Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Cơ Thể Thay Đổi Kỳ Lạ Từ...Chiếc Khăn Ấm



Không cần thầy thuốc cao tay mà nhiều bệnh khó chỉ cần giải quyết bằng chiếc khăn ấm. Điều này được chứng minh với ít nhất 10 chứng đau kinh niên tưởng rằng chỉ có thuốc mới khỏi. Sau khi đọc bài này bạn có thể mới biết rằng chiếc khăn ấm sẽ giải quyết những bệnh gì và hãy áp dụng bạn sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt trong cơ thể.

Trong Đông y có một câu nói nổi tiếng ”ấm tắc thông, thông tắc bất bệnh” ý nói khi cơ thể ấm, mọi hoạt động sẽ thông thoáng, trôi chảy. Khi mọi thứ đều vận động nhịp nhàng thì sẽ không sinh bệnh tật.

Từ lý thuyết đó, các chuyên gia Đông y cho rằng, quấn hay đắp một chiếc khăn ấm lên người có thể mang lại những lợi ích không hề nhỏ đối với sức khỏe, cải thiện huyết mạch, giảm đau mỏi nhanh chóng.


Nhiều người hay nói vui khi gặp người đang nổi cáu rằng, uống cốc nước nóng đi cho hạ hỏa. Hoặc nói rằng, đắp tí khăn nóng cho giảm nhiệt… để chứng minh rằng đây là cách làm đã rất phổ biến.

Chúng ta thường tìm kiếm những bài thuốc chữa bệnh “cao siêu” mà vô tình bỏ qua những cách làm đơn giản, ai cũng làm được, không gây tốn kém mà tác dụng lại có thể nhận thấy ngay tức thì.


Cách thực hiện

Chọn một chiếc khăn sạch nhúng trong nước nóng khoảng 40-45 độ C, vắt khô vừa phải và đắp quấn vào chỗ bị đau mỏi. Mỗi 5 phút thay khăn một lần (làm ấm lại khăn hoặc dùng khăn nóng khác).

Mỗi lần thực hiện khoảng 15-20 phút, áp dụng 3-4 lần/ngày cho đến khi bạn thấy bệnh đã chuyển biến tốt.

Người không bị bệnh vẫn nên làm cách này để phòng và tránh bệnh, giúp cơ thể thư giãn, sảng khoái hơn.

Tùy từng vùng bị đau hay mệt mỏi để bạn lựa chọn những chiếc khăn có kích thước phù hợp. Đắp mặt thì dùng khăn nhỏ, đắp toàn thân thì dùng khăn to.
10 tác dụng khi đắp hoặc quấn khăn ấm mang lại cho sức khỏe

Mắt

Khi đắp khăn nóng lên mắt, có thể thúc đẩy tuần hoàn máu xung quanh mắt, giảm mệt mỏi, phần nào làm giảm triệu chứng khô mắt, tác động và làm hồi phục thị lực, dưỡng não, an thần.

Tai

Dùng khăn ấm đắp lên hoặc lau chùi quanh vùng tai, có thể cải thiện tuần hoàn máu xung quanh vành tai, ngăn ngừa nguyên nhân thiếu máu lên tai gây nghễnh ngãng hoặc thính lực kém, thiếu máu cục bộ lâu dài sẽ sinh ra điếc.

Đầu

Dùng khăn nóng đắp vào phía sau đầu, mỗi lần đắp vài ba phút, có tác dụng kích thích các huyệt ở vùng đầu, cải thiện các triệu chứng chóng mặt, tăng cường khả năng phản ứng nhanh, khôi phục trí nhớ và nâng cao năng lực tư duy.

Cổ

Khi có hiện tượng cổ bị cứng, khó xoay chuyển, đau mỏi, bạn có thể quấn một chiếc khăn ấm quanh cổ, sau đó xoay cổ đủ các hướng một cách chậm rãi và mềm mại.

Cũng có thể lấy khăn ấm đặt dưới cổ như một chiếc gối, ngửa đầu ra sau rồi lại cúi đầu về phía trước. Làm cách này sẽ nhận ngay kết quả khả quan sau khi thực hiện.

Một số người bị chứng thoái hóa đốt sống cổ sớm, cứng cổ, khi gặp thời tiết lạnh thì mỏi cổ hoặc không quay được cổ, nên thường xuyên đắp khăn nóng.

Sau một thời gian quấn nóng cổ, tuần hoàn máu vùng cổ sẽ được cải thiện, giảm co thắt cơ bắp vùng cổ, giảm đáng kể chứng thoái hóa.

Lưng

Khi bạn bị đau quanh vùng thắt lưng, dùng khăn nóng đắp vào sẽ làm giảm triệu chứng đau mỏi. Ngoại trừ chứng đau lưng bệnh lý nặng thì bạn phải đến bệnh viện.

Mông

Khi vùng mông bị tê mỏi, cứng lên khó chịu nặng nề, bạn có thể nằm xuống chiếc khăn tắm nóng, hoặc nằm sấp đắp khăn nóng lên vùng mông. Sau vài ba phút sẽ giảm triệu chứng.

Chấn thương thể thao

Khi bị chấn thương thể thao nhẹ, không cần phải can thiệp y tế, thì quấn khăn nóng trong vòng 2-3 ngày là cách hữu hiệu để giảm triệu chứng đau, làm dịu lại sự khó chịu do chấn thương.

Đau bụng kinh, đau bụng do thời tiết lạnh hoặc nhiễm lạnh

Phụ nữ bị đau bụng kinh, tắc ứ kinh nguyệt sinh ra đau vùng bụng, đắp khăn ấm sẽ cải thiện tình hình. Thông kinh nhanh chóng và hết đau tức thì. Đắp khăn nóng chườm lên vùng bụng, làm ấm bụng sẽ giảm triệu chứng đau bụng.

Giảm sưng sau khi tiêm

Một số người sau khi tiêm bị sưng cứng vùng tiêm, dùng khăn ấp đắp lên vùng tiêm khoảng 30 phút sẽ giảm đau, giúp tuần hoàn lưu thông máu, dần dần tiêu sưng.

Thư giãn toàn thân

Dùng khăn tắm to, làm ấm và đắp lên toàn thân (khỏa thân) sẽ giúp bạn thư giãn một cách hiệu quả. Giảm ngay căng thẳng, mệt mỏi.

Hầu hết các cơ sở mát xa, vật lý trị liệu, spa đều dùng phương pháp này. Đó cũng là cách mà kể cả khi bạn khỏe mạnh cũng nên thường xuyên thực hiện.

Lưu ý:

Không sử dụng khăn quá nóng sẽ gây bỏng, chỉ bảo đảm ở mức 40-45 độ C.

Không áp dụng hình thức chườm đắp khăn nóng đối với vết thương hở, chảy máu, sưng phồng da.

Những người chơi thể thao bị chấn thương vết thương hở hoặc sưng phù phải chờ sau 48 giờ mới có thể đắp khăn nóng.

Đau bụng cấp tính hoặc đau mắt bệnh lý đều không sử dụng cách quấn khăn này.

Theo: Therealtz © VietBF
Đăng bởi Cội Nguồn 
Sưu tầm: Hanh Nghiêm


Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Câu Chuyện Về Sư Bà KiSagotami, Kệ 114, Kho Báu Sự Thật




TỰA ĐỀ ĐẦY ĐỦ:

Người Hiểu Rõ Về Sự Không-Sinh-Tử Là Một Người Cao Quý - Câu Chuyện Về Sư Bà Kisāgotami, Kệ 114 - Kho Báu Sự Thật, Kinh Pháp Cú Minh Họa - Weragoda Sarada Maha Thero - -
(The Seer Of The Deathless Is A Worthy One - The Story of Nun Kisāgotami, Verse 114 - Treasury Of Truth, Illustrated Dhammapada - Weragoda Sarada Maha Thero - Illustrations by Mr. P. Wickramanayaka)

BÀI KỆ 114:

 Yo ca vassasataṃ jīve
apassaṃ amataṃ padaṃ
ekā’haṃ jīvitaṃ seyyo
passato amataṃ padaṃ. (8:15)


Người sống một trăm năm
mà không hiểu rõ về Sự Không-Sinh-Tử
thì không cao quý cho bằng người chỉ sống một ngày
mà hiểu rõ về Sự Không-Sinh-Tử

Trong khi cư trú tại Tu Viện Jetavana (Kỳ Viên), Đức Phật đã nói bài kệ này về sư bà Kisāgotami.

Kisāgotami là con gái của một người đàn ông giàu có ở tỉnh Sāvatthi (Xá Vệ); vì thân thể cô gầy ốm nên mọi người gọi cô là Kisāgotami (Kisā = gầy ốm). Chồng của cô Kisāgotami là một chàng thanh niên trẻ tuổi giàu có, và vợ chồng cô có một đứa con trai. Cậu bé con cô, qua đời khi bé mới chập chững tập đi, làm cho cô Kisāgotami hết sức đau buồn, giống như quả tim cô bị tan vỡ. Cô mang xác chết con trai mình đi khắp mọi nơi, để tìm phương thuốc cứu sống con của cô. Mọi người lúc ấy nghĩ rằng cô đang bị điên. Tuy nhiên, có một người đàn ông khôn ngoan hiểu được hoàn cảnh của cô, ông nghĩ ra cách giúp đỡ cô. Do đó, ông nói với cô, "Đức Phật là người mà cô cần gặp, ngài có toa thuốc mà cô đang đi tìm; cô hãy đi gặp ngài." Nghe lời ông, cô đi gặp Đức Phật, và cô xin ngài cho cô toa thuốc để cứu sống con cô.

Đức Phật nói với cô rằng, cô hãy đi xin một ít hạt cải (mù tạc) từ một ngôi nhà mà chưa từng có người chết. Bế con trong lòng, cô Kisāgotami đi từ nhà nầy sang nhà khác, để xin hạt cải. Mọi người đều sẵn lòng giúp cô, tuy nhiên, cô không thể nào tìm ra căn nhà mà chưa từng có người chết. Sau đó, cô nhận ra rằng cô không phải phải là gia đình duy nhất mà đang đối mặt với cái chết, vì cô thấy số người đã chết còn nhiều hơn là số người đang còn sống. Ngay sau khi cô nhận ra điều nầy, thái độ của cô đối với đứa con cô nay đã thay đổi; cô không còn bị dính mắc vào thân xác của đứa con cô nữa.

Cô để xác con trong rừng, và cô trở về gặp Đức Phật, rồi cô thưa với ngài là cô không thể nào tìm ra căn nhà mà chưa từng có người chết. Sau đó, Đức Phật nói rằng, "Như thế, con không mang về được hạt cải nào, có đúng không?" "Bạch Thế Tôn, dạ đúng. Bất cứ ngôi làng nào con đến, số người đã chết còn nhiều hơn là số người đang còn sống." Rồi, Đức Phật tiếp lời cô, "Trong lúc đau khổ, con tưởng tượng rằng con là người mẹ duy nhất đã mất con. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều phải chịu đựng chung một quy luật bất biến, như sau: Thần Chết, giống như là một cơn lũ lụt đang giận dữ, cuốn phăng đi tất cả mọi chúng sinh, rồi hủy hoại họ nơi biển sâu; và cơn lũ lụt nầy thì chẳng bao giờ ngưng nghỉ. Gotami, trước kia con nghĩ rằng con là người mẹ duy nhất có con bị chết. Giờ đây con đã nhận ra, tất cả mọi người đều sẽ phải chết; thần chết sẽ đưa con người ra đi, trước khi các mong ước của họ được hoàn thành." Sau khi nghe xong, cô Kisāgotami hiểu biết thật rõ ràng về sự vô thường, về sự bất toại nguyện, và về sự không-vững-chắc của năm uẩn, và cô đạt quả Nhập Lưu.

Sau đó không lâu, cô Kisāgotami trở thành một sư cô. Một ngày kia, khi cô thắp các ngọn đèn dầu lên, cô nhìn thấy các ngọn lửa đột ngột bừng sáng lên, rồi vụt tắt đi, làm cho cô đột nhiên nhận-thấy rõ ràng sự sinh ra, và sự mất đi của con người. Đức Phật, qua sức thần thông, nhìn thấy cô từ tu viện của ngài, và ngài phóng quang rồi xuất hiện trước mắt cô. Ngài bảo cô Kisāgotami rằng, cô hãy tiếp tục thiền định về bản chất vô thường của tất cả chúng sinh, và cô hãy nỗ lực phấn đấu để đạt quả Niết Bàn. Sau đó, cô đã đạt được các tầng lớp cao hơn trong sự giác ngộ về tâm linh. 

BÀI KỆ 114, GIẢI THÍCH TỪ TIẾNG PALI

mataṃ padaṃ apassaṃ yo ca vassasataṃ jīve
amataṃ padaṃ passato ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo

Amataṃ padaṃ: trạng thái không sinh tử (Niết Bàn); 
Apassaṃ: mà không nhìn thấy;
Yo ca: nếu một người nào; 
Vassasataṃ jīve: sống một trăm năm;
Amataṃ padaṃ: trạng thái không sinh tử (Niết Bàn); 
Passato: của người nhận biết;
Ekāhaṃ: (thuộc về, trong) một ngày; 
Jīvitaṃ: cuộc sống; 
Seyyo: là cao quý

Người sống chỉ một ngày mà hiểu rõ về sự không-sinh-tử, thì cao quý hơn và tốt hơn là người sống được một trăm năm, mà không hiểu rõ về sự không-sinh-tử.

Bài kệ 114 trong Kinh Pháp Cú nầy, đã được anh Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển dịch thành thơ như sau:

Trăm năm sống chẳng nhận ra. 
Pháp kia bất tử. Thật là uổng thay! 
Chẳng bằng sống chỉ một ngày. 
Mà rồi giác ngộ thấy ngay Niết Bàn. 
Nơi bất diệt, đẹp vô vàn. 
Không trò bệnh lão, không màn tử sinh.

BÌNH LUẬN

Amataṃ padaṃ: trạng thái không sinh tử (Niết Bàn). Niết Bàn được mô tả như là trạng thái 'không sinh tử' bởi vì đây là sự chấm dứt các ảo ảnh trong cuộc sống. Đạt được quả Niết Bàn bằng cách loại bỏ đi cá-tính (cái tôi) trong khi trải-nghiệm về năm uẩn.

Hình-ảnh của chính-mình, mà chúng ta giữ trong tâm, được tạo ra từ các hiện tượng khách-quan (rồi chúng ta biến đổi theo cách của chúng ta). Con người chúng ta là sự tiếp nối các hình-ảnh nầy của chính-mình, mà được mọi người gọi là cá-tính. Khi chúng ta gỡ bỏ hình-ảnh nầy của chính-mình bằng cách loại bỏ đi phần cá-tính, chúng ta không còn tồn-tại. Khi chúng ta không còn tồn-tại (sống), chúng ta không còn bị chết. Đây chính là trạng thái không-sinh-tử. Khi chúng ta quan sát những gì đang xảy ra, để chúng đến rồi đi, mà không dính mắc vào chúng (cá nhân hóa chúng), có nghĩa là chúng ta đang sống trong trạng-thái Niết Bàn, không còn sinh-tử, ngay bây giờ và ở đây.

Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến
Vẽ: P. Wickramanayaka - Source
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Vô Tâm...!?




Không đẹp nào hơn đẹp tâm vô tướng
Không xấu nào bằng đánh mất lương tâm
Không giàu nào hơn giàu lòng nhân ái
Không nghèo nào bằng ích kỷ tham lam
Vô tâm chứa cả bầu trời
Có-không vỏn vẹn một đời diệt-sanh.


Chánh Bảo Trung
Theo Đạo Phật Ngày Nay
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Mùa Hiếu Hạnh


Nếu có một người bạn phương Tây nào hỏi tôi:
- Quốc gia của Bạn có Ngày Của Mẹ không?
Tôi sẽ hãnh diện trả lời:
- Có, nhưng chúng tôi tổ chức theo lịch của nước chúng tôi, đó là Rằm tháng 7, đúng ngày trăng tròn. Dân tộc tôi gọi đó là ngày Đại Lễ Vu Lan.
- Thế Các Bạn có Ngày Của Cha không?
Vẫn thế, tôi trả lời:
- Có, cũng là ngày Đại Lễ Vu Lan. 
...

Có thể một số ít Bạn thắc mắc tại sao tôi cho rằng Ngày Của Cha cũng là ngày Rằm tháng 7 Â.Lich?

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa "Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn", do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán vào đời Tây Tấn, tức khoảng năm 266 - 316 sau Công Nguyên và được người Trung Hoa truyền vào Việt Nam.
Trong kinh Vu Lan Bồn có câu chuyện Mục Liên theo lời Phật dạy, lập đàn siêu độ cho vong linh mẹ được siêu thoát, vào ngày Rằm tháng 7.
...
Thiện-nam-tử, tỳ-kheo nam nữ
Cùng quốc-vương, thái-tử, đại-thần
Tam-công, tể-tướng, bá-quan
Cùng hàng lê-thứ vạn dân cõi trần
Như chí muốn đền ơn cha mẹ
Hiện-tại cùng thất-thế tình thâm
Ðến rằm tháng bảy mỗi năm
Sau khi kiết-hạ chư Tăng tựu về
Chính ngày ấy Phật đà hoan-hỉ
Phải sắm sanh bá vị cơm canh
Ðựng trong bình-bát tinh-anh
Chờ giờ Tự-tứ chúng Tăng cúng-dường
Ðặng cầu-nguyện song-đường trường-thọ
Chẳng ốm đau, cũng chẳng khổ chi
Cùng cầu thất-thế đồng thì
Lìa nơi ngạ-quỷ sanh về nhơn, thiên
...
(trích đoạn  Kinh Vu Lan Bồn được dịch ra tiếng Việt theo dạng thơ)

Đức Phật cũng từng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu Cha Mẹ, nên làm theo Mục Kiều Liên (Kinh Vu Lan Bồn). Từ đó về sau, ngày Rằm tháng 7 hằng năm được gọi là Lễ Vu Lan Ngày Báo Hiếu. Ngoài ra, Vu Lan còn có nhiều tên gọi khác như lễ Xá Tội Vong Nhân, Tết Quỷ.

Như thế chúng ta đã rõ Ngày lễ Vu Lan, lễ báo hiếu không chỉ riêng Mẹ thôi mà có cả Cha nữa.

Thế tại sao trong ngày Lễ Vu Lan, lại chỉ có những hoạt động liên quan đến Mẹ mà không thấy nói đến Cha?

Trước năm 1962, nghi lễ báo hiếu hay nhớ ơn cha mẹ đều diễn ra chung. Đến tháng 8 năm 1962, Thiền Sư Nhất Hạnh viết đoản văn "Bông Hồng Cài Áo" sau khi ở Nhật về. 

"...Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương....
...Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân, tới nhà sách ở khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong giỏ xách một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng..."
(Trích Bông Hồng Cài Áo  của Thiền Sư Nhất Hạnh).

 Tôi còn nhớ đoản văn đó còn được in trên những cánh thiệp, để dễ dàng gởi đến cho mọi người; các hiệu sách cũng bày bán rất nhiều trong mùa Vu Lan. Thời gian sau, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dựa vào ý của bài viết này, sáng tác nhạc phẩm "Bông Hồng Cài Áo". Chính nhờ thế Bông Hồng Cài Áo được phổ biến rộng rãi ở Miền Nam. Từ đó, lệ cài bông màu hồng trên áo cho những ai còn Mẹ, những bông màu trắng cho những ai mất Mẹ xuất hiện. 
50 năm qua, cài bông trên áo trong mùa Vu Lan, được người dân Việt hoan hỉ, thành tâm đón nhận và duy trì, Tạo nên một nét đẹp mới trong mùa Vu Lan ở Việt Nam. Nhưng việc này cũng làm lu mờ đi hình bóng của người Cha . Tuy vậy, với bản chất hiếu kính đã tồn tại trong huyết quản  người Việt bao đời, chúng ta không bao giờ quên đi công đức của Cha trong Mùa Báo Hiếu.

Nặng Gánh Đời Ba

Cả đời ba dông ruổi 
Tất tả kiếp ngược xuôi
Giọt mồ hôi tuôn rơi
Chắc thêm lớp da Người
Để đàn con thơ dại
Được ấm áo no cơm...
Nước mắt ba từng chảy
Trong ê chề nhẫn nhục
Cho cả nhà hạnh phúc...
Máu ba bao lần đổ
Đổi lấy sự an lành
Trong loạn lạc chiến tranh...
...và các con đã lớn.
Những gánh nặng Ba ơi
Công ơn tựa biển trời
Chúng con khó thể quên
Nay mùa vu lan đến
Ngậm ngùi ngồi nhớ ba
Nén nhang với lòng thành
Từ cõi trên vô định
Ba mãi mãi an bình... 
                     Quên Đi

Huỳnh Hữu Đức biên soạn

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Tâm Từ



Cuộc đời này đầy dẫy khổ đau. Khi biết suy nghĩ, ai cũng thấu hiểu điều này qua kinh nghiệm thực tế của bản thân. Không khổ ở phương diện này thì khổ ở phương diện khác, không khổ lúc này thì khổ khi khác. Cảm nhận cái khổ quanh ta và trong thân và tâm ta, nếu chịu khó suy ngẫm một tí, ta sẽ thấy, khổ không còn là vấn đề cá nhân nữa, mà là một trải nghiệm mang tính cộng đồng. Khổ đến với tất cả mọi người và rộng hơn nữa, mọi chúng sanh có tình thức. Nói cách khác, khổ là một phần của sự sống. Khi nào còn sống trong vòng phong tỏa của vô minh, con người còn tạo khổ đau cho mình và cho người.

Khi ý thức được rằng, vô minh là ‘tài sản’ chung của những người chưa giác ngộ, ta có sự đồng cảm và thông cảm với những người chịu đựng khổ đau do chính mình gây ra, hay chấp nhận gánh chịu khổ đau, dù chẳng muốn tí nào, từ sự vụng về của người khác. Biết đâu, và chắc chắn là vậy, vào một thời điểm nào đó, họ lại trở thành nạn nhân từ sự vô minh của chúng ta. Do vậy, ý thức rõ ràng được tính chất chung của khổ đau, khi ta biết thương cảm cho nỗi khổ của mình, cũng đồng nghĩa với thương cảm nỗi khổ đau của người khác. Đây là nguồn gốc của tâm từ. 

Thế nhưng, thử hỏi, nếu tâm từ bắt nguồn từ sự ý thức được nỗi khổ niềm đau, vậy tại sao khổ đau phủ khắp nhân gian và ai cũng hiểu điều này, mà tâm từ dường như hiếm hoi quá vậy? Vấn đề là van tâm chúng ta thường đóng nên không thể cảm nhận khổ đau, dù van tim vẫn mở đóng đều đặn cho máu trong người lưu thông và trao đổi. Do van tâm đóng chặt, ta tránh xa khổ đau và trở nên phòng thủ với khổ đau của chính mình cũng như của người khác, thay vì rộng mở để đón nhận, để nhận diện rõ ràng và để chuyển hóa khổ đau. Với việc cài then đóng chặt cửa tâm nhằm ngăn ngừa và phòng thủ khổ đau, ta cũng chặn nguồn tâm từ của mình không cho lưu xuất. 

Chúng ta không nhất thiết trở thành một bậc thánh mới có thể trải tâm từ đến người khác. Thật ra, tâm từ là sự đáp lại mang tính tự nhiên của tâm rộng mở. Thế nhưng, khi nào chúng ta còn tránh xa, chối từ hay kháng cự lại sự thật hiển nhiên, chân lý mang tính khách quan của cuộc sống, suối nguồn từ bi sẽ khép kín cửa. Khi chúng ta chối từ không dám nhìn nhận những trải nghiệm khổ đau, chúng ta xa rời chơn tâm uyên nguyên để bám víu vào sự giả tạm, dối trá, ma mị và rối rắm hơn. Khi ấy, ngay cả từ bi với chính mình, ta cũng không thể làm được, mong gì trải tâm từ đến người khác.

Tâm từ có tính chất như hạnh phúc, hình ảnh hơn một tí, như sương rơi, hay như nguồn phát sáng nào đó. Sương không thể nhỏ giọt trên cây lá mà bản thân nó không được tẩm ướt. Như bất cứ nguồn sáng nào, muốn chiếu sáng vật khác thì bản thân nó phải tỏa sáng soi rọi chính mình. Do vậy, người nào chưa biết thương mình thì không thể thương người khác. Ai đó cho rằng mình chỉ lo cho người khác, hy sinh vì hạnh phúc của người khác mà mình chìm trong khổ đau thì đó chỉ là một cách ngụy biện mà thôi. 

Hãy mở van tâm cho suối nguồn từ bi lưu xuất để thấy cuộc đời này ý nghĩa hơn!

Posted by Hằng Như at 9:14 AM
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Cư Trần Lạc Đạo Phú Đệ Thất Hội



Vậy mới hay: 
Phép bụt trọng thay, 
Rèn mới cốc hay. 
Vô minh hết bồ đề thêm sáng; 
Phiền não rồi đạo đức càng say. 
Xem phỏng lòng kinh, lời bụt thốt dễ cho thấy dấu; 
Học đòi cơ tổ, sá thiền không khôn chút biết nay (nơi). 
Cùng căn bản, tã trần duyên, mựa để mấy hào ly đương mặt; 
Ngã thắng chàng, viên tri kiến, chớ cho còn hoạ trữ cong tay. 
Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà thời trước; 
Cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thuở nay. 
Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo; 
Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay. 
Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận; 
Đòi ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay. 
Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo; 
Miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.

Chữ Nôm: 
第七會 
丕買処 
法孛重世 
煉買谷処 
無明歇菩提添瞆 
煩惱耒道德強蔢 
娂倣峼經塁孛說易朱体酉 
學隊機祖詫禪空坤卒別尼 
穷根本瀉塵緣罵底某毫氂當炦 
我勝幢圓知見渚朱群禍宁工検 
厠帞覺悟嘥壞忛棱邪時訳 
倿劍知慧撅朱空性識課尼 
埄恩聖律憽吒蜍柴學道 
勉德瞿經裴兀倿戒吿齋 
感德慈悲底饒劫願朱親近 
隊恩救渡涅怺身時召縙荄 
義矣汝道庄涓香花供娂群年討 
凩浪信峼吏磊釺玉蜍共渚歇桰 

Nguồn: Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1977


Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

10 Điều Răn của Người Xưa Giúp Không Phạm Sai lầm Đáng Tiếc Trong Cuộc Đời



Trải qua hàng ngàn năm, người xưa đã đúc kết và rút ra rất nhiều bài học hữu ích từ thực tế và lưu truyền lại cho người đời sau. Để không bị hối tiếc vì phạm phải những sai lầm “không đáng” trong cuộc đời, hãy ghi nhớ 10 điều răn dạy dưới đây!

1. Lúc vui dễ bị lỡ lời

Nói nhiều tất nói hớ, đặc biệt là trong lúc vui mừng. Kỳ thực tâm thái lúc đó là thiện, là tốt, muốn thổ lộ, chia sẻ hết ra những gì muốn nói ở trong lòng. Nhưng ngay cả khi tâm bị kích động thì lời nói vẫn phải trầm ổn, bởi vì lời một khi đã nói ra thì không thể thu hồi lại được.

Cổ nhân nói: “Vui không thể vui đến cực điểm”. Bởi vì khi con người ở vào cực độ của vui thì “tuyến phòng ngự” của tâm lý sẽ không còn. Thông thường sẽ không giữ được miệng mà nói những lời làm tổn thương người khác hoặc những lời không phù hợp, dẫn đến hối tiếc không kịp.

2. Lúc tức giận dễ bị thất lễ

Trong cuộc sống hàng ngày, nếu như tức giận với người nhà, bạn bè, mọi người khác thì không chỉ làm tổn hại đến mối quan hệ tình cảm giữa hai người mà còn làm tổn hại lớn đến sức khỏe của bản thân. Thời điểm tức giận, mọi người thường quên mất hạn độ mà làm ra những việc thất lễ và hối hận. Vì vậy, mỗi người nên học cách tự kiềm chế bản thân mình, bình tĩnh trước mọi sự việc xảy ra.

3. Lúc bị kinh động dễ đánh mất trạng thái

Con người khi bị kinh động bởi một việc nào đó thì dễ dàng đánh mất trạng thái của bản thân. Muốn luôn luôn giữ được trạng thái dáng vẻ của mình, phải luôn luôn bảo trì được tâm bình an.

Người xưa nói, không quan tâm hơn thua, núi Thái Sơn sụp đổ trước mắt mà sắc mặt không đổi, tư tưởng, nhân tâm bất động…Đây đều là muốn nói cho mọi người biết rằng phải tu dưỡng một tâm ổn định, bình thản, hờ hững đối mặt với những vinh nhục, những biến cố trong cuộc đời.

4. Lúc buồn đau dễ bị mất nhan sắc, tinh thần

Nhan ở đây không chỉ là dáng vẻ bề ngoài mà còn chỉ trạng thái tinh thần. Cho nên, khi đối mặt với đủ loại buồn đau trong cuộc đời cần tiết chế, suy nghĩ tích cực hướng về phía trước, đừng để tinh thần suy sụp không vực dậy được.

Trung y cho rằng, đau buồn có thể làm tổn hại đến sức khỏe. Biểu hiện là sắc mặt thảm đạm, thê lương, thần khí không đủ, làm suy giảm nội tạng của bản thân.

5. Lúc mừng rỡ dễ dàng bị sơ xuất trong việc giám sát

Lúc mừng rỡ thường sẽ cảm thấy việc gì cũng vừa ý, vừa mắt, hài lòng, khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu sẽ bị suy giảm, khả năng suy xét cũng bị xem nhẹ. Vì vậy sẽ bị sơ xuất trong việc không xem xét kỹ một vấn đề, một sự việc hay một người nào đó. Từ đó dẫn đến đánh giá sai lầm.

Có câu nói: “Đắc ý quên hình”. Con người vào lúc quá đắc ý, quá mừng rỡ sẽ khó tránh khỏi có cái nhìn sơ xuất mà đánh mất nhiều thứ.

6. Sợ quá dễ bị mất khí tiết

Khi bị quá sợ hãi, bị sợ hãi trấn áp nội tâm của bản thân thì sẽ dễ đánh mất nguyên tắc và lập trường của bản thân mình. Từ đó mà không thể tìm ra được lựa chọn chính xác và không cách nào giải quyết được vấn đề.

7. Chất chứa nhiều thì ắt sẽ mất mát nhiều

Người chất chứa quá nhiều dục vọng danh lợi thì nhất định sẽ phải lao tâm lao lực, hao tổn tinh thần, kết quả cái mất đi sẽ càng lớn. Người tham lợi lộc nhất định sẽ yêu thích vật phẩm quý giá, nhưng khi chất chứa càng nhiều những vật phẩm quý giá thì lại khiến cho người oán giận, đố kỵ càng nhiều lên, kết quả sẽ khiến bản thân bị tai họa bất ngờ.

Sống trên đời, danh lợi, tài phú thực sự là vật ngoại thân. Đừng vì quá truy đuổi những điều này mà làm nguy hại bản thân. Như vậy chính là “bỏ gốc lấy ngọn”, “cái được không bù nổi cái mất”.

8. Say mê quá dễ bị mất đức

Điều này xảy ra ở cả lời nói và hành vi. Nếu một người quá say mê điều gì đó, thì lời nói của họ sẽ có phần dối trá, xiên xẹo, hành vi sẽ thường khác người và đi quá giới hạn, gây ra những việc mất đức.

9. “Nói khoác” quá dễ đánh mất lòng tin

Người xưa có câu: “Đừng dễ dàng đem lời nói ra miệng!” Bởi vì họ quan niệm rằng, một khi lời đã nói ra khỏi miệng rồi mà không làm được thì là một việc rất đáng xấu hổ. Một người mà tùy tiện hứa hẹn, tùy tiện nhận lời nhưng khả năng lại không thể hoàn thành được thì sẽ đánh mất lòng tin ở người khác.

10. Dục vọng nhiều quá dễ bị mất mạng

Lão Tử nói: “Ngũ sắc sẽ làm cho mắt bị mù, ngũ âm sẽ làm cho tai bị điếc, ngũ vị sẽ làm cho lưỡi bị tê, rong ruổi săn bắn sẽ khiến lòng người phát cuồng, của cải khó được khiến người bị tai hại.” Điều này nói cho chúng ta biết rằng, quá nhiều dục vọng sẽ làm bại hoại thân thể, thậm chí vì vậy mà bị mất mạng.

Biển chứa trăm sông, có dung nạp nên thành to lớn, không muốn lại được. Một người khi khống chế được dục vọng (sự thèm muốn, ham muốn) của bản thân thì trí tuệ được khai sáng và mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Theo SecretchinaMai Trà biên dịch
Sưu tầm: Hanh Nghiêm