loài, để lừa con vật vào bẫy nhằm hạn chế sức mạnh bản năng của chúng để con người, với sức mạnh sinh học yếu hơn, có thể chế ngự và bắt chúng để sử dụng phục vụ cho nhu cầu của mình, có thể giết thịt hoặc lấy các bộ phận cơ thể con vật làm thuốc hoặc đồ trang sức. Hầu hết mồi dùng để câu nhử các loài vật sa bẫy là thức ăn để khêu gợi tính tham ăn có bản chất hoang dã của động vật và chỉ có những con vật thật khôn ngoan mới may mắn thoát khỏi bẫy do con người giăng đặt.

Đa dạng và phức tạp hơn là người… bẫy nhau. Công cụ tạo nên chiếc “bẫy người” chủ yếu là lời nói và những biểu hiện tạo “động tác giả” để đánh tráo đối tượng, đưa họ vào tình huống bất lợi theo đúng như những gì người đặt bẫy toan tính thông qua việc tác động vào hai phương diện hoạt động mạnh nhất ở con người là nghe và nhìn. Bẫy người là dùng các thủ đoạn để đưa vào lời nói một liều thuốc mê để ru ngủ và xi mạ, đánh bóng bên ngoài hào nhoáng làm hoa mắt đối phương, vô hiệu hóa sự cảnh giác từ đối phương và đưa họ vào tình huống bị động để nắm lấy phần lợi và ưu thế về người đặt bẫy. Mồi để bẫy người đa dạng và tế nhị hơn ở nhiều mức độ, nhưng về bản chất thì không khác ở loài vật: làm sao để “lập lờ đánh lận con đen” khiến đối tượng mất tập trung, thiếu cảnh giác rồi câu nhử tâm tham ở người ấy và một khi không làm chủ được mình, đối tượng sập bẫy. Khi “cá đã mắc câu” rồi thì người đặt bẫy tha hồ điều khiển nạn nhân theo tùy thích. Sự phức tạp và rắc rồi càng nhiều hơn khi cái tham ở người không chỉ thể hiện qua miếng ăn thô thiển, mà còn thể hiện ở bốn phương diện nữa là tham ngủ nghỉ, tham tài sản vật chất, tham sắc đẹp và tham danh vọng địa vị nên bẫy người vi tế hơn và hậu quả đôi khi không thể lường hết được.

Bẫy động vật và bẫy người thật ra là bẫy cái tâm tham. Một khi tâm tham hành hoạt, nó xông mờ tâm trí khiến cho đối tượng không còn đủ bình tĩnh và duy trì độ tỉnh táo cần thiết để quyết định những gì cần làm. Như vậy, từ thế chủ động, đối tượng trở thành nạn nhân, giao nộp sự tự chủ của mình cho kẻ khác định đoạt. Có lẽ ví dụ sinh động nhất về sự mất tự chủ của đối tượng khi tâm tham khởi lên che mờ tâm trí mà dễ dàng trở thành nạn nhân là chiếc bẫy khỉ, khi nó được thiết kế đơn giản là vậy mà có thể “dụ” được loài vật thông minh như khỉ là một điều đáng cho ta suy gẫm vậy.


Bẫy khỉ: đơn giản mà khó thoát

Có một loại bẫy khỉ mà người Châu Á thường sử dụng từ lâu lắm. Chiếc bẫy được làm đơn giản như thế này:

Người ta lấy một trái dừa, dùng dây cột cố định trái dừa vào một thân cây gần đó hay đóng cọc cố định trái dừa xuống đất ngay vị trí nó được đặt. Thế rồi người ta khoét một lỗ nhỏ, rồi đặt một ít thức ăn ngon và có mùi thơm rất hấp dẫn vào trong ruột trái dừa. Cái lỗ khoét ấy đủ để thò một bàn tay khỉ vào trong, nếu duỗi thẳng, nhưng không đủ lớn để lọt bàn tay khi nắm lại. Khi khỉ nghe mùi thơm bốc ra từ trái dừa, nó mon men đến gần, tìm kiếm, định vị rồi phát hiện được nơi đặt thức ăn, Thế rồi khỉ thò tay vào, lấy thức ăn. Oái oăm thay, khi nắm được đồ ăn trong tay, khỉ mắc kẹt tay trong trái dừa và không thể nào lấy ra được.

Khi người thợ săn đến, khỉ trở nên hoảng loạn, vùng vẫy càng nhiều hơn và càng không thể nào rút tay có nắm thức ăn ra. Thế là khỉ bị bắt. Không gì có thể giữ khỉ lại, ngoại trừ cái nắm thức ăn trong tay kia. Một điều duy nhất khỉ cần làm để có thể thoát thân là mở tay ra, không nắm giữ đồ ăn trong trái dừa ấy nữa, nhẹ nhàng rút tay không ra là có thể bảo toàn tính mạng. Thế nhưng không mấy con khỉ biết buông tay ra để thoát chết.

Kể ra, chiếc bẫy khỉ đơn giản mà hiệu quả, vì người thợ săn hiểu rõ tâm lý tham ăn của loài khỉ.

Người chẳng khác khỉ: tự chui vào bẫy

Tôi đọc câu chuyện về chiếc bẫy khỉ này trong cuốn “Transforming the Mind, Healing the World” của Joseph Goldstein lâu lắm rồi. Từ đó, rất nhiều lần, hình ảnh con khỉ mắc nạn luôn ở trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ đến tình huống tương tự của con người, khi bản thân tôi hoặc những người tôi quen tôi biết phải trả giá với nắm thức ăn của tài, sắc, danh, thực và thùy trong tay, loay hoay mãi mà tay vẫn mắc trong trái dừa mà người ngoài cuộc thấy ngu si đến vô lý. Ta cười khi một con khỉ mắc tay vào trái dừa chỉ vì miếng ăn, cố hết sức bình sinh để rút tay ra mà không chịu buông tay để bảo toàn mạng sống. Càng cố sức vùng vẫy để được tự do mà không muốn bỏ miếng thức ăn trên tay trong khi người thợ săn đang đi đến gần, con khỉ phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Con khỉ bị nạn chỉ vì nó mong đạt được điều muốn là miếng thức ăn quyến rũ mời gọi ở bên trong, chứ bản thân trái dừa không được thiết kế là cái bẫy mà hễ ai động đến là bị mắc nạn cả.

Xưa cũng như nay, những vụ án liên quan đến tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức vụ với quy mô lớn nhỏ xuất hiện trong xã hội đều vướng tay vào chiếc bẫy tham cả đó thôi. Cứ mỗi lần thấy ai đó tự vùi dập danh dự, sự nghiệp và cuộc sống của mình bằng cách tự nhúng chàm khi không cưỡng được cám dỗ của miếng mồi vật chất, danh lợi, tôi lại nghĩ đến chiếc bẫy khỉ này. Quanh ta, không ít người có danh vị trong xã hội, tiền bạc không thiếu, nhiều người nằm mơ cũng không được như vậy. Thế mà do túi đời không có đáy, nên họ đang nằm trong tay người ‘thợ săn’ chỉ vì miếng thức ăn thơm ngon trong trái dừa kia quyến rũ. Đức Phật gọi những miếng mồi ấy là ác ma và những ai tham đắm vật chất đều sa bẫy do ác ma giăng ra (Trung bộ kinh số 25: Kinh Bẫy Mồi). Ngài mô tả trong kinh rằng “đàn nai xâm nhập, tham đắm, ăn các đồ mồi này do người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Do tham đắm ăn các đồ mồi, nên chúng trở thành mê loạn. Do mê loạn, chúng trở thành phóng dật. Do phóng dật, chúng trở thành những vật bị làm theo ý muốn của người thợ săn bẫy mồi”. Những ai mất tập trung, mờ mắt dính bẫy không khác gì những đàn nai trong bài kinh này hoặc như con khỉ mắc tay vào trái dừa vừa mô tả ở trên.

Cứ mỗi lần có một vụ việc như thế, cả một nhóm người đồng phạm, liên quan và liên đới đều “dính chàm” xâu chuỗi theo kiểu domino và số lượng lớn những người đặc trách từ các cơ quan chức năng nhọc công vào cuộc hàng tháng, có khi mấy năm trời để hoàn tất hồ sơ một vụ án, tốn hao sức người và thiệt hại khá lớn cho ngân sách quốc gia. Chỉ có cánh phóng viên là có đề tài phong phú để khai thác, có nhiều tin nóng tha hồ mà đăng tải. Thế là tốn hao bao giấy mực trên báo giấy, thêm vào đó, hàng chục tờ báo điện tử đưa tin trang nhất trong nhiều ngày liền, còn tin đăng lại ở một số trang khác và diễn đàn thì nhiều vô số, tốc độ lan truyền chóng mặt. Nguy cơ ‘mất’ nhiều thứ của những người này đang được bàn dân thiên hạ đưa lên bàn cân mổ xẻ và trở thành ‘câu chuyện trước khi vào ca’ ở hầu hết các cơ quan, công sở. Chắc nạn nhân trong cuộc cảm thấy đau đớn và khổ tâm lắm, nhưng khi thấm thía nỗi ê chề do lòng tham câu dắt, mọi sự ăn năn đã quá muộn màng và cánh cửa cuộc đời của người ấy coi như đã khép chặt lại với bao mất mát không thể lường đến được!

Với những gì tôi vừa mô tả về chiếc bẫy khỉ và cách khỉ mắc nạn, với tâm lý thường tình ở con người là “việc người thì sáng, việc mình thì quáng”, ta có thể dễ dàng mỉa mai chê cười khỉ kém thông minh. Nếu đối mặt trong tình huống đó, ta nghĩ mình dễ dàng buông nắm thức ăn để được an toàn tính mạng. Thế nhưng, mặc dù con người thông minh hơn khỉ nhiều, chúng ta cũng không khá hơn là mấy! Đứng trước sự cám dỗ của tiền tài, danh vọng, những thứ quá hấp dẫn, lôi cuốn mà những tưởng không cần đổ giọt mồ hôi nào, ta cũng có thể sở hữu dễ dàng thì tội gì không… thò tay vô! Mấy ai chế ngự được tâm mình trước một món ăn bốc mùi thơm ngon hấp dẫn và quyến rũ như thế. Cuối cùng, chúng ta cũng bị mắc bẫy như con khỉ nọ, như đàn nai kia, nhưng ở mức độ vi tế hơn vì cuộc đời là một hàm số phức hợp với nhiều loại ham muốn khi các căn tiếp xúc với trần cảnh thông qua các mối quan hệ xã hội chằng chịt phức tạp hơn mà thôi.

Tâm ham muốn tạo một lực kết dính căn với trần và tạo nên một lực hút làm cho khỉ không rút tay ra khỏi trái dừa được. Con người cũng vậy, chính tâm ham muốn và nắm chặt đã khiến chúng ta sập bẫy. Điều chúng ta cần là buông tay ra để không bị giam cầm và được tự do tự chủ để quyết định cuộc sống của mình. Thế nhưng, nghiệt ngã thay, cũng như khỉ, ít khi chúng ta ý thức và thực hiện được điều tưởng chừng đơn giản này. Trái dừa ấy trở thành cái bẫy vì khỉ đã nhắm đến việc lấy cho được thức ăn bên trong mà không hề hiểu được cái giá phải trả cho miếng ăn kia là sự mất tự do, là đánh đổi cả danh dự, uy tín xã hội và cả cơ đồ sự nghiệp mình đã nhọc công gầy dựng một đời và giá đắt hơn là trong nhiều trường hợp, phải đánh đổi bằng mạng sống của mình. Người ta đặt thức ăn để nhử những con nai, con khỉ trên đường chúng đi tìm mồi vì con người biết, thỏa mãn miếng ăn để duy trì sự sống là một bản năng của tất cả các sinh vật. Với cái bẫy dừa này, không phải mọi con khỉ đều mắc bẫy. Có con khỉ khôn ngoan không đến gần nơi có thức ăn quyến rũ này vì nó lường được sự nguy hiểm tiềm ẩn nơi ấy. Đôi khi cũng có con khỉ đã thò tay vào bên trong trái dừa rồi, nhưng khi lấy tay ra với nắm thức ăn trong tay, nó liền gặp chướng ngại, nó còn chút khôn ngoan và tỉnh táo để biết buông nắm thức ăn và lấy bàn tay không ra, nó an toàn tính mạng. Chỉ những con khỉ ngu si và tham lam mới tự biến trái dừa thành chiếc bẫy theo ý của người thợ săn mà thôi.

Nguyên nhân sa bẫy

Trong cuộc sống, chúng ta cũng gặp nhiều chiếc bẫy đủ hình thù kịch thước và thô tế khác nhau mà chỉ vì tham lấn át, thiếu chánh niệm, không thấy hết những nguy hiểm tiềm tàng bên trong hoặc chỉ nhìn thấy lợi trước mắt, mà trong kinh đức Phật gọi là “tham đắm, mê loạn, phóng dật” mà chúng ta dễ dàng sa bẫy để rồi hành động theo “ý lực của người thợ săn bẫy mồi” (Trung bộ kinh số 25: Kinh Bẫy mồi). Nếu con khỉ biết suy nghĩ, nếu đàn nai biết thận trọng cân nhắc, rõ ràng nó sẽ lựa chọn cách đi tìm thức ăn ở bên ngoài chứ không đưa tay vào trái dừa hay giẫm vào vùng nguy hiểm có thức ăn hấp dẫn đó. Một con vật khôn ngoan sẽ ý thức rằng một khi được tự do, nó sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong khi con khỉ hay con nai đã bị mắc bẫy, chỉ biết giao nộp tính mạng của mình cho người thợ săn định đoạt, nó vẫn không có quyền lựa chọn nào trong cảnh “cá chậu chim lồng” như là một kết quả thê thảm của hành động mê mờ do tâm tham chi phối mà ra.

Con người, nếu không để tâm tham lam quá nung nấu, thúc bách thì cũng biết dằn lòng trước cám dỗ, bằng lòng với những gì mình có được bằng sức lao động chân chính và nghề nghiệp chân chính của mình, tự đứng vững vàng trên đôi chân tuy thấp bé của mình. Tuy nhiên, chỉ có những người biết chánh niệm tỉnh giác, chế ngự lòng tham, phòng ngự các cửa ngõ giác quan mới biết đó là ‘cái bẫy’ và nơi ấy, sự nguy hiểm và bất an đang rình rập chực chờ vồ chộp lấy mình. Sự mời gọi, cám dỗ của những lợi ích tầm thường trước mắt luôn đánh lừa con người, làm lu mờ lý trí khi mình quyết định nên hay không nên làm điều nào đó. Tâm trí con người dễ bị nhiễu loạn với miếng mồi nhởn nhơ trước mắt.

Cuộc đời này đầy dẫy những cạm bẫy mà chỉ cần phóng tâm lơ đễnh một tí, chúng ta sẽ sa hầm rớt hố liền thôi. Có nhiều cái bẫy chực chờ, chỉ cần lóa mắt với những lợi lạc trước mắt, mê man trong trạng thái lâng lâng với những lời ngọt nhạt bùi tai, thiếu chánh niệm quán sát để nhìn thấy bản chất của vấn đề và không làm chủ được tâm tham là tự rước họa vào thân. Người giăng bẫy bao giờ cũng biết cách để những chiếc bẫy được ngụy trang khéo léo mà nếu không sắc bén, thiếu khôn ngoan, non kinh nghiệm và kém trong phán đoán, chúng ta dễ dàng trở thành nạn nhân chỉ vì cái tham làm hạn chế tầm nhìn. Một khi tâm bị “cận thị” và “loạn thị” mà vạn vật không tỏ rõ mà nhập nhòa trong tham dục, lý trí không đủ sáng để thấy bản chất thật của các pháp thì sập bẫy là điều dễ hiểu, chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Sống ngoài vòng kiềm tỏa của cạm bẫy

Chúng ta từng chứng kiến nhiều người chỉ vì giành giật miếng mồi danh bã lợi mà lăn xả vào hiểm nguy, coi thường cả tính mạng để rồi phải trả giá cho sự liều lĩnh của mình. Chỉ một lần trót dại, có khi mất cả đời cũng khó có thể khắc phục hết những hậu quả. Cách tốt nhất để nhắc tâm mình tránh được bẫy khỉ là đừng bao giờ vớ tới những miếng mồi ngon khi công sức mình bỏ ra không xứng đáng với những gì nhận được. Cây giữa đường mà sum suê trái ắt hẳn là cây độc. Những khoản lợi lộc đến với mình dễ dàng quá như thể từ trên trời rơi xuống, như đặt vào tay mình thì nên dè dặt, thận trọng và bình tâm nhìn xuyên suốt vấn đề để lý giải mọi việc trước khi quyết định.

Trở lại trường hợp con khỉ, đứng trước một trái dừa có chứa chút đỉnh thức ăn bên trong, khỉ ít nhất có ba sự lựa chọn. 

Thứ nhất, nó rất nhát gan và bỏ đi vì không biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra nếu thò tay vào đó. 

Thứ hai, nó đã thò tay vào, chạm được miếng thức ăn thơm ngon nhưng không lấy ra được, nó tỉnh táo buông tay và “bỏ của chạy lấy người”. 

Cách thứ ba là thò tay vào và cố lấy cho được vì sự quyến rũ của thức ăn để trở thành nạn nhân của những người giăng bẫy.

 Cũng như thế, đứng trước một tình huống, con người thường có nhiều hướng chọn lựa (ngay cả khi người trong cuộc nghĩ rằng chỉ có lựa chọn duy nhất như là cách để biện minh cho sai lầm vài giải trình sự việc cho có vẻ hợp lý mà thôi), điều quan trọng là khả năng kềm chế tâm tham dục, khả năng làm chủ bản năng của mình đến đâu mà thôi. Khi còn giữ thế chủ động, quyền quyết định trong tay mình thì ta sáng suốt và hành xử thông minh. Thế nhưng, khi bị tham lấn át, ta giao quyền điều khiển cho tâm tham lam và si mê thì ta bị chúng dắt lôi vào cõi lạc lầm để rồi khổ đau nối tiếp khổ đau. Đức Phật dạy một khi tham ái khởi lên trong nội tâm một người nào sẽ đưa lại bất lợi, khổ não và bất an cho người ấy (Tương ưng bộ kinh, chương III, phẩm I).

Đức Phật dạy để có thể thoát khỏi chiếc bẫy khỉ cuộc đời, ta cần hộ trì các căn (các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) khi tiếp xúc với trần cảnh bên ngoài, đừng cho nó dính mắc, như con rùa khôn ngoan rút tất cả tay chân vào bên trong chiếc mai để được bảo hộ an toàn trước sự tấn công của thú dữ (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương I, phẩm 2). Ai xui khiến mình lân la đến chút thức ăn thơm lừng trong trái dừa đầy hấp dẫn kia? Ai trì giữ không cho mình buông tay để an toàn? Nếu có một động lực giữ tay khỉ (cũng như tay chúng ta) nắm kỹ miếng đồ ăn, thì đó chính là lòng tham lam bất chấp hiểm nguy đang ở rất gần. Trong nhiều phương pháp để chế ngự tham thì chánh niệm tỉnh giác và hộ trì các căn được đức Phật nhắc đến thường xuyên trong các bản kinh Nikāya (đơn cử như trong Trung bộ kinh, các pháp này được đề cập đến trong các kinh số 5: Kinh Không uế nhiễm; kinh số 27: Tiểu kinh dụ dấu chân voi; Kinh số 39: Đại kinh xóm ngựa; Kinh số 51: Kinh Kadaraka; Kinh số 53: Kinh Hữu học; Kinh số 107: Kinh Ganaka Moggalana; Kinh số 112: Kinh Sáu thanh tịnh; Kinh số 125: Kinh Điều ngự địa).

Thật không ngoa khi nói rằng tham lam là “tài sản” chung của người chưa giác ngộ và chắc chắn mỗi người chúng ta đều có khối “tài sản” không mong muốn này. Do vậy, nếu không răn tâm nhắc lòng, ta có thể tự tạo thành những chiếc bẫy giăng mắc quanh mình để rồi tự vướng lấy và chuốc bao hệ lụy vào thân. Không ai dám chủ quan cho rằng mình có thể làm chủ tâm ý mọi lúc, mọi nơi trong mọi hoàn cảnh và thắng phục tham dục nên luôn sống trong chánh niệm, tỉnh giác và hộ trì là điều không bao giờ thừa đối với người biết trân trọng tâm lành ý thiện của mình. Ngay cả với người chọn nếp sống đơn giản, đạm bạc tưởng chừng cách ly dục lạc thế gian cũng chưa chắc thoát khỏi sự kiềm tỏa của ác ma tham dục nếu quá chủ quan mà không canh chừng tâm mình. Bởi vì:

Có tài xế lên đèo nhiều thận trọng,
Lại hững hờ tay lái khúc đường suôn.
Có những người sống đạm bạc thanh lương,
Thiếu chánh niệm thì tâm tham vẫn khởi…

Có khi một chút ân huệ nhỏ cũng có thể trở thành miếng mồi đưa ta vào chiếc bẫy của chính mình lúc nào không hay!

Hằng Như
Theo banmaihong
Sưu tầm: Hoa Nghiêm

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Chánh Niệm: Nghệ Thuật Sống Tỉnh Thức



Ngày nay, với xu hướng sống nhanh, sống vội và hầu hết chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy xã hội, nhiều người kịp nhận ra sự mất cân bằng trầm trọng nơi con người mình và kịp thời trở về với việc chăm sóc đời sống tinh thần và tâm linh. Trong số các phương pháp thực hành tâm linh, thiền chánh niệm (còn gọi thiền tỉnh thức, thiền minh sát) là một lựa chọn của số đông người. Thiền chánh niệm được nhiều người tiếp nhận và thực hành vì tính phổ quát của phương pháp luyện tâm này. Không luận là xuất gia hay tại gia, chẳng kể là người theo Phật giáo hay tôn giáo khác, thậm chí không theo tôn giáo nào, ai cũng có thể thực hành thiền chánh niệm. Thế nhưng, trước khi bàn đến vấn đề thực hành thiền chánh niệm, chúng ta cần nhìn lại những hoạt động thường ngày của mình và chấp nhận rằng, nếu không được rèn luyện kỹ năng sống chánh niệm, trong hầu hết thời gian, ta sống trong thất niệm.

Thất niệm: bệnh của số đông

Đi đến chùa trong những ngày lễ hội, để dép bên ngoài chánh điện, vào lễ Phật, khi đi ra, mang lộn dép người khác về nhà. Điều này không ai muốn, cho dù đôi dép mình mất đi có thể cũ hơn, xấu hơn, nhưng ta không bằng lòng với mình và tự trách, sao mà chểnh mảng thế. Thường thì đồ vật nào gắn bó với mình lâu dài thì ta gắn vào đó cái tình và không muốn xa rời nó. Trường hợp đôi dép này cũng vậy; từ thất niệm, ta đi đến bất an, thậm chí bất an nhiều ngày sau đó. Để lạc chìa khóa và đỏ mắt đi tìm vẫn không thấy đâu, khi mệt quá, muốn hoa mắt thì thấy nó ở ngay trên bàn, mà do dọn dẹp, ta xới tung lên, từ chỗ tương đối ngăn nắp giờ trở nên bề bộn, che lấp xâu chìa khóa là vật chúng ta cần tìm. Có khi tệ hơn là kêu thợ mở khóa đến hoặc tự mình đập phá một vài ổ khóa rồi mới tìm thấy xâu chìa khóa. Lòng bắt đầu bực bội, ta không hài lòng, bất an với chính mình vì thất niệm. Có khi tay đang nắm cây viết mà cứ loay hoay tìm cây viết. Có người kéo gọng kính, gác công cụ hỗ trợ đôi mắt lên đầu, gọng kính vẫn an tọa ở vành tai, mà cứ đi tìm đôi kính ở đâu. Tìm hoài không ra, bí quá, hỏi người nhà có thấy đôi kính đâu thì họ cười chỉ ngay trên đầu mình. Ta cười chữa ngượng nhưng trong lòng thật bực mình, tự trách bản thân sao mà thân một nơi, tâm một ngả như thế!

Có câu chuyện này có vẻ tiếu lâm mà có thật, chính tôi được nghe. Một cô nọ kể rằng, chuyện xảy ra trên một chuyến máy bay nội địa và cô nhớ suốt đến giờ. Hôm đó, cô đi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. 

Trên chuyến bay, cô tiếp viên phục vụ mỗi hành khách một hộp chứa ba chiếc bánh mì tròn. Phần mình, cô ta nhanh tay cất vào giỏ, trong khi người đàn ông ngồi bên cạnh thì đặt hộp bánh trên bàn ăn trước mặt ông ta. Ngồi một lát, cô ta bất giác đưa tay lấy hộp bánh của ông hành khách ngồi bên cạnh và mở ra ăn tỉnh bơ trước sự chứng kiến đến ngạc nhiên của ông này. Ông trố mắt nhìn cô cứ xé từng mẩu bánh mì bỏ vào miệng. Cô nghĩ thầm, cái ông này sao mất lịch sự quá đi, người ta ăn mà cứ dòm miệng. Thích ăn thì lấy phần mình ăn, sao cứ vô duyên dòm mình ăn khó chịu quá. Lại là người khác phái nữa chứ… nghĩ thì nghĩ, ăn vẫn cứ ăn, cô ta lần lượt ăn hết ba chiếc bánh mì. Đến khi tiếp viên thông báo máy bay sắp hạ cánh, cô sửa soạn hành lý để chuẩn bị xuống máy bay. Đưa tay vào chiếc giỏ mang theo bên mình để sắp xếp lại vài vật dụng cá nhân, cô giật thót mình khi phát hiện hộp đựng bánh mì nằm gọn ghẽ trong giỏ của mình. Tâm trạng lẫn lộn nhiều cảm xúc đan xen: lúng túng, xấu hổ và tự trách. Giờ cô mới hiểu được ánh mắt mở to ngạc nhiên nhìn chằm chằm vào cô lúc nãy. Thì ra, do thất niệm, cô đã ăn phần bánh của ông hành khách ngồi bên cạnh. Cô cúi đầu xấu hổ, nhưng đành quẳng cục “lơ” chứ không thể mở lời xin lỗi. Quá mắc cỡ, khi đi ra cửa máy bay, ông khách ngồi bên bước ra trước, cô cố tình nán lại nhường nhiều người bước tiếp để lảng tránh ánh nhìn của ông ấy. Thật là một bài học nhớ đời về sự thất niệm.

Thất niệm là giao phó sự bình an của mình cho người khác và hoàn cảnh sống của mình để rồi bất an, bực bội, xấu hổ… Điều này không ai muốn, nhưng mấy ai trong chúng ta không có những trải nghiệm lý thú về sự thất niệm của mình mà vài ví dụ vừa nêu là một điển hình.

Chánh niệm có khó không?

Chánh niệm là sự tỉnh giác, là sự chú tâm đến những gì đang xảy ra nơi ta trong giây phút hiện tại, một cách vô tư không phê phán hoặc so sánh. Chánh niệm là không bị mê đắm bởi những trạng thái tâm tốt và không cố gắng lẩn tránh những trạng thái tâm không tốt, cũng không đeo bám theo sự dễ chịu hay trốn chạy cảm giác khó chịu. Chánh niệm nhắc cho chúng ta cần chú tâm đến những hoạt động đang làm và ghi nhận phản ứng của tâm mình trong thời điểm đó. Trong tu thiền, bạn đặt sự chú tâm của mình vào một đối tượng nào đó, thiết thân nhất là chọn hơi thở làm đề mục chú tâm. 

Chú tâm đơn thuần là đang nhận biết luồng hơi đi vào cơ thể, luồng hơi đi ra khỏi cơ thể. Thế nhưng chú tâm một cách trọn vẹn vào đối tượng không hề dễ dàng đối với người mới thực hành, vì tâm ưa duyên theo các ý tưởng khác đi lang bạt kỳ hồ trong thế giới tâm tưởng. Khi tâm bị trôi dạt khỏi điểm tựa này, thì người tu chánh niệm cần nhắc nhở rằng, tâm của bạn đang lang thang và những gì bạn cần nên làm vào lúc này là đem tâm của bạn về lại với đề mục. Chánh niệm, sự chú tâm đơn thuần trên đối tượng và khi không duy trì được sự chú tâm trên đối tượng thì cũng phải nhận biết tâm đã vắng mặt và đi rong. Ngay lúc mất chú tâm, hành giả phải kịp thời phát huy chức năng nhắc nhở rằng chúng ta đang bị mất tập trung vào đối tượng và nhờ chánh niệm tái lập chính nó. Ngay khi bạn nhận biết mình không còn có sự chú tâm, thì sự chú tâm trở lại với bạn ngay lập tức.

Sự chú tâm trên đối tượng trong quá trình thực hành thiền rất khó, nhất là người mới bắt đầu. Thứ nhất, việc này khó vì bình thường, con người quen sống với tâm lăng xăng trong các mối quan hệ xã hội, lăng xăng với các công việc thường ngày, nếu không tập luyện, không thể nào có khả năng chú tâm trong một thời gian lâu vào một đối tượng thiền quán. Thứ hai, trong cảnh động, tâm bận rộn lăng xăng, ta không có cơ hội ngồi “nhìn” tâm mình để thấy nó lăng xăng cỡ nào. Trong không gian yên tĩnh, trong tư thế ngồi tĩnh lặng, tâm không bị chi phối vào các hoạt động thô thiển thường ngày, ta mới thấy tâm ta chao đảo, lăng xăng như một nồi súp đang sôi trên bếp! Chỉ khi ngồi thiền trong yên lặng, các ý tưởng không mong đợi xô nhau ùa về, khởi lên trên bề mặt ý thức. Những ý tưởng qua rồi như những chiếc lá rụng nằm sắp lớp ngổn ngang trong hồ nước tâm thức, nay có dịp, từng lớp, từng lớp trổi lên. Các thiền sư ví cái tâm chưa thuần của chúng ta như con chó con, đi tí là đứng lại ngửi ngửi, đưa mõ ngửi chỗ này, chạy đến ngửi chỗ kia, không lúc nào yên. Tôi dí dỏm nghĩ mình chẳng khác gì… trâu bò! Như bò, trâu sau khi về chuồng, rảnh rồi nằm nhai lại khi màn đêm buông xuống, con người “nhai” lại ý tưởng trong những lúc ngồi hành thiền, vì lúc này “rảnh” tay chân, không bận rộn với các công việc lăng xăng bên ngoài. Cũng như tên các tập tin còn lưu ảo trên thanh công cụ của máy tính sau khi đóng tập tin.

Hiểu điều này, ta không nản hoặc tự ti khi thấy sự hành thiền của mình không đưa đến kết quả mong muốn. Ta muốn chú tâm vào hơi thở, tâm vẫn cứ mặc tình rong chơi. Dù mình không hề muốn, nó nghĩ về tương lai vẫn còn mờ mịt xa, rồi nhớ việc này, hồi tưởng việc kia, ngay cả những việc đã qua từ lâu lắm. Đừng nản lòng, cứ chú tâm vào đối tượng đã chọn để thực hành. Có vị giảng sư nói vui rằng, giữ thân đâu tâm đó khi hành thiền là duy trì đời sống hòa hợp giữa thân và tâm mà không để chúng ly dị nhau. Lòng kiên nhẫn của ta gặp nhiều thử thách trong giai đoạn khởi đầu này. Những ai vượt qua được những khó khăn đặc trưng trong chặng đầu này mới có thể đi tiếp trên con đường thực tập. Kiên trì là một người bạn quý lúc này.

Khi tâm rời đối tượng, cần chánh niệm nhận ra ngay điều này, kéo tâm trở về với đối tượng. Cứ kiên trì như thế, trong vòng 30 phút ngồi thực tập hơi thở, nếu tâm đi chơi 100 lần, thì phải 100 lần đem tâm về với hơi thở. Nếu tâm trượt khỏi đối tượng mà lén đi chơi 1000 lần, thì vẫn phải 1000 lần nhẹ nhàng đem tâm về. Cứ hình dung ta đưa một con trâu chưa thuần ra ruộng cày. Nó không muốn nỗ lực đi theo đường cày mà chướng khí chạy lên bờ, ta phải đưa nó về đường cày đang kéo dở. Nó lại chống đối kéo đi nơi khác, ta cứ thế đưa nó về đường cày đang đi. Vậy đủ biết chú tâm trên đối tượng thiền quán là rất khó, đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì và quyết tâm rất cao từ người thực hành. Đừng ảo tưởng bắt chân ngồi xuống, thân ta yên là tâm theo đó liền yên và có chánh niệm ngay đâu. Pháp mầu không đến như vậy mà đây là cả một hành trình xuyên suốt thời gian, đòi hỏi ý chí và nghị lực mà không phải ai cũng làm được. Người biết thực hành thiền đã ít, người nỗ lực để giữ chánh niệm trong mỗi thời ngồi thiền lại càng ít hơn, và hiếm hoi hơn nữa, như vài vì sao lác đác trên bầu trời rạng sáng là người có thể duy trì thời khóa hành thiền chánh niệm hằng ngày trong cuộc sống của mình.

Duy trì chánh niệm

Chánh niệm được thực hành hiệu quả nhất trong môi trường yên tĩnh để không bị sự chi phối của môi trường bên ngoài. Thêm vào đó, sự thực hành đem lại kết quả nhiều nhất khi hành giả trong tư thế ngồi, vì với tư thế này, các hoạt động thô của tay, chân và các giác quan được hạn chế đến mức tối đa, nhờ đó, hành giả dễ dàng tập trung vào đối tượng cần chú tâm và ghi nhận các cảm thọ sinh khởi. Điều này không có nghĩa suốt ngày ta ngồi trên bồ đoàn trong căn phòng yên tĩnh để thực hành thiền chánh niệm, điều này không thể đối với một con người bình thường. Ngược lại, nếu thực hành thiền chánh niệm chỉ khi nào ngồi trên bồ đoàn, ngoài ra, khi ta trở về với cuộc sống xô bồ thường ngày không chánh niệm nữa thì đâu lại vào đó, không có tác dụng gì cả. Nên lưu tâm rằng, mỗi ngày chúng ta thực hành ở tư thế ngồi – tư thế thực hành phổ biến nhất – là để thuần thục kỹ năng thực hành sự chánh niệm, tỉnh thức mà áp dụng kỹ năng này vào tất cả hoạt động của mình trong mọi lúc, mọi nơi, thông qua các tình huống cuộc sống. Các em học sinh học môn đạo đức, giáo dục công dân là để biết và thuần thục nếp sống đạo đức để ứng xử có đạo đức và văn hóa với tất cả mọi người, trong mọi lúc, mọi nơi chứ không phải vào lớp học môn này mới thể hiện đạo đức. Ta học môn toán là để có kỹ năng nhằm ứng dụng các phép tính vào trong thực tế sinh động để góp phần giải quyết vấn đề cuộc sống cho con người. Ta luyện nói một ngôn ngữ nước ngoài nào đó trong phòng lab nhằm có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ ấy trong cuộc sống đời thường để giao tiếp, truyền đạt thông tin chứ không phải ra khỏi phòng lab là thôi. Những thành công trong phòng thí nghiệm hóa học, sinh học, vật lý… phải được đem ra ứng dụng trong cuộc sống đời thường, giải quyết những vấn đề thường ngày của con người thì sự thành công kia mới thực sự có ý nghĩa. Thiền chánh niệm cũng như vậy, nó chỉ có giá trị khi trở thành chất liệu sống của hành giả.

Kỹ thuật và nghệ thuật chú tâm, theo dõi cảm thọ và những phản ứng của thân cũng như tâm có được trong những lúc ngồi thiền là chất liệu để nuôi sống chánh niệm của chúng ta trong những tình huống, môi trường sinh hoạt khác. Giữ chánh niệm trong môi trường bình thường quả là một điều khó khăn, vì cuộc sống đời thường với bao âm thanh, sắc màu, các mối quan hệ con người, công việc trách nhiệm cần chu toàn… nên tâm ta bị lôi bên này, kéo bên kia. Điều này chẳng khác nào một cỗ xe cột vào cổ của năm, sáu con vật, mạnh con nào, con nấy kéo cỗ xe đi về hướng mình muốn. Hơn nữa, thời gian ta chọn môi trường yên tĩnh để thực hành thiền trong tư thế ngồi chỉ có 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ, còn 23 tiếng hoặc nhiều hơn nữa trong một ngày ta sống với môi trường động, thì việc duy trì chánh niệm trong hiện tại là một điều vô cùng khó khăn. Thế nhưng, khó không có nghĩa là không thể. Ta vẫn có thể thực hành trên các hoạt động thường ngày với thời gian chánh niệm ngày càng nhiều, với chất lượng ngày càng cao nếu ta chăm rèn kỹ năng này trong những thời ngồi thiền thường xuyên trong ngày. Mức độ chánh niệm trên các hoạt động thường ngày của một hành giả cho ta biết hiệu quả, nội lực, kỹ năng và kỹ thuật thực hành thiền của người ấy trong các giờ ngồi thiền cố định.

Chánh niệm ngay cả khi rời bồ đoàn

Nhiều người phấn khởi chia sẻ, dạo rày tôi thực hành thiền chánh niệm tốt lắm, tâm yên lắm, chú tâm dễ dàng trên hơi thở. Thời gian ngồi cũng tăng lên, lúc đầu ngồi được 20 phút mà giờ ngồi 45 phút mà chân không đau tê… Khi nói như vậy, người ấy mặc nhiên xem việc thực hành thiền là thời khóa ngồi thiền cố định của mình. Như vậy, ngoài giờ này ra, bộ chúng ta không “thực hành thiền” sao? Đức Phật, vị thầy dạy phương pháp thiền định dạy các đệ tử Ngài, được ghi lại trong kinh sách rằng, chánh niệm cần duy trì ở mọi lúc, ban ngày, ban đêm, canh đầu, canh giữa, canh cuối”(Trung bộ kinh, số 53: Kinh hữu học; số 125: Điều ngự địa). Không những vậy, trong rất nhiều bài kinh, đức Phật dạy cần duy trì chánh niệm trong tất cả các tư thế, hành vi, động tác của con người. Cụ thể, chúng ta cần thực hành “khi đi tới, khi đi lui, tôi đều tỉnh giác. Khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh, tôi đều tỉnh giác. Khi co tay, khi duỗi tay, tôi đều tỉnh giác. Khi mang y kép, y bát, tôi đều tỉnh giác. Khi ăn, uống, nhai, nuốt, tôi đều tỉnh giác. Khi đi đại tiện, tiểu tiện, tôi đều tỉnh giác. Khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng, tôi đều tỉnh giác”(Trung bộ kinh, số 27: Tiểu kinh dấu chân voi; kinh số38: Đại kinh đoạn tận ái, kinh số 39: Đại kinh xóm ngựa, kinh số 51: Kandaraka, kinh số 107: Ganaka Moggallana, kinh số 112: Kinh Sáu thanh tịnh, kinh số 125: Kinh Điều ngự địa; Tăng chi bộ kinh, Chương Bốn pháp, phẩm XX, kinh số 198; Chương Mười pháp, phẩm X, kinh số 99).

Như vậy, thực hành chánh niệm không chỉ trong lúc hành thiền cố định với khoảng thời gian nhất định trong ngày, mà ứng dụng sự chú tâm, tỉnh giác trong cuộc sống hàng ngày là điều rất cần thiết. 

Nếu không có chánh niệm ngoài giờ hành thiền, thì cũng không thể có chánh niệm trong lúc hành thiền, vì chúng đi đôi và hỗ trợ nhau. Hơn nữa, chánh niệm là một kỹ năng, nên càng thực hành, càng nhuần nhuyễn, càng điêu luyện và ít hao tốn năng lượng để phải gồng mình, cố gắng mà nó dần biến thành một nếp sống, một phản xạ vô điều kiện, tự nhiên như hơi thở của mình. Nếu khi đang hành thiền, ta chọn đối tượng chú tâm là hơi thở, thì trong sinh hoạt hằng ngày, chú tâm vào mỗi hành động đang làm mà tạm “quên” đi việc chú tâm vào hơi thở là cách thực hành thiền chánh niệm trong đời sống bình thường. Khi nghỉ ngơi hay chờ đợi, thay vì để tâm nhảy lui về quá khứ hay mơ màng viển vông nghĩ tưởng tương lai, ta chú tâm vào hơi thở. Nếu biết thực hành như vậy, sự chờ đợi qua đi nhẹ nhàng, ta lại không bỏ phí thời gian. Ví dụ khi đang đi ngoài đường, người thực hành chánh niệm tỉnh giác biết tuân thủ luật giao thông, chú tâm và làm chủ phương tiện mình đang điều khiến, chú tâm quan sát những người cùng tham gia giao thông di chuyển gần mình, quan sát đường đi và lường những tình huống có thể xảy ra để kịp thời xử lý. Khi gặp đèn đỏ, người chánh niệm biết dừng đúng vạch, điềm tĩnh hít thở trong chánh niệm, chứ không tỏ vẻ nôn nóng, sốt ruột, chen lấn để càn lướt vượt lên. Cứ như vậy, chánh niệm càng nhiều, ta càng tỉnh giác, khả năng làm chủ cảm xúc của mình càng cao. Nhờ đó, chúng ta nhìn nhận vấn đề xuyên suốt, khách quan, có nhiều phán đoán chính xác, quyết định đúng đắn, phản ứng hợp lý trước sự tác động của môi trường xung quanh.

Chánh niệm là chìa khóa của tâm bình an thật sự mà chỉ những ai thực hành mới cảm nhận hết sự nhiệm mầu của phương pháp thiền này.

Theo Nguyệt San Giác Ngộ
Thích Nữ Liên Trí
Sưu tầm: Giới Nghiêm

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Cư Trần Lạc Đạo Phú Đệ Nhị Hội


Cư Trần Lạc Đạo Phú Đệ Nhị Hội
                    Trần Nhân Tông


Biết vậy! Miễn được lòng rồi; Chẳng còn phép khác.
Gìn tính sáng tính mới hầu an;
Nén niềm vọng niềm dừng chẳng thác.
Dứt trừ nhân ngã thời ra tướng báu kim cương;
Dừng hết tham sân mới lảu lòng màu viên giác.
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương;
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.
Xét thân tâm, rèn tính thức, há rằng mong quả báo phô khoe;
Cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.
Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay;
Vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.
Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quý nửa thiên cung;
Dầu năng miễn thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.

Chữ Nôm:
第二會
別丕
免特峼耒
庄群法恪
廛性瞆性買侯安
裵念妄念停庄錯
悉除人我時歯相實金剛
停歇貪嗔買老峼牟圓覺
淨土羅峼瑇瀝渚群疑坙典西方
彌陀羅性瞆芁罵沛辱寻衛極樂
察身心煉性識呵浪蒙果報舖誇
倿戒行敵無常儍固詫求名半角
吿蔞吿迀業凩庄嫌所縙枾
運紙運檑身根固礙之顛白
若㐱戞皮道德姅間痆貴姅天宮
油能勉所仁義巴片瓦腰欣樓閣

Nguồn: Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1977

(Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm)

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Đọc Cái Tâm Thiên Nhiên



Ðường lối thực hành của chúng ta là tận tường nhìn sự vật và thấy sự vật rành mạch, rõ ràng. Chúng ta kiên trì cố gắng và đều đặn chuyên cần, nhưng không hấp tấp vội vàng. Cũng không quá lơ đễnh buông lơi để bê trễ. Ðây là vấn đề tuần tự dò dẫm lối đi và dần dần góp nhặt, gom chung lại. Tuy nhiên, mọi tập trung nầy đều hướng về một cái gì. Pháp hành của chúng ta có một mục tiêu.

Ðối với phần đông chúng ta, lúc bắt đầu hành thiền thì không có ý gì khác ngoài lòng mong muốn. Chúng ta khởi sự hành thiền vì ham muốn. Vào giai đoạn nầy tâm ham muốn của chúng ta là ham muốn một cách sai lầm. Ðó là si mê, là ham muốn ảo huyền, là lòng ham muốn pha lẫn với tà kiến. 

Nếu ham muốn không lẫn lộn với tà kiến như thế đó thì ta nói là ham muốn với trí tuệ, pannà [*]. Ham muốn với trí tuệ thì không phải là si mê. Ðây là ham muốn với chánh kiến. Trong trường hợp nầy ta nói rằng được vậy là nhờ Ba La Mật, nói cách khác, là do thiện nghiệp tích trữ từ trong quá khứ. Dầu sao không phải là trường hợp của tất cả mọi người.

[*] Danh từ "pannà" nầy (phiên âm là "bát nhã") có nhiều ý nghĩa khác nhau, từ kiến thức thông thường đến sự hiểu biết sâu sắc, chí đến tuệ Minh Sát, thấu triệt thâm sâu vào Chân Lý (Dhamma, Giáo Pháp). Mặc dầu có thể được dùng trong nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng danh từ nầy luôn luôn hàm xúc sự thấu triệt Chân Lý ngày càng thâm sâu, dần đến tột đỉnh là tuệ Minh Sát và Giác Ngộ.

Vài người không muốn có tâm ham muốn, hoặc họ muốn có tâm không ham muốn. Bởi vì họ nghĩ rằng pháp hành của chúng ta nhằm Chấm Dứt ham muốn. Tuy nhiên, nếu không ham muốn, nếu không có ý muốn hành ắt không thực hành.

Chúng ta có thể tự mình nhận thấy điều nầy. Ðức Phật và tất cả các vị đệ tử của Ngài hành thiền để chấm dứt ô nhiễm. Chúng ta phải muốn hành thiền và phải muốn chấm dứt ô nhiễm. Chúng ta phải muốn có tâm an lạc thanh bình, và phải muốn không vọng động. Tuy nhiên, nếu tâm ham muốn nầy mà lẫn lộn với tà kiến thì nó chỉ đem lại cho ta nhiều khó khăn phiền phức hơn. Nếu thành thật với chính mình ta sẽ nhận thức rằng chúng ta thật sự không hiểu biết gì cả, hoặc những gì ta hiểu không mang lại hậu quả tốt đẹp nào, vì chúng ta không thể xử dụng nó một cách thích nghi.

Tất cả mọi người, kể cả Ðức Phật, đều bắt đầu như thế ấy, với lòng muốn hành thiền, muốn có tâm thanh bình an lạc, muốn tâm không bị vọng động và đau khổ. Hai loại ham muốn kể sau có giá trị y hệt bằng nhau. Nếu không hiểu biết đúng mức thì cả hai -- muốn tâm không bị vọng động và muốn không đau khổ -- đều là ô nhiễm. Ðó là ham muốn điên cuồng, ham muốn không có trí tuệ.

Trong pháp hành của chúng ta, ta nhìn thấy tâm ham muốn nầy là, hoặc lợi dưỡng buông trôi theo dục lạc, hoặc khổ hạnh khắc kỷ ép xác. Chính Ðức Phật, Ðức Bổn Sư của chúng ta, cũng đã bị dính kẹt trong tình trạng xung đột nầy. Ngài hành theo nhiều phương pháp khác nhau, nhưng rốt cùng rồi cũng rơi vào hai cực đoan nầy. Ngày nay chúng ta cũng rơi vào tình trạng giống y hệt như vậy. Ta vẫn còn bị cặp đôi nầy chi phối và vẫn còn tiếp tục tách rời, xa lìa Con Ðường.

Dầu sao đó là phương cách mà ta phải bắt đầu. Ta phải bắt đầu như những chúng sanh phàm tục, những chúng sanh có nhiều ô nhiễm, những chúng sanh ham muốn mà không có trí tuệ, ham muốn mà không có chánh kiến. Nếu chúng ta không hiểu biết thích nghi thì cả hai loại ham muốn nầy sẽ chống lại ta. Dầu muốn hay không muốn, đó vẫn là ái dục (tanhà). Nếu thông suốt hai điểm nầy ta sẽ không biết phải làm cách nào để đối phó với chúng khi nó phát sanh. Chúng ta sẽ cảm thấy rằng tiến tới là sai lầm, thối lui cũng sai lầm, mà ta không thể dừng lại. Làm bất luận gì rồi ta chỉ thấy rằng vẫn còn ham muốn thêm nữa. Ðó là vì kém trí tuệ và còn ái dục.

Chính ở ngay tại đây, với ý muốn và ý không muốn, ta có thể thấu hiểu Giáo Pháp. Giáo Pháp mà chúng ta đang mong tìm hiện ở ngay tại đây, nhưng ta không trông thấy. Chúng ta lại cố gắng chấm dứt lòng ham muốn. Chúng ta muốn sự vật phải như thế nầy và không phải như thế nào khác. Hoặc chúng ta muốn sự vật không phải như thế nầy mà phải như thế nào khác. Ðúng ra, hai điều nầy cũng là một. Chúng là hai thành phần của một cặp.

Có lẽ chúng ta không nhận thức rằng Ðức Phật và tất cả những vị đệ tử của Ngài đều có loại ham muốn nầy. Nhưng Ðức Phật thông suốt vấn đề muốn và không muốn. Ngài tận tường thấu triệt rằng nó chỉ giản dị là sinh hoạt của tâm, và những sinh hoạt tâm linh tương tợ chỉ phát sanh trong chớp nhoáng, rồi tan biến. Những loại ham muốn như vậy luôn luôn liên tục tiếp diễn. Khi có trí tuệ thì ta biết nó là vậy và không tự mình đồng hóa với nó. Trong thực tế nó chỉ là sinh hoạt của cái tâm thiên nhiên. Khi nhìn nó tận tường ta trông thấy rành mạch, rõ ràng nó là vậy.

Trí Tuệ Phát Sanh Do Kinh Nghiệm Hằng Ngày

Như vậy, chính tại nơi đây mà pháp hành quán niệm dẫn chúng ta đến trí tuệ minh mẫn. Hãy lấy thí dụ anh thợ chài kéo lên một con cá to trong lưới. Quý Sư nghĩ thế nào về cảm giác của anh ta trong khi kéo chài lên? Sợ làm sẩy một con cá to anh ta luýnh quýnh hối hả, chiến đấu với cái chài. Vội vàng chụp nhanh lấy đầu lưới và rán sức kéo lên. Nhưng cá đã vượt thoát ra khỏi lưới trước khi anh hay biết. Anh đã cố gắng quá sức.

Vào những ngày xa xưa người ta cũng nói như vậy. Vào thời ấy người thợ chài được dạy là phải từ từ kéo lưới lên và cẩn thận gom túm cái chài lại mà không để mất cá. Pháp hành của chúng ta cũng cùng thế ấy. Chúng ta từ từ dọ dẫm đường lối và thận trọng góp nhặt, gom chung lại mà không để mất mát. Ðôi khi chúng ta không cố tâm làm như vậy. Có thể chúng ta không muốn nhìn, hoặc có thể chúng ta không muốn biết, nhưng vẫn tiếp tục làm như vậy. Chúng ta tiếp tục muốn như vậy. Pháp thực hành phải như thế nầy: Nếu chúng ta cảm nghe thích hành thiền, hãy cứ hành. Nếu cảm nghe không thích, vẫn cứ hành y như vậy. Chúng ta chỉ tiếp tục hành thiền.

Nếu chúng ta thực hành một cách nhiệt thành, oai lực của đức tin sẽ cho ta đầy đủ khả năng để thực hiện điều mong muốn. Nhưng vào giai đoạn nầy chúng ta chưa có trí tuệ. Mặc dầu tinh tấn chuyên cần chúng ta không thọ hưởng được bao nhiêu lợi ích của pháp hành. Ta có thể tiếp tục thực hành như vậy trong một thời gian lâu dài rồi một cảm nghĩ sẽ phát sanh rằng ta không tìm ra Con Ðường. 

Ta có thể cảm nghe mình không thể tìm được an lạc và thanh bình, hoặc ta không được trang bị đầy đủ để thực hành. Hoặc nữa, ta có thể cảm nghe Con Ðường quá xa xôi, quá viển vông, không thể tìm ra. Rồi ta bỏ cuộc!

Ðến mức nầy chúng ta phải hết sức, thật hết sức thận trọng. Phải tận lực vận dụng đức hạnh nhẫn nhục chuyên cần và kiên trì chịu đựng. Cũng chỉ như kéo lên một con cá to trong lưới, phải từ từ dò dẫm đường lối. Chúng ta thận trọng túm con cá lại trong lưới và dần dần kéo lên. Cuộc chiến đấu sẽ không quá khó khăn. Chúng ta không dừng tay mà nhè nhẹ kéo lưới lên một cách liên tục. Như thế ấy, sau một lúc cá sẽ mệt mỏi, kiệt lực và không còn vùng vẫy nữa. Ta sẽ dễ dàng bắt nó. Thông thường là vậy. Chúng ta thực hành từ từ, tuần tự tiến hành và góp nhặt, gom chung lại những ý nghĩ rời rạc.

Ðó là đường lối quán niệm của chúng ta. Nếu không có kiến thức hay trình độ học hỏi nào về Giáo Lý thuần túy lý thuyết chúng ta hãy quán niệm theo đúng với kinh nghiệm hằng ngày của mình. Hãy xử dụng kiến thức mà mình sẵn có, kiến thức thâu thập từ kinh nghiệm trong đời sống hằng ngày. 

Ðối với tâm, loại kiến thức nầy là thiên nhiên. Trên thực tế, dầu có nghiên cứu học hỏi cùng không chúng ta vẫn có sẵn cái tâm hiện thực ngay tại nơi đây. Tâm là tâm, dầu ta có học hỏi nghiên cứu cùng không. Vì lẽ ấy ta nói rằng dầu Ðức Phật có thị hiện trên thế gian cùng không mọi sự vật vẫn là vậy. Mọi sự vật đã có hiện hữu đúng theo bản chất thiên nhiên của nó. Hoàn cảnh thiên nhiên nầy không thay đổi, cũng không di chuyển đi nơi nào khác. Ðường lối thiên nhiên chỉ là vậy. Ðiều nầy được gọi là Sacca Dhamma, Giáo Pháp đúng với Chân Lý. Tuy nhiên, nếu không thông hiểu Chánh Pháp nầy ta sẽ không thể nhận ra nó.

Do đó chúng ta thực hành quán niệm theo đường lối nầy. Nếu không đặc biệt tinh thông kinh điển ta hãy quán chiếu chính cái tâm của mình. Hãy nghiên cứu học hỏi và "đọc"nó. Chúng ta hãy thường xuyên và liên tục quán niệm -- tự nói chuyện với mình. Ta sẽ thấu hiểu dần dần bản chất thiên nhiên của tâm.

Kiên Trì Tinh Tấn

Chí đến lúc có thể dừng cái tâm lại khi chúng ta tiến đạt đến trạng thái vắng lặng, tâm vẫn còn y như trước. Vì lẽ ấy Ðức Phật khuyên dạy, "Hãy tiếp tục hành thiền, hãy kiên trì thực hành!" Có thể ta suy tư, "Nếu chưa biết thì làm sao thực hành?" -- Chí đến khi ta có thể hành thiền một cách thích nghi trí tuệ mới phát sanh. Do vậy, hãy cứ tiếp tục thực hành. Nếu thường xuyên thực hành, không chểnh mảng ngừng nghỉ, ta sẽ bắt đầu quán xét đến việc mình đang làm. Ta sẽ bắt đầu khảo sát pháp hành của chúng ta. Không có gì xảy diễn trong tức khắc. Do đó, lúc ban sơ ta sẽ không nhận thấy thành quả rõ rệt nào của công phu hành thiền. Ðây cũng giống như thí dụ người muốn làm ra lửa, cọ xát vào nhau hai que củi. Anh tự nghĩ, "Người ta nói ở đây có lửa", và ra sức hăng hái cọ xát hai que củi.
Anh cọ mạnh mẽ và tiếp tục cọ dữ dội không ngừng. Anh muốn có lửa. Anh vẫn mong muốn có lửa. 
Nhưng lửa không phát sanh. Anh thối chí, nản lòng, và ngưng lại, nghỉ một lúc. Rồi anh bắt đầu trở lại công việc cọ xát hai que củi đến mệt và ngừng nghỉ. Chẳng những anh mệt mỏi mà ngày càng nản chí, và cuối cùng bỏ cuộc hoàn toàn, "ở đây không có lửa!" Trong thực tế anh có cố gắng làm việc, nhưng làm không đúng mức. Anh cọ xát hai que củi, nhưng cọ không đến mức tạo đủ sức nóng khả dĩ làm cho lửa phát sanh. Lửa lúc nào cũng vẫn tiềm tàng hiện hữu ở đó nhưng người kia không thực hiện công tác của mình đến nơi đến chốn.

Cùng một loại kinh nghiệm nầy làm cho người hành thiền chán nản rồi quanh quẩn thay đổi phương pháp. Và cũng một loại kinh nghiệm tương tợ xảy đến với chúng ta trong khi hành thiền. Nó xảy đến với mọi người, cùng một thế ấy. Tại sao? -- Bởi vì chúng ta còn dính kẹt trong ô nhiễm. Xưa kia Ðức Phật cũng có ô nhiễm, nhưng đối với vấn đề nầy Ngài có rất nhiều trí tuệ. Ngài sáng suốt vô cùng. Trong khi còn là phàm nhân Ðức Phật và chư vị A La Hán cũng chỉ như chúng ta. Còn là người thế gian nên dĩ nhiên chúng ta còn suy tư lầm lạc. Do đó, khi lòng ham muốn phát sanh ta không nhận thấy và khi lòng ham muốn không phát sanh, ta không nhận thấy. Ðôi khi ta cảm nghe khuấy động và đôi khi hài lòng. Lúc không có ham muốn ta mang máng nghe như có một loại hài lòng, nhưng cùng lúc cũng cảm nghe mơ hồ, rối loạn. Khi tâm ham muốn phát sanh có lẽ ta lại chứng nghiệm một loại hài lòng và mơ hồ rối loạn khác. Nó lẫn lộn pha trộn như thế.

Hiểu Biết Mình Và Hiểu Người Khác

Ðức Phật dạy ta quán niệm thân của mình -- thân quán niệm xứ -- như tóc, lông, móng tay móng chân, răng, da v.v.. toàn khắp châu thân. Hãy thử nhìn. Chúng ta được dạy là phải trạch quán ngay nơi đây. Nếu không trông thấy rõ ràng các phần ấy trong thân mình ắt ta không thể hiểu biết nó ở người khác. Ta sẽ không thấy rõ ràng nơi người khác mà cũng không thấy ở ta. Tuy nhiên, nếu thật sự ta hiểu biết và nhìn thấy rõ ràng bản chất thiên nhiên của chính thân mình thì mọi hoài nghi hay mọi điểm mơ hồ về người khác sẽ tan biến. Như vậy là bởi vì thân và tâm (rùpa và nàma, sắc và danh) của mọi người đều giống nhau. Không cần phải đi quanh đi quẩn để quan sát thân của tất cả mọi người trên thế gian vì chúng ta biết rằng cơ thể của ai cũng giống như của mình, của mình cũng giống như bất luận của ai khác. Nếu có được loại hiểu biết nầy thì gánh nặng của chúng ta sẽ trở thành nhẹ. Nếu không hiểu, dầu ta có làm gì, gánh nặng sẽ ngày càng nặng trĩu. Nếu muốn hiểu biết tất cả mọi người mà ta phải đi cùng khắp thế gian để quan sát thì quả thật là khó. Ta sẽ sớm nản lòng.

Giới Luật (Vinaya) của chúng ta cũng dường thế ấy. Khi nhìn vào Giới Luật ta thấy rất khó. Phải giữ chừng ấy giới và từng giới một. Phải nghiên cứu và học hỏi từng giới một. Phải quán xét pháp hành của mình để giữ cho nó thích nghi với từng giới. Chỉ nghĩ đến chừng ấy thôi, "Ồ, quả thật không thể được! Bất khả hành!" Chúng ta đọc và tìm hiểu ý nghĩa từng chữ của bao nhiêu giới luật, và nếu chỉ theo dõi suy tư của chúng ta khi học hỏi những từ ngữ ấy, chắc là ta sẽ quyết định rằng những giới luật ấy quả thật đã vượt qua khỏi tầm mức mà ta có thể hành. Ta không thể trang nghiêm thọ trì từng ấy giới luật. Bất luận ai có thái độ tương tợ đối với giới luật sẽ cảm nghĩ, "Nhiều giới quá! Không thể giữ hết."

Kinh điển dạy ta phải tự quán chiếu, tìm hiểu thái độ của mình đối với mỗi giới và nghiêm túc hành trì tất cả, từng giới một. Chúng ta phải thông suốt các giới và giữ gìn trong sạch tất cả. Ðiều nầy cũng giống như nói rằng muốn hiểu biết mỗi người ta phải đi cùng khắp và quan sát tất cả mọi người. Ðó là thái độ rất "nặng", quá nặng nề. Và như vậy là vì ta chấp theo từ ngữ. Nếu chúng ta đọc những kinh sách về giới luật thì đó là phương cách mà ta phải đọc, từng chữ một. Vài đạo sư dạy như vậy. Theo sát những gì kinh sách dạy. Học theo lối nầy không thể hành.

Ðúng thật ra nếu hành giáo lý như vậy pháp hành của chúng ta sẽ không tiến triển chút nào. Trong thực tế, đức tin của ta sẽ tan biến, niềm tin mà ta đặt vào Con Ðường sẽ không còn, bởi vì chúng ta chưa hiểu biết. Khi trí tuệ phát sanh chúng ta sẽ hiểu rằng mọi người trên khắp thế gian thật sự chỉ là một. Tất cả đều cũng như chính ta, chúng sanh nầy.

Như vậy, ta tự quán chiếu, khảo sát sắc và danh của ta. Khi nhận thấy và hiểu biết bản chất thiên nhiên của danh và sắc nơi chính mình ta sẽ nhận thức thân và tâm của tất cả mọi người. Và như vậy, bằng phương cách nầy gánh nặng của pháp hành sẽ suy giảm.

Ðức Phật đã chỉ giáo và ta đã lãnh hội, "Không ai có thể làm điều ấy cho ta". Khi học hỏi và thấu hiểu bản chất thiên nhiên của kiếp sinh tồn của mình ta sẽ hiểu biết bản chất của tất cả mọi cuộc sống.Mọi người thật sự đều như nhau. Tất cả chúng ta chỉ mang một "nhãn hiệu" và là "sản phẩm" của một công ty -- chỉ cái dáng bề ngoài có đôi chút khác biệt nhau. Chỉ thế thôi! Cũng như hai loại thuốc "Bort-hai" và "Tum-jai". Cả hai đều là thuốc an thần và chỉ có một loại công hiệu. Nhưng thuốc nầy gọi là "Bort-hai" còn thuốc kia là "Tum-jai". Thật sự không có gì khác biệt. (Trong một trường hợp khác Ngài Ajahn Chah dạy rằng nếu ta biết gìn giữ chính cái tâm của mình thì đó là nghiêm chỉnh trì giới).

Quý Sư sẽ thấy rằng lối nhìn vào sự vật như vậy ngày càng trở nên dễ dàng hơn khi ta dần dần tập hợp chung lại. Ta gọi đó là "dò dẫm đường lối", và đó là phương cách mà ta bắt đầu pháp hành. Ta sẽ trở thành quen thuộc và tinh thông hơn. Chúng ta tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhận thức. Và khi sự nhận thức nầy phát sanh ta sẽ trông thấy rõ ràng thực tại.

Lý Thuyết Và Thực Hành

Vậy, hãy tiếp tục thực hành cho đến khi nhận thức rõ ràng thực tại.
Sau một thời gian -- dài hay ngắn tùy khả năng và khuynh hướng riêng của ta -- một loại kiến thức mới sẽ phát sanh. Kiến thức nầy được gọi là Trạch Pháp (Dhamma Vicaya, quán chiếu và phân biệt rành mạch Giáo Pháp). Và đây là đường lối mà Thất Giác Chi khởi sanh trong tâm (Bojjhanga, Thất Giác Chi, là bảy yếu tố của sự giác ngộ). Trạch Pháp là một trong bảy yếu tố ấy. Sáu chi còn lại là niệm, tấn, lạc, an, định và xả.

Nếu có học về Thất Giác Chi ắt ta hiểu những gì kinh sách dạy, nhưng vẫn không thật sự thấy Thất Giác Chi. Thất Giác Chi thật sự chỉ phát sanh trong tâm. Do đó Ðức Phật ban truyền cho chúng ta những Lời Dạy khác nhau. Tất cả các bậc Toàn Giác đều giáo truyền con đường để vượt thoát ra khỏi khổ đau, và Giáo Huấn của các Ngài được lưu truyền đến nay là Giáo Huấn có tính cách lý thuyết. Lý thuyết nầy vốn phát nguyên từ pháp hành, nhưng rồi trở thành những lời dạy suông có tính cách từ chương, hay chỉ là những ngôn từ, những chữ được ghi chép trong kinh sách.

Thất Giác Chi thật sự đã tan biến, bởi vì ta không nhận thức nó bên trong chúng ta. Chúng ta không thấy nó trong tâm mình. Nếu vạn nhất có phát sanh, nó sẽ phát sanh từ công phu thực hành. Nếu nó phát sanh từ pháp hành thì đó là những yếu tố của Giáo Pháp dẫn đến giác ngộ, và đó là những chỉ dẫn cho thấy rằng đường lối thực hành của ta là đúng. Nếu hành không đúng nó sẽ không khởi phát.

Nếu thực hành đúng, chúng ta sẽ thấy Giáo Pháp (Dhamma). Vậy, hãy tiếp tục thực hành, dò dẫm dần dần con đường và tiếp tục quán trạch. Không nên nghĩ rằng điều mà chúng ta đang mong tìm có thể ở đâu khác hơn là ngay tại đây.

Một trong mấy đệ tử đầu tiên của Sư đã theo học lớp Pàli tại một ngôi chùa có trường học, trước khi đến đây. ở trường vị sư ấy không thành công nên đến đây thử học phương pháp nầy. Vị sư ấy đến đây, tại Wat Pah Pong nầy, với ý định học pháp môn hành thiền nhằm phát triển khả năng phiên dịch Pàli. Vị ấy có một loại nhận thức về thiền như thế ấy. Rồi Sư giảng cho vị ấy về phương pháp của chúng ta. Vị ấy hiểu sai hoàn toàn, nghĩ rằng đây là vấn đề chỉ ngồi lại hành thiền rồi tự nhiên thấy rõ ràng mọi sự vật.

Nói đến kiến thức về Giáo Pháp thì cả hai, nhà sư có pháp học và vị có pháp hành, đều dùng những từ ngữ như nhau. Tuy nhiên, kiến thức thâu thập được do pháp học và kiến thức do pháp hành không giống hệt như nhau. Hai kiến thức nầy có thể hình như là một, nhưng trong đó có một là thâm diệu hơn, sâu sắc hơn cái kia. Loại kiến thức phát xuất từ pháp hành dẫn đến trạng thái quy hàng, từ bỏ. 

Cho đến khi có sự quy hàng trọn vẹn chúng ta vẫn kiên trì, nhẫn nại gia công quán niệm. Nếu có tham hay sân hoặc có tâm ưa thích khởi sanh chúng ta không hờ hững lờ hẳn, không màng biết đến nó. Chúng ta không gác bỏ qua một bên mà giữ nó lại và quán trạch, xem từ đâu nó đến và đến bằng cách nào. Nếu trạng thái nầy đã có sẵn trong tâm, ta hãy quán chiếu, xem nó hoạt động chống ta như thế nào. Chúng ta nhìn nó tận tường và hiểu biết những khó khăn mà chính mình đã tự tạo cho mình, vì lầm lạc tin tưởng và đi theo nó. Loại hiểu biết nầy không thể tìm ở đâu khác hơn là trong cái tâm thanh tịnh của ta.

Cũng vì lẽ ấy mà người có pháp học và người có pháp hành hiểu lầm nhau. Thông thường những vị chú trọng riêng biệt về pháp học nói, "Các nhà sư đặc biệt chuyên về pháp môn hành thiền chỉ có những ý kiến riêng tư. Họ không nắm vững căn bản Giáo Lý". Trong thực tế cả hai -- pháp học và pháp hành -- chỉ là một. Nếu nghĩ đến vấn đề nầy như ta nghĩ đến bề mặt và bề trái của bàn tay ắt không khỏi nhằm lẫn. Nếu lật ngửa bàn tay ta thấy hình như bề lưng biến đâu mất. Ðúng ra thì bề lưng bàn tay không biến tan đâu mất mà chỉ bị che dấu phía dưới. Nói rằng không thấy nó, không có nghĩa là nó biến mất mà chỉ có nghĩa là nó bị che khuất đâu phía dưới. Ðến lúc lật úp bàn tay trở xuống thì không thấy lòng bàn tay. Cũng không phải lòng bàn tay biến mất mà nó chỉ bị che dấu phía dưới.

Phải ghi nhớ nằm lòng điểm nầy khi nghĩ đến pháp hành. Nếu nghĩ rằng nó đã "biến mất" ta gạt bỏ qua một bên để đi học, hy vọng sẽ thâu hoạch thành quả tốt đẹp. Tuy nhiên, dầu có học Giáo Pháp nhiều đến đâu ta vẫn không thông suốt, vì không hiểu biết Chân Lý. Nếu ta thông hiểu bản chất thật sự của Giáo Pháp nó sẽ trở thành sự buông bỏ. Ðó là quy hàng, từ khước, dứt bỏ luyến ái (Upadàna, Thủ), không còn đeo níu gì. Hoặc có còn bám níu đi nữa nó cũng ngày càng suy giảm. Ðó là sự khác biệt giữa pháp học và pháp hành.

Khi nói về pháp học, ta có thể hiểu pháp nầy như sau: mắt của chúng ta là đề tài để học, tai của chúng ta là đề tài để học -- tất cả là đề tài để học. Ta có thể hiểu hình sắc là thế nầy, thế kia, nhưng ta vẫn bám níu vào hình sắc và không biết con đường để thoát ra khỏi "sắc". Ta có thể phân biệt âm thanh, nhưng vẫn còn vương víu trong "thinh". Hình sắc, âm thanh, hương, vị, những cảm giác của thân và những cảm tưởng, tất cả đều là cạm bẫy, những cái lưới để rập bắt tất cả chúng sanh.

Quán trạch -- tức quán chiếu và phân biệt sự vật -- là phương cách thực hành Giáo Pháp của chúng ta. Khi có cảm thọ phát khởi, ta dùng trí hiểu biết để nhận thức. Nếu thông suốt pháp học ta sẽ lập tức hướng tâm về cảm thọ ấy và trông thấy điều nầy hay điều nọ phát sanh như thế nào rồi trở thành cái gì khác v.v... Nếu không học giáo lý theo đường lối nầy ta chỉ còn trạng thái thiên nhiên của tâm để làm công cụ khảo sát. Ðó là Giáo Pháp của ta. Nếu có đủ trí tuệ ta sẽ có thể quán chiếu trạng thái tâm thiên nhiên nầy của chúng ta và dùng nó làm đề tài để học. Ðúng y là một. Cái tâm thiên nhiên của ta là giáo lý. Ðức Phật dạy hãy nắm lấy bất luận tư tưởng hay cảm thọ nào phát khởi và quán trạch. Hãy dùng thực tại của cái tâm thiên nhiên của chúng ta làm pháp học. Chúng ta nương tựa vào thực tại ấy.

Thiền Minh Sát

Nếu đức tin của ta vững mạnh thì dầu có học giáo lý cùng không, điều ấy không quan trọng. Nếu cái tâm thành tín của ta dẫn chúng ta đến trạng thái phát triển pháp hành, dẫn đến tinh tấn chuyên cần và kiên trì nhẫn nại thì pháp học không còn thiết yếu. Lấy chánh niệm làm nền tảng cho pháp hành, chúng ta luôn luôn chú niệm trong bốn oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi. Có chánh niệm ắt có trạng thái hiểu biết rõ ràng phát sanh cùng lúc. Sự hiểu biết rõ ràng có thể phát sanh nhanh chóng đến độ ta không thể phân biệt tách rời khỏi niệm. Nhưng có chánh niệm là có hiểu biết rõ ràng.

Khi tâm vững chắc không lay chuyển thì chánh niệm phát sanh nhanh chóng, dễ dàng, và trí tuệ cũng phát sanh. Mặc dầu vậy, đôi khi trí tuệ không đủ năng lực hoặc không phát sanh đúng lúc. Chánh niệm và hiểu biết rõ ràng mà thiếu trí tuệ ắt không đủ khả năng kiểm soát tình hình. Thông thường, có chánh niệm và hiểu biết rõ ràng làm nền tảng thì trí tuệ phát sanh để hỗ trợ. Nhưng dầu sao, phải kiên trì gia công khai triển trí tuệ bằng pháp hành thiền Minh Sát (Vipassanà). Như vậy có nghĩa là bất cứ gì phát sanh trong tâm cũng có thể là đối tượng của sự chú niệm và hiểu biết rõ ràng. Nhưng ta phải nhìn sự vật hợp đúng theo ba đặc tướng Anicca, Dukkha, Anattà. Anicca, Vô Thường, là căn bản.Dukkha, Khổ, hàm xúc đặc tính bất toại nguyện. Anattà, Vô Ngã, nói lên rằng không có một tự ngã, không có một thực thể cá biệt đơn thuần. Ta thấy rằng nó chỉ giản dị là một cảm giác phát sanh, không phải tự ngã, không có thực chất, và rồi tự nó sẽ biến tan. Chỉ có thế! Người còn mê hoặc, người không có trí tuệ sẽ bỏ lỡ cơ hội. Người ấy không thể xử dụng hoàn cảnh để tạo lợi ích cho mình.

Nếu trí tuệ hiện hữu ắt có chánh niệm và hiểu biết rõ ràng, ngay tại đây, cùng với trí tuệ. Tuy nhiên vào thời kỳ ban sơ nầy trí tuệ không sâu sắc toàn hảo. Vì lẽ ấy niệm và hiểu biết rõ ràng không hội đủ khả năng để chụp bắt tất cả mọi đối tượng làm đề tài, nhưng trí tuệ vẫn có sẵn đó để hỗ trợ. Trí tuệ sẽ nhận thấy đặc tính của chánh niệm là thế nào và loại cảm giác phát sanh là gì. Hoặc nữa, trí tuệ sẽ nhận thấy một cách tổng quát bất cứ chánh niệm hay cảm giác nào hiện hữu. Ðó là tất cả Giáo Pháp.

Ðức Phật dùng thiền Minh Sát (Vipassanà) làm căn bản. Ngài thấy rằng cả hai -- tâm chú niệm và sự hay biết rõ ràng ấy -- đều không chắc chắn vững bền và ổn định. Bất cứ gì bất ổn định mà ta muốn nó ổn định đều là nguyên nhân làm cho ta đau khổ. Chúng ta muốn sự vật phải như thế nào, vừa theo ý mình, nhưng phải đau khổ vì sự vật không phải vậy. Ðó là ảnh hưởng của tâm ô nhiễm, tâm kém trí tuệ.

Trong khi thực hành chúng ta có khuynh hướng bị dính mắc trong trạng thái muốn cho sự vật dễ dàng, vừa theo ý mình. Không cần phải đi đâu xa để nhận thức điểm nầy. Chỉ quay nhìn trở lại vào thân nầy! Nó có thật sự giống như ta muốn không? Lúc thì ta muốn nó như thế nầy, lúc kế đó ta lại muốn nó như thế kia, nhưng nó có thật sự như ý ta muốn không? Bản chất của thân và tâm đúng là vậy. Ðó chỉ giản dị là đường lối của nó.

Ðiểm nầy trong pháp hành của ta có thể bị sai lầm. Thông thường ta vứt bỏ đi những gì mình cảm nghe không thích. Bất luận gì không vừa lòng là ta loại bỏ. Chúng ta không chịu dừng chân lại để suy gẫm, xem đường lối mà ta thích hay không thích sự vật có thật sự hợp tình hợp lý không. Ta chỉ nghĩ rằng những gì mà ta cho rằng không vừa ý phải là sai quấy, và những gì ta vừa lòng phải là đúng.

Chính tại nơi đây mà ái dục khởi sanh. Khi chúng ta tiếp nhận ngoại cảnh xuyên qua tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, hay ý ắt có cảm giác ưa thích hay không ưa thích phát khởi. Ðiều nầy cho thấy rằng tâm còn chứa chấp đầy luyến ái. Do đó Ðức Phật truyền dạy Giáo Huấn Vô Thường. Ngài dạy chúng ta quán chiếu sự vật. Nếu bám níu, dính mắc vào cái gì không thường còn mà luôn luôn biến đổi thì lẽ dĩ nhiên phải chịu đau khổ. Không có lý do để ta muốn sự vật phải như thế nào tùy hợp sở thích hay tùy theo ý không thích của mình. Không thể làm cho sự vật phải là vậy. Chúng ta không có quyền năng hay loại quyền uy để làm vậy. Dầu ta muốn như thế nào, mọi sự vật đã có sẵn con đường thiên nhiên của nó. Ham muốn như thế ấy không phải là đường lối dẫn thoát ra khỏi đau khổ.

Ðến đây chúng ta nhận thấy rằng tâm si mê hiểu biết theo một đường và tâm không bị mê hoặc hiểu theo một lối khác. Khi tâm sáng suốt minh mẫn tiếp nhận một cảm giác thì liền thấy rằng đó là cái gì không nên bám níu, cái gì không nên tự mình đồng hóa với nó. Chính điểm nầy cho thấy rằng tâm có trí tuệ. Nếu không trí tuệ chúng ta chỉ đi theo trạng thái cuồng dại của mình. Sự cuồng dại nầy là không nhận thấy vô thường, khổ, vô ngã. Những gì ưa thích ta xem là tốt đẹp và chân chánh. Ðiều không hợp ý ta xem là không tốt. Chúng ta không thể đạt đến Giáo Pháp bằng lối nầy, trí tuệ không thể phát sanh. Không thấy rõ điểm nầy ắt trí tuệ không thể phát sanh.

Ðức Phật củng cố vững chắc pháp hành thiền Minh Sát và dùng pháp nầy để quán trạch tất cả những cảm tưởng khác nhau. Bất luận gì phát sanh đến tâm, Ngài quán trạch như sau: Dầu ta có ưa thích nó như thế nào nó vẫn bấp bênh, bất ổn định, không chắc chắn. Nó là đau khổ, vì không ngừng phát sanh và hoại diệt, không chịu ảnh hưởng của tâm mình. Tất cả những sự vật ấy không phải là một chúng sanh, một tự ngã, không phải là của ta. Ðức Phật dạy ta chỉ xem nó là vậy, nó như thế nào xem như thế ấy. Ðó là nguyên tắc mà ta phải giữ vững trong khi hành thiền.

Bây giờ chúng ta thấu hiểu rằng ta không thể buồn vui theo ý muốn. Vui hay buồn chỉ phát sanh đến ta. Ðôi khi có lợi cho ta, lắm lúc không. Không thấu hiểu đúng những trạng thái vui hay buồn ấy ắt chúng ta không nhận định chân chánh. Chúng ta sẽ chạy theo ái dục, chạy đi xa, để theo đuổi những tham vọng của mình. Ðôi khi ta cảm nghe hạnh phúc, lắm lúc buồn khổ, nhưng đó là tự nhiên. Có lúc ta cảm nghe vừa lòng, khi khác thì phật ý. Cái gì thích ta cho là tốt, điều gì không thích ta nói là xấu. 

Bằng cách làm như vậy ta tách rời, xa dần, xa dần Giáo Pháp. Trong trường hợp nầy ta không thấu hiểu hoặc không nhận thấy Giáo Pháp và do đó chúng ta mù mờ rối loạn. Tham vọng tăng trưởng bởi vì lúc bấy giờ tâm không còn gì khác hơn là si mê.

Ðó là đường lối mà chúng ta bàn thảo đến tâm. Không cần phải đi đâu xa lìa khỏi ta để tìm hiểu. Chỉ nhìn những trạng thái tâm vô thường của mình. Chúng ta thấy rằng nó là bất toại nguyện và không phải là một tự ngã trường tồn bất biến. Nếu phát triển pháp hành theo chiều hướng nầy thì đó là thực hành thiền Minh Sát (Vipassanà). Chúng ta nói rằng đó là nhận thức những gì xảy diễn trong tâm, và chúng ta khai triển trí tuệ bằng cách nầy.

Thiền Vắng Lặng

Pháp hành thiền Vắng Lặng của chúng ta như thế nầy: Thí dụ chúng ta an trụ chú niệm vào hơi-thở-ra-thở-vào, xem đó là căn bản hay phương tiện để kiểm soát tâm. Bằng cách giữ tâm sâu sắc gắn bó theo dõi hơi thở, tâm trở nên vững chắc, vắng lặng và không chao động. Phương pháp thực hành làm cho tâm vắng lặng như vậy gọi là thiền Vắng Lặng (Samatha có nghĩa là vắng lặng, thiền nầy cũng được gọi là thiền Chỉ, thiền Ðịnh, đối với thiền Minh Sát, cũng gọi là thiền Quán, hay thiền Tuệ).

Pháp hành nầy rất cần thiết và ta phải hành loại thiền nầy thật nhiều bởi vì thông thường tâm ta chứa đầy khuấy động. Tâm rất bấn loạn và mù mờ. Chúng ta không thể nói từ bao nhiêu năm hay bao nhiêu kiếp sống nó đã là vậy. Nếu ngồi lại và quán niệm, chúng ta sẽ thấy trong tâm có rất nhiều những gì không đưa đến thanh bình, an lạc, vắng lặng và rất nhiều những phần tử mang lại rối loạn, mập mờ, không an tĩnh.

Vì lẽ ấy Ðức Phật khuyên dạy chúng ta nên tìm một đề mục hành thiền (công án) thích hợp với khuynh hướng riêng của mình, một đường lối thực hành thích nghi với bẩm tánh mình. Thí dụ như quán tưởng tới lui những phần trong thân như tóc, lông, móng tay móng chân, răng, da ... Pháp hành nầy làm cho tâm trở nên rất an lạc. Nếu niệm năm phần nầy mà tâm trở nên vắng lặng thì đó là dấu hiệu cho thấy rằng công phu nầy thích hợp với khuynh hướng tâm tánh của mình. Bất cứ gì mà ta thấy thích nghi với khuynh hướng tâm tánh mình như vậy, hãy giữ lấy làm đề mục hành thiền và xử dụng nó để khắc phục ô nhiễm.

Một thí dụ khác là suy niệm về hiện tượng chết. Ðối với ai còn nhiều tham, sân, si mạnh mẽ và cảm nghe khó lòng tự chế lấy mình thì suy niệm về cái chết của chính mình là một đề mục hữu ích. Ta sẽ thấy rằng tất cả mọi người đều phải chết, dầu giàu hay nghèo. Người tốt hay người xấu đều chết. 

Tất cả mọi người đều phải chết! Phát triển pháp hành theo chiều hướng nầy sẽ làm khởi sanh thái độ buông bỏ, không bám níu. Càng thường xuyên thực hành, thời tọa thiền của chúng ta càng dễ dàng đem lại trạng thái vắng lặng. Ðó là vì pháp hành nầy thích nghi với bẩm tánh của ta. Nếu khuynh hướng tâm tánh của chúng ta không ưa thích pháp hành thiền Vắng Lặng nầy, nó sẽ không dẫn đến thái độ buông bỏ. Nếu đề mục hành thiền nầy thật sự thích hợp, ta sẽ thấy thái độ buông bỏ phát sanh đều đặn mà không gặp khó khăn lớn lao nào và chúng ta sẽ thường xuyên suy tư đến nó.

Về điểm nầy chúng ta có thể thấy một thí dụ trong đời sống hằng ngày. Khi quý vị cư sĩ Phật tử mang đến chùa những mâm vật thực để cúng dường chư Tăng thì chúng tôi sớt vào bát tất cả các món, mỗi thứ một ít. Khi độ xong mỗi thức ăn chúng tôi có thể nói thức nào vừa miệng nhất. Ðây chỉ là một thí dụ. Vật thực nào hợp với khẩu vị thì mình sẽ ăn, sẽ thấy nó thích hợp với mình. Còn những món khác thì để qua một bên.

Pháp hành an trụ chú niệm vào hơi-thở-ra thở-vào là một thí dụ điển hình cho loại đề mục thiền thích hợp với tất cả chúng ta. Khi đi quanh đi quẩn hành nhiều loại thiền khác nhau hình như ta cảm nghe không thoải mái. Nhưng lúc vừa mới ngồi lại niệm hơi thở thì ta cảm nghe dễ chịu. Ðiều nầy có thể nhận thấy một cách rõ ràng. Không cần phải đi tìm ở đâu xa vời, ta có thể xử dụng những gì ở ngay bên cạnh mình, và điều nầy thuận lợi cho ta hơn. Chỉ theo dõi hơi thở. Nó đi ra và trở vào, ra rồi vào. Chúng ta theo dõi bám sát, liên tục không ngừng niệm hơi thở-ra thở-vào như vậy trong một thời gian lâu.

Dần dần tâm ta lắng dịu và ổn định. Những sinh hoạt tâm linh khác sẽ phát sanh nhưng ta cảm nghe còn xa lạ. Cũng như hai người phân lìa, sống xa nhau trong một thời gian sẽ không còn nghe gần gũi nữa. Chúng ta không còn cảm nghe có sự tiếp xúc mạnh mẽ nữa, hoặc có thể không còn nghe tiếp xúc gì cả.

Khi ta quen thuộc với pháp hành niệm hơi thở nó sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nếu tiếp tục gia công thực hành chúng ta sẽ thâu đạt thêm kinh nghiệm và hiểu biết tinh thông bản chất của hơi thở. Ta sẽ hiểu biết hơi thở dài là như thế nào và hơi thở ngắn là như thế nào.

Nhìn theo một lối ta có thể nói đến thức ăn của hơi thở. Trong khi ngồi hay trong khi đi chúng ta thở, khi ngủ chúng ta thở, khi thức chúng ta thở. Nếu không thở ắt chúng ta chết. Suy tư về điểm nầy cho thấy rằng ta sống đây là chỉ nhờ vật thực. Nếu trong mười phút, một tiếng, hay một ngày mà ta không ăn những thức ăn hiểu theo lối hiểu thông thường, thì không sao. Ðó là loại vật thực thô kịch. Nhưng nếu không thở, dầu trong một thời gian ngắn đi nữa, ắt chúng ta sẽ chết. Nếu trong năm hoặc mười phút mà không thở ắt phải chết. Quý vị hãy thử xem.

Người hành pháp niệm hơi thở sẽ hiểu biết như vậy. Kiến thức phát sanh từ pháp hành nầy quả thật tuyệt vời. Nếu không quán niệm ắt chúng ta không thấy hơi thở là thức ăn, nhưng trong thực tế lúc nào chúng ta cũng đang "ăn" không khí vào, ra, vào, ra ... luôn luôn, không ngừng nghỉ. Ta sẽ thấy một điều nữa là càng quán niệm theo chiều hướng nầy pháp hành của chúng ta càng mang lại nhiều lợi ích hơn và hơi thở ngày càng vi tế. Cũng có thể hơi thở dừng lại. Ta cảm nghe hình như không còn thở. Trong thực tế hơi thở đi thông qua lỗ chân lông và được gọi là "hơi thở vi tế". Khi tâm hoàn toàn vắng lặng thì thông thường hơi thở dừng lại theo lối nầy. Chúng ta không cần phải giựt mình hay lo sợ. Nếu không còn hơi thở thì ta phải làm gì? Chỉ hiểu biết nó là vậy! Hiểu biết rằng không có hơi thở, thế thôi! Ðây là pháp hành chân chánh.

Nơi đây chúng ta đang đề cập đến đường lối hành thiền samatha, pháp hành nhằm phát triển tâm vắng lặng. Nếu đề mục hành thiền thích nghi với ta, nó sẽ dẫn đến loại chứng nghiệm nầy. Ðây chỉ là giai đoạn sơ khởi, nhưng bấy nhiêu đó trong pháp hành đủ dẫn dắt ta đi suốt con đường, hay ít ra cũng đưa ta đến mức độ có thể nhận thấy rõ ràng và tiếp tục gia công trong niềm tin vững chắc. Nếu tiếp tục quán niệm theo đường lối nầy ta sẽ càng tinh tấn hơn. Cũng như nước trong lu. Càng siêng năng châm nước, giữ cho lu lúc nào cũng đầy thì những côn trùng sống trong đó như lăng quăng v.v.. sẽ không chết vì bị khô cạn. Chúng ta gia công giữ cho pháp hành hằng ngày luôn luôn viên mãn cũng dường thế ấy. Tất cả đều trở về pháp hành. Chúng ta sẽ cảm nghe thoải mái và an bình. Trạng thái an lạc nầy phát sanh từ nhất điểm tâm, hay tâm niệm an trụ vào một điểm duy nhất.

Tuy nhiên, tâm nhất điểm nầy có thể rất phiền phức, bởi vì chúng ta không muốn bị những trạng thái tâm khác (tức những tâm sở khác) phá rầy. Trong thực tế, các tâm sở khác sẽ khởi phát, và nếu ta duyên theo đó thì chính nó là tâm nhất điểm.

Cũng như ta nhìn thấy những người khác nhau trước mắt, đàn ông có, đàn bà có. Nhưng cảm giác của ta khi thấy họ không giống như cảm giác mà ta có, khi nhìn cha và mẹ ta. Trong thực tế tất cả những người đàn ông đều là đàn ông giống như cha ta, và tất cả các bà đều là đàn bà như mẹ ta. Vậy mà khi nhìn họ ta không có cảm giác như khi nhìn cha và mẹ ta.

Ta cảm nghe rằng cha và mẹ ta quan trọng hơn. Ðối với ta, cha mẹ ta có giá trị hơn.
Trạng thái nhất điểm tâm của ta cũng vậy. Phải giữ thái độ đối với nó như đối với cha và mẹ ta. Tất cả những sinh hoạt tâm linh khác ngoài đề mục mà phát sanh thì chúng ta vẫn lưu tâm đến, cũng như ta lưu tâm đến các người đàn ông và đàn bà khác nhau, nói một cách tổng quát. Ta vẫn không ngừng nhìn thấy họ, nhưng chỉ ghi nhận sự có mặt của họ chớ không đặt họ ngang hàng, không cho họ có giá trị xứng đáng như cha và mẹ ta.

Tháo Gỡ Mối Gút

Khi pháp hành thiền Samatha tiến đạt đến mức độ vắng lặng, tâm sẽ trở nên sáng suốt và tỏ rạng. Những cảm xúc khác nhau mà thường phát sanh giờ đây cũng thưa thớt, ít dần. An lạc thanh bình và hạnh phúc dồi dào sẽ đến với ta. Có thể ta bám níu vào và luyến ái trạng thái hỷ lạc an vui ấy. Phải quán sát và suy gẫm rằng "hạnh phúc" ấy không bền vững, và phải quán tưởng rằng tình trạng "vô hạnh phúc" cũng không bền vững trường tồn mà vô thường, luôn luôn biến đổi. Ta sẽ thấu hiểu rằng tất cả những cảm giác đều phù du tạm bợ nhất thời, và không nên bám vào nó. Nhận thức sự vật như vậy vì có trí tuệ. Ta sẽ hiểu biết rằng sự vật là vậy, đúng theo bản chất thiên nhiên của nó.

Hiểu như vậy giống như ta nắm được đầu dây mối nhợ đã thắt chặt cái gút. Nếu ta kéo sợi nhợ theo đúng chiều của nó cái gút sẽ được nới lỏng ra và bắt đầu mở dần. Nó sẽ không còn siết chặt nữa. 

Làm vậy giống như hiểu biết rằng nó không phải luôn luôn là vậy. Trước kia ta ngỡ rằng sự vật như thế nào thì luôn luôn nó phải như thế ấy, và vì hiểu biết sai lầm như thế ấy càng ngày ta càng siết chặt cái gút. Siết chặt cái gút là đau khổ. Sống như thế ấy rất căng thẳng. Do đó ta dần dần nới lỏng cái gút và ngơi nghỉ. Tại sao nới lỏng cái gút? Bởi vì nó siết chặt. Nếu không bám níu hẳn ta có thể nới lỏng. Nó không thường còn, và luôn luôn phải như vậy. Hãy dựa trên Giáo Lý Vô Thường và xem đó là nền tảng. Cả hai trạng thái -- hạnh phúc và bất hạnh -- đều không thường còn. Ta không thể ỷ lại nơi cái gì luôn luôn biến đổi. Tuyệt đối không có gì thường còn trên thế gian. Với loại hiểu biết nầy ta dần dần chấm dứt những cơn buồn vui và những cảm xúc phát sanh trong tâm. Hiểu biết lầm lạc sẽ ảnh hưởng ngược chiều, cũng với mức độ ấy, và càng tăng trưởng những khuấy động tâm linh. Ý nghĩa của sự tháo gỡ mối gút là vậy. Nó sẽ tiếp tục nới lỏng ra và dần dần ta sẽ buông xả, diệt trừ luyến ái tận gốc rễ.

Khi tiến đến trình độ thấy vô thường, khổ, vô ngã bên trong mình, trong thân và tâm nầy, trong thế gian nầy, một loại nhàm chán sẽ khởi phát đến ta. Ðây không phải là trạng thái nhàm chán mà ta thường chứng nghiệm trong đời sống hằng ngày, không phải là chán chê, không muốn biết, không muốn thấy hoặc nói năng điều gì. Cũng không phải là nhàm chán không muốn tiếp xúc, gần gũi hay liên lạc với bất cứ ai. Như thế ấy không phải thật sự là nhàm chán bởi vì còn có sự bám níu, còn luyến ái mà chưa buông bỏ và chưa sáng suốt hiểu biết. Chúng ta vẫn còn ham muốn và phật lòng và chúng ta còn bám níu vào sự vật, những sự vật làm cho ta đau khổ.

Loại nhàm chán mà Ðức Phật đề cập đến là một trạng thái tâm không có tham, sân và si. Ðây là nhàm chán bởi vì nhìn thấy mọi sự vật đều vô thường. Khi thọ hỷ phát sanh, ta nhận định ngay là nó không tồn tại lâu dài. Ðó là loại nhàm chán mà ta sẽ chứng nghiệm. Gọi đó là nibbida, chán nản. Nó có nghĩa là cách xa tham dục và khát vọng. Ta không thấy có gì đáng được ham muốn. Dầu sự vật có đúng theo ý thích hay ý không thích của ta không, điều đó không quan trọng. Chúng ta không tự đồng hóa với sự vật. Ta không cho nó một giá trị nào.

Thực hành như vậy ta không để cho sự vật có lý do gây khó khăn. Ta đã có thấy đau khổ và đã thấy rằng tự đồng hóa mình với những cơn buồn vui không thể tạo hạnh phúc thật sự. Nó làm cho ta bám níu vào hạnh phúc hay bất hạnh, vào ưa thích hay ghét bỏ, vốn tự nó là nguyên nhân sanh đau khổ. 

Khi vẫn còn bám níu như vậy chúng ta không thể có tâm buông xả, hay thái độ bình thản đối với sự vật. Có những trạng thái tâm được ta ưa thích, vài trạng thái khác thì ta không ưa. Cả hai, hạnh phúc và không hạnh phúc, ưa và ghét, đều là nguyên nhân sanh đau khổ. Chính loại bám níu nầy là nguyên nhân gây đau khổ. Ðức Phật dạy rằng bất luận gì tạo đau khổ tự nó là bất toại nguyện.

Tứ Diệu Ðế

Như vậy ta nhận thức rằng Giáo Huấn của Ðức Phật là hiểu biết đau khổ và nguyên nhân sanh khổ. Thêm nữa là hiểu biết trạng thái giải thoát vượt ra khỏi đau khổ và đường lối thực hành khả dĩ dẫn đến giải thoát. Ngài chỉ dạy ta bốn điều ấy. Khi thấu triệt bốn pháp nầy chúng ta sẽ có thể nhận chân đau khổ khi nó phát sanh. Ta cũng sẽ thấu triệt rằng có nguyên nhân tạo đau khổ. Cái khổ hẳn không phải từ đâu rơi xuống! Khi lòng muốn thoát khổ ta sẽ có thể diệt trừ nguyên nhân sanh ra nó.

Tại sao chúng ta thọ khổ, cái cảm giác bất toại nguyện nầy?

Ta sẽ thấy rằng bởi vì chúng ta bám níu vào những ưa thích và những ghét bỏ. Chúng ta sẽ thấu hiểu rằng chính những hành động của ta làm cho ta đau khổ. Chúng ta đau khổ vì chúng ta gán cho sự vật một giá trị. Do vậy ta nói thấu hiểu đau khổ, thấu hiểu nguyên nhân sanh khổ, thấu hiểu sự thoát khổ và thấu hiểu Con Ðường dẫn đến thoát khổ.

Khi thấu hiểu đau khổ ta nỗ lực gia công tháo gỡ cái mối gút. Nhưng phải biết chắc chắn chiều hướng nào là đúng để kéo đầu mối dây. Có nghĩa là phải biết bản chất thật sự của sự vật là thế nào.Chừng ấy luyến ái sẽ được tận diệt. Ðó là pháp hành của chúng ta nhằm chấm dứt đau khổ. 

Thấu hiểu đau khổ, thấu hiểu nguyên nhân sanh khổ, thấu hiểu trạng thái thoát khổ và thấu hiểu Con Ðường đưa vượt ra khỏi mọi đau khổ. Ðó là Magga (Con Ðường). Con đường ấy là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định. Khi có chánh kiến, hiểu biết chân chánh các pháp ấy, ắt chúng ta có Con Ðường. Những pháp ấy có khả năng chấm dứt đau khổ. Nó dẫn dắt chúng ta đến Giới, Ðịnh, Tuệ (Sìla, Samàdhi, Pannà).

Phải thông suốt bốn pháp nầy một cách rõ ràng. Ta phải muốn thấu triệt. Phải muốn nhìn thấy các pháp ấy tận mắt, thấy đúng thực tướng của nó. Khi thấy được tận tường bốn pháp trên ta gọi đó là Sacca Dhamma, Giáo Pháp đúng Chân Lý, hay Diệu Ðế.

Dầu ta có nhìn vào trong, nhìn về phía trước, hoặc nhìn bên phải hay bên trái, tất cả những gì ta thấy là Diệu Ðế, Sacca Dhamma. Ta chỉ giản dị thấy tất cả sự vật đúng như nó là vậy. Ðối với những ai đã tiến đạt đến Dhamma, Giáo Pháp, đã thấu triệt Giáo Pháp, dầu đi nơi nào, tất cả mọi sự vật sẽ là Giáo Pháp.

Trích: Phần 7
Bodhinyāna
Giác Minh
Những Lời Dạy Của Ngài AJAHN CHAH
Sunanda Phạm Kim Khánh và Sumanā Lê Thị Sương
chuyển ngữ từ Anh sang Việt
Đăng bởi Cội Nguồn
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Những Bài Pháp Ngắn (1) (Thầy Viên Minh)




NIỀM TIN

Hãy tin vào tất cả nhưng cũng đừng tin vào điều gì cả, hay nói chính xác hơn là đừng bám víu vào bất cứ điều gì. Tin vào mọi sự, mọi người, mọi vật… vì tất cả điều gì đến với mình đều có nhân duyên với mình, đều là bài học giúp mình học ra cái đúng cái sai, cái xấu cái tốt, cái chân cái giả… Do đó phải biết ơn và phải học cho thật nhiệt tình, tận tâm và chuyên chú… chứ không nên chểnh mảng.

Nhưng cẩn thận đấy, đừng bám víu vào điều gì, vì bám víu là dính mắc, dính mắc là trói buộc, trói buộc là đau khổ, là không còn thong dong tự tại nữa. Niềm tin và sự tự tại là hai điều tất yếu trong sự tương giao, nhưng là mâu thuẫn trong mối quan hệ. Vậy phải phân biệt được đâu là niềm tin trong sự tương giao tuyệt đối và đâu là niềm tin trong mối quan hệ tạm thời, lúc đó mới biết được điều gì đáng tin, điều gì đáng ngờ ngay nơi chính mình và mọi sự mọi vật. Nhớ đấy, hãy tin tất cả và đừng tin gì cả!




BUÔNG

Buông có hai nghĩa hay hai cách:

1) Buông là loại bỏ một trạng thái, một điều kiện, một tình huống (hay hoàn cảnh) nào đó. Ví dụ như buông đi một nỗi buồn, hủy bỏ một hợp đồng, rút ra khỏi một mối quan hệ v.v...

2) Buông là chấm dứt thái độ can thiệp vào bất cứ trạng thái, điều kiện, tình huống nào. Ví dụ như thái độ bình thản trước mọi sự hay để yên mọi sự như nó là, không can dự, không cho là, phải là, sẽ là theo ý mình v.v...

Vậy tùy theo trường hợp mà buông một tình trạng hay buông thái độ đối với tình trạng đó. Nếu một tình trạng gây hại cho mình và người thì cũng nên buông, nhưng cũng có những tình trạng không thể buông thì tốt nhất là nên buông chính thái độ của mình. Ví dụ như một đạo hữu ở Adelaide mắc phải căn bệnh nhức đầu không thể nào chữa khỏi, tức không loại nó đi được, cho đến khi anh ấy buông thái độ đối kháng và chấp nhận sống chung hòa bình với nó thì lại thấy nhẹ nhàng dễ chịu hơn nhiều và anh bắt đầu biết mỉm cười với căn bệnh kinh niên đó. Nếu như hai vợ chồng bất hòa muốn ly dị nhưng vì tình thể không thể ly dị được thì tại sao không buông thái độ đối lập mà lắm khi chỉ xuất phát từ sự cố chấp hay lòng tự ái cá nhân? Do đó buông không phải chỉ để giác ngộ giải thoát mà còn là một nghệ thuật sống hiểu biết và an lạc. Nhưng cố gắng buông thì không phải là buông thật sự.

...Nếu con có thái độ đúng thì buông bỏ cái ta ảo tưởng có nghĩa là thấy nó đang hoạt động như thế nào hay thực chất nó là gì chứ không buông cái gì cả. Buông là thấy mà không can thiệp, không phản ứng, không tạo tác, vì thật ra chẳng có gì để buông cả.

*** Buông có những giai đoạn sau đây: 

Bố thí để buông cái ta ích kỷ. 
Trì giới để buông cái ta hành ác. 
Ly dục để buông cái ta ham muốn trần cảnh. 
Trí tuệ để buông cái ta tà kiến. 
Tinh tấn để buông cái ta phóng dật. 
Nhẫn nại để buông cái ta đối kháng. 
Chân thật để buông cái ta ảo tưởng. 
Quyết định để buông cái ta thụ động. 
Tâm từ để buông cái ta bất mãn. 
Tâm xả để buông cái ta chấp thủ.




SỐNG GIẢN DỊ

- Hãy bắt tay vào đời sống một cách chân thành và thiết thực. Hãy làm những điều cần thiết, giản dị và cởi mở. Hãy lo cho mình, cho chồng con, cho cha mẹ, cho anh em một cách thiết thực với khả năng của mình, không buông trôi hờ hững cũng không làm quá sức mình, hoặc làm điều không cần thiết.

- Phật giáo đích thực không phải là tôn giáo để cầu nguyện mà tự mình phải thể hiện đời sống tự giác, giác tha. Cầu nguyện có thể có nhưng với mục đích giúp con người thắng được lòng ích kỷ, Chân, Mỹ, Thiện không đến với những người cầu xin chư đại Bồ-tát ban bố cho mà đến với những người tự mình sống trong Giới, Ðịnh, Tuệ, tự biến hành động, lời nói và ý nghĩ của mình thành chân, mỹ, thiện hạnh phúc hay tự do đều tùy thuộc ở con người, đừng hy sinh nó và cũng đừng đánh mất mình trong cạm bẫy của một ngày mai hứa hẹn. Nhân cách, trí tuệ và tự do phải có bất cứ lúc nào, không tùy thuộc vào tương lai hay quá khứ.

- Con hãy tập nhìn ngắm và lắng nghe tất cả với tâm trầm lặng, hồn nhiên, cảm thông và trong sáng rồi cuộc đời sẽ ban cho con biết bao là tự do và hạnh phúc, chính những ràng buộc cũng là tự do và hạnh phúc.

-Đừng quan tâm đến chuyện thị phi, hãy để hết năng lực lắng nghe sự sống nơi chính mình, nó đang muốn thì thầm với các con điều gì đó, nó muốn tiết lộ một kho tàng bất tận đang chìm sâu dưới đáy hỗn mang của tâm thức, của thương – ghét – mừng – giận – vui – buồn, của tính toan mơ ước, của hoài vọng mưu cầu, của dằn vặt thao thức, của cắn rứt ăn năn v.v… Ngay trong chính khổ đau ai biết lắng nghe cho đến tận cùng thì ở đó, hạnh phúc, tình yêu, và vẻ đẹp vẫn cứ đơm hoa kết trái.

- Hãy biết lắng nghe, hạnh phúc ở nơi chính các con, không phải ở tương lai mà cũng không phải ở thiên đàng, không ai ban cho và cũng chẳng cần tìm kiếm. Nó đang tràn ngập mọi nơi, các con có thấy không?

- Hạnh phúc thật sự không ở nơi cái với tay tìm kiếm, mà ở nơi chỗ không kiếm tìm. Hạnh phúc, tình yêu và vẻ đẹp tràn ngập nơi mỗi bước đi, trong từng hơi thở, trong ánh nắng ban mai, trong cơn mưa mùa hạ… sao lại phải kiếm tìm trong tài, sắc, lợi, danh?

- Ðừng nói đến an phận hay phản kháng, hãy im lặng lắng nghe hay chú tâm nhìn thẳng vào sự sống đang là, đó mới chính là: tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác.



SỐNG THUẬN PHÁP

Sống thuận pháp là sống đúng Bát Chánh Đạo, Giới - Định - Tuệ, cụ thể là thấy biết với tâm sáng suốt (tuệ), định tĩnh (định), trong lành (giới) khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và biết một cách tự nhiên như pháp đang là chứ không phải pháp mà con nghĩ là, cho là, phải là, sẽ là... Muốn tâm rỗng lặng trong sáng như vậy với vạn pháp thì:

1) Không buông lung phóng đật mà thường trở về với thực tại thân-tâm-cảnh, đó là tinh tấn.
2) Không thất niệm bất tại mà thường trọn vẹn với thực tại, đó là chánh niệm.
3) Không si mê, vọng tưởng mà thường thấy biết thực tại một cách trong sáng và trung thực, đó là tỉnh giác.

Muốn tâm thường tinh tấn chánh niệm tỉnh giác như vậy thì nên thận trọng chú tâm quan sát mọi sự mọi vật một cách tự nhiên như nó đang là (tại đây và bây giờ).

Trường hợp sống như vậy không được mà chỉ là bánh vẽ của cái ta ảo tưởng thì đúng là chưa đủ căn cơ trình độ, lúc đó phải tìm một phương tiện thích hợp để tu theo phương cách đối trị, như người chưa tự đi được thì phải dùng nạng hay xe lăn chẳng hạn. Vậy bí quyết là con cần tự khám phá xem mình đang như thế nào để tìm ra cách tu thích hợp.



SỢ HÃI

Sợ hãi xuất phát từ tưởng tượng. Tưởng tượng đúng thì cũng tốt, nhưng tốt nhất là tưởng tượng nào đưa đến sợ hãi, khổ đau và bất thiện thì nên chấm dứt nó đi. Khi sợ hải hoặc là con có thể niệm Phật, hoặc là trực tiếp hơn con nên trở về trọn vẹn lắng nghe sự sợ hãi đó thì nó sẽ tan biến ngay, đơn giản là vì khi niệm Phật hay khi lắng nghe lại mình thì tưởng tượng không xen vào được. Đó là trực diện với nhân của sự sợ hãi.

Có một cách nữa là trực diện với duyên tức là đối tượng của sự sợ hãi. (Tưởng tượng là nhân, đối tượng là duyên). Hồi thầy ở tuổi tiểu học có hai lần ấn tượng nhất khi trực diện với đối tượng khiếp đảm và sự sợ hãi đến tận cùng. Một lần đi lửa trại ngoài bãi biển cách nhà thầy khoảng 4 km, không ngờ đến nửa đêm thì thầy giáo cho giải tán, bạn bè mỗi đứa đi mỗi ngã còn thầy một mình đi bộ về nhà trong một đêm trăng mờ ảo, vượt qua một nghĩa địa vùng quê dài gần 1 km với những quả cầu lửa mà dân quê gọi là ma trơi. Thầy không nói thì con cũng biết nỗi sợ hãi khiếp đảm của thầy lúc đó như thế nào!

Một lần khác cũng nửa đêm thầy phải đi gọi ông chú làm ý tá cách xa nhà khoảng 2 km (từ cửa Thượng Tứ đến cửa Đông Ba), về chích thuốc cho mẹ thầy đang lên cơn đau bụng kinh khủng. Lần này thì đi trong thành nội Huế có điện đường nên không phải sợ ma mà là sợ chó đến rụng rời, khi một con chó sủa thì chúng sủa cả xóm, cả đàn nên vô cùng khiếp đảm. Nhưng nhờ những lần thử thách trực diện như vậy mà từ đó hầu như thầy không còn sợ ma và sợ chó nữa. Sau này khi đã xuất gia, có những lần đối diện với cọp trong rừng, đi ở tù, bị vu khống, bị đố kỵ v.v... đã giúp thầy ngày càng ít sợ hãi vu vơ hơn. Và cũng nhờ biết chiêm nghiệm những lần sợ hãi mà thầy đã thấy ra rằng: sợ hãi xuất phát từ tưởng tượng hơn là giáp mặt với sự thật.

...* Các con nên đọc bài Kinh Ân Đức Phật (ITI'PI SOBHAGAVÀ...), hoặc nếu bài kinh PALI dài các con không đọc thuộc thì chỉ niệm ARAHAM SAMMÀ SAMBUDDHO thôi cũng đủ hết sợ rồi.

Sưu tầm: Hanh Nghiêm