Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Lạng Châu Vãn Cảnh -Trần Nhân Tôn



    諒 州 晚 景               Lạng Châu Vãn Cảnh
             陳仁宗                        Trần Nhân Tôn

古 寺 淒 涼 秋 靄 外   Cổ tự thê lương thu ái ngoại,  
漁 船 蕭 瑟 暮 鐘 初  
Ngư thuyền tiêu sắc mộ chung sơ    
水 明 山 靜 白 鷗 過  
Thuỷ minh sơn tĩnh bạch âu quá,   
風 定 雲 閒 紅 樹 疏
  
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ        

Dịch Nghĩa : Cảnh Chiều Ở Lạng Châu

Sương thu  bao phủ bên ngoài ngôi chùa cổ trong thật ảm đạm
Thuyền câu buồn bã trong khi tiếng chuông chiều từ ngôi chùa bắt đầu vang lên
Nước trong xanh  núi im lặng, những chim âu trắng bay qua

Không một chút gió mây nhàn nhã trôi, lá đỏ trên cây đã thưa thớt.

Dịch Thơ: Lạng Châu Về Chiều

1-
                Khói thu chùa cổ đìu hiu
Thuyền chài quạnh quẽ chuông chiều vọng vang
             Nước non lặng âu bay ngang
          Cây thưa lá đỏ mây nhàn gió im.
2-
Sương thu mờ phủ bóng chùa xưa
Hiu quạnh thuyền câu chuông vẳng đưa
Núi vắng nước trong chim trắng vượt
Mây nhàn gió lặng lá cây thưa.
                                     Quên Đi

Các bài Thơ Dịch Khác

        Lạng Châu Chiều Về

         Chùa xưa lạnh lẽo sương thu
Chuông chiều nhẹ điểm âm u thuyền chài
         Nước trong núi lặng chim bay
       Lơ thơ lá đỏ nhàn mây gió dừng
                            KimOanh
***
       Chiều Thu Ở Lạng Châu

BÀI 1 :
      Chùa xưa khói tỏa sương thu ẩm,
Chuông vọng thuyền câu thấp thoáng đây.
         Non xanh nước biếc chim bay,
      Trời mây gió lặng lá cây rơi hồng.

BÀI 2 :
Chùa xưa ảm đạm khói sương thu,
Ngư phủ, chuông ngân vọng mịt mù.
Non nước bạch âu bay lặng lẽ,
Mây trôi lá đỏ rụng âm u.
               Mai Xuân Thanh
       Ngày 19 tháng 10 năm 2016
***
 Chiều Thu Ở Lạng Châu

Thiền tự đìu hiu lạnh khói sương
Thuyền con ngư phủ lắng nghe chuông
Nước trong núi dựng chim âu lượn
Mây gió ngừng trôi lá trở hường
             Trần Thị Kim Dung
***
Chiều Thu Thăm Cảnh Lạng Châu

Sương Thu phủ chùa xưa buồn hiu hắt
Bóng thuyền câu lắng vọng tiếng chuông ngân
Chim bay qua núi vắng suối trong ngần
Mây lãng đãng biếng trôi nhìn lá đỏ 
                           songquang
***
      Lạng Châu Vãn Cảnh

Chùa xưa ảm đạm sương thu kín
Chuông điểm thuyền câu thêm hắt hiu
Non vắng nước trong chim trắng lượn
Gió yên mây nhẹ lá thưa nhiều
                       Kim Phượng
***
             Chiều Lạng Châu

    Trong khói thu, chiều xưa hiu hắt
Vẳng chuông chiều xao xác thuyền câu .
       Nước trong núi lặng cánh âu 
   Cây rừng lá đỏ, thì thầm gió mây .
                                  Mailoc
***
Cảnh Chiều Ở Lạng Châu
PKT 10/24/2016

Chùa cổ , chiều thu, sương khói phủ ,
Thuyền câu , chuông động, cảnh bên đời ,
Nước trong , núi quạnh , bóng âu trắng ,
Gió lặng , mây ngừng, ngắm ... lá rơi !
 

Lạm Bình : Lạng Châu Vãn Cảnh là 1 bài thơ thiền của Sư Tổ sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử , trộm nghĩ ,xin được phép nói ra đây , chuyển dịch bài này không phải là khó mà là không thể đối với tôị . Một bài thơ thiền trên cả tuyệt vơì .Còn Cảnh Chiều Ở Lạng Châu của PKT chỉ là một bản lược dịch, cốt ý giữ được phần nào ý thiền của nguyên tác , nhưng thật đã quá đỗi vụng về. Riêng gửi Quên Ði Huỳnh Hữu Ðức và quý anh chị em để bày tỏ chút tình cảm mến và cũng như thường lệ là để đọc cho vui cùng chữ nghĩa với nhau thôi . 
PKT 10/24/2016 

***
Theo huynhhuuduc.blogspot.com

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Tông Chỉ và Lý Tưởng Của Đạo Phật Ngày Nay




Điều 1. Bốn chân lý Thánh:

Nhận diện khổ đau hiện thực
Truy tìm nguyên nhân bất thiện
Trải nghiệm hạnh phúc Niết-bàn
Thực tập con đường tám chánh.

Theo đức Phật, bất kỳ một vấn nạn nào đều được giải quyết bằng con đường Tứ Thánh Đế này, đây là pháp môn duy nhất của đức Phật.

Điều 2. Tu sáu ba-la-mật:

Tặng cho không tiếc nuối
Đạo đức thật thanh cao
Kiên trì không bỏ cuộc
Nỗ lực chuyển hóa sâu
Thiền định không vướng dính
Trí tuệ vượt khổ đau.

Người tu theo Phật giáo Nguyên thủy, hay Đại thừa đều thực tập để đạt được an vui, hạnh phúc cho mình và tha nhân.

Điều 3. Tu thiền chỉ (thiền định):

Buông bỏ việc đã qua
Không màng chuyện chưa đến
Thư thái tâm hiện tại
Vượt qua mọi ý niệm.

Thực tập thiền chỉ trong lúc ngồi thường có kết quả tốt nhất. Các Phật tử nên dành 15-30 phút thực tập mỗi ngày để tâm mình được điềm tĩnh, thư thái, xả niệm để tâm được yên ắng, bình an, tăng trưởng tuệ giác.

Điều 4. Tu thiền quán (thiền tuệ):

Tứ niệm xứ (4 đối tượng quán niệm), thực tập quán chiếu giúp cho thiền sinh tăng trưởng được trí tuệ.

Điều 5. Niệm Phật nhất tâm:

Ngồi thẳng lưng nhẹ nhàng
Niệm danh Phật rõ rang
Buông lo âu phiền não
Tín thành hỷ lạc an.

Niệm Phật là 1 trong 6 phương diện chánh niệm: niệm Phật, niệm chánh Pháp, niệm Tăng đoàn, niệm đạo đức, niệm bố thí, niệm kết quả tái sinh về cảnh giới chư thiên sau khi qua đời. Trong khi niệm Phật không cầu nguyện, không phát nguyện.

Điều 6. Giải thoát khổ bằng trí tuệ:

Kiến thức do nắm vững quy luật
Trí tuệ do học sâu Phật pháp
Trí tuệ do nghiền ngẫm lời Phật
Trí tuệ do tu đức, tu thiền.

Trí tuệ là chiếc chìa khóa rất quan trọng mà đạo Phật cung cấp cho nhân loại. Do vậy, các Phật tử cần nghe, đọc nhiều và nghiền ngẫm chân lý Phật. Thực tập đầy đủ đạo đức, thiền định thì sẽ phát sinh trí tuệ.

Điều 7. Giải phóng tâm (tuệ giải thoát):

Giải phóng tâm khỏi trói buộc
Giải phóng tâm khỏi não phiền
Giải phóng tâm khỏi thời gian
Giữ gìn tâm vô sở trụ.

Bản chất của giải phóng tâm là giữ tâm ở trạng thái vô sở trụ, không vướng dính, xả niệm thanh tịnh.

Điều 8. Giải quyết các vấn nạn:

Đối diện nhẹ nhành
Chấp nhận hoan hỷ
Giải quyết dứt điểm
Không cho tái diễn.

Điều 9. Xây dựng hòa bình:

Nuôi dưỡng tâm ý an vui
Chăm sóc gia đình hạnh phúc
Tạo dựng xã hội hài hòa
Phát triển thế giới thái bình.

Là lý tưởng sau khi đã thực tập những tông chỉ trên, góp phần kết thúc vấn nạn của bản thân, mặt khác góp phần xây dựng hòa bình. Xây dựng hòa bình trên tâm ý mình trước, vì tâm có hòa bình thế giới mới hòa bình được. Tâm bình thế giới bình.

Điều 10. Nỗ lực cứu đời:

Nhận chân nỗi khổ của tha nhân
Thông cảm, thiết tha muốn độ sanh
Vật chất sẻ chia chân lý Phật
Dìu nhau cùng đến chốn bình an.

TT Tiến sĩ Thích Nhật Từ
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

Bài Học Ngàn Vàng



Ngày xửa ngày xưa ở vương quốc nọ có một đức vua trên đường vi hành tình cờ đã nghe được từ một ông lão rao bán rằng: "Có một bài học đáng giá nghìn vàng", ai bỏ ra một ngàn lượng vàng thì ông ta sẽ bán cho cái đạo lý đó... Nhiều người nghe thấy lạ thì tò mò đi theo dò hỏi, tuy nhiên gạn hỏi thế nào ông lão cũng chỉ nói: Ai trả đủ một ngàn lượng vàng thì kẻ đó mới được biết bí mật của “bài học”. Bởi vậy nhiều người cho là lão bị điên vì họ nghĩ chẳng có bài học nào đắt đến như vậy.

Ngày ngày ông lão cần mẫn đi như một người bán rong và rồi tiếng rao của lão cũng đến tai nhà vua. Vua ngạc nhiên vội cho cận thân theo dõi và được mật báo rằng ông lão có hành tung như một vị hiền triết - cốt cách khoan thai, đời sống chuẩn mực, đàng hoàng, lời ăn tiếng nói không thừa một chữ, biểu hiện của người siêu phàm, thoát tục...

Nhà vua cả mừng bèn giả dạng thường dân đến gặp và hỏi ông lão rằng bài học gì mà lão rao bán đến một nghìn lượng vàng? Ông lão nói: Đây là bài học mà có thể làm cho người ta thoát khỏi những đau khổ của cuộc đời, vượt qua khỏi những lầm lỗi và có thể đạt tới tột đỉnh vinh quang...

Nghe xong, nhà vua vẫn còn bán tín bán nghi nên bỏ về, nhưng lòng cứ ray rứt bởi sức hấp dẫn của ý nghĩa bí ẩn của bài học đáng giá ngàn vàng ấy. Rồi nhà vua quyết định mở ngân khố lấy ra một nghìn lượng vàng rồi hạ chỉ mời ông lão vào hoàng cung. Ông lão cả mừng vì nhận ra đức vua chính là người hôm trước đã gặp và hỏi lão về bí mật của bài học đáng giá ngàn vàng. Vua nói: Ta chấp nhận hoặc bị lừa mất một nghìn lượng vàng hoặc thật sự sẽ được một bài học vô giá.

Nói đoạn, nhà vua truyền cho quan Thủ ngân chất đủ một ngàn lượng vàng trước mặt ông lão. Nhận đủ số vàng, ông lão cung kính dâng lên đức vua một vuông lụa viết vỏn vẹn 12 chữ: "Phàm làm việc gì phải suy nghĩ đến hậu quả của nó".

Đọc xong 10 chữ ấy, đức vua có cảm giác như mình đã bị lừa, nhưng lời vua nặng tựa Thái Sơn, nên không kịp rút lại, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Còn ông lão thì lặng lẽ chất vàng vào túi vải, cung kính vái tạ vua rồi rời khỏi kinh thành.

Từ đó nhà vua cứ bị ám ảnh bởi 12 chữ: "Phàm làm việc gì phải suy nghĩ đến hậu quả của nó" và nếu nhà vua chỉ mua câu nói này với một lượng vàng thì chắc hẳn Người đã quên bài học này từ lâu. Nhưng đằng này, mỗi chữ trị giá tới 100 lượng vàng. Nghĩ vậy, đức vua vừa tức giận, vừa tiếc công quỹ và câu nói nặng ngàn vàng đó đã nhập vào tâm nhà vua tự bao giờ để rồi mỗi khi nhà vua làm việc gì đều suy nghĩ đến hậu quả của nó.

Từ khi đức vua mua “bài học ngàn vàng” thì cả triều đình nhận ra nhà vua thay đổi từng ngày. Đức vua trầm tĩnh hơn, khôn ngoan hơn, công tư phân minh, phân định mọi việc sáng suốt, ngồi trên ngai vàng trong hoàng cung mà đoán định tình hình ở biên cương như thần...Đất nước từ đó bắt đầu cường thịnh.

Thần dân thì mừng vui vì đời sống được an lành, thịnh vượng. Nhưng chính nhà vua lại không nhận ra điều đó, ông chỉ bị ám ảnh bởi bài học ngàn vàng và Người luôn tự nhủ: Phàm làm việc gì cũng phải suy nghĩ đến hậu quả của nó! Nhờ vậy mà nhân cách nhà vua được tu chỉnh, đức vua không còn là một Vương tầm thường kế vị ngai vàng, thích hưởng thụ như ngày xưa mà giờ đây làm việc gì Người cũng suy nghĩ cho dân, cho nước.

- ST -
Chùa Giác Ngộ
Sưu Tầm: Hanh Nghiêm

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Cánh Hương Khẽ Va Động Sương Mù

(Kính Mừng Khánh Tuế Lần Thứ 88 Ngài Trưởng Lão Kim Triệu)
Ôi!

Hạnh phúc làm sao
May mắn xiết bao
Thiền sư Khippapañño của Việt Nam ta
Đã nhiều năm lặn lội, khổ cầu
Vẹt đôi dép mòn rách
Trải chiếc thân gầy khô
Hằng chục năm
Theo hầu
Ngồi dưới chân
Chư thiền sư long tượng
Đắc diệu pháp tự tâm
Từ ngón tay kinh điển
Rồi bôn ba
Vì thương đời
Không quản khổ lao
Gần chín mươi xuân thu
Vẫn còn dựng phướn mảnh Tăng bào
Chiến thắng si mê
Chiến thắng não phiền
Cho người người con Phật
Vốn đức tánh khiêm cung
Nụ cười hỷ xả
Ngài khắc đậm vào lòng người
Niềm tín mộ sâu xa
Ngài lại còn nhún nhường,
Kham nhẫn, vị tha
“Đức núi lớn
Lại ví mình vô đức
Có thực học
Lại nói mình ít học”
Chỉ biết dạy thiền
Không biết thuyết giảng cao siêu
Đi đứng, nói năng
Thong thả, ít lời
Nhỏ nhẻ uống ăn
Như thực phẩm của cánh chim trời không khác
Lại còn sẻ chia phần mình
Chút cỏ rau đạm bạc
Có lẽ ngài còn muốn chia phần
Cả hơi thở của mình luôn!

Ôi!

Giữa thế gian
Nặng vật, nặng tiền
Ngài nhẹ hẫng
Chẳng có gì trói buộc
Chùa Kỳ Viên- Hoa Thịnh Đốn trú chân
Dựng xây Thích Ca Thiền viện
Rừng Tâm Pháp
Cho người tu hiền thiện
Tất cả cho đời
Chẳng có cái “của mình đâu”
Mình hạc, xương mai
Hiến tặng biển dâu
Cho tất cả
Chẳng cần thế gian đền đáp!
Ngọn gió đi qua
Mặc khóm cây xào xạc
Con chim qua hồ
Lưu bóng làm chi!
Cuộc đời ngài là chiếc bóng vô vi
Là cánh hạc mù sương
Chẳng thiết mây trời để dấu!
Trí tuệ bập bùng
Và từ bi nung nấu
Hằng trăm khóa thiền
Nhẹ nhàng vén lớp vô minh
Hiện thân ngài
Là bối diệp chơn kinh
Là lóng lánh trăng sao
Cho cõi đời tăm tối!

Ôi!

Tôi muốn mượn lưỡi kiếm thiêng
Khắc tên ngài trên biển cát
Mượn tượng mây ngàn trùng
Viết công hạnh vô danh
Nhưng mà các bậc chân sư
Thường không muốn để lại dấu chân
Ở và về
Đến và đi
Tựa như muôn đời bất động
Tựa như hình
Mà không hề hiện bóng
Giải thoát, rỗng không
Như chưa có mặt bao giờ
Vì Niết-bàn vốn không ngã, không ta
Không sở đắc
Cũng không hề duyên khởi!
Kính lạy ngài,
Bởi ngôn từ vụng dại
Đã dám hữu vi
Đặc tả chân dung!
Con đã đốt cháy tế bào
Trái tim
Và tư tưởng để viết lên
Vẫn sợ hãi vô cùng
Ngại ngài quở đa ngôn đa sự!

Ôi!

Ngài là cánh hương
Khẽ va động sương mù
Nhưng muôn năm bất tử!


Viết tại Mai Trúc Am
Huyền Không Sơn Thượng, Huế, Việt Nam
Hậu học Tỳ-khưu Sīlaguṇo Giới Đức
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

Sưu tầm: Hanh Nghiêm


Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Bệnh Thụ Hưởng (Lời Cảnh Tỉnh Của Thiền Sư Thích ThanhTừ)



"Có một số người tu được một thời gian năm năm, mười năm, thọ giới làm trụ trì, coi như mình xứng đáng là người lãnh đạo tín đồ, rồi tự hài lòng. Từ sự tự hài lòng đó sanh ra thụ hưởng tức là nghĩ tới ăn chơi vui đùa, chạy theo dục lạc, mà không nghĩ tới việc tiến tu. Đó là điều rất nguy hiểm cho đạo. Chúng ta tu cốt làm sao dứt sạch các phiền não, mà phiền não phát xuất từ dục lạc. Nếu chúng ta còn thụ hưởng dục lạc thì phiền não làm sao sạch được. Vì vậy nên người nào tu hành mà nặng về hưởng thụ, người đó thế nào rồi cũng bị dục lạc làm chủ. Bị dục lạc làm chủ thì đời này không thể tiến được, mai kia cũng khó mà trả được nợ áo cơm. Cho nên có bài kệ:

"Học đạo chẳng thông lý,
Đem thân đền tín thí.
Trưởng giả tuổi tám mốt,
Cây kia chẳng sanh nhĩ (nấm)."

Bài kệ này thuật lại việc một Tỳ-kheo tu hành tương đối tốt. Có một ông trưởng giả thấy vậy quí kính, mỗi ngày dâng cúng mọi sự rất đầy đủ (tứ sự cúng dường). Nhưng vị Tăng không thông được lý đạo, chưa sáng được việc lớn, nên khi chết thân trở lại đền nợ thí chủ. Đền nợ bằng cách thành cây mỗi ngày mọc nấm cho ông trưởng giả ăn. Tới khi ông trưởng giả tám mươi mốt tuổi cây mới thôi mọc nấm. Như vậy để thấy rằng nếu tu mà không sáng được đạo, không dứt được thức tình, dù chúng ta có cố gắng cũng chưa giải thoát được. Nếu chúng ta thụ hưởng càng nhiều thì họa càng lắm. Vị Tăng này tuy ở tốt, mà vẫn phải trả nợ quả báu. Đó là trả nợ nhẹ làm cây cho người ta ăn nấm, rồi hết nợ mới đi. Nếu chúng ta nặng nợ hơn, chúng ta phải mang thân xấu xí hơn nhiều đi trong lục đạo để đền nợ của đàn-na thí chủ.

Vì vậy người tu chúng ta phải nhớ rằng trên đường tu không phải chỉ có một hai thời khóa tụng, không phải chỉ thành ông trụ trì là xong việc tu. Chúng ta tu cốt làm sao thấy được đạo, sống được với đạo, chớ không phải là việc đơn giản. Thấy được đạo, sống được với đạo mới mong thoát ly sanh tử. Đó là điều thiết yếu mà chúng tôi mong tất cả Tăng Ni và Phật tử nhớ để nỗ lực tiến tu, đừng có hài lòng, đừng có tự mãn, rồi phải chịu họa đời sau.

- Trích bài: SÁNG VIỆC LỚN
- Nguồn: thientongvietnam.net
- Ảnh: TVTL HÀM RỒNG
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Xá Lợi...



Với tâm lý tò mò vốn có, con người bình thường dễ bị cuốn vào những điều kỳ lạ, dù rằng chẳng đem lại mảy may lợi ích nào. Gần đây, nhiều người Phật tử bị lôi cuốn vào các viên tròn tròn đủ màu trắng, xanh, hồng, vàng… được gọi là xá lợi của đức Phật và chư thánh tăng, rồi đua nhau sang Myanmar để thỉnh về. Nhiều chùa làm lễ cung rước xá lợi nghiêm trang lắm! Rồi đồn nhau ai thờ xá lợi mà tu tinh tấn thì xá lợi tự sinh thêm ra, còn ai giải đãi, đức hạnh kém thì nó giảm đi về số lượng. Rồi họ rất hiếu kỳ đồn nhau có viên phát sáng, tự tăng kích cỡ, tự sinh thêm ra, có khả năng di chuyển trong nước …


Đây là thứ nhiều người "cuồng Xá Lợi" đi tìm và sở hữu...

Còn nhớ, những năm tháng ở Delhi, Ấn Độ, chúng tôi vẫn thường xuyên đến viện bảo tàng quốc gia ở New Delhi để chiêm ngưỡng, đảnh lễ xá lợi Phật, thì những viên xá lợi ấy, được bảo quản trang trọng trong ngôi tháp được dát vàng do hoàng gia Thái Lan gởi tặng. Những viên xá lợi ấy, nhìn rất khác với những viên tròn tròn mà các tín đồ cuồng xá lợi “zỏm” đang sở hữu!


Xá Lợi Phật tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Ấn Độ ở New Delhi


Xá Lợi Phật tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Ấn Độ ở New Delhi


Xá lợi Phật tại viện bảo tàng quốc gia Ấn Độ ở New Delhi 


Xá lợi Phật tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Ấn Độ ở New Delhi 

Còn nhớ, ngôi chùa Sri Dalada Maligawa ở Kandy của Sri Lanka được xây dựng trong cung điện hoàng gia và là nơi lưu giữ xá lợi Răng của đức Phật. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ IV, xá lợi được một vị công chúa lén mang từ Ấn Độ về Sri Lanka bằng cách giấu trong tóc của mình. Xá lợi Răng Đức Phật được tôn thờ bên trong một bảo tháp bằng vàng tuyệt đẹp để trong khung kính và được coi là báu vật quốc gia của Sri Lanka. Chính vì giá trị văn hóa tâm linh cao quý này, ngôi chùa này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 988. Chỉ một tí xá lợi răng của Phật mà được tôn trí trang nghiêm trong một ngôi chùa hoành tráng như thế, là niềm tự hào cho cả một quốc gia như thế, đủ biết xá lợi từng gói viên tròn đều nhau trong bịch nylon mà mọi người kháo nhau và tranh nhau sở hữu ấy chẳng có gì đáng tin cậy!


Tháp xá lợi răng của Phật tại chùa Sri Dalada Maligawa- Kandy 

Ở Myanmar, chùa Chùa Shwemawdaw xây một bảo tháp cao 114 m – ngôi bảo tháp cao nhất xứ này để lưu giữ xá lợi tóc của đức Phật. Chỉ có hai sợi tóc của đức Phật cũng đáng giá để tôn thờ trong ngôi bảo tháp nguy nga và vĩ đại như thế!


Tháp xá lợi tóc của Phật tại chùa Shwemawdaw 

Chùa Shwedagon là một ngôi chùa quy mô, lộng lẫy bậc nhất của đất nước chùa tháp Myanmar vì nó liên quan đến xá lợi Phật. Theo truyền thuyết, ngôi chùa này được xây cách đây 2600 năm, hiện lưu giữ 8 sợi tóc của đức Phật. Vẻ bề thế, nguy nga của chùa, các ngôi tháp, đặc biệt ngọn tháp trung tâm khổng lồ cao 99m được bao quanh bởi khoảng 5.000 viên kim cương đơn thể hoàn chỉnh và các đỉnh chóp được dát vàng lấp lánh phủ những 60 tấn vàng nguyên chất và ngôi sao trên đỉnh tháp gắn viên kim cương 76 carats – có thể làm “choáng váng” nhiều du khách cũng chỉ để lưu giữ 8 sợi tóc của đức Phật.


Tháp xá lợi tóc của Phật tại chùa Shwedagon 

Vậy đủ biết, những viên tròn tròn mà nhiều Phật tử đang dễ dàng sở hữu ấy là gì rồi!

Thế nhưng, rất nhiều người bị lực hấp của xá lợi thu hút. Họ say mê nói về những hiện tượng lạ của việc lưu giữ thứ mà họ tin là xá lợi với những tình tiết như trong truyện giả tưởng! Khi tôi hỏi những chuyện đó có ảnh hưởng tích cực gì đối với sự đoạn trừ tham sân si, nuôi dưỡng tâm lành của quý vị không, thì họ không trả lời được. Với tâm lý tò mò, ưa sự khác lạ, nhiều người chạy theo những hiện tượng ngồ ngộ như thế như một trào lưu, chứ thật ra, nó chẳng ảnh hưởng gì đến sự tu tập và mức độ an lạc, hạnh phúc của mỗi cá nhân. Nhiều người cư sĩ khi hỏi các vị xuất gia “thầy/cô có thấy và giao tiếp được với người âm không? Có thể trừ ma trừ quỷ không?...” mà nhận cái lắc đầu không biết thì họ tỏ ra thất vọng lắm. Họ không chịu hiểu rằng, thần thông bậc nhất là hoàn thiện nhân cách. Nếu có thần thông biến hóa đi trong không trung, đi xuyên lòng đất, đi trên mặt biển, đi gió về mây mà không có tâm lành và trí tuệ để biết cách sử dụng các năng lực đặc biệt ấy thì những thứ thần thông kia cũng bỏ đi mà thôi.

Càng tò mò, càng cung cấp thức ăn để nuôi dưỡng cái “vọng tưởng”.

Thế mới biết, càng tò mò, càng xa đạo đó thôi!

Posted by Hằng Như at 4:57 PM
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Các Nhà Khoa Học Chứng Minh Nhân Quả Báo Ứng Là Hoàn Toàn Đúng



Trường đại học Cardiff và đại học Texas đã kết hợp nghiên cứu và chỉ ra nguyên lý “nhân quả báo ứng”: “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” (có nghĩa: làm điều thiện sẽ gặp việc tốt lành, làm điều ác sẽ gặp việc xấu xa) là hoàn toàn có căn cứ khoa học.

Một tạp chí của Mỹ đã từng công bố một bài viết có tựa đề “tâm trạng xấu sẽ sản sinh ra độc tố”, báo cáo nghiên cứu cho biết: “Những suy nghĩ xấu của con người sẽ có thể gây ra những thay đổi hóa học trong sinh lý, sinh ra độc tố trong máu. Khi một người trong tâm trạng cay đắng, giận dữ, sợ hãi, cảm giác ghen tị, thì những vật chất ngưng tụ lại sẽ có những mầu sắc khác nhau, thông qua phân tích hóa học cho thấy, những suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến cho chất dịch trong cơ thể sản sinh độc tố”.

Thống kê đã chỉ ra, những tội phạm thiếu niên có thể trạng tốt hơn những người cùng lứa tuổi, nhưng đến khi họ bước vào độ tuổi trung niên thì tình trạng sức khỏe lại giảm đi nhanh chóng. Tỉ lệ nằm viện và bị tàn phế ở họ cao hơn gấp nhiều lần người bình thường. Điều này rất có khả năng liên quan đến thói quen sinh hoạt và tâm thái của họ.

Tiến sĩ người Mỹ, ông Williams chuyên gia về tim mạch, vào năm 1958 đã tiến hành nghiên cứu 500 sinh viên đại học y. 25 năm sau ông đã phát hiện ra, những người có tâm thái thù địch mạnh hoặc tương đối mạnh, có tỉ lệ tử vong lên tới 96%, những người này có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cũng gấp 5 lần so với người bình thường.

Các giáo sư Stephen Post và Jill Neimark tại trường đại học Case Western Reserve và Stony Brook đã đi sâu nghiên cứu từ góc độ y học và khoa học về mối tương quan giữa việc “cho đi” và “nhận lại” của những việc làm thiện.

Các nhân viên nghiên cứu đã lập ra một bảng biểu ghi chép chi tiết, và theo dõi trong thời gian dài những người có sở thích làm vì người khác. Họ đã phân ra mỗi một hình thức cho đi và nhận lại, sau đó tiến hành thống kê vật lý và phân tích sinh lý. Từ đó đưa ra “chỉ số hạnh phúc” và “tác dụng chữa bệnh”: Những người nhân hậu thích làm vì người khác, thì sẽ có những ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe và tâm lý của họ, thậm chí là trong thời gian khá lâu. Hơn nữa, năng lực trong xã hội, khả năng phán đoán và tâm thái đều được đề cao toàn diện.

Chỉ đơn giản là một nụ cười thiện ý, hay những cử chỉ hài hước, đều có thể tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.

Sau khi tổng hợp các tài liệu nghiên cứu của hơn 40 trường đại học tại Mỹ, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận kinh ngạc: “Giữa sự cho đi và nhận lại có tồn tại một bí mật chuyển hóa năng lượng thần kỳ. Khi một người cho đi, thì năng lượng hồi báo sẽ thông qua rất nhiều hình thức để quay trở lại người đó, tuy rằng đa số những người đó hoàn toàn không cảm giác thấy điều này…”

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nghiên cứu về lĩnh vực khoa học thần kinh và phát hiện ra: “Khi con người có những ý nghĩ lương thiện, suy nghĩ tích cực, thì những tế bào miễn dịch sẽ hoạt động mạnh hơn, những người đó sẽ không dễ mắc bệnh. Khi họ duy trì trạng thái tâm lý đó càng lâu thì hệ thống miễn dịch của họ sẽ càng khỏe mạnh. Ngược lại, những người có suy nghĩ xấu, suy nghĩ tiêu cực, thì sự tuần hoàn của các chức năng trong cơ thể sẽ bị phá hoại.”

Trường đại học Harvard đã làm một cuộc thí nghiệm, họ để các sinh viên xem một đoạn video nói về một phụ nữ đã làm các việc để giúp đỡ người nghèo và người tàn tật. Sau đó họ lấy những mẫu nước bọt của những người sau khi xem thước phim cảm động này. Sau khi phân tích cho thấy, số lượng chất đề kháng trong nước bọt của những người này đã tăng lên đáng kể so với khi chưa xem.

Người xưa thường nói “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, hay “ gieo nhân nào, gặt quả ấy”. Những thứ đó từ trước đến nay luôn luôn vô hình, do đó có người tin có người không tin. Nhưng hiện nay điều này đã được các nhà khoa học chứng minh.

Hãy luôn giữ trong mình một trái tim thiện lương, luôn nghĩ cho người khác trước, thì tương lai tươi sáng sẽ luôn chờ đón chúng ta ở phía trước.

Thiên Minh
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Vũ Lâm Thu Vãn - Trần Nhân Tôn

    武 林 秋 晚                   Vũ Lâm Thu Vãn
             陳仁宗                              Trần Nhân Tôn

畫 橋 倒 影 蘸 溪 橫  Hoạ kiều đảo ảnh trám khê hoành  
一 抹 斜 陽 水 外 明  Nhất mạt tà dương thuỷ ngoại minh  
寂 寂 千 山 紅 葉 落  Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc  
濕 雲 和 露 送 鐘 聲  Thấp vân hoà lộ tống chung thanh.
  
Dịch nghĩa: Chiều Thu Nơi Vũ Lâm

Cây cầu và cái bóng đảo ngược vắt ngang qua suối giống như vẽ
Một vạt nắng chiều chiếu sáng bên ngoài dòng nước.
Ngàn núi lặng yên lá đỏ rụng rơi
Mây ướt lẫn sương giăng tiếng chuông vang xa.

Dịch Thơ

     Chiều Thu Vũ Lâm

Như tranh vẽ suối cầu soi bóng
Bìa nước chiều nghiêng vệt sáng vàng
Yên ắng ngàn non hồng lá rụng
Sương mờ mây ẩm tiếng chuông vang
                               Quên Đi

Các Bài Thơ Dịch Khác

BÀI 1 :   Vũ Lâm Một Chiều Thu

Như tranh hình bóng suối cầu ngang,
Ánh nắng chiều soi phản chiếu vàng.
Lá đỏ non ngàn rơi lặng lẽ,
Sương mây ẩm thấp vọng chuông vang.

BÀI 2 : Chiều Thu Tại Vũ Lâm

Soi bóng cầu ngang suối tựa tranh,
Nắng chiều phản chiếu nước trong xanh.
Non ngàn lá đỏ rơi êm ả,
Sương ướt mây mù chuông vọng thanh.
                       Mai Xuân Thanh
***
     Chiều Thu Ở Vũ Lâm

Cầu soi xuống suối như tranh vẽ
Vệt nắng chiều nghiêng mép nước tràn
Lá đỏ rụng trên ngàn núi lặng
Mây mù sương tỏa tiếng chuông ngân
                            Phương Hà
***
               Chiều Thu Ở Vũ Lâm  

            Cầu soi bóng nước trên sông,
Nghiêng nghiêng vệt nắng chiếu hồng tà dương.
                Lá bay tơi tả trời sương,
Mây chùn xuống thấp  tiếng chuông ngân dài !
                                        Đỗ Chiêu Đức
***
   Chiều thu ở làng Vũ Lâm (*)

Bóng cầu, ảnh ngược, vắt ngang khe;

Mặt nước lung linh, vệt nắng về.
Lặng lẻ non Thiên, hồng điệp rụng;
Mây, sương cùng tiễn tiếng chuông quê.    
                                    Danh Hữu

(*) Làng Vũ Lâm ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi vua cho con và trở thành Thái thượng hoàng. Năm sau, ngài đến thăm nơi đây và làm bài thơ này. Bài thơ mang ý hướng định xuất gia.

Ghi chú : Bài thơ này, câu đầu nhiều người hiểu sai. Họa kiều đảo ảnh là cây cầu soi ngược bóng mình xuống dòng nước; Trám khê hoành là nằm vắt ngang dòng khe.

***
          Chiều Thu Ở Vũ Lâm

Bài 1:

Bóng cầu in suối giống như tranh
Vạt nắng nghiêng chiều dòng nước xanh
Lá đỏ rụng rơi rừng vắng vẻ
Sương đầm mây quyện tiếng chuông thanh

Bài 2:
Khe suối cầu soi bóng
Nắng chiếu vàng nước trong
Lá rơi hồng đất núi
Mây, sương, tiếng chuông đồng
                         Trần Kim Dung
***
                   Vũ Lâm Chiều Thu

        Ngang dòng suối cầu in bóng ngược
     Vạt nắng chiều sóng nước mênh mang .
              Vàng rơi lặng lẽ trên ngàn
Sương run mây thấp chuông ngân tiễn chiều.
                          Mailoc phỏng dịch
***
              Chiều Thu Ở Vũ Lâm

          Cầu soi bóng,cầu in đáy nước
 Nắng chiều nghiêng như ngược tranh treo
            Lá vàng rơi chẳng tiếng vèo
Mây giăng sương ẩm chuông chiều vẳng xa
                                         Song Quang
***
       Chiều Thu Ở Vũ Lâm

Cầu treo ảnh ngược ngang dòng suối
Mép nước chiều in vệt nắng tàn
Lá đỏ non ngàn rơi tĩnh mịch
Mây hòa sương ẩm tiếng chuông vang!
                    Nguyễn Đắc Thắng
***
( theo huynhhuuduc.blogspot.com )

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Việc Tu Tập Trong Đạo Phật



Ngày nay, nhiều người thường mô tả việc hành thiền trong đạo Phật như là sự rời bỏ cuộc đời nầy để phát triển một trạng thái tâm thức vắng lặng và tập trung cao độ, trong một khung cảnh được lựa chọn, điều chỉnh, và kiểm soát cẩn thận. Vì thế ở Mỹ và một số nước khác, nơi mà việc hành thiền ngày càng phổ biến, người ta quyết đoán rằng hành thiền là để đạt được một trạng thái vắng lặng và tập trung của tâm trong đó kỹ thuật thiền và việc kiểm soát thân tâm là rất quan trọng.

Kỹ thuật hành thiền là tốt và cần thiết. Nhưng khi đã phát huy được một số năng lực quán chiếu thì bạn không cần, hoặc thậm chí không nên mất thì giờ tinh luyện bằng cách đè nén tất cả những gì thô thiển hay khó chịu xảy ra trong tâm. Trái lại, bạn nên triển khai và phát huy tối đa năng lực quán chiếu và nhạy cảm của tâm để biết rằng, ngay bây giờ, những điều kiện mà bạn nhận thức được - hay nói khác đi, những gì bạn đang cảm xúc, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm, và suy nghĩ - đều là vô thường.

Vô thường là đặc tính chung của tất cả hiện tượng, cho dù đó là niềm tin vào Thượng Đế hay những hồi tưởng về quá khứ, những tư tưởng sân hận hay tình cảm thương mến, cao hay thấp, thô thiển hay vi tế, xấu hay tốt, dễ chịu hay đau đớn. Bất kỳ tính chất của nó là gì, bạn đang quán sát nó như một sự vật khách quan. Tất cả những gì bắt đầu rồi sẽ chấm dứt. Đó là vô thường. Và bây giờ, như một phương pháp hành trì và quán niệm về cuộc sống, việc khai mở tâm thức sẽ giúp bạn nhìn thấy rõ tình cảm và tư tưởng, bản chất của sắc thân, cùng với những đối tượng giác quan của bạn.

Chúng ta hãy trở lại vấn đề ý thức. Khoa học hiện đại hay khoa học thực nghiệm xem thế giới vật chất mà chúng ta thấy, nghe và cảm nhận được mới là thế giới có thật. Vì thế, thế giới khách quan nầy được xem là một thực tại. Chúng ta có thể trông thấy thế giới vật chất, đồng ý với nhau về tính chất của nó, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm nó, hay thậm chí đồng ý với nhau về cảm nhận hay tên gọi mà chúng ta dành cho nó. Nhưng phải chăng cảm nhận về thế giới nầy cũng chỉ là một điều kiện khách quan được sinh khởi trong tâm thức? Vì ý thức tạo ra cảm tưởng là có chủ thể và khách thể nên khi quan sát về thế giới vật chất, chúng ta nghĩ là chúng ta đang quan sát một cái gì đó tồn tại bên ngoài và biệt lập với chúng ta.

Trong khi giảng dạy giáo lý, Đức Phật đã đẩy quan hệ chủ thể và khách thể đến điểm tận cùng của nó. Ngài dạy rằng tất cả cảm nhận, tất cả trạng thái khởi lên trong tâm thức, tất cả tình cảm, tất cả cảm xúc, tất cả đối tượng thế giới vật chất mà chúng ta nghe và thấy đều thay đổi. Ngài nói, "Những gì có sự bắt đầu sẽ có sự chấm dứt.”Và Đức Phật luôn nhắc đi nhắc lại rằng đây là một cái nhìn trí tuệ rất quan trọng. Nó giải thoát chúng ta khỏi tất cả những mê lầm. Những gì có sự bắt đầu sẽ có sự chấm dứt.

Ý thức cũng có thể được định nghĩa là khả năng thấy biết hay kinh nghiệm của sự thấy biết. Chủ thể thấy biết khách thể. Khi nhìn vào những sự vật và cho chúng tên gọi, chúng ta nghĩ là chúng ta biết về chúng. Chúng ta nghĩ là mình biết người nầy hay người nọ vì chúng ta biết tên của họ hay ghi nhớ họ trong ký ức. Chúng ta nghĩ là chúng ta biết tất cả mọi việc trên đời vì chúng ta có thể ghi nhớ được chúng. Nhưng phần lớn, khả năng thấy biết của chúng ta luôn bị giới hạn - chúng ta chỉ có thể biết "về”chứ không biết trực tiếp bản chất của sự vật.

Tu tập trong đạo Phật là an trú trong sự tỉnh giác thanh tịnh nơi đó có một loại hiểu biết đặc biệt mà chúng ta gọi là trí tuệ, hay cái thấy biết trực tiếp. Đó là một loại tri giác không dựa trên cảm nhận, tư duy, lập trường, hay học thuyết, mà chỉ có thể có qua sự chánh niệm và tỉnh giác. Chánh niệm và tỉnh giác là khả năng không bị dính mắc vào bất cứ đối tượng nào, dù đó là vật chất hay tinh thần. Khi không bị dính mắc, tâm sẽ ở trong trạng thái tỉnh thức, hiểu biết, và trong sáng thuần tịnh. Đó chính là tỉnh giác và chánh niệm. Tâm tỉnh giác là tâm thanh tịnh, dễ tiếp thu, và nhạy cảm với những gì xảy ra chung quanh. Nó không còn là cái tâm bị giới hạn, quy định và chỉ biết phản ứng lại với những lạc thú và đau đớn, lời khen và tiếng chê, hạnh phúc và đau khổ.

Thí dụ nếu bây giờ bạn đang nổi giận, bạn có thể để cho cơn giận khống chế mình. Bạn có thể cho mình giận là đúng và tiếp tục nuôi dưỡng tình cảm đặc thù đó, hoặc là bạn có thể đè nén cơn giận và tìm cách tiêu diệt nó vì bạn sợ hoặc không thích sự giận dỗi. Tuy nhiên, thay vì chọn một trong hai cách trên, bạn có thể quan sát cơn giận như một đối tượng khách quan. Và nếu cơn giận là bản ngã thật sự của bạn, thì bạn không thể nào quan sát nó được; đây chính là ý nghĩa của những gì mà tôi gọi là "quán tưởng". Cái gì có thể quan sát và suy tưởng về tình cảm giận? Cái gì có thể theo dõi và xem xét tình cảm, sự nóng lạnh của thân thể, hay những trạng thái của tâm? Cái có khả năng quan sát và xem xét nầy chính là tâm quán tưởng hay tâm chánh niệm và tỉnh giác. Tâm của con người là tâm có khả năng quán tưởng.

Ajahn Sumedho
Sunanta Nguyễn dịch
Theo Phật Pháp Chân Thật
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Phật Dạy La Hầu La Cách Thức Buông Xả



Thế Tôn đã xuất hiện ở đời như một nhà giáo dục mang nặng sắc thái đậm chất con người qua nhiều câu chuyện ngụ ngôn, thí dụ nhằm khai mở trí tuệ tự tâm mà chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

La Hầu La được xuất gia học đạo lúc 7 tuổi, do đó ý nghĩ, lời nói, hành động còn thô tháo. Phật bảo La Hầu La rằng: “Con hãy về ở tịnh xá Hiền Độ, giữ miệng nhiếp ý, siêng tu giới hạnh”. La Hầu La vâng theo lời Phật về ở tịnh xá Hiền Độ 90 ngày, sám hối ăn năn hành trì ngày đêm không dừng nghỉ. Đức Phật đến thăm và bảo La Hầu La rằng: Con hãy bưng chậu nước sạch đến đây để rửa chân cho ta. La Hầu La vâng lời rửa chân cho Phật. Khi rửa chân xong, Phật hỏi La Hầu La: Con có thấy nước rửa chân trong chậu kia không? Kính bạch Thế Tôn, con đã thấy nước ấy đã dơ bẩn rồi! Vậy nước ấy có thể dùng để ăn uống, súc miệng hay rửa mặt được không? Kính bạch Thế Tôn, nước ấy không thể dùng xài bình thường được vì đã nhiễm bẩn nhơ đục. Phật dạy tiếp:

Ngươi là con ta, cháu nội vua Tịnh Phạn, nay đã xuất gia học đạo giác ngộ giải thoát bỏ sự vui sướng tạm bợ ở đời, làm Sa môn Thích tử nếu không siêng năng tinh tấn, giữ thân miệng ý trong sạch thì phải bị phiền não tham, sân, si làm vẫn đục tâm ý, cũng như nước dơ kia không thể dùng được!

Nói xong Phật dạy tiếp: Con hãy đổ chậu nước dơ kia đi! La Hầu La liền vâng lời làm theo. Phật nói: Chậu kia nay đã không còn nước dơ bẩn nữa, vậy có thể dùng để đựng đồ ăn uống được không? 

Kính bạch Thế Tôn, không thể dùng được vì đã nhiễm bẫn. Phật dạy La Hầu La:

Con cũng như vậy, tuy làm Sa môn mà không giữ gìn thân miệng ý trong sạch, giống như cái chậu dơ kia, không thể đựng đồ ăn uống được.

Nói xong, Phật lấy chân đạp mạnh cái chậu khiến nó chạy lăn tròn, nghiêng ngã qua lại vài lần rồi mới dừng lại. Phật bảo La Hầu La: Con bây giờ có còn tiếc cái chậu này không? Kính bạch Thế Tôn, cái chậu rửa chân kia là vật không còn giá trị nữa. Trong thân tâm con, tuy có tiếc rẽ đôi chút nhưng nó không còn làm cho con quyến luyến nữa. Phật bảo La Hầu La: Con cũng như vậy, tuy làm Sa môn nhưng không nhất tâm tu hành để thân miệng ý làm não loạn khiến nhiều người buồn phiền, khi chết đọa ba đường dữ, các bậc Hiền thánh không ai thương tiếc giống như cái chậu kia. La Hầu La khi nghe lời Phật dạy, lấy làm hổ thẹn và ăn năn sám hối những lỗi lầm đã phạm phải.

Đây là câu chuyện mang đậm chất triết học Phật giáo trong nền văn hóa giáo dục Phật giáo Ấn Độ, thể hiện nhân cách đạo đức sống của một người tu hành vì lợi ích tha nhân. Trong cuộc sống, người thầy giỏi là người khéo léo chỉ dạy tùy theo căn cơ trình độ hiểu biết của mọi người. Đức Phật đã dùng phương tiện thiện xảo bằng cách hỏi đáp để cho La Hầu La phải dùng trí tuệ để soi sáng mới nhận ra bí quyết tu hành.

Thế Tôn, trong phương pháp giáo dục của Ngài đối với các đệ tử theo nguyên tắc “khế cơ”, “khế lý”, “khế thời”, vừa “khích lệ”… lại vừa vận dụng các thí dụ với các hình ảnh cụ thể, quen thuộc trong công việc thường ngày để hướng dẫn chỉ dạy cho người nghe thấy được tác hại của nó mà quyết tâm dứt trừ. Hình ảnh nước dơ trong chậu là dụ cho phiền não tham sân si của mỗi người, nhằm giúp ta quán xét lại chính mình, bởi lỗi lầm phát sinh là do không chánh niệm tỉnh giác trong từng phút giây. Tu là sửa, là gội rửa thân tâm. Dính mắc vào mọi hiện tượng sự vật rồi sinh ra chấp trước mà thấy có ta, người, chúng sinh, nên chịu luân hồi sống chết trong vô số kiếp mà không có ngày ra khỏi.

Chúng ta thật diễm phúc thay mới được Thế Tôn sử dụng những phương pháp giáo dục rất thực tế, rõ ràng minh bạch, dễ hiểu nhằm thức tỉnh tâm loạn động mà quay lại sống với tâm Phật sáng suốt ngay nơi thân này. Khi các đệ tử của Ngài bị ràng buộc bởi bóng tối vô minh thì Phật dùng ánh sáng trí tuệ để chuyển hóa, khi khổ đau thì dùng hạnh phúc để xóa tan bao phiền muộn. Qua câu chuyện trên, Thế Tôn đã chỉ cho chúng ta một phương pháp giáo dục rất khoa học và nhân bản nhằm đánh thức tiềm năng của mỗi người mà biết cách làm chủ bản thân qua thân, miệng, ý.

Thế Tôn đã xuất hiện ở đời như một nhà giáo dục mang nặng sắc thái đậm chất con người qua nhiều câu chuyện ngụ ngôn, thí dụ nhằm khai mở trí tuệ tự tâm mà chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Đạt Ma Thích Phổ Giác
Nguồn Đạo Phật Ngày Nay
Sưu tầm: Hanh Nghiêm