Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Tu Tập Bát Chánh Đạo


... Thiền minh sát (vipassanā) bao giờ cũng gồm định và tuệ; và khi thực hành thì chánh niệm mang chức năng của định và tỉnh giác mang chức năng tuệ. Vậy, trong tất cả các trường hợp khi đi đứng nằm ngồi, mặc áo ăn cơm, lái xe, làm việc tại công sở... hành giả minh sát phải luôn luôn chánh niệm, tỉnh giác. Tuy nhiên, điều đặc biệt lưu ý là chánh niệm, tỉnh giác không phải hai trạng thái tâm trí tách biệt, định tuệ tách biệt. Nó là nhất như đấy!

Ví dụ: Sư Minh đang ngồi như thế kia, đang trong tình trạng chánh niệm, tỉnh giác – thì thầy quăng cho sư ấy một trái cam. Sư ấy chụp bắt được liền. Vậy thì sư ấy lấy chánh niệm mà bắt hay lấy tỉnh giác mà bắt? Rõ ràng, chánh niệm thì chỉ mới chú tâm còn chánh kiến mới thấy rõ. Quan sát qua vĩ mô thì có hai, nhưng quan sát qua vi mô thì dường như chúng đồng hiện hữu tức thời, là một. Rộng sâu hơn chút nữa, là ngay khi bắt dính trái cam thì toàn bộ thân tâm, toàn bộ tâm sinh lý, toàn bộ hệ thần kinh... nó hoạt động đồng nhất để bắt trái cam ấy!

Lấy ví dụ ấy để áp dụng cho mọi loại công việc lúc thực hành minh sát. Nếu công việc chậm thì chánh niệm tỉnh giác ghi nhận chậm, từng đối tượng đi qua đi qua, ta cứ thanh thản ghi nhận. Cứ thanh thản từng niệm thế thôi chứ không cần phải phân biệt đâu chánh niệm, đâu tỉnh giác. Chính sát-na ghi nhận đối tượng như vậy là ta đã có đủ chánh niệm, tỉnh giác rồi.

Lúc các sư chuyền gạch, chuyền ngói từ vị trí nầy sang vị trí kia, từ thấp lên cao... thì chỉ cần chú tâm“nhận”, “chuyền”... là công việc tiếp diễn liên tục – vì ngay khi chú tâm để nhận, để chuyền là có cả chánh niệm, tỉnh giác rồi.

Trở lại với câu hỏi làm nhanh. Thì cũng tương tự thế thôi. Chậm cũng chú tâm, nhanh cũng chú tâm. Chỉ cần chú tâm là đủ. Ông bạn kia làm việc nhanh nhưng có lẽ không nguy hiểm bằng đi xiếc trên dây, không bằng lái xe đua tốc độ. Họ có trạng thái chú tâm cực đỉnh cả đấy. Phải nói là toàn bộ thân tâm, toàn bộ tâm sinh lý, toàn bộ hệ thần linh đều phải tập trung vào chú tâm. Lơ là, mất cảnh giác, thiếu chú tâm một sát-na là vong mạng!

Chú tâm có mặt trong mọi lãnh vực sinh hoạt của người đời, của xã hội. Có cái chú tâm hướng đến thiện, có cái chú tâm hướng đến ác, có cái chú tâm trung tính không thiện, không ác. Thiện như chú tâm niệm Phật, tụng kinh, hành thiền... Ác như chú tâm giết heo, bò, rình trộm... Trung tính như chú tâm làm vi tính, nghiên cứu khoa học, làm toán, lái xe, rửa chén bát, lau nhà...

Trong Bát chánh đạo, có chú tâm là có chánh niệm, có chánh niệm là có chánh định. Trong thiền định, có chú tâm làm cho tầm, tứ thuần thục để phát sanh hỷ lạc. Trong thiền tuệ, có chú tâm là có chánh niệm, tỉnh giác. Các con phải ghi nhớ điều này: Trong thiền định thì sử dụng tầm, tứ; trong thiền tuệ thì sử dụng chánh niệm tỉnh giác. Đối tượng của thiền định là các đề mục như đất, nước, lửa, gió... Đối tượng thiền tuệ là ngũ uẩn, thập nhị duyên khởi hoặc thân, thọ, tâm, pháp.

Còn nữa, chúng ta cần phân biệt rõ hai loại chú tâm. Ví như 40 đề mục thiền định thì có 40 đối tượng. Loại chú tâm này sẽ đưa đến định. Trong sinh hoạt thường nhật, lăng xăng với moị công việc, nếu chúng ta chú tâm, chăm chăm từng đối tượng thì sẽ sinh ra mệt mỏi vì bị tiêu hao năng lực và còn dễ bị thất niệm nữa. Vậy loại chú tâm với từng đối tượng như thế thì không tương thích, không áp dụng được.

Loại chú tâm thứ hai thì dường như không chú tâm gì cả. Cứ thư giãn, buông xả tự nhiên thôi. Ví dụ như khi chúng ta đang ngồi hít thở đây, cứ lặng yên thở thế thôi, không chú tâm vào đối tượng nào cả, nhưng khi có gì tác động lên thân, lên tâm là chúng ta ghi nhận liền, có chú tâm liền. Loại thứ nhất là cách chú tâm của định. Loại thứ hai là cách chú tâm của tuệ.
Khái quát toàn bộ sự tu tập minh sát trong sinh hoạt thường nhật, thầy có thể dẫn ra đây câu kệ của ngài Viên Minh mà thầy đang treo ở thư phòng của thầy:

“- Nói, làm thường thận trọng,
Luôn trọn vẹn chú tâm;
Lắng nghe quan sát rõ,
Đến, đi Pháp lặng thầm!”

“Nói, làm thường thận trọng”. Tại sao lời nói phải thận trọng? Nếu lời nói, cử động khẩu không thận trọng thì dễ rơi vào 4 cách nói xấu ác, đó là nói dối, nói 2 lưỡi, ác khẩu và phù phiếm. Tại sao hành động phải thận trọng? Nếu hành động thân không thận trọng thì dễ rơi vào 3 nghiệp ác đó là sát sanh, trộm cắp, tà hạnh. Vậy, câu kệ đầu tiên đã ngăn giữ được 7 nghiệp xấu ác trong thập ác nghiệp rồi nên đã hàm nghĩa ta đã có giới.

“Luôn trọn vẹn chú tâm!” Chú tâm nhưng là phải chú tâm trọn vẹn. Chú tâm trọn vẹn cũng có nghĩa là không chú tâm một đối tượng khu biệt nào. Cứ ngồi thế thôi, cứ đứng thế thôi, cứ đi thế thôi, dường như không chú tâm ở đâu nhưng lại là chú tâm tất cả, nó quán xuyến tất cả mọi hoạt động của thân và khẩu. Vậy, câu kệ thứ hai là trầm tỉnh, bình tỉnh, ổn định tâm sinh lý trong mọi lúc, mọi khi - hàm nghĩa ta đã có định.

Có định rồi thì mới “lắng nghe, quan sát rõ” được. Đây chính là tuệ mà ta đã có. Nhờ có định, có tuệ nên cái gì tác động thân tâm, cái gì duyên sinh, duyên khởi qua mắt tai mũi lưỡi thân ý đều được ghi nhận, được lắng nghe, quan sát rõ.

Có giới, định, tuệ rồi thì bắt đầu sống tuỳ pháp, thuận pháp, Pháp là chân lý, là sự thật, nó luôn diễn tiến trong thế giới đang là, ở đây và bây giờ. Chân lý, sự thật không ở Đông, Tây, Nam, Bắc, không ở quá khứ, không ở vị lai, không ở thế giới xa xăm huyễn hoặc, mù sương, bóng khói nào. Pháp luôn là cái cụ thể luôn tác động căn trần thức mà duyên khởi. Phải thấy pháp đó, tuỳ pháp, thuận pháp mà sống, mà ăn nói, mà hít thở, mà mặc áo, ăn cơm - không phải tuỳ bản ngã, thuận bản ngã. Pháp ấy nó “âm thầm, lặng lẽ” lắm. Nó đến cũng âm thầm, lặng lẽ. Nó đi cũng âm thầm, lặng lẽ. Không phải ai cũng hiểu, cũng biết, cũng thấy!

Chúng ta có thể học thông Tam Tạng, có thể có kiến văn giáo pháp rất chi là quãng bác, thâm sâu nhưng không thấy biết rõ pháp đến, pháp đi như thế nào trong sinh hoạt hằng ngày để hiện quán thì cũng coi như bỏ đi!

Các con hãy thuộc nằm lòng 2 câu Kinh Lời Vàng số 101, 102 sau đây:

“- Dẫu cho ngôn ngữ trăm ngàn. 
Mà nghe vô ích, chỉ bàn suông thôi! 
Tốt hơn: Một chữ, một lời. 
Nghe xong tịnh lạc, sống đời vô ưu”.

(Sahassamapi ce vācā, anatthapadasaṃhitā; ekaṃ atthapadaṃ seyyo, yaṃ sutvā upasammati).

“- Chữ câu ngàn vạn ích gì. 
Luận kinh nói mãi, lắm khi loạn mù.
Một câu có ích, cho dù, 
Nghe xong tịnh lạc, an như đời đời!”

(Sahassamapi ce gāthā, anatthapadasaṃhitā; ekaṃ gāthāpadaṃ seyyo, yaṃ sutvā upasammati).

Vậy, Tam Tạng có thể không cần nhớ hết, chỉ cần thuộc mỗi một Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế khi thực hành chỉ nhớ Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo tóm tắt chỉ còn Tinh tấn, Chánh niệm, Tỉnh giác. Khi công phu thì chỉ còn nắm Chánh niệm, Tỉnh giác hay Niệm, Tỉnh giác mà lên đường (trong Niệm và 

Tỉnh giác thì đã có tấn rồi) Niệm, Tỉnh giác để nhìn ngắm mọi sự mọi vật, trong, ngoài, tâm pháp duyên sinh như chúng đang là – pháp như thực tánh.

Để kết luận, hãy ghi nhớ lời đức Phật dạy: “Tu tập Bát Chánh Đạo thì có đệ nhất sa-môn, đệ nhị sa-môn, đệ tam sa-môn và đệ tứ sa-môn. Tu tập ngoài Bát Chánh Đạo sẽ không có đệ nhất sa-môn, đệ nhị sa-môn, đệ tam sa-môn và đệ tứ sa-môn!”

Các con có chánh niệm, tỉnh giác lúc tập thiền cũng như trong mọi sinh hoạt là đang tu tập Bát Chánh Đạo đó, đang có Bát Chánh Đạo trong tâm và trí của mình rồi!
Hãy cứ như vậy mà tu tập, mà lên đường!

Hòa Thượng Giới Đức - Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Ngẫu Thành 2 - Nguyễn Trãi


       偶 成                         Ngẫu Thành 2

世上黃梁一夢餘   Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư, 
覺來萬事總成虛   Giác lai vạn sự tổng thành hư. 
如今只愛山中住   Như kim chỉ ái sơn trung trú, 
結屋花邊讀舊書   Kết ốc hoa biên độc cựu thư.
                    阮廌                             Nguyễn Trãi

Dịch nghĩa

Đời này cũng như một giấc mộng kê vàng mà thôi
Muôn việc khi nghĩ lại tất cả cũng không hề thực
Thế nên ngày hôm nay mới thích ở trong núi
Làm nhà cạnh vườn hoa và đọc những sách cũ xưa.

Dịch Thơ:

      Chợt Viết Ra

Cuộc đời như giấc mộng trôi qua
Muôn việc gẫm suy ảo chính là
Nay núi tìm về theo ý thích
Dựng lều sách cũ đọc cùng hoa
                           Quên Đi
***
CHỈ MỘT GIẤC KÊ VÀNG

Giấc mộng kê vàng mới thoáng qua,
Thành công, thất bại, ảo thôi mà.
Nay ta ở núi tùy duyên phận,
Sách cũ lều thơ đọc ngắm hoa !
                    Mai Xuân Thanh

BẤT CHỢT
NGẪU NHIÊN RA CỚ SỰ

Kê vàng một giấc mộng mông lung,
Mọi sự chung qui cũng số không.
Lên núi an nhiên mà tự tại,
Lều tranh đọc sách thưởng hoa hồng.
                           Mai Xuân Thanh
***
     Ngẫu Nhiên Làm
Cuộc đời như giấc kê vàng thôi
Muôn sự hư không tỉnh mộng rồi .
Nay thích ở cùng rừng núi thẳm ,
Bên hoa đọc sách dựng lều chơi .
                 Mailoc phỏng dịch
***
Cùng các bạn yêu thơ Việt,
Hôm nay chủ nhật, mở máy lên gặp bài thơ của cụ Nguyễn Trãi do bạn Quên Đi giới thiệu, thật vui ! Nhưng trước khi góp thơ thì xin có vài lời thư giản cùng quí bạn.
1.- Trong thơ của Nguyễn Trãi có 2 bài mang tên Ngẫu Thành (ngẫu nhiên mà thành ra), một bài 'bát cú' cụ làm lúc cụ "hết việc, ngồi không" khi cụ còn tại chức và bài này là khi cụ đã về hưu. Hai bài đều mang tên Ngẫu Thành. Ý là, cụ muốn giải thích chuyện : Khi đang tại chức mà ngồi không và khi đã về hưu, lại có việc làm. Cả hai cái việc trái khuấy ấy xảy ra đều là chuyện ngẫu thành cả, nghĩa là không phải đến từ ý muốn của mình. Chúng ta trong đời chắc cũng có nhiều vị có cùng hoàn cảnh như cụ Nguyễn Trãi ?
2.- Câu 2 : Giáo lai, vạn sự tổng thành hư 覺來萬事總成虛 : Tỉnh giấc, muôn việc thảy rồi ra không có gì. Bạn Quên Đi diễn xuôi : Muôn việc khi nghĩ lại tất cả cũng không hề thực. Như vậy là bạn đã hiểu sai câu thơ, vì bị câu thơ trước ám ảnh. Giấc kê vàng là một ví dụ, còn chuyện đời của tác giả thì vẫn là chuyện thực đã xảy ra. Cụm từ覺來này có 2 âm đọc : Giác lai và Giáo lai. Đọc Giác thì Giác là hiểu biết, còn đọc Giáo thì giáo là thức giấc. Ở đây, xét theo văn cảnh, thì phải đọc Giáo với nghĩa Thức giấc (anh chàng Lư Sinh khi thức giấc mới hay những gì mình vừa trải qua đều chỉ là chuyện trong mộng). Hư : Hư là hư không, là chuyện đang thực trở nên không có gì, khác với : Không hề thực là chuyện chưa hề xảy ra. Câu thơ của tác giả là muốn đem câu chuyện anh chàng Lư Sinh để biện giải cho cuộc đời của chính tác giả, chứ không phải là kể chuyện Giấc kê vàng của Lư Sinh. Nguyễn Trãi là nhà chính trị, thơ ông, tất nhiên không nói chuyện xuông. Có vậy, ông mới được thế giới ngưỡng mộ, họ ngưỡng mộ về tư cách của ông chứ không phải thi tài của ông. Họ đâu có thưởng thức được thơ ông như chúng ta.
3.- Bài thơ này, câu cuối có 2 dị bản. Trong các quyển Thi Lục và Thi Tuyển đều chép là :
Kết ốc, hoa biên, độc phụ thư (Dựng nhà, bên hoa, đọc sách của cha).
Riêng bản Dương Bá Cung thì chép như bạn Quên Đi :
Kết ốc, hoa biên, độc cựu thư (Dựng nhà, bên hoa, độc sách cũ).
Vậy, chúng ta nên chọn câu nào ? Câu chép trong các quyển tuyển lục thơ hay câu của Dương Bá Cung ? Tôi nghĩ : câu trong các cuốn tuyển thơ đúng hơn. Chữ Phụ tuy nghĩa đen của nó là cha, nhưng phụ cũng có thể để chỉ những sách của các hiền triết đời trước đáng bậc sư phụ. Còn Cựu thư thì chỉ để nói chung chung : các sách cũ, sách gì cũng được, là chỉ để đọc giải khuây. Nếu cụ chỉ đọc sách để giải khuây, chắc cụ không đến phải chịu cảnh thảm thương lúc đã về trí sĩ : Tru di tam tộc (Ba họ bị giết). Họ giết ba họ nhà cụ là kết tội cụ đang mưu tính chuyện phản nghịch. Chữ cụu thư, như vậy, chỉ là chữ đã bị chữa lại lúc sau, cho nó thành trung dung, không đụng chạm đến ai. Giờ đây, tôi nghĩ, ta nên quên chữ Phụ, chữ Cựu đi, cụ muốn đọc sách gì đó là quyền của cụ.
Cũng nên nói thêm là cụ Nguyễn Trãi đã được UNESCO vinh danh nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của cụ, năm 1980 tại Paris.
                                                     Chuyện ngẫu nhiên mà ra
                                               Cuộc đời, rốt lại, giấc kê vàng;
                                               Thức giấc, muôn điều thảy huyễn mang.
                                               Vào núi, giờ đây, ta chỉ thích :
                                               Dựng nhà, đọc sách cạnh hoa trang.
                                                                       Danh Hữu dịch
         Chúc các bạn vui vẻ !
                 Danh Hữu
***
Theo em nghĩ mình nên giải thích từ HƯ với nghĩa từ nguyên của nó là đối với THỰC và xác định là nó thuộc cái thế giới HƯ song song với cái thế giới THỰC. Nếu nói như Anh Quên Đi (QĐ) là “tất cả cũng không hề thực” không có nghĩa là nó không hiện hữu mà là  nó thuộc cái thế giới HƯ. Còn nếu nói như Thầy DH cho rằng HƯ là không có gì” thì cũng không ổn bởi vì nó có chứ, có cái thế giới (cõi) HƯ riêng của nó như mạng ảo hiện nay chẳng hạn. Nghĩ như vậy và đối chiếu với bài thơ thì cũng vẫn thích hợp với tâm sự của cụ Nguyễn Trãi mà Thầy DH đã phân tích. Hai câu đầu là hồi ức về những ngày làm quan đã qua, nó là một chuỗi sự kiện có thực nhưng lại thuộc cõi HƯ so với hiện tại được diễn tả ở hai câu sau là công việc dựng lều đọc sách mới thuộc về cõi THỰC lúc ông về hưu.

Em cũng góp dịch bài thơ này để góp vui

     CHUYỆN NGẪU NHIÊN

Cuộc đời như giấc mộng vừa trôi
Tỉnh giấc thực - hư chuyện đã rồi
Ẩn núi bây chừ ta chỉ thích
Dựng lều đọc sách ngắm hoa thôi!
                 Nguyễn Đắc Thắng
***
          Ngẫu Nhiên

Cuộc đời chẳng khác giấc chiêm bao
Muôn sự xem ra có thực nào
Thích núi tìm về cho thỏa ý
Bên hoa đọc sách cạnh lều cao.
                      Kim Phượng
***
       NGẪU THÀNH

Đời người như giấc kê vàng ấy,
Chợt tỉnh tay không muôn việc chưa.
Chỉ thích kết lều nơi núi thẵm,
Bên hoa ta đọc sách người xưa !
                      Đỗ Chiêu Đức
***
(Theo huynhhuuduc.blogspot.com)


Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Chánh Kiến -- nơi an trú mát mẻ



Thực hành Giáo Pháp là đi ngược dòng những thói quen của ta, chân lý đi ngược chiều những tham vọng của chúng ta, do đó thực hành Giáo Pháp quả thật là khó. Một vài sự việc mà ta hiểu là sai có thể là đúng, trong khi những điều mà ta nghĩ là đúng lại có thể sai. Tại sao vậy? Bởi vì tâm của ta ở trong đêm tối, chúng ta không thấy rõ Chân Lý. Chúng ta thật sự không hiểu gì và bị tánh gian dối của người đời phỉnh gạt. Họ chỉ điều chân chánh, bảo là sai lầm, và chúng ta tin thật. Điều sai lầm, họ nói là đúng, và ta tin. Đó là bởi vì ta chưa làm chủ được chính ta. Những cảm xúc vui buồn luôn luôn phỉnh lừa ta. Chúng ta không nên lấy cái tâm nầy và những ý kiến của nó làm kim chỉ nam để nó hướng dẫn ta trên đường đời, bởi vì nó không thấu hiểu chân lý.

Vài người không muốn nghe lời ai cả, nhưng đó không phải là đường lối sáng suốt. Người có trí tuệ lắng nghe tất cả. Người nghe Giáo Pháp phải một mực chăm chú lắng nghe dầu có ưa thích cùng không, và không vội nhắm mắt tin càng, cũng không vội bác bỏ một cách mù quáng. Phải ở nửa đường, vào điểm giữa, và không hờ hững buông lung. Người ấy chỉ lắng nghe rồi suy gẫm, để cho thành quả thích nghi của suy tư khởi phát.

Người có trí tuệ phải suy gẫm về những gì mình nghe và trước khi tin cùng không, phải tự mình nhận thấy nguyên nhân và hậu quả. Dầu vị thầy nói đúng mà tự chính mình chưa rõ được chân lý thì cũng không nên vội tin chỉ vì mình nghe vậy. Phải tự mình thấu hiểu rõ ràng rồi mới tin.

Điều nầy phải được áp dụng cho tất cả, cho đến Sư cũng vậy. Sư đã có thực hành trước quý vị, trước đây Sư đã có thấy nhiều điều gian dối. Thí dụ, "Pháp hành nầy quả thật là khó, thật sự là cam go." Tại sao pháp hành nầy khó? Chỉ vì chúng ta suy tư sai lầm, chúng ta có Tà Kiến.

Trước đây Sư sống với nhiều vị sư khác, nhưng không cảm nghe rằng sống như vậy là đúng. Sư bỏ đi vào rừng và lên núi, lẫn trốn đám đông các nhà sư và các chú sa di. Sư nghĩ rằng họ không giống Sư, không chịu khó chuyên cần như Sư. Họ chểnh mảng, không dốc lòng hành đạo. Người nầy thì như thế nầy, người kia như thế kia. Đó là điều thật sự làm cho Sư bận rộn tâm trí và đó là nguyên nhân làm cho Sư luôn luôn bỏ chạy. Tuy nhiên, dầu ở một mình hay ở chung với những người khác Sư vẫn không an lạc. Sống đơn độc, Sư không bằng lòng. Sống với đông đảo chư Sư, Sư cũng không bằng lòng. Sư nghĩ rằng tình trạng bất mãn ấy là do những người đồng tu với mình, do những cảm xúc buồn vui của mình, vì chỗ ở, vì vật thực, vì khí hậu, vì cái nầy, vì cái kia ... Sư luôn luôn chạy tìm điều gì thích nghi với tâm tánh mình.

Lúc bấy giờ Sư là nhà sư thực hành hạnh đầu đà dhùtanga [16], Sư đi hành đạo nơi nầy nơi khác, nhưng sự vật vẫn chưa phải là đúng theo ý. Rồi Sư mới suy gẫm, " Giờ đây ta phải làm gì để tạo hoàn cảnh thích nghi? Ta có thể làm gì? Sống chung với đông người ta không thỏa mãn, với ít người ta không bằng lòng. Tại sao vậy? Sư không thể tìm ra lý do. Tại sao Sư không thỏa mãn? Bởi vì lúc bấy giờ Sư còn Tà Kiến, nhận thức sai lầm, chỉ có thế; bởi vì Sư còn cố bám vào Tà Pháp. Bất cứ đi đâu Sư cũng không bằng lòng, nghĩ rằng, "Nơi nầy không tốt, chỗ kia không tốt ..." mãi mãi như vậy. Sư trách móc người khác, đổ lỗi cho thời tiết nóng quá hay lạnh quá, Sư đổ lỗi cùng hết! Cũng giống như con chó dại. Gặp đâu cắn đó, bởi vì nó điên. Khi mà tâm là như vậy thì pháp hành của ta không bao giờ được kiên cố vững vàng. Hôm nay cảm nghe thoải mái dễ chịu, ngày mai bực bội ưu phiền. Luôn luôn như vậy. Không bao giờ thấy bằng lòng hay an lạc.

Ngày kia Đức Phật thấy con chó rừng từ chỗ nó ở trong rừng chạy ra. Nó đứng yên một lúc. Bỏ chạy vào bụi rậm, rồi chạy trở lại. Rồi chạy vào một bọng cây, và chạy ra. Chạy vào hang đá, cũng để rồi chạy ra. Đứng yên một chút là bỏ chạy, chạy rồi nằm xuống, rồi nhảy dựng lên ... chó bị con vét đeo. 
Khi chó ở yên thì vét cắn hút máu, vì thế nó phải chạy hoài. Chạy, nhưng nghe không thoải mái nên nằm, và rồi nhảy lên trở lại, chạy vào bụi rậm, vào bọng cây, vào hang đá, không bao giờ ở yên.

Đức Phật dạy, "Nầy chư tỳ khưu, hồi trưa nầy các con có thấy con chó rừng đó không? Đứng yên, nó đau khổ. Chạy, nó đau khổ. Nằm, nó đau khổ. Ở trong bụi rậm, trong bọng cây, trong hang đá, nó vẫn đau khổ. Nó phiền trách vì tại đứng nên không thoải mái. Nó than van vì tại ngồi, tại chạy, tại nằm, nên khó chịu. Nó đổ lỗi cho bụi rậm, cho bọng cây và hang đá. Trên thực tế, vấn đề không phải do những vật ấy. Con chó bị vét đeo, hút máu. Vấn đề là vét.

Chúng ta, các nhà sư, cũng giống như con chó rừng ấy. Chúng ta bất mãn, không bằng lòng vì mang nặng Tà Kiến. Vì không tu luyện pháp thu thúc lục căn, chúng ta phiền trách ngoại cảnh làm cho mình đau khổ. Dầu chúng ta sống ở Wat Pah Pong, ở Mỹ hay ở Anh quốc ta vẫn bất toại nguyện. 

Giờ đây đi sống ở Bung Wai (Thiền Viện Quốc Tế) hay ở một tu viện nào khác, ta vẫn không toại nguyện. Tại sao? Bởi vì từ bên trong ta vẫn còn ôm ấp Tà Kiến. Chỉ có thế! Đi bất cứ đâu ta vẫn không bằng lòng.

Tuy nhiên, cũng giống như con chó rừng, nếu trị được con vét thì dầu ở đâu chó cũng bằng lòng. Ta cũng vậy, Sư rất thường suy tư và thường dạy quý vị về điểm nầy bởi vì nó vô cùng thiết yếu. Nếu chúng ta thấu rõ chân lý của những cơn buồn vui của ta ắt ta sẽ đạt đến trạng thái tự tại, bằng lòng. Dầu trời nóng nực hay lạnh lẽo ta cũng bằng lòng, ở chung chỗ đông hay ít người ta cũng bằng lòng. Tình trạng bằng lòng hay không, không phải tùy thuộc nơi số người nhiều hay ít cùng ở chung, mà do Chánh Kiến. Đã có Chánh Kiến thì ở đâu ta cũng bằng lòng.

Nhưng phần đông chúng ta có Tà Kiến. Cũng giống như con giòi! Chỗ ở của con giòi rất là bẩn thỉu. Thức ăn của giòi thật là dơ dáy ... nhưng đó là thức ăn và chỗ ở thích hợp với giòi. Nếu quý vị lấy cái que hay cọng chổi phủi nó ra khỏi đống phẩn, nó sẽ sống chết cố gắng bò trở lại vào đó. Cùng thế ấy, thầy dạy chúng ta phải nhận thức đúng. Chúng ta phản đối vì điều ấy làm cho ta cảm nghe không thoải mái. Chúng ta quày trở lại "đống phẩn", bởi vì nơi đó chúng ta cảm nghe thoải mái dễ chịu. Tất cả chúng ta đều là vậy! Nếu không thấy được hậu quả tai hại của tất cả những quan kiến sai lầm của chúng ta, ta không thể rời bỏ nó, pháp hành quả thật là khó. Như vậy ta nên lắng nghe. Pháp hành không có gì khác.

Nếu có Chánh Kiến thì bất luận đi đâu ta vẫn bằng lòng. Sư đã có hành, có kinh nghiệm và thấy rõ như vậy. Giờ đây có rất nhiều vị sư, sa di và nhiều người cư sĩ đến viếng Sư. Nếu Sư vẫn còn chưa thấu rõ, nếu còn giữ Tà Kiến ắt Sư chết ngay bây giờ. Nơi ẩn náu chân chánh của chư sư, nơi an trú mát mẻ chính là Chánh Kiến. Không nên tìm ở đâu khác.

*

Vậy, mặc dầu quý vị có thể cảm nghe không hài lòng, điều đó không thành vấn đề. Trạng thái không vừa lòng vốn không ổn định vững bền. Có phải trạng thái bất toại nguyện ấy là "chính quý vị", là cái "bản ngã" của quý vị không? Trong trạng thái ấy có chi thực chất không? Có thực sự hiện hữu không? Sư không thấy nó thật sự hiện hữu chút nào. Trạng thái bất toại nguyện chỉ là một nhoáng cảm giác phát hiện thoáng qua rồi tan biến. Hạnh phúc cũng vậy. Có cái chi là thực chất trong hạnh phúc không? Nó có thật sự là một thực thể không? Nó chỉ là một cảm giác bỗng nhiên thoáng qua rồi tan biến. Đó! Sanh rồi diệt, Tình thương chỉ một chớp nhoáng trong khoảnh khắc, rồi biến mất. 

Thực chất của tình thương, sân hận, buồn phiền ở đâu? Trong thực tế không có thực thể thuần chất trong đó. Nó chỉ là những cảm giác nhoáng chớp lên trong tâm và tan biến. Lúc nào nó cũng phỉnh lừa gạt gẫm ta, không có nơi nào tìm thấy cái gì bền vững, chắc chắn, ổn định. Như Đức Phật dạy, khi điều bất hạnh, trạng thái không toại nguyện, phát sanh, nó tồn tại nhất thời rồi tan biến. Khi bất hạnh tan biến, hạnh phúc phát sanh, tồn tại một lúc, rồi hoại diệt. Khi hạnh phúc hoại diệt, bất hạnh phát sanh trở lại -- mãi mãi triền miên như vậy.

Cuối cùng chúng ta có thể nói -- ngoài sự sanh, sự sống và sự chết của Đau Khổ, không có gì hết. Chỉ có bấy nhiêu. Nhưng chúng ta si mê, chạy theo và mãi mãi bám níu. Chúng ta không bao giờ thấy sự thật, không bao giờ nhận thức rằng chỉ có trạng thái biến đổi liên tục nối tiếp. Nếu thấu rõ như vậy, ta không cần phải suy tư nhiều, nhưng có nhiều trí tuệ. Nếu không thấu hiểu, ta phải suy tư nhiều hơn là có trí tuệ -- và chưa chừng không có trí tuệ gì hết. Chỉ đến chừng nào thật sự nhận thức hậu quả tai hại của hành động mình, chúng ta mới có thể buông bỏ. Cùng thế ấy, chỉ đến chừng nào nhận thức lợi ích thiết thực của pháp hành, chúng ta mới có thể thực hành, và bắt đầu gia công làm cho tâm trở nên "tốt".

*

Nếu ta cưa một khúc gỗ và bỏ xuống sông, và nếu khúc gỗ không chìm xuống đáy, hoặc không hư thúi, hoặc bị trôi tấp vào bờ, thì chắc chắn nó sẽ trôi luôn ra biển cả. Pháp hành của chúng ta cũng giống vậy. Nếu quý vị hành đúng theo con đường mà Đức Phật chỉ vạch, theo đúng con đường quý vị sẽ vuợt khỏi hai điều. Hai điều gì? Đó là hai cực đoan mà Đức Phật dạy là không phải con đường của người hành thiền chân chánh -- Dể duôi, buông lung trong Dục Lạc và buông lung trong Đau Khổ. Đó là hai bờ của con sông. Bờ bên nầy là sân hận, bờ bên kia là tình thương. Hoặc nữa, quý vị có thể nói một bờ là hạnh phúc và bờ bên kia là đau khổ. Khúc gỗ là cái tâm nầy. Trong khi "chảy trôi theo dòng nước của con sông", nó sẽ chứng nghiệm hạnh phúc và đau khổ. Nếu tâm không vướng mắc hay bám níu vào hạnh phúc và đau khổ, nó sẽ trôi chảy đến tận "biển cả". Quý vị phải thấy rằng không có gì khác hơn là hạnh phúc và đau khổ phát sanh và tan biến. Nếu không "trôi tấp" vào trong đó ắt quý vị đã ở trên con đường của người hành thiền chân chánh.

Đó là Giáo Huấn của Đức Phật. Hạnh phúc và đau khổ, tình thương và sân hận, chỉ được thiết lập trong Thiên Nhiên, thuận chiều theo Định Luật của Thiên Nhiên, vốn bất di bất dịch. Người có trí tuệ không đi theo nó, không khuyến khích hay khơi động nó, người ấy không vướng mắc hay bám níu vào nó. Đó là cái tâm buông bỏ cả hai cực đoan, Lợi Dưỡng trong Dục Lạc và Lợi Dưỡng trong Đau Khổ. Đó là pháp hành chân chánh. Cũng chỉ như khúc gỗ suông sẻ chảy trôi thẳng đường ra tận biển cả, cùng thế ấy tâm mà không dính mắc trong hai cực đoan chắn chắn sẽ đạt đến An Lạc.

Kết luận

... Quý vị có biết đến đâu nó sẽ chấm dứt không? Hay là quý vị chỉ tiếp tục mãi mãi học như vậy? ... Hoặc nữa, nó phải chấm dứt ở một điểm nào chăng? ... Cũng được, nhưng đó là khảo sát bề ngoài. Không phải nghiên cứu bên trong, Muốn khảo sát, học hỏi bên trong quý vị phải tìm hiểu mắt nầy, tai nầy, mũi nầy, lưỡi nầy, thân nầy, và tâm nầy. Đó mới thật sự là môn học. Học trong sách chỉ là học bề ngoài, thật sự khó mà đi đến tận cùng, khó hoàn tất viên mãn.

Khi mắt thấy hình thể, hiện tượng gì xảy ra? Khi tai nghe âm thanh, mũi hửi mùi, lưỡi nếm vị, điều gì phát sanh? Khi thân tiếp chạm với đối tượng của nó và khi tâm giao tiếp với pháp thì có phản ứng gì? Vẫn còn tham, sân, si nữa chăng? Ta có bị lạc lối trong hình thể, âm thanh, mùi, vị, vật thể và những cảm xúc buồn vui chăng? Đó là học bên trong. Môn học nầy thì có điểm chấm dứt.

Nếu học mà không hành ắt sẽ không gặt hái thành quả gì. Cũng như người chăn bò. Sáng sớm dắt bò ra đồng ăn cỏ, rồi chiều lùa trở về chuồng -- nhưng người ấy không bao giờ uống sữa bò. Học thì tốt, nhưng chớ nên để pháp học của mình giống như vậy. Quý vị phải chăn bò và cũng uống sữa bò nữa. Phải học, và cũng phải hành để gặt hái thành quả tốt đẹp.

Đây, để Sư giảng rộng thêm. Cũng như người kia nuôi gà mà không bao giờ lấy trứng, chỉ hốt phẩn gà. Đó là điều mà Sư thường nói với những người nuôi gà ở quê nhà. Hãy thận trọng coi chừng! Chớ nên để mình lọt vào trường hợp tương tợ. Điều nầy có nghĩa là học kinh điển nhưng không biết phải làm thế nào để loại trừ ô nhiễm, không biết làm sao "đẩy lui" tham ái, sân hận, và si mê ra khỏi tâm. Học mà không hành, không có "dứt bỏ", sẽ không đem lại hậu quả tốt đẹp nào. Vì lẽ ấy Sư ví họ như người nuôi gà mà không lấy trứng, chỉ hốt phẩn. Giống như vậy.

Vì lẽ ấy Đức Phật muốn ta học kinh điển rồi từ bỏ những hành động bất thiện bằng thân, khẩu, ý và phát triển thiện nghiệp qua hành động, lời nói, và tư tưởng. Giá trị thật sự của nhân loại sẽ trở thành tròn đủ xuyên qua thân, khẩu, ý. Nhưng nếu chúng ta chỉ nói giỏi mà không hành động đúng theo lời nói thì ắt không viên mãn, chưa đủ. Hoặc nữa, nếu ta có những hành động tốt mà tâm vẫn không tốt thì cũng chưa hoàn tất viên mãn. Đức Phật dạy nên phát triển thiện pháp trong cả ba nghiệp: thân, khẩu, ý. Đó là kho tàng quý báu của nhân loại.

Bát Chánh Đạo của Đức Phật, Con Đường của pháp hành, có tám chi. Tám chi không phải là gì khác hơn chính bản thân nầy! Hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, một lưỡi, và một thân. Đó là Con Đường. Và tâm là người noi theo Con Đường. Do vậy, cả hai, pháp học và pháp hành, nằm trong thân, khẩu, ý của chúng ta.

Quý vị có thấy kinh điển dạy điều gì ngoài thân, khẩu, ý chăng? Kinh điển chỉ dạy bấy nhiêu, không có gì khác. Ô nhiễm được sanh ra ngay tại đây. Nếu quý vị thấu rõ, nó cũng sẽ chấm dứt ngay tại đây. Vậy, phải thông hiểu rằng cả pháp học lẫn pháp hành đều nằm tại nơi đây. Nếu chỉ học được chừng đó thôi quý vị có thể hiểu biết tất cả. Cũng như lời nói của ta: chỉ nói một lời đúng Chân Lý còn hơn suốt cả đời nói sai. Quý vị hiểu chưa? Người có học mà không hành cũng dường như cái muỗng nằm trong nồi canh. Cả ngày trầm mình trong canh, nhưng không biết mùi vị của canh. Nếu không thực hành thì dầu có học cho đến chết đi nữa quý vị cũng sẽ không thông hiểu Hương vị của Giải thoát.

Trích:
Hương Vị Giải Thoát
"A Taste of Freedom"
Ajahn Chah
Phạm Kim Khánh dịch
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Cách Đơn Giản Để Đuôi Gián, Muỗi, Kiến Mà Không Phải Giết Chúng



Sau đây tôi xin giới thiệu một diệu kế không cần sát sinh mà vẫn có thể đuổi được kiến, muỗi, và gián. Bây giờ tôi nhìn thấy gián, không sợ nữa rồi. Sau 1 tuần trong nhà tôi không còn những con côn trùng khó chịu kia nữa! Chỉ cần làm như sau:
Bạn biết con gián sợ nhất cái gì không?

Gián sợ nhất mùi thơm, vậy thì đã có xà phòng!

Những con gián thường thích sống ở những nơi tối, ẩn náu trong nhà bếp của chúng ta.
Biện pháp của tôi đưa ra để đối mặt với những con gián “đánh hoài không hết” kia là cắt xà phòng thành từng miếng nhỏ, đặt ở trong nước, sau đó đặt vào trong tủ có gián, một vài ngày sau, khi bạn mở tủ ra bạn sẽ rất ngạc nhiên khi không thấy hình bóng của một con gián nào cả, hơn nữa tủ còn thơm mùi của xà phòng.
Nếu bạn muốn tác dụng kéo dài thêm, bạn phải thường xuyên thêm xà phòng vào nước.

Kiến sợ nhất vị chua, vậy thì đã có những quả chanh!

Chúng ta chỉ cần để những đồ ăn ngọt trong vài phút là cả đàn kiến đã kéo tới, khiến cho chúng ta không khỏi bực mình. Theo kinh nghiệm của tôi, có một cách an toàn, hiệu quả mà không độc hại. Bạn cắt đôi quả chanh thành hai phần, quan sát nơi sinh sống và đường đi của kiến, vắt nước cốt chanh vào, đồng thời cắt phần thịt của quả chanh xát lên đường đi và xung quanh nơi ở của kiến, và bạn sẽ thấy điều kỳ diệu của thiên nhiên!

Muỗi sợ vị cay, có tỏi ở đây rồi!

Tôi rất thích trồng hoa, nhưng trồng bao nhiêu hoa thì bấy nhiêu muỗi, chúng cắn tôi nổi bao nhiêu là nốt!
Ngày nọ, một người bạn đưa cho tôi một túi tỏi, mẹ tôi dùng một chút để nấu ăn, phần còn lại tôi trồng trong vườn hoa trong bốn tuần, chúng tỏa ra những hương vị cay đặc biệt. Và điều đáng ngạc nhiên đó là những con muỗi thường ngày hay thấy đều biến mất, ngay cả khi trời mưa chúng cũng không xuất hiện.
Vì vậy, để tiêu trừ muỗi ngoài việc dọn dẹp nhà cửa, cắt những lá cây bị hỏng, thối, thì bạn hãy thử cách trồng tỏi như tôi đã nói ở trên!

Những phương pháp không cần đánh chết muỗi đó là:

1. Hòa tan viên vitamin C và vitamin B2 trong nước, bôi lên da, cách này sẽ khiến cho muỗi không dám đến gần bạn
2. Treo rèm cửa có màu cam, hoặc trùm lên đèn miếng giấy bóng kính có màu cam, từ đó muỗi sẽ sợ ánh sáng màu cam mà bay đi hết.
3. Treo mấy cọng hành dưới đèn, hoặc dùng miếng vải gạc gói mấy cọng hành lại, sẽ không có một con muỗi nào bay tới, hoặc đặt hai chậu hoa nhài, hoa lan, hoa hồng vào trong phòng, cách này cũng có thể đuổi được muỗi.

Những diệu kế đuổi gián:

1. Dùng dưa chuột tươi để đuổi gián:
Bạn có thể để 1 đĩa dưa chuột tươi trong tủ để thức ăn, gián sẽ không bén mảng tới khu vực tủ thức ăn của bạn. Sau 2 đến 3 ngày để dưa chuột, bạn hãy cắt quả dưa chuột đó, mùi dưa sẽ đuổi được gián.

2. Dùng lá đào tươi:
Bạn hái mấy lá đào, đặt vào nơi có gián, gián ngửi thấy mùi lá đào sẽ nhanh chóng chạy mất.

3. Dùng hành tây để đuổi gián
Nếu bạn để một đĩa hành tây đã cắt ở trong phòng, khi gián ngửi thấy mùi hành tây, sẽ chạy đi, đồng thời cách này cũng giữ cho thức ăn khác không bị biến chất.

Trên đây là các mẹo thực sự rất hữu ích. Nếu bạn biết các cách hiệu quả khác để đuổi côn trùng, hãy chia sẻ với mọi người trong phần bình luận nhé!

Theo NTDTV Biên dịch: Mai Anh
Đăng bởi Cội Nguồn 
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Nan Đà Tôn Giả



Ðã mấy năm qua. Từ ngày chứng nghiệm chân lý dưới gốc cây Bồ Ðề, Ðức Phật Thích Ca đã đặt chân lên nhiều kinh thành, nhiều thôn dã, nhiều đất nước để truyền bá đạo Từ Bi. Hàng đệ tử của Ngài càng ngày càng đông.

Trên con đường giải thoát cho nhân loại không biên giới ấy, một hôm kia, Ðức Phật trở về đất nước quê hương, nước Ca Tỳ La Vệ. Ngài thấy nhân loại đáng thương đang chìm trong sự lôi cuốn của cuộc đời có bà con thân thuộc mình, có… em Ngài, Hoàng tử Nan Ðà.

Hoàng tử Nan Ðà là em cùng cha khác mẹ với Ðức Phật. Lúc Phật xuất gia, Nan Ðà còn tấm bé, Nan Ðà chỉ buồn thoang thoảng vì thiếu sự chăm sóc chỉ bảo của một người anh hiền từ. Thế thôi. Và tuổi trẻ cũng mau quên. Nan Ðà lớn lên trong sự hầu hạ ân cần cẩn thận của cung vua. Không như anh. Nan Ðà buông theo các thú vui. Cuộc đời bó hẹp lại, nhỏ dần trước mắt người thanh niên ham mê sắc dục. Nan Ðà chỉ còn thấy các mỹ nữ trong giọng hát, trong điệu múa, trong những cuộc truy hoan…

Phật trở về giữa sự vui mừng của dân chúng. Ngài ở Tịnh xá và hàng ngày mang bình bát đi khất thực và truyền đạo như trong khi Ngài ở các nước khác. Lối sống bình dị ấy làm mọi người thán phục. Ðời sống của kinh thành xáo trộn. Vàng bạc không còn là cứu cánh. Lòng thương yêu nhau, thương yêu đến cả các sinh vật được xem là cao quí. Người ta đã thấy những gì chắc thật của cuộc đời, thú vui chỉ là mong manh chốc lát.

Nhà vua đã mở nhiều cuộc bố thí, giảm nhẹ thuế má cho dân chúng.

Về phần Nan Ðà, Nan Ðà cũng cảm thấy vui. Những hình ảnh tươi đẹp của những năm xưa hiện lên. Nhưng trong hai người như có một cái gì khác nhau nhiều lắm, nên Nan Ðà chưa dám gặp Phật. Nghe những lời ca ngợi về lòng nhân ái, về cuộc sống bình dị của Ðức Phật, Nan Ðà tự đối chiếu với mình. Và đã có lúc chàng nghiệm thấy một cái gì mong manh, chóng tàn trong những cuộc vui say, trên nét nhăn mệt mỏi của những mỹ nữ qua những cuộc múa ca.

Một hôm, Nan Ðà thức dậy sau một giấc ngủ dài mệt mỏi. Mặt trời đã lên cao. Chưa kịp sửa soạn, chàng đã thấy Ðức Phật đang tiến vào nhà. Phật khoác chiếc y vàng, tay cầm bình bát, Ngài đi khoan thai như lùa vào đây tất cả những ánh sáng trong lành của buổi mai.

Phật không khác xưa nhiều lắm, vẫn gương mặt hiền lành nhưng thêm phần sáng suốt. Tất cả những hình ảnh trên diễn ra trước mắt Nan Ðà đang đứng ngây người nhìn. Ðức Phật tiến lạI gần, ân cần hỏi han. Lời nói của Ngài dịu dàng làm cho Nan Ðà nhớ lại những ngày vui vẻ thuở xưa, hồi ấy Nan Ðà nhìn đời một cách đẹp đẽ. Rồi Ngài nói với Nan Ðà:

- Từ lâu, ta vẫn thấy bên trong ra có phụ hoàng và em. Chính trong mục đích giải thoát cho loài người rộng lớn và cho những người thân thuộc mà ta thấy được đạo lý. Ta biết em đang khao khát chân thật. Ta đi trước em, ta đã biết rằng hạnh phúc chân thật không thể tìm ở đâu khác ánh đạo. Ánh đạo ấy ta đem về cho em đây.

Nan Ðà im lặng, cảm động. Người đứng trước mình là anh, là thầy, là ân nhân? Nan Ðà thấy trong người rạo rực một mối tình muốn hướng về đường lành. Chàng cúi xuống thân mến ôm bàn tay của Ðức Phật đang đưa ra nâng chàng dậy. Ðức Phật âu yếm:

- Ðường ta đi sáng như sao nhưng khó khắn trở lực không phải là ít. Mà có sự thành đạt nào không phải mua bằng gian lao, ta đã nghiệm điều đó. Biết em có đủ trí lực để vượt qua không?

Nan Ðà ngẫm nghĩ rồi nguyện theo Phật. Chàng sửa soạn rất nhanh chóng. Phật đã tiến ra cửa. Ngài bước đi, Nan Ðà theo Ngài, tuy lòng đang dâng lên một cái gì âm ấm, trong sáng như ánh nắng và trời đất tươi đẹp bên ngoài. Hai người cùng tiến về Tịnh xá.

Ðến Tịnh xá, Phật bảo các đệ tử săn sóc cho Nan Ðà. Người ta thay chiếc áo gấm xanh và khoác cho chàng chiếc áo nâu bằn vải. Người ta dành cho chàng một phòng rộng ngó ra vườn hoa. Nan Ðà ngồi xuống chiếc ghế mây rồi nhìn ra vườn. Trăm hoa đang mở rộng tung cánh để đón ánh trời, màu hồng tươi mát của đào. Màu vàng dịu của mai, màu trắng như tuyết của huệ, nổi bật lên trên màu xanh tươi của lá cây. Ðây đó một vài đạo sĩ đang ngồi trên các phiến đá trầm tĩnh niệm Pháp. Trong cái yên lặng, lâu lâu có điểm một tiếng chuông ngân dài. Nan Ðà thấy một sức sống mạnh mẽ của muôn cây, một sự rạo rực hướng về đạo của con người. Thật là một thay đổi cực kỳ lớn lao trong tâm hồn vị Hoàng tử thanh niên.

Nhưng rồi có những lúc Nan Ðà thiêu thiếu một cái gì. Chàng tiếc rẽ cái áo gấm chăng? Ðâu phải thế! Trước đây cũng có nhiều lần chàng áo ước cởi bỏ nó đi để được mát mẻ. Chàng tiếc một cái gì? Ðó là các sinh hoạt cũ, cái lối ăn chơi say sưa bên cạnh những người vũ nữ có bàn tay ngọc ngà, có thân hình mềm mại.

Ðức Phật thừa hiểu rằng trong một sớm một chiều, Nan Ðà chưa thể giác ngộ được chân lý nên chú ý đến Nan Ðà nhiều hơn các đệ tử khác. Một hôm, có người mời Phật đi thọ trai, Ngài không đưa Nan Ðà đi mà còn kêu đến đưa bình bát cho và dặn nhà múc nước đổ vào cho đầy.

Ðược ở nhà, Nan Ðà là vui thích vì chàng thấy có cơ hội trở về thăm cung điện và các mỹ nữ. Biết như thế là sai lầm nhưng có một sức mạnh nào thúc đẩy mãnh liệt. Dầu sao, Nan Ðà cũng không quên lời Phật dặn “đổ nước vào bình bát” mà chàng không biết đổ để làm gì. Cái bình bát nhỏ bè này, hãy đổ vào một gàu là đầy ngay và rồi sẽ trở về thăm cung điện cũng không muộn. Nan Ðà đem bình bát ra giếng. Chàng xách lên gàu nước và đổ nước vào. Chàng cẩn thận để nước khỏi đổ ra ngoài. Lạ quá! Gàu nước đồ hết rồi mà sao không thấy nước tràn lên miệng bình. Nan Ðà cúi xuống xem bình bát có bị nứt không. Tuyệt nhiên không một đường rạn nào, lớp men vẫn liền láng. Chàng múc gàu nước thứ hai, thứ ba, thứ tư và liên tiếp nhanh tay đổ vào. Lạ thật, không có nước chảy ra ngoài mà nước đổ vào biến đi đâu cả.

Nan Ðà đã mệt nhoài mà bình bát vẫn không được một tí nào cả. Làm sao để về thăm cung điện? Nôn nả quá, chàng để bình bát ngay bên giếng và vụt chạy đi, hẹn trong lòng chốc trở lại sẽ tiếp tục đổ nước vào.

Chạy được một quảng, Nan Ðà thấy ở xa có đoàn người đi ngược lại. Chàng dừng lại nhìn. Khốn rồi! Chính Phật và đoàn đệ tử thọ trai về. Nan Ðà biết không có cách nào tránh khỏi, bèn nép bên đường, cúi mặt nhìn xuống đất. Phật đến bên Nan Ðà hiền lành bảo:

- Thôi! Trở lại. Em hãy còn lời hứa đối với ta, còn công việc ta giao chưa làm xong. Hãy tự chiến thắng mình mới đi đến đích cuối cùng.

Nan Ðà đi theo Ngài cùng trở về Tịnh xá.

Năm hôm sau, trong cuộc du hành thuyết pháp ở cõi trời, Phật cho Nan Ðà đi theo, Nan Ðà mừng lắm.

Ðấy là một trong những cõi trời đẹp đẽ và hạnh phúc nhất. Không biết bao nhiêu lâu đài tráng lệ nguy nga. Những chiếc bàn, những độc bình bằng thủy tinh muôn màu rực rỡ. Những vườn hoa với các cây xanh mướt, quanh năm hoa nở thắm tươi và tỏa mùi hương nồng ấm. Ánh sáng một màu huyền ảo. Mặt trời không gay gắt, ban ngày vẫn có sao sáng và ban đêm trời luôn luôn sáng, thứ ánh sáng vàng trắng của những đêm rằm.

Phật đưa Nan Ðà đến một cung điện rực rỡ. Các tiên ông râu bạc trắng ra đón tiếp. Phật thuyết pháp cho họ nghe. Trong lúc đó các nàng tiên mời Nan Ðà đi xem khắp nơi. Chỗ nào Nan Ðà cũng tấm tắc khen ngợi. Rồi các nàng tiên múa cho Nan Ðà xem. Những gương mặt tươi đẹp như chưa bao giờ lo buồn, các điệu múa uyển chuyển như còn gởi mãi trong không gian các đường nét mềm mại. Sau đó Nan Ðà hỏi họ:

- Ai sẽ có vinh hạnh hưởng cảnh sống êm đẹp trong những cung điện ở đây?

Các nàng tiên nhỏ nhẹ thưa:

- Cung điện, vườn hoa, ánh sáng ở đây đang chờ đón một người tên là Nan Ðà, nếu người ấy tu hành được chánh quả.

Nan Ðà sung sướng nhẹ nhõm khi theo các nàng về cung điện.

Trên đường về Tịnh xá, Nan Ðà định hỏi Phật xem lời các nàng tiên nói có đúng không, nhưng không dám, chỉ tự bảo với mình phải cố gắng tu tập. Nhưng biết đến bao giờ mới lên cõi trời sung sướng. Nan Ðà nôn nả nên thiếu thái độ hiền từ, tĩnh tâm, định trí. Và cái hăng hái của những ngày mới trở về lần lần phai nhạt.

Một thời gian sau, Phật lại chuẩn bị một cuộc đi truyền thuyết xa và Nan Ðà cũng được đi theo. Lần này Phật dẫn chàng xuống địa ngục.

Ðịa ngục bày ta trước mắt Nan Ðà trước những cảnh tượng ghê rợn. Ðây là một người đàn ông bị ép dưới một tản đá khổng lồ. Tảng đá lún dần, lún dần trong tiếng kêu thắt nghẹn trong tiếng răng rắc của bộ xương ngực, xương tay, xương chân đang dập nát. Ðây là một người đàn bà mang trên đầu một vành lửa đỏ. Tóc của người ấy cũng cháy khét lẹt; và tay bị trói chặt ra phía sau, người đàn bà vừa chạy vừa kêu không ra tiếng người. Nan Ðà biết những hình phạt ấy là do sự tàn ác của họ ở kiếp trước nên im lặng đi theo Phật. Gương mặt của Ngài tỏ vẻ vô cùng thương xót và Ngài cầu nguyện cho họ.

Ðến một đoạn nữa, Nan Ðà thấy trước mặt có năm chảo dầu xếp thành hành dài trước mặt một cái đền tối om. Năm con quỷ đang sắp sửa đun lửa. Trong bốn cái chảo đã có bốn người không rõ là đàn ông hay đàn bà. Lửa đỏ, dầu gần sôi. Người trong chảo vẫy vùng, chồm lên rồi lại rơi xuống. Tiếng kêu của họ tắt đi trong tiếng sôi sùng sục của dầu, tiếng củi cháy phừng phực. Nan Ðà đến gần con quỷ coi chảo dầu thứ năm và hỏi:

- Tại sao trong nầy lại không có người nào?

Con quỷ không nhìn Nan Ðà, chăm chú coi lửa và trả lời:

- Chảo không này cứ đun sẵn, để dành riêng cho một người tên là Nan Ðà nếu người ấy biếng nhác, không lo tu tập.

Nan Ðà giật nẩy mình và không dám hỏi thêm gì nữa.

Từ độ ấy về, Nan Ðà không một chút nào dám xao nhãng việc tu niệm, chàng lo tụng niệm, thuộc làu kinh kệ. Mãi đến chiều chiều, Nan Ðà mới để một ít thì giờ đi dạo ngoài vườn Tịnh xá.

Nhưng có một điều là chàng đến chỗ nào, người chỗ ấy đều lánh đi nơi khác. Nan Ðà bực lắm. Có một hôm Nan Ðà đến gặp Ngài A Nan, Ngài A Nan là em họ chàng và là đệ tử yêu mến nhất của Ðức Phật. Thấy Nan Ðà đến, Ngài A Nan cũng lánh đi nơi khác. Không thể giữ nổi sự bực bội trong lòng, chàng đến trước mặt Ngài A Nan là lấy lời kính cẩn thưa:

- “Xin chú cho tôi biết vì lẽ gì các Ngài và chú lại không muốn gặp tôi. Tôi tưởng đã ở một đạo với nhau, hơn nữa lại là bà con, chú cũng không nên đối xử với tôi như thế”.

Ngài A Nan biết không còn cơ hội nào tốt hơn cơ hội nầy để trình bày cho Nan Ðà rõ đầu đuôi nên ôn tồn bảo:

- Chúng ta tuy theo một đạo nhưng mục đích chúng ta không giống nhau. Anh nhắm một mục đích khác. Anh tu hành để được lên cõi tiên, để sống trong hạnh phúc, riêng anh, tu hành vì cảnh khủng khiếp của địa ngục. Anh Nan Ðà ơi! Mục đích của anh hẹp hòi. Phải lấy sự đau khổ của chúng sinh làm đau khổ của mình, xem thường tài sản và tính mệnh của mình, phát tâm thực hành lục độ để giải thoát vô lượng chúng sanh. Ðó là mục đích của thầy ta, của chúng ta, của những người tu hành chân chính.

Ngài A Nan dừng lại để Nan Ðà kịp suy nghiệm. Rồi âu yếm nhìn Nan Ðà Ngài nói tiếp.

- Anh Nan Ðà ơi! Ðường tu hành còn dài lắm, cho đến khi nào chúng sinh không còn khổ đau. Cho nên không nhìn một mục đích cao rộng, ta sẽ dễ nản lòng thối chí như anh, đã có lần muốn bỏ dỡ công cuộc nửa chừng. Phải can đảm lên anh ạ! Quả lành sẽ đến với chúng ta.

Lời Ngài A Nan đi thẳng vào tâm can, vào trí óc A Nan. Từ đó Nan Ðà công phu tu luyện với mục đích cao quý giải thoát cho chúng sanh và một ngày kia, bước theo A Nan, Nan Ðà trở thành một đệ tử chân chính của Ðức Phật, trở thành Nan Ðà tôn giả đáng kính mến muôn đời của chúng ta.

Luân hồi nhân quả không sai
Không tu ắt phải đọa đày khổ thân.

Quãng Huệ

Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh đã tự ăn cơm một mình là một phép lạ



Tôi đã chia sẻ sự kiện này với nhiều người, trong đó có 2 vị thiền sư - một vị ở Vạn Giã (Nha Trang) một vị ở Mỹ Tho (Tiền Giang) tất cả đều cùng đồng ý rằng : Thầy đã vượt thoát mọi biên kiến nhị nguyên, đã đạt thiền và từ lâu người vẫn đến đi thong dong tự tại - một thứ tự do đích thực trong cõi tử sinh. Thầy là một minh chứng sống cho tất cả những gì mà ba tạng Kinh, Luật, Luận ghi chép qua 26 thế kỷ.

Thầy đã tự ăn một mình (không cần sự giúp đỡ của thị giả) trong ngày tiếp nối thứ 90 (11/10/2016) của người. Thầy hôm nay với Thầy của ngày 6/12/2014 (ngày CM đi thăm Thầy tại bệnh viện Bordeaux) hoàn toàn khác biệt. Bởi vì hồi đó - ngoại trừ đôi mắt tinh anh thỉnh thoảng mở ra nhắm lại nhìn đệ tử hay ra hiệu gì đó, còn lại toàn thân Thầy không khác chi một cục bột. Nếu ai đã tận mắt thấy Thầy của 2 năm về trước (lúc mới bị tai biến) với Thầy ngày hôm nay đều đồng ý rằng Thầy đã hồi phục một cách kỳ diệu và ngoài sức tưởng tượng thường tình của chúng ta. Chứng tỏ Thầy đã vượt lên trên các cặp đối đãi nhị nguyên, đã vượt thoát quy luật tử sinh và thong dong tự tại với luân hồi - nghiệp quả. Điều đó đã được chúng đệ tử xuất sĩ, cư sĩ và nhất là giới khoa học thuộc ngành Y của khoa Thần kinh não bộ tại Pháp chứng kiến từng phút, từng giờ, từng tháng, từng năm liên tục.


Trước sự chịu đựng rồi vượt qua và hồi sức của Thầy, François Rouanet là vị bác sĩ Trưởng khoa Thần kinh não bộ (neurologie) thuộc Centre Hospitalier Universitaire (CHU) Bordeaux là một trong những vị bác sĩ chuyên khoa giỏi nhất nước Pháp đã phải tự phán rằng : "Là một bác sĩ về não bộ nhưng trong trường hợp của Thầy, tôi thấy mình thật sự chưa hiểu gì về não bộ hết". Bởi vì tất cả mọi kiến thức mà ông học hỏi trong trường đại học y khoa, và sau này là kinh nghiệm của người thầy hướng dẫn sinh viên thực tập cũng như kinh nghiệm chữa trị lâm sàng qua nhiều năm dài của ông đều sai với trường hợp của Thầy. Ngay lần đầu chẩn bịnh cho Thầy, ông tuyên bố Thầy chỉ có thể sống được 24 giờ, hoặc 36 giờ, nếu giỏi lắm thì 3 ngày là tối đa. Thế nhưng 3 ngày đã trôi qua mà Thầy vẫn còn thở mặc dù không có một tín hiệu nào báo cho sự hồi sinh. Tới ngày thứ 10 chẳng những cục máu bị vỡ trong óc không nhỏ lại mà còn lớn hơn và lan sang bên bán cầu phải. Vị bác sĩ của chúng ta vẫn tự tin là Thầy sẽ không qua khỏi và đã ký giấy để đưa Thầy về Làng lo hậu sự. 

Phải chờ tới ngày 30/11 tức 19 ngày sau cơn tai biến sau khi kết quả chụp IRM cho thấy bọc nước bao quanh cục máu bầm đã nhỏ lại. Lúc đó bác sĩ François Rouanet tuyên bố là tới hôm nay ông mới có hy vọng Thầy sống được.


Tôi đã chia sẻ sự kiện này với nhiều người, trong đó có 2 vị thiền sư - một vị ở Vạn Giã (Nha Trang) một vị ở Mỹ Tho (Tiền Giang) tất cả đều cùng đồng ý rằng : Thầy đã vượt thoát mọi biên kiến nhị nguyên, đã đạt thiền và từ lâu người vẫn đến đi thong dong tự tại - một thứ tự do đích thực trong cõi tử sinh. Thầy là một minh chứng sống cho tất cả những gì mà ba tạng Kinh, Luật, Luận ghi chép qua 26 thế kỷ. Nói cách khác - bậc giác ngộ trong kinh điển ghi chép nhiều ngàn năm đã bước ra hiện thực của đời thường.

Phúc đức nào bằng, hạnh phúc nào bằng, vui sướng nào bằng được sống và được chứng kiến một sự kiện hiếm quý ngàn năm mới có một lần.

Để tận hưởng niềm vui và hạnh phúc lớn này, chúng ta cùng hát bài Hạnh Phúc Bây Giờ!

CM- Phù Sa
Vedepphatphap.vn
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Nơi Tính Giác vẫn Muôn Đời Bất Tử



Bước vân du biết nơi nào dừng lại 
Gieo duyên rồi Chân Tính tự khai hoa
Không - Thời gian nào cũng phải nhạt nhoà 
Nơi Tính Giác vẫn muôn đời Bất Tử.
Thế gian ơi, đời vẫn là cuộc lữ 
Bước đi - về như huyễn cũng như chân 
Thấy Niết-bàn trong sinh tử phù vân
Ai ngờ được bờ mê là Bến Giác!
                    T.S Viên Minh


Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016