Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Con Đường Thoát Khổ



Lợi Ích Của Sự Thật Theo Chân Nghĩa Pháp

Hành giả thực hành thiền tuệ, điều quan trọng đầu tiên cần phải học hỏi hiểu biết rành rẽ thông thạo về Chân nghĩa pháp, có 4 pháp: Tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết Bàn, được phân chia thành những pháp như: Ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới,… tóm tắt còn 2 pháp là:

- Sắc pháp (rūpadhamma) thuộc pháp hữu vi.

- Danh pháp (nāmadhamma) thuộc pháp hữu vi, đó là tâm và tâm sở.

- Danh pháp (nāmadhamma) thuộc pháp vô vi, đó là Niết Bàn.

Niết Bàn thuộc danh pháp đặc biệt, chỉ làm đối tượng của tâm Siêu tam giới, đó là 4 Tâm Thánh Đạo và 4 Tâm Thánh Quả mà thôi.

Sự thật Chân nghĩa pháp (Paramatthasacca) không thể thấy rõ, biết rõ bằng trí tuệ do học hỏi (sutāmayapaññā), hoặc trí tuệ do tư duy (cintāmayapaññā), mà chỉ thấy rõ, biết rõ bằng trí tuệ do thực hành thiền tuệ (bhāvanāmayapaññā) mà thôi.

* Kết quả của sự thật theo ngôn ngữ chế định

Trong đời này, có số người chỉ biết sự thật theo ngôn ngữ chế định, mà không hiểu biết sự thật theo Chân nghĩa pháp, nên không hiểu rõ danh pháp, sắc pháp là pháp vô ngã. Số người ấy, thường phát sinh tà kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi), cho là ta, của ta, người, của người, chúng sinh, vật này, vật kia,… dễ phát sinh mọi phiền não, tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ mình lẫn làm khổ người.

* Kết quả của sự thật theo Chân nghĩa pháp

Trong đời này, bậc Thánh Nhân đã thấy rõ, biết rõ sự thật theo Chân nghĩa pháp là pháp vô ngã, có thiền tuệ chánh kiến, Thánh Đạo chánh kiến, Thánh Quả chánh kiến, đã diệt đoạn tuyệt được tà kiến chấp thủ ngũ uẩn (sakkāyadiṭṭhi) rồi, nên không còn chấp ta, người, chúng sinh, vật này, vật kia,…

Trong cuộc sống hằng ngày, bậc Thánh Nhân vẫn biết rõ sự thật theo ngôn ngữ chế định dùng để giao tiếp với mọi người: Như thuyết pháp, nói đạo, thông tin, truyền đạt ý nghĩ của mình. Nhưng đặc biệt bậc Thánh Nhân hoàn toàn không chấp ngã. Cho nên, phiền não không phát sinh, không tự làm khổ mình, không làm khổ người, không tự làm khổ mình lẫn làm khổ người.

Đó là điều lợi ích của sự thật Chân nghĩa pháp.

Hộ Pháp
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Xuân Trong Cửa Thiền



Bốn mùa thay đổi muôn vật chuyển xoay, theo quan niệm người đời thì mỗi lần Đông tàn Xuân đến trong lòng rộn rã lo mừng Xuân đón Xuân. Rồi bao nhiêu tục lệ từ xưa truyền lại, nào là đưa ông táo, thiệp chúc Xuân, dựng nêu, rước ông bà, chúc Tết, lì xì v.v... Bước vào cửa Thiền, xem thử các tăng sĩ có quan niệm gì về ngày Xuân? Đây chúng ta hãy nghe Sơ tổ phái Trúc Lâm Yên Tử, Điều Ngự Giác Hoàng, nói về Xuân: 

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không 
Nhất Xuân tâm sự bách hoa trung 
Như kim khám phá Đông hoàng diện 
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng 

Dịch: 

Thuở bé chưa từng rõ sắc không 
Xuân về hoa nở rộn trong lòng 
Chúa Xuân nay bị ta khám phá 
Chiếu trải giường Thiền ngắm cánh hồng. 

Lúc còn thiếu niên ở trong ngôi vị sang cả của một ông Hoàng, chưa thấm nhuần mùi đạo lý, mỗi lần Xuân về trăm hoa đua nở trong vườn ngự, làm sao Ngài không lòa mắt trước những màu sắc lung linh, không bâng khuâng qua những làn hương ngào ngạt. Sắc hương hương sắc quyện cả tâm hồn của ông Hoàng trẻ tuổi. Thế rồi bao nhiêu tâm sự đều gởi gắm vào trăm hoa. 

Nhưng khi tìm thấy được đạo, cổi bỏ mọi danh vọng tài sắc ở thế gian, cạo tóc mặc áo nhuộm, Ngài bước chân vào cửa Thiền. Gia công tu tập Ngài đã khám phá được chân lý của vũ trụ, thấy được mặt thật xưa nay của chính mình. Bây giờ Ngài không còn bị sắc hương lôi cuốn, tâm hồn lóng trong tự tại, ngồi lặng lẽ trên giường Thiền nhìn chúng nở tàn một cách an nhiên. Từ đây hoa nở hoa tàn không còn là một hình ảnh khiến tâm hồn người tăng sĩ phải vui buồn theo nó. Dòng thời gian cuồn cuộn trôi, hiện tượng trong không gian luôn luôn chuyển mình sanh diệt, song dưới con mắt một Thiền sư đạt đạo vẫn thấy có một cái gì hiện hữu thoát ngoài luật sanh diệt của thời gian không? 

Chúng ta hãy nghe lời nhắn nhủ của Thiền sư Giác Hải, một Thiền sư ở đời Lý, cũng nói về Xuân: 

Xuân lai hoa điệp thiện tri thì 
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ 
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn 
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì 

Dịch: 

Xuân về hoa bướm gặp nhau đây 
Hoa bướm phải cần hợp lúc này 
Hoa bướm xưa nay đều là huyễn 
Giữ tâm bền chặt bướm hoa thây 

Con người và muôn vật đều bị cuốn phăng theo dòng thời gian bất tận. Sự chết sống sanh diệt của người và vật đều ứng hợp theo thời tiết. Hoa nở, bướm lượn tìm hương đều lệ thuộc hẳn vào mùa Xuân. Nếu chúng ta cứ bám víu vào bản thân vào ngoại cảnh thì ôi thôi! Dòng luân hồi sanh tử lôi cuốn chúng ta không biết đến đâu cho cùng. 

Chúng ta phải gan dạ nhìn thẳng vào lẽ thật của bản thân của ngoại cảnh, mới thấy chúng là tướng trạng tạm bợ vô thường, là giả hình bởi nhân duyên chung hợp. Quả thật là huyễn hóa không có một tí gì chắc thật. Chỉ chân tâm của chính mình, mới là cái chân thật bất sanh bất diệt, mà lâu nay chúng ta đã lững quên. Giờ đây, chúng ta phải quả quyết sống thật với nó, không một phút giây nào lơi lỏng. Ấy là chúng ta đặt chân trên đường giải thoát, cổi bỏ sợi dây sanh tử luân hồi. Đây là lời nhắn nhủ của Thiền sư Giác Hải bảo chúng ta phải “hướng tâm trì”. 

Lại một hình ảnh xinh đẹp lạ thường của một mùa Xuân bất tận, do Thiền sư Chân Không đáp lời hỏi của một thiền khách: 

Xuân đến Xuân đi ngỡ Xuân hết 
Hoa nở hoa tàn chỉ là Xuân. 

Nhìn thời gian sanh diệt, con người mãi lo âu và tiếc nuối. Thấy Xuân đến lại nghĩ đến Xuân đi, rồi e sợ sẽ bơ vơ không còn tìm thấy mùa Xuân đâu nữa. Tâm trạng khát khao lo sợ ấy dồn dập nung nấu con người. Khiến họ khô héo chết mòn và hơ hải phập phồng cho một ngày mai. Ngày mai họ không còn biết nó ra sao mờ mịt tối tăm. Nhưng với Thiền sư, hôm nay và ngày mai đều là vô nghĩa, chúng chỉ là những chiếc áo cũ mới thay đổi trên một thân người. Nhưng đứa bé khi mặc một chiếc áo cũ thì xịu mặt xuống, được quàng chiếc áo mới thì hí hửng lên. Đấy là chúng quên mình mà chỉ nhớ chiếc áo. Nếu khi chúng chỉ một bề vui buồn theo chiếc áo. Với người lớn ắt không như thế, vì tự biết đời mình đã đổi thay biết bao nhiêu lần chiếc áo. Khi thấy được lẽ thật, người ta sẽ không còn bận rộn trong hình tướng giả dối ấy nữa. Vì thế Thiền sư Chân Không đã kết luận cho chúng ta thấy bằng câu: “Hoa nở hoa tàn chỉ là Xuân.” Ấy là cái đạo miên viễn vậy. 

Bước sang những Thiền sư Trung Hoa, xem quan niệm các Ngài có gì khác lạ. Đây chúng ta hãy nghe Thiền sư Cao Phong Diệu ngâm nga bốn câu thơ, trước đại chúng trong ngày Tết Nguyên Đán: 

Bách niên nan ngộ tuế triều Xuân 
Xá nữ sơ trang việt dạng tân 
Duy hữu Đông thôn vương đại tả 
Y tiền mãn diện thị ai trần 

Dịch: 

Trăm năm khó gặp một ngày Xuân 
Trang điểm cô em vui vẻ mừng 
Chỉ một làng Đông riêng chị ả 
Như xưa trên mặt phủ bụi hồng 

Mùa Xuân là mùa khí hậu ôn hòa ấm áp. Mỗi lần Xuân về trên ngàn cây muôn cỏ đều khoác vào mình một chiếc áo mới. Sự điểm trang của cảnh vật nhịp nhàng với sự điểm trang của con người. Những đứa bé gái nào là áo tím quần hồng, lược cài trâm giắt, lũ lượt kéo đi thăm viếng chúc tụng nhau. Thật là một cảnh nhộn nhịp xinh tươi của một ngày Xuân. 

Nhưng trong khi con người và vạn vật đang phô diễn sắc hương, đang tưng bừng chúc tụng, thì bên làng Đông một chị nàng đứng tuổi, vẫn trang nghiêm như tượng nữ thần, vẫn im lìm như hình thạch nữ để mặc cho sương pha bụi phủ, không hề vướng chút đổi thay. Gương mặt của cô ta vẫn bình thản an nhiên như tự thuở nào. 

Đây là một xảo thuật của Thiền sư khéo trình bày cho chúng ta thấy, bên hình ảnh biến ảo đổi thay, lại có một cái thâm trầm bất sanh bất diệt. 

Đến Thiền sư Tiếu Ẩn Hân, chúng ta sẽ thấy một hình ảnh sáng rỡ ẩn trong hiện tượng mịt mù, diệu lý bất sanh bất diệt nằm gọn trong cảnh vật sôi động sanh diệt. Hãy nghe Ngài ngâm bài kệ này trong dịp Xuân về: 

Kim cang chánh thể lộ đường đường 
Vạn tượng sum la bát-nhã quang 
Dẫn khứ lai cơ siêu đương niệm 
Vô âm dương điạ lý toàn chương 
Mộc kê báo hiểu đề thâm hạng 
Thạch nữ nghinh Xuân xuất động phòng 
Cộng hỷ long hồ đa đoan khí  
Thiền phong thời tống ngự lê hương 

Dịch: 

Kim cang chánh thể hiện rỡ ràng 
Cảnh vật muôn vàn bát-nhã quang 
Bặt lối lại qua đương niệm thoát 
Âm dương đất trống lý toàn bày 
Gáy sáng gà cây trong nẻo vắng 
Mừng Xuân gái đá ra động phòng 
Đáy hồ rồng vẫy vui vô hạn 
Đưa tiễn gió Xuân một lò trầm 

Trong muôn ngàn cảnh vật đã chứa sẵn thể Kim Cang Bát-nhã rực rỡ, chỉ cần dứt sạch mối manh lại qua sanh diệt thì chánh niệm hiện tiền vượt ngoài mọi đối đãi. Chính chỗ âm dương chưa phân kia, là chân lý hiện bày. 

Đẹp đẽ thay trên cảnh tượng ồn náo biến động đã ngầm chứa một cái bất động, như gà gỗ gáy sáng, gái đá mừng Xuân. Rồng nhả hơi trên mặt hồ trong lặng để cùng tiếp đón một mùa Xuân. Lò trầm phun khói quyện theo mây gió làm cuộc tiễn đưa người khách Xuân vừa đến cửa. 

Thật là ảo ảnh lồng trong chân thường, chân thường hiện bày trong ảo ảnh. Khiến chúng ta không còn lầm lẫn tìm kiếm chân lý ngoài sự vật vô thường, không lầm bỏ vọng tưởng mà lấy chân như. Đó là quan niệm chân chánh của Thiền sư nhìn vào cuộc đời vậy.

TS Thích Thanh Từ
Sưu tầm : Hanh Nghiêm

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Ý Nghĩa Của Một Câu Phong Dao



Phong dao, tục ngữ Việt Nam rất hay, rất đa dạng, rất phong phú, có thể nó được hình thành và xuất xứ qua một giai thoại hay một điển tích nào đó, cũng có thể qua một sự ngẫu hứng của những đôi nam thanh nữ tú tình cờ gặp nhau giữa sông, giữa chợ cũng nên. Thí dụ câu ca dao: "Gió đưa Cải Cải về trời, Răm Răm ở lại chịu đời đắng cay". Câu nầy qua điển tích về bà Phi Yến (tục gọi là Lê Thị Răm-Răm) là vợ của Nguyễn Ánh và là mẹ của người con trai tên là Hội An (tục gọi là Cải-Cải), vì bà nầy dám can ngăn Nguyễn Ánh không nên “cõng rắn cắn gà nhà” khi Nguyễn Ánh cầu viện Pháp bằng cách gởi Hoàng Tử Cảnh cho giám mục Bá Đa Lộc mang qua Pháp rồi đến cầu viện quân Xiêm La và bà dám khen Quang Trung- Nguyễn Huệ là một bậc anh tài, chí khí, làm cho Nguyễn Ánh điên tiết lên và ra lệnh giết bà. Sau nhờ tất cả các quần thần can dán Nguyễn Ánh, và bà được tha tội chết, nhưng bà đã bị Nguyễn Ánh sai đem giam vào trong hầm núi ở Côn Đảo. Khi nghe quân Tây Sơn tiến đến thì Nguyễn Ánh nhổ neo bỏ chạy. Hội An (Cải-Cải) la lên, con muốn mẹ, con muốn mẹ, liền khi đó Nguyễn Ánh đạp con mình xuống nước cho chết chìm và được dân làng vớt lên chôn cất. Tâm trạng của bà Phi Yến lúc bấy giờ đau khổ đến dường nào! Cho nên dân làng tại đấy mới có câu ca dao đó. Ngày nay chúng ta quen truyền miệng là “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay.” Nhưng, ở bài nầy người viết chỉ muốn đề cập đến câu phong dao có liên quan đến đạo lý của nhà Phật là chính, đó là câu: Thứ nhất là tu tại nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu Chùa.

Ý nghĩa tu tại nhà như thế nào mà phải được xếp hạng nhất vậy! Và tu chợ ra sao mà cũng ưu tiên đứng trước người tu tại Chùa? Có lẽ là có ẩn nghĩa sâu xa gì chăng? Mời các bạn đọc tìm hiểu thêm ý nghĩa hai câu nầy như thế nào. Thường thì ca dao Việt Nam cứ đọc ra như vậy và tùy tâm cảnh của mỗi người mà hiểu. Do đó, đôi khi có nhiều người hiểu và giải thích rất là tuỳ tiện theo ý riêng của mình.

Như câu thành ngữ “Có thực mới vực được đạo” chẳng hạn. Câu nầy các bậc tiền bối của chúng ta ngụ ý rằng, người có thực tâm xây dựng mới vực dậy được đạo. Có nghĩa rằng tâm của người làm đạo đó phải nhất nhất chân thực, chân thực bất hư – tâm chân thực không hư dối thì Đạo Phật là đạo của sự thật. Không có gì hủy hoại được đạo Phật qua cái tâm chân thực của con người làm đạo cả. 

Nhưng rất tiếc, ngày nay không ít người hiểu câu nầy đồng với nghĩa ăn uống , “có ăn mới làm nên đạo.” Thế thì người Việt chúng ta không có câu, “miếng ăn là miếng tồi tàn…” đó sao? Hiểu như thế thì quả là lệch lạc, và cũng là giềng mối dẫn đến hình thành những tệ đoan có thể xảy ra nơi nhiều từng lớp xã hội trong quá trình và ngay cả trong hiện tại. Một danh từ nói lái mà ở xã hội Việt Nam bây giờ ai cũng biết là, thủ tục “đầu tiên,” để ám chỉ các cơ quan công quyền với thói quan liêu “có ăn mới làm nên đạo” của người Việt nói riêng và người Á Châu nói chung từ xưa đến nay. Tệ đoan nầy còn lây lan qua các cơ quan Tôn Giáo cũng phải trải qua cái khâu của, thủ tục “đầu tiên” mới được đóng dấu thị thực nữa thì thật là hết biết!...

Trở lại câu phong dao, thứ nhất tu tại nhà… cũng không ít những người hiểu câu nầy theo quán tính. Nghĩa là người ta hiểu theo “cách riêng” của họ. Thế nên, không ít quí thầy than rằng, thời bây giờ khuyến khích Phật tử đến chùa tu tập, quí ngài nhận được những câu trả lời không mấy khả dĩ. Thường thì, “thưa thầy, Phật tại tâm, con bận bịu việc nhà quá thôi thì ở nhà tu cũng được, bởi vì thứ nhất tu tại nhà mà…” Vậy là cũng huề.

Còn nếu có một người muốn đi làm Phật, như câu trả lời dứt khoát của lục tổ Huệ Năng với ngũ tổ Hoằng Nhẫn rằng, “con đến đây chỉ để xin làm Phật.” Một người có tâm làm Phật như thế, thì chí ít họ cũng phải có cái căn bản “thứ nhất tu tại nhà” đã chứ. Cái căn bản đó sao mà quan trọng cho người muốn xuất gia lắm thế? Chúng ta hãy ôn lại lời đức Phật dạy: gặp thời không có Phật và các bậc hiền thánh, mà biết thờ kính cha mẹ thì cũng như đang thờ kính Phật, các bậc hiền thánh vậy. 

Như vậy là người muốn xuất gia phải tu ngay cái tâm hạnh của mình ở nhà trước đã, đó là ở trong nhà biết kính cha thờ mẹ, thương yêu anh chị em, là căn bản đạo đức mà một con người muốn phát tâm rộng lớn (xuất gia) phải cần có. Bởi vì “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.” Còn nếu một người mà ở nhà đối với cha mẹ, anh chị em đã vắng bóng sự hiếu kính, thương yêu thì, dù có đến Chùa xin làm phật, Phật có hiện diện trước mặt họ, họ vẫn, “vào chùa dắt Bụt đi chơi, gần chùa kêu Phật bằng anh”, là cùng. Câu tục ngữ đó đã đi vào dân gian và lẫn cả văn chương Việt Nam rồi vậy. Con người tâm địa không được trong sáng thì dù có đến chùa nữa cũng ở không lâu. Nhưng càng ở chùa lâu dài thì càng hại cho đạo, càng thêm ô nhiểm cửa Phật. 

Thế còn, “thứ nhì tu chợ.”? Thường chúng ta hay nghe các bậc lớn tuổi với những lời trân quí khen tặng các nam thanh nữ tú có cử chỉ và ngôn từ nết hạnh ở giữa chợ đời, thì ngược lại họ cũng không tiếc rẻ để buông những lời không mấy tốt đẹp cho những anh chị khuyết hạnh vậy. Bởi vì ở trong nhà hiếu thảo với mẹ cha, ra đường kính trên nhường dưới là một đức hạnh lớn mà ở trong nhà Phật còn gọi là sự khiêm cung, khiêm hạ. Nếu ta là người muốn tu mà không chịu chuẩn bị cho chính mình những bước khiêm cung hòa ái, tôn Sư trọng Đạo đó, thì khi tới Chùa đảnh lễ xin phép vị Trú Trì để cho mình được xuất gia đi nữa thì, việc tu tiến của mình cũng không đi vào đâu, đôi khi còn tạo thêm lớn cái nghiệp nữa. Bởi vì, tính khí của mình vốn dĩ ở nhà đã không biết kính trọng cha mẹ, ra ngoài đường chẳng biết nhường nhịn ai, là đã hỏng bước căn bản rồi. Thường thì người tu phải có một duyên lành sâu xa nào đó, nên họ mới có được những đức hạnh ấy. Nói thế không có nghiã là những người không xuất gia không có những đức hạnh đó mà rất nhiều, tuy nhiên không đạt tới ý nghĩa của một đức hạnh sâu xa ở trong câu tục ngữ này đó thôi. Một thí dụ căn bản: Một người chưa trang bị được sự kiên nhẫn và sự hiếu kính đó, đến cửa Phật một thời gian sau mình sẽ nhận ra ở vị Trú Trì đó vẫn còn vài khuyết điểm, rồi mình vội cho là thô thiển và sẽ trở nên sinh tâm bất kính, do đó không tiếp nhận được những ưu điểm, những đức hạnh tích cực của vị Thầy của mình. Mất hết sự cung kính đối với người Cha hướng dẫn tinh thần, và sự xây dựng tuệ giác cho tự thân cũng sẽ không thể thành tựu, một khi ngã mạn và sân si của tự thân người tu đó trổi dậy. Nên nhớ một điều là dù các bậc cao tăng đi nữa nhưng họ vẫn chưa có thể hoàn hảo được như một bậc thánh mà mình luôn mong đợi đâu nhé. Nếu có một vị thật hoàn hảo thì vị đó là một Thánh nhân, còn nếu không phải là thánh nhân mà hoàn hảo như vậy thì vị nầy chắc sẽ rất khó đi cho trọn vẹn trên con đường đạo. Chuyển nầy quí bạn đọc tự suy nghĩ lấy, xin đừng hỏi lại tôi, tại sao?

Cho nên, người có sự khiêm cung, khiêm hạ là người đó sẽ xây dựng được công đức vô lậu. Nghĩa là công đức nầy sẽ là những nấc thang căn bản để cho người tu bước lên và vượt ra khỏi vòng tam giới, là dục giới, sắc giới và vô sắc giới, để đi đến Niết Bàn tịch tịnh. 

Thế mới biết việc quan trọng của một người khi muốn cắt ái ly gia thì phải thành tựu được hai bước căn bản là, thứ nhất tu tại nhà, thứ hai tu chợ, rồi thứ ba mới vào chùa thì lúc đó dù có phải đứng trước những sóng gió của nghiệp chướng, đứng trước những ngoại ma, nội ma, và ngay cả thiên ma ba tuần cũng không thể xô đẩy được người tu đó. Còn vài tháng nữa cũng sẽ đến mùa Xuân Đinh Dậu, người viết xin mượn câu nói của bồ tát Di Lặc (Bố Đại Hòa Thượng) cho nghĩa của câu thứ ba và cũng để kết thúc bài nầy, “Dù ai có nhổ nước bọt lên mặt ta, ta vẫn không cần lau chùi, để tự nhiên nó khô.” Nghĩa là dù ai có phỉ nhổ, vu khống, mạ lỵ, chửi bới Ngài, thì Ngài vẫn thản nhiên bất động, để tự gió bay, đó là đức hạnh lớn của người xuất gia (bát phong xuy bất động) vậy. Và đây cũng là chân lý sáng ngời của bước chân hạnh phúc của một người tu, vì, lời Đức Phật dạy: "Con đường mà người đang đi đó là chân lý, chứ chân lý không nằm ở cuối con đường". Người viết, xin hướng về mười phương Tam Bảo, thành tâm cầu nguyện cho tất cả chúng ta, tranh thủ để đạt được ba bước căn bản đức hạnh đó để làm hành trang trên bước đường giải thoát.

Tuệ Minh-T Phước Toàn
Chùa Phước Huệ, Tacoma, cuối thu 2016
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Nhân Quả Nghiệp Báo



Nhân quả nghiệp báo rất quan trọng. Người học Phật không dễ gì nắm bắt định luật này cho thấu đáo nếu không nghiên cứu, học hỏi và chiêm nghiệm sâu xa.

Điều đầu tiên chúng ta phải biết là nhân quả khác, nghiệp báo khác. Có khi có nhân quả mà không có nghiệp báo. Định luật nhân quả là tất yếu, ta không thể chấm dứt nó được. Nhưng nghiệp báo thì ta có thể thay đổi hoặc chuyển nó được. Nói thế, ta cũng không loại trừ khả năng, nghiệp báo có thể nặng hơn hoặc làm cho nó giảm nhẹ đi, tùy duyên, căn cơ và sự tu tập của từng người quyết định.

Muốn lãnh hội trọn vẹn bài học về nhân quả nghiệp báo ta phải nghiên cứu toàn diện, lần lượt đi qua những kiến thức giáo pháp cơ bản sau đây:

- Những định luật của vũ trụ.

- Nghiệp là gì?

- Nguồn gốc của nghiệp.

- Nhân quả nghiệp báo.

- Có bao nhiêu loại nghiệp.

- Những điều quan trọng cần phải liễu tri.

- Kết luận.

I- Những Định Luật Của Vũ Trụ

Có những định luật, những quy luật vận hành của vũ trụ, chúng tương quan mật thiết nhau và chi phối toàn bộ đời sống của con người cùng vạn hữu. Chính những định luật, quy luật này, trong tác động hỗ tương của chúng, đã sinh ra vô vàn giống loại hữu tình, vô tình cùng trời đất, trăng sao, thiên hà, vũ trụ...

Những quy luật ấy đã được đức Phật giới thiệu phổ quát như sau:

1- Định luật của thế giới vật lý vô cơ (utuniyāma)

Đây là quy luật vận hành trong thế giới tự nhiên của trời đất, tạo ra những hiện tượng nắng mưa, ngày đêm, nóng lạnh, xuân hạ thu đông... Những ảnh hưởng của mặt trời, mặt trăng, tinh tú đến sông, biển, ao hồ; các lực tương tác chi phối, tác động đến con người, thảo mộc, vạn hữu... là thuộc về định luật utuniyāma này.

2- Định luật của thế giới sinh vật lý hữu cơ (bijaniyāma)

Là những quy luật tác động trong thế giới tế bào của những động vật và thực vật, trong đó có con người. Do những định luật này mà các nhà khoa học đã tìm ra luật bảo toàn giống loại, ADN, di truyền, gène... kể cả những công nghệ sinh học... Cũng nhờ những quy luật này mà giống nào sinh ra giống nấy. Hạt cam sinh ra cây cam. Lúa có từ hạt lúa. Gène di truyền trong việc thụ thai hai trẻ sinh đôi giống nhau nhưng khác tính tình. Khoa học tội phạm hình sự chỉ cần lấy ADN nơi một mẫu tóc có thể tìm ra người gây án...

Những định luật thuộc bija niyāma này còn rất lớn rộng và ẩn mật, sợ rằng nhiều thế kỷ nữa, nhân loại vẫn chưa khám phá ra hết.

3- Định luật về pháp (dhammaniyāma)

Là những quy luật chi phối vạn pháp. Như luật âm dương, ngũ hành, luật hấp dẫn, ly tâm, điện từ ; những phản ứng sinh lý hóa, luật bảo toàn năng lượng, trường sinh học; kể cả những hiện tượng siêu hình như lúc Bồ-tát giáng phàm, thành đạo, Niết-bàn...

4- Định luật về tâm (cittaniyāma)

Những định luật về tâm, tâm lý, như: ý tưởng, ý niệm, tưởng tượng, hồi ức, trí nhớ, ký ức, tư tưởng, trực giác... Ngoài ra, những trạng thái tâm lý, những yếu tố nội tâm diễn tiến theo trình tự nhân quả tương quan đưa đến phán đoán, nhận thức, suy luận, chi phối sinh hoạt hữu thức hoặc vô thức của con người đều thuộc lĩnh vực của định luật này. Những hiện tượng thần giao cách cảm, biết quá khứ vị lai hoặc thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông... cùng từ định luật này mà có.

5- Định luật về nghiệp (kammaniyāma)

Đây là định luật về nghiệp báo, nói đủ là nhân quả nghiệp báo. Khi nói đến nghiệp báo thì phải có tác nhân của nghiệp và kết quả của nghiệp (hay báo ứng của nghiệp).

Trong 5 định luật mà chúng ta vừa điểm xuyết qua, 4 định luật đầu là định luật tự nhiên, chúng có xẩy ra tiến trình nhân quả nhưng không xảy ra nghiệp báo. Riêng định luật thứ 5 này mới xảy ra nhân quả nghiệp báo. Chính ở đây, những hành động và phản ứng tâm lý có ý thức, mang tính đạo đức, luân lý (thiện, bất thiện, bất động) mới tạo ra sự báo ứng của nghiệp. Đây là những quyết định, những chủ đích, những hành động có đầu tư của ý chí tự do của mỗi cá nhân. Tuy là nghiệp riêng biệt (biệt nghiệp) của cá nhân nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội và nhân loại (cộng nghiệp).

Như vậy, chúng ta phải biết cho rạch ròi đâu là nhân quả khách quan đâu là nghiệp báo chủ quan. Cả bốn định luật đầu tiên đều xảy ra theo tiến trình nhân quả. Phạm vi của chúng rất rộng lớn. Nếu ta không thấu triệt dễ sinh ra ngộ nhận, cái gì cũng đổ thừa cho nghiệp thì oan cho ba đời chư Phật! ...

ĐỌC THÊM =>>>
http://thuvienhoasen.org/a18791/nhan-qua-nghiep-bao
Namo Buddhaya.
Theo Phật Pháp Buddha Dhamma
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Những Lời Giáo Huấn Của Sư Viên Minh



"...Con thân mến,"...những điều con băn khoăn về ý nghĩa của cuộc sống là vấn đề lớn của con người: "Ta có quyền tự do hành động hay chỉ là hành động theo một định mệnh đã an bài? Phải chăng thuận thiên lập mệnh là an phận để trả quả của nghiệp, hay phản kháng lại số mệnh cũng vẫn là nghiệp dĩ? Làm thế nào vượt lên và đâu là giải thoát?".

Ðịnh mệnh và tự do là một cặp mâu thuẫn khi ta chưa thấy rõ sự thật và khi vô minh dục vọng còn phân chia chúng thành hai đối cực phải loại trừ một, đó chính là nhị nguyên, cái mà Ðức Phật gọi là: "Chẻ cái đầu ra làm hai" (Muddham vipàtayam) tức là khởi trí phân biệt ưa - ghét, lấy - bỏ v.v... làm cho trí tuệ bị phân hóa.

Tất cả các pháp đều có đối cực, những đối cực ấy có thể sinh, khắc, hoán vị và biến đổi trong sự tương giao trùng trùng duyên khởi. Vì vậy lấy cái này bỏ cái kia là phân biệt, là nhị nguyên. Cầm lên một chiếc mề đay chúng ta chọn mặt đẹp, bỏ mặt xấu, nhưng thật ra khi lấy ta phải lấy cả hai và khi bỏ cũng phải bỏ cả hai. Cũng như khi chúng ta mong muốn được ổn định, an toàn, hạnh phúc chúng ta vô tình mời gọi cả xáo trộn, bất an và đau khổ.

Ðịnh mệnh phải chăng là đối nghịch với tự do? Và hành động theo ý muốn là đồng nghĩa với tự do? nhìn kỹ ta thấy lắm lúc ngược lại. Người hành động chiều theo ý muốn của mình thật ra đã bị ràng buộc trong chính ý muốn ấy, nên họ đã mất tự do ngay từ khởi điểm. Trái lại người từ bỏ tư dục và thuận theo sự sống chân thực, nghĩa là sống đúng quy luật tất nhiên của sự sống (thuận thiên) hay thuận pháp người ấy lại được hoàn toàn tự do.

Nếu định mệnh hiểu theo nghĩa một khuôn phép do ai đó áp đặt theo tư ý của họ, thì đó chính là nghịch thiên hay phi pháp (trái với quy luật tự nhiên), định mệnh ấy tự nó sẽ bị đào thải.

Nhưng nếu định mệnh được hiểu như là quy luật tất yếu và tự nhiên của sự sống thì thuận thiên hay thuận pháp chính là hành động của trí tuệ, vì không có những quy luật tất yếu đó hoặc chống lại quy luật thì sự sống liền trở nên bất an, xáo trộn và đau khổ.

Nhờ vận hành theo quy luật mà sự sống vốn rất trật tự, an toàn và hạnh phúc. Thấy và sống đúng quy luật ấy thì không thể nào có xáo trộn, bất an và đau khổ được.

Vì không thấy và không sống đúng quy luật đích thực của sự sống nên chúng ta mới khởi tạo vọng nghiệp, bản ngã, luân hồi và đau khổ. Ðói thì ăn là quy luật của sự sống, nhưng tham ăn, giành ăn là vọng nghiệp và tất nhiên phải đưa đến kết quả bịnh khổ. Bởi vậy y học mới có nguyên tắc "thống tắc bất thông, thông tắc bất thống". Thông tức là thuận quy luật vậy.

Khi con người muốn thoát khỏi quy luật vì một ý muốn tự do nào đó thì vọng nghiệp bắt đầu và đó là khởi điểm của sự trói buộc. Cũng vậy, khi người ta tự đặt ra một chân lý lý tưởng rồi buộc mình vào nỗ lực hành động để đạt đến lý tưởng đó, thì vô tình người ta bắt đầu những bước đi ra khỏi chân lý thực tại và dấn thân vào cõi luân hồi sinh tử. Cuộc phiêu lưu mạo hiểm này được thực hiện bằng cái gọi là ý chí tự do của vọng nghiệp, thế rồi khi bị chính nghiệp ấy trói buộc người ta cho rằng có một định mệnh áp đặt lên đời sống tự do của họ, và họ muốn thoát ra.

Nhưng ngay khi chúng ta nóng lòng muốn thoát ra khỏi số mệnh ấy là chúng ta muốn tắt lửa mà lại thêm dầu, vì ý muốn giải thoát này là tự thân của sự bất an, người ta nói ma cao nhất trượng chính vì sự biến hóa muôn mặt của vô minh ái dục. Bất an là nó, muốn thoát khỏi bất an cũng chính là nó.

Con người tự dựng lên một bản ngã để thực hiện ước vọng của vô minh, ái dục, thế rồi cũng chính bản ngã ấy nhận lấy hậu quả mà nó tạo ra. Bây giờ khi kết quả không như ý muốn, bản ngã đòi giải thoát ra khỏi tình trạng này và ngay khi đó tạo ra nhân khác và cứ thế chồng chất thêm những trói buộc mà nó muốn thoát khỏi.

Bản ngã muốn giải thoát, nhưng đó là giải thoát của bản ngã hay giải thoát chính bản ngã? Giải thoát của bản ngã là giải thoát ra khỏi cái mà bản ngã không thích để mong đạt đến cái sở thích, còn cái nó đang thích thì chẳng bao giờ nó muốn giải thoát cả. Nhưng khi giữ lại cái ưa thích, bản ngã quên rằng chính cái nó thích tạo ra cái nó không thích, nghĩa là trên thực tế bản ngã chỉ có thể chạy qua chạy lại trong sợi dây ràng buộc của chính mình chứ chẳng bao giờ có sự giải thoát thật sự, bởi vì bản ngã chính là trói buộc!

Bản ngã phát sinh cùng một lúc với số mệnh, bản ngã chính là số mệnh. Bản ngã muốn thoát ra khỏi số mệnh là một nghịch lý, trừ phi bản ngã tự hủy diệt mình. Nhưng khổ thay chẳng bao giờ bản ngã có thể làm được điều đó, cũng như nó chẳng bao giờ có được tự do. Nó càng được tự do, nó càng bị ràng buộc!

Có một anh sinh viên khi sống ở Việt Nam thì muốn mau chóng rời khỏi Việt Nam để qua Mỹ, nhưng khi qua Mỹ anh lại nói rằng bây giờ anh không được thanh thản như lúc còn ở Việt Nam, đời sống ở Mỹ luôn luôn chạy đua với thời gian, mà để đuổi kịp thời gian thì phải khẩn trương, không làm thế nào thanh thản được. Nhưng anh không biết rằng chính ý muốn được thanh thản đã làm cho anh mất hết thanh thản.

Thanh thản không phải là nhàn hạ nên không đối nghịch với khẩn trương, cũng không phải là phóng túng nên không phản lại nề nếp sinh hoạt có kỷ cương nhất định.

Chính sự lựa chọn của bản ngã giữa phóng túng và kỷ cương, giữa thanh nhàn và bận rộn, giữa khổ cực và sung sướng, giữa tự do và ràng buộc v.v... đã tạo ra mâu thuẫn, đấu tranh, phân vân, căng thẳng và dĩ nhiên thanh thản phải biến mất.

Thanh thản thật sự là có thể thanh thản cả trong ràng buộc lẫn tự do, trong thong thả hoặc cấp bách, trong lúc vui cùng khi khổ, vì thanh thản đích thực thì vượt ngoài điều kiện.

Con thân mến,..Tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác là con đường giác ngộ. Ðạo Phật thường nói đến con đường như: con đường thanh tịnh, con đường chơn chánh, con đường giác ngộ, con đường giải thoát v.v... và vì vậy Ðạo Phật thường bị hiểu lầm.

Nói đến con đường người ta nghĩ ngay đến chỗ khởi điểm, chỗ chung cùng, nơi đi, nơi đến, cái lấy, cái bỏ... Như đi từ tướng đến tánh; từ sinh tử đến Niết-bàn; từ vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh đến thường, lạc, ngã, tịnh v.v... và họ tưởng tượng ra một con đường thật bình yên dẫn đến "Miền đất hứa", thế là người ta hy vọng từ bỏ được cảnh khổ này và hướng cầu đến một tương lai đầy lạc phúc. Ðó thật ra vẫn là một thứ vô minh ái dục lớn nhất trong các vô minh ái dục.

Ðức Phật chẳng bao giờ nói đến một con đường đi đến Niết-bàn. Niết-bàn không phải là một nơi chốn nên không có khoảng cách để đi đến. Bát thánh đạo, tứ niệm xứ, thất giác chi v.v... không phải là con đường chiếm một thời gian, không gian nào đó để dẫn đến Niết-bàn. Mặt khác, Niết-bàn không phải là một sự thành tựu hay một kết quả rốt ráo do điều kiện hội đủ một số pháp môn tu tập. Ðạo đế được mô tả là con đường chấm dứt nguyên nhân đau khổ (Dukkha samudaya nirodhamagga). Nguyên nhân đau khổ là vô minh ái dục, khi vô minh ái dục (tham, sân, si) chấm dứt thì bản ngã chấm dứt và toàn bộ khổ uẩn cùng với luân hồi, sinh tử, sầu - bi - khổ - ưu - não đều chấm dứt. Chấm dứt là Niết-bàn vì vậy được gọi là diệt đế (Nirodha sacca).

Bản ngã rất sợ sự chấm dứt, sự diệt tận, sự đoạn trừ, sự xả ly này cho nên nó vội vàng tô điểm cho Niết-bàn những ý niệm thường hằng, vĩnh cửu, cực lạc, chơn ngã v.v... Nhưng tất cả ý niệm đó đều là sản phẩm của vô minh ái dục.

Có thể chứng ngộ Niết-bàn (Nibbàna Sacchikiriyà) chứ không thể đi đến Niết - bàn, vì Niết-bàn không có đến và đi. Nhưng khi tham, sân, si chấm dứt thì sự sống cũng được mở bày, Niết-bàn không phải là cái gì xa lạ, để ta phải hướng vọng về phía trước, mà chính là ở ngay nơi chỗ hồi đầu.

Ðức Phật dạy: "Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, Như Lai không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến tự ngã đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến tự ngã như là Niết-bàn, không nghĩ đến Niết-bàn là của ta, không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng dục hỷ là căn bản của khổ đau, từ hữu, sanh khởi lên, và già chết đến với loài hữu tình. Do vậy ta nói Như Lai với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự trừ bỏ hoàn toàn các ái đã chơn chánh giác ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Gíác".

Con đường là con đường giác ngộ giải thoát, là chấm dứt mọi nguyên nhân đau khổ, con đường ấy được Ðức Phật giới thiệu với 37 đạo phẩm. Tất cả các pháp môn phương tiện vận dụng về sau đều phát xuất từ đó, có thể tóm lại trong giới, định, tuệ hay tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Nói cho dễ hiểu là sáng suốt, định tĩnh, trong lành nơi chính thực tại hiện tiền (Sanditthiko dhammo) tức là tỉnh thức nơi chính sự sống đang là. Ngay khi đó bản ngã với toàn bộ sự lăng xăng của nó đều chấm dứt: Niết-bàn.

Con thân mến,..Ðừng nói đến an phận hay phản kháng, hãy im lặng lắng nghe hay chú tâm nhìn thẳng vào sự sống đang là, đó mới chính là: tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Ðói bụng hãy im lặng tỉnh giác đi nấu cơm, đừng quan tâm đến số mệnh hay tự do, việc đó hãy nhường lại cho các triết gia, các nhà tư tưởng và những người suy tư mơ mộng...

(Trích Thư Thầy Trò.HT.Viên Minh)
Namo Buddhaya.
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Thành Đạt Giàu Sang và Tình Thương



Một người phụ nữ vừa bước ra khỏi nhà thì nhìn thấy có 3 cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi trên phiến đá ở trước sân nhà. Bà không quen biết họ, nhưng với con người tốt bụng, bà lên tiếng nói: "Tôi không quen biết các cụ nhưng chắc là các cụ đang đói bụng lắm, vậy xin mời các cụ vào nhà tôi dùng một chút gì cho ấm bụng nhé... ".

- Ông chủ có ở nhà không thưa bà.... Một cụ cất tiếng ái ngại hỏi.

- Dạ thưa không, nhà tôi đi làm chưa về. Người phụ nữ trả lời.

- Thế thì chúng tôi không thể vào nhà của bà bây giờ được, bà ạ.

Đến chiều khi người chồng đi làm về, người phụ nữ kể lại chuyện cho chồng nghe. Nghe xong người chồng bảo vợ: "Vậy thì bây giờ em hãy ra mời ba cụ ông vào, nói với mấy cụ rằng anh đã về và muốn mời họ vào". Người vợ làm theo ý của chồng, bà bước ra sân mời cả ba cụ cùng vào.

- Rất tiếc thưa bà, cả ba chúng tôi không thể vào nhà bà cùng một lúc được. Họ đồng thanh đáp.

- Vì sao lại thế thưa các cụ.... Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.

Một cụ già bèn đứng dậy từ tốn giải thích:

- Cụ ông này tên là Giàu Sang, còn kia là cụ ông Thành Đạt, và còn lão già đây là Tình Thương. Bây giờ bà hãy vào nhà hỏi ông nhà xem sẽ mời ai trong ba lão chúng tôi vào nhà trước nhé. Người phụ nữ đi vào nhà và kể lại sự việc cho chồng.

- Ồ vậy thì tuyệt quá! Người chồng vui mừng nói.

- "Vậy thì tại sao chúng ta không mời cụ ông Giàu Sang vào trước. Cụ là điềm phước rồi đây, sẽ cho chúng ta nhiều tiền bạc của cải sung túc". Nhưng người vợ lại không đồng ý. "Nếu vậy thì tại sao chúng ta lại không mời cụ Thành Đạt vào trước chứ... Chúng ta sẽ có quyền cao chức trọng và được mọi người kính nể. " Hai vợ chồng cứ tranh cãi một lúc mà vẫn chưa đi đến quyết định.

Cô con gái nãy giờ đứng nghe yên lặng ở góc phòng bỗng lên tiếng nhỏ nhẹ: "Ba mẹ ạ, tại sao chúng ta không thử mời ông già Tình Thương vào nhà trước đi. Nhà mình khi ấy sẽ tràn ngập tình thương yêu ấm áp, và ông già sẽ cho gia đình chúng ta thật nhiều hạnh phúc. "

- "Có lẽ con gái mình nói đúng". Người chồng suy nghĩ rồi bảo vợ, "Vậy thì em hãy mau ra ngoài mời cụ Tình Thương vào trước đi vậy. "

Người phụ nữ ra ngoài và cất tiếng mời, "Gia đình chúng tôi xin hân hạnh mời cụ Tình Thương làm vị khách mời đầu tiên vào với gia đình của chúng tôi". Cụ già Tình Thương từ tốn đứng dậy và chầm chậm bước vào nhà. Nhưng hai cụ già kia cũng từ từ đứng dậy và bước theo cụ già Tình Thương...

Rất đỗi ngạc nhiên, người phụ nữ bước lại gần hai cụ Giàu Sang và Thành Đạt hỏi:

- "Tại sao hai cụ cũng cùng vào theo... Các cụ đã chẳng nói là cả ba cụ không thể vào nhà cùng một lúc sao?". 

Khi ấy cả hai cụ cùng trả lời:

"Nếu bà mời cụ Giàu Sang hay Thành Đạt tôi đây, thì chỉ một trong hai chúng tôi vào nhà được thôi, nhưng vì bà mời cụ ông Tình Thương, nên cả hai chúng tôi cũng sẽ vào theo. Bởi vì ở đâu có Tình Thương thì ở đó sẽ có Giàu Sang và Thành Đạt đó bà ạ".

Nguyện Lành

Thích Tánh Tuệ
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Chửa Gai Cột Sống Bằng Hạt Đu Đủ



Dùng hạt đu đủ chín giã nát đắp lên vùng cột sống có gai. Chúng sẽ giúp “ăn mòn” gai cột sống, trả lại cho bạn những đốt sống khỏe mạnh.

Bệnh lý gai cột sống

Gai cột sống (vôi hóa cột sống) là một căn bệnh rất thường gặp. Không những ở độ tuổi trung niên, người già mà ngày nay tỷ lệ bệnh gai cột sống đang dần trẻ hóa ở lứa tuổi thấp hơn trước rất nhiều.

Gai cột sống khiến bạn đau đớn, làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Một số trường hợp không đơn thuần chỉ gây đau đớn cho bạn mà nó còn có nguy cơ làm mất đi chức năng của các chi và đốt sống nếu các gai cột sống gãy và lọt vào bên trong cột sống cũng như các dây thần kinh xung quanh rất nguy hiểm.

Gai cột sống gây ra triệu chứng đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh.

Hạt đu đủ có tác dụng chữa vôi hóa cột sống không?

Đu đủ vốn có tên khoa học là Carica papaya thuộc họ đu đủ. Là cây thân thảo to, không hoặc ít khi có nhánh, cao từ 3 - 10 m. Lá to hình chân vịt, cuống dài, đường kính 50 - 70 cm, có khoảng 7 khía. Hoa trắng hay xanh, đài nhỏ, vành to năm cánh. Quả đu đủ to tròn, dài, khi chín mềm, hạt vàng cam, có nhiều hạt.

Quả đu đủ được dùng để chế biến món ăn và hạt làm vị thuốc chữa bệnh. 

Quả đu đủ thường được sử dụng như một loại rau ăn khi quả còn xanh và là loại trái cây bổ dưỡng khi đã chín. Theo Đông Y thì đu đủ có tính ngọt, hàn, mùi hơi hắc. Đu đủ có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau, thanh nhiệt, giải độc… rất tốt. Hạt đu đủ khi xanh có màu trắng và chuyển thành màu đen khi chín, có màng bọc, vị đắng. Trong hạt đu đủ có chứa papain - một hoạt chất giúp làm mềm các cơ thịt, đặc biệt chúng có tác dụng “ăn mòn” các gai cột sống rất hiệu quả.




Đặc biệt hàm lượng papain này có chứa trong hạt của những quả đu đủ vừa chín tới là rất cao. Do đó, bạn nên sử dụng những hạt đu đủ của những quả vừa chín tới để làm thuốc trị gai cột sống là tốt nhất.

Nên dùng hạt của những quả đu đủ vừa chín tới để làm vi thuốc trị gai cột sống. 

Cách dùng hạt đu đủ làm thuốc trị gai cột sống

Bước 1:

Chọn những quả đu đủ vừa chín tới (đu đủ ương), sau đó bổ đôi, lấy hạt ra và cho vào một cái rá hay một miếng vải nhỏ, xát cho lớp màng bọc của hạt bong hết, lấy phần hạt đen bên trong.

Sau khi lấy hạt đu đủ cần xát cho lớp màng ngoài bong ra.

Bước 2:

Cho toàn bộ hạt đu đủ đen vào cối giã nát, nếu cẩn thận để hạt không bị bắn hết ra ngoài thì bạn có thể cho vào một túi vải nhỏ trước khi giã. Nên nhớ trước khi giã cần phải thấm bớt nước bên ngoài, chỉ để hạt hơi ẩm.

Cho hạt đu đủ vào cối giã nát trước khi đắp lên vùng cột sống tổn thương.

Bước 3:

Dùng lạt đu đủ đã giã nát đắp vào vùng cột sống bị gai. Nên dùng gạc hay vải sạch quấn quang vùng đắp thuốc để cố định và giúp hạt đu đủ không bị rời đi. Bạn cũng có thể đắp cho vùng mắt cá hay gót chân có gai, tác dụng cũng sẽ tương tự như gai cột sống vậy.

Thời gian sử dụng thuốc trong bao lâu thì khỏi?

Mỗi ngày bạn chỉ nên đắp hạt đu đủ vào cột sống 1 lần trong khoảng 30 phút. Nếu để quá lâu da bạn sẽ bị tấy đỏ và rát do hạt đu đủ để lâu trên da sẽ khiến da bạn bị bỏng. Kiên trì sử dụng trong khoảng 10 -15 ngày đối với những trường hợp nhẹ và 30 ngày trở lên với trường hợp gai đã quá to. Sau đó bạn nên đi chụp X- Quang lại để xác định chuyển biến của bệnh, xem các gai cột sống đã bị “ăn mòn” đến đâu hay đã bị rụng hoàn toàn.

Lưu ý:

Trong hạt đu đủ có chứa carpine, đây được coi là một độc tố nếu bạn không may ăn phải. Carpine sẽ làm rối loạn nhịp thở, mạch đập của tim và suy nhược hệ thần kinh nếu bạn tiêu thụ với lượng lớn. Khi đắp hạt đu đủ lên da sẽ có cảm giác hơi bứt dứt, như có con gì đó cắn trên da, đó là hiện tượng bình thường nên bạn không cần quá lo lắng. Lưu ý ở đây là không được đắp thuốc quá 30 phút nếu không sẽ bị bỏng da.

Nguyễn Tâm - Tổng hợp
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Mẹ ơi!



Mẹ ơi! Đầu nỗi nhớ
Lữ khách chạnh lòng đau
Cánh hạt mẹ bơ vơ
Cô đơn miền cát lạnh.

Mẹ ơi! Nhớ ngày xưa
Trở trời con cảm lạnh
Thân mẹ làm chăn ấm
Tay mẹ làm gối thương.

Mẹ thức trắng đêm trường
Lòng mẹ rộng mênh mông
Mắt thương nhìn con trẻ
Sưởi ấm trời giá đông.

Mẹ ơi! Con đau lòng
Vào một ngày giá băng
Mẹ đi giữa trời đông
Giá băng sầu vạn nẽo.

Mẹ ơi! Biền biệt xa
Tình mẹ như biển cả
Nay thời thì còn đâu
Mắt con đang ngấn lệ
Nhìn phương trời xa xăm.
Mẹ đi xa thăm thẳm
Bao mùa đông đi qua
Chắp đôi tay con nguyện

Phương trời xa biền biệt
Mẹ về cõi bình yên
An vui miền đất Phật.

NAM MÔ BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM!
Kính dâng hương linh mẹ !
Thích Nữ Nguyên Bích.

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Trên Ngọn Tình Sầu


Ai sống ở đời cũng phải dẫm lên những buồn vui mà đi về phía trước. Có một ngày tôi chợt phát hiện ra mình có những chuyện ngậm ngùi, có thể từng khiến nhiều người thấy buồn, nhưng tôi nhớ hình như chưa nghe ai nhắc tới. Bỗng muốn kể chơi vài chuyện buồn trong số đó cho vui!

Tôi chỉ mới về Tàu hai lần trong mười năm xa xứ. Tôi từng đứng một mình trên bến Thượng Hải Than để ngắm nhìn con sông Hoàng Phố trong đêm, đêm ở đó thường nhiều gió lạnh. Tôi từng một mình thả bộ trong phố đêm Lệ Giang cho đến lúc quán xá bắt đầu đóng cửa. Nhiều và khá nhiều những nơi chốn đây kia trên xứ Tàu đã hút hồn tôi, đến mức đã rời đi cả tháng trời sau đó còn cứ thấy nhớ như điên. Vào ra chỉ mong ngày trở lại lần nữa. Thế rồi một ngày đọc báo, thấy đâu đó những tin tức về mấy vụ nổ quặng mỏ hay tai nạn giao thông ở Trung Quốc có nhiều người chết, tôi bỗng nghe ngậm ngùi bằng một kiểu rất riêng, có lẽ chẳng giống ai. Những người vừa chết đó thường là dân nghèo, những người cả đời cũng không đủ sức đi hết những miền đất tuyệt vời của quê hương mình. Hôm nay họ đi rồi, vẫn chưa kịp biết được quê hương mình kỳ vĩ, cẩm tú đến mức nào. Nghĩ chừng đó thôi, tôi cứ nghe ngậm ngùi nao nao.

Tôi lại có lúc ngậm ngùi khó tả khi nhìn thấy ở đâu đó những ông cụ bà lão lọm khọm trên đường, hay ngồi đờ đẫn trước một hiên nhà nào đó với ánh mắt vô hồn đang dõi nhìn tận đâu. Họ bây giờ đã mất gần hết cái mà người ta gọi là trí nhớ. Họ hồn nhiên như trẻ con, thơ ngây tin cậy và hờn giận ngây ngô. Họ không còn nhớ gì những cuộc hẹn dưới khóm trúc bờ ao đêm trăng năm nào, họ quên mất những ngày mưa ngồi bó gối trông ra bờ đất đầu làng mong ngóng một người quen. Quên hết, quên sạch. Tôi bồi hồi tưởng tượng nếu mấy chục năm trước biết được hôm nay hai đứa đều sẽ như vậy, chẳng biết đôi tình nhân ngày ấy đã nghĩ gì. Vậy rồi tôi cũng buồn nhè nhẹ…

Tôi lại có lúc ngậm ngùi khi nhìn thấy một người nghe đâu đang bị phản bội mà không hay biết, vẫn cứ một dạ sắt son với người tình phụ như đứa bé con tin mẹ. Dẫu đó là chuyện của thiên hạ, tôi cứ ngai ngái một nỗi lo vô duyên. Trời ơi, nếu một ngày chuyện vỡ lỡ ra thì sao chứ. Thương người này, nhưng tôi không biết phải trách người kia ra làm sao. Ai có yêu thì biết mà. Nếu con người ta làm gì cũng bằng sự khôn ngoan hữu lý thì trên đời làm sao có chuyện yêu đương chứ. Trong A-tỳ-đàm cũng nói, ngay trong cái thương hay thích bao giờ cũng có cái ngu đi kèm như trầu với vôi. Vậy rồi tôi chỉ còn biết ngậm ngùi ngó theo một cuộc tình đã không còn gì trước khi bị mất.

Có lẽ tôi nghèo, nên cứ bâng khuâng mỗi khi nghe thấy đâu đó những trò chơi vung tiền của mấy người dư dả, giữa khi trong khắp thiên hạ có những sức sống tuyệt đẹp, lại đang thoi thóp chỉ vì không có nổi một khả năng cơm áo tối thiểu để có thể sống cho ra phận người. Hồi còn bên nhà, nhất là những khi ngồi trên đò xe, tôi không bao giờ quên nổi ánh mắt thèm thuồng của những đứa bé nhà nghèo nhìn mấy đứa khác cùng trang lứa đang gặm một miếng bánh hay que kem, mà nó biết là mẹ mình không mua nổi cho con. Ông Bill Gates từng nói là cuộc đời vốn không bao giờ có chuyện công bằng, hãy ghi nhớ điều đó để không so đo buồn tủi. Tôi tin Phật nên không đồng ý câu nói đó trăm phần trăm, nghĩa là tôi không nghĩ rằng cuộc đời bất công, nhưng mục đích của câu nói đó thì tôi chịu lắm. Bởi cứ đòi hỏi công bằng thì không ai sống nổi đâu. Buồn chết!

Một thiền sư Nhật Bản trên đường hoằng pháp qua các châu lục đã ghé ngang Hoa Kỳ, và khi được các phóng viên hỏi ngài có ấn tượng nào sâu sắc nhất khi tận mắt nhìn thấy đủ thứ ở các nước mà ngài dừng chân. Sau một giây ngẫm nghĩ, vị thiền sư đăm chiêu: “Ở đâu thì cũng chỉ có vậy thôi, điều làm tôi ngạc nhiên là ai cũng biết sống chết là chuyện bất trắc nhưng cứ thích nghĩ chuyện lâu bền chắc chắn”. Với tôi hình như đó cũng là chuyện để ngậm ngùi. Nhiều lúc cầm mấy món đồ nhỏ xíu như cái đồng hồ, bút máy, hay chỉ một chiếc kim băng mà cứ bâng khuâng vớ vẩn. Nếu không bị ai đó cố tình phá hủy thì chắc chắn mấy món đồ cỏn con này sẽ tồn tại trên đời này lâu hơn cả tôi. 

Nhất khoảnh điền thiên niên vạn chủ. Có dịp ghé thăm mấy tiệm bán đồ xưa (antique) thì nỗi ngậm ngùi đó càng sâu. Nhiều món ở đó dễ chừng đã trăm năm, biết đã qua tay mấy đời chủ nhân, bây giờ được bày bán ở đó để chờ đợi một người chủ mới. Những gì bây giờ tôi thương thích nhất, mai mốt không biết về tay ai. Mai mốt ở đây có thể là vài ngày nữa, vài tháng nữa, vài năm nữa hay vài chục năm nữa. Nói tới đây tôi lại muốn lạc đề một chút về cái gọi là những giá trị trong cõi phù vân này. Nhiều khi một món đồ có chứa một giá trị kỷ niệm ghê gớm đối với người này, nhưng với người khác thì chuyện đó chẳng có nghĩa lý gì hết. Mọi giá trị của một món đồ hình như chỉ là chuyện ước lệ, chỉ được áp đặt gán ép một cách tương đối. Thế là những gì tôi nâng niu hôm nay, biết đâu mai kia chỉ là một thứ phế thải trong mắt người khác. Như tôi yêu em, xem em là một nửa đời mình, và suốt kiếp chỉ có thể là gã Tiêu Lang đứng mồ côi cuối đường nhìn theo dáng em mà hoài vọng. Vậy mà em lại thuộc về một người khác, nhưng chẳng là gì trong mắt người ta, bị lãng quên lăn lóc mà vẫn một đời chờ đợi một phút đoái hoài. Còn tấm tình tôi thì em không thèm ngó tới một lần. Đời sống luôn đầy ắp những bi kịch kiểu vậy. Nghĩ đến đó ai lại không ngậm ngùi chứ!

Đã bảo những khổ đau bi hận của cuộc trầm luân là nhiều như cát trong sa mạc, nếu đem chất lại thành đống cũng đủ để làm nên một ngọn tình sầu chứ chẳng chơi. Chẳng qua vì ham chơi, vì tất bật hay lại vì trót sống thơ ngây nên người đời không nhìn thấy ra cái nỗi trầm oan đó. Từ mọi lãnh vực chính trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội, rồi thì cả khoa học, ngó kỹ đâu cũng cơ man là những chuyện buồn. Chợt nhớ một câu ngắn trong hồi ký của nhà thơ Tản Đà mươi năm trước: Cái tội lớn nhất trong đời chính là lợi dụng niềm tin của người khác vào mục đích tư lợi của mình. Ngẫm kỹ, câu nói đó sâu sắc kinh khủng.

Về chính trị, bao kẻ biết chủ nghĩa mình đang theo là tầm bậy, sai lầm, nhưng vì quyền lợi bản thân mà tìm mọi cách nhồi sọ những người thơ ngây, suốt bao thế hệ, để thiên hạ đời đời làm trâu ngựa cho mình. Và kẻ bị lợi dụng lại cứ tưởng mình là con cưng, là kẻ được ban ân sủng nên chung thân cúc cung tận tụy chẳng dám hồ nghi, rồi thì chính mình đánh mất kiếp đời tự do theo một kiểu tôi đòi tự nguyện mà không hay. Đó cũng là cái để người biết chuyện phải ngậm ngùi.

Về tôn giáo, bao người vì mong được mấy chữ tôn sư, giáo chủ gì đó mà không ngần ngại dẫn đưa thiên hạ vào mê lộ. Thiên hạ mỗi người đều có những thao thức, trăn trở nhức nhối nên ai hiểu được nhu cầu tinh thần đó thì tha hồ bày vẽ, thế là chỉ cần đầu hôm sớm mai là đã thành chỗ dựa cho một góc nhân gian. Hành tinh này từ mấy ngàn năm qua đã oằn mình mà chứa bao thứ giáo điều rác rưởi kiểu đó. Cái đau đớn là danh lợi của kẻ giáo chủ kia nhiều lắm cũng chỉ một đời, mà cái di hại cho hậu nhân thì muôn kiếp còn hoài như một vết thương ngày càng lở lói. Lúc bình tâm ngẫm ra chuyện đó, ai lại chẳng một phen ngậm ngùi.

Về khoa học, ai cũng tưởng đó là lãnh vực sạch sẽ khả tín nhất trên đời, nhưng có mấy người ngờ được rằng cái gọi là khoa học đó cũng vẫn là sân chơi của biết bao thứ quyền lực ám muội. Tôi học dốt, chỉ biết rằng có vô số những đầu óc kiệt xuất – thay vì chuyên tâm phát minh những gì cần thiết cho hạnh phúc chúng sinh, thì lại chỉ cúi đầu nhận lấy những cái đơn đặt hàng có nội dung chết người. Họ là những người giữ độc quyền lên tiếng về cái gọi là những kết quả khoa học, nay nói cái này có lợi, mai nói món kia có hại. Rồi thì một ngày vỡ lẽ ra, đó là ý muốn của mấy tay tài phiệt!

Biết được chút chuyện đời, mỗi lần xem đài, đọc báo thấy người ta quảng cáo một sản phẩm nào đó hấp dẫn, hay khi bị bệnh phải uống một viên thuốc tây, hoặc lúc rỗi rảnh ngồi đọc đâu đó dăm bài viết của thiên hạ, tôi cứ ngậm ngùi: Chẳng biết cái nào trong mấy thứ này là thật sự vô hại!

Từ đó, nếu mai này có người cắc cớ hỏi tôi làm sao có thể giải thích ngắn gọn về cái gọi là Khổ Đế trong đạo Phật nguyên thủy, có lẽ tôi còn có thêm một cách nói rất thời thượng rằng: “Cuộc trầm luân có ra sao thì cũng chỉ là một ngọn tình sầu!”

TOẠI KHANH
Huyền Không Sơn Thượng
Sưu tầm: Hanh Nghiêm