Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Phù Du


Tôi đã để lại em giữa cuộc đời này, ra đi vẫn chưa kịp nói lời từ biệt. Giờ đây giữa chốn hiu quạnh, tôi mới biết cuộc đời như một giấc mộng, một giấc mộng mà trong đó tôi đã gặp được em, được yêu em, được sống bên em, được làm chồng của em và hơn thế nữa khi tôi đã được làm cha của hai đứa con nhỏ.

Đời người nào khác chi hoa
Sớm còn tối mất nở ra lại tàn.

Có phải vậy không em? Khi người đời vẫn biết điều đó là sự thật. Mặc dù vẫn tin là thật nhưng vẫn cứ phảikiếm tìm, giành giật những thứ chỉ là phù du, những thứ không thuộc về bất cứ ai, không thuộc về tôi mà cũng không thuộc về em. Tôi đã chạy một quãng đường rất dài, chạy hoài, chạy mãi cố đạt được điều nàyđiều kia, vậy mà cũng không lấp được lòng tham ở trong tôi. Thế mới biết lòng tham của con người lớn đến dường nào. 
Tôi đã để lại em giữa cuộc đời này, ra đi vẫn chưa kịp nói lời từ biệt. Giờ đây giữa chốn hiu quạnh, tôi mới biết cuộc đời như một giấc mộng, một giấc mộng mà trong đó tôi đã gặp được em, được yêu em, được sống bên em, được làm chồng của em và hơn thế nữa khi tôi đã được làm cha của hai đứa con nhỏ. Nhưng giờ đây thì sao? Tôi không thể được ôm lấy em hay được hôn lên hai đứa con của mình. Tôi đã khóc… Tiếng khóc của một linh hồn không ai nghe thấy tiếng. Tiếng khóc lạc lõng giữa hư không. Ba mươi hai năm ở trần gian tôi đã đánh mất đi quá nhiều, tôi đã thật phí sức mình cho những cái không thật của thế gian này. Xin em đừng khóc vì điều đó chỉ làm cho tôi thêm đau lòng, không thể bước đi tiếp trên con đường còn lại. Tất cả chỉ là một vòng lẩn quẩn, chia ly rồi gặp, gặp lại rồi chia ly. Con người đã quá đau khổ vì những cuộc chia ly như vậy. Từ vô lượng kiếp tôi đã từng khóc vì em và em cũng đã từng khóc vì tôi. Cũng là một nhân duyên hẹn ước từ bao kiếp trước để rồi hôm nay chúng ta mới kết duyên là vợ chồng. Nhưng duyên đã hết thì ?

Ta phải đi một ngày khi đã tận 
Yêu đã xong, ân oán đã xong rồi. 

Xin lỗi em! Vì tôi đã không làm tròn bổn phận của một người chồng, trách nhiệm của một người cha. Cuộc đời này còn lắm nỗi đau thương. Tất cả chỉ là phù du, là tạm bợ, vốn không có gì là thường còn. Có sinh tức có diệt, sinh diệt là chuyện thường tình. Thân này đã không phải là của ta. Đừng khóc nữa em nhé! Vì điều đó chỉ làm cho em đau khổ thêm thôi. Chúng ta vẫn không hề xa nhau. Khi em đang nghĩ về tôi cũng là lúc ta đang rất gần bên nhau. Đừng chấp vào cái thân giả tạm này vì một ngày nào đó em cũng phải rời bỏ nó để khoác một chiếc áo mới. Tôi không mong một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho em mà chính em hãy đứngtrên hạnh phúc bằng chính đôi chân của mình, trong hiện tại, ngay bây giờ và ở đây. Sống thực với giây phút hiện tại để biết rằng ta đang còn hiện hữu trên cõi đời này. Hãy quên đi quá khứ vì tất cả đã qua rồi, đừng vọng tưởng vào tương lai vì chúng vẫn còn chưa tới. Hãy sống thật tốt em nhé! Thân xác dưới đáy mồ kia vốn không phải của tôi. Hãy nói với con của chúng ta rằng “Cha của chúng không hề mất. Cha rất gần bên các con”. Dù cho thân xác này vốn không phải của ta, em cũng đừng nên tổn hại nó vì đó sẽ là phương tiện giúp em hiểu được chân lý trong cuộc sống này. 
Chiều nay nếu em đến thắp nhang trên mộ tôi, xin em đừng khóc để hai con phải buồn vì nhớ cha. Nén nhang không phải làm cho khu nghĩa địa này thêm tang tóc mà nó sẽ làm cho thân xác dưới kia được ấm lên. Vì cuộc đời luôn có cả mật ngọt và mật đắng, có nghĩa địa và vườn hoa, có tiếng khóc và tiếng cười, hãy trồng cho tôi một vườn hoa giữa khu nghĩa trang này, em sẽ đỡ thấy buồn và hiểu được ý nghĩa đích thực của cuộc sống như thế nào . Vững chãi trước sóng gió cuộc đời, hãy dạy cho các con biết thế nào là vô thường khi chúng bắt đầu tiếp xúc với cuộc sống này, em nhé! Hữu sinh hữu diệt, sinh sinh diệt diệt đó chính là luân hồi. 
Gió vẫn thổi… Hoàng hôn đang buông phủ trên khắp núi đồi… Tôi đang tiếc thương cho một kiếp người Phú quý ư? Vinh hoa ư? Sắc tài danh lợi cũng chỉ là phù du. Tôi đã đến với cuộc đời này bằng hai bàn tay trắng, ra đi cũng chỉ là kẻ trắng tay. Thế mới biết “Ta nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”. 
Bình minh đã lên. Một ngày mới lại bắt đầu cũng có nghĩa là sẽ bắt đầu cho một kết thúc mới. Hãy đứng vững trước ngưỡng cửa sinh tử. Hãy vững tâm để nhìn rõ trần gian này. Tất cả chỉ là mộng. “Say mộng hay tỉnh mộng. Vẫn là mộng mà thôi”. Tất cả không có gì là chân thường, là thường còn, chỉ có vô thường mới chính là lẽ chân thường của thế gian này.

Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng 
Em là tôi và tôi cũng là em. 

Trong tôi vẫn luôn có em, trong em vẫn có tôi. Đừng lấy tấm thân giả tạm này để đau khổ cho sự chia cách. Người ta có thể mất một năm để tập nói nhưng lại mất sáu mươi năm để tập sự im lặng. Xin đừng để hết một cuộc đời này mới biết được đâu là thật, đâu là giả mà ngay bây giờ đây hãy biết im lặng, nhận rõ chân tâm và sự thật giả của thế gian này. 

Vậy em nhé! Tất cả vẫn là không! 
Trời cũng không, đất cũng không 
Nhân sinh mênh mông ở bên trong 
Ngày cũng không, đêm cũng không 
Mọc đông lặn tây vì ai đây 
Vàng cũng không, bạc cũng không 
Chết rồi có gì ở trong tay 
Thê cũng không, tử cũng không 
Đường tới hoàng tuyền không tương phùng 
Quyền cũng không, danh cũng không 
Chớp mắt là hoang dã mênh mông

Hãy yêu lấy cuộc đời này. Hãy lấy sự đau khổ làm chất liệu trong cuộc sống. Hãy lấy sự buồn vui để hiểu chuyện con người. Hãy đứng vững giữa giông tố cuộc đời. Đừng vì một cảnh chia ly tử biệt mà sầu khổ. Bởi vì sao? Tôi cũng không và em cũng không... 

Tịnh Hạnh (Nguyễn Ánh Vy) 
Từ nguồn: Đạo Phật Ngày Nay 
Sưu tầm: Giới Nghiêm

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Tuỳ Duyên



Tâm ta là Phật Phật là Tâm
Cõi thế nhân sanh chớ hiểu lầm
Không sắc sắc không nào diệu vợi
Tuỳ duyên giác ngộ pháp cao thâm.
                               Quên Đi
***

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Con Mắt Thứ Ba



Mỗi người chúng ta ai cũng có con mắt thứ ba hết. Em biết con mắt thứ ba đó nằm ở đâu không? Em nói sao, nó được nằm ở chính giữa hai chân mày? Cũng có thể như vậy. Tôi từng xem phim Tôn Ngộ Không, và con mắt thứ ba của Dương Tiễn nó nằm ở vị trí mà em vừa nói đó. Nhưng đó không phải là con mắt mà tôi muốn nói cho em. Vậy nó nằm ở đâu? À, nó nằm… Nằm bên trái ngực của em, ngay chỗ có trái tim đang đập. Khi em có tình thương thì em sẽ có con mắt thứ ba.

Đúng vậy, tình thường là một cái gì đó rất mầu nhiệm trong cuộc đời này. Khi có nó rồi em sẽ thấy được những điều mà bình thường em sẽ không thấy. Em sẽ thấy được những người làm cho em đau khổ, họ cũng đang đau khổ. Em thấy được trong những con người mạnh mẽ xung quanh em họ cũng có những phần yếu đuối và dễ bị tổn thương. Và khi họ gục ngã thì em sẽ đưa cánh tay của mình ra và nâng họ dậy. Em sẽ không còn cười trên sự đau khổ của người khác, hay trách móc những lỗi lầm mà họ đang mắc phải. Trái tim em có tình thương rồi thì em sẽ chỉ có thương yêu, tha thứ và bao dung.

Con mắt thứ ba này sẽ cho em thấy được rằng em không bao giờ cô đơn trên cõi đời này. Những lúc trong tâm hồn em yên tĩnh nhất là lúc con mắt thứ ba phát huy tác dụng nhiều nhất. Em sẽ thấy em là một dòng chảy sự sống thênh thang, linh động của các thế hệ ông bà tổ tiên huyết thống và tâm linh. Em thấy em là một tế bào của vũ trụ đồng thời trong em cũng chứa đựng đầy đủ những gì mầu nhiệm nhất của vũ trụ.

Có con mắt thứ ba em sẽ nhìn mọi vật xung quanh luôn sống động và đẹp. Nhìn những sự vật với cái nhìn luôn mới tinh. Em ngắm mặt trời rực rỡ lúc hoàng hôn đang khuất dần sau dãy núi. Em nghe tiếng chim hót véo von trên ngọn cây thông già trước sân. Em ngắm những áng mây trắng đang nhẹ nhàng thanh thản trôi trên bầu trời xanh trong. Với con mắt thứ ba em sẽ thấy tất cả điều là biểu hiện của tình thương. Mà tình thương là cái gì đó luôn sống động và mới hoài trong mỗi phút giây.

Mọi người trong chúng ta ai cũng có con mắt thứ ba ấy. Và bắt đầu từ hôm nay, em và tôi sẽ tập nhìn những sự vật xung quanh dưới con mắt thứ ba. Rồi tất cả sẽ trở nên đẹp hơn, thánh thiện và yêu thương hơn.

Pháp Nhật
Từ nguồn Đạo Phật Ngày Nay
Sưu tầm: Hoa Nghiêm

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Công Dụng Tuyệt Vời Từ Khoai Mỡ



(LV) - Khoai mỡ không chỉ là một món ăn dân dã mà còn được xem là vị thuốc quý có lợi cho con người có nhiều công dụng đối với sức khỏe.

Ngừa bệnh tim mạch: Những người có bệnh lý về tim mạch thường có hàm lượng homocysteine cao, gây tổn thương thành mạch máu. Hàm lượng vitamin B6 của khoai mỡ giúp cơ thể phá vỡ homocystein ngăn ngừa bệnh tim mạch và đột quị.

Bổ sung năng lượng: Hàm lượng mangan cao của khoai mỡ có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hóa carbohydrates và điều tiết sự sản xuất năng lượng cho cơ thể.

Ổn định đường huyết: Do chứa hàm lượng chất xơ và carbohydrates phức hợp cao nên khoai mỡ giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Khoai mỡ giàu chất xơ và ít chất béo nên cũng có tác dụng giảm cân hiệu quả.

Tốt cho phụ nữ mãn kinh: Một số triệu chứng khó chịu ở giai đoạn mãn kinh có khuynh hướng được khắc phục nhờ ăn khoai mỡ.

Cung cấp vitamin cho cơ thể: Khoai mỡ chứa nhiều vitamin B6 và C. Một chén khoai mỡ cung cấp khoảng 20% nhu cầu vitamin thiết yếu cho cơ thể. Vitamin B6 và vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự khỏe mạnh của hệ thống miễn dịch, thần kinh, tim mạch, cơ xương...


Kháng viêm và làm mờ vết thâm: Khi da sưng đỏ hoặc đau rát chỉ cấn cắt lát khoai mỏng đắp lên đó trong khoảng 10- 15 phút sẽ làm dịu đau.

Chống lão hóa: Ăn khoai mỡ 2 lần/tuần sẽ giúp da mềm mại vì khoai mỡ có chứa nhiều sinh tố có lợi, chất khoáng, chất xơ. Hoặc nghiền khoai mỡ nhuyễn, trộn với sữa chua đắp lên da.

Ngừa mụn nhọt: Người Trung Quốc thường có thói quyen dùng khoai mỡ để trị mụn nhọt. Cách làm như sau dùng khoai mỡ (1 củ), lá bồ công anh (40g), mật mía giã nhuyễn gói vào vải mỏng đắp lên mụn nhọt

Chữa vàng da: Ăn thường xuyên cháo khoai mỡ với gạo nếp hoặc bột ngô sẽ có tác dụng giảm bệnh vàng da và làm cho da trở nên sán lán.

Một số tác dụng khác: Khoai mỡ là thực phẩm lợi tiểu có tác dụng chống viêm nhiễm nên rất tốt cho những người mắc bệnh viêm nhiễm tuyến nước tiểu, rất tốt cho hệ thống sinh dục phụ nữ, ngoài chức năng trên người ta còn sử dụng kem sản xuất từ khoai mỡ để bôi trơn hệ thống sinh dục phụ nữ. Các loại khoai mỡ hoang dã có tác dụng giảm đau cơ bắp, đau bụng, đau hệ thần kinh. Khoai mỡ còn có thành phần chống viêm nhiễm tốt cho nhóm người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, tác dụng giảm sốt, tăng cường chức năng cho bàng quang, gan và tác dụng giảm mỡ máu. Canh khoai mỡ nấu khoai đồng hoặc cá, xương có tác dụng trị suy nhược, gân cốt, đau nhức cột sống.
Chú ý dùng khoai mỡ:

- Khoai mỡ hoang dã nói chung an toàn, những người mắc chứng dễ nôn không nên ăn hoặc dùng quá liều.

- Một số loại khoai mỡ như khoai Mehico có chứa hàm lượng Progesteron cao. Tránh dùng sản phẩm có ghi thành phần Progesteron tự nhiên bởi thực tế chẳng hề có thành phần này mà chủ yếu là Progesteron nhân tạo.

- Khoai mỡ có thể phản ứng với Estradiol, một loại Hocmon thường dùng trong một số thuốc tránh thai hoặc các liệu pháp Hormon.

- Phụ nữ khi đang nuôi con bằng sữa mẹ không nên dùng khoai mỡ hoang dã.

Kim Nương (Tổng hợp)
Từ nguồn Làng Việt
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Xâu Ngọc...Nước




Bên trời sương mù đã tan hẳn.

Vầng thái dương ẩn hiện sau áng mây thua, chiếu ánh sáng huy hoàng trong khoảng không gian trong tạnh.

Từng cơn gió mát lạnh từ phương nam thổi về làm rơi những hạt nước trong suốt như pha lê còn đọng ở đầu cỏ lá cây.

Cảnh vật nơi vườn Ngự sau một trận mưa mai vừa tàn, càng đượm vẻ thanh tân tươi thắm.

Nơi thềm cao của một ngôi đền vàng, một nàng công chúa tuổi còn thơ bé, ngồi trên chiếc cẩm đôn, đưa mắt thẩn thờ nhìn ngắm cỏ hoa trong thượng uyển.

Bên này nơi hồ bán nguyệt những đóa hoa sen trắng, đỏ, tươi, đẹp mịn màng xen lẫn thấp cao trên mặt nước.

Ðàng kia, chung quanh hòn giả sơn, những thứ hoa quý lạ từ bốn phương gởi về, hương sắc thanh kỳ, phô vẻ nghìn hồng muôn tía, như mỉm cười duyên dáng trước ngọn gió mai.

Xa xa, mấy gốc thùy dương dịu dàng nghiêng mình soi bóng bên dòng suối nhỏ.

Khung cảnh tuy đẹp nhưng không gợi được niềm vui cho Công chúa, vì nó đã thường với mắt nàng lắm, rồi nàng mơ mộng vơ vẩn và ước mong một cái gì khác lạ hơn nữa…

Nắng vàng nhẹ phủ lên hoàng cung.

Cảnh vật nơi vườn ngự tắm nắng triêu dương, rung động chập chờn trong làn gió sớm.

Công chúa đang thơ thẩn ngồi trông xa gần, bỗng đôi mắt nàng chăm chú vào một cảnh tượng. Từ trên mái ngói tráng men xanh, nước mưa còn đọng lại rơi xuống từng giọt đều đều, nối thành những bóng nước tròn, trôi lăn theo rãnh đá hoa trắng.

Dưới ánh chiêu dương, những bóng nước ấy lấp lánh, nổi nhiều màu sắc kỳ xảo, xinh đẹp lạ thường như những hạt ngọc tuyệt trần vô giá! Nét mặt công chúa sáng lên, nàng mỉm cười và thầm nghĩ: “Chà! những hạt ngọc kia sao mà đẹp thế! Ta đã có nhiều châu báu, nhưng chưa thấy thứ ngọc nào quý lạ bằng loại này. Giá ta có một tràng chuỗi ngọc như thế để quàng nơi cổ thì thích biết bao!”.

Nghĩ xong, như thâu thần, công chúa lại thừ người ra nhìn ngắm say sưa quên hẳn bao nhiêu vẻ tươi thắm quanh mình, mặc cho ngọn gió nam cợt đùa cùng cảnh vật.

Giọt mưa đá dứt từ trên mái ngói.

Nơi lòng rãnh đá hoa, hình dáng những viên ngọc vô giá không còn nữa.

Ðâu đây, vài tiếng chim ríu rít điểm thưa thớt, đứt khoảng trong mấy tàn cây rậm.

Vầng thái dương lên đã hơi cao, ánh vàn xiên xiên rọi nữa thềm vàng, mà công chúa vẫn còn ngồi ngơ ngẩn, tâm hồn như phiêu dạt tận nơi nào! Một tên cung nữ từ phía trong đi ra, se sẽ đến gần, cung kính thưa: có lệnh mẫu hoàng gọi.

Như chợt bình tĩnh, công chúa không đáp, nặng nề bước thẳng vào phòng rồi lên giường nằm.

Cung nữ ngạc nhiên chạy vào phía trong.

Một lát, Hoàng hậu đến phòng con, thấy trên mặt ngây thơ có vẻ bơ phờ ủ dột, tưởng rằng đứa con yêu cảm nhiễm phong hàn, nên dịu dàng han hỏi.

Vốn là con một, hằng được nuông chiều, công chúa như có dịp để nhỏng nhẽo cùng mẹ.

Vì vậy tuy biết hoàng hậu đến thăm, nhưng nàng vẫn nằm xây mặt vào trong im lặng.

Hoàng hậu lại càng hốt hoảng kịp báo tin cho đức vua. Nghe tin con bất thường, đức vua vội vàng đến thăm hỏi, công chúa cũng vẫn im lặng không đáp. Sau khi vua và hoàng hậu dỗ dành, khuyên lơn mãi, nàng công chúa thơ ngây ấy mới thuật chuyện những viên ngọc quý và nói chỗ ước vọng của mình. Nghe xong, đứa vua cười vui vẻ và bảo: Ồ! Con ta khéo vớ vẩn thì thôi! Những hạt ngọc mà con nói đó, chỉ là những bóng nước, làm sao kết được tràng chuỗi? Nhưng thôi, con hãy yên lòng, các thứ ngọc quý giá ấy ở trong kho tàng không thiếu gì, cha sẽ cho con tùy ý lựa chọn. Nói đoạn, Vua sai quan giữ kho lựa những thứ ngọc thật đẹp đem đến cho công chúa. Nhưng sau khi xem xong từ thứ ngọc này đến thứ ngọc khác, công chúa vẫn không vừa ý, nhất định đòi cho được thứ hạt ngọc mà mình đã trông thấy.

Ước vọng không thành, lòng mơ tưởng những viên ngọc tuyệt đẹp làm cho công chúa âu sầu rã rượi, không còn biết đến bao nhiêu thức ngon, vật lạ.

Bệnh của công chúa mỗi ngày mỗi nặng. Ðức Vua và Hoàng hậu vô cùng lo lắng, vì vậy thấy sự tưởng nhớ có thể làm gầy mòn và cướp mất đứa con yêu của mình.

Một buổi chầu đức vua phán hỏi các quan làm thế nào cho công chúa hết bệnh? Tất cả triều thần đều nhìn nhau lặng thinh. Ngài lại hạ chiếu cho đòi những người thợ chuốt ngọc tài giỏi vào triều và hỏi có thứ ngọc nào như những bóng nước lấp lánh ngũ sắc để làm tràng chuỗi cho công chúa?

Tất cả thợ ngọc đều tâu không thể nào tìm được thứ ngọc như thế. Sau cùng, đức vua cho truyền rao khắp trong nước: Nếu người nào làm cho công chúa hết bệnh, sẽ được thưởng nghìn vàng.

Trong khi giờ khắc lặng lẽ trôi qua mà cứu tinh vẫn vắng bóng, vì lòng thương con, người cha hiền ngồi đứng không yên, muôn phần áo não.

Một buổi sáng tinh sương, có người thợ chuốt ngọc tuổi già, râu tóc bạc phơ; xin vào ra mắt, sau khi bái yết xong người thợ già quỳ xuống tâu: "Muôn tâu Hoàng thượng! Bệnh của công chúa là một tâm bệnh, không thể dùng thuốc thang điều trị. Muốn cho hết bệnh lành, tất phải làm thỏa nguyện vọng của người ốm. Nhưng có điều khó: bóng nước không thể kết làm tràng chuỗi được".

Tuy nhiên, thần đã có phương chước làm cho công chúa hết bệnh. Như trút được gánh nặng, đức vua vô cùng mừng rỡ, liền đến phòng con âu yếm bảo: “Hôm nay có người thợ già hứa sẽ xỏ được xâu chuỗi ngọc ấy cho con. Thôi, con đừng buồn rầu nữa”. Lời nói ấy quả có một hiệu lực phi thường: trên gương mặt xanh xao tiều tụy của người bệnh nở nụ cười và cơn trầm kha bỗng dưng như tiêu tan đi đâu mất.

Một dịp may, sáng hôm sau, trời vần vũ đổ mưa xuống. Khi trận mưa vừa tạnh, những bóng nước cũng trôi nơi lòng rãnh đá hoa như hôm nào.

Người thợ già tâu vua xin mời công chúa ra trước thềm điệu vàng và thưa: “Tôi tuổi già, đôi mắt đã mờ, không phân biệt được vẻ tốt xấu.Xin công chúa tuỳ ý lựa hạt ngọc nào đẹp nhất, tôi sẽ xỏ cho”. 

Nhưng bóng nước vẫn là chất mong manh, vừa chạm đến liền tan ngay, công chúa hết vớ bóng này đến bóng khác, kết cuộc đã mệt nhọc mà chẳng được chi cả.

Người thợ già hỏi: “Thế nào? Những hạt ngọc ấy ở đâu?”. Công chúa ngẩng lên nhìn người thợ, rồi quay lại nhìn vua cha, đáp: “Xin phụ vương ban cho con tràng chuỗi bằng tử kim, vì thứ ấy rất chắc rơi xuống gạch đá không vỡ. Còn những thứ này chỉ có dáng bên ngoài, nhưng lại giả dối mong manh, con không thể lấy được và không còn thấy ưa thích nữa”.

Ðức vua dịu dàng bảo: "Thì nó chỉ là những bóng nước thôi con ạ”. Như tỉnh ngộ ra, công chúa lộ vẻ e thẹn cúi đầu giữa nụ cười kín đáo của đoàn cung nữ…

Ðức Phật bảo A Nan và đại chúng:

“Tất cả pháp hữu vi đều vô thường, không thật như bóng nước chóng tan, như ánh nắng chập chờn giữa trời mưa mà loài nai khao khát lầm tưởng là nước cứ đuổi theo mãi. Sắc thân ngũ ấm cũng như thế chính tự thân còn không giữ được, huống là cảnh vật bên ngoài. Phàm phu trong lúc vì tự thân đi tìm hạnh phúc, chỉ đuổi theo bóng hình giả dối, mong manh, sống mãi trong vòng ước vọng, kết cuộc không được sự vui chơn thật, lại phải chịu bao nhiêu điều thống khổ, không khác chi trường hợp của nàng công chúa. Nếu chúng sanh nào xét biết ấm thân vô thường, dứt trừ phiền não huyễn tưởng, tất sẽ chứng được tánh thể vắng lặng, yên vui, không còn xoay lăn trong vòng sinh tử nữa!”.

Ðoạn đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:


Nên quán tưởng bóng nước,
Và ánh nắng chập chờn
Như thế quán tưởng thân,
Sẽ thoát vòng sanh tử.

Theo MaxReading.com
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Nguyệt - Trần Nhân Tôn

          NGUYỆT
Trần Nhân Tôn (1258 - 1308)


Bán song đăng ảnh mãn sàng thư
Lộ trích thu đình dạ khí hư
Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ 


Dịch Xuôi : TRĂNG
PKT 07/11/2014


Bóng đèn chiếu sáng, bên song cửa nửa mở , sách đầy giường
Sương thu rơi ngoài sân vắng , khí trời đêm thoáng mát
Ngủ dậy , tiếng chày văng vẳng , không biết từ thôn xóm nào
Vầng trăng vừa lên trên cành hoa mộc tê  


Các Bản Dịch 

TRĂNG
PKT 07/11/2014 


Nửa song, đèn sáng , sách đầy giường ,
Hiên đọng sương thu, đêm nhẹ buông.
Thức giấc , tiếng chày đâu đó động ,
Trăng lên , chùm quế , nguyệt lồng gương. 

Chú Thích :

(1) Châm thanh = tiếng chày giặt quần áo. Ngày xưa , giặt quần áo , nhúng nước rồi lấy chày đập cho sạch.
(2) Mộc tê hoa = hoa mộc tê , còn gọi là hoa quế , thường thấy ở các đình chùa và ở nơi ẩn dật của các thiền giả. 


Lời Thêm : Vua Trần Nhân Tôn chẳng những  còn là một vị anh quân , đời Trần, lãnh đạo toàn dân, 2 lần đại thắng Nguyên Mông, mà còn là sư tổ dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nước ta, để lại cho đời 4 câu kệ : "Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ cơ tắc xan hề khốn tắc miên/gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền ". Dịch xuôi : Sống đời vui đạo hãy tùy duyên/ ăn ngủ hòa theo lẽ tự nhiên/ Phật ở trong tâm, đừng kiếm nữa/ an nhiên tự tại hỏi chi thiền .Thiển nghĩ , nói một cách giản dị , nếu tu là để tìm cách sao cho được sống vui, thì tin là chỉ cần cố gắng sống theo 4 câu kệ này là đủ. Cầu chúc sống vui. PKT 07/11/2014   

                   TRĂNG  
Song khép nửa,đèn soi giường sách
Sương Thu rơi phủ lạnh màn đêm
Tiếng chày vọng đến bên thềm
Cành hoa quế đón trăng lên Nguyệt lồng

                                         SONG QUANG
 

               TRĂNG 
Đèn soi nửa cửa, sách đầy giường
Sân thu thoáng mát, đẫm hơi sương
Giữa đêm nghe tiếng chày xa vẳng
Ngọn quế vương đầy ánh nguyệt buông.
                       Phương Hà phỏng dịch 

                         Trăng  
          Cửa hờ chỏng sách đèn soi 
   Đêm thu sân vắng mát trời trăng sao 
         Tiếng chày ai vọng xóm nào 
Rung cành hoa quế cồn cào vầng trăng
                                     Trầm Vân 
          月 
半窗燈影滿床書, 
露滴秋庭夜氣虛。 
睡起砧聲無覓處, 
木樨花上月來初。

           Nguyệt 
Bán song đăng ảnh mãn sàng thư, 
Lộ trích thu đình dạ khí hư. 
Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ, 
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.  

Dịch Nghĩa: Trăng

Cửa sổ nửa khép nửa mở, ánh đèn chiếu chiếc gường để đầy sách
Sương rơi ngoài sân khiến đêm thu như hư ảo
Mới thức dậy đã nghe tiếng chày giặt giũ không biết từ nơi đâu
Trăng vừa lên nằm trên cành hoa quế 

Dịch Thơ:  
             Trăng  
Chỏng sách đèn soi nửa cửa hờ
Đêm thu sân lạnh phủ sương mờ
Vẳng đâu tỉnh giấc chày ai vọng
Cánh quế đùa hương đón trăng tơ. 
                                      Quên Đi  
* Xin bàn thêm về câu:
Bán song đăng ảnh mãn sàng thư
 
Theo như tựa bài thơ là Nguyệt, ý của câu trên có thể là:
- Qua cửa sổ nửa khép nửa hở, ánh trăng như ngọn đèn chiếu vào chiếc giường đầy sách.

---- 
            Trăng 
 Cửa hé đèn soi sách lộ bày 
Sân thu đêm ảo hạt sương bay 
Vẳng xa chày nện trong thanh vắng 
Vắt vẻo trăng treo ngọn quế ngoài 
                          Kim Phượng
----
(Theo huynhhuuduc.blogspot.com)

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Như Thật



Ni Sư Thích Nữ Triệt Như
Hội Thiền Tánh Không
Sưu tầm: Tuệ Nghiêm

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Tâm Xuân




Người qua một giấc Đông miên
Trở mình tỉnh thức.. ngoài hiên Xuân về
Gió xuân lay nhánh Bồ đề
Chắp tay sen, chợt bốn bề ngát hương! 

Xuân về xin gửi tình thương
Chan hòa tựa ánh triêu dương rạng ngời
Xuân thiêng liêng giữa đất trời
Ước nguyền đây đó muôn người lạc an.

Chuông chùa huyền diệu ngân vang
Lay cành Mai dậy nở vàng trước hiên.
Chúa Xuân trong cõi Trạm Nhiên
Khoan thai nhẹ bước.. bình yên vào đời,

Thắp mùa xuân giữa môi cười
Thắp Tâm Xuân để lòng người mãi xuân.


Thích Tánh Tuệ
Từ nguồn: suonglamportland
Sưu tầm: Hoa Nghiêm

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Người Tư Tưởng & Tư Tưởng



Thế giới nầy không khác gì bản thân chúng ta - thế giới nầy chính là bản thân của chúng ta. Thế  
nên, một điều đơn giản là: nếu chúng ta thay đổi, mỗi người chúng ta thay đổi, thì chúng ta sẽ thay đổi được toàn thế giới. Thậm chí nếu chỉ một người trong chúng ta thay đổi, thì đó cũng là một gợn sóng lăn tăn làm thay đổi thế giới này. Những điều tốt đẹp là một cái gì đó rất dễ lây lan.

 Ở trường học, mỗi người trong chúng ta đều được học nghệ thuật sống, tuy nhiên mỗi người trong chúng ta cần phải nghiên cứu học hỏi về chính đời sống của bản thân mình.

Cuộc sống khiến mọi chúng ta đều phải đau khổ, những cô đơn, những bối rối, những lo âu, những thất bại, những chán nản, những thất vọng. Cuộc sống khiến mọi người chúng ta đều phải đau khổ, những nghèo đói, những bệnh tật, những bạo lực, những chiến tranh. Chúng ta được học hỏi nhiều điều trên thế gian này, nhưng hiếm khi nào chúng ta được học cách đối mặt với những xáo trộn và những tổn thương của cuộc đời.

Nếu bạn chỉ đơn giản là cố trốn thoát khỏi những đau đớn về tâm hồn bằng cách lạm dụng ma túy, các chất gây nghiện, giải trí, tình dục, công việc, thì những đau đớn đó vẫn luôn tồn tại, cuối cùng bạn sẽ kiệt sức vì sa vào thói nghiện ngập. Hiểu được cái tôi của chính mình, hiểu được tiến trình của những sợ hãi, những khát vọng, và những tức giận – tâm hồn bạn sẽ tự giải thoát những nỗi thống khổ này…

Jiddu Krishnamurti




NGƯỜI TƯ TƯỞNG VÀ TƯ TƯỞNG

Trong tất cả mọi kinh nghiệm chúng ta luôn luôn hiện hữu, người thể nghiệm, người quan sát, người thu góp cho mình thực nhiều kinh nghiệm hoặc là tự phủ nhận chối bỏ mình. Phải chăng đó chỉ là một biến trình sai lầm và chỉ là một sự đeo đuổi phù phiếm không thể nào đem đến trạng thái sáng tạo được ? Nếu đó là một tiến trình sai lầm, chúng ta có thể nào bôi xóa tiến trình ấy một cách toàn triệt và xua hẳn nó qua một bên, không màng biết tới ? Điều ấy chỉ có thể thực hiện khi nào tôi thể nghiệm, không phải như một tư tưởng gia thể nghiệm, mà phải thể nghiệm như chính lúc tôi ý thức được tiến trình sai lầm ấy và thấy rằng chỉ có một trạng thái duy nhất, trạng thái đồng nhất giữa người tư tưởng và điều tư tưởng.

Khi nào tôi còn thể nghiệm một sự việc nào đó, khi nào tôi còn trở nên một cái gì đó, tất nhiên phải có hành động chia hai đối nghịch ; tất nhiên phải có sự đối lập giữa người tư tưởng và điều tư tưởng,  hai tiến trình ly cách vận hành tác động ; không thể nào có sự nhất trí đồng thể được, mà chỉ luôn luôn có sự tác động của một trọng điểm xuyên qua ý chí của hành động, muốn hiện thể hay không hiện thể trên bình diện tập thể, cá thể quốc gia, vân vân. Đại thể tiến trình xảy ra như vậy. Khi nào nỗ lực còn chia xẻ ra làm thành người thể nghiệm và điều thể nghiệm thì tất nhiên phải có sự thoái hóa suy sụp. Sự thuần nhất toàn bộ chỉ có thể thực hiện khi người tư tưởng không còn là người quan sát . 

Nói rõ hơn, hiện giờ chúng ta biết rằng có hai thực thể đối nghịch : người tư tưởng và điều tư tưởng, người quan sát và điều quan sát, người thể nghiệm và điều thể nghiệm ; đó là hai trạng thái cách biệt tương khắc. Nỗ lực chúng ta là nối kết lại hai thực thể gián cách này.

Ý chí hành động luôn luôn gây ra tinh thần nhị nguyên. Chúng ta có thể nào vượt qua ý chí phân ly này để khám phá ra một trạng thái mà hành động nhị nguyên không còn tác động nữa ? Điều này chỉ có thể tìm thấy được khi chúng ta trực tiếp thể nghiệm trạng thái nhất thể mà người tư tưởng và điều tư tưởng chỉ là một, không khác nhau nữa. Chúng ta thường quan niệm rằng người tư tưởng khác biệt với tư tưởng ; nhưng thực sự có phải thế không ? Chúng ta muốn quan niệm rằng sự thực là thế, bởi vì nếu quan niệm như vậy thì người tư tưởng mới có thể cắt nghĩa giải thích những vấn đề bằng tư tưởng của mình. Nỗ lực của người tư tưởng là trở thành một cái gì lớn hơn hoặc một cái gì nhỏ hơn ; do đó, trong sự tranh đấu như vậy trong hành động của ý chí như thế, trong sự “trở thành”, luôn luôn phát xuất thành tố suy đồi phân tán ; chúng ta đeo đuổi một biến trình sai lầm, chứ không phải một biến trình chính xác.

Có sự phân biệt chia đôi nào đó giữa người tư tưởng và tư tưởng không ? Khi mà người tư tưởng và tư tưởng còn bị phân đôi ly cách thì nỗ lực chúng ta chỉ là phù phiếm, không có ích lợi gì cả, chúng ta đã đeo đuổi một biến trình sai lầm phá hoại, một yếu tố đồi trụy. Chúng ta nghĩ rằng người tư tưởng khác biệt với tư tưởng của hắn. Khi tôi thấy rằng tôi gian tham, chiếm hữu, phũ phàng, tàn bạo, tôi liền nghĩ rằng tôi không nên thế. Rồi người tư tưởng cố gắng thay đổi tư tưởng mình, và thế là xuất phát nỗ lực muốn thành đạt, trở nên, “trở thành” ; trong tiến trình nỗ lực như vậy, người tư tưởng ôm ấp ảo tưởng sai lầm rằng có hai tiến trình sai biệt, nhưng trái lại thực ra chỉ có một tiến trình duy nhất thôi. Tôi nghĩ rằng ảo tưởng sai lầm ấy là mầm móng yếu tố căn bản của sự thối hóa đồi trụy.

Mình có thể nào thể nghiệm trạng thái đồng nhất thể, một thực thể duy nhất, chứ không phải hai tiến trình ly cách, kẻ thể nghiệm và điều sở nghiệm ? Chỉ có thế có lẽ chúng ta mới tìm thấy thế nào là sáng tạo, thế nào là trạng thái không thối hóa đồi trụy trong bất cứ thời gian nào, trong bất cứ tương quan nào mà con người còn có thể liên hệ.

Tôi gian tham. Tôi và tính gian tham không phải là hai trạng thái khác nhau ; chỉ có một trạng thái duy nhất, đó là sự gian tham. Nếu tôi ý thức được rằng tôi gian tham thì những gì sẽ xảy ra ? Tôi cố gắng không gian tham, vì những lý do xã hội hoặc vì những lý do tôn giáo ; chính nỗ lực ấy sẽ luôn luôn lệ thuộc trong một phạm vi nhỏ bé giới hạn ; tôi có thể khai triển phạm vi ấy, nhưng nó vẫn luôn luôn là một phạm vi giới hạn. Thế là yếu tố sa đọa đồi trụy vẫn còn đó. Nhưng khi tôi nhìn sâu hơn, nhìn gần hơn, tôi sẽ thấy rằng người nỗ lực, người cố gắng chính là nguyên nhân của sự gian tham và chính hắn là hiện thân của sự gian tham rồi ; tôi cũng thấy rằng không có cái “tôi” và sự gian tham, hai thực thể hiện hữu cách biệt nhau, mà chỉ có một thực thể duy nhất, đó là sự gian tham. Nếu tôi ý thức rằng tôi gian tham, rằng không có một người quan sát có tính gian tham, nhưng chính tôi là tính gian tham, nếu ý thức được như vậy thì toàn thể vấn đề chúng ta sẽ hoàn toàn khác hẳn, sự đáp ứng của chúng ta đối với vấn đề sẽ hoàn toàn khác hẳn ; lúc ấy, nỗ lực chúng ta sẽ không còn mang tính cách phá hoại nguy hiểm nữa.

Các ngài sẽ làm gì khi toàn thể hiện thể các ngài là sự gian tham, khi bất cứ hành động nào của các ngài chỉ là sự gian tham ? Thực là bất hạnh ; chúng ta không hề suy tư theo đường lối này. Cái “tôi” vẫn hiện hữu thực thể tối cao, người lính canh gác, kiểm soát , cai trị. Đối với tôi, tiến trình này rất khốc hại. Nó là một ảo ảnh và chúng ta đều hiểu tại sao chúng ta vẫn làm thế. Tôi tự chia cắt mình ra hai phần, phần cao và phần thấp để có thể tiếp diễn liên tục. Nếu chỉ có gian tham thôi, hoàn toàn chỉ có thế thôi, chứ không phải “tôi” tác động trên sự gian tham ấy, mà chính tôi hoàn toàn là sự gian tham, vậy thì cái gì sẽ xảy ra ? Hiển nhiên lúc ấy một tiến trình hoàn toàn khác hẳn sẽ vận hành, một vấn đề khác hẳn sẽ thành hình. Chính vấn đề này mới có tính cách sáng tạo, không còn cảm thức về “tôi” ngự trị, trở nên, thành đạt, một cách tích cực hay tiêu cực. Chúng ta phải đạt đến trạng thái này nếu chúng ta muốn có được tinh thần sáng tạo. Trong trạng thái này, không còn kẻ nỗ lực, không còn người cố gắng. Đây không phải là vấn đề chuyển đạt suông bằng lời lẽ ngôn từ hay cố gắng tìm hiểu trạng thái ấy là gì, nếu các ngài khởi sự tìm hiểu trạng thái ấy bằng đường lối ấy thì các ngài sẽ đánh mất nó ngay và các ngài sẽ không bao giờ tìm thấy được. Điều quan trọng là thấy rằng người nỗ lực và đối tượng mà nỗ lực ấy hướng tới chỉ là một, không khác nhau. Muốn thấy được như vậy mình phải có ý thức giao cảm phi thường, tinh tường tỉnh thức, nhìn ngắm sự vận hành của tâm trí trong việc phân chia ra làm hai thực thể tương phản, thực thể ở trên và thực thể ở dưới ; thực thể thường còn, nhưng đó vẫn là một tiến trình tư tưởng và lệ thuộc vào thời gian. Nếu chúng ta có thể hiểu được điều này, hiểu bằng kinh nghiệm, trực tiếp, thì lúc ấy ngài sẽ thấy rằng một yếu tố khác biệt hẳn được thành hình.

Nguồn: https://sites.google.com/site/tudodautienvacuoicung/chuong-xv-nguoi-tu-tuong-va-tu-tuong

Sưu tầm: Giới Nghiêm

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Sân Khấu Cuộc Đời



Xướng

Tự nhủ
Sân khấu cuộc đời đóng nhiều vai
Đừng quên cố gắng diễn thật hay
Dù cho thay áo xiêm, vị trí
Tự biết trong tâm một bản hoài

Hoàn hảo rất cần nơi tỉnh giác
Lắng nghe, suy nghĩ, chú tâm ngay
Sau cánh màn nhung, khi khép lại
Ai cần chi đến tiếng vổ tay !

NP

Họa

Hoàn hảo

Ai cần chi đến tiếng vổ tay!
Cớ sao phải gắng diễn cho hay?
Ngay đây ta sống, không mộng ảo
Vì biết trăng kia vẫn sáng hoài

Thực tại đang là, luôn hoàn hảo
Pháp đến rồi đi, chỉ thế thôi
Vị tha thuận pháp, đời tươi đẹp
Nở nụ cười hoa, lúc xuôi tay!

NT

Đăng bởi Cội Nguồn
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Sống Bình An và Hiến Tặng Bình An



Trong các phương diện biếu tặng giữa con người, đem lại sự bình an, không nguy hiểm cho đời là sự biếu tặng nhẹ nhàng, sâu sắc, không phô trương, không hình tướng nhưng có tác động vô cùng tích cực và lâu dài đến xã hội ta đang sống. Nếp sống đạo đức của mỗi cá nhân là chất liệu làm nên món quà tặng tuyệt vời này. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, con người có xu hướng thiên trọng vật chất, cứ ngỡ đó là chìa khóa đưa đến hạnh phúc cho mình, nên không mỏi mệt lao vào vòng xoáy của vật chất mà xem nhẹ giá trị đạo đức xã hội. Thế rồi khi mệt nhoài trên con đường danh lợi, họ bế tắc và hiểu ra giàu có không liên quan nhiều đến hạnh phúc của người sở hữu nó. Những ai kịp nhận ra “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” (Trịnh Công Sơn) sẽ biết chuyển hướng đi tìm một hệ giá trị khác liên hệ nhiều hơn đến hạnh phúc thật sự. Đạo Phật mở ra một hướng nhìn mới cho tất cả: tìm hạnh phúc nơi chính bản thân mình chứ không phải thứ hạnh phúc gắn trên mớ vật chất trần gian tạm bợ ngoài kia. Đức Phật xác định trách nhiệm bản thân đối với cá nhân mỗi người cũng như đối với cộng đồng xã hội là nền tảng cơ bản để xây dựng một xã hội an hòa và hạnh phúc. Ngài tuyên bố, người có đức hạnh không chỉ đem an lạc cho mình, mà còn đem lại an lạc cho cha mẹ, cho vợ con, cho các người phục vụ, cho các người làm công, cho bạn bè thân hữu (Tương ưng bộ kinh, Tập I, chương III, phẩm II, kinh số 9: Không con). Đây là cách đức Phật khuyến khích mỗi con người hiến tặng cho đời sự bình an qua bức thông điệp mang giá trị đạo đức và nhân bản siêu tuyệt của đạo Phật. Sau đây là một số giải pháp gợi ý để chúng ta kiến tạo một đời sống bình an, đồng an hiến tặng sự bình an ấy để chung tay xây dựng một cuộc sống lành mạnh trong cộng đồng.

Sử dụng thời gian hợp lý vào những việc có ích

Thời gian sống của mỗi người trên cuộc đời này là có hạn. Cuộc sống vô thường, không ai biết quỹ thời gian kiếp người của chúng ta còn được bao nhiêu. Cơ hội làm người thật hiếm hoi, quý báu, như con rùa mù giữa biển cả mênh mông tìm được bộng cây trôi nổi trên mặt biển mà chui vào (Tương ưng bộ kinh, tập V, chương XII, phẩm V, kinh Lỗ khóa). Đức Phật cũng răn nhắc chúng ta rằng, số người sau khi mất thân này mà được làm người trở lại ít lắm, ít như đất trong móng tay so với quả đất to lớn chúng ta đang sống (Tăng chi bộ kinh, Chương I, phẩm XIX, mục 18-20). Vì vậy, thời gian là vốn liếng quý giá nhất mà con người có được, vì tất cả những tài sản khác có được đều có sự đóng góp của yếu tố thời gian. Thêm vào đó, bất cứ tài sản thế gian nào, mất đi còn có cơ hội tìm lại hoặc làm lại, riêng thời gian một khi mất đi, không ai và không có cách nào tìm lại được. Do vậy, trong thời gian được sống với thân phận con người, sử dụng thời gian hợp lý vào những việc lợi ích là cách sống khôn ngoan nhất được đức Phật khen ngợi. Ngài cảnh tỉnh mọi người rằng, lúc tuổi trẻ, nỗ lực tu phạm hạnh (đối với người xuất gia), nỗ lực đầu tư chí thú làm ăn (đối với người tại gia), chứ một khi tuổi già đến, như cây cung bị gãy, chẳng thể làm được gì (Kinh Pháp cú, câu 156).

Đức Phật là một điển hình về việc sử dụng thời gian hiệu quả nhất trong cuộc sống. Ngài rất khéo trong việc dùng thời gian của mình để tạo an lạc cho bản thân và giúp người khác sống an lạc như mình. Nhìn những sinh hoạt một ngày của đức Phật được ghi lại trong kinh sách, ta có thể thấy Ngài đã dành trọn vẹn thời gian để hoạt động tích cực và nhiệt thành vì hạnh phúc và an lạc của người khác đến mức nào. Với tâm từ rộng lớn, Ngài dành phần lớn thời gian với công việc giúp mọi người phương pháp sống hạnh phúc trong chánh niệm, ngoại trừ những lúc cần phải dành cho vài nhu cầu cá nhân thiết yếu tối thiểu. Công việc của Ngài được sắp xếp rất khoa học, nề nếp, mực thước, vừa an trú thiền định, vừa giúp người nghệ thuật sống an lạc, và cứ thế duy trì cho nếp sinh hoạt ấy cho đến trọn đời. Bên trong, Ngài chánh niệm, tĩnh tâm và chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Bên ngoài, Ngài không mệt mỏi phục vụ tha nhân, nâng đỡ tinh thần, nuôi dưỡng tâm linh của chúng sanh trong khắp thế gian. Ý thức về sự quý báu của thời gian, Ngài vẫn luôn nhắc khuyên các đệ tử luôn tỉnh giác, không ngừng nỗ lực thực hành pháp để đoạn trừ lậu hoặc, không luận ngày hay đêm (Kinh Pháp cú, câu 226). Trong lời giáo huấn cuối đời, Ngài ân cần khuyên nhắc các đệ tử hãy siêng năng tinh tấn, không tụ tập lại để hý luận chuyện đời không liên hệ đến mục đích giải thoát, đừng để thời gian qua luống, mà uổng phí một đời (Trường bộ số 16: Kinh Đại bát Niết bàn).

Đức Phật khéo léo dạy các đệ tử của Ngài về cách sử dụng thời gian vào việc có ích. Ngài không khuyến khích người khác bàn luận tranh cãi những vấn đề không thực tế, thể hiện qua việc Ngài yên lặng không trả lời những câu hỏi siêu hình là một điển hình. Ngài từng tuyên bố, những gì Ngài biết như lá trong rừng, còn những gì Ngài tuyên thuyết với chúng đệ tử như nắm lá simsapā Ngài đang cầm trong tay (Tương ưng bộ kinh, tập V, chương XII, phẩm IV, kinh Simsapā). Điều này cho chúng ta thấy tâm từ vô lượng của Ngài dành cho người học pháp, không muốn mọi người mất thời gian quờ quạng kiếm tìm những điều không liên hệ đến mục đích giải thoát, nên Ngài chọn những gì tinh túy nhất, trực tiếp liên hệ đến mục đích giải thoát, thiết thực nhất để mọi người thực hành đem lại hiệu quả nhất. Một điển hình khác nữa về cách đức Phật trân quý thời gian là Ngài không khuyến khích các đệ tử sử dụng thần thông biến hóa, biểu diễn những điều kỳ lạ để thu hút sự tò mò của người không có trí, mà chỉ nên chú trọng đến phương diện giáo dục, giúp người khác chuyển hóa tâm theo hướng tích cực và thiện lành (Trường bộ kinh số 11: Kinh Kevaddha; Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm VI, kinh số 60). Theo Ngài, tất cả những điều này, cũng như các điều khác có tính chất tương tự, chỉ đưa con người đến chỗ tranh luận, tranh cãi, hý luận nhau, mất hết thời gian quý báu, lại gây phiền toái cho tâm, không đem lại lợi ích thiết thực nào trên con đường thực hành pháp cả. Để có sự bình an vững chắc và lâu dài, chúng ta phải dành trọn thời gian đặt mình vào quỹ đạo sống theo lời Phật dạy: “không làm các điều ác, gắng làm các điều lành, giữ tâm ý trong sạch” (Kinh Pháp cú, câu 183).

Thời gian là chất liệu làm nên cuộc sống, mà giá trị cuộc sống không phải được đo bằng bao nhiêu năm ta sống trên cuộc đời này, mà tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng thời gian trong hiện tại để làm nên chất lượng và ý nghĩa cuộc sống. Bánh xe thời gian cứ một chiều đi tới, quỹ thời gian riêng của mỗi cá nhân chúng ta đang cạn dần, như ánh mặt trời đang dần đi về cuối trời Tây. Đời người cũng vậy, cuộc sống phía trước ngắn dần, đi dần về điểm đến cuối cùng và dừng lại khi ta giã từ cuộc sống. Là người biết tu học Phật, chúng ta cần trân quý thời gian để thực hành pháp, nhằm có nội lực để chế tác niềm an vui, bình an thật sự cho bản thân mình, đồng thời có khả năng hiến tặng sự bình an cho người khác.

Tập tha thứ và buông xả

Với tâm lý thường tình, ta sẽ chấp nhận, là con người, ta có đầy đủ hỷ nộ ái ố, ta có quyền giận người nếu ta đúng, người sai. Rất nhiều người trong chúng ta quan niệm rằng giận đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng nơi và thể hiện đúng cách, đúng mức độ thì có gì sai! Đức Phật không có chủ trương “giận đúng” mà trong mọi trường hợp, giận là sai. Ngài dạy rằng, “(một người nên từ bỏ giận, xa lìa kiêu ngạo và vượt qua mọi trói buộc. Khổ sẽ không đến với người nào không tham chấp thân hay tâm. Một người biết kiểm soát cơn giận cũng như người đánh xe kiểm soát được bánh xe đang lăn tới, ta gọi người đó mới đúng là người đánh xe giỏi” Kinh Pháp cú, câu 221-222). Hễ giận thì ta là người chịu thiệt thòi trước tiên và chịu thiệt thòi nhiều nhất, nên đức Phật rất đúng khi nói rằng, đã giận là không bao giờ đúng. Khi ôm ấp hận thù, ta đang nuôi dưỡng trong tâm những tâm lý tiêu cực bệnh hoạn và bệnh này phát tán rất nhanh trong cơ thể, “di căn” khắp thân và tâm, gây tổn thương lớn về sức khỏe và tinh thần. Tệ hơn nữa, những tâm lý tiêu cực này có thể làm cho chúng ta mất ăn, mất ngủ; nếu “bệnh” nặng hơn nữa, chúng ta sẽ bị “nhiễm độc” và trở thành người chứa đầy tư tưởng, hành động và lời nói độc ác, hồ đồ, có những hành động điên rồ, nông nổi và có thể gây hậu quả không lường. Hãy học kiên nhẫn nhiều hơn và tha thứ, bao dung hơn với con người và cuộc đời, vì đây là cách tự thương yêu mình hiệu quả nhất. Ta buồn giận, ta tự gây đau khổ cho mình chứ không phải người khác. Ta buồn giận, ta tự đày đọa thân tâm mình chứ không thể đày đọa người khác. Học cách tha thứ là liều thuốc đặc trị cho bệnh hiềm hận vậy. Nước đổ về xuôi, dòng sống tuôn chảy, thời gian thoáng qua, cuộc đời có bao lâu mà giận hờn, để bụng cho nặng lòng nhau, mà mình cũng tạo nghiệp xấu ác để rồi phải nhận lấy quả khổ trong hiện tại cũng như tương lai. 

Tha thứ là một kỹ năng, một nghệ thuật sống để giữ tâm an tịnh và thân khỏe mạnh. Muốn có nội tâm tĩnh lặng mà ôm lòng thù hằn, là cứ chọc khuấy vết thương ngày một nặng thêm mà mong vết thương liền sẹo lành lặn là điều không thể có, chẳng khác nào nấu đá mong thành cơm. Tha thứ không có nghĩa là chúng ta bôi xóa quá khứ, hay quên đi những gì đã xảy ra, hoặc tự tạo một ảo giác như thể mình cao thượng và có thể bỏ qua chuyện xưa nhưng khi gặp một yếu tố nào đó liên quan đến người xưa chuyện cũ, bao hiềm hận khổ đau ngủ ngầm trong lòng lâu này lại ùa nhau trỗi dậy. Tha thứ cũng không có nghĩa là làm cho người kia thay đổi hành vi, vì chúng ta không kiểm soát được người khác nên đó là điều không thể. Tất cả chỉ có nghĩa là ta đang mở cửa lòng buông xả những hờn giận, hay buông đi cay đắng và nỗi đau, để chuyển sang đón những luồng gió mới từ một miền tốt đẹp an vui hơn. Biết người khác tức giận mà ta không ôm chấp buồn giận, giữ tâm an tịnh, nghĩa là ta đã là một vị thầy thuốc có khả năng chữa bệnh cho cả hai (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương XI, phẩm I, kinh số 4: Kham nhẫn). Khi ấy, thân ta khỏe mạnh, tâm ta lành lặn và an tịnh, thế giới bình yên.

Sai lầm là điều không ai muốn nhưng nó vẫn xảy ra và nghiễm nhiên trở thành một phần của cuộc sống. Học cách tha thứ là tập chấp nhận một thực tế rằng chúng ta đang sống trong một thế giới không hoàn hảo và rằng ai cũng có thể phạm sai lầm, không lúc này thì khi khác. Tha thứ, trước hết, là đem lại hạnh phúc cho bản thân mình. Một khi buồn phiền, giận hờn, lòng ta nặng như mang đá. Mang lè kè túi đá nặng trong mọi lúc, mọi nơi, mang cả vào giấc ngủ, mang theo cả lúc ăn, thì nặng nề, bức bách vô cùng. Bởi vì mang càng lâu càng mỏi, cảm giác túi đá ngày một nặng thêm, chi bằng ta đặt túi đá giận hờn, buồn phiền ấy xuống, lòng ta khỏe nhẹ, thanh thản, hạnh phúc biết dường nào. Cảm nhận được sự bất an nếu cứ ôm nỗi hiềm hận trong tâm, người khôn ngoan biết tha thứ cho bản thân mình và cả cho người đã làm tổn thương mình. Đây là món quà cao quý và độc đáo ta dành tặng cho cả hai: chính bản thân mình và người đã làm ta phiền giận. Tha thứ là ta tự tặng cho mình cơ hội để nuôi lớn lòng bao dung và niềm tin vào sự tốt đẹp ở người khác và xã hội. Tha thứ là ta ban tặng cho người cơ hội để sửa sai, làm mới. Cũng như bản thân mình, sai sót là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, biết nghĩ đến điều này mà tha thứ cho người là ta đã biết cách đem lại hạnh phúc cho cả hai. Lợi ích nhiều hơn là tha thứ có công năng đưa ta trở về với nguồn tâm tĩnh lặng của mình, lòng nhẹ tênh và thênh thang như gió.

Hằng Như
Theo hang-nhu.blogspot.com
Sưu tầm: Hoa Nghiêm

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Cư Trần Lạc Đạo Phú 1


Mình ngồi thành thị;
Nết dụng sơn lâm.
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính;
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý;
Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Chơi nước biếc ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý;
Biết đào hồng hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm.
Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng;
Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.
Lo hoán cốt ước phi thăng, đan thần mới phục;
Nhắm trường sinh về thượng giới, thuốc thỏ còn đam.
Sách dễ xem chơi, yêu tính sáng yêu hơn châu báu;
Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim.


Chữ Nôm:
第一會
命憹城市
涅用山林
怺業朗安閑體性
姅挧耒自在身心
貪愛源停,庄群汝珠腰玉貴
是非曢朗,特油牐燕說鶯吟
制搩碧隱筃籑,人間固饒勜得意
別桃紅処柳綠,天下能某主知音
月白暈青,芁每祖禪河淶焔
柳綿花岹,屹群生慧日森林
慮換骨約飛升,丹神買服
咅長生衛上界,徃兔群耽
冊易娂制,腰性瞆腰欣珠寶
經閒讀酉,重峼耒重女黃金

Nguồn: Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1977


Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Vô Tâm: (hiểu cho đúng nghĩa Thiền...)...-VẠN PHÁP QUI TÂM



Yếu tố vô tâm đóng một vai trò quan trọng trong Thiền Vipassanā cũng như trong Thiền Tông. Nói vô tâm chỉ để cảnh giác những người hành thiền vì có tâm, trước ý, có ý đồ, có dụng tâm mà rơi vào tham ưu (abhijjhā domanassa), chấp thủ (upādāya) như kinh Mahā Satipaṭṭhāna đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trong thiền vipassanā chánh niệm tỉnh giác phải tự nhiên, không nên cố ý dụng tâm kiểm duyệt, mong cầu hay thoả mãn, vì như vậy cái tôi tham ưu đã có cơ hội xen vào. Đối tượng cũng phải tự nhiên, không nên cố ý dựng đối tượng thế này thế kia theo ý mình để cố gắng an tâm hay lăng xăng kiếm tâm, tìm pháp. Một khi đã dựng đối tượng thì lập tức nó đã biến thành khái niệm paññatti, không còn là thực tánh paramattha nữa. Nếu không thông suốt điều này thì hành thiền chỉ để phí công làm trò chơi cho bản ngã.

Cũng chính vì lý do này mà Thiền Tông nhấn mạnh yếu tố vô tâm, như nói “Vô tâm đạo dị tầm”, “Học đạo quí vô tâm” (Thiền sư Hương Hải), “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Cư Trần Lạc Đạo).

Đôi khi vô tình cũng được dùng với nghĩa này, ví dụ như trong câu:

“Cố ý xem hoa hoa chẳng nở
Vô tình tiếp liễu liễu xanh um”

Như ngài A-nan cố gắng mãi vẫn không thực chứng đạo quả A-la-hán, nhưng khi vừa nằm xuống nghỉ ngơi thì đạo quả Vô Sanh lại đến. Chứng ngộ không thể lập trình mà được, nó chỉ đến trong lúc hốt nhiên hay tự nhiên bất chợt mà thiền gọi là hoát nhiên đại ngộ.

Krishnamurti nói: “Bạn hãy mở toang cánh cửa tâm hồn thì chân lý sẽ tự tràn đầy”. Bởi vậy Tổ Tăng Xán nói: “Tương tâm dụng tâm, khởi phi đại thố”, đem tâm dụng tâm chẳng phải là lầm lớn hay sao? Huống chi dụng tâm vô tâm thì thật là một sai lầm quá đáng.

Không ít người hiểu lầm hai chữ vô tâm nên hoặc là cố ý giữ tâm trống rỗng không không, hoặc cứ buông xuôi cho tâm tùy tiện rong ruổi, hoặc mặc kệ chuyện đời chẳng màng quan tâm gì cả, và họ tưởng là đã tùy duyên thong dong thỏng tay vào chợ! Có một sinh viên đã hỏi rằng: “Nếu đối cảnh vô tâm, thì chẳng lẽ gặp chuyện gì cũng phớt lờ xem như không có?”. Thật là một hiểu lầm nguy hại!

Vô tâm, tất nhiên, không phải là cái tâm đầy mưu kế đã bị bản ngã xen vào lập trình, lại càng không phải là trạng thái si mê vô ký, lờ đờ mông muội, ngái ngủ hôn trầm… mà là một “Tâm địa nhược không tuệ nhật tự chiếu”. Nếu có một vô tâm thiếu chánh niệm tỉnh giác, thiếu sáng suốt trong lành, thiếu liễu liễu thường tri hay thất niệm bất giác thì cần phải nghe thiền sư Trần Nhân Tông cảnh báo:


“Mạc vị vô tâm vân thị đạo
Vô tâm do cách nhất trùng quan.”

(Chớ bảo vô tâm là phải đạo
Vô tâm còn cách mấy ngăn rào).

Tôi có bài kệ để minh giải hai chữ vô tâm theo tinh thần thiền Nguyên Thủy:

“Học đạo quí vô tâm”
Làm, nghĩ, nói không lầm
Sáng, trong và lặng lẽ
Giản dị mới uyên thâm.

Vô tâm (câu 1) nhưng trong đó hành động, nói năng, suy nghĩ không tương ngại, không lầm lẫn (câu 2), mà luôn sáng suốt, định tĩnh, trong lành (câu 3). Tâm càng giản dị, càng ít bị mây lý trí vọng thức che mờ thì càng thâm sâu tận thực tánh của tâm và pháp (câu 4).

Thiền Sư Thích Viên Minh
Sưu tầm: Hoa Nghiêm

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Ngâm vỏ chanh với dầu ô-liu, vĩnh biệt cơn đau khớp...



Viêm đau các khớp là căn bệnh ngày càng phổ biến ở người lớn tuổi. Tuổi càng cao, các sụn khớp cũng bị bào mòn, khô chất nhờn chính là nguyên nhân các khớp bị đau. Tuổi tác chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến đau khớp...

Viêm đau các khớp là căn bệnh ngày càng phổ biến ở người lớn tuổi. Việc điều trị căn bệnh viêm khớp do tuổi già thường được sử dụng nhất ở các bệnh viện chính là thuốc giảm đau chống viêm. Tuy nhiên, ai cũng biết tác hại của các loại thuốc này lên cơ thể, chúng sẽ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn nếu sử dụng dài lâu. Ít nhất là có hại cho dạ dày, nóng trong người gây chứng táo bón.

Ngày nay, người ta thường hướng đến các liệu pháp tự nhiên giúp đẩy lùi cơn đau khớp mà không cần dùng thuốc hàng ngày. Trong bài viết này, chúng tôi xin gửi đến các bạn công thức ngâm vỏ chanh với dầu ô liu giúp làm giảm cơn đau khớp nhanh chóng và hiệu quả.


Sự kì diệu khi kết hợp 2 nguyên liệu này

Đây là 2 nguyên liệu thông dụng mà bạn có thể tìm mua ở bất cứ đâu. Vỏ chanh có hàm lượng tinh dầu và vitamin C nhiều gấp 15 lần nước chanh. Trước nay, người ta thường dùng vỏ chanh cho việc điều trị viêm bàng quang, ổn định huyết áp, giúp xương chắc khỏe, bảo vệ răng miệng...

Thế nhưng, ít người biết rằng chỉ cần tận dụng vỏ chanh ngâm vào dầu ô liu, cơn đau khớp sẽ nhanh chóng được xoa dịu. Dầu ô liu sẽ là chất hòa tan tinh dầu và vitamin trong vỏ chanh giúp ngấm vào các vết viêm đau nhanh chóng hơn.

Nguyên liệu:

Vỏ chanh kết hợp với dầu ô liu 
- 2 - 3 trái chanh
- Dầu ô liu vừa đủ.

Thực hiện:

Rửa sạch chanh, dùng tay hoặc dao bóc lấy phần vỏ bên ngoài trái chanh. Sau đó dùng dao thái nhỏ vỏ chanh thành nhiều miếng chừng 2-3cm để khi ngâm tinh dầu và vitamin dễ tiết ra hơn.

Ngâm vỏ chanh với dầu ô liu. Đổ số vỏ chanh vào lọ thủy tinh rồi đổ dầu ô liu ngập lên trên. Sau đó, đậy nắp lọ thật chặt, giữ nguyên hỗn hợp trong 2 tuần tại nơi có nhiệt độ phòng tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Sau 2 tuần, hỗn hợp có thể sử dụng được.

Cách dùng:

Bạn chỉ cần dùng một miếng gạc y tế hoặc một mảnh vải mỏng ngâm vào dung dịch. Sau đó, đặt miếng gạc lên chỗ bị đau và giữ nguyên trên khớp đau trong 4 tiếng đồng hồ. Ngay lần sử dụng hỗn hợp đầu tiên, cơn đau khớp sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Sau đó, bạn có thể thực hiện đều đặn tuần 2 - 3 lần để cơn đau khớp không còn quay trở lại nữa.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng cho các trường hợp bong gân, chấn thương do vận động quá mạnh.*

Chúc bạn thành công với công thức đơn giản trên.

Posted by: Minh Luong <minhluong39@gmail.com>
Sưu tầm: Quang Tuyết Lê


Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Họa Tùng Khẩu Xuất



Thuở xưa ở trong một cái hồ kia có một con rùa và hai con cò trắng thường lui tới làm bạn với nhau.

Năm ấy trời đại hạn, suốt một năm trời ròng rã như không có cơn mưa nào cả. Nước ở trong hồ cứ cạn dần vì thiêu đốt gay gắt của mặt trời. Cỏ lát trong hồ cũng vàng úa tàn tạ. Có thể nước nóng như một chảo nước sôi, vì thế loài thủy tộc chết lần chết hồi…

Ở trong tình trạng đó, chàng rùa ta ngồi đứng không yên và trong đầu óc luôn luôn suy nghĩ một phương kế thoát thân khỏi cái địa ngục nóng này.

Thì may thay! Trong lúc ấy có hai vợ chồng cò đến chơi. Thấy bộ dáng thiểu não của chàng rùa, hai vợ chồng cò ân cần hỏi thăm:

- Chắc có chuyện gì buồn chăng? Mà trông bác có dáng lo nghĩ thế?

Rùa rầu rầu đáp:

- Hai bác ôi, tôi đang gặp phải đại hoạn, phen này chắc chết mà không còn trông gặp mặt hai bác nữa.

Chàng cò chận lời:

- Chúng ta là bạn bè thân thiết với nhau, sung sướng cùng chia thì hoạn nạn cùng chịu. Vậy bác hãy cho chúng tôi biết nguyên nhân nào làm cho bác phiền muộn, họa may chúng tôi có thể tìm phương giải quyết và giúp đỡ bác chăng! Chớ chưa chi mà bác đã than van thất vọng như thế.

Rùa trả lời với một giọng lâm ly thống thiết:

- Không biết hai bác này làm ăn thế nào, chứ tôi hai hôm nay chưa có lót dạ nữa con tép chứ đừng nói tôm cá, vì chúng đã hết trọi! Mà nước thì cạn dần thế này, thì trước sau thế nào cũng không thoát khỏi bàn tay độc ác của lũ chăn trâu. Cách đây 5 năm tôi đã bị chúng bắt một lần, may nhờ một bà già mua và đem đến chùa phóng sanh nên mới sống sót đến ngày hôm nay. Vì thế mỗi lần nghĩ đến tai nạn chết chóc, tôi bắt rùng mình…

Trong lúc chàng cò đang ra dáng suy nghĩ thì chị cò thương hại hỏi:

- Sao bác không đi ở nơi khác một phen xem thế nào?

- Bác thử nghĩ, xưa nay tôi có từng đi đâu, đường sá thì xa xôi nguy hiểm mà sự đi lại của tôi quá chậm chạp, nên tôi nghĩ thà chết nơi chôn nhau cắt rún còn hơn.

Bỗng chàng cò ngóng cổ nói lớn lên với một niềm hy vọng:

- Thôi bác khỏi lo! Cách đây mười dặm, có một hồ sen không khi nào cạn, mặc dù là lúc trời hạn hán. Chúng tôi sẽ đem bác đến đấy, trước là giải quyết sinh kế mà sau nữa được gần gũi nhau trong lúc tối lửa tắt đèn…

Nhưng chàng rùa vẫn lo ngại nói vẻ thất vọng:

- Trời ơi! Mười dặm. Một dặm mà tôi đã đi đến chưa, huống nữa là mười dặm, thôi tôi đành chịu chết vậy!

- Ðiều ấy bác cũng không nên lo, chàng cò tin tưởng nói. Chúng tôi đã có phương pháp; nhưng có điều hơi khó là bác cần phải bình tĩnh và can đảm.

- Bác nói thử xem, chàng rùa vội vàng hỏi, khó thế nào tôi cũng cố gắng.

Chàng cò giải thích với một điều bộ quan trọng:

- Phương pháp như thế này: Hai vợ chồng tôi tha một cái cây mỗi người một đầu. Còn bác thì ngậm ngay chặng giữa, chúng tôi sẽ tha bác đến cái hồ kia. Nhưng có một điều tối quan trọng và nguy hiểm bác nên nhớ. Trong lúc chúng tôi bay bác phải ngậm chặt vào cây và không được nói năng hỏi han gì cả mặc dù gặp phải trường hợp thế nào đi nữa. Chỉ trong vòng nữa giờ là chúng ta đến nơi. Bác nhớ nhé! Tôi dặn lại: Dầu gặp trường hợp nào bác cũng phải ngặm miệng không được nói năng.

Chàng rùa ra dáng hiểu biết:

- Thôi tôi nhớ rồi, hai bác xem tôi chẳng bằng con nít, dặn đi dặn lại mãi.

Sau khi sửa soạn xong, chàng cò lại thiết tha căn dặn lần cuối cùng:

Ðó, bác bây giờ bác muốn ho hen hay nói gì thì nói đi. Chớ chốc nữa mà mở miệng thì nguy hiểm lắm đấy!

Xong câu đấy, cả ba làm theo ý định bốn cánh vỗ mạnh, hai cặp chân cò duỗi thẳng, chàng rùa hỏng mặt đất rồi từ lên cao, chẳng khác nào chiếc máy bay hai động cơ…

Bay được một lát mặc dù lần đầu tiên thấy những cảnh kỳ lạ hiện ra trước mắt: đây cánh đồng xanh rì gợn sóng như tấm nhung xanh, kia con sông trắng phau nằm quằn quèo như con bạch xà lượn khúc, và cây cối, nhà cửa v.v… bao nhiêu là cảnh đẹp mắt… Ðã bao lần chàng rùa định mở miệng để hỏi cho thỏa tính tò mò, nhưng may thay! Mỗi lần định hỏi, chàng lại sực nhớ đến lời dặn quan trọng của anh chàng cò trắng.

Nếu sự đời yên ổn thì nói làm chi, rủi thay, trên đường hành trình của chàng rùa không qua khỏi cặp mắt tinh quái của lũ trẻ.

Một đứa la lớn:

- Anh em ơi! Ra đây coi nè! Hai con cò tha một con rùa! A ha! Vui quá!

Bọn trẻ đồng la ầm lên. Một thằng lớn nhất trong bọn hét lớn:

- A ha! Thật giống hai thằng mổng dắt một anh thầy bói. A ha! Thầy bói! Thầy bói!

Không dằn được tức giận, chàng rùa định bụng trả lời: “Mặc kệ chúng tao, mắc mớ gì chúng mày. Ðồ nhảy con!”. Nhưng tội nghiệp thay, vừa mới mở miệng, rùa ta đã rơi xuống và tan thân vì đụng nhằm một tảng đá…

Ðức Phật dạy: “Ở đời đã biết bao nhiêu người vì không giữ cái miệng, nói không đúng thời mà phải mang họa như trường hợp con rùa trên đây. Này các đệ tử! Họa từ miệng phát sanh, vậy các con hãy giữ gìn cái miệng”.

Theo MaxReading
Sưu tầm: Hanh Nghiêm