Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Về Trong Tỉnh Thức



Em đừng mãi loay hoay tìm chỗ đứng
Cần hỏi mình rằng: '' phải Sống làm sao? ''
Vẫn có đấy, những người trong thầm lặng
Cúi xuống tận cùng mà hồn lại thanh cao!

Đời lắm lúc, vui cũng làm ta khóc,
Mà buồn tênh.. vẫn khiến rộ môi cười?
Hạnh phúc đến từ những điều bình dị
Trong chập chùng mưa nắng, giữa buồn, vui..

Đời đau khổ vì biến thành nô lệ
Cho ''hồn ma bóng quế'' những phù hư..
Người nghèo khó dẫu tiền rừng bạc bể
Còn ta giàu dù.. túi chẳng một xu.

Em đừng mãi đi xa tìm hạnh phúc
Hãy yên ngồi nhận diện ở chung quanh..
Có đôi lúc thiên đường và địa ngục
Chỉ cách nhau bằng một sợi tơ mành..

Đời bể khổ - ta có quyền không khổ
Thân buộc ràng, ai nhốt được hồn mây?
Lòng thanh thản niềm vui tìm bến đổ
Khổ vì ưa ước hẹn kiếp lưu đày.

Thôi đừng mãi băn khoăn tìm lẽ sống
Lý tưởng thường... tưởng có lý thôi em!
Sống Tỉnh Thức giữa chập chùng ảo mộng
Hạnh phúc theo hơi thở đến bên thềm...

Như Nhiên 
Từ nguồn: Đạo Phật Ngày Nay
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Pháp Ngữ 10 - Thiền Sư Viên Minh


Chánh Niệm

Chánh niệm là trở về trọn vẹn với hiện tại nhưng không tự mãn với hiện tại mà cần phải tỉnh giác soi sáng hiện tại nữa mới được, nếu thiếu tỉnh giác tức sự sáng suốt biết mình thì đức Phật gọi là đắm chìm trong hiện tại. Nói rõ hơn, chánh niệm tỉnh giác là không truy tìm bản ngã trong quá khứ, không ước vọng bản ngã trong tương lai, và nhất là thấy ra cái ngã ảo tưởng trong hiện tại. Chính cái ngã này tự mãn với tình trạng tốt đẹp của mình nên thiếu trọn vẹn tỉnh thức.

Niết Bàn

...Có tự mãn thì cũng sẽ có bất mãn nên ngay cả chứng ngộ Niết-bàn mà đức Phật cũng vẫn dạy rằng "Vì Như Lai biết rõ Niết-bàn là Niết-bàn nên không tự mãn trong Niết-bàn, không xem Niết-bàn là ta, của ta và tự ngã của ta."

Trong tu có hai pháp

Một là nhận thức, hai là hành vi. Muốn nhận thức đúng thì thường trải nghiệm, chiêm nghiệm, quan sát, lắng nghe để khám phá sự thật. Nhận thức đúng thì hành vi tốt, nên nhận thức (chánh kiến) là chính, còn hành vi chỉ là tuỳ duyên ứng xử có tính đối trị tương đối mà thôi chứ không cần tuyệt đối. Nều ứng xử chưa tốt thì lấy đó làm bài học để điều chỉnh nhận thức và hành vi.


Tứ Niệm Xứ

Tứ Niệm Xứ là sống đúng Bát Chánh Đạo ngay nơi thực tại thân, thọ, tâm, pháp. Khi hành giả không buông lung theo tham ái, tinh tấn trở về với thực tại hiện tiền (Ehipassiko); trọn vẹn chánh niệm trong thực tại đó (Opanayiko), không còn hướng bên ngoài; ngay đây và bây giờ, không tà kiến, tỉnh giác thấy pháp chân thực như nó đang là (Sandiṭṭhiko), không trải qua thời gian (Akāliko), thì liền tự mình chứng ngộ Sự Thật (Paccattaṃ veditabbo viññūhi). Do đó Tứ Niệm Xứ là đạo lộ độc nhất ngay đó thoát khỏi sinh tử luân hồi chứ không đưa đến mục đích nào khác bên ngoài.

Vẻ đẹp của cuộc sống

Vẻ đẹp của cuộc sống không phải chỉ là lương thiện, mà là thấy ra cả hai mặt thiện ác của cõi trần gian. Lương thiện và an bình thôi chưa đủ, vì sự vận hành của pháp không phải chỉ có sinh mà cũng cần có khắc. Khi con thấy ra hai mặt của cuộc sống thì tâm con thanh tịnh, và khi thanh tịnh con thấy tất cả đều là vẻ đẹp kỳ diệu của cõi Ta-bà này.

Mục đích tối hậu của đạo Phật

Mục đích tối hậu của đạo Phật là chứng ngộ Niết-bàn, nhưng như chúng ta đã thấy mục đích thực tế nhất vẫn là "thoát khỏi khổ đau, đạt đến an lạc". Bởi vì nếu ngay bây giờ chúng ta được an vui tự tại thì kiếp sống vị lai dĩ nhiên cũng được an vui tự tại. Nếu hiện tại chúng ta được thanh tịnh, không còn phiền não khổ đau thì đó chính là cứu cánh Niết-bàn vậy.

Chỉ cần giác ngộ Sự Thật, không cần trở thành cái "ta" hoàn hảo.

Đừng quá đặt nặng phương diện đạo đức - thiện ác - mà quên rằng đó chỉ là những "chất liệu" để con giác ngộ. Dù cuộc đời diễn ra thế nào thì con vẫn lấy đó làm bài học để giác ngộ ra Sự Thật nơi tự thân và cuộc sống, chứ không phải để hoàn thiện theo một kiểu mẫu lý tưởng nào. Không có đạo đức hoàn hảo trong đời sống tương đối, chỉ khi trong đời sống tương đối mà giác ngộ ra cái tuyệt đối thì đạo đức mới thật sự hoàn hảo. Vì vậy, chỉ cần giác ngộ Sự Thật, không cần trở thành cái "ta" hoàn hảo.

Tôn giáo có hai loại

Tôn giáo có hai loại: Một là tôn giáo mang tính siêu hình với nhiều hình ảnh Thần Linh ban ơn giáng hoạ, chi phối toàn bộ đời sống con người, an bài định mệnh của mỗi người nên tín đồ phải cầu xin để được ban phúc. Hai là Tôn giáo mang tính thiết thực hiện tại trong đời sống, phát huy trí tuệ và đạo đức, giúp con người biết sống thuận theo nguyên lý vận hành của của đời sống.

Pháp hộ trì người sống thuận pháp

Đức Phật dạy: "Pháp hộ trì người sống thuận pháp. Pháp luôn giúp mỗi người học bài học điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi qua những trải nghiệm đời sống của chính họ. Người nhận thức và hành vi sai xấu sẽ khổ đau, người nhận thức và hành vi đúng tốt sẽ an lạc. Đó là nguyên lý tự nhiên của pháp.

Thấy Sự Thật là giác ngộ

Sự tỉnh thức với chính mình càng trọn vẹn thì càng ít bị dục vọng chi phối. Nhưng con cũng đừng cố gắng đối đầu với dục vọng. Với sự trọn vẹn tỉnh thức, mọi pháp - dù tốt hay xấu, thuận hay nghịch - đều giúp con thấy ra Sự Thật. Thấy Sự Thật là giác ngộ, có giác ngộ thì tự nhiên giải thoát. Nhưng nếu con muốn mau loại bỏ dục vọng để sớm giải thoát thì bài học giác ngộ sẽ không đủ yếu tố để hoàn thành. Do đó thiền nói không sợ vọng khởi, chỉ sợ thiếu tỉnh giác để thấy ra tâm vọng kịp thời.

Tâm 

Tâm có hai phần là tánh biết và tướng biết. Tánh biết chỉ có một, luôn thanh tịnh trong sáng và không sinh diệt, còn tướng biết có tới 121 tâm thức sinh diệt theo đối tượng. Tướng biết đạt đến chỗ cao tột là tri kiến thanh tịnh thì cũng chỉ mới là trạm xe cuối mà thôi, vì nó còn sinh diệt nên vẫn chưa vào được tánh biết chứng ngộ vô thủ trước Niết-bàn.
Nếu chánh niệm tỉnh giác của con có lúc tĩnh lặng sáng suốt phản ánh trung thực thân thọ tâm pháp thì cũng chỉ nhất thời kiến tịnh của tướng biết sinh diệt mà thôi, do đó nó vẫn mất đi khi điều kiện không còn thuận lợi như trước nữa. Nếu là chánh niệm tỉnh giác xuất phát từ tánh biết tự nhiên thì đơn giản con chỉ thấy vọng động là vọng động, phiền não là phiền não, duyên sinh là duyên sinh như nó đang là chứ không có "cái ta chánh niệm" ghi nhận "cái phiền não của ta" trong đó thì đâu có ai khổ, phải không? Và thực ra cái tâm phiền não thuộc tướng biết sinh diệt chứ cái thấy của tánh biết vẫn thanh tịnh trong sáng và không sinh diệt. 

Tưởng

Tưởng thì tâm nào cũng có vì Xúc, Thọ, Tưởng, Tư, Nhất tâm, Mạng căn, Tác ý biến hành trong tất cả tâm. Nhưng tưởng cũng có nhiều loại, tưởng đi với tâm bất thiện là vọng tưởng, tưởng ở trong thiền định giúp đưa đến nhất tâm, tưởng đi với trí tuệ đạt được Tam Minh. Do đó càng ít vọng tưởng sáng tạo càng cao.

Chân lý không bao giờ cũ kỹ

Cứ để cho tâm luôn tiếp nhận sự mới mẻ và sáng tạo, vì chân lý không bao giờ cũ kỹ, cũng không bao giờ là cái được lặp đi lặp lại để nắm giữ điều gì.

... cứ tùy duyên thuận pháp mà học ra lẽ thật Trời Đất (Pháp) ban cho mới thấy ân sủng của cuộc đời thật lớn. Nỗi khổ niềm vui, cái được cái mất, khi thăng khi trầm, lúc thành lúc bại... đều là bài học giác ngộ ra lẽ thật muôn đời. Chỉ cần ai ít bụi trong mắt sẽ thấy chân lý ở khắp mọi nơi trong từng sát-na kỳ diệu...

Hồi hướng công đức

Hồi hướng công đức là khi làm một việc phước nào không giữ lấy phước ấy cho riêng mình mà mở tâm chia sẻ đến tất cả chúng sinh và những người cần được hồi hướng.

Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Cư Trần Lạc Đạo Phú- Đệ Ngũ Hội


Vậy mới hay!
Bụt ở trong nhà;
Chẳng phải tìm xa.
Nhân khuây bản nên ta tìm bụt;
Đến cốc hay chỉn bụt là ta.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãng công quê Hà Hữu;
Kinh xem ba bận, ngồi ngơi mái quốc Tân La.
Trọng đạo nghĩa, khoảng cơ quan, đà lọt lẫn trường kinh cửa tổ;
Lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa.
Đức bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận;
Ân Nghiêu khoáng cả, lọt toàn thân phô việc đã tha.
Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc châm hoặc xể;
Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội;
Lẩy tam huyền, nong tam yếu, một cắt một ma.
Cầm vốn thiếu dây, xá đàn dấu xoang Vô sinh khúc;
Địch chăng có lỗ, cũng bấm chơi xướng Thái bình ca.
Lẩy cội tìm cành, còn khá tiếc Câu Chi trưởng lão;
Quay đầu chớp bóng, ắt kham cười Diễn Nhã Đạt Đa.
Lọt quyển kim cương, há mặt hầu thông nên nóng;
Nuốt bồng lật cức, nào tay phải xước tượng da.


Chữ Nôm:
第五會
丕買処
孛於宮茹
庄沛寻賒
因虧本年些寻孛
典谷処㐱孛羅些
禪午朩句,聮釀工圭何有
經娂巴遍,憹宜買國新羅
瑇道義曠機關,它突吝場經翓祖
另是非稽声色,櫀制排淡柳塘花
德孛慈悲,蒙饒劫願朱親近
恩堯曠垰,律全身逋沒乑赦
襖免绖潭蔭過務,或針或雉
琟共粥肁奴隊耉,油白油叉
垠八識裵八風,強提強倍
唩三玄箼三要,蔑拮沒磨
琴本少絃,舍彈酉控無生曲
笛庄固魯,共泛制唱太平歌
钖檜寻梗,群可惜俱胝長老
虧頭執俸,乙堪宼演若達多
律圈金剛,呵炦侯通年艶
訥蓬栗棘,儍検沛綽像庒

Nguồn: Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1977

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Công Chúa Nhật Quang



Công chúa Nhật Quang là con thứ hai của vua Ba Tư Nặc nước Xá Vệ.

Công chúa rất đẹp, một vẻ đẹp thùy mị hơn hẳn các thiếu nữ đương thời ở nước Xá Vệ Công chúa lại rất thông minh học đâu nhớ đấy. Không những công chúa sắc sảo về môn nữ công mà còn tinh thông các triết lý học thuật; đức hạnh công chúa cũng quán chúng, tuy sanh trong giai cấp vua chúa cao sang, nhưng vẫn giữ thái độ khiêm tốn nhã nhặn, nhất là đối với hạng nghèo khổ tật nguyền, công chúa thành thật yêu mến và luôn luôn tìm cách giúp đỡ. Vì thế nên công chúa được rất nhiều người kính trọng. Người nào đã hân hạnh gặp công chúa một lần, họ sẽ nhớ mãi nụ cười hiền hòa và lời nói thanh tao của công chúa. Ðối với cha mẹ, công chúa thật là người con hiếu hạnh, nàng hầu hạ vua và hoàng hậu hết sức chu đáo, và không bao giờ nói một lời hay làm một việc trái ý vua và hoàng hậu.

Ba Tư Nặc vương được một người con xứng đáng như vậy, vua rất cưng quý, có thể nói công chúa Nhật Quang là viên ngọc vô giá của vua nước Xá Vệ. Những cuộc quan sơn ngoạn thủy của vua, công chúa đều được tham dự, mỗi khi quốc sự rảnh rang, nhà vua thường đòi công chúa đến hầu chuyện, hỏi những vấn đề thắc mắc công chúa đều trả lời trôi chảy, nhà vua rất đẹp dạ.

Một buổi chiều nhà vua đang dùng trà tại vườn ngự uyển, có công chúa đứng bên cạnh, nhà vua nhìn con rồi vui miệng phán rằng: “Khắp nước Xá Vệ này không ai được hạnh phúc bằng con, đời con được như thế thật là hoàn toàn nhờ sức của cha mẹ tác thành vậy”.

Công chúa Nhật Quang thành thật trả lời: “Tâu phụ vương, công ơn sanh dưỡng của Phụ hoàng và Mẫu hậu như trời bể con không hề dám quên. Nhưng đời con được hạnh phúc như thế này, con thiết tưởng cũng có ảnh hưởng của cha mẹ một phần nào, nhưng phần lớn nhờ kiếp trước con đã tu nhân tích đức nhiều vậy”.

Câu nói của công chúa không ngờ đã chạm lòng tự ái của vua Ba Tư Nặc quá mạnh, vua liền đứng dậy, lặng lẽ trở vào cung.

Ðêm hôm ấy, nhà vua không hề chợp mắt, suy nghĩ mãi lời nói của công chúa, và vua rất bực tức, đứa con yêu và ngoan ngoãn của mình chưa bao giờ trái ý mình dù là một cử chỉ nhỏ nhặt, hôm nay lại xúc phạm đến lòng tự ái của mình, có thể nói là không thừa nhận một lý thuyết (nghĩa là hạnh phúc của con hoàn toàn do cha mẹ tác thành) mà ông cho là muôn đời bất biến và ai cũng phải công nhận.

Muốn bảo thủ thành kiến của mình, nên mới sáng tinh sương, Ba Tư Nặc vương liền đòi viên cận thần thân tín bảo rằng: ta cần một thanh niên trạc tuổi công chúa Nhật Quang mà hiện sống trong một cảnh nghèo hèn, cơm không có ăn, áo không đủ mặc, ngươi phải tìm cho ra một người có đủ điều kiện ấy, dẫn về đây cho ta.

Ba ngày sau, viên cận thần dẫn về một thanh niên hành khất, mặt mũi khôi ngô, nhưng trong người chỉ mặc vỏn vẹn một chiếc khố rách đến yết kiến vua Ba Tư Nặc. Vua rất mừng ban thưởng viên cận thần xong, quay lại hỏi thân thế thanh niên hành khất rồi bảo rằng: Ta thấy ngươi nghèo khổ, chưa có gia thất, nay ta đem công chúa Nhật Quang gả cho ngươi, ngươi được quyền dẫn công chúa đi đâu tùy ngươi.

Thanh niên nghèo khổ kia không biết trả lời ra sao chỉ cúi đầu vâng lệnh.

Vua lại kêu công chúa Nhật Quang đến phán rằng: hôm kia con đã nói: “Hạnh phúc của con hiện tại phần lớn là do con đã tu nhân tích đức ngày trước. Nay ta muốn thí nghiệm lời ấy, nên ta đã gả con cho một thanh niên hành khất, nếu con có phước báo thì con cũng trở nên giàu có sung sướng. Con hãy sửa soạn ngày mai lên đường với chồng con, khi nào có chiếu chỉ mới được trở về cung”.

Với nét mặt đầy nghiêm nghị của Vua Ba Tư Nặc vương, công chúa không dám nói gì, chỉ yên lặng trở về hậu cung. 

Sáng ngày công chúa vào lạy cha mẹ, từ biệt mọi người, rồi bình tĩnh ra đi với thanh niên hành khất.

Hoàng hậu và thần dân đều thương xót và khóc lóc, lo ngại cho số phận công chúa, nhưng ý vua đã quyết nào ai dám mở lời khuyên can!

Ra khỏi hoàng cung, công chúa hỏi thanh niên hành khất rằng: Cha mẹ chàng đâu? Nhà cửa chàng đâu? Vì sao chàng lại nghèo khổ đến thế?

Thanh niên buồn rầu đáp: “Gia đình tôi trước cũng giàu có, vì được cha mẹ cưng quý, tôi tiêu xài hoang phí, ham chơi bời với chúng bạn, có học tập nhưng không đâu đạt gì, đến khi cha mẹ qua đời, tôi bán hết ruộng đất nhà cửa, hiện nay chỉ còn một sở vườn cách đây ba trăm dặm cỏ lác mọc đầy, cho người ta mướn họ không mướn, bán họ không thèm mua, hết của cải, không nghề nghiệp không biết nghề gì nuôi thân, nên phải hành khất độ nhật. Hôm nay tôi đang lang thang giữa đường, thì gặp một vị quan của vua, ông ta hỏi cặn kẽ về gia thế tôi, rồi ông dẫn tôi yết kiến nhà vua, không biết gì sao nhà vua lại đem công chúa gã cho một kẻ nghèo hèn như tôi?”.

Vẫn nét mặt ôn hòa công chúa nói với thanh niên hành khất rằng: “Dù sao từ nay chúng ta cũng đã là vợ chồng, chúng ta phải tìm phương kế làm ăn và trước hết phải tìm nơi tạm trú”.

Không biết tìm chỗ nào khác, nên công chúa và thanh niên hành khất liền dẫn nhau đến sở vườn của cha mẹ thanh niên để lại - thật là một mảnh vườn hoang phế, cỏ lác um tùm sỏi đá lởm chởm. Hai người bàn định cắt cỏ đốn cây che một chiếc chòi nhỏ vừa tạm ở, những người quanh đấy có người biết công chúa Nhật Quang nên cùng nhau đến giúp đỡ công việc cho công chúa. Ðến khi đào đất để dựng cột nhà, vừa đào được vài lát đất thì gặp ngay ba cái chum lớn niêm khằn cẩn thận. Công chúa liền mở chum ra thì thấy trong ba cái chum ấy, vô số là vàng bạc châu báu, công chúa vui mừng sung sướng đem bán bớt một số châu báu rồi mướn người dọn dẹp cỏ rác, trồng tỉa hoa quả, tạo lập lâu đài… Vốn sẵn tánh hiền lành lại sẵn lòng yêu thương giúp đỡ mọi người, nên thợ thuyền tôi tớ rất trung thành tận tụy, không bao lâu đám vườn hoang phế kia đã biến thành một vườn hoa trăm sắc muôn màu; lâu đài trang hoàng lộng lẫy, người vô kẻ ra tấp nập không khác dinh thự của bậc đế vương.

Từ khi công chúa rời khỏi cung điện, vua Ba Tư Nặc sanh lòng hối hận đêm ngày trông nhớ, nhà vua đinh ninh rằng: Công chúa lâu nay chắc gặp nhiều khổ sở và định đón công chúa trở về cung để an hưởng cảnh đoàn viên phú quý. Nhà vua liền phái một số cận thần tìm nơi công chúa ở và dò xem đời sống của công chúa ra sao?

Sau một thời gian dò xét, các cận thần về tâu với nhà vua: “Công chúa ở cách xa cung điện nhà vua chừng ba trăm dặm và hiện đang ở trong cảnh phong lưu sung sướng giàu có ức triệu”. Vua Ba Tư Nặc không tin, liền đến nơi dò xét quả đúng như lời các cận thần. Nhà vua nói với kẻ tả hữu rằng: “Trẫm thấy đời sống của vợ chồng công chúa Nhật Quang hiện tại, tuy trẫm là vua một nước, thật cũng không sung sướng bằng”.

Nhưng vua cũng băn khoăn thắc mắc không biết tiền kiếp công chúa đã tu những nhân lành gì mà nay được nhiều phước báo như vậy.

Vốn nghe Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc đại giác, nên vua thân hành đến Tịnh xá nơi Phật thuyết pháp, cung kính bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nghe danh Ngài là bậc đại giác chứng nhất thế trí, hiểu thấu việc trong ba đời, nay đệ tử có điều nghi xin Ngài chỉ dạy: “Nhật Quang công chúa thứ hai của đệ tử, không biết đời trước tạo nhân lành gì, mà ngày nay tướng mạo đẹp đẽ, thông minh xuất chúng, giàu có sang trọng… Ðệ tử đã gả công chúa cho một kẻ hành khất nghèo hèn thế mà công chúa cũng đào được vàng bạc rồi trở nên sang trọng hơn người.

Ðệ tử cứ thắc mắc mãi mong Ngài từ bi khai thị cho đệ tử rõ?”

Ðức Phật Thích Ca nở nụ cười hiền hòa muôn thuở thong thả dạy rằng: “Nghi vấn Ðại vương sẽ được tiêu tan sau khi nghe câu chuyện này:

- Nầy Ðại vương! Xưa kia khi Ðức Phật Ca Diếp ra đời, có hai vợ chồng người lái buôn giàu có, người vợ rất tôn kính Tam bảo, thường khuyến khích mọi người bỏ việc ác làm lành, quy y Tam bảo, lại hay làm việc bố thí cúng dường, nhất là đối với kẻ tàn tật, nàng hết sức thương mến và tận tâm chăm sóc. Người chồng lại có tánh bỏn sẻn, mỗi khi thấy vợ làm việc cúng dường bố thí, thì tỏ ra thái độ bất bằng, tìm cách ngăn cản.

Một hôm gặp ngày nguyên đán, người vợ thành tâm sắm sửa lễ vật để cúng dường Tam bảo và bố thí kẻ nghèo trong ba ngày, người chồng thấy vậy bực tức nói rằng: “Hãy để dành tiền của lại sắm sửa thêm nhà cửa ruộng đất, chứ làm những việc ấy thêm hao tốn, phỏng có ích gì!”. Người vợ dịu dàng trả lời: “Của cải là vật vô thường ta không bỏ nó, rồi nó sẽ bỏ ta; hơn nữa những kẻ nghèo khổ hiện tại, theo trong kinh Phật dạy, đều do đời trước tham lam ích kỷ, không biết dùng tiền của làm các việc phước thiện; ngày nay đời sống của vợ chồng chúng ta tạm gọi là khá giả, chúng ta nên dùng một số tiền làm các việc phước thiện để bảo tồn hạnh phục tương lai cho chúng ta, và cũng gọi là góp một phần trong công việc nghĩa chung vậy”.

Nghe mấy lời giải thích của vợ, người lái buôn mới tỉnh ngộ và cảm động, từ đó anh không ngăn cản vợ mà lại rất hăng hái trong công việc làm phước đức…

Này Ðại vương! Vợ người lái buôn xưa kia chính là công chúa Nhật Quang ngày nay, đời trước nàng thường khuyến khích mọi người bỏ ác làm lành, quy y Tam bảo, nên được quả báo thông minh xuất chúng; đời trước sốt sắng cúng dường bố thí, nên nay được quả báo sung sướng giàu sang, nhiều người mến phục; đời trước tận tâm săn sóc giúp đỡ kẻ tàn tật, ngày nay được quả báo nhan sắc đẹp đẽ, tướng mạo đoan trang.

Người lái buôn xưa kia chính là chồng công chúa hiện tại, ngày trước lúc chưa tỉnh ngộ, anh ta bỏn sẻn hay ngăn cản việc làm phước thiện của vợ, nên ngày nay phải chịu đói rách một thời.

Vua Ba Tư Nặc nghe Phật kể rõ tiền kiếp của công chúa Nhật Quang, nhà vua mới tỉnh ngộ, và rất thâm cảm đạo lý nhân quả tội phước của Phật. Rồi vua cúi đầu đảnh lễ Ðức Phật ra về.

Về đến cung, công việc đầu tiên của vua là cho người đón rước vợ chồng công chúa Nhật Quang về. Gặp công chúa, vua Ba Tư Nặc khôn xiết vui mừng, vua không quên nói nhiều lời hối hận, với công chúa Nhật Quang cũng rất sung sướng được gần gũi phụng sự cha mẹ, và giúp vua cha trong việc trau dồi đạo đức, bảo quốc an dân. Thanh niên hành khất chồng công chúa, cũng được vua phong cho một chức quan cao cấp trong triền đình.

Quảng Tiến
Theo Truyện Cổ Phật Giáo (Thích Minh Chiếu Sưu tập)
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Chuyện 3 Con Khỉ và Những Cái "Không" Rất Cần Trong Cuộc Sống



Ba con khỉ, một con che hai mắt, một con bịt hai tai và một con bịt miệng là hình tượng khá phổ biến nhưng về ý nghĩa của nó, không phải ai cũng hiểu cặn kẽ. 


Ở một số ngôi chùa ở Việt Nam, Ấn Độ và cả Nhật Bản hiện nay, tượng ba con khỉ vẫn được trưng bày trong sân chùa. Ba con khỉ này, một con che hai mắt, một con bịt hai tai và một con bịt miệng.

Thoạt nhìn, có lẽ nhiều người sẽ ngay lập tức suy luận rằng, hình ảnh trên có nghĩa là “không thấy, không nghe và không nói”.

Nói cách khác, bức tượng này muốn dạy con người rằng, trong cuộc sống, đừng quan tâm đến chuyện của người khác hay những gì đang xảy ra xung quanh.

Tuy nhiên nếu hiểu theo cách này, sẽ là rất thiếu chính xác. Vậy, ý nghĩa sâu xa mà người xưa muốn truyền dạy lại cho thế hệ sau qua bức tượng này là gì?

Ý nghĩa của bức tượng “bộ khỉ tam không”


Ảnh minh họa

Từ vài ngàn năm về trước, bức tượng này đã xuất hiện tại Ấn Độ. Lúc đầu, đó là bức tượng về vị thần Vajrakilaya. Đây là vị thần có sáu tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng.

Bức tượng được khắc nhằm răn dạy mỗi người không được nói điều xấu, không nhìn điều xấu và không nghe điều xấu.

Không rõ tư tưởng “ba không” nói trên theo các nhà tu hành Phật giáo vào Trung Quốc vào thời kì nào nhưng vào khoảng thế kỷ thứ 9, một thiền sư người Nhật Bản trong chuyến đi làm việc ở Trung Quốc đã mang theo về xứ sở phù tang tư tưởng này.

Tại Nhật Bản, trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ có tượng ba con khỉ tên là Kikazaru, Mizaru và Iwazaru, nghĩa là: không nghe điều xấu, không nhìn điều xấu và không nói điều xấu bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro nổi tiếng từ thế kỉ 17.

Vì từ “zaru” gần âm với “saru” có nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt miệng, bịt mắt, bịt tai với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu đạt triết lý này.

Sâu xa hơn, người Nhật còn muốn thể hiện triết lý của riêng mình vào trong ba bức tượng, đó là: “bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói”.


Đền Toshogu nơi có "bộ khỉ tam không" của nghệ nhân Hidari Jingoro.

Khi tâm ở trạng thái tịnh, không bị quấy rầy bởi những điều xấu thì từ tâm mới phát sinh những điều thiện. Trong xã hội hiện nay bức tượng ba con khỉ càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Bản chất của con người vốn là sự tò mò và trên thực tế, không ít người dành quá nhiều thời gian để nghe, nhìn, soi mói tất cả mọi chuyện, dù không liên quan đến mình và sau đó nói lại cho người khác, nói những điều không nên nói.

Đây là một tật xấu, làm cho cái tâm trở nên “động”. Và với những người mắc tật xấu này, hình tượng “bộ khỉ tam không” là một bài học có giá trị to lớn.

_Theo Thế giới trẻ__
Sưu tầm: Giới Nghiêm

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Sống Chân Thật: Có khó Lắm Không?



Một điều rất thật: con người ít chịu sống thật

Thiếu chân thật là một biểu hiện tâm lý xuất hiện ở mọi con người bình thường, kể cả những người được cho là ‘chân thật’ hoặc tự nhận mình ‘chân thật’. Cái gọi là ‘chân thật’ ở đời chỉ mang tính tương đối mà thôi. Thiếu chân thật có thể được hiểu qua nhiều khía cạnh, trong nhiều tình huống khác nhau trong các mối quan hệ phức tạp của cuộc sống mà hơn ai hết, mỗi người tự biết mình chân thật với mình và với người đến mức độ nào. Mức độ chân thật được xét từ trong động cơ chứ không thể chỉ căn cứ trên hành vi. Không ai hiểu động cơ trong mỗi hành động của mình bằng chính bản thân mình cả. Ai cũng có thể hiểu lầm mình, chỉ có mình thì không, trừ phi cố tình tự đánh lừa mà thôi.

Một cô gái có sắc đẹp bình thường vẫn thích nghe khen là “em đẹp lắm” hơn là nghe sự thật, sắc đẹp của cô chỉ vào khoảng ‘thường thường bậc trung’ thôi. Một cô gái mặc chiếc áo mới, chẳng ra làm sao cả, tây không ra tây, tàu cũng chẳng phải tàu, áo đi phần áo, người đi phần người, ấy thế mà khi hỏi bạn bè “thấy chiếc áo thế nào?”, vẫn thích nghe trả lời “ồ, đẹp lắm!” Nhiều người thích được khen là trẻ hơn tuổi, thậm chí có người vui đến mấy ngày khi nghe một người lâu ngày gặp lại khen “trông chị trẻ hơn hai năm trước”. 

Vẫn biết trái với quy luật thế mà ta thích, tin và vui với lời nói láo đến ngô nghê như vậy. Chính vì cái tâm lý thích khen ghét chê này mà con người trong giao tiếp, cố làm vừa lòng nhau, cố đánh mất mình để được nhiều người chấp nhận và được khen là xinh đẹp, là rộng rãi, hào hoa, sống tâm lý, sống biết điều, khéo léo, cư xử hay và cư xử lịch thiệp. Chính bản thân họ cũng quên bén rằng càng láo phét, càng được khen! Và cứ thế, nói láo trở thành phương châm sống để tự ngã được bao bọc trong tư tưởng công thần khen nhau, cùng tạo vỏ bọc nhung của tâng bốc, khen hão, chấp nhận nhau trên nguyên tắc “bằng mặt không bằng lòng.”

Chính vì sống trong cái tương đối của xã hội, các hiện tượng “bằng mặt không bằng lòng” và “khen trước mặt chê sau lưng” mà chúng ta cần phải tự biết mình nhiều hơn để kịp thời điều chỉnh cách nghĩ và hành vi của mình. Phải đủ tỉnh táo và khôn ngoan để thu nhận và xử lý thông tin với những lời có cánh và cả với những lời ‘trụi cánh’ nếu chẳng may mình làm tổn thương đến cảm xúc người ta! Mình hiểu biết mình hơn ai hết nếu mình không tự đánh lừa cảm xúc. Nếu người đối diện không thích nghe sự thật, nếu có thể, chúng ta nên tìm cách trả lời khác hơn là khen hão lấy lòng. Ví dụ, để trả lời câu “thấy em mặc chiếc áo này đẹp không?” nếu không thấy đẹp, mình có thể trả lời “khái niệm đẹp xấu tùy vào từng người mà, thích thì tự tin mà mặc vậy” sẽ không góp phần tạo nghiệp cho mình. Có thể người nghe không được vui bằng nghe một lời khen, nhưng những ai khôn ngoan và sáng suốt đều hiểu rằng, lời có cánh thì trước sau gì cũng trụi cánh mà thôi và chân thật sẽ có giá trị “bất hư” vậy!

Động cơ để con người không chân thật: Để chứng tỏ mình tốt

Không ai muốn lưu lại trong mắt người khác với một hình ảnh xấu cả, thậm chí lắm người hiểu rất rõ con người thực của chính mình với tất cả những điểm thiếu khuyết, vậy mà họ vẫn muốn người khác đánh giá họ cao hơn, tốt hơn những gì họ đang có. Khi nhìn hình mình sau khi qua sự hình sửa của công nghệ photoshop, hình không còn giống mình nữa nhưng đẹp hơn, ta hài lòng với hình đẹp hơn chứ không chịu hình giống mình. Ta thích nghe lời khen dù biết đó là khen đểu. Ta thích khen và cố tạo ra một vẻ ngoài lung linh để ăn mày lời khen ấy dù rất có thể tâm ta còn xù xì, thô nhám hơn nhiều!

Có một chị bạn kể lại với tôi rằng, một hôm, chị ta đi ngoài phố. Trong lúc đang đi giữa đám đông, gặp người bà cụ ăn xin, chị ta liền móc túi cho mấy đồng, vì cảm thấy khó lòng làm thinh giữa đám đông. Hôm khác, chị đi chơi với một nhóm bạn, gặp em bé đi xin, chị không ngần ngại biếu mấy đồng tiền lẻ. Rồi một hôm khác nữa, chị lủi thủi đi một mình, gặp cụ ông đưa tay cần giúp đỡ, chị vô tình làm thinh bước về phía trước. Đi một quãng, chị vội giật mình với chính con người mình. Chị ta nghĩ, vậy con người thật của chị ta là gì? Là tốt hay xấu? thương người hay ích kỷ? chị ta kể rằng, cuối cùng chị ta đã dám nhìn thẳng vào bản chất của con người mình và thú nhận rằng, lần thứ nhất, chị biếu tiền người ăn xin là vì đám đông. Chị sợ rằng những người xung quanh thấy chị từ chối vài đồng bạc lẻ với người cần giúp đỡ sẽ nghĩ cô gái này keo kiết, bủn xỉn. Lần thứ hai, chị làm việc tương tự để giữ hành ảnh đẹp trong mắt bạn bè vì còn gì tồi tệ hơn khi một người bị bạn bè cho là bỏn xẻn, rít rắm? Chị tự nhận xét về mình rằng, lần thứ ba, chị mới lộ chân tướng con người thật của chính mình. 

Nghe chị tâm sự, tôi cảm phục chị đã dám nhìn mình một cách “như thị”. Tôi cũng không khỏi giật mình, thấy đâu đó hình ảnh của con người mình, hoặc khi này hoặc khi khác, một cách vô thức, mình hành xử không khác chị bạn này về tính chất, dẫu sự việc có khác đi. Không chỉ tôi, hay chị bạn tôi – người kể lại câu chuyện trên, mà không ít người trong chúng ta có cách hành xử như vậy, hoặc vô tình hoặc cố ý. Thế nhưng, tôi tin rằng, không nhiều người nhận ra điều mà chị bạn tôi đã nhận ra, dù chỉ nhận với chính bản thân mình, chứ khoan nói đến việc chia sẻ những diễn biến tâm lý ấy với người khác.

Để được chấp nhận và khen ngợi

Dường như trong cuộc sống tương đối, con người có xu hướng chấp nhận và khuyến khích nhau nói dối theo kiểu “không hại ai” (“white lie”). Người ta cứ nghĩ đơn giản, không đáng khen cũng khen một tiếng cho người ta vui, thì cả làng đều vui, có mất mát gì đâu! Thế nhưng, nghiêm túc mà nhìn nhận vấn đề, nói dối, không thể nào không có tác hại được. Đã là ‘dối’ thì chỉ có ‘dark’ chứ làm gì có ‘white’? Về người nhận lời khen hão, người ấy sẽ không biết đâu là sự thật trong khi, sự thật là cái mà người chân chánh nào cũng đi tìm và muốn biết. Về phía người khen, nói khác sự thật chỉ để làm vừa lòng người khác chẳng có ích gì cả mà còn có tác hại là tập cho mình một thói quen nói láo. Khi đã hình thành thói quen này rồi, người ấy sẽ sẵn sàng nói láo không ngượng miệng trong nhiều trường hợp khác, lắm khi phương hại khôn lường đến người, nhất là việc nói láo đó đem chút ít lợi trước mắt cho bản thân họ. Đó là chưa kể ngay sau khi mở lời khen hão người kia mặc cái áo đẹp, trong bụng họ, rất có thể, lại khởi lên một ý niệm ngược lại “xấu hoắc mà cũng hỏi.” Đó là chưa tính đến đi “buôn dưa lê” bàn ra tán vào với người khác. Từ chỗ nói không đúng sự thật ấy mà dễ dàng tạo thêm bao nghiệp xấu ác mà không hề hay biết. Biết mà nói láo, như Đức Phật từng dạy La-hầu-la, “đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm” (Kinh giáo giới Rahula ở rừng Ambala, Trung bộ kinh, số 61 (Trung bộ kinh số 61: Kinh giáo giới La-hầu-la). Ở một bài kinh khác, đức Phật ân cần nhắc nhở rằng “chân thật là lời nói bất tử. Đây là định luật từ xưa” (Kinh Tập - Sn. 453) để mỗi người chúng ta tự tin để vượt qua mọi cám dỗ tầm thường và sống với tâm chân thật.

Để bảo bọc và nuôi dưỡng cái “ta”

Trong tiếng Anh, từ nhân cách (personality) có nguồn gốc từ chữ Latin persona, nghĩa là cái mặt nạ mà người diễn viên thường mang khi biểu diễn trên sân khấu. Bởi vì con người thường có tâm lý cải trang, che chắn, một cơ chế tâm lý tự vệ - tất nhiên là có nói dối - để bảo vệ mình, nói đúng hơn là để hình ảnh của mình đẹp hơn trong mắt mọi người, nên từ ‘persona’ dùng để chỉ nhân cách con người. Nói cách khác, trên sân khấu cuộc đời, mỗi một con người chúng ta, dù là người chân thật nhất, phải đóng nhiều vai diễn khác nhau. Môi trường xã hội bắt buộc phải thế, mỗi con người đều phải đảm trách các vai diễn khác nhau tùy thuộc vào các vai trò khác nhau trong xã hội. Một người vừa có thế là cấp dưới của một số người nhưng đồng thời là sếp của nhiều người khác, vừa là cha/mẹ của một vài đứa trẻ nhưng vừa là con của cha mẹ mình… Như vậy, trong mỗi vai trò, có một chuẩn mực đạo đức tương đối để quy định trách nhiệm, bổn phận và cách ứng xử của mình. Thực hiện tròn vai trong mỗi vai trò được xã hội ngợi khen, đi ra khỏi ngưỡng quy ước chung của xã hội sẽ không được chấp nhận. Ai cũng muốn mình được đánh giá và nhìn nhận tích cực với những gì chúng ta thể hiện với người khác. Chính vì tự tạo áp lực về bổn phận và trách nhiệm mỗi người cần phải thực hiện, hiện tượng nói dối dần phổ biến và được nuôi lớn song hành cùng các mối quan hệ. Chính cái tâm lý muốn “tỏ ra” mà mình không dám sống thật với mình và với người. Tôi lấy mối quan hệ cha/mẹ với con làm ví dụ.

Mỗi cá nhân cùng lúc phải làm tròn mọi vai diễn là một thử thách lớn. Một người nào đó có thể là một người cha/mẹ chưa đủ tốt, chưa gương mẫu mà không muốn con mình buồn và xấu hổ khi có người cha/mẹ như mình, thế là trước mặt con, mình “tỏ ra” tốt. Để làm được cái gọi là “tỏ ra” ấy thì chỉ còn cách sống thiếu chân thật và nói dối con. Nói dối, trong trường hợp này, là để giữ hình ảnh một người cha/mẹ gương mẫu trong mắt con mình khi người ấy muốn có cái ‘ảnh’ đẹp hơn thực chất vốn có. Chắc ít cha mẹ nào đủ cam đảm để nói với con “ba/mẹ có lỗi, ba/mẹ xin lỗi con”, hoặc “về mặt này, ba/mẹ sai, ba mẹ sẽ sửa đổi”. Tôi tin rằng, ngay cả trong ý tưởng, các bậc cha mẹ cũng ít ai dám nhìn lại mình một cách khách quan để nhận ra những điều vụng về thiếu sót của bản thân. Thường thì người ta hay dùng uy quyền của người lớn như chiếc bùa hộ mạng khi gặp gay cấn với con cái. Thiếu chân thật và dối trá sẽ len lỏi vào trong tâm thức, trong cách nghĩ, lời nói và hành động để duy trì cái quyền lực “bất khả xâm phạm” của cha mẹ.

Nói cho cùng, chúng ta sống thiếu chân thật phần nhiều để bảo vệ cái ‘ta’ của mình. Cái ‘ta’ ấy mình tự dệt nên với nào là uy tín, thể diện và cả sĩ diện nữa. Để không ‘mất mặt’ mà cần làm cho ‘đẹp mặt’ thì chúng ta phải có nhiều chiêu thức và mánh lới để bao bọc, hộ trì, tự vệ và phản công khi có cảm giác cái ‘ta’ của mình bị đe dọa. Chúng ta làm việc này cả trong ý thức và vô thức. Gọi là vô thức nhưng động cơ tâm lý này âm ỷ chạy bên trong, ẩn sâu dưới bề mặt ý thức như mạch nước ngầm, có tác dụng dẫn dắt và điều khiển tâm thức thực hiện tốt chức năng che chắn, phòng vệ và phản công khi cần thiết.

Sống chân thật là dám can đảm nhận mình chưa hoàn thiện

Người thiếu chân thật thường có biểu hiện bênh vực, bao biện mình khi có lỗi. “Vụng múa chê đất lệch; hát dở chê micro rè” mà ta thường nghe có thể được dùng để chỉ tính cách của người thiếu chân thật. Đối với bất cứ chuyện gì, họ luôn tìm cách chứng tỏ mình đúng bằng cách đổ lỗi cho người khác, hoặc đổ cho hoàn cảnh khách quan. Những người ấy thường không dám nhìn nhận sự thật mà luôn bào chữa, biện minh cho những sai lầm của mình, biểu hiện phổ biến nhất là nổi nóng, cãi lại, phủ nhận càng bướng theo kiểu tự vệ “xù lông nhím”. Lúc này, họ sẽ không nhận ra mình đang bị sân chi phối và dần mất quyền tự chủ. Trong một số trường hợp, ta không nhận ra ta phải chịu trách nhiệm việc mình làm nên chối bỏ chứ không phải thiếu chân thật. Thế nhưng phần lớn ta biết mà tránh né trách nhiệm, luôn đổ lỗi cho người khác (cho rằng vì người ta mà mình nổi giận…). Người không chân thật không dám nhận lỗi của mình, và rõ ràng là không thể nào kiểm soát được tâm mình và lại càng không thể tăng trưởng về đạo đức.

Người chân thật luôn hướng đến chân-thiện-mỹ

Đức Phật từng tuyên bố “Như Lai nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy” (Kinh Thanh Tịnh, Trường bộ kinh số 29).Tâm chân thật và tâm thiện thường đi đôi với nhau để làm cho ai sở hữu chúng trở nên đẹp và có giá trị nhiều hơn. Chấp nhận một sự thật chưa toàn thiện ở bản thân là biết hướng đến chân trời toàn thiện và toàn mỹ. Chân-thiện-mỹ luôn có giá trị trong mọi lúc mọi nơi. Với người chân thật, việc xảy ra như thế nào, họ trình bày như thế ấy và luôn cảm thấy tâm thanh thản. Ngược lại, người nói dối phải tác ý, phải khởi tâm, dựng chuyện cho hợp lý và cố ghi nhớ để lần khác không nói sai đi. Chính vì vậy, tâm của họ rất mệt mỏi. Đó cũng là lý do khiến tâm không bình an được. Người thiếu chân thật luôn sống trong điên đảo vọng tưởng vì phải luôn động niệm để đặt điều, khởi ý và tưởng tượng để thêu dệt câu chuyện theo chủ đích của mình nhằm bảo vệ và che giấu cái xấu ác của bản thân. Như vậy, con đường phấn đấu của người ấy như chưa hề có.

Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, người đã đấu tranh xoá bỏ được chế độ nô lệ ở Mỹ từng nói một câu rất chí lý “Ta không thể lừa dối một người nào đó suốt đời, ta có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, nhưng ta không thể lừa dối mọi người mãi mãi”. Một vị Tổng thống mà hiểu được như vậy và lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình là điều rất quý. Sở dĩ ông nói như vậy vì ông quan niệm rằng, chân lý có sức mạnh, sự thật có sức mạnh. Các bạn ạ, cuối cùng chân lý tự nó khẳng định giá trị của mình và sự giả dối bao giờ cũng bị phanh phui, cây kim trong bọc sớm chầy gì cũng thò đầu ra thôi. Vì vậy, cái hay nhất của con người là sống trên đời biết làm việc lớn thì đừng suy nghĩ thiếu chân thật và làm điều gian dối. Dẫu rằng cuộc đời này chưa hoàn hảo nhưng chúng ta, mỗi người nên góp một bàn tay xây dựng thế giới cộng sinh của mình tốt hơn bằng hành động thiết thực của chính bản thân mình: hãy sống chân thật với mình và với những người xung quanh.

Người chân thật có lòng tự trọng cao 

Những ai càng trân trọng nhân vị của mình, người ấy càng ý thức trong việc giữ tâm ý mình thành thật. Người có suy nghĩ và tự trọng luôn biết giữ hình ảnh của mình bằng cách sống chân thật, nhất là khi họ sống trong môi trường tập thể, nơi “tiếng lành đồn xa” thì tiếng dữ cũng không lý do gì mà không phát tán khắp bốn phương. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, sự thật tự nó có phép mầu. Dù bị che đậy, cuối cùng sự thật cũng vẫn là sự thật. Nếu vì một chút lợi danh nào đó mà dối trá, vì một chút sỉ diện mà đậy che, vì một chút tự tôn mà lươn lẹo thì trước sau, mặt trời chân lý sẽ chiếu soi mọi ngõ ngách tối tăm nhất! Một khi bị người đời phanh phui ra ánh sáng, uy tín của họ sẽ không còn nữa thì uổng phí lắm. Vì vậy, tốt nhất là nên sống đời chân thật.

Đã là con người ai cũng có những vụng về, vấp ngã và tội lỗi; điều quan trọng là sau mỗi lần vấp ngã, chúng ta cần làm gì để không hổ thẹn với lương tâm và với những người xung quanh. Cách sống chân thật hay giả dối được nuôi dưỡng tùy thuộc vào thái độ của chúng ta sau mỗi lần vấp ngã như thế đấy.

Sống chân thật, được nhiều hơn mất

Chân thật lúc nào cũng được tất cả mọi người đón nhận, ngay cả những người chưa biết sống và nói chân thật cũng hiểu được giá trị của chân thật. Trong cuộc sống, ai cũng thích được cư xử bằng tấm lòng chân thật, nghe lời chân thật và ai cũng thích chứng minh và mong được nhìn nhận mình là người chân thật. Ấy thế mà oái oăm thay, hiếm ai có thể sống thật và nói được lời chân thật với tất cả mọi người trong mọi lúc mọi nơi. Ai cũng từng nhiều lần sống giả dối và nói không chân thật và cứ mỗi lần như thế, ta đều có lý do để biện minh cho việc mình làm và rất có thể sau một vài giây áy náy, mình tự trấn an mình như là một cách gián tiếp ủng hộ và tiếp tay cho cách sống thiếu chân thật.

Ta chỉ có thể sống chân thật khi thật sự nhận thức về lợi ích của chân thật một cách rõ ràng và đầy đủ để có sức mạnh cưỡng lại thói quen sống che chắn và bao biện vốn ăn sâu trong tâm thức ở mỗi con người. Chân thật là một đức tính mà con người cần phải phấn đấu một đời để duy trì, nuôi dưỡng và phát huy. Có một điều người chân thật được đáp đền xứng đáng với sự nỗ lực liên tục của họ là có được tâm thanh thản bình yên. Tất nhiên sẽ có lúc bạn phải chịu sự thiệt thòi vì sự chân thật, nhưng đó chỉ là tạm thời, chung cuộc thì cái được vẫn nhiều hơn. Nếu nghĩ đến tâm bình yên như là một quả ngọt của lối sống chân thật, tâm bạn sẽ đủ mạnh để không còn chấp nhặt những điều nhỏ bé, tầm thường đó nữa và thản nhiên bước qua. Lối sống chân thật chỉ cho quả ngọt khi chín muồi. Ai nóng lòng vội hái quả xanh thì không đủ kiên nhẫn để đợi đến khi nếm được hương thơm vị ngọt của quả chín. Chính vì vậy, nhiều người hiểu được giá trị của chân thật trên lý thuyết, nhưng rồi họ bị cuốn trong dòng sống tạm bợ và phù phiếm, bằng lòng với cái lợi chóng vánh trước mắt mà càng ngày càng xa chân tâm của mình, thật đáng tiếc.

Sống chân thật: lòng thanh thản

Lòng thanh thản và hạnh phúc thật sự chỉ đến từ sự chân thành của nội tâm chứ không phải từ những thứ bên ngoài. Câu chuyện nhỏ sau đây thể hiện điều đó. Có hai đứa bé, một trai, một gái chơi thân với nhau. Bé trai có rất nhiều bi đủ màu sắc, kích cỡ. Bé gái thì thường có kẹo. Hai bé vẫn thường cho kẹo và cho mượn bi để cùng chơi với nhau. Một hôm, thấy bé gái có túi kẹo đủ các loại thật ngon; bé trai chơi bi hoài sinh chán, bé gái ăn kẹo mãi cũng khôngcòn thích thú nữa. Thế là hai bé thỏa thuận đổi nhau những gì chúng có: bé trai đưa hết số bi mình có để đổi lấy tất cả kẹo bé gái có, bé gái đồng ý. Bé gái đưa hết số kẹo cho bé trai và nhận về túi bi đủ màu sắc. Bé trai sau khi lén giấu lại cho mình viên bi đẹp nhất trước khi trao bi cho bé gái. Bé gái rất vui với túi bi. Đêm đó, bé có một giấc ngủ ngon lành. Bé trai thì cứ nằm trằn trọc không sao ngủ được và cứ miên man suy nghĩ “liệu bé gái có giấu lại viên kẹo ngon nhất không nhỉ?” Liệu ta nên chọn cách sống của bé trai hay bé gái trong câu chuyện này? Đừng nói ta sống như bé trai kia và mong người khác đối với mình như bé gái nọ, rằng phần mình thì không thật, mà cứ muốn người khác chân thật và tử tế với mình.

Sống chân thật là một cách đem lại hạnh phúc giản đơn nhất. Có sao thể hiện vậy, nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy, cứ chịu trách nhiệm về mình, dù kết quả thế nào, thì lòng thanh thản, khỏe nhẹ vô cùng và khi ấy hạnh phúc liền có mặt. Sống chân thật là tự trao cho mình cơ hội để tiến bộ. Sống chân thật là tin tưởng vào tâm bao dung, rộng lượng của người khác dành cho mình. Sống chân thật là thể hiện của tình yêu thương và chia sẻ thay vì đối kháng và tự vệ. Sống chân thật là không gồng mình để biến thành một ai đó, mà vẫn cứ là mình để tâm được nhẹ nhàng, thanh thản.

Sống chân thật: thêm nhiều uy tín

Với mỗi một con người, khi nói ra được một sự thật thì tâm hồn người đó thêm một lần trong sạch, thêm một cơ hội sống chân chánh với chính mình và thêm một lần củng cố niềm tin nơi người khác. Niềm tin là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất cho mọi thành công trong sự nghiệp cũng như trong các mối quan hệ của con người. Chân thật là thước đo bản chất và nhân cách của mỗi người và là cơ sở để trao gởi niềm tin cho nhau. Khi một người có lương tâm đứng trước một sự thật bị bóp méo hay bị vùi dập mà bất lực đứng nhìn thì con người đó sẽ thấy bị sỉ nhục, mất niềm tin vào con người và cuộc sống. Có lỗi hay thậm chí có tội không có gì xấu nếu biết lỗi, hồi tâm cải sửa và nhắc tâm tránh tội lỗi trong tương lai. Người dám nhìn sự thật và nhận lãnh trách nhiệm về những hành vi của mình là người đáng trân trọng và đáng được tha thứ vì lương tâm họ được đánh thức và nhận ra được sai lầm của mình.

Người che giấu sự thật không đáng cho người khác tin tưởng. Như trò chơi ghép hình mất đi vài mảnh ghép, người không thật thường làm cho người nghe bối rối và nghi ngờ khi không đủ dữ liệu cần thiết để hiểu một câu chuyện hoàn chỉnh. Người nghe không thể nào tái hiện câu chuyện hoặc tình huống với những thông tin bị cắt xén hoặc thêm vào hay bớt đi nhiều chi tiết theo chủ ý của người nói. Câu chuyện vì thế trở nên què quặt (vì bị cắt xén) hoặc dị dạng (với các thông tin thêm vào thiếu hợp lý). Người nào cố tình tránh né sự thật một cách có ý thức, thậm chí chuẩn bị những cách biện hộ bào chữa khi sự thật lỡ được soi ra trong ánh sáng, là còn đang nuôi dưỡng sai lầm và tội lỗi. Chọn lọc hay thêm vào các chi tiết có lợi cho mình để nói và ém nhẹm các chi tiết có nguy cơ làm hoen ố hình ảnh của mình trong mắt người khác, lạc dẫn người khác hiểu theo ý đồ của mình là một cách sống dối trá có toan tính. Một nửa chiếc bánh thì vẫn là bánh nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật. Nói thật và sống thật, kể ra, không dễ dàng tí nào!

Để sống chân thật: dám chấp nhận mình với tất cả những gì đang có

Trong cuộc hành trình mình đi qua bao nhiêu năm tháng trên cuộc đời, bao dấu chân mình lưu lại sau lưng, in trên đường đời thành tài sản để lại của mỗi một con người. Dù mình có ngoảnh mặt lại nhìn hay không, hài lòng với nó hay không, sự thật vẫn là sự thật. Dẫu có ai đó chối từ dấu chân mình hay chấp nhận chúng, mọi người cũng sẽ thấy dấu chân mình. Dấu chân ấy, có khi in trên con đường thẳng tắp, có khi hằn trên vũng sình lầy, có lúc bên vực thẳm tưởng chừng tí xíu nữa là lao xuống hố. Có đoạn các dấu chân đều đặn thành hàng trên đường thênh thang cho thấy những bước chân vững chãi và thảnh thơi đã bước qua. Có khúc dấu dài dấu ngắn chệch choạng ghi lại những bước đi lảo đảo trong những lúc lơ đễnh thiếu quan sát cẩn thận. Dấu chân nào rồi cũng của ta. Dấu chân chỉ là sự ghi lại sự có mặt và hành trạng của mình trong quá khứ. Do đó, hãy sáng suốt và thanh thản nhìn nhận chúng để định hướng đi tới, bớt đi những bước chân chệnh choạng, lảo đảo và có thêm những bước đi thăng bằng và tự tin hơn. Những gì mình nói và làm trong cuộc sống chính là những dấu chân mình lưu lại. Đó như là cái bóng của cuộc đời mình. Muốn để lại dấu chân thế nào, cần ý thức khi cất bước và đặt bước. Hình cong thì bóng vạy, hình thẳng thì bóng ngay. Đừng mất công đi sửa cái bóng mà hãy sửa hình! Lúc này, chánh niệm là yếu tố vô cùng cần thiết hỗ trợ để mỗi người chúng ta sống thật với mình, với người để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Posted by Hằng Như at 3:33 PM
Labels: Cuộc sống
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Kinh Nghiệm Người Xưa Trong Việc Giáo Dục



Ngày nay trên đà tiến bộ của văn minh khoa học, vật chất, đã góp phần giúp cho con người cải thiện đời sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng ngược lại kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, do nhu cầu hưởng thụ quá mức dẫn đến tình trạng cướp bóc giết hại lẫn nhau, bất chấp luân thường đạo lý làm người. Người sau, do tiếp thu nền văn minh vật chất hiện đại nên đa phần tiến bộ hơn người xưa, do đó sanh ra ỷ tài cậy sức. Tự cho mình là thầy thiên hạ, chẳng chịu nghe lời khuyên nhủ, thiếu kinh nghiệm tu tập, cho rằng mình thông minh lanh lợi, sinh tâm cống cao ngã mạn. Ai tán thán ngợi khen nịnh hót tâng bốc thì hoan hỷ, ai thành tâm khuyên nhủ, góp ý, thì cho rằng người đó là bần cố nông dốt nát. Thường hay bảo thủ không lắng nghe ý kiến người khác, chỉ biết làm theo ý mình một cách mù quáng, nói và làm trái ngược nhau. Người ở xa không biết, cho rằng người đó là thánh sống, nhưng khi có dịp gần gũi thân cận, mới thấy sự thật quá phũ phàng.

Ca dao Việt Nam có câu:

Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.

Thông thường các bậc cổ nhân là những người đi trước lớn tuổi, đã từng trải nghiệm trong cuộc sống, đã thắm thía cuộc đời nhiều nỗi đắng cay. Nên các ngài thường lấy kinh nghiệm thực tiễn, để hướng dẫn cho người sau có những kinh nghiệm quý báu, dù thời thế có thể đổi thay, nhưng những lời dạy ấy, vẫn không bao giờ bị mai một.

Có một bầy rùa đang sống trong một hang động hoang dã xa xôi, nơi đây ít người lui tới. Cách đó không xa, có một đồng cỏ xanh tươi bao bọc chung quanh hồ nước trong vắt, rất thích nghi với đời sống loài rùa. Vậy cớ sao, bầy rùa kia lại ở nơi hoang dã, để phải chịu cảnh sống cơ cực bần hàn? Chính vì vậy, mà các rùa con hay thắc mắc với mẹ chúng, tại sao chúng con không được sống nơi trù phú, phì nhiêu để hưởng thụ các món ngon vật lạ, mà phải sống cơ cực nơi hang sâu núi thẳm vậy mẹ? Các con không biết đó chứ! Tuy nơi đây cực khổ thiệt, nhưng đảm bảo được tính mạng an toàn cho các con. Chỗ có nhiều lợi dưỡng, là nơi giăng bẫy của một số người ác tâm, họ luôn rình rập chúng ta, sẵn sàng bắt lấy chúng ta để làm thịt.

Mặc dù được nghe rùa mẹ giải thích cặn kẽ, nhưng đám rùa con vẫn còn háo hức, thèm thuồng được một chuyến chu du miền hoa thơm cỏ lạ. Chúng cùng to nhỏ với nhau, chắc là không có người ác tâm, như mẹ mình nói đâu, một con trong bọn nói, mình lớn cả rồi lại thông minh lanh lợi, nếu lỡ gặp người ác tâm bọn mình liền lặn ngay xuống đáy hồ, họ làm sao bắt được? Hay quá! Hay quá! cả bọn rùa reo lên. Sợ nguy hiểm mà bỏ qua thú vui trước mắt, thật là uổng phí quá chừng. Chúng ta phải ra đấy ngắm cảnh xem hoa, để tận hưởng khoái lạc cuộc đời, há chi phải tự giam cầm nơi hang cùng hiểm hóc và nhỏ hẹp này.

Trong lòng nghĩ như vậy, nhưng chúng vẫn còn lo sợ. Do ham muốn và thèm khát thôi thúc, cả bầy rùa đồng quyết định ra hồ chơi một chuyến cho biết. Cuộc phiêu lưu bắt đầu, chúng âm thầm xuống khe núi, lặng lẽ bò đến bờ hồ, lòng vô cùng phấn khởi và thích thú trong chuyến du hí đầu tiên. Nhớ lời rùa mẹ dặn, chúng cảnh giác coi có sự cố gì xảy ra không? Nhưng nhìn quanh, nhìn quẩn, chẳng thấy có dấu hiệu gì là đáng nghi ngờ và nguy hiểm, nên chúng không còn lo sợ nữa, vô tư đùa nghịch với nhau không cần cảnh giác. Chúng tự nhủ thầm tiếc quá, bấy lâu nay bị giam hãm nơi nước độc rừng sâu, bỏ phí bao tháng ngày vui thú đầy khoái lạc hấp dẫn này. Tưởng chừng như cuộc vui được kéo dài trọn vẹn, nào ngờ đâu giông bão đang kéo đến, mà chúng vẫn không hay biết gì.

Bất thình lình, từ trên không trung, một tấm lưới phủ trùm trên đầu chúng chụp xuống, lũ rùa cố gắng hết sức bò thật nhanh nhưng không còn kịp nữa, tấm lưới đã tóm gọn tất cả! Chỉ có một con trong bọn nhờ tinh mắt, nhanh chân nên đã trốn thoát, về được tới nhà. Rùa mẹ biết chuyện không may đã xảy ra, khi thấy rùa cả trở về một mình, liền hỏi lũ em con đâu rồi sao không thấy, chắc tụi con lén ra hồ chơi phải không? Mẹ đã bảo rồi mà, các con chẳng chịu nghe. Rùa anh buồn bã nói với rùa mẹ, con nhớ lời mẹ dặn, cảnh giác trước mọi tình huống xảy ra, nên con đã thoát được lưới tử thần của những người ác tâm, còn các em con do mải mê vui đùa hưởng lạc thú, nên đã bị bắt hết cả rồi.

Rùa mẹ nghe nói, liền khóc rống lên, con ơi là con. Mẹ đã bảo rồi mà, các con không chịu nghe, nên mới xảy ra chuyện đáng tiếc như thế này. Xưa nay, ông tổ nhà rùa chúng ta đã từng khuyên nhủ con cháu, phải nên sống trong rừng sâu núi thẳm mà tu thân tích đức, đừng vì ham chỗ đẹp đẽ cao sang quyền quý, mà phải chuốc họa vào thân. Các con còn quá nhỏ, ăn chưa no, lo chưa tới, không chịu nghe lời mẹ dặn, nên đã tự giết mình khi tuổi đời còn non trẻ.

Câu chuyện ngụ ngôn trên đã cho chúng ta một bài học sống ở đời, con người vì quá đam mê lạc thú trần gian, nên bỏ ngoài tai những lời chỉ dạy của người xưa đã qua thời gian trải nghiệm trong cuộc sống. Những bậc hiền nhân, những người đi trước từng có nhiều kinh nghiệm, trong trường đời danh lợi và đã đứng lên từ những vấp ngã, để vượt qua cạm bẩy cuộc đời.

Do ỷ tài cậy sức, học cao hiểu rộng, một số người xem thường lời dạy cổ nhân và nghĩ rằng thánh nhân thời xưa lạc hậu, nên họ nói: “Tuổi trẻ thời nay khôn hơn người xưa nhiều” nhưng họ đã quên mất một điều, người xưa nhờ có tu tập, biết quán chiếu và xem xét, khi muốn làm việc gì. Người trí khi nghe lời dạy thánh nhân, biết được tai hại đam mê hưởng thụ quá đáng, nên tránh được những sai lầm đáng tiếc. Còn chúng ta, vì quá mê muội và tự mãn trong sự hiểu biết của mình, chẳng thèm lắng nghe những lời chỉ dạy của người xưa nên mới bị mang họa vào thân. Vì thế, cổ nhân từng răn nhắc chúng ta: “Không thầy đố mày làm nên” chúng ta quá coi thường lời dạy người xưa, không thèm học hỏi lắng nghe ỷ lại tài năng và sức lực của mình. Những lời chỉ dạy bổ ích của bậc trưởng thượng đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương chân thật, giúp chúng ta không rơi vào hố sâu tội lỗi. Chúng ta đã biết, sự sống trên thế gian này muốn tồn tại, phải tương tàn tương sát lẫn nhau, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ, đó là nói sự sống của loài súc sanh. Còn con người thì sao? Con người nhờ có trí khôn và sự hiểu biết nên có thể nhận định suy xét, tìm hiểu đúng sai, nhưng một khi con người đã làm ác rồi, thì không ai bằng.

Bởi vậy người xưa do kinh nghiệm một đời, đã từng học hỏi cổ nhân qua sách vỡ và thực tiển, nên các ngài lúc nào cũng thương tưởng chúng ta, đắng môi, mỏi miệng, để truyền đạt cho nhân thế những lời dạy quý báu, bổ ích. Nhưng chúng ta không chịu nghe, đến khi gặp nạn rồi đành chịu chết chìm trong tội lỗi, có sám hối ăn năn cũng không làm sao kịp. Lũ rùa kia không nghe lời dạy của mẹ, cả đàn ngốc nghếch ngông nghênh để tự làm hại mình, như chú bé con vì ham chút mật ngọt trên dao bén, mà phải chịu họa đứt lưỡi.

Riêng chú rùa đàn anh, luôn nhớ lời mẹ dạy và lúc nào cũng cảnh giác cao độ, nên đã thoát khỏi lưới tử thần trong đường tơ kẽ tóc. Nhiều người tự cho mình có đủ khả năng, ngang dọc tung hoành trong thiên hạ, đến khi mang họa vào thân, mới thấy lời dạy cổ nhân thật là chí lý, có ăn năn hối hận thì cũng đã muộn màng. Chúng ta thường quên mất một điều, bậc thánh nhân, người hiền đức, các ngài đã từng trải qua bao gian nan trắc trở, nhờ đó mà kinh nghiệm sống thường rất chừng mực và sâu sắc. Thậm chí có những điều ta chưa biết, nhưng các ngài đã biết, rồi bằng kinh nghiệm của chính mình, để chỉ cho chúng ta biết được điều hay lẽ phải, tránh được tai nạn trong đời. Ấy thế mà có người chẳng chịu nghe, ngược lại còn phê phán người xưa sau quá lạc hậu.

Ngày nay trên đà tiến bộ của văn minh khoa học, vật chất, đã góp phần giúp cho con người cải thiện đời sống ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng ngược lại kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, do nhu cầu hưởng thụ quá mức dẫn đến tình trạng cướp bóc giết hại lẫn nhau, bất chấp luân thường đạo lý làm người. Người sau, do tiếp thu nền văn minh vật chất hiện đại nên đa phần tiến bộ hơn người xưa, do đó sanh ra ỷ tài cậy sức. Tự cho mình là thầy thiên hạ, chẳng chịu nghe lời khuyên nhủ, thiếu kinh nghiệm tu tập, cho rằng mình thông minh lanh lợi, sinh tâm cống cao ngã mạn. Ai tán thán ngợi khen nịnh hót tâng bốc thì hoan hỷ, ai thành tâm khuyên nhủ, góp ý, thì cho rằng người đó là bần cố nông dốt nát. Thường hay bảo thủ không lắng nghe ý kiến người khác, chỉ biết làm theo ý mình một cách mù quáng, nói và làm trái ngược nhau. Người ở xa không biết, cho rằng người đó là thánh sống, nhưng khi có dịp gần gũi thân cận, mới thấy sự thật quá phũ phàng.

Nhiều người hiểu biết sai lầm, tưởng ai lý luận giỏi là người đắc đạo. Hiểu như vậy vô tình phỉ báng Phật pháp. Lý luận giỏi chưa hẳn là người đạt đạo nói và làm tương ưng mới thật là người đạt đạo. Đạo không nằm trong ngôn ngữ lời nói, mà đạo thể hiện nơi hành động thực tế, nói và làm không trái ngược nhau, nói được phải làm được, không thể nói việc trên trời, mà làm việc dưới đất. Lúc nào cũng muốn thay đổi thiên hạ mà không tự thay đổi chính mình. Muốn thiên hạ theo mình, mà mình không tự làm tốt, biết khuyên mọi người hãy sống với thực tế, mà mình lại vu vơ huyền hoặc. Mình sống bằng lý luận môi mép, mà lại khuyên mọi người sống chân thật, thực là lời nói việc làm trái ngược nhau, nói một đường làm một nẻo.

Trong nhà Phật thường nói: “Mình không biết lội, mà muốn cứu người chết đuối, thật là vô lý.” Vậy mà có một số người chẳng biết lội lại thích cứu người, đúng là mâu thuẫn cuộc đời. Hiểu biết và thực hành khác xa một trời một vực. Nhiều người giỏi nghiên cứu nhưng không có khả năng thực hành, chỉ nghiên cứu suông, nói suông. Thực tế đã cho chúng ta thấy rất nhiều nhà lãnh đạo giỏi, không có trình độ chuyên môn cao, nhưng họ biết thích nghi nhu cầu cuộc sống, nên đa phần đều dễ thành công đem lại lợi ích thiết thực đến cho nhiều người.

Còn những nhà nghiên cứu suông, nhờ có biện tài ngôn ngữ và có phước duyên lợi khẩu, nên dễ thuyết phục mọi người tin theo, nhưng thực tế lại rất phũ phàng, vì lời nói việc làm trái ngược nhau. Cho nên, học kinh nghiệm của người xưa thật là quý báu vô cùng. Tuy các ngài nói ít! Nhưng, lời nói đó không thể mai một theo thời gian, vì các ngài biết cân nhắc tuỳ thời tuỳ duyên, biết nương theo phong tục tập quán của xã hội để làm lợi ích cho nhân loại. Do sự phát triển quá nhanh chóng, con người cứ mải mê chạy theo nhu cầu vật chất, nên coi thường lời dạy của người xưa. Có người tuy không bị vật chất cám dỗ, nhưng lại bị danh vọng trói buộc.

Chúng tôi may mắn gặp được Phật pháp, nhờ có môi trường tốt nên chúng tôi cũng đã từng bước vượt qua nhưng không phải dễ dàng, nếu tự mãn cho là đủ thì vẫn bị thói quen xấu chi phối. Để thấy, cái gì đã trở thành thói quen thâm căn cố đế, nếu muốn thay đổi chúng ta phải trả một giá rất đắc như người chết đi sống lại, thì mới thật sự chuyển hóa chúng. Nếu đơn giản và dễ dàng, thì người ta đâu cần phải tầm sư học đạo, đâu phải khổ công rèn luyện tinh cần miên mật, mới có thể vượt qua cạm bẩy cuộc đời. Người càng học cao hiểu rộng thì sự chấp trước càng lớn, nếu không biết tu tập và buông xả. Cho nên, nhà Phật không đặt nặng vấn đề văn hay chữ giỏi hoặc biện tài lưu loát. Ngày xưa Tổ Huệ Năng không biết một chữ, khi vào chùa chỉ biết giã gạo nấu cơm làm công quả, sau này trở thành vị Tổ thứ sáu Thiền sử Trung Hoa để lại nhục thân cho đến bây giờ. Đó là một sự thật không thể chối cãi được. Tại miền Bắc đất nước Việt Nam chúng ta hiện nay, có đến năm nhục thân của các vị thiền sư để lại là do nhờ công năng tu tập.

Người tu chứng không phải do học cao hiểu rộng mà được, mà chỉ thấy rõ thân này là một tổ hợp vật chất, do nhiều yếu tố thành hình, không có cái ngã thực thể cố định. Biết được như thế, chúng ta làm tất cả việc mà không thấy mình làm. Người học cao hiểu rộng, nếu không có sự tu tập thì sự chấp ngã càng lớn. Do đó dễ làm tổn hại cho nhiều người, khi họ lợi dụng quyền hành thế lực.

Thích Đạt Ma Phổ Giác
Theo daohatngaynay
Sưutầm: Hoa Nghiêm

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Từng Ngày Nhớ Phật


Mùa Xuân ngồi niệm Phật
Lượng đất trời rộng thênh
Nghe Xuân về rót mật
Với yêu thương, thanh bình.

Mùa Hạ ngồi niệm Phật
Nắng trải vàng tâm tư
Cõi đời dù oi bức
Vẫn thanh lương, khoan từ.

Mùa Thu ngồi niệm Phật
Lá u sầu nhẹ buông
Bao muộn phiền nhân thế
Thoáng mây về xa phương..

Mùa Đông ngồi niệm Phật
Niệm dần vào lắng sâu
Thân và tâm hợp nhất
Đau thương hóa nhiệm mầu.

- Bốn mùa con niệm Phật
Mời Phật vào trong tâm
Rải lòng từ khắp cả..
Tây Phương nào xa xăm.

Từng ngày con nhớ Phật
Gỗ mục thành phong lan.
Cùng con ong, cái kiến..
Sẽ thành Phật xếp hàng.

Từng giờ con nhớ Phật
Đời bao dung, dịu dàng!
Chợt hiểu tâm là Phật
Phật không rời thế gian.

Namo Buddhaya

Như Nhiên

Từ nguồn: Đạo Phật Ngày Nay 
Sưu tầm: Hoa Nghiêm

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Suy Ngẫm: Giáo Dưỡng Tốt Không Phải Đọc Sách Nhiều Mà Là Thực Hành Được Bao Nhiêu



Nghỉ hè năm nay, tôi đi xem phim cùng với bạn. Trước khi chiếu phim khoảng 40 phút, tôi nhàm chán ngồi một mình trong phòng chờ chơi điện thoại. Lúc này, có một cặp tình nhân trẻ đến ngồi bên cạnh tôi, nhìn họ có vẻ vừa tốt nghiệp đại học và mới đi làm thôi.

Lúc đầu, tôi không chú ý quá nhiều tới họ, cho tới khi những tiếng nói chuyện khá lớn của họ khiến tôi phải ngẩng đầu lên. Lúc ấy, tôi thấy cô gái ngồi trên đùi của chàng trai, đòi ăn kem, rồi lại đòi mua nước, sau đó hai người cùng đi mua một chai nước khoáng. Tôi cứ nghĩ họ đi rồi sẽ yên tĩnh, không ngờ họ càng đùa nhau nhiều hơn, cả khu sảnh chờ đều là tiếng cười đùa của họ.


(Ảnh: Internet)

Một câu chuyện khác, đây là câu chuyện của một người bạn học cùng thời đại học kể cho tôi nghe. Trong kí túc xá các nữ sinh đều rất tiết kiệm, từ ngày nhập trường họ đã có một thói quen, gom góp tất cả những vỏ chai nước khoáng và các thùng giấy lại, cuối cùng bán cho người ve chai, số tiền bán được trả phí ở ký túc xá.

Tới gần thời điểm nghỉ hè, họ đã gom được một sân thượng phế phẩm và gọi người mua ve chai. Bạn của tôi cùng hai người bạn cùng phòng gói gọn phế phẩm trong bao và khiêng xuống đi bán. Người mua ve chai là một bà cụ, mái tóc trắng như cước, quần áo giản dị, lưng còng, nhìn bề ngoài có thể biết được cuộc sống của bà rất gian khổ.

Hai bên thảo luận về giá, hai cô bạn cùng phòng lại không chịu giá bà cụ đưa ra, nhất định đòi giá cao hơn. Lúc ấy là giữa trưa, mặt trời lên cao nhất, bà cụ đã ướt đẫm mồ hôi. Sau đó, cô bạn ấy nói với tôi, hai cô bạn kia đối xử với bà cụ bằng thái độ rất kém cỏi, chỉ vì mấy ngàn lẻ, thực sự quá mức.



(Ảnh: Internet)

Thời mà tôi mới học cấp hai, có một người thầy dạy tiếng Anh, nhìn thầy cao lớn, dáng người thô kệch. Có lần người thầy này đang dạy, trong lúc cao hứng, đột nhiên quay lại hỏi nữ sinh G – một người có thành tích học tập không tốt – rằng trong lớp người bạn tốt nhất là ai. G trả lời là B. Người thầy liền hỏi rằng tại sao B học giỏi như vậy lại chơi với một người như G.
Lúc ấy, cả lớp im lặng, B ngồi cùng bàn tôi, nên tôi nghe rất rõ ràng B nói một câu “Teacher, you are wrong!”. Sau đó, G và B hàng ngày vẫn chơi với nhau rất vui vẻ, nhưng G không còn gọi thầy dạy tiếng Anh là thầy nữa.

Các bạn thân mến! Từ nhỏ, cha mẹ đã dạy chúng ta, phải lễ phép với người khác, nhưng chỉ có lễ phép không có nghĩa là giáo dưỡng tốt. Bạn có thể đối đãi nho nhã, lịch sự với đồng nghiệp khi đi làm, nhưng vẫn có thể chửi những nhân viên phục vụ trong nhà ăn; thầy giáo dạy học sinh lễ phép, thật lòng, tôn trọng thầy cô, nhưng cũng có thể ngay tại lớp học, thầy lại cho mình cái quyền đấm đá học sinh, cười nhạo học sinh, mắng nhiếc học sinh.

Có đôi khi, chúng ta chưa kiểm soát được mỗi lời nói, hành động của mình. Dựa vào đó có thể đánh giá vô cùng tinh tế về quá trình bạn được dạy dỗ cũng như quá trình tu dưỡng bản thân bạn.

Có người nói, muốn nâng cao văn hóa, cần phải đọc nhiều sách. Tuy nhiên, văn hóa có nhất định liên quan đến đọc sách không? Người đọc một ngàn cuốn tiểu thuyết, không nhất định có thể nói một câu “cảm ơn” khi nhân viên phục vụ mang thức ăn tới. Ai cũng học môn đạo đức từ hồi tiểu học, nhưng không phải ai cũng trở thành người có văn hóa cao.

Có một người bạn ở nước ngoài từng nói với tôi: “Cậu đọc qua rất nhiều sách, trong sách cậu gặp qua đủ loại câu chuyện về cuộc đời, nhưng cái nào mới là cuộc đời của cậu?”.
Tôi cho rằng, văn hóa cũng tương tự như vậy. Chúng ta nhận thấy, trong sách cổ nhân giảng cử chỉ khéo léo, lời nói văn minh như thế nào, chúng ta chưa hẳn thực sự đón nhận lời dạy đó. Nhưng nếu như chúng ta tự mình một lần đi phát tờ rơi trên đường, lần sau khi gặp người khác phát tờ rơi cho chúng ta, chúng ta nhất định sẽ không giống như trước kia mà từ chối thô lỗ.

Có một lần, tôi ở trên tàu điện ngầm, đã vô tình đánh đổ sữa lên người ta, cảm thấy sợ hãi vô cùng, chờ đợi người ta trách móc mình. Nhưng chàng trai tuấn tú kia lại tự lấy khăn tay ra lau sạch sẽ, mỉm cười tỏ vẻ thân thiện, không một câu trách cứ, vừa lúc tới bến anh ấy xuống xe. Tôi đột nhiên hiểu ra rằng, một người được đối xử một cách nhẹ nhàng mới có thể biết được cách đối xử nhẹ nhàng với người khác.


(Ảnh: Internet)

Con người ta cần những khoảng lặng để suy nghĩ lại những chuyện đã qua, sau đó mới dần dần từng bước trưởng thành. Khi bạn nếm qua mùi vị của việc bị mất cắp, chắc hẳn bạn sẽ không lựa chọn việc đi ăn cắp đồ vật của người khác. Khi bạn nếm qua mùi vị bị người khác nói những lời ác ý, hẳn bạn tuyệt đối không bao giờ nói lời làm tổn thương người ta.

Bạn thấy rằng những lời chửi thề rất thấp hèn, liền lựa chọn những câu văn minh, lịch sự khi trao đổi; khi thấy được các công ty thường có hiện tượng “ma cũ bắt nạt ma mới”, liền phát triển công ty của mình trở thành nơi mọi người luôn giúp đỡ nhau, nhất là người mới; khi bạn được người khác đối xử hòa ái, về sau hẳn bạn cũng tự lựa chọn cách đối xử hòa ái với mọi người.

Bạn hãy suy ngẫm lại những chuyện đã qua, nghĩ thật kỹ, quyết định lựa chọn bản thân trở thành người như thế nào? Đơn thuần đọc sách, cũng không nhất định giúp bạn trở thành người có văn hóa cao, bởi vì suy cho cùng lý luận luôn liên hệ với thực tế.

Đọc cả vạn quyển sách hay, mà không áp dụng được nó vào thực tế thì cũng không có ý nghĩa gì. Kinh nghiệm đa dạng cho phép bạn hiểu được nhiều cuộc đời khác nhau, từ đó trái tim bạn cũng sẽ trở nên khoan dung hơn. Bạn không cần cố gắng biểu hiện nó, mỗi tiếng nói, hành động thường ngày của bạn đều là tấm gương phản chiếu những điều mà bạn được giáo dưỡng.

Hoàng Sâm, dịch từ Kannewyork
Theo: Tinhhoa.net
Sưu tầm: Giới Nghiêm

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Cư Trần Lạc Đạo Phú - Đệ Tứ Hội.


Tin xem,
Miễn cốc một lòng;
Thời rồi mọi hoặc.
Chuyển tam độc mới chứng tam thân;
Đoạn lục căn nên trừ lục tặc.
Tìm đường hoán cốt, chỉn xá năng phục dược luyện đan;
Hỏi pháp chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật Tổ tây đông;
Chứng thực tướng, nên vô vi, nào nhọc hỏi kinh Thiền nam bắc.
Xem Tam Tạng giáo, ắt học đòi Thiền uyển thanh quy;
Đốt ngũ phần hương, chẳng tổn đến chiên đàn chiêm bặc.
Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca;
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di Lặc.


Chữ Nôm:
第四會
信娂
免谷蔑峼
時耒每惑
轉三毒買證三身
断六根年除六賊
寻唐換骨㐱舍能服藥煉丹
坙法真空分之另櫀聲執色
別真如信般若,渚群寻佛祖西東
證實相年無為,儍辱坙經禪南北
娂三藏教,乙學隊禪苑清規
嘥五分香,庄損典栴檀詹蔔
積仁義修道德,埃処尼庄釋迦
倿戒行断慳貪,㐱實意羅弥勒

Nguồn: Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1977

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Phật Với Con Tuy Hai Mà Một


Từ thuở bé, hình ảnh Đức Phật với ngôi chùa làng đã sớm in sâu trong tôi như một phần máu thịt không thể thiếu. Từ thuở tóc còn để trái đào, níu áo mẹ đến chùa, cũng â a câu kinh tiếng kệ, cũng xì xụp lạy nhưng mắt thì mải dán vào vản xôi, nải chuối… Lớn hơn chút nữa thì biết phụ giúp quý Thầy rửa nồi, tưới rau, hay chỉ đơn giản là quét nhà hay nhặc một cọng rác…, để rồi khi ra về thế nào trong túi cũng có chút “lộc” của quý Thầy – khi thì trái xoài vàng ươm, khi là chùm nho, chùm nhãn… Đến tuổi dắt trâu ra đồng, lắm lúc đối bụng chạy xuống nhà trù, thế nào thầy cũng để phần miếng cơm cháy chan tương quẹt thơm phức! Tuổi thơ của bọn trẻ chúng tôi gắn liền với ngôi chùa làng. Gần gũi đến thế nhưng chúng tôi chẳng bao giờ dám bén mảng lên chánh điện một mình, trừ khi đi cùng người lớn trong các khóa lễ. Chỉ cần nhìn thấy ông Phật to cao sừng sững ngồi trên bệ là đứa nào đứa nấy lấm la lấm lét lủi mất. Bỡi lẻ sinh ra và lớn lên ở một miền quê mà chùa làng luôn là điểm tựa tâm linh trong huyết mạch của mỗi người dân, thì đều ấy không có gì là khó hiểu. Từ nhỏ, chúng tôi đã được nghe đi nghe lại các giai thoại huyền bí và hấp dẫn về Đức Phật.


Qua đó, Đức Phật hiện ra như một đấng thần linh toàn năng toàn trí, sỡ hữu quyền lực và trí tuệ tối cao, “một siêu nhân vĩ đại” có thể làm những việc không ai làm được…, tóm lại là không phải một người bình thường như chú Sáu hay dượng Tư của tôi. Lại thêm những câu chuyện huyền hoặc về quỹ thần địa ngục… Chỉ riêng cái việc tôi khám phá ra pho tượng ông Tiêu đáng sợ ấy cũng là do Phật, Bồ-tát hóa thành, đã khiến tôi sợ đến mức không dám bước lại gần! Tất cả những điều huyền diệu đến khó tin như thế đã vô tình gieo vào đầu óc non nớt của chúng tôi một nỗi sợ vô hình, rằng một ngày nào đó. Ông Phật xi măng vẫn mỉm cười hiền từ ấy sẽ đột nhiên hóa ra một “hung thần” tợn bay đến trị tội chúng tôi, vì một lỗi nghịch phá gì đấy! Thật là trẻ con quá phải không! Nhưng bạn đừng cười, Đức Phật đối với chúng tôi lúc ấy quả thật to lớn lắm, uy quyền lắm, và ở mãi nơi xa tít nào kia, luôn dõi mắt xuống nhân gian để trừng phạt kẻ ác, ban phước cho người hiền. Một Đức Phật như vậy đã sớm tượng hình và ngự trị trong tôi từ thuở ấu thơ và cho đến tận sau này vẫn luôn in sâu trong tâm trí tôi như nhắc nhở. Vô tình, tôi đã rèn luyện cho mình tâm cung kính Đức Phật gần như tuyệt đối! Sau này, khi chen chân vào phố thị xa hoa, tôi đã viếng thăm nhiều cảnh chùa nhưng không hiểu sao chẳng thể tìm được cảm giác năm xưa chỉ có ở ngôi chùa thêm nghiêm chốn quê hương!

Song song với sự trưởng thành của tôi, những sợ sệt trẻ vẫn dần tan biến, thay vào đó là sự kính ngưỡng tâm linh vô biên. Càng thâm nhập vào giáo lý Phật đà, tôi càng thêm kính phục, càng tăng trưởng đức tin và lòng cung kính không thể tả bằng lời!Làm sao bút mực thế gian có thể hiển bày được hết những giá trị tâm linh màu nhiệm! Một Đức Phật lịch sử đã tịch diệt cách đây hàng chục thế kỷ, nhưng giáo pháp của Ngài vẫn hiện hữu trong từng con tim khói óc của thế hệ đi sau! Quả thật, mỗi ngày trong tôi đều có những thể nghiệm mới. Một ngày dài đua chen với dòng đời tấp nập, bị cuốn trôi bỡi ngũ dục lục tình – nhưng chỉ cần một khắc quay về dưới chân Phật là lòng tôi thanh thản! Ai đã từng lắng đọng tâm thơ – dù chỉ một lần – hướng về Đức Phật, chắc hẳn đều cảm nhận được nguồn năng lượng an lành đến trong nội tâm! Tôi đã từng học ở đâu đó hai câu thơ rất hay, phác nên một hình ảnh vô cùng ý nghĩa.

“Một thiền sư thầm lặng chắp hai tay.
Tâm tưởng Phật, hướng vọng về Đức Phật”!

“Lễ Phật một lễ, tội diệt hà sa” mỗi ngày lạy thành kính dâng lên là vun bồi nên một phần phước đức trên thửa phước điền của chính mình. Lạy Phật cần phải dung tâm cung kính chứ không phải cắm đầu cắm cổ mà lễ lạy. Thuở bé, tôi thường thắc mắc với mẹ tại sao phải lạy Phật. Mẹ tôi vốn giàu lòng kính tin chứ không ham tìm hiểu, bà giải thích: lẽ dĩ nhiên đến chùa thì lễ Phật như khách đến chào chủ nhà thôi! Đương nhiên tôi không bằng lòng với câu trả lời ấy. Sau này, tôi đã thưa hỏi nhiều vị Thầy! Ồ, thì ra việc ấy đối với nhiều người cũng là hành động tự nhiên như ngủ thì nhắm mắt vậy! nếu giải thích rõ, lạy Phật không phải vì ta cung kính bậc Giác ngộ, đó còn là cách để hậu thế mài mòn cái bản ngã đang dần che lấp chân tâm! Không phải nói trên lý thuyết đâu, bạn hãy lạy đi rồi sẽ thấy! tuổi trẻ của tôi cũng đã lãng phí một thời gian khá dài, cứ quanh quẩn trước cánh cửa tâm linh mà không chịu bước vào! Tôi đã từng ương bướng, chấp chặt với Thầy: “Vạn pháp là huyễn, thân này cũng huyễn, vậy thì lạy ai và lạy cái gì?”. Thầy tôi đáp lại một câu - hết sức giản đơn nhưng đã phá tan cái tôi nghi ngại tà kiến và mang tôi đến với đạo: “Có phải mỗi khi con lạy Phật với tâm chí thành chí kính thì con cảm thấy an vui? Vậy nếu con chấp thân là huyễn, lạy là huyễn mà không lạy thì làm sao có thể “thấy” được cái an vui đó? An vui ấy đến từ chính Phật tánh nơi con đó!”.Thật vậy, khi “thân tâm cung kính lễ”, khi cúi rạp mình xuống, để hai bàn tay ngửa ra và trán chạm đất, thân tôi lúc ấy chạm đất ở năm điểm. Điểm thứ nhất, tôi biết tôi không sát sanh! Ở điểm thứ hai, tôi biết tôi không trộm cắp,… Như vậy, ở năm điểm ấy, tôi biết tôi không phạm vào năm giới căn bản ít nhất là ở ngay hiện tại! Lạy sám hối như vậy tức là vứt bỏ dần cái ngã mạn đi, bởi lẻ còn ngã mạn tức là đang cố tách mình với Phật ra làm hai! Bỏ được ngã mạn thì mới có thể thực nghiệm được cái màu nhiệm của pháp! Có mấy ai hiểu được màu nhiệm ngoài kinh nghiệm bản thân!


Trà thất ở Nhật Bản thường có những cái cửa rất thấp. Công hầu khanh tướng đều phải cúi đầu đi vào! Kiếm sĩ, võ sĩ cũng phải bỏ gươm, buông kiếm cúi đầu mà đi! Cúi đầu tức là vất bỏ tất cả những vướng bận của thế giới bên ngoài để thâm nhập vào thế giới nội tại bên trong – để thấy được bên trong kỳ diệu. màu nhiệm không bao giờ đến với chén trà khi người cầm chén trong tay mà lòng đầy ngã mạn. Cúi đầu tức là vất đi cái ngã, vất luôn câu hỏi đã ấp ủ bấy lâu: “Tại sao phải lạy?”.Tôi thật sự đã làm một hành trình lớn nhất trong đời – hành trình đi tìm ông Phật của chính mình, trong tự tâm mình! Càng buông bỏ được bao nhiêu, tôi cảm nhận Đức Phật gần tôi hơn bấy nhiêu! Khoảng cách giữa một bậc Thánh nhân xuất thế và một người phàm phu lắm trần tục – tưởng như xa vời nay đã dần thu hẹp lại! Cho đến ngày nhân duyên hội đủ: tôi chính thức trở thành một người xuất gia – một người con Phật, với lý tưởng cao thượng: giác ngộ và giải thoát! Xuất gia là môi trường tốt để thực tâp, rèn luyện theo khuôn phép của bậc Thánh. Xuất gia là hành trình tìm lại chính mình, là giải thoát khỏi khổ đau, là đi từ có đến không, từ ngã đến vô ngã.

“Hủy hình thủ khí tiết                                
Cắt ái từ sở Thân 
Xuất gia hoằng thánh đạo
Thề độ nhất thế nhân”.

Trên lý thuyết hằng ngày, tôi vẫn thường được học rằng chân tâm Phật tánh vốn tại nơi bản tâm, rằng “Phật tại tâm” chứ không đâu xa mà tìm kiếm. Vậy mà phải một thời gian dài tu tập, sống đời sống của bậc Vô thượng sĩ, tôi mới có thể hiểu được. Chưa phải là Phật nhưng đã tự nguyện lãnh thọ giới pháp, mặc pháp y thì ít nhiều tâm địa hình nghi cũng phải có chất liệu Phật. Người xuất gia chân chánh dù chưa phải là Huyền Thánh nhưng nhất định không thể như kẻ phàm phu.

“Trãi lòng bi mẫn Tâm đồng Phật
Dứt hết vô minh Phật tức tâm
Phật Phật tâm tâm đồng thể tánh
Phật Tâm cũng diệt đến viên thành”.

Đó là giây phút an lạc nhất, khi người con Phật chợt phát hiện ra: Đức Phật vẫn đang hiện hữu trong chính mình – rỗng rang và sáng suốt ! Có một Đức Phật vẫn luôn hằng hữu trong dòng tâm thức rạng ngời: Đức Phật với con – tuy hai mà chỉ một !

Thích Nữ Diệu Niệm
Tạp chí Hoa Đàm số 22
Sưu tầm: Hoa Nghiêm