Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Tha Thứ Là Hiểu Là Thương



Trong nội dung điều thứ ba (trong 108 điều dạy), Ngài Dalai Lama dạy rằng, “khi có kẻ gây ra tổn thương cho mình thì không nên do dự một chút nào cả, hãy tha thứ cho họ”.

Dễ nói khó làm

Đây là một việc làm tốt, thế nhưng không dễ làm chút nào. Ta có thể khuyên người khác thực hành điều này vì biết rõ nó đưa đến lợi ích cho nhiều người. Ta nghĩ rằng mình có thể tha thứ dễ dàng khi chưa “đụng chuyện”, khi chưa bị người làm tổn thương. Thế nhưng khi xúc cảnh, bản ngã bị chạm đến, ta nhói đau và sự tha thứ lúc này là cả một thử thách lớn.


Nếu chỉ chăm nhìn về một hướng là những nỗi đau người khác gây cho ta, ta không thể nào tha thứ được. Cần phải có một hướng nhìn mới hơn, tích cực hơn dựa trên hiểu biết và yêu thương thì trí ta mới đủ sáng, tâm ta mới đủ rộng để có thể tha thứ. Đây là hướng đức Phật khuyên dạy ta, các bậc tiền bối nhắc khuyên ta từ kinh nghiệm thực tiễn của quý vị và gần nhất là lời khuyên chan chứa ân tình của Ngài Dalai Lama. Ngài dạy rằng, “nếu nghĩ đến những gì đã thúc đẩy họ hành động như vậy thì quý vị tất sẽ thấy rằng đấy chính là những thứ khổ đau mà họ đang phải gánh chịu, chứ không phải là do họ quyết tâm và cố tình làm tổn thương và gây tai hại cho quý vị”. 

Để có sự tha thứ chân thật, ta cần thấy được những nỗi khổ đau của người kia, thấy được những gì họ làm đều có nguyên nhân sâu xa từ những tập khí không lành mà do môi trường sống của bản thân người đó tạo nên mà khả năng người ấy không đủ cưỡng lại, hoặc được thừa hưởng từ những hạt giống của ông bà, cha mẹ người đó trao truyền mà họ không có quyền lựa chọn. Và thật sự họ không muốn làm những điều như vậy, thật sự họ không muốn làm tổn hại đến chúng ta. Họ là người gây ra những lời nói đó, những việc làm đó, nhưng họ cũng chính là nạn nhân của những gì họ nói và làm. Khi hiểu và nhìn ra được họ không cố ý, lòng ta vơi nhẹ hơn nhiều. Khi hiểu họ cũng khổ đau, thậm chí còn nhiều hơn ta, vì những vụng về của họ, ta tha thứ dễ dàng hơn. 

Tha thứ là hành động có ý thức

Ngài Dalai Lama dạy tiếp “Tha thứ là một cách xử sự tích cực dựa vào sự suy nghĩ, chứ không hề là một việc bỏ qua cho xong chuyện. Tha thứ là một hành động ý thức, căn cứ trên sự hiểu biết và chấp nhận thực trạng của những tình huống xảy ra với mình”. Sự sống lúc nào cũng chấp nhận ta, nó chỉ chờ ta tự chấp nhận chính mình và chấp nhận những gì xảy ra quanh mình mà thôi. Tha thứ không có nghĩa là ta bấm nút cho qua để xong chuyện, hoặc gồng mình gánh chịu tất cả những hậu quả từ việc làm của người khác, hoặc tưởng tượng rằng một ngày nào đó những nỗi đau trong ký ức đơn giản là biến mất một cách tự nhiên. Tha thứ thật sự có thể làm được và có ý nghĩa khi ta ý thức được mạng lưới chằng chịt nối liền của nhân duyên, của những điều kiện đã tạo nên hành động của mình và của người. Trên cơ sở của sự hiểu biết đó, ta sẽ biết thương mình và người khác nhiều hơn và thật hơn.

Đồng bệnh tương lân

Người ta thường nói “đồng bệnh tương lân”, cùng bệnh biết thương yêu nhau, quả thật như vậy. Xét cho cùng, tất cả chúng ta đều chưa là người giác ngộ, thì tham, sân, si là tài sản chung của tất cả. Dưới sự tác động của ba độc này mà ai đó vụng về làm tổn thương đến ta, thay vì giận hờn trách móc, ta khởi tâm thương họ, cũng như thương chính mình, khi chưa thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của tham, sân và si. Khởi tâm thương họ mà tha thứ, khởi tâm thương họ mà cảnh tỉnh mình, khởi tâm thương họ khi thấy sự liên hệ mật thiết giữa mình và người, giữa người gây ra tổn thương và người hứng chịu tổn thương ấy. 

Đức Phật có dùng một ví dụ rất hình tượng để diễn tả tính cách liên quan và liên đới, mối quan hệ nhân quả của những sự kiện xảy ra với nhau. Khi nước trong đại dương theo thủy triều dâng lên cao, nước trong các con sông cũng sẽ dâng lên theo; khi nước sông dâng lên, nước trong các hồ lớn, kênh rạch cũng sẽ dâng lên. Khi nước trong đại dương theo thủy triều hạ xuống thấp, nước trong trăm con sông cũng sẽ hạ thấp, và nước trong hồ, kênh, rạch cũng thế. (Tương ưng bộ kinh, tập II, chương I, phẩm 7, kinh số 9 [Sii. 118]) Sức hút của mặt trăng tác dụng lên khối lượng nước trên quả đất khiến chúng chuyển động rất tương hợp với nhau. Khi một cái này phát khởi lên, sẽ khiến một cái kia có liên hệ với nó phát khởi lên theo. Bất cứ một sự kiện nào có mặt chắc chắn cũng sẽ bị điều kiện bởi một cái khác. Cũng thế, tất cả mọi yếu tố có liên hệ đến sự hiện hữu của ta – thân này, tâm này, thế giới trong ta, thế giới quanh ta – đều có một mối liên hệ rất mật thiết với nhau.

Cuộc sống rồi sẽ vui tươi hơn

Cuộc sống luôn vận hành không ngừng, nhưng vì chưa thấu hiểu quy luật vô thường này nên chúng ta thường có nhiều định kiến, chính điều này nhấn chìm chúng ta trong khổ đau do chính mình tạo ra. Như một cuộn phim sống động, cuộc sống sinh động đầy thú vị, ta lại có cái nhìn “chụp hình” ở thế tĩnh. Lấy cái tĩnh áp đặt lên cái động đã là phi khoa học rồi. Như người ngồi trên thuyền đang vận hành mà đánh rơi thanh kiếm giữa dòng sông, kiếm rơi xuống dòng nước chảy, thuyền vẫn cứ đi, mà ta lại đánh dấu ở mạn thuyền “kiếm rơi tại đây” để rồi khi thuyền cập bờ ta cố công tìm thanh kiếm ngay vị trí đánh dấu ở mạn thuyền thì làm sao có kiếm? Tha thứ là không “khắc chu cầu kiếm” khi tạo cho người kia cơ hội làm mới tích cực hơn. Tha thứ là ta biết trân trọng giá trị của giáo dục, nhất vai trò của môi trường giáo dục, trong quá trình hoàn thiện con người. Tha thứ, là ta trao cho người từng làm tổn thương mình một niềm tin, một sự tôn trọng cần thiết để họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Khi có thể tha thứ thật lòng, tình thương như một chất liệu tự nhiên trong lòng của chúng ta có mặt thật sự. Và sự tha thứ, tình thương này chính là nước mát mẻ làm lành những vết thương mà người kia đã làm cho ta đau khổ.

Posted by Hằng Như at 8:43 PM
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Hoa Chuối




Bắp chuối (hoa chuối) là rau quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, dùng trộn gỏi, nấu canh hoặc làm rau ghém ăn kèm các món bún rất ngon. Với phụ nữ, hoa chuối còn có mtác dụng điều hòa kinh nguyệt, ngoài ra đây cũng là thực phẩm thích hợp với những bà mẹ đang cho con bú vì giúp kích thích tuyến sữa.

Bắp chuối có hương vị tự nhiên như atiso, dùng được cả phần vỏ bên ngoài lẫn phần lõi bên trong. Trong 100g bắp chuối cung cấp khoảng 51 calo; 1,6g protein; 0,6g chất béo và các chất khác như canxi, phốt pho, sắt, đồng, kali, magiê, vitamin E có nhiều công dụng đối với sức khỏe.


1. Tốt cho bà mẹ đang cho con bú 

Bà mẹ mới sinh nào cũng mong muốn cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, nhưng không phải ai cũng có nhiều sữa cho bé. Bắp chuối có tác dụng kích thích tuyến sữa, giúp các bà mẹ nuôi con tốt hơn.

Bạn có thể chế biến nhiều món từ bắp chuối để đổi vị, như nấu canh với tôm, cá chép hoặc hầm chân giò, hay dùng bắp chuối xắt nhỏ, luộc chín sau đó trộn với mè làm món gỏi...

2. Điều trị nhiễm trùng

Chất ethanol trong bắp chuối có tác dụng điều trị nhiễm trùng, gây ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn gây bệnh. Bắp chuối cũng giúp chữa lành vết thương. Theo một nghiên cứu, chiết xuất ethanol từ bắp chuối có thể hạn chế sự phát triển của ký sinh trùng sốt rét.

3. Ngăn ngừa các gốc tự do

Hợp chất methanol của bắp chuối có đặc tính chống oxy hóa, giúp ngăn chặn các gốc tự do gây hại cho cơ thể, phòng ngừa các căn bệnh nghiêm trọng như ung thư. Với phụ nữ, chất chống oxy hóa trong bắp chuối còn là vị thuốc tự nhiên chống lại quá trình lão hóa, duy trì sự tươi trẻ cho cơ thể.

4. Điều hòa kinh nguyệt

Mỗi phụ nữ đều có tình trạng kinh nguyệt khác nhau, một số người phải vượt qua triệu chứng tiền kinh nguyệt, số khác thì bị ra máu quá nhiều. Bắp chuối có thể giúp bạn giải quyết những rắc rối này. Bạn có thể xắt nhỏ bắp chuối, nấu chín sau đó dùng kèm với phô mai hoặc sữa chua, món ăn này sẽ giúp tăng lượng hoóc-môn progesterone trong cơ thể và làm giảm lưu lượng máu, giúp điều hòa kinh nguyệt.

Ngoài ra, bắp chuối còn có công dụng làm giảm lượng đường trong máu và tăng nồng độ hemoglobin trong cơ thể.

5. Dồi dào chất khoáng và vitamin

Bắp chuối là thực phẩm giàu vitamin, nhất là vitamin A, C và E, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, chúng còn chứa nhiều chất xơ, rất tốt cho những người có vấn đề về đường ruột.

Bên cạnh đó, bắp chuối cũng là liều thuốc chữa trị trầm cảm tự nhiên mà không có tác dụng phụ. Nếu cảm thấy lo âu thì bạn nên ăn các món chế biến từ bắp chuối vì chúng có chứa magiê, giúp giảm lo lắng và kích thích tinh thần. 

Theo Suckhoedoisong.vn
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

Tâm Cảnh Tuỳ Duyên



Đến đi vạn sự tùy duyên
Tâm thôi dính mắc não phiền xả buông
Nhập vai với những vui buồn
Nào bi hài kịch tấn tuồng khác chi

Diễn xong chẳng bận bịu gì
Xuất thần nhập cốt ly kỳ tâm hoa
Vô bố úy sống chết là
Thấy vô lượng nghĩa bãi tha ma này

Khải hoàn một khúc hoang say
Bình thường tâm địa tháng ngày tịch nhiên
Còn trong ta ngọn lửa thiêng
Vẫn bừng cháy mãi cõi miền phiêu linh

Không chiêng trống, không đám đình
Cũng như dòng chảy vô hình lướt qua
Thế nhân mặc kệ ai là
Sắt son một dạ lòng tha thiết lòng.

Tâm Lê
07.02.2017
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Nhìn Lại Chính Mình



" Ta phải thỉnh thoảng nhìn lại chính ta trong lúc đang nói hay đang làm một điều gì. Ta hãy quán chiếu bản thân ta để trước hết là ta thấy ta đang nói điều đó hay đang làm điều đó. Chỉ từng ấy thôi cũng đủ đưa ta về chính niệm cho dù trong khi đó nói điều kia ta đã có thể đi xa chính niệm đến hàng muôn dặm. Ta nên biết rằng mỗi lần quán chiếu tự thân như thế ta chỉ tiêu xài một vài giây đồng hồ. Nhưng chính một vài giây đồng hồ đó có thể thắp lên một mặt trời trong thế giới của ta và giải phóng ta khỏi thế giới quên lãng bị động có tính cách mê ám. Mỗi ngày ta có thể dành được bao nhiêu giây đồng hồ công trình quán chiếu này? Bậc giác ngộ là người quán chiếu thường xuyên tự tâm mình. Ta là người quyết tâm học theo các bậc giác ngộ, chẳng lẽ ta không để dành được vài phút trong một ngày cho công trình quán chiếu quan trọng ấy sao? Ta nên biết, dù chỉ có thể tiêu xài vài ba phút trong ngày cho công trình quán chiếu tự tâm, ta cũng đã làm cho cuộc đời ta sáng rỡ và có ý nghĩa vạn lần hơn trước ".

_Thiền sư Thích Nhất Hạnh_

Thích Nhật Từ Fanpage
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Thiên La Địa Võng



Nhiều khi trong đời có những chuyện vớ vẩn mà cứ bắt mình phải bận lòng đến thê thiết mới lạ. Sáng nay tôi đọc báo thấy giới nhà giàu trong nước có người dám bỏ ra cả tỉ đồng, tức khoảng năm bảy chục ngàn Mỹ kim, để mua vài con cá kiểng loại quý hiếm về nuôi trong nhà cho vui. Ngó ảnh chụp mấy con cá đắt tiền đó, tôi chợt nghĩ đến một chuyện thiệt ngộ. Trong thiên nhiên làm gì có sẵn những loài động vật chỉ để nuôi trong nhà. Chắc chắn phải có những người đầu tiên nghĩ ra việc nuôi nhốt động vật nhằm vào mục đích gì đó, lâu ngày thiên hạ thấy hay thì bắt chước theo. Có thể những thế hệ gia cầm, gia súc đầu tiên đã phải khổ sở lắm lắm mới có thể thích nghi với kiểu sống lồng chậu chuồng cũi, rồi theo thời gian, đám con cháu của chúng cũng quen thuộc và thậm chí e sợ kiểu sống hoang dã.

Theo dòng suy tưởng vớ vẩn về mấy con vật nuôi đó, tôi bất giác rùng mình khi nghĩ đến thế giới loài người. Hình như đâu chỉ chim cá mới bị nuôi nhốt, mà cả con người hình như cũng vậy, cũng đều qua hành trình "Trước Lạ Sau Quen" ấy để mà trở thành những nô lệ. Chẳng hạn ở đâu trên hành tinh này lại không từng có những điền chủ, lãnh chúa với bao nông nô và tá điền để họ đày đọa, bóc lột. Một chuyện nghe qua thấy khó tin lắm: Ai lại ngu ngốc gì đi làm tôi đòi cho người khác? 

Nhưng nguồn gốc của sự tình thì hình như là thế này, đơn giản lắm thôi. Lúc đầu người này đóng vai kẻ tốt bụng để cưu mang người kia là kẻ cơ nhỡ. Tôi cho anh ăn mặc, nhà ở và việc làm, và anh làm việc cho tôi. Cứ sống trên đất của tôi, rồi trồng tỉa chăn nuôi, đến lúc thu họach thì chia đôi, có điều là phần của anh luôn là con số lẻ. Chuyện đó đúng quá mà. Anh mang ơn tôi còn chưa kịp, nói gì là trách móc phàn nàn. Chuyện thảm ở chỗ là ở đời anh và tôi thì ai cũng biết mối quan hệ nặng nề giữa chúng ta, nhưng qua vài thế hệ nữa, con cháu chúng ta sẽ mặc nhiên xóa bỏ cảm giác nặng nề đó. Con cháu của anh vừa lọt lòng mẹ đã thấy con cháu của tôi ngồi trên đầu nó, tự nhiên và dễ hiểu như mây bay bên trên ngọn cây, như nước phải chảy xuống thấp và khói phải bốc lên cao. Vậy thôi. Quan hệ chủ tớ lúc này không chỉ nằm trong quan hệ xã hội nữa, nó còn là vấn đề tâm thức: Đứa con của người tá điền đã là nô lệ ngay từ đáy lòng!

Theo đó mà nói, có được mấy người trong nhân loại hôm nay lại chẳng đang là một con cá kiểng, một đứa bé nô lệ bẩm sinh. Ai trong chúng ta lại không đang phục lụy cúi đầu trước một thứ gì đó để sống: Bên cạnh việc thường xuyên chịu thua trước bản năng bất thiện của mình, có người còn phải cúi đầu vô điều kiện trước những áp đặt của kẻ khác, trong đó có rất nhiều thứ quái gở và vô lý. Mọi suy tư và sinh hoạt của mỗi người thường y cứ trên một trong hai nền tảng đó. Từ ngày chào đời đã nghe tuyên truyền nhồi sọ, hết trường lớp thì còn có bao thứ sách báo, TV và Radio. Người ta đã phải trưởng thành với bao thứ nhét đầy trong tai, trong óc, trong tim. May mắn nhét được thứ tốt lành thì đó là hành trang sống đời, để mà chắp cánh lên mây. Xui xẻo gặp thứ khó ngửi thì lập tức trở thành con cá lia-thia hay chim nhồng, chim két cho người ta giam cầm. Từ đạo đức, văn hóa, khoa học, đến tôn giáo, triết học, chính trị… đều hoàn toàn có thể là lồng chậu, chuồng cũi cho bất cứ ai e sợ niềm tự do trong thiên nhiên. Ông F. Nietzsche của Đức có câu này hay lắm: “Con người là cái gì đó cần được vượt qua!”.

Ta sợ gì mà không thử xét lại điều mình vẫn cho là đúng? Nhút nhát quá thì cứ vào phòng đóng cửa trùm mền rồi lén lút suy tư, hay vào rừng lên núi khoét lỗ chun xuống để nghiền ngẫm một lần thiệt đàng hoàng xem sao? Nếu đến cả chuyện đó cũng không dám làm thì anh đúng là con cá kiểng của ai đó rồi. Tôi đau lòng vì anh, đau hơn cả một người con gái nhìn thấy gã người yêu của mình cứ suốt ngày níu áo mẹ.

Tôi là một người tin Phật, nhưng vẫn muốn mượn giọng Kinh Thánh để thưa rằng, phúc cho ai biết nghĩ trước khi tin, và đã tin rồi vẫn thường nghĩ lại. Tôi không hề hi vọng bất cứ đồng đạo nào của tôi chỉ tin Phật qua một cơ hội nào đó, rồi suốt đời không dám nghi hoặc. Một Phật giáo không có tra vấn thì không thể là ánh sáng cho ai được, nhiều lắm chỉ là một lối mòn. Dù đời hay đạo, hệ thống tư tưởng nào cấm người ta nghi ngờ thì ai cũng có thể là người khai sinh ra cái quái thai đó cả. Điều khó khăn nhất của một ông tổ là dám công khai mời gọi mọi thử nghiệm, tra vấn. Người ta xưa nay không dám đứng lên đặt câu hỏi thường chỉ vì hai nỗi sợ hãi: E ngại người khác và không dám nhìn thẳng vào chính mình. Kẻ không biết gì nên bị phỉnh thì đáng tội rồi. Cái đáng tiếc nhất là có người biết rõ mọi chuyện hoặc vẫn có lòng ngờ nhưng vì thiếu cả quyết nên tiếp tục theo đuổi đường cũ. Ở đời của họ vấn đề chưa nghiêm trọng bằng các thế hệ con cháu hay đệ tử kế thừa trung thành nếp nghĩ của họ. Lớp hậu tấn đó sẽ như những đứa con của người nô lệ, chấp nhận thờ phụng ai đó mà không cần tìm hiểu. Đến nước này thì nói thiệt, tôi không biết họ khác biệt chim cá trong lồng chậu chỗ nào: Cũng mãn nguyện với những gì hiện có, không muốn tìm hiểu gì ngoài ra, và tệ hại nhất là e sợ tự do.

Từ đầu bài viết, tôi nhớ mình chưa hề kêu gọi ai nổi loạn hay bất tuân, chỉ đề nghị một khả năng biết đặt những dấu hỏi một cách lễ phép và trách nhiệm, trách nhiệm với mình và với đời. Anh hoàn toàn có thể làm việc này ngay khi đang rất mực khiêm tốn dễ thương trước ai đó. Điều tôi muốn làm trong bài viết này là nhắc đến hai thứ chuồng cũi hay lối mòn trong đời: Do chính mình huân tập thành nếp hoặc do ai đó áp đặt. Rõ ràng, lý tưởng cao nhất của đời sống là giữ lại cái hay và bỏ đi cái dở, nhưng để có thể làm được việc đó, trước hết anh phải biết nghi ngờ con đường dưới chân mình. Hãy cẩn trọng trước cái mình thương thích và điều mình ghét sợ. Chính chúng đưa ta vào những chuồng cũi. Hãy biết nghi hoặc. Bởi nhiều lúc sự yên tâm quá sớm cũng dẫn đến chết người.

Nếu ngay bây giờ có người hỏi tôi đã dựa vào cái gì mà bước đi trên đường đời hay nẻo đạo, trước hết tôi sẽ nhỏ nhẹ thưa rằng tôi là một người dốt (không phải cách nói vờ khiêm tốn), nên tôi chỉ có thể hiểu được một ít chuyện, trong đó có lời Phật. Nhờ hiểu ít nên dễ nhớ lâu, rồi lấy đó làm đèn rọi đường. Tôi chỉ hiểu và nhớ đại khái ba chuyện thôi. Trước hết, cái gì cũng vô thường nên phải cẩn thận trước khi cho cái gì là tuyệt đối. Chuyện đời luôn biến đổi, các nguyên tắc hay quy luật gì đó nhiều khi phải được xét lại. Điều thứ hai, tôi tin lý nhân quả (đời hay đạo đều có) nên tự thấy mỗi người trước sau phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì mình suy tư và thực hiện. Và đó cũng là cái cớ để đừng bao giờ cực đoan, vì nếu điều ta nghĩ là chuyện bậy thì lúc nào đó chính mình sẽ lãnh đủ. Điều cuối cùng, tôi thấy hình như khi sống thiếu tỉnh thức (không đủ trí tuệ và chánh niệm để biết mình là gì và đang ra sao) thì người ta dễ dàng mắc vào hai chuyện này: Sống đau khổ hơn và dễ làm ác hơn. Khi anh sống lệ thuộc mù quáng vào ai đó, anh sẽ khó lòng tỉnh thức, bởi phần lớn tim óc của anh đã thuộc về người khác. Anh không thể điều động, vận dụng cái gì không thuộc về mình. Anh chỉ có thể sống tỉnh thức, khi anh hiểu tự do là gì và có được tự do!

Chiều nay, nếu có người đến hỏi tôi về chuyện tu học, tôi sẽ thưa rằng điều cốt tử phải làm chính là ngoài việc không khiến mình trở thành một con vật nuôi trong nhà ai đó, còn phải cẩn trọng với những chuồng cũi do chính mình tạo ra để tự chui vào. Trong bài viết trước (Ai Khỉ Hơn Ai), tôi đã tình cờ đề nghị pháp môn Hầu Thiền, Thiền Khỉ, nhằm kêu gọi sống sao cho đừng giống khỉ. Trong bài viết này, cũng thật ngẫu nhiên, tôi lại mong mỏi ai kia đừng trở thành chim lồng cá chậu. Nếu điều tôi viết không là vung tay quá trán, thì rõ ràng thứ gì trong đời này cũng có thể là những công án cho ta một đời tham chiếu. Mong thay!

TOẠI KHANH
Nguồn Huyền Không Sơn Thượng
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

Cư Trần Lạc Đạo Phú Đệ Bát Hội.


Chưng ấy:
Chỉn xá tua rèn;
Chớ nên tuyệt học.
Lay ý thức chớ chấp chằng chằng;
Nén niềm vọng mựa còn xóc xóc.
Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ;
Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cốc.
Dựng cầu đò, dồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu;
Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc.
Rèn lòng làm bụt, chỉn xá tu một sức dùi mài;
Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc.
Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay;
Trọng bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc.
Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo;
Rất thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi dọt lọc.

                                           Trần Nhân Tôn
Chữ Nôm:

第八會
徵意
㐱舍須煉
渚年絕學
來意識渚執澄澄
裵念妄罵群觸觸
功名忙(-)意全羅仍打疑(-)
福慧兼奴㐱買可年勜實谷
鄧橋渡,搥廛塔,外莊嚴事相矣修
刪喜捨,軟慈悲,內自在經峼恒讀
煉峼乄孛,㐱舍修蔑飭搥埋
待葛見釺,群吏沛饒番瀘淥
娂經讀錄,乄朱朋所体所処
重孛修身,用罵磊蔑絲蔑泘
穷尼言句,㐱庄兮蔑丿櫀盧
栗所機關,罵群底爑唏突祿

Nguồn: Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1977

Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Con Hãy Buông Tay



Bị hổ rượt, chàng trai bám vào cành cây sắp gãy cầu cứu Phật, Đức Phật nói: ‘Con hãy buông tay!’ 

Một người đàn ông bị con hổ dữ rượt đuổi. Anh chạy thục mạng không dám ngoái đầu nhìn lại. Cuối cùng khi đến bờ vực thẳm anh không thể chạy được nữa, trong khi đó con hổ vẫn còn ở phía sau.

Lúc này người đàn ông rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Một bên là con hổ đói đang hau háu nhìn, còn một bên là vực thẳm sâu hun hút. Anh nhìn xuống, từ trong vách đá dựng đứng kia có một cành cây chĩa ra. Nghĩ rằng cành cây có thể là cứu tinh giúp anh thoát khỏi nanh vuốt hổ dữ, anh bắt đầu trèo xuống và bám vào đó.

Nhưng thật không may, một con chuột từ đâu chui ra và bắt đầu gặm cành cây này. Chẳng mấy chốc cành cây sẽ không chịu đựng nổi sức nặng của cơ thể anh. “Thôi rồi, thế là mình chết chắc rồi…” anh vừa nghĩ vừa nhìn xuống phía dưới.


(Ảnh minh họa/Nguồn: Sưu tầm)

Quá sợ hãi, anh ngẩng lên và cầu nguyện: “Ông Trời ơi, xin hãy cứu con… Con sẽ làm bất kể điều gì nếu như ngài yêu cầu”.

Bỗng một giọng nói vang lên từ không trung: “Con sẽ làm bất cứ điều gì ta yêu cầu chứ?”

Mặc dù rất kinh ngạc trước giọng sấm vang rền ấy nhưng người đàn ông vẫn đáp lại: “Thưa vâng, con sẽ làm mọi thứ… chỉ mong ngài hãy cứu con”.

Giọng nói từ không trung lại trả lời: “Chỉ còn cách duy nhất này thôi, nhưng đòi hỏi con phải có niềm tin và lòng can đảm. Vậy con có tin ta không? Có dám làm như lời ta chỉ dạy không?”

Phía trên vách núi, con hổ vẫn gầm gừ và nhìn anh bằng ánh mắt thèm thuồng, còn cành cây thì trĩu xuống ngày một nặng hơn.

Con cầu xin ngài, hãy giúp con tai qua nạn khỏi. Hãy cho con biết giờ con cần phải làm gì?”


"Được, ta chỉ có duy nhất một yêu cầu này thôi,” giọng nói trên không từ tốn đáp. “Đó là…
…Con hãy buông tay ra!”

Một giây…

Hai giây…

Một phút trôi qua…

Lại thêm một phút nữa…

Cuối cùng, lấy hết sức bình sinh người đàn ông cũng nhắm mắt và buông tay. Không biết anh đã nằm bất tỉnh bao lâu, chỉ biết rằng khi tỉnh lại, anh thấy mình đang nằm trên chiếc xe chở đầy cỏ khô. Người ta nói rằng anh thật may mắn khi rơi đúng vào lúc đoàn xe này đi ngang qua đó. Nhưng còn một bí mật nữa mà có lẽ anh không biết là, nếu buông tay sớm thêm hai phút nữa, anh sẽ hạ cánh an toàn xuống đoàn xe chở đầy bông và bọt biển; còn nếu chậm thêm chỉ một chút nữa thôi, anh cùng với nhành cây sẽ rơi xuống mặt đường toàn sỏi đá…


(Ảnh minh họa/Nguồn: Sưu tầm)

Trong cuộc sống, có phải mỗi chúng ta đều nắm giữ những thứ không-thể-buông-bỏ được? Ví như kẻ si tình lưu luyến hình ảnh một “nàng thơ”, dù người ấy nay đã thành gia lập thất? Hay ví như những người coi trọng công danh sự nghiệp luôn phấn đấu hết mình để được thăng quan tiến chức, cho dù họ phải đánh đổi bằng phẩm giá hay nhân cách của mình? Người muốn sống nhưng không buông được nỗi sợ chết trong tâm. Có vô vàn những trường hợp như thế, nhưng dẫu bạn coi trọng điều đó đến đâu, thì suy cho cùng cũng chỉ là những “nhành cây chìa ra từ vách đá”…

Và nếu đó quả thật là những “nhành cây chìa ra từ vách đá”, thì có ích gì để nắm giữ mãi mà không buông? Cứ chấp vào những thứ không nên giữ, thì chúng ta sẽ không thể nhận ra những điều tốt đẹp đang đợi chờ phía trước.

Bởi vậy, khi cuộc sống không diễn ra như mong đợi, có thể đó là lúc nhắc nhở bạn rằng: “Hãy buông tay!” Buông bỏ cũng là một mỹ đức mà chỉ những ai can đảm phi thường mới có thể làm được. Và vì sao Phật gia giảng cần từ bỏ chấp trước, sống thuận theo tự nhiên? Phải chăng khi chúng ta dám buông bỏ, thì một cánh cửa đóng vào cánh cửa khác sẽ mở ra?

Hồng Thúy 
Nguồn: ĐKN
Sưu tầm: HanhNghiêm