Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Chia Sẽ: Hoàn Mỹ


Vào ngày kết hôn, mẹ hỏi tôi: “Hai người trông giống ăn mày ngồi ở nơi vắng vẻ kia là ai vậy?”

Khi tôi nhìn sang, chợt thấy một ông lão đang nhìn chằm chằm về phía mình, bên cạnh còn có một bà lão. Thấy tôi nhìn sang, họ liền vội vã cúi gầm mặt xuống. Tôi không quen biết gì với cả hai người, nhưng nhìn họ cũng không giống những người ăn xin, quần áo họ mặc trông còn mới. Điều khiến mẹ nói họ giống ăn mày là vì cái lưng còng, bên cạnh còn có cây gậy.

Mẹ bảo Thiên Trì vốn là cô nhi, bên đó vốn không có người thân đến, nếu như không phải chỗ quen biết gì thì hãy đuổi họ đi.

“Thời buổi này, những người ăn xin rất là xấu nết, cứ thích đợi ở trước cửa nhà hàng, thấy nhà nào có đám tiệc liền giả làm người thân đến ăn chực”.

Tôi nói: “Chắc không vậy đâu mẹ, để con gọi Thiên Trì đến để hỏi thử xem sao?”

Thiên Trì giật mình hoảng loạn khiến cho những bó hoa tôi đang cầm trên tay rơi “bịch” xuống đất, cuối cùng anh ấp a ấp úng nói họ chính là ông chú và bà thím của mình.

Tôi khẽ liếc mẹ một cái, ý nói rằng suýt chút nữa đã đuổi người thân đi rồi.

Mẹ nói: “Thiên Trì, con không phải là cô nhi sao? Vậy thì người thân ở đâu ra vậy?”

Thiên trì sợ mẹ, cúi gầm mặt xuống nói đó là họ hàng xa của anh, rất lâu đã không qua lại rồi, nhưng kết hôn là chuyện lớn, trong nhà ngay cả một người thân cũng không đến, trong lòng cảm thấy rất đáng tiếc, vậy nên…

Tôi dựa vào vai Thiên Trì, trách anh có người thân đến mà không nói sớm, chúng ta nên đặt cho họ một bàn, nếu đã là họ hàng thân thích thì không thể ngồi ở bàn dự bị được.

Thiên Trì ngăn lại, nói là cứ để họ ngồi ở đó đi, ngồi ở bàn khác họ ăn uống cũng không thấy thoải mái.

Mãi đến lúc mở tiệc, ông chú và bà thím cũng vẫn ngồi ở bàn đó.

Lúc mời rượu đi ngang qua bàn hai người ngồi, Thiên Trì do dự một hồi rồi vội kéo tôi đi ngang qua. Tôi ngoảnh đầu nhìn lại, thấy họ cúi mặt xuống đất, nghĩ ngợi một hồi, tôi kéo Thiên Trì trở lại: “Ông chú, bà thím, chúng con xin kính rượu hai người!”

Hai người ngẩng đầu lên, có phần ngạc nhiên nhìn chúng tôi.

Đầu tóc hai cụ đều đã bạc trắng hết cả, xem ra già nhất cũng đã bảy tám chục tuổi rồi, đôi mắt của thím rất sâu, mặt tuy đối diện với tôi nhưng ánh mắt cứ lờ đờ, chớp giật liên hồi.

Tôi lấy tay quơ qua quơ lại vô định trước mặt bà thím, không thấy có phản ứng gì, thì ra bà thím là một người mù.

“Ông………ông chú…. bà thím….., đây là vợ con Tiểu Khiết, bây giờ chúng con xin được kính rượu hai người!” Thiên Trì đang dùng giọng quê để nói chuyện với họ.

“Ờ…..ờ……”, ông chú nghiêng nghiêng ngả ngả đứng dậy, tay trái vịn vào vai của thím, còn tay phải run run nhấc ly rượu lên, lòng bàn tay đều là những vết chai màu vàng, giữa những khe móng tay dày cộm còn dính lại bùn đất màu đen.

Những tháng ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời khiến cho họ bị còng lưng quá sớm. Tôi kinh ngạc phát hiện rằng, chân phải của ông chú là một khoảng trống không.

Bà thím thì bị mù, ông chú thì bị què, sao lại trên đời lại có một đôi vợ chồng như thế?

“Đừng có đứng nữa, hai người hãy ngồi xuống đi”.

Tôi đi sang dùng tay dìu họ. Ông chú loạng choạng ngồi xuống, lúc ấy không hiểu tại sao bà thím lại nước mắt đầm đìa, chảy mãi không thôi, còn ông chú thì chẳng nói chẳng rằng lấy tay vỗ nhẹ vào lưng bà. Tôi thật muốn khuyên họ vài câu, nhưng Thiên Trì đã kéo tôi rời khỏi.

Tôi nói với Thiên Trì rằng: “Đợi đến khi họ về nhà hãy cho họ chút tiền đi, tội nghiệp quá. Hai người đều bị tàn tật cả, những tháng ngày sau này không biết ông bà phải sống thế nào đây”.

Thiên Trì gật gật đầu không có nói gì cả, chỉ ôm chặt lấy tôi.

Đêm trừ tịch đầu tiên sau ngày cưới.

Thiên Trì bảo rằng dạ dày bị đau nên không ăn cơm tối được, cứ thế đi về phòng ngủ. Tôi bảo mẹ hãy nấu chút cháo, rồi cũng theo vào phòng. Thiên Trì nằm trên giường, trong mắt vẫn còn đọng nước mắt.

Tôi bảo: “Thiên Trì không nên như vậy, đêm trừ tịch đầu năm mà không ăn cơm tối với cả nhà, lại còn chạy về phòng như thế nữa. Cứ như là cả nhà em bạc đãi anh vậy, cứ mỗi lần đến ngày lễ Tết đều bị đau dạ dày, sao lại có chuyện như vậy được? Thật ra em biết anh không phải là bị đau dạ dày, nói đi, rốt cuộc là có chuyện gì vậy?”

Thiên Trì rầu rĩ một hồi lâu, rồi nói: “Xin lỗi, chỉ là anh nhớ đến ông chú và bà thím, còn có ba mẹ đã mất của anh nữa. Anh sợ trong lúc ăn cơm không nhịn được, sẽ khiến cho ba mẹ không vui nên mới nói là bị đau dạ dày”.

Tôi ôm chầm lấy anh, nói: “Ngốc quá, nhớ họ thì khi đón Tết xong chúng ta sẽ cùng đi thăm họ là được rồi, hơn nữa em cũng rất muốn biết là hai người họ sống thế nào”.

Thiên Trì nói: “Thôi, đường núi đó rất khó đi. Em sẽ mệt, hãy đợi khi nào đường sá thông suốt, chúng ta khi đó chắc cũng đã có con cái rồi, lúc đó sẽ dẫn em đến đó thăm họ vậy”.

Trong lòng tôi rất muốn nói: “Đợi đến khi chúng ta có con rồi, chắc họ đã không còn nữa!”, nhưng không dám nói ra, chỉ nói hãy gửi chút tiền và đồ dùng cho họ vậy!

Giữa kì trung thu năm thứ hai

Tôi vừa khéo đang công tác ở bên ngoài, Tết Trung Thu ngày đó lại không về nhà được.

Tôi rất nhớ Thiên Trì và ba mẹ, nên liền gọi điện cho Thiên Trì "nấu cháo" điện thoại rất lâu.

Tôi hỏi Thiên Trì rằng những lúc nhớ tôi ngủ không được thì làm thế nào đây?

Thiên Trì bảo là lên mạng hoặc là xem ti vi, nếu như vẫn không được thì nằm ở đó, mở to mắt mà nhớ tôi vậy.

Buổi tối hôm đó, chúng tôi nói chuyện mãi đến khi điện thoại hết pin mới thôi.

Vốn dĩ muốn chọc ghẹo chồng một chút, thật không ngờ…

Nằm trên giường ngủ trong khách sạn, nhìn ánh trăng tròn bên ngoài cửa sổ, tôi làm thế nào cũng không ngủ được. Mở to đôi mắt mà nước mắt cứ chảy mãi không ngừng, tôi thật sự rất nhớ Thiên Trì, nhớ ba và mẹ.

Nghĩ rằng Thiên Trì chắc cũng không ngủ được, nói không chừng vẫn còn đang ở trên mạng.

Tôi liền bật dậy mở vi tính, tạo một cái nick mới tên là “lắng nghe lòng bạn”, để chọc ghẹo Thiên Trì một chút. Dò tìm một chút, quả nhiên Thiên Trì vẫn còn ở đó, tôi chủ động nhập nick của anh, anh chấp nhận.

Tôi hỏi anh: “Ngày Tết trung thu muôn nhà đoàn viên như thế này, sao anh vẫn còn dạo chơi trên mạng vậy?”

Anh trả lời: “Vì vợ tôi đang đi công tác bên ngoài, tôi nhớ cô ấy đến không ngủ được, vậy nên lên mạng xem thế nào”.

Tôi rất vừa ý với câu nói này.

Tôi lại gõ tiếp: “Vợ không có nhà, có thể tìm một người tình khác để thay thế mà, giống như nói chuyện trên mạng vậy nè, tâm sự để tự an ủi mình một chút”.

Một lúc lâu, anh ấy mới trả lời lại: “Nếu như cô muốn tìm người tình, vậy thì xin lỗi vậy, tôi không phải là người cô cần tìm, tạm biệt”.

“Xin lỗi, tôi không phải là có ý đó, anh đừng giận nha”, Pa….pa…pa…Tôi vội vàng gửi tin nhắn cho anh.

Một lát sau, anh ấy hỏi tôi: “Sao bạn lại dạo chơi trên mạng vậy?”

Tôi nói: “Tôi làm việc bên ngoài, bây giờ cảm thấy rất nhớ ba và mẹ. Lúc nãy cũng vừa mới nói chuyện với bạn trai xong, nhưng vẫn không ngủ được, liền lên mạng để giải trí một chút”.

“Tôi cũng rất nhớ ba và mẹ tôi, chỉ có điều là người thân đang ở bên ngoài, con muốn phụng dưỡng mà không được”.

“Người thân ở bên ngoài, con muốn phụng dưỡng mà không được. Nói vậy là sao?”

Tôi lặp lại câu này rồi gửi cho anh.

Tôi có chút khó hiểu, Thiên Trì sao lại nói những lời như thế?

“Bạn tên là ‘lắng nghe lòng bạn’, hôm nay tôi sẽ kể cho bạn nghe vậy. Có một vài chuyện mà để trong lòng quá lâu thế nào cũng sẽ sinh bệnh, đem nói ra chắc sẽ dễ chịu hơn một chút, dù sao đi nữa tôi và bạn cũng không biết gì nhau, bạn cứ xem như là nghe một câu chuyện vậy”.

Thế là, tôi tình cờ biết được câu chuyện mà Thiên Trì đã cất giấu trong lòng bấy lâu nay.

“30 năm trước, cha tôi lúc ấy đã gần 50 tuổi rồi mà vẫn chưa lấy được vợ, vì ông bị què cộng thêm gia cảnh nghèo khó nên không có cô gái nào muốn gả về gia đình ông. Về sau, trong làng có một ông lão ăn xin dẫn theo cô con gái bị mù. Ông già đó bị bệnh rất nặng, ba tôi thấy họ đáng thương liền bảo họ vào nhà nghỉ ngơi. Thật không ngờ vừa nằm xuống thì không dậy được nữa, sau này con gái của ông già đó, cũng chính là cô gái mù kia đã được gả cho ba tôi.

Hai năm sau thì sinh ra tôi.

Nhà chúng tôi sống rất kham khổ, nhưng trước sau tôi vẫn không hề đói bữa nào.

Ba mẹ không thể trồng trọt được, không có thu nhập, đành phải tách hạt bắp cho người ta, một ngày lột đến cả mười ngón tay đều sưng rộp lên chảy cả máu, ngày hôm sau liền quấn tấm vải rồi tách tiếp.


Vì để cho tôi được đi học, trong nhà ba mẹ nuôi ba con gà mái, hai con đẻ trứng bán lấy tiền, con còn lại đẻ trứng cho tôi ăn. Mẹ bảo rằng những lúc bà đi xin ăn ở trong thành phố, nghe nói những đứa trẻ trong thành đi học đều được ăn trứng gà, con nhà chúng ta cũng được ăn, sau này nhất định sẽ thông minh hơn cả những đứa trẻ khác trong thành.

Vậy mà trước sau họ đều không ăn, có lần tôi nhìn thấy mẹ sau khi đánh quả trứng vào nồi, bà đã dùng lưỡi liếm liếm những lòng trắng còn sót lại trong vỏ trứng, tôi liền ôm chầm lấy bà khóc sướt mướt. Dù nói thế nào, tôi cũng không chịu ăn trứng nữa, ba tôi sau khi biết được đầu đuôi câu chuyện, tức giận đến mức muốn dùng gậy đánh mẹ. Cuối cùng tôi đã thỏa hiệp, điều kiện tiên quyết chính là chia đều quả trứng đó để ba người chúng tôi cùng nhau ăn. Tuy họ đã đồng ý, nhưng mỗi lần cũng chỉ là dùng răng nhâm nhi một hai miếng cho có vậy thôi.

Những người trong thôn trước giờ đều không hề gọi tên tôi, mà đều gọi tôi là con của ông chồng què bà vợ mù. Ba mẹ chỉ cần nghe thấy có người gọi tôi như vậy, thì nhất định sẽ liều mạng với người đó.

Mẹ nhìn không thấy thì sẽ lấy miếng gạch mà ném loạn xạ cả lên, miệng chửi rằng: “Cái đồ trời đánh nhà chúng mày, chúng tôi tuy bị què bị mù, nhưng con chúng tôi bình thường lành lặn, nên không cho phép chúng mày gọi như thế. Sau này chúng mày sẽ chẳng có đứa nào bằng được con tao cả”.

Kì thi trung học năm đó, đứa con trai của vợ chồng què mù kia thi được giải nhất huyện, khiến cho họ thật sự được nở mày nở mặt một phen. Mọi người trong thị trấn đã chu cấp tất cả số tiền học phí thay nhà chúng tôi, ngày tiễn tôi đi lên thành phố học, ba tôi cũng lần đầu tiền bước ra khỏi làng vùng sâu vùng xa này.

Lúc lên xe, nước mắt tôi chảy mãi không dừng.

Ba một tay chống gậy, một tay lau nước mắt cho tôi.

“Vào thành phố rồi hãy cố gắng học hành, sau này sẽ tìm được việc làm và lấy vợ ở đó luôn. Người khác mà có hỏi đến ba mẹ con thì con hãy nói rằng con là trẻ mồ côi, không có ba mẹ, nếu không thì người khác sẽ xem thường con cho xem. Nhất là con sẽ không lấy được vợ, người ta sẽ chê bai con. Nếu làm lỡ việc lấy vợ của con thì ba cũng không còn mặt mũi nào để đi gặp tổ tiên nữa”.

“Ba!” - tôi bảo ông đừng nói nữa - “đây là những lời gì thế, chỉ có những kẻ không ra gì mời không chịu nhận ba mẹ thôi?”

Mẹ cũng nói: “Những lời này đều đúng cả đấy, con phải nghe mới được. Con có còn nhớ lúc còn ở trong trường hay không? Chỉ cần nói con là con cái của vợ chồng què mù trong làng, mọi người thì lập tức khinh thường chế giễu con ngay. Lúc mới bắt đầu, ngay cả thầy cô trong trường cũng không thích con. Sau này nếu con dẫn vợ thành phố về thì hãy nói chúng ta chính là ông chú và bà thím của con”.

Nói xong, bà vừa khóc vừa lau nước mắt.

Ba nó: “Tốt nhất là đừng có dẫn vợ về nhà, hễ dẫn về nhà, mẹ con lại không nhịn được, như vậy sẽ lộ tất cả thì nguy”.

Sau đó, ông liền dúi mười quả trứng gà đã luộc chín sẵn vào lòng tôi, rồi dẫn mẹ đi mất. Tôi đứng lặng nhìn theo hình bóng của họ, nước mắt chảy mãi không thôi.”

Nghe kể đến đây, khóe mắt tôi bỗng thấy cay cay, tàn tật không phải là lỗi của họ, đó chẳng qua chỉ là số mệnh buộc họ phải thế, nhưng họ đã sinh cho tôi một Thiên Trì hoàn mỹ.

Thiên Trì ngốc nghếch này, cha mẹ như thế này, thử hỏi còn có cha mẹ nào hoàn mỹ hơn thế nữa chứ.

Tôi rất tức giận, sao anh ấy lại xem thường tôi như thế?

“Vậy sau đó, anh liền nói với vợ anh rằng họ chính là ông chú và bà thím của anh sao?” Tôi gõ câu hỏi này rồi gửi cho anh.

“Vốn dĩ tôi không tin. Người vợ tôi tìm là tôi, chứ không phải ba mẹ, tại sao ngay cả ba mẹ cũng không thể nhận chứ?"

Vậy mà tôi ở bên ngoài mười năm, ba mẹ không hề đến trường thăm tôi dù chỉ một lần.

Năm đầu tiên làm việc, tôi muốn dẫn họ vào thành phố chơi, họ đều không chịu, nói rằng nếu chẳng may để cho người khác biết ba mẹ tôi là người tàn tật, họ sẽ bôi tro trát trấu lên mặt tôi, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc lấy vợ của tôi.

Người thân ở bên ngoài, con muốn tận hiếu mà không được. 

Cả đời họ đều ở trong vùng núi xa xôi mà không muốn ra ngoài.

Mẹ có nói rằng bà chính là từ thành thị đến đây, nhưng như vậy nào có ý nghĩa gì đâu.

Sau này, tôi đã quen một người bạn gái, khi tôi cho rằng thời cơ đã chín muồi rồi, liền dẫn cô ấy về thăm nhà một chuyến.

Nào có ngờ đâu, sau khi đến nhà, cô ấy ngay cả cơm còn chưa ăn một bữa liền bỏ đi ngay, tôi vội đuổi theo sau, cô ấy nói rằng, nếu phải sống với những người như thế, ngay cả một ngày cô ấy cũng không sống nổi. Còn nói gien nhà chúng tôi có vấn đề, con cái sau này nhất định cũng sẽ không được khỏe mạnh.

Nghe xong những lời này, tôi tức đến nỗi bảo cô ấy rằng đi được bao xa thì cứ đi. Về đến nhà, mẹ tôi đang khóc nức nở, còn ba thì luôn miệng trách mắng tôi. Bảo tôi không nghe những lời họ nói, không muốn đứt hương hỏa nhà chúng tôi.

Về sau, tôi đã quen bạn gái thứ hai, chính là vợ tôi bây giờ.

Tôi rất yêu cô ấy, ngay cả nằm mơ tôi cũng sợ mất cô ấy, nhà của cô ấy lại giàu có, họ hàng thân thích đều là những người có địa vị trong xã hội.

Đã có vết xe đổ lần trước rồi, tôi rất sợ, đành phải làm đứa con bất hiếu.

Nhưng mỗi lần đến ngày lễ Tết tôi đều nhớ đến họ, trong lòng như có tảng đá lớn đè lên, rất khó chịu.”

“Vậy anh trước giờ không nói cho vợ anh biết sao? Biết đâu cô ấy sẽ thông cảm chuyện này thì sao?”

“Tôi chưa từng nói, cũng không dám nói. Nếu như cô ấy chấp nhận, tôi nghĩ rằng mẹ vợ tôi cũng sẽ không chấp nhận. Tôi sống cùng với họ, ba vợ là người rất có tiếng tăm bên ngoài. Nếu như ba mẹ tôi đến rồi, không phải là bôi tro trát trấu vào mặt họ sao? Tôi cũng chỉ có thể tranh thủ những lúc ra ngoài công tác, học tập mà lén lén trở về thăm họ một lúc.
Cảm ơn bạn đã nghe tôi nói nhiều như vậy, bây giờ lòng tôi đã thấy nhẹ nhõm thoải mái hơn nhiều rồi”.

Sau khi tắt máy rồi, tôi vẫn không sao ngủ được.

Ai cũng bảo là con cái không chê mẹ xấu, chó không chê nhà nghèo, nhưng hãy nhìn xem chúng tôi đã làm gì đây?

Tôi hiểu được chỗ khó xử của Thiên Trì, cũng hiểu được nỗi khổ tâm của ba mẹ anh.

Nhưng họ lại không biết rằng cả hai đã đẩy người vô tội là tôi vào trong nghịch cảnh vô tình vô nghĩa.

Trời vừa sáng, tôi liền đến gõ cửa phòng ban giám đốc, nói với ông ấy rằng những sự việc còn lại xin ông toàn quyền xử lý, tôi có chuyện vô cùng quan trọng cần phải làm ngay, mọi chuyện giờ đều phải trông cậy vào ông ấy. Sau đó, tôi vội thu dọn ít đồ, rồi đi thẳng ra trạm xe lửa. Cũng may, tôi đã bắt được chuyến xe lửa đầu tiên.

Con đường núi đó quả thật là rất khó đi.

Vừa mới bắt đầu hai chân đã mỏi đến không còn chút sức lực nào nữa, về sau bàn chân sưng phồng cả lên, không thể nào đi tiếp được nữa.

Ngay lúc giữa trưa, trời lại nắng gắt, tôi đành phải ngồi nghỉ bên đường một lúc.

Nước uống mang theo trên người gần như sắp uống hết cả rồi, mà tôi cũng không biết phía sau còn bao nhiêu lộ trình phải đi nữa.

Cởi giày, bóp cho mụn nước dưới chân chảy ra, lúc đó đau đến nỗi tôi khóc bật thành tiếng, thật sự muốn gọi điện bảo Thiên Trì đến rước tôi về nhà, nhưng lại thôi tôi phải có chịu đựng. Tôi lấy tay tóm lấy một nắm hoa cỏ lau ở ven đường lót vào dưới chân, cảm thấy bàn chân thoải mái hơn nhiều.

Nghĩ đến ba mẹ của Thiên Trì, bây giờ vẫn còn làm việc vất vả ở nhà, bàn chân bỗng nhiên tràn trề sức lực, đứng thẳng dậy mà tiếp tục đi tiếp về phía trước. Khi trưởng thôn dẫn tôi đến trước cửa nhà của Thiên Trì, một vùng trời kia, ráng chiều đỏ rực đang chiếu lên cây táo lâu năm trước cửa nhà họ.

Dưới cây táo, ông chú của Thiên Trì, không phải, ba của Thiên Trì đang ngồi ở đó, nhìn ông còn già hơn nhiều so với lúc đám cưới. Tay đang bóc những hạt bắp, cây gậy lặng lẽ dựa vào cái chân tàn tật kia của ông.

Mẹ thì quỳ ở dưới đất chuẩn bị thu dọn số bắp đã phơi xong, bàn tay bà đang gom những hạt bắp lại thành đống.

Tựa một bức tranh, mà trong bức tranh ấy chính là người cha người mẹ hoàn mỹ nhất trên đời này.

Tôi từng bước từng bước đi về phía họ, ba vừa nhìn thấy tôi, quả bắp ông đang cầm trên tay liền rơi xuống đất, miệng há thật to, giật mình hỏi: “Con, sao con lại đến đây?”

Mẹ ở bên cạnh hỏi dò: “Ba nó à, ai đến vậy?”

“ Vợ… vợ của Thiên Trì”.

“Hả. Ở đâu?” - mẹ hoảng hốt dùng tay sờ soạng chung quanh để tìm về phía tôi.

Tôi khom lưng đặt hành lí xuống đất, sau đó dùng tay nắm chặt tay bà, quỳ mọp xuống đất, nghẹn ngào nói với ba mẹ rằng: “Ba! Mẹ! Con đến đón ba mẹ về nhà đây!”

Ba ho vài tiếng, nước mắt chảy dài khắp gương mặt chi chít nếp nhăn.

“Tôi đã nói rồi mà, thằng con của chúng ta không hề nuôi vô ích!”

Còn mẹ thì ôm chầm lấy tôi, từng hàng từng hàng nước mắt từ trong hốc mắt của bà chảy xuống cổ tôi.

Khi tôi dẫn ba mẹ đi, mọi người trong làng đều đốt pháo hoan hô.

Tôi một lần nữa lại thấy tự hào vì ba mẹ.

Khi Thiên Trì mở cửa ra, nhìn thấy ba và mẹ đứng ở bên trái bên phải tôi, không khỏi lấy làm kinh ngạc, người anh ngây như khúc gỗ, không nói một lời nào.

Tôi nói: “Thiên Trì, em chính là người đã đọc câu chuyện của anh đó, em đã đón ba mẹ chúng ta về rồi này. Ba mẹ hoàn mỹ như thế, sao anh lại nỡ để cho họ ở trong vùng núi xa xôi hẻo lánh được chứ?”

Thiên Trì khóc không thành tiếng, ôm chặt lấy tôi, hai hàng nước mắt lăn dài xuống cổ tôi giống như mẹ anh vậy.

Ba và mẹ, hai từ ngữ thần thánh, thiêng liêng bao quát hết thảy tình yêu trên thế gian này, thật đáng để cho chúng ta dùng cả đời để gọi.

(Tiểu Thiện, dịch từ cmoney.tw)
Theo Cuộc Sống Tình Yêu và Tiếng Cười
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Vượt Qua Mất Mát Thương Đau



Mất mát, thương đau là một sự thật ở đời không ai tránh khỏi. Nếu có thể tránh được, có rất nhiều người trong chúng ta mong muốn điều này. Thế nhưng, nếu bình tâm nhìn vào những gì cuộc sống năng động này đang diễn ra trong ta và quanh ta, chúng ta phải chấp nhận mất mát là một sự thật hiển nhiên, một phần của cuộc sống, gắn liền với thân phận mỗi con người. Vấn đề là chúng ta đương đầu và vượt qua chướng ngại này như thế nào. Mất mát để lại trong lòng một khoảng trống tưởng chừng không thể san lấp được. Mất mát tạo tâm lý hụt hẫng, vì tưởng thức về sự hiện diện, đầy đủ đã tạo một thói quen trong tâm lý. Do vậy, thiếu thốn có khi được cường điệu đến mức lớn hơn thực tế rất nhiều, nhất là đối với người mà làm chủ cảm xúc chưa được tốt. Để có thể lập lại thế cân bằng mới, ta cần làm chủ cảm xúc của mình, giữ tâm xả. Nghĩa là trong tình huống hụt hẫng ấy, cần phải giữ tâm an tịnh, trầm tĩnh, vững chãi, không để có cảm tính làm chủ và chi phối tâm mình.

Khi chúng ta làm chủ được tâm mình tạm thời trong một thời điểm nào đó, đừng vội nghĩ rằng mình có khả năng tạo được tâm an tịnh, định tĩnh ấy mãi mãi. Đừng quá phấn khích vì điều này và nhất là đừng sanh tâm tự hào, tự mãn với bước đầu điều phục tâm ý mà ta vừa làm được vì ta thành công trong lúc này có thể lại thất bại trong lúc khác. Nếu chủ quan, tự mãn thì lại càng nguy hiểm hơn. 

Ngược lại, nếu chúng ta đã nỗ lực nhiều để vượt qua cảm giác thương đau này nhưng có quá nhiều chướng ngại trên đường chúng ta đi và ta có cảm giác như mình không có đủ năng lượng để về đến đích, đừng vì vậy mà nản tâm thối chí. Cái mất đi có thể là một người thân trong gia đình, một đồ vật quý, một địa vị, một danh vọng hay một mối quan hệ đẹp mà ta muốn duy trì. Trong tâm lý hụt hẫng đó, chúng ta cần thấy rõ bản chất của các sự vật hiện tượng. Mất mát là một trạng thái tan rã, không hòa hợp của các duyên. Các duyên bên ngoài không phải là bất di bất dịch. Chúng sẽ thay đổi và các duyên tương tác với nhau để tái tạo, và kết hợp theo một mô thức khác, một dạng tồn tại khác. “Mất” thật ra là một sự thay đổi, chuyển hóa mà thôi. “Mất” mà không mất, nhưng ta cảm thấy khổ vì sự thay đổi, chuyển hóa này thường là không theo ý muốn của mình. Do đó, khổ là vấn đề của tâm. Cần phải duy trì tâm xả trong mọi tình huống để chúng ta không quá khổ đau với cảm giác mất mát vừa trải qua. Khi có được tâm xả, hoàn cảnh, tình huống, ngoại duyên không chi phối tâm ta và nhờ đó, nguồn tâm được an tịnh, có sức mạnh và sáng suốt vô cùng.

Giữ tâm xả không có nghĩa là ỳ ra, hay thụ động. Chúng ta vẫn cứ phải chu toàn những bổn phận, tránh nhiệm ở đời, mà không để cảm xúc buồn nản do mất mát gây ra chế ngự và làm chủ cảm xúc của mình. Trạng thái mất căng bằng do sự mất mát tạo ra sẽ sớm được điều chỉnh và tái tạo một thế cân bằng mới nếu ta có thái độ sống tích cực. Cuộc sống còn nhiều điều khác có khả năng bù đắp cái chúng ta vừa mất đi… 

Trước sự vơi đầy của lòng người, mặn nhạt của nhân tình thế thái, thăng trầm của cuộc sống, nếu ta giữ được tâm dao động trong một biên độ nhỏ và rèn luyện cho biên độ dao động cảm xúc ấy giảm dần, tâm ta được ổn định trong an tịnh. Đây là lúc tâm xả được thực hành một các hiệu quả nhất. Thực hành hạnh xả ly, không vướng mắc, hãy nhìn vạn pháp theo gió cuốn đi để lòng thanh thản nhẹ nhàng!

Posted by Hằng Như at 4:19 PM
Labels: Cuộc sống
Sưu tầm: Hoa Nghiêm

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Một Chữ Duyên


Từng đối mặt ngàn ngày sao chẳng nhớ
Chỉ một lần gặp gỡ khó mà quên!
- Tình cảm con người chính là một chữ Duyên 
Biển đời rộng, riêng một người ta thấy.

Nỗi khổ, niềm vui dẫn nhau sang từ đấy
Từ độ mắt nhìn mà sóng dậy hồn ai.
Giọng nói câu cười.. nếu phớt bỏ ngoài tai.
Lòng trong vắt.. giọt mưa trôi trên lá.

Đâu ai bắt trói ta vào kẻ lạ ?
Đường thênh thang sao chọn ngã nhiêu khê!
Khó mà quên, vì trót lỡ '' mang về ''
Một chữ Nhớ quyện đời vào duyên nghiệp.

Vòng luẩn quẩn.. từ khi chàng có thiếp
Đợt sóng lan dần, viên sỏi chạm hồ thu.
Ôi trần tâm khởi động cuốn xa mù
Duyên và Nghiệp một đồng xu hai mặt.

Nhớ rồi Tưởng bởi cái nhìn, con mắt
''Sắc cứ là hình sắc'', có hề chi?
Mưa đâu làm trói buột bước chân đi
Thì gặp gỡ, thì chia ly, ai khổ?

Trong chữ Duyên vốn tiềm tàng chữ Nợ
Chữ sum vầy chôn nức nở chia xa.
Nhớ tìm quên, quên tìm nhớ, sa đà..
Đành xuôi ngược cõi Ta bà vô tận.

- Nào ai biết trở về làm mây trắng
Kiếp nhàn vân xa vắng nẻo vòng quanh...


Thích Tánh Tuệ
Theo Đạo Phật Ngày Nay
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Cội Nguồn Hạnh Phúc


Đạt Lai Lạt Ma

Quan niệm thông thường của con người về tình thương và từ bi là sự liên hệ tuỳ thuộc vào người này là vợ tôi, người kia là chồng tôi, con tôi, và bà con bạn bè thân thích của tôi. Với thiên kiến như vậy, chúng ta chỉ thích yêu thương và bảo vệ những gì thuộc của riêng mình mà bỏ quên trách nhiệm và bổn phận đối với tha nhân.

Trong khi bản chất của vạn vật là luôn đổi thay nên tình cảm vì thế cũng dễ dàng biến đổi. Chẳng hạn một người bạn thân lúc nào cũng làm vui lòng ta thì mọi việc đều tốt đẹp. Nhưng một ngày nào đó có điều gì nghịch ý trái lòng xảy ra, thì người mà ta xem như là bạn thân ngày hôm qua lại có thể trở thành kẻ thù đáng ghét nhất. Trong đời sống vợ chồng cũng vậy, nếu chúng ta yêu thích một người vì sự hấp dẫn của bề ngoài giả tạo, thì theo thời gian, tình cảm mà ta dành cho người đó cũng sẽ phai tàn. Mặc dù cũng vẫn là con người đó nhưng khi họ mất đi sự quyến rũ thì hoàn cảnh cũng sẽ đổi thay.

Hơn nữa, con người chúng ta có thói quen khi thấy người nghèo khổ, tàn tật thì đem lòng thương xót. Nhưng khi thấy người giàu có hoặc danh thơm tiếng tốt hơn mình thì đem lòng ganh tị và cạnh tranh cùng họ.

Những cảm xúc thiên lệch này làm cho chúng ta không còn khả năng nhìn thấy sự bình đẳng giống nhau giữa người ta và người. điều này trái với lòng từ bi chân thật vì nếu là từ bi thì dù cho bề ngoài của người đó có thay đổi ra sao, tình cảm của ta dành cho người đó vẫn không bị biến đổi. Cũng như vậy, các cảm xúc tiêu cực khiến chúng ta quên rằng tất cả mọi người dù giàu hay nghèo, thân hoặc không thân, họ cũng có cùng mong ứơc là được hạnh phúc và sợ đau khổ như chúng ta. Vì thế, chúng ta cần phải thanh lọc chính mình để có thể thoát khỏi nahr hưởng của cảm xúc thiên lệch này.

Bản chất của các phảm chất như tình thương, nhẫn nại, khoan dung và tha thứ là cội nguồn dẫn dắt chúng ta đi đến hạnh phúc. Như vậy, khi ta càng từ bi với kẻ khác thì chính ta là người thừa hưởng được nhiều hạnh phúc hơn.

Nhiều người cho rằng khi quan tâm, chia sẻ nỗi khổ đau của người khác, coi chừng ta sẽ mang lại sầu khổ cho chính mình. Nếu chỉ nhìn ở một góc cạnh nào đó, điều đó có thể đúng. Nhưng có điều khác biệt giữa nỗi khổ của riêng ta và kinh nghiệm khổ đau khi chia sẻ cùng tha nhân vì với lòng từ bi tự nó sẽ cho ta một thứ kinh nghiệm tràn đầy tình thương ấm áp, nhờ vậy mà nỗi khổ sẽ giảm đi rất nhiều. Chắc chắn sẽ có nhiều trở ngại trên con đường phục vụ mang lại lợi ích và an vui cho tha nhân. Vì vậy, chính bản thân tôi cũng phải tranh đấu để có đủ khả năng đặt hạnh phúc của kẻ khác ngang hàng với hạnh phúc của chính mình. Đôi khi trải qua kinh nghiệm về sự đau khổ cũng là điều hữu ích. Khi chúng ta gặp đau khổ, nó nhắc nhở cho chúng ta về sức chịu đựng của người khác và khơi dậy trong lòng chúng ta sự cảm thông cùng tha nhân. Như vậy khổ đau cũng là một kinh nghiệm cần thiết trong đời sống để con người có thể học hỏi từ đó về bài học của tình thương và lòng từ bi. Chẳng hạn khi gặp phải nghịch cảnh có thể đưa đẩy chúng ta đi tới hận thù và phiền não, chúng ta có thể chuyển hoá chúng thành bao dung và tha thứ để phát triển tâm linh của chính mình.

Nếu là một Phật tử trên con đường tu tập, chúng ta phải luôn tự nhắc nhở mình về bổn phận phục vụ cho toàn thể chúng sanh chứ không phải chỉ dành riêng cho người thân của mình, trong đó có sự phục vụ dành cho những con người kém may mắn và khổ đau nhất. Đồng thời chúng ta cũng ý thức được trách nhiệm không tạo nên sự bất hòa và chia rẽ giữa người này và người khác cũng như sự bát hòa giữa các cộng đồng là thành viên của gia đình nhân loại.

Một điểm quan trọng nữa để bảo tồn cho sự cộng sinh hòa bình là thái độ tri túc và biết dừng lại kịp thời. Vì bản chất của sự tham lam là nguồn cội phát sinh đố kỵ và tranh chấp. Không khí của đố kỵ và tranh chấp làm nhiễm ô tâm thức của chúng ta và mang đến đau khổ cho mọi người sống trong cộng đồng. Bản chất của tham lam là muốn chiếm hữu và không bao giờ cảm thấy hài lòng, thỏa mãn. Chẳng hạn như một người nắm tất cả quyền lực và guồng máy kinh tế của một quốc gia trong tay, nhưng vì lòng tham lại tìm cách xâm chiếm nền kinh tế và thậm chí đất nước của người khác. Do đó, cải thiện tâm thức và tôn trọng luân lý cũng là trách nhiệm của chúng ta.

Đề cập đến trách nhiệm của chúng ta ở mức độ toàn cầu, tôi muốn nói đến sự chân thật và thiếu chân thật trong mối tương quan giữa con người với nhau. Đôi khi bề ngoài của chúng ta có vẻ như rất hòa hợp với nhau, song sự thật thì không. Chúng ta nên biết rằng khi chúng ta giả dạng những thứ này trong khi nội tâm chúng ta lại là thứ khác. Sự thiếu chân thật này là nguyên nhân khiến cho mọi người nghi ngờ, sợ hãi và tránh né. Ngược lại nếu chúng ta sống chân thật, chúng ta sẽ giảm thiểu được nghi ngờ và hiểu lầm cho cá nhân hoặc cộng đồng. Như vậy, chúng ta cũng đóng góp được phần nào khả năng của mình trong việc tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho người.

Mặc dù rất khó khăn trong việc mang lại hòa bình và hoà hợp chân thật như chúng ta mong ước, song với nền tảng của tình thương và tâm từ bi cộng với trách nhiệm của chúng đối với tất cả mọi người, tôi tin là chúng ta có nhiều hy vọng để xây dựng một nền hòa bình và an vui cho nhân loại trong tương lai.

Nguyên tác: His Holiness Dalai Lama
Dịch Việt: Bảo Hoàn
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Dịch Thơ Ngộ Đạo Thi 悟道詩 - Mỗ Ni


Ngộ Đạo Thi - Mỗ Ni - Đời Tống

悟道詩

尽 日 尋 春 不 見 春,
芒 鞋 踏 破 嶺 頭 雲;
歸 來偶 把 梅 花 嗅,
春 在 枝 頭 已 十 分。

Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân
Mang hài đạp phá lãnh đầu vân
Quy lai ngẫu bả mai hoa khứu
Xuân tại chi đầu dĩ thập phần

Dịch Xuôi: Thơ Ngộ Đạo

Suốt ngày kiếm xuân không thấy
Giầy gai tìm khắp đỉnh non mây
Quay trở lại nhà bỗng ngửi thấy mùi hoa thơm
Thì ra Xuân đang cười với ai trên cành mai nở rộ ở ngoài đầu ngõ

Dịch Thơ

Kiếm mãi cả ngày không thấy bóng
Giầy gai dẫm nát đỉnh non mây
Quay về đầu ngõ hương ngào ngạt
Xuân đến nào hay mai nở đầy 


Phạm Khắc Trí
***

Quên Đi góp ý câu cuối:
- Xuân tại chi đầu dĩ thập phần: Xuân hiện ở đầu cành đầu đủ mười phần.

Quên Đi xin góp bài Dịch:

Thơ Ngộ Đạo

Nào thấy xuân đâu kiếm cả ngày
Non mây lên đỉnh rách giày đay
Khi về chợt ngửi hương mai toả
Xuân sẵn đầu cành trọn vẹn thay


Quên Đi
***
Đạo Đây Rồi Nên Thơ


Xuân đâu chẳng thấy kiếm hoài ngày,
Đi khắp, giày gai, đỉnh núi mây...
Quay lại mùi hoa thơm nức mũi,
Xuân về trước ngõ nở mai đầy...

Mai Xuân Thanh
Ngày 01 tháng 04 năm 2016
***
Tìm Xuân

Suốt cả ngày dài chẳng thấy đâu
Tìm xuân dẫm nát mảnh non đầu
Quay về chốn cũ mùi hương ngát
Cổng rực trời hoa vạn sắc màu


Nguyễn Đắc Thắng

***
Ngộ Đạo Thi

Suốt ngày tìm kiếm xuân nào thấy
Khắp đỉnh non mây nhẵn gót giầy
Trở lại chợt hương mai tỏa ngát
Đầu cành hẳn rộ ý xuân đầy


Kim Phượng

***
Ngộ Đạo Thi

Suốt ngày vất vã tầm xuân
Giầy gai dẫm cả cõi trần non mây
Quay về đầu ngõ hương vây
Thực tại mai rộ ngất ngây xuân lòng.

Kim Oanh


Theo longhovinhlong.blogspot.com

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

"Ngộ Đạo Thi"



“Trọn suốt ngày tìm chẳng thấy Xuân.
Giày gai đạp nát đỉnh mây ngần”.

Tâm trạng người tầm đạo cũng thế, buổi đầu thường hâm hở, đi học chỗ này, hỏi chỗ kia, tìm kiếm chỗ nọ, thấy chỗ nào có linh có nghiệm thì liền tới. Họ chạy theo phong trào tu học như chạy theo thời trang, cho rằng pháp môn này cao siêu hơn lối tu kia. Thầy kia thuyết pháp hay hơn thầy nọ, đuổi bắt ngôn từ chữ nghĩa, cố chấp theo kiến giải của mình. Mặc dù mình có Tâm Bồ đề, có Tánh Phật, có thể thành Phật, có kiến thức về giáo điển, giải thông về Phật pháp, nhưng cũng phải nhờ thiện hữu tri thức khai thị mới được Tâm thông nhận ra Chân lý...

BÀI THƠ NGỘ ĐẠO (悟道詩)

Vào thuở thịnh Đường, Lục tổ Huệ Năng ( 慧 能 638-713 ) sau khi đắc pháp với Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ( 弘忍) và được truyền Y bát, nghe theo lời dạy của sư phụ phải ở ẩn một thời gian rồi sau mới ứng cơ giáo hóa. Ngài được Ngũ tổ đưa đến bến Cửu giang rồi chèo đò qua sông đi về phương nam, đến thôn Tào Hầu (曹候村), phủ Thiều Châu (韶州府) nương náu trong một am tranh.

Lưu Chí Lược 刘志略 là một nhà Nho chưa biết ngài kế thừa Tổ vị, thấy ngài tu khổ hạnh khiêm cung, bèn hết lòng hộ trì. Ông có một người cô ruột là Thiền ni Vô Tận Tạng (無盡藏比丘尼) không rõ ngày sanh, chỉ biết bà mất vào năm 676 sau TL. Lúc ấy Lục tổ 38 tuổi.

Ni sư người Khúc Giang, họ Lưu, xuất gia tu ở chùa Sơn Giản ( 山涧寺) gần thôn Tào Hầu. Về sau Ni sư làm vị đứng đầu Tỳ-khưu Ni ở Nam Hoa Thiền Tự (南华禅寺). Hằng ngày Ni sư thường tụng kinh Niết Bàn nhưng chưa rõ yếu nghĩa, bèn đem Kinh này hỏi Lục tổ Huệ Năng để nhờ ngài khai thị. Ni Sư cầm quyển kinh hỏi chữ. Tổ bảo không biết chữ nhưng cứ hỏi nghĩa, Tổ sẽ giải thích cho. Ni Sư nói: "Chữ còn chẳng biết, làm sao hiểu được nghĩa" Tổ nói: "Diệu lý của chư Phật chẳng quan hệ gì với văn tự". Nghe qua lời này, Ni Sư vô cùng kinh ngạc và báo cho mọi người trong thôn rõ: "Đây là bậc liễu Đạo, chúng ta nên trân trọng cung thỉnh cúng dường".

Một hôm Ni sư lên núi dạo cảnh Xuân về, với đôi hài bện bằng dây gai lội khắp đầu non có mây ngàn giăng phủ, để tìm mùa Xuân mà Ni sư cho rằng một cái gì đó rất đẹp, rất thơ, rất lý tưởng cho cuộc sống tu sĩ của mình. Nhưng đi suốt cả ngày tìm hoài chẳng thấy cái gì là Ý Xuân chân thật. Khi quay gót trở về, đôi hài đã rách nát, chợt nhìn thấy cành mai trên đầu Ni sư đang nở hoa thơm ngát, Ni sư nhận ra đầy cảnh Xuân trọn vẹn ngay nơi tâm mình, đâu cần phải ngao du sơn thủy mới thưởng thức được hương vị mùa Xuân. Lúc ấy Ni sư liền cảm tác một bài thơ “Mai Hoa” được cho là “Ngộ Đạo Thi” như sau:

終 日 尋 春 不 見 春,
芒 鞋 踏 破 嶺 頭 雲;
歸 來偶 把 梅 花 嗅,
春 在 枝 頭 已 十 分。

Chung nhật tầm Xuân bất kiến Xuân.
Mang hài đạp phá lãnh đầu vân.
Quy lai ngẫu bả mai hoa khứu.
Xuân tại chi đầu dĩ thập phân.

Trọn suốt ngày tìm chẳng thấy Xuân.
Giày gai đạp nát đỉnh mây ngần.
Trở về bỗng thấy hương mai rộ.
Rõ thật đầu cành trọn Ý Xuân.

Bài thơ này chúng tôi sưu tầm trên các trang mạng tiếng Hoa có nhiều lối sao chép thấy âm vận chữ nghĩa có phần khác biệt đôi chút:

Cận nhật tầm Xuân bất kiến Xuân. Mang hài đạp biến lũng đầu vân.
Quy lai tiếu niêm mai hoa khứu. Xuân tại chi đầu dĩ thập phân.

Cánh nhật tầm Xuân bất kiến Xuân. Mang hài đạp phá lãnh đầu vân.
Quy lai thủ bả mai hoa khứu. Xuân tại chi đầu dĩ thập phân.

Tận nhật tầm Xuân bất kiến Xuân. Mang hài đạp biến lãnh đầu vân.
Quy lai thủ bả mai hoa khứu. Xuân tại chi đầu dĩ thập phân.

Cánh nhật tầm Xuân bất kiến Xuân. Mang hài đạp phá lãnh đầu vân.
Quy lai thủ bả mai hoa khứu. Chi đầu Xuân ý dĩ thập phân.

Tận nhật tầm Xuân bất kiến Xuân. Mang hài đạp biến lãnh đầu vân.
Quy lai ngẫu bả mai hoa khứu. Xuân tại chi đầu dĩ thập phân.

Mặc dù có sự khác biệt, nhưng nội dung của bài thơ không ngoài yếu nghĩa chỉ cho chúng ta lối về Đại Đạo (phản vọng quy chơn).

Trong cuộc sống con người liên quan đến vũ trụ vận hành cứ trôi và trôi mãi, vô biên vô tận. Người ta bắt con tàu thời gian phải dừng lại một bến nào đó gọi là Xuân, Hạ, Thu, Đông. Rồi mỗi độ Xuân về, họ lại đón mừng rôm rả, hoặc thích du lịch đó đây để tìm kiếm, thưởng ngoạn mùa Xuân ở những nơi danh lam thắng cảnh hữu tình. Họ biểu lộ nét hân hoan, tươi mới của núi non hùng vĩ. Hoặc sông hồ, mây nước thênh thang, qua những ngày vui tạm bợ trong không khí dương Xuân ngắn ngủi. Hoặc hưởng thụ những bữa tiệc, rượu thịt ê hề của những sinh vật bị giết mổ trong những tiếng kêu than hận hờn ai oán. Hoặc mải miết ham vui trăng gió bị cảnh cuốn lôi, không tự chủ được nên dễ sanh tâm loạn động tình trần. Khi Xuân qua rồi họ cũng buồn vui theo ngoại cảnh, lặn hụp giữa cuộc sống đời thường, bon chen trong vòng tục lụy. Họ chỉ thấy có mùa Xuân sanh diệt vô thường, có đến, có đi; có đưa, có đón; có mừng, có tiễn. Chứ nào ai biết: “Lá rơi là để cho cành trổ hoa.”

Trong quy luật tự nhiên của đất trời, trải qua quá trình sanh-trụ-dị-diệt hoặc thành-trụ-hoại-không. Đối với thời tiết phân định Xuân sanh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàng. Con người cũng theo chu kỳ sanh-lão-bệnh-tử không ai tránh khỏi. Nếu chúng ta được tuần tự sanh rồi già, già rồi bệnh, bệnh rồi chết, như thế cũng đã là hạnh phúc lắm rồi, nhưng có biết bao người đâu dễ được vậy?

Có một phú ông đến xin Hòa thượng Tiên Nhai chữ viết để mừng thọ vào đầu Xuân. Ngài hạ bút: Ông chết, cha chết, con chết, cháu chết, chắt chết. Phú ông xem qua không mấy hài lòng: – Trời! Tôi nhờ ngài viết chúc thọ, mong được phước lành mừng Xuân, sao lại đùa giỡn như thế?

Hòa thượng từ tốn bảo: – Chữ tôi viết có ý nghĩa tốt lắm đó. Giả như con trai ông chết trước ông, chắc là ông đau khổ hết sức. Và nếu cháu nội ông chết trước con ông, thì ông và con ông cũng rất đau lòng. Nếu như nhà ông đời nào cũng chết có thứ tự như chữ tôi viết. Đó gọi là hưởng tận tuổi trời, mới thực sự hưng vượng.

Phú ông đổi buồn thành vui liền nói: – À! Có lý.
Thói thường ở đời, khi sanh ra thì người vui, nên họ tổ chức ăn mừng sinh nhựt. Chết thì người buồn sợ, làm lễ tang ma, khóc kể thảm thiết. Khi cúng giỗ chạp gọi là kỵ. Song, sanh tử là quy luật tự nhiên. Nếu ai ai cũng hưởng tận tuổi trời theo thứ tự không phải là phước đức lớn sao?
Với năm mới, chúng ta thường chúc mừng cho nhau có thêm một tuổi, như câu đối của người xưa để lại:

Thiên tăng tuế nguyệt, nhơn tăng thọ.
Xuân đáo càn khôn, phúc đáo gia.

“Trời tăng năm tháng, người tăng thọ.
Xuân đến nhân gian, phước đến nhà”.

Điều đó chỉ là sự ước mơ và tham muốn của con người cầu mong được sống lâu và hưởng phước. Nhưng phước hay thọ đâu phải từ trời ban? Mà do chính con người biết ăn ngay ở lành, biết tu nhân tích đức, biết gieo nhân để hái quả. Tuy nhiên trong cảnh giới vô thường, duyên sanh như huyển, không gì bền vững lâu dài. Ông bà ta đã từng nhắc nhở: “Mỗi năm mỗi tuổi, như đuổi Xuân đi,” thì đâu có gì giữ mãi nét thanh xuân duyên dáng, hồn nhiên, thơ mộng như thuở ban đầu.
Đại sư Thiên Tùng (千松大師 1531—1588) thế danh Minh Đắc, hiệu Nguyệt Đình, Tổ đời thứ 28, Tông Thiên thai ( 天台 宗) từng bảo:

今 朝 盡 道 添 一 歲。
吾 道 如 今 減 一 年

Kim triêu tận đạo thiêm nhứt tuế.
Ngô đạo như kim giảm nhứt niên

Sáng nay người bảo thêm một tuổi.
Tôi nói ngày này bớt một năm.

Quả thật như vậy, tình yêu nào rồi cũng ra đi và niềm hy vọng nào rồi cũng tan theo bọt nước. Nhưng người ta vẫn phải yêu và vẫn phải hy vọng, vì đó là lẽ sống của con người. Vì thế con người sống trong hoài vọng và khái niệm nhiều hơn là nhận rõ sự thật. Đâu phải mỗi Tết đến là được thêm một tuổi. Nào ngờ từng sát na sanh diệt, từng bước thời gian tiến dần về hố thẳm tiêu vong! Họ cứ loanh quanh cho đời thêm mõi mệt. Không có phút giây im lặng chịu lắng dừng để nghe tiếng thở bên trong buồng phổi và nhịp đập con tim đang nhảy múa suy cạn yếu dần. Do đó, không thể là cách thưởng Xuân trọn vẹn.

Trở lại Bài Thơ Ngộ Đạo, Ni sư Vô Tận Tạng muốn nhắn nhủ chúng ta đi tìm Xuân chẳng khác gì đi tìm Đạo:

“Trọn suốt ngày tìm chẳng thấy Xuân.
Giày gai đạp nát đỉnh mây ngần”.

Tâm trạng người tầm đạo cũng thế, buổi đầu thường hâm hở, đi học chỗ này, hỏi chỗ kia, tìm kiếm chỗ nọ, thấy chỗ nào có linh có nghiệm thì liền tới. Họ chạy theo phong trào tu học như chạy theo thời trang, cho rằng pháp môn này cao siêu hơn lối tu kia. Thầy kia thuyết pháp hay hơn thầy nọ, đuổi bắt ngôn từ chữ nghĩa, cố chấp theo kiến giải của mình. Mặc dù mình có Tâm Bồ đề, có Tánh Phật, có thể thành Phật, có kiến thức về giáo điển, giải thông về Phật pháp, nhưng cũng phải nhờ thiện hữu tri thức khai thị mới đượcTâm thông nhận ra Chân lý.

Nhưng Chân lý là tự trải nghiệm từ tâm mình. Có trải nghiệm chúng ta mới thấu rõ các pháp vốn Như thị. Ngoài tâm không có Phật, không có Pháp, không có mùa Xuân, không có tất cả. Nếu mỗi người chúng ta đều biết dừng lại để trải nghiệm đôi chút về ý nghĩa thực tại của mùa Xuân là gì? Hoặc tự hỏi, Ai tạo ra mùa Xuân? Xuân từ đâu tới? Xuân lại về đâu? Phải biết bốn mùa vận hành thay đổi là do duyên sanh của vạn vật đất trời. Trong sanh có diệt, trong diệt có sanh. Sanh rồi lại diệt, diệt rồi lại sanh. Kiếp sống con người khi trẻ, lúc già là do duyên khởi của tấm thân tứ đại giả hợp, có sống phải có chết; có tươi nhuận phải héo tàn. Nhưng trong thân sanh tử này vốn có Vô vị Chân nhân, là Ông chủ không sanh không diệt, cho dù muôn duyên biến đổi, vạn kiếp vô thường, chẳng có gì làm ta sợ hãi lo âu.

Do vậy, Ni sư nhắc cho chúng ta biết Đạo, cầu Đạo không ở nơi non cao hay rừng thẳm, cũng không phải là chỗ phố chợ rộn ràng. Đạo là Pháp thân chân thật, là Tánh thể thường nhiên có sẵn nơi mỗi người chúng ta; ở thánh không thêm, nơi phàm chẳng bớt. Chớ nhọc công hướng ngoại tìm cầu, hãy quay về chính mình thì nhận ra ngay.

“Trở về bỗng thấy hương mai rộ.
Rõ thật đầu cành trọn ý Xuân.”

Hương mai là cây mơ đã trỗ hoa trắng tỏa hương thơm ngát vào mùa Xuân. Ý nói Tâm Bồ đề đã thuần thục sáng rỡ thơm hương Tuệ giác, như cây mơ đúng thời tiết nở hoa vậy. Câu này cũng đồng nghĩa với hai câu cuối trong bài Cáo Tật Thị Chúng của Thiền sư Mãn Giác đời Lý:

Mạc vị Xuân tàn, hoa lạc tận.
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

“Chớ bảo Xuân qua hoa rụng hết,
Ngoài sân đêm trước nở cành mai”.

Chớ bảo xuân qua hoa rụng hết là Pháp tánh thường nhiên.
Ngoài sân đêm trước nở cành mai là Pháp thân thường tại.

Trong Thiền sử Việt Nam có câu chuyện sau đây khá thú vị:
Nhân ngày đầu Xuân, vua Lý Nhân Tông vào núi vãn cảnh, gặp Thiền sư Thiền lão bèn hỏi:
–Hòa thượng năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
Sư đáp:

–Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu !

“Chỉ biết hiện tại thôi,
Năm trước nào ai nhớ!”

Sở dĩ ngài trả lời như thế là vì thiền sư đâu có sống với tâm hoài niệm về quá khứ, hoặc mơ ước ở tương lai, ngài sống ngày nay chỉ biết có ngày nay. Sống với ngày nay đó là sống với tâm sáng suốt và lặng lẽ tại đây và bây giờ, gọi là hằng tỉnh, hằng giác. Nói theo kinh Kim Cang là: “Nên sanh tâm không vướng mắc”(Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm).
Nhà vua hỏi tiếp: Hòa thượng ở đây làm gì?
Ngài trả lời:

–Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh.
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.

“Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh.
Trăng trong mây bạc hiện toàn chân”.

Với tâm Thiền sư, mùa Đông có trúc xanh, mùa Xuân có hoa vàng, mùa Hạ có trăng trong, mùa Thu có mây bạc, không phải là ngoại cảnh phân biệt tiền trần, mà tất cả đều hiển lộ Xuân chân thường trong tánh thể bản nhiên thực tại. Đó mới gọi là Xuân bất sanh, bất diệt trong tâm mỗi người chúng ta được thể hiện qua Bài Thơ Ngộ Đạo này.

Thích Giác Nguyên
Theo Thư Viện Hoa Sen
Đăng bởi Cội Nguồn
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

12 Loài Hoa Đẹp ở Nhật


Mùa Xuân

1/ Sakura – ( 桜 ) Anh Đào





Sakura loài hoa nổi tiếng ở Nhật Bản. Hoa Sakura có 3 màu là màu trắng, hồng và đỏ.Người Nhật yêu thích Sakura tại Ohanami – thành phố có lễ hội hoa anh đào vào mùa xuân. Sakura có nghĩa “vẻ đẹp trái tim” hay sự “trọn vẹn”.

2/ Tsubaki (椿) Sơn Trà — mùa xuân

Sơn trà Nhật Bản (つばき, Tsubaki) là một loài thực vật nổi tiếng thuộc chi Trà. Sơn trà Nhật Bản còn được biết đến dưới tên gọi “hoa hồng mùa đông”. Tên tiếng Anh của hoa được đặt theo tên của Joseph Camellus, một tu sĩ từ Moravia vùng Trung bộ Tiệp Khắc đã du hành qua Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản là những xứ sở quê hương của loài hoa này. Tên tiếng Nhật là TSUBAKI.






Tsubaki đỏ tượng trưng cho “tình yêu hoàn hảo”, đối với những màu sắc khác như trắng, vàng thì hoa mang ý nghĩa “thận trọng”, “khiêm tốn” hay “vĩnh cửu”.

3/ Sumire (紫) Violet — mùa xuân



Sumire đại diện cho “sự chân thành”, “yêu thương” và “niềm hạnh phúc nhỏ”

4/ Momo (モモ) — mùa xuân



6/ Sakurasou (桜草) — mùa xuân



Mùa Hè
7. Asagao (朝顔) — mùa hè




7/ Hoa Chi Anh ( Shiba Zakura)


Hoa Chi Anh là một loại hoa chỉ có ở đất nước mặt trời mọc,theo tiếng Nhật là “ Shiba Zakura “ một loại cây thuộc loại thảo, cây chỉ cao từ 20-30 cm. Hoa có màu tím hơi giống hoa anh đào , tím viền trắng, hoa màu tím đỏ hay trắng, 5 cánh đơn. Hoa Chi Anh được trông nhiều nhất ở khu du lịch Hitsuji vùng Chichibu tỉnh Saitama . Hoa Chi Anh thường nở rộ vào tháng 5 tháng 6 với sắc màu rực rõ ,bừng sáng dưới ánh nắng mặt trời .

Mùa Thu

8. Kiku (菊) ( Hoa Cúc )— mùa thu

Giống như hoa Anh đào, hoa Cúc là biểu tượng quốc gia của Nhật Bản


9. Kinmokusei (金木犀) Hoa Mộc — mùa thu


Hoa Mộc có màu trắng, vàng nhạt, vàng hoặc vàng cam, với hương thơm rất đậm.

10. Kosumosu (コスモス) Hoa Cosmos (hoa sao nháy, hoa cúc sao nháy). — mùa thu


Ý nghĩa trong tiếng Nhật:

– Cosmos đỏ: biểu trưng cho tình yêu, sự hoà hợp
「愛情」「調和」

– Cosmos trắng: vẻ đẹp hoàn mỹ
「優美」

– Cosmos hồng (pink): sự trinh bạch, thuần khiết
「純潔」


Mùa Đông

11. Ume (梅) — Hoa mơ Nhật Bản— mùa đông



Hình dáng của loài hoa này giống với hoa đào của Việt Nam, đối với người Nhật thì loại hoa này tượng trưng cho “tao nhã”, “chung thủy.

Hoa Tháng 4 -5
12/ Hoa Tử Đằng (hoa Fuji, hoa Wisteria hay hoa Đậu tía) 

Được mệnh danh là loại “hoa tình yêu bất diệt” của đất nước Nhật Bản vì những dòng suối hoa tím rưc rỡ nở vào giữa tháng 4 đầu tháng 5 mang lại những cảm xúc bất tận cho người chiêm ngưỡng.






Ngô Khôn Trí
Theo BANMAIHONG'SBLOG
Sưu tầm: Giới Nghiêm

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Tuyển Tập Thư Thầy Số 38 - 39




[Thư số38]


Ngày ..... tháng ..... năm .....

Các con NT, HT và NT,

Th.T vào cùng với thư của sư thúc và thư NT giúp Thầy biết thêm một số nét về tình hình Huyền Không.

Các con ạ, Huyền Không thuở xưa đẹp như một bức tranh, đẹp nhất là tình huynh đệ. Ðối với Thầy, huynh đệ, đệ tử là anh em con cái một nhà, thương yêu còn hơn ruột thịt.

Thuở ấy, Huyền Không chỉ là một am tranh trên núi Hải Vân. Mùa xuân mây và bông lau trắng xóa cả bầu trời, mùa hạ với những buổi hoàng hôn muôn màu muôn sắc. Cứ mỗi lần đứng nghe sóng vỗ hay lặng ngắm mây chiều Thầy có một ý tưởng kỳ lạ là xem Huyền Không như chính sự bao la của đất trời:

Huyền Không! Huyền Không
Xin gọi tên người
Cỏ cây rêu đá
Muôn loài vô danh

Tình yêu thương thật sự là cái gì bao la vô tận, như khi ta ngồi một mình lắng nghe tiếng mưa rơi rì rào trên lá với một sự im lặng hoàn toàn, không còn có ta nữa, chỉ có mưa rơi, tình yêu và vẻ đẹp.

Con người tiêu phí thời giờ quá nhiều cho bản ngã, cho tài - tình - danh - lợi với những đấu tranh, những mánh khóe, những lọc lừa, những chiếm đoạt... để rồi kiệt sức và chết đi với bao niềm khổ hận.

Sự sống vốn bao la, phong phú và ngập tràn chân phúc, nhưng con người chẳng mấy ai biết sống. Họ càng bành trướng bản ngã lại càng tự buộc mình, họ muốn giành sự sống nhưng thật ra đã chết trong ngục tù của chính họ, họ càng muốn giàu sang lại càng nghèo khó, muốn mua chút hư danh chỉ để chuốc lấy tiếng cười... đó là mặt thật của cuộc đời.

Có ai bỗng quên mình đi hay chết đi trong giây phút để bắt gặp sự sống tuyệt vời với tất cả tình yêu và vẻ đẹp của nó? Có ai bước những bước đi thầm lặng giữa chợ búa ồn ào, để nghe trong sâu thẳm tiếng thì thầm của im lặng, tiếng nói của sự sống đích thực mà con người đã giết chết từ lâu!

Thầy có thói quen là hay ngồi chết hoặc ngồi quên mình đi, lúc đó lạ thay sự sống lại tràn ngập với tất cả sự sáng suốt, định tĩnh và trong lành, với tất cả hạnh phúc, tình yêu và vẻ đẹp. Lúc đó một hạt bụi, một giọt mưa, một cọng cỏ..... đều mang đầy hạnh phúc, tình yêu và vẻ đẹp đời đời của sự sống.

Hồi Thầy ở trong tù, có những lúc Thầy nằm nhìn lên trần nhà đan đầy sắt và thép gai, nhìn thật im lặng thì thép gai chỉ là thép gai, thép gai đâu có ác ý gì, nó vẫn nằm đó như chính sự hiện hữu của nó, cũng đầy sự sống, tình yêu và vẻ đẹp. Và sự sống ở nơi Thầy cũng vậy, hoàn toàn tự do và hạnh phúc, không một ngục tù nào nhốt được.

Nhưng con người lại tự ý cô lập, đóng khung, rào hàng rào kiên cố bằng chính tham vọng của mình mà cứ tưởng rằng mình đang đi tìm hạnh phúc "Tôi sẽ có hạnh phúc", "Tôi phải có hạnh phúc" hoặc "Tôi sắp có hạnh phúc", "Chỉ cần có thêm 1 triệu đồng nữa là tôi có hạnh phúc ngay".

Thế còn bây giờ? Dĩ nhiên bây giờ là đau khổ, nếu không, họ đi tìm cái bóng hạnh phúc để làm gì? Bây giờ mà sống được là nhờ hy vọng..., hy vọng ngày mai sẽ trúng một mánh nào đó... thế là hạnh phúc! Nhưng William Faulkner nói rằng: "Con người là tổng số của những nỗi bất hạnh. Bạn có thể hy vọng nỗi bất hạnh một ngày kia sẽ vơi đi, nhưng lúc đó chính thời gian trở thành nỗi bất hạnh của bạn".

Hạnh phúc, hy vọng, thời gian đều là những ảo tưởng đưa đến bất hạnh. Ðó chính là ảo ảnh bịnh hoạn hay là hoang tưởng của những kẻ khổ đau đầy khát vọng...

Hạnh phúc thật sự không ở nơi cái với tay tìm kiếm, mà ở nơi chỗ không kiếm tìm. Hạnh phúc, tình yêu và vẻ đẹp tràn ngập nơi mỗi bước đi, trong từng hơi thở, trong ánh nắng ban mai, trong cơn mưa mùa hạ... sao lại phải kiếm tìm trong tài, sắc, lợi, danh?

Dĩ nhiên trong cuộc sống nhiều lúc ta phải tranh đấu để có miếng ăn, nhưng tranh đấu không phải là tranh giành, thủ đoạn, mánh khóe mà chỉ là sự siêng năng cần mẫn để chịu đựng những thua thiệt, những khó khăn, đòi hỏi phải có lòng kiên nhẫn và bao dung .

Sự tranh đấu ấy thực ra là tranh đấu với chính mình để thắng điều ác trong khi sống giữa cuộc đời, tương giao với những người đầy tham vọng trong vô minh ái dục. Sự tương giao này không ít thì nhiều có mang lại những điều phiền toái, đó chính là pháp thế gian không sao tránh được. Nhưng nếu các con nhận ra được nguồn chân hạnh phúc nơi chính mình thì tất cả những phiền toái ấy chỉ là... như gió thoảng qua.

Các con ạ, đừng quan tâm đến chuyện thị phi, hãy để hết năng lực lắng nghe sự sống nơi chính mình, nó đang muốn thì thầm với các con điều gì đó, nó muốn tiết lộ một kho tàng bất tận đang chìm sâu dưới đáy hỗn mang của tâm thức, của thương - ghét - mừng - giận - vui - buồn, của tính toan mơ ước, của hoài vọng mưu cầu, của dằn vặt thao thức, của cắn rứt ăn ăn v.v... Ngay trong chính khổ đau ai biết lắng nghe cho đến tận cùng thì ở đó, hạnh phúc, tình yêu, và vẻ đẹp vẫn cứ đơm hoa kết trái.

Thà là những người lao đầu đi tìm danh vọng, họ khổ cho cam... Chúng ta không làm như vậy thì cũng đừng dại gì phiền não với những ngu dại của họ mà vô tình đánh mất nguồn hạnh phúc đang dâng tràn bất tuyệt bên trong.

Hãy biết lắng nghe, hạnh phúc ở nơi chính các con, không phải ở tương lai mà cũng không phải ở thiên đàng, không ai ban cho và cũng chẳng cần tìm kiếm. Nó đang tràn ngập mọi nơi, các con có thấy không?

Chúc các con thật sự hạnh phúc.

Thầy


[Thư số 39]


Ngày ........ tháng ........ năm ........

C.K,

Thầy nhận được thư con sau một thời gian khá lâu nên rất mừng. H.C từ lâu cũng chẳng viết thư cho Thầy. L.T thì thỉnh thoảng có thư nhưng viết cho L.V. Có lẽ cái thời“Thư Thầy” đã qua nên thư trò cũng vắng. Điều đó chứng tỏ các con đều đã trưởng thành và có thể đi bằng đôi chân của mình. Tuy Đạo Phật cùng chung một cứu cánh nhưng phương tiện thì tùy ở mỗi người. Tuy Thầy trò chúng ta có chung một hướng nhưng lập hạnh thì chẳng thể giống nhau.

Không phải xuất gia tốt hơn hay tại gia tốt hơn, không phải ở trong tu viện hay ở ngoài đời mới đúng. Cái đó tùy người, tùy căn cơ, tùy duyên mệnh. Bài học giác ngộ không ở trong chùa cũng không phải ở ngoài phố, mà ở nơi tâm của mỗi người, hay nói một cách khác là ở ngay nơi sự sống đang diễn ra. Không phải ở đâu mà sự sống lớn hơn hay nhỏ hơn, chỉ có người nhận chân sự sống ấy ở mức độ nào mà thôi, phải vậy không con?

Người tu sĩ tự mãn với lối sống của mình, người tại gia hãnh diện với đời sống của họ. Nhưng chính đó là bản ngã, là bề ngoài của sự sống. Còn chính sự sống thâm sâu uyên áo thì sao? người tọa thiền hãnh diện với thiền định của mình, người trì chú tự mãn với mãnh lực của họ, nhưng đó cũng chính là bản ngã, là cái bên - ngoài - vay - mượn, còn cái gì là tự tánh chân thật chẳng đến, chẳng đi, chẳng định, chẳng loạn?

Nói thế nhưng ai hợp với tọa thiền cứ tọa thiền, ai hợp với trì chú cứ trì chú, ai thích xuất gia cứ xuất gia, ai thích tại gia cứ tại gia v.v... Vì có vậy mới“dĩ quan kỳ kiếu”,phải không con?

Thầy chúc con và Jim thành tựu con đường của các con trong hạnh lợi mình lợi người.

Thân ái chào con.

Thầy.

Trích Theo Tuyển tập Thư Thầy
Thiền Sư Viên Minh
Sưu tầm: Hanh Nghiêm



Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Kỷ Lục Của Một Bậc Thầy



Con người dễ khiếp sợ và trở nên nhỏ nhoi, co rúm trước những hình tượng vĩ đại. Sự hân thưởng cái vĩ đại có khi chỉ là mặt trái của lòng tự ti, yếu đuối và tùng phục, chưa hẳn là niềm tin hay ngưỡng vọng đối với điều toàn thiện, toàn mỹ.

Ngọn đồi không cao nhưng diện tích khá rộng. Nếu đi bộ một vòng quanh chân đồi, cũng mất gần một ngày. Cây cối trên đồi đã được đốn hạ trụi lủi từ năm năm trước để tiến hành công trình xây dựng ngôi chùa, đạt kỷ lục là có chánh điện rộng lớn nhất nước; bên cạnh đó, lại thêm một kỷ lục là có tượng Phật tọa thiền vĩ đại nhất châu lục. Thế nên, khi công trình xây dựng hoàn tất, nhìn từ xa, chỉ thấy ngôi chùa nguy nga với mái ngói xanh đỏ và tượng Phật to lớn thếp vàng nhũ lóng lánh, nổi bật giữa trời mây, không còn thấy ngọn đồi.

Ngoài chánh điện, nơi đây còn có nhiều tòa nhà rộng lớn, bao gồm tiền sảnh, hậu sảnh, tăng xá, tàng kinh các, bảo tàng viện, tăng quán, v.v… với ngói lợp nhập cảng và cột kèo chạm trổ tinh vi, tiếp nối liền lạc nhau tạo nên một quần thể kiến trúc qui mô, chiếm hết diện tích ngọn đồi, từ chân lên đỉnh, từ mặt trước đến mặt sau.

Trên đỉnh đồi, phía tây của chánh điện, sư phụ cho dựng một căn nhà rường bằng gỗ, hình lục lăng, không vách, đặt tên là Không Phong Các. Gió lồng lộng suốt ngày đêm. Sư phụ thường ngồi uống trà một mình nơi đó. Thỉnh thoảng mới có khách phương xa đến, xin được bái kiến vị tăng sĩ nổi danh chế tác nhiều kỷ lục không ai làm nổi.

Sư phụ chỉ có một đệ tử xuất gia, đã theo chân sư phụ từ lúc còn niên thiếu. Trước, cũng có nhiều đệ tử khác xin thọ pháp với sư phụ nhưng đã lần lượt hoàn tục hoặc rời bỏ thầy để cầu học với minh sư khác. Còn lại người đệ tử hữu duyên này, nay đã là một vị tỳ-kheo xấp xỉ tuổi ba mươi. Từ khi sư phụ dấn thân vào việc xây dựng cơ sở, nay tỉnh này, mai tỉnh nọ, thầy trò ít có cơ hội ngồi với nhau để dùng bữa hay đàm đạo. Liên tục nhiều năm, sư phụ thường đi tham sát, đốc thúc các công trình xây dựng, trong khi đệ tử thì đóng cửa nghiên cứu kinh điển, tham thiền nhập định. Sư phụ đi đến tỉnh nào, đệ tử khệ nệ mang kinh sách theo đó; chưa một lần bắt tay vào việc của sư phụ, mà sư phụ cũng chưa bao giờ yêu cầu đệ tử tiếp giúp. Việc thầy thầy làm, việc trò trò làm; người lo xây dựng bên ngoài, người lo xây dựng bên trong.

Hôm nay sư phụ muốn vời đệ tử ra ngoài đàm đạo. Cửa phòng đệ tử đóng kín, bên trong im lặng như tờ. Sư phụ gõ cửa ba tiếng không thấy trả lời, đành để lại một mẩu giấy nhỏ rồi một mình ra ngồi nơi Không Phong Các, chờ đợi. Nửa giờ đồng hồ sau mới thấy đệ tử xuất hiện.

“Thầy gọi con có việc?” đệ tử cung kính thưa.

Sư phụ không nói, chỉ tay nơi một ghế trống, bảo đệ tử ngồi. Đệ tử không dám ngồi, vẫn cung kính đứng một bên, chờ sư phụ dạy bảo.

“Con vào thiền bao năm đã tìm thấy gì rồi?” sư phụ hỏi với nụ cười nhẹ.

“Thưa, vẫn nơi ấy, không tăng không giảm.”

“Nghĩa là cứ lẩn quẩn một chỗ hay sao?”

“Thưa, chỉ là không rơi vào chỗ nào ạ,” đệ tử minh xác.

Sư phụ trầm ngâm một lúc, nói:

“Tri không đủ, phải hành con ạ. Thầy đã dấn thân thực hiện nhiều phật-sự ở khắp các tỉnh thành, dù miệt mài trong nhiều năm qua vẫn cảm thấy là chưa thỏa nguyện. Vì không muốn làm gián đoạn công phu và ý nguyện của con, thầy cứ một mình gánh hết mọi việc. Nay thầy đã già, cảm thấy sức lực không kham nổi những công trình lớn. Những ngày qua, sau khi hai kỷ lục vĩ đại cuối cùng được hoàn thành nơi đây, thầy nghĩ là tạm đủ. Thầy muốn tịnh dưỡng. Nhưng cũng nhờ ngồi nơi đỉnh đồi này nhiều ngày, thầy bất ngờ nghĩ ra một công trình vĩ đại hơn tất cả những công trình mà trước đây đã làm. Ôi, thật thú vị, thật kỳ diệu thay!...”

Đệ tử liền lên tiếng, cắt ngang hứng cảm của sư phụ:

“Thưa thầy, con nghĩ thầy nên nghỉ ngơi. Một mình thầy đã tạo nên 9 kỷ lục không ai làm nổi. Nay thầy cũng bắt đầu già yếu, thầy nên tịnh dưỡng, không cần phải tạo thêm kỷ lục nào nữa.”

Sư phụ chưng hửng một thoáng, rồi nói, giọng hơi gắt:

“Ta nói chưa hết ý mà!”

Thầy-trò im lặng một khoảng lâu. Sư phụ tằng hắng, nói:

“Như đã nói khi nãy, thầy muốn tịnh dưỡng. Nhưng sáng kiến thực hiện kỷ lục vô tiền khoáng hậu này, nhất định không thể bỏ qua, mà nên làm cho bằng được. Kỷ lục này, thầy đặt lên vai con đấy!”

“Ồ, thầy muốn con… thay thầy thực hiện kỷ lục.. thứ mười à? Thưa thầy, con… sao làm nổi…, con đâu biết bắt đầu từ đâu… biết làm gì bây giờ!” đệ tử lúng búng nói trong họng.

Thầy nghiêm giọng, nói như trách móc, cũng vừa khích lệ:

“Con đóng cửa hai mươi năm qua để dồi mài kinh điển, tìm gì, thấy gì vậy hả? Pháp Phật không phải chỉ nằm trong những cuốn kinh, những bài thi kệ! Năm xưa ta cũng như con, từ tịnh thất bước vào dòng đời, hai bàn tay không, kinh nghiệm không có, biết gì mà làm! Cứ dấn thân đi vào, sẽ tự tìm thấy con đường, tự biết việc gì phải làm. Những kiến thức nào con đạt được từ kinh sách, chỉ có thể tự soi cho chính con, chứ soi sáng gì được cho thế gian? Không lẽ cứ ngồi trong thư phòng mà nhai đi nhai lại những sở văn, sở kiến! Hãy dũng mãnh dấn thân, mà cái dũng đầu tiên của thiền sư là bước ra khỏi tháp ngà nhàn tịnh an vui của mình.”

Sư phụ ngưng, xoay qua cái bàn nhỏ, với lấy bình nước sôi; đệ tử vội đỡ lấy bình, tay run run chế nước vào ấm trà mới thay. Hương trà ướp sen xông lên một thoáng rồi theo gió cuốn đi. Đệ tử rón rén ngồi xuống chiếc ghế trống khi nãy sư phụ cho phép ngồi; châm trà vào chung. Hai thầy trò im lặng hồi lâu. Một toán du khách ăn mặc lịch sự, ồn ào bước ngang Không Phong Các; thấy hai thầy trò đang ngồi im lìm tư lự, họ lập tức ra dấu với nhau, xuống giọng, không huyên náo nữa, chắp tay xá dài rồi đi thẳng về hướng đông, khu vực chánh điện.

Chờ không khí chung quanh yên lắng rồi, sư phụ nhấp ngụm trà, tiếp tục dạy đệ tử:

“Thế gian này không gì còn mãi, nhưng trong tương đối, có những cái tồn tại rất dài lâu, mà một đời người không sao mục kích hoặc cảm nhận được sự biến đổi trong chúng. Như mặt trời, mặt trăng, như tảng núi kia… bao nhiêu triệu năm qua, vẫn như thế, có ai thấy được chúng đã đổi thay thế nào. Chưa kịp thấy sự biến hoại của chúng là đã trở thành người thiên cổ rồi. Vì vậy, thầy tạo nên 9 kỷ lục thì cũng có lý do: thầy muốn gây ấn tượng thật mạnh vào tâm thức của người tham quan, chiêm bái; đồng thời cũng muốn những kỷ lục này, tuy là vật chất hữu hình hữu hoại, sẽ ở lại thật lâu với đời, ít ra cũng vài trăm cho đến cả nghìn năm. Mấy trăm năm không so gì được với tuổi của thiên địa nhật nguyệt, nhưng dù gì cũng khiến cho hàng triệu người của bao thế hệ thành tâm lễ bái, hoặc chắp tay cung kính, hoặc cúi đầu ngưỡng mộ, thậm chí chỉ chiêm quan vì tò mò, thị hiếu… cũng gieo được duyên lành với Phật. Con hiểu ý chỉ của thầy rồi chứ?”

“Dạ, con hiểu,” đệ tử nhỏ giọng thưa.

“Hai mươi năm qua, thầy chưa một lần yêu cầu con làm việc gì trọng đại. Nay đã đến lúc thầy cậy đến con, mà con cũng nên xem đây như việc của con, đừng miễn cưỡng nhận đó như là việc thầy giao phó. Con hãy rời khỏi thiền sàng, dấn thân vào trần gian khổ lụy, vận dụng trí tuệ nội quán mà phát khởi lòng từ đối với chúng sinh. Con chỉ có thể chứng nghiệm được niết-bàn ngay nơi cuộc đời khổ đau tận cùng này mà thôi.”

Người học trò run bấn cả người, đứng dậy rời khỏi ghế, có vẻ như muốn quỳ xuống, hoặc đảnh lễ sư phụ, nhưng sư phụ đã nhanh nhẹn cầm lấy tay đệ tử, nâng dậy, đẩy đệ tử trở lại chỗ ngồi. Đệ tử chắp tay, nói lắp bắp, giọng đầy cảm xúc:

“Thưa thầy… con xin tâm lĩnh lời dạy của thầy… Xin cho con biết con nên bắt đầu từ đâu, và khi nào.”

Sư phụ không vội trả lời; tầm mắt phóng đến tận chân trời phía tây, nơi dãy núi Người Nằm mờ ảo ẩn hiện trong sương chiều. Một lúc, sư phụ chậm rãi nói:

“Chúng ta đã có quả chuông lớn nhất, tượng Phật trì bình cao nhất, ngôi chùa có nhiều tượng Phật nhất, Phật khổ hạnh bằng đồng nặng nhất, tháp chín tầng cao nhất, tượng Phật bằng đá hoa cương lớn nhất, tượng Phật bằng ngọc lớn nhất, chánh điện rộng lớn nhất, và tượng Phật tọa thiền lớn nhất…”

Sư phụ nói ngang đó thì ngưng; mắt không rời dãy núi Người Nằm. Đệ tử dõi theo mắt sư phụ, vẫn chưa đoán nổi kỷ lục thứ mười của sư phụ là gì. Thầy trò chìm trong im lặng. Bất chợt, sư phụ lại lên tiếng:

“Có ít nhất là hai lý do thầy muốn con thay thầy thực hiện kỷ lục cuối cùng này. Thứ nhất, thầy đã bắt đầu yếu, không thể đi xa, không thể đảm đương công trình lớn và dài hạn; thứ hai, thầy không muốn con hóa thành gỗ đá trong thiền phòng. Con hãy nhìn xem, dãy núi kia, rõ ràng là dáng một người nằm nghiêng bên phải, chiều dài non hai cây số, chiều cao khoảng năm trăm thước. Thầy muốn biến cả dãy núi ấy thành tượng Phật nhập diệt vĩ đại nhất thế giới! Chúng ta phải làm được, nhất định phải làm được!”

Đệ tử thất kinh, mặt mày xanh mét, nói lắp bắp:

“Thưa thầy, sao mà làm nổi! Con không thể… Công trình này to tát quá… con e sức con…”

“Con sẽ làm được. Thầy tin con làm được,” sư phụ quả quyết.

Đệ tử ngồi im, mặt cúi xuống, hai bàn tay đan nhau đặt trên bàn, run lẩy bẩy. Sư phụ nhìn đệ tử, thương xót, khích lệ:

“Hai mươi năm trước, việc này đối với thầy là một thách thức kỳ thú, nhất định thầy phải thực hiện cho bằng được. Con đừng tự ti, chùn lòng trước những việc lớn. Thực ra chẳng có đại sự gì ở đời này mà người xuất gia chúng ta không làm nổi. Chỉ là muốn làm, quyết tâm làm hay không mà thôi. Lìa tất cả vọng chấp, thoát ly sinh tử mới là đại sự; còn những phật-sự hữu hình hữu tướng này, có đáng sá gì mà con phải khiếp hãi!”

Đệ tử bàng hoàng như vừa tỉnh mộng, đứng bật dậy, sụp lạy sư phụ một lạy, rồi quỳ chắp tay, kính cẩn thưa:

“Con xin vâng lĩnh ý chỉ của thầy. Con xin nhận.”

Sư phụ gật gù hài lòng; đỡ đệ tử dậy, ôn tồn nói:

“Thầy đã bàn thảo với những người cọng sự của thầy từ tuần trước. Nhóm kiến trúc sư ước tính kinh phí cho toàn công trình là khoảng 80 nghìn lượng vàng, sử dụng khoảng 100 nhân công thường trực, chính thức, làm việc ngày tám giờ, ròng rã trong 10 năm thì có thể hoàn tất. Nhóm người trong hội của thầy sẽ trình bày chi tiết từng giai đoạn của công trình dài hạn này. Nhóm này sẽ theo con đến hiện trường, gồm có 4 kiến trúc sư, 4 kỹ sư xây dựng, 4 bác sĩ và y tá, 5 võ sĩ bảo vệ, 5 đốc công điều hành, 7 người đảm trách thủ quỹ và vận động tài chánh, 8 người lo hậu cần. Khi nào con sẵn sàng, họ sẽ cùng con lên đường. Phần thầy, sẽ nhập thất dài hạn cho đến khi con hoàn tất công trình trở về.”

Đệ tử vẫn còn phân vân, rụt rè hỏi:

“80 nghìn lượng vàng, quá lớn, làm sao mà có?”

“Đừng lo con à. Con không biết là 9 kỷ lục trước đây, kỷ lục nào cũng phải tốn vài chục nghìn lượng vàng hay sao! Thầy làm việc nào cũng đều có các đại thí chủ ở khắp các tỉnh cúng dường, ủng hộ cả. Sau thành công của mỗi kỷ lục, họ đều mong muốn được tiếp tục đóng góp. Còn có những phú thương đến tìm thầy, xin được cúng dường hàng trăm, hàng nghìn lượng vàng để dành sẵn trong quỹ để dùng đến khi hữu sự. Những người này đã tỏ ý hối tiếc vì không biết trước công trình thầy làm, và dặn khi nào thực hiện công trình mới, hãy cho họ cơ hội đóng góp, kinh phí lớn bao nhiêu họ cũng không ngại. Nói để con yên lòng, trong quỹ của hội hiện nay không đủ con số 80 nghìn lượng vàng, nhưng cũng xấp xỉ gần bằng con số ấy. Thầy chỉ cần thông báo với các đại thí chủ ở các tỉnh là họ cấp tốc chuyển vàng cúng dường ngay; không chừng tịnh tài đóng góp còn vượt khỏi số kinh phí cần đến nữa kìa!”


*

Thiền sư xuống núi. Một túi vải đơn sơ với y áo và dăm cuốn kinh đã lật nhăn cả giấy. Từ đỉnh đồi cao, quay nhìn ngôi chùa đồ sộ nguy nga lồng lộng dưới ánh triêu dương; ngước nhìn tượng Phật kỳ vĩ vàng chóa, vươn lên giữa bầu trời mây trắng; rồi nhìn về dãy núi xa, xanh thẫm, nổi bật ở phương tây.

Nhóm người của hội đang trên xe, chờ đợi dưới chân đồi.

Thiền sư nhìn hai bàn tay trắng của mình, tự hỏi: đâu là chỗ diệu dụng của bồ tát hạnh? Rồi nhìn xuống hai chân với đôi giầy mới sư phụ vừa trao đêm trước: đâu là khởi điểm của bồ-tát đạo?

Rời khỏi ngôi đại tự, từ cao xuống thấp, lững thững bước từng bậc cấp đi vào cuộc đời.

Những người hành khất ăn mặc rách nát, ngồi dọc hai bên đường, ngửa tay xin. Những người tàn tật nằm lết trên đất. Những đứa trẻ mặt mày nhem nhuốc, tay chân dơ bẩn, níu lấy vạt áo thiền sư:

“Thầy ơi, chúng con đói lắm, thầy cho chúng con tiền mua cơm…”

“Ơ… thầy không có tiền,” thiền sư lúng túng, “các con vô trong chùa, nhà bếp sẽ cho cơm ăn nhé!”

“Không có đâu thầy ơi,” lũ trẻ nhao nhao lên, “chúng con chưa bao giờ vào được cổng thì làm sao đến được nhà bếp!”

Thiền sư đứng lại, sững sờ, nhìn bầy trẻ, nhìn những hành khất cha mẹ chúng, rồi quay nhìn về cổng tam quan đồ sộ kiên cố. Thực vậy sao? Những người đói khổ này chưa bao giờ bước vào được cánh cổng kia, chưa bao giờ đặt chân lên thềm ngôi chánh điện nổi tiếng rộng lớn nhất nước? Phải rồi, ăn mặc rách rưới, đầu tóc rối bù, chân không giầy giép… thì làm sao mấy người gác cổng cho phép họ vào bên trong ngôi chùa lộng lẫy nguy nga, vườn hoa muôn sắc đẹp đẽ, sân trước sân sau lát đá hoa bóng loáng…

“Đi, mọi người đi theo thầy, thầy dắt vào trong bếp kiếm cơm,” thiền sư vừa nói, vừa đưa tay mời gọi.

“Không dám thầy ơi, chúng con không vào đâu, đến cổng cũng bị chặn lại, mà thầy có dẫn vô được bên trong chúng con cũng bị mấy bác ở bếp đuổi ra thôi… chúng con sợ lắm, không dám đâu,” đứa trẻ lớn nhất nói; rồi một đứa khác tiếp lời, “nhà bếp đã dặn không được vào đó, nếu không nghe lời sẽ vĩnh viễn không cho ăn nữa.”

Đưa họ vào bếp xin cơm không xong, mà cho họ tiền thì không có. Thiền sư bao năm ẩn tích trong thiền phòng, mọi việc trong chùa đều có sư phụ và các tín chủ lo, nên không có nhu cầu mua sắm vật dụng, chưa bao giờ giữ tiền trong túi. Thiền sư biết ở trong các xe đậu dưới chân núi, những người trong hội đang giữ một số vàng kếch xù, để thực hiện một dự án rất lớn, nhưng một ít đồng bạc lẻ để chia sẻ cho những người đói khổ thì không có.

Thiền sư chẳng biết nói gì, làm gì, cứ đứng sững nơi đó. Đoàn tùy tùng dưới chân đồi ngóng cổ chờ đợi. Những kẻ đói nghèo ngước mắt trông mong. Mặt trời lên cao, trồi khỏi mái chùa và nằm ngay sau tâm điểm của hình tượng pháp luân trên nóc chánh điện, khiến biểu tượng này như tự tỏa chiếu vầng hào quang sáng ngời. Nắng mai cũng rực rỡ trải ánh vàng trên khắp ngọn đồi và làng mạc gần xa; lấp lánh trên mặt sông tĩnh lặng, và soi rọi những nét mặt sầu não của những người hành khất nằm ngồi la liệt hai bên đường.

Con người dễ khiếp sợ và trở nên nhỏ nhoi, co rúm trước những hình tượng vĩ đại. Sự hân thưởng cái vĩ đại có khi chỉ là mặt trái của lòng tự ti, yếu đuối và tùng phục, chưa hẳn là niềm tin hay ngưỡng vọng đối với điều toàn thiện, toàn mỹ.

Những kiến trúc hoành tráng cao sang, thường khi không dính nhập gì đến nỗi thống khổ của con người, mà còn là sự trêu ngươi, dìm đẩy những kẻ khốn cùng xuống tận đáy vực của niềm tuyệt vọng.

Kẻ giàu có thường thích làm những gì to lớn, để lại danh thơm, không quan tâm những điều nhỏ nhặt; trong khi những điều nhỏ nhặt ấy, lại thường là ước vọng to lớn một đời của những người nghèo thiếu.

Một kẻ đói khổ thiếu thốn thì chỉ nghĩ đến miếng cơm, manh áo, không dám vọng cầu những điều xa hoa, cao viễn; trong khi những đền đài tráng lệ nguy nga thì không thích hợp cho những đôi chân lấm bụi chạm đến.

Cái vô tận thì không có hình tướng; cái có hình tướng thì không thể vô biên.

Cái vô hạn thì không đếm được bằng năm tháng; còn tính đếm được bằng dấu mốc thời gian—dù là hàng nghìn năm—vẫn chỉ là những chớp mắt của cơn đại mộng phù hư.


*


Mười năm sau, sư phụ ra thất; ngày ngày ngồi lặng nơi Không Phong Các, dõi mắt nhìn về dãy núi xa. Mắt đã mờ thêm hay sương mù phủ kín không thấy dáng người nằm? Đệ tử xuống núi mười năm chưa thấy quay đầu. Chung trà lạnh hơi chờ người đối ẩm, kể chuyện đội đá vá trời giữa nghìn trùng gió bụi…

Rồi một ngày, đang trưa đứng bóng, ve sầu râm ran đầu hạ, hiu hắt gió lùa cửa không, người đâu từ xa về tới. Sư phụ nhướng mắt, cố nhìn, cố nhớ; không biết là vui hay buồn.

“Con đó sao, Tuệ Không?”

“Thưa không phải, con là kiến trúc sư Tuệ Minh năm xưa, thầy còn nhớ không?”

“Ồ, Tuệ Minh, con thí phát xuất gia rồi sao? Thế còn Tuệ Không, đệ tử của ta đâu rồi? Thế còn kỷ lục Phật Nhập Diệt… đã tiến hành đến đâu, hoàn tất chưa?”

Tuệ Minh lạy sư phụ, dâng một tấm bản đồ thật lớn, trải ra chiếm hết mặt bàn. Bản đồ địa lý của một nước mang hình dáng người nằm; chi chít dọc theo địa danh các tỉnh, huyện, xã… là tên và địa điểm của những ngôi chùa, nối nhau từ cực nam đến cực bắc, từ đông qua tây, tạo nên hình dáng Phật nhập niết-bàn. Tuệ Minh nói, đó là một nghìn ngôi chùa nhỏ được thầy Tuệ Không xây dựng suốt mười năm qua. Thay vì 80 nghìn lượng vàng để thực hiện công trình Phật nằm vĩ đại nhất thế giới, một nghìn ngôi chùa nhỏ đã được dựng lên khắp nước. Từ những vùng quê nghèo khó, cho đến những thôn ấp, buôn làng hẻo lánh, xa xôi; từ thành thị lên non cao, từ ven sông ra vùng biển, nơi nào cần chùa, cần tiếng chuông hôm sớm, đều đã được xây một cảnh chùa nho nhỏ, nhưng ấm cúng, gần gũi với dân tình địa phương.

Đoàn tùy tùng 37 người năm ấy theo thiền sư thực hiện công trình, sau mười năm vừa tu học vừa cất một nghìn ngôi chùa, đều đã thí phát xuất gia, phân bố đi hoằng pháp khắp nước.

       Sư phụ im lặng, trầm ngâm, nhìn chăm chăm vào tấm bản đồ. Từ bức vẽ vô tri, từ dáng Phật nằm mơ hồ với những tên chùa chằng chịt đan xen, sư phụ có thể mường tượng ra những đạo tràng trang nghiêm, tiếp nhận tất cả mọi người không phân biệt thành phần xã hội, kẻ trí thức hay người bình dân, kẻ giàu sang hay người nghèo khó… Một nghìn ngôi chùa nhỏ, trung bình mỗi ngôi chùa phí tổn tám mươi lượng vàng, hẳn không thể nào là những ngôi danh lam hay thắng cảnh gì đặc biệt; cũng không ngôi chùa nào trong số đó lập được kỷ lục Phật giáo hay thành tích văn hóa gì của quốc gia. Nhưng nơi đó, nơi thềm hiên và nền chánh điện, những bàn chân lấm lem sình lầy bụi đất, đều có thể  hồn nhiên, không ngần ngại dẫm lên…

“Vậy bây giờ Tuệ Không ở đâu, sao không về thăm thầy?” sư phụ hỏi.

“Thưa, từ ngày xây ngôi chùa cuối cùng, đặt tên là Vô Tướng, chúng con không thấy thầy Tuệ Không đâu nữa. Bặt vô tung tích.”

Sư phụ gật gù, nhìn xa xăm. Tuệ Minh đã cáo biệt từ lâu mà sư phụ hầu như không biết. Nơi Không Phong Các, sư phụ châm trà dưới trăng, uống một mình. Cạn cữ trà thì trăng đã chếch qua hướng tây, vằng vặc một phương trời. Dãy núi Người Nằm ngời lên dưới ánh trăng vàng sáng. Sư phụ bỗng bật cười lên sảng khoái, rồi buột miệng nói:

“Tuyệt vời thay học trò của ta! Kỷ lục vô danh vô tướng của con mới đúng thực là vô tiền khoáng hậu!”

California, ngày 01 tháng 8 năm 2015
Vĩnh Hảo
Theo Thư Viện Hoa Sen
Sưu tầm: Hanh nghiêm