Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Ngác Ngơ Xuân Mộng!




Ngẩn ngơ bởi mối tình bậu cửa!
Mĩm cười khi thoáng thấy em qua!
Viết cho ngày mai mầu nhiệm trải dài...
Trên vạn dặm tình yêu màu sữa!

Không lời khi bước nhẹ mà sâu
Viết lại trên hoa ..mối tình đầu!
Tóc tiên buộc với cành hoa nắng!
Trên tim ... lời tỏ chẳng thành câu!

Ba mươi năm lẻ...vết nương dâu
Ba mươi mùa xuân qua lại cầu...yy
Đời chiều cơn sóng lòng quên tuổi!
Thoáng bóng mùa hoa, nhớ mắt sâu!

Một năm lẻ nữa đi qua cửa!
Một mùa xuân nữa cắn hạt dưa!
Trên đầu cọng tóc già nhẩm tính...Một chút mới vừa... đời đã xưa! 

Xin ừa! Vâng ạ! ...Dạ thưa!
Trái vừa chín mọng, tình vừa oằn cây! 🍀🌸🌼🌸💕🍀
Hannghiem Nguyen

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Trí Thức và Trí Tuệ



Thông thường người ta thường lẫn lộn giữa trí thức và trí huệ.

Những người có học thức, có bằng cấp thế gian thì ta gọi là trí thức. Người trí thức được xem là thông minh vì có sự hiểu biết rộng rãi. Khi đến với đạo Phật, họ có thể hiểu giáo lý nhanh chóng hơn người bình dân thất học, nhưng không phải vì vậy mà được xem là có trí huệ.

Những giáo sư Phật học ở các đại học là người biết nhiều về Phật giáo nhưng những điều họ nói và dạy không ăn nhằm gì đến cuộc sống của họ cả. Họ vẫn uống rượu, hút thuốc, chơi bời, hưởng thụ, tham dục, chìm đắm trong cuộc đời như bao nhiêu người không biết đạo. Do đó đối với đạo họ vẫn là người vô minh.

Có trí huệ là người thấy rõ nguyên nhân của khổ và biết tu tập, ly dục, tu tâm sửa tánh để thoát khỏi vòng chi phối của tham, sân, si.

Trí thức là cái biết đến từ bên ngoài nhờ thâu thập kiến thức, còn trí huệ là cái biết xuất phát từ bên trong nhờ sự tu tập, thực hành được những điều mình biết và nó có công năng giải thoát.

Thí dụ ta biết đời là khổ, vô thường, vô ngã, nhưng ta vẫn bám víu vào cuộc đời, bám víu vào của cải vật chất, danh vọng và khổ đau vì chúng, như vậy cái biết này tuy có mùi đạo nhưng vẫn còn thuộc về trí thức chứ chưa phải là trí huệ.

Chỉ khi nào cái biết (về đạo lý) khiến ta thực sự xả bỏ mọi bám víu, ham muốn, ưa ghét, giận hờn thì đó mới là trí huệ.

Thích Trí Siêu
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Người Phật Tử



Người Phật tử chân chính không nên thân cận, cung kính, cúng dường cho Sa-môn không có đạo hạnh, truyền bá mê tín mượn đạo tạo đời. Trong kinh Đại bát Niết-bàn I, phẩm Tứ y Phật dạy rất rõ ràng về phép lễ kính chư Tăng: “Này Ca Diếp! Trong chư Tăng, có chân thật Tăng, có giả danh Tăng, có trì giới Tăng, có phá giới Tăng. Trong Đại chúng ấy, phải bình đẳng cúng dường, cung kính, lễ bái. Vì với mắt thịt, hàng cư sĩ không thể phân biệt được vị nào trì giới, vị nào phá giới, ai là chân thật Tăng, ai là giả danh Tăng... Này Ca Diếp! Nếu đã biết rõ đó là Tỳ-kheo phá giới, thời chẳng nên cung kính cúng dường. Nếu trong chư Tăng có người phá giới, chẳng nên vì đắp ca-sa mà cung kính lễ bái”.

Trong giới luật nói: “Nếu có Tỳ-kheo phạm tội Du-lan-giá, thời không nên thân cận. Những gì gọi là tội Du-lan-giá? Có Tỳ-kheo thấy cọng chỉ trong xâu hoa, không hỏi xin mà lấy, là mắc tội Du-lan-giá. Nếu vì tâm tham mà phá hoại tháp Phật thời phạm tội Du-lan-giá. Phật tử vì muốn tu bổ cúng dường xá-lợi v.v…, mới mang châu báu tiền bạc gởi các Tỳ-kheo. Tỳ-kheo nhận rồi, bèn tự ý thọ dụng, đây là hạng bất tịnh, sinh nhiều đấu tranh. Cư sĩ tốt, không nên gần gũi cúng dường”, là lời Phật nói.

Nếu nói: “Nếu có Tỳ-kheo vì cầu lợi, rồi làm nhiều cách dua nịnh dối trá, tuy giữ đúng oai nghi, ở riêng nơi yên vắng nhưng chỉ với mục đích cầu lợi, khiến người đời tưởng mình là bậc tốt nhất đã chứng quả thánh, là bậc phước điền lớn. Tỳ-kheo này nhiều ngu si. Nếu có Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào làm như vậy thì mắc tội đại vọng ngữ…”, là lời Phật nói. 

Tăng bảo chân chính là người kế thừa và thay thế Phật Tổ truyền dạy chánh pháp sống đời đạo đức, chuyển hóa tham-sân-si thành vô lượng trí tuệ từ bi cho mọi người, là bậc mô phạm giáo hóa chúng sinh không biết mệt mỏi nhàm chán, vì thế mới gọi là Tăng bảo chân chính. Đó cũng là lý do để mọi người phải thân cận, tôn kính và cúng dường.

Gọi là Tăng bảo, thì không thể chỉ có danh suông mà phải có chất lượng về tu học và dấn thân đóng góp với tinh thần vô ngã, vị tha. Nếu chỉ có danh mà không chất thì không phải là “Tăng bảo chân chính” mà là “ ma Tăng thời mạt pháp mượn đạo tạo đời”. Ở đây, Phật dạy phải thân cận, cung kính, cúng dường Tăng bảo chân chính.

Trong kinh Tâm địa quán báo tứ ân, Phật phân Tăng bảo thành ba hạng người như sau:

1-Bồ-tát Tăng, như Văn Thù Sư Lợi và Di Lặc…

2-Thanh văn Tăng, như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên…

3-Phàm phu Tăng, là những vị đã giữ giới pháp chân chính, có đầy đủ chánh kiến, hay vì người khác diễn nói giảng dạy Phật pháp, tin sâu nhân quả, dứt ác làm lành, luôn làm lợi lạc cho mọi người, gọi là phàm phu Tăng chân thật tu hành.

Ba hạng trên gọi là Chân thật phúc điền Tăng.

Như vậy tiêu chuẩn thấp nhất mà Tăng bảo chân chính cần có để mọi người có thể y đó thân cận, cung kính, cúng dường là phải có giới luật, có chánh kiến, thường giảng dạy tin sâu nhân quả và dấn thân đóng góp giúp đỡ mọi người khi có nhân duyên, nếu có lỗi thì phải biết ăn năn sám hối và cố gắng sửa sai. Ngoài những vị Sa Môn như thế thì không nên thân cận và cúng dường.

Một chàng nghệ nhân rất nổi tiếng vì tài năng của mình nhưng lúc nào cũng tỏ vẻ khó chịu vì muốn tạc một pho tượng Phật và một pho tượng ma, thực tế thì anh chưa tìm ra hình mẫu lý tưởng nào cho phù hợp với ước muốn của mình. Trong lúc anh đang suy tư, tìm tòi thì một người bạn rủ anh đi chùa lễ Phật. Anh ta hỏi “Phật ở đâu?” Người bạn nói “đi thì biết”. Đó thật là một cơ hội ngẫu nhiên, anh ta cùng bạn đến chùa lễ Phật và được vị trụ trì tiếp đãi với phong cách trang nghiêm, điềm đạm và tự tại nên hấp dẫn anh rất nhiều.

Lần đầu tiên được gặp vị sư nên anh hoan hỷ phát tâm cúng dường một số tiền lớn với điều kiện ngài phải làm mẫu cho anh tạc tượng. Bức tượng được làm xong chỉ trong thời gian ngắn, ai ai nhìn qua cũng trầm trồ khen ngợi vì phong thái trang nghiêm, trong sáng lạ thường. Mọi người nhìn thấy đều quỳ xuống đảnh lễ với tâm cung kính hết sức chân thành. Từ đó về sau không ai còn gọi anh ta là nghệ nhân nữa mà gọi anh ta là bậc Thánh tượng.

Tiếp theo đó anh lại chuẩn bị công trình tạc tượng ma nhưng hình dáng ma quỷ ở đâu để anh tạc đây, đó cũng là vấn đề rất nan giải. Phải mất một thời gian dài để anh tìm được người hung dữ nhất nhưng không ai có ngoại hình vừa ý anh. Cuối cùng, anh cũng tìm được một người như ý nhưng họ đang ở trong tù vì tội giết người nên đang chờ án tử hình. Anh rất phấn khởi vì tìm được một người như thế thật đâu phải dễ, nhưng khi đối diện với tên tử tù và chuẩn bị tạc tượng thì anh ta bỗng khóc rống lên như đưa tang mẹ.

Anh nghệ nhân ngạc nhiên hỏi, “bộ ông sợ chết hả?” “Bộ nhà ngươi không còn nhớ ta hay sao, cách nay hơn một năm anh tạc tượng Phật đã lấy ta làm mẫu, giờ tạc tượng ma anh cũng lấy ta làm mẫu, sao lại oan gia trái chủ như thế này, tại sao ngươi lại biến ta từ Phật thành ma như vậy? Anh nghệ nhân nói, “sao có chuyện lạ kỳ như vậy chỉ trong một thời gian ngắn. Tôi khi trước tạc tượng Phật lấy hình dáng Ngài làm chuẩn với phong thái siêu phàm thoát tục, còn Ngài bây giờ hãy xem lại hình dáng của mình đi, thật đáng giống với ma với quỷ” “Ông không biết đó sao, vì trước kia ông cúng cho ta một số tiền quá lớn nên ta không kiềm chế được bản thân, do đó vui chơi trác táng rơi vào nghiện ngập và cuối cùng tiền hết tật mang. Ta vì không chịu nỗi cơn nghiện hoành hành nên túng thế đi cướp giật của người khác và phạm tội cướp của giết người, giờ phải chịu bản án tử hình chờ ngày xử trảm. Giờ đây ta vì buồn rầu, lo sợ, tiếc nuối thân mạng nên không ăn, không ngủ được mà ra nông nỗi này”.

Anh nghệ nhân nghe lời trình bày thống thiết đó cảm thấy xúc động nghẹn ngào, không ngờ bản tính con người thay đổi quá nhanh, vì chút đam mê dục vọng thấp hèn mà thân tàn ma dại như thế này. Anh ta mắt thấy tai nghe sự thật quá phủ phàng nên không còn tâm huyết nào làm việc nữa nên quyết định từ bỏ nghề này, do đó bức tượng ma quỷ đành dang dở không thành.

Chính vì vậy, cho đến ngày hôm nay không ai biết chính xác về tướng trạng của ma quỷ như thế nào, chỉ biết rằng nếu tâm tư suy nghĩ xấu ác và hành động vô lương tâm luôn làm hại người, hại vật, làm khổ đau cho thiên hạ thì ma quỷ hiện tiền; ngược lại nếu tâm trong sáng, thanh tịnh không chút bợn nhơ, hay làm việc thánh thiện giúp người, cứu vật thì Phật hiện tiền.

Phật hay ma cũng từ tâm niệm tốt xấu của chính mình tạo ra. Vị sư ở câu chuyện trên trước kia nhờ nương thầy lành bạn tốt nên có nhân duyên xuất gia tu hành thanh tịnh, do đó phát ra tướng tốt giống Phật nhưng vì ỷ lại mình đã thành tựu đạo Pháp mà mặc tình ăn chơi dong ruỗi, lấy phòng trà tửu điếm làm bạn để rồi bị dòng đời cuốn trôi và cuối cùng phải chịu thân tàn ma dại chờ ngày xử án. Tâm Phật hay ma chỉ trong một niệm, nếu ta huân tập tâm ma thì hiện hình ma, nếu ta biết gieo trồng hạt giống Phật thì Phật có mặt. Tâm Phật hay ma là do chính mình tạo lấy, không có một đấng quyền năng hay một phép lạ nào làm cho ta thành Phật hay thành ma.

Thích Đạt Ma Phổ Giác
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Những lời Giáo huấn của Sư Viên Minh



...Con thân mến,..những điều con băn khoăn về ý nghĩa của cuộc sống là vấn đề lớn của con người: "Ta có quyền tự do hành động hay chỉ là hành động theo một định mệnh đã an bài? Phải chăng thuận thiên lập mệnh là an phận để trả quả của nghiệp, hay phản kháng lại số mệnh cũng vẫn là nghiệp dĩ? Làm thế nào vượt lên và đâu là giải thoát?"

Ðịnh mệnh và tự do là một cặp mâu thuẫn khi ta chưa thấy rõ sự thật và khi vô minh dục vọng còn phân chia chúng thành hai đối cực phải loại trừ một, đó chính là nhị nguyên, cái mà Ðức Phật gọi là: "Chẻ cái đầu ra làm hai" (Muddham vipàtayam) tức là khởi trí phân biệt ưa - ghét, lấy - bỏ v.v... làm cho trí tuệ bị phân hóa.

Tất cả các pháp đều có đối cực, những đối cực ấy có thể sinh, khắc, hoán vị và biến đổi trong sự tương giao trùng trùng duyên khởi. Vì vậy lấy cái này bỏ cái kia là phân biệt, là nhị nguyên. Cầm lên một chiếc mề đay chúng ta chọn mặt đẹp, bỏ mặt xấu, nhưng thật ra khi lấy ta phải lấy cả hai và khi bỏ cũng phải bỏ cả hai. Cũng như khi chúng ta mong muốn được ổn định, an toàn, hạnh phúc chúng ta vô tình mời gọi cả xáo trộn, bất an và đau khổ.

Ðịnh mệnh phải chăng là đối nghịch với tự do? Và hành động theo ý muốn là đồng nghĩa với tự do? nhìn kỹ ta thấy lắm lúc ngược lại. Người hành động chiều theo ý muốn của mình thật ra đã bị ràng buộc trong chính ý muốn ấy, nên họ đã mất tự do ngay từ khởi điểm. Trái lại người từ bỏ tư dục và thuận theo sự sống chân thực, nghĩa là sống đúng quy luật tất nhiên của sự sống (thuận thiên) hay thuận pháp người ấy lại được hoàn toàn tự do.

Nếu định mệnh hiểu theo nghĩa một khuôn phép do ai đó áp đặt theo tư ý của họ, thì đó chính là nghịch thiên hay phi pháp (trái với quy luật tự nhiên), định mệnh ấy tự nó sẽ bị đào thải.

Nhưng nếu định mệnh được hiểu như là quy luật tất yếu và tự nhiên của sự sống thì thuận thiên hay thuận pháp chính là hành động của trí tuệ, vì không có những quy luật tất yếu đó hoặc chống lại quy luật thì sự sống liền trở nên bất an, xáo trộn và đau khổ.

Nhờ vận hành theo quy luật mà sự sống vốn rất trật tự, an toàn và hạnh phúc. Thấy và sống đúng quy luật ấy thì không thể nào có xáo trộn, bất an và đau khổ được.

Vì không thấy và không sống đúng quy luật đích thực của sự sống nên chúng ta mới khởi tạo vọng nghiệp, bản ngã, luân hồi và đau khổ. Ðói thì ăn là quy luật của sự sống, nhưng tham ăn, giành ăn là vọng nghiệp và tất nhiên phải đưa đến kết quả bịnh khổ. Bởi vậy y học mới có nguyên tắc "thống tắc bất thông, thông tắc bất thống". Thông tức là thuận quy luật vậy.

Khi con người muốn thoát khỏi quy luật vì một ý muốn tự do nào đó thì vọng nghiệp bắt đầu và đó là khởi điểm của sự trói buộc. Cũng vậy, khi người ta tự đặt ra một chân lý lý tưởng rồi buộc mình vào nỗ lực hành động để đạt đến lý tưởng đó, thì vô tình người ta bắt đầu những bước đi ra khỏi chân lý thực tại và dấn thân vào cõi luân hồi sinh tử. Cuộc phiêu lưu mạo hiểm này được thực hiện bằng cái gọi là ý chí tự do của vọng nghiệp, thế rồi khi bị chính nghiệp ấy trói buộc người ta cho rằng có một định mệnh áp đặt lên đời sống tự do của họ, và họ muốn thoát ra.

Nhưng ngay khi chúng ta nóng lòng muốn thoát ra khỏi số mệnh ấy là chúng ta muốn tắt lửa mà lại thêm dầu, vì ý muốn giải thoát này là tự thân của sự bất an, người ta nói ma cao nhất trượng chính vì sự biến hóa muôn mặt của vô minh ái dục. Bất an là nó, muốn thoát khỏi bất an cũng chính là nó.

Con người tự dựng lên một bản ngã để thực hiện ước vọng của vô minh, ái dục, thế rồi cũng chính bản ngã ấy nhận lấy hậu quả mà nó tạo ra. Bây giờ khi kết quả không như ý muốn, bản ngã đòi giải thoát ra khỏi tình trạng này và ngay khi đó tạo ra nhân khác và cứ thế chồng chất thêm những trói buộc mà nó muốn thoát khỏi.

Bản ngã muốn giải thoát, nhưng đó là giải thoát của bản ngã hay giải thoát chính bản ngã? Giải thoát của bản ngã là giải thoát ra khỏi cái mà bản ngã không thích để mong đạt đến cái sở thích, còn cái nó đang thích thì chẳng bao giờ nó muốn giải thoát cả. Nhưng khi giữ lại cái ưa thích, bản ngã quên rằng chính cái nó thích tạo ra cái nó không thích, nghĩa là trên thực tế bản ngã chỉ có thể chạy qua chạy lại trong sợi dây ràng buộc của chính mình chứ chẳng bao giờ có sự giải thoát thật sự, bởi vì bản ngã chính là trói buộc!

Bản ngã phát sinh cùng một lúc với số mệnh, bản ngã chính là số mệnh. Bản ngã muốn thoát ra khỏi số mệnh là một nghịch lý, trừ phi bản ngã tự hủy diệt mình. Nhưng khổ thay chẳng bao giờ bản ngã có thể làm được điều đó, cũng như nó chẳng bao giờ có được tự do. Nó càng được tự do, nó càng bị ràng buộc!

Có một anh sinh viên khi sống ở Việt Nam thì muốn mau chóng rời khỏi Việt Nam để qua Mỹ, nhưng khi qua Mỹ anh lại nói rằng bây giờ anh không được thanh thản như lúc còn ở Việt Nam, đời sống ở Mỹ luôn luôn chạy đua với thời gian, mà để đuổi kịp thời gian thì phải khẩn trương, không làm thế nào thanh thản được. Nhưng anh không biết rằng chính ý muốn được thanh thản đã làm cho anh mất hết thanh thản.

Thanh thản không phải là nhàn hạ nên không đối nghịch với khẩn trương, cũng không phải là phóng túng nên không phản lại nề nếp sinh hoạt có kỷ cương nhất định.

Chính sự lựa chọn của bản ngã giữa phóng túng và kỷ cương, giữa thanh nhàn và bận rộn, giữa khổ cực và sung sướng, giữa tự do và ràng buộc v.v... đã tạo ra mâu thuẫn, đấu tranh, phân vân, căng thẳng và dĩ nhiên thanh thản phải biến mất.

Thanh thản thật sự là có thể thanh thản cả trong ràng buộc lẫn tự do, trong thong thả hoặc cấp bách, trong lúc vui cùng khi khó, vì thanh thản đích thực thì vượt ngoài điều kiện.

Con thân mến,..Tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác là con đường giác ngộ. Ðạo Phật thường nói đến con đường như: con đường thanh tịnh, con đường chơn chánh, con đường giác ngộ, con đường giải thoát v.v... và vì vậy Ðạo Phật thường bị hiểu lầm.

Nói đến con đường người ta nghĩ ngay đến chỗ khởi điểm, chỗ chung cùng, nơi đi, nơi đến, cái lấy, cái bỏ... Như đi từ tướng đến tánh; từ sinh tử đến Niết-bàn; từ vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh đến thường, lạc, ngã, tịnh v.v... và họ tưởng tượng ra một con đường thật bình yên dẫn đến "Miền đất hứa", thế là người ta hy vọng từ bỏ được cảnh khổ này và hướng cầu đến một tương lai đầy lạc phúc. Ðó thật ra vẫn là một thứ vô minh ái dục lớn nhất trong các vô minh ái dục.

Ðức Phật chẳng bao giờ nói đến một con đường đi đến Niết-bàn. Niết-bàn không phải là một nơi chốn nên không có khoảng cách để đi đến. Bát thánh đạo, tứ niệm xứ, thất giác chi v.v... không phải là con đường chiếm một thời gian, không gian nào đó để dẫn đến Niết-bàn. Mặt khác, Niết-bàn không phải là một sự thành tựu hay một kết quả rốt ráo do điều kiện hội đủ một số pháp môn tu tập. Ðạo đế được mô tả là con đường chấm dứt nguyên nhân đau khổ (Dukkha samudaya nirodhamagga). Nguyên nhân đau khổ là vô minh ái dục, khi vô minh ái dục (tham, sân, si) chấm dứt thì bản ngã chấm dứt và toàn bộ khổ uẩn cùng với luân hồi, sinh tử, sầu - bi - khổ - ưu - não đều chấm dứt. Chấm dứt là Niết-bàn vì vậy được gọi là diệt đế (Nirodha sacca).

Bản ngã rất sợ sự chấm dứt, sự diệt tận, sự đoạn trừ, sự xả ly này cho nên nó vội vàng tô điểm cho Niết-bàn những ý niệm thường hằng, vĩnh cửu, cực lạc, chơn ngã v.v... Nhưng tất cả ý niệm đó đều là sản phẩm của vô minh ái dục.

Có thể chứng ngộ Niết-bàn (Nibbàna Sacchikiriyà) chứ không thể đi đến Niết - bàn, vì Niết-bàn không có đến và đi. Nhưng khi tham, sân, si chấm dứt thì sự sống cũng được mở bày, Niết-bàn không phải là cái gì xa lạ, để ta phải hướng vọng về phía trước, mà chính là ở ngay nơi chỗ hồi đầu.

Ðức Phật dạy: "Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, Như Lai không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến tự ngã đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến tự ngã như là Niết-bàn, không nghĩ đến Niết-bàn là của ta, không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng dục hỷ là căn bản của khổ đau, từ hữu, sanh khởi lên, và già chết đến với loài hữu tình. Do vậy ta nói Như Lai với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự trừ bỏ hoàn toàn các ái đã chơn chánh giác ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Gíác".

Con đường là con đường giác ngộ giải thoát, là chấm dứt mọi nguyên nhân đau khổ, con đường ấy được Ðức Phật giới thiệu với 37 đạo phẩm. Tất cả các pháp môn phương tiện vận dụng về sau đều phát xuất từ đó, có thể tóm lại trong giới, định, tuệ hay tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Nói cho dễ hiểu là sáng suốt, định tĩnh, trong lành nơi chính thực tại hiện tiền (Sanditthiko dhammo) tức là tỉnh thức nơi chính sự sống đang là. Ngay khi đó bản ngã với toàn bộ sự lăng xăng của nó đều chấm dứt: Niết-bàn.

Con thân mến,..Ðừng nói đến an phận hay phản kháng, hãy im lặng lắng nghe hay chú tâm nhìn thẳng vào sự sống đang là, đó mới chính là: tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Ðói bụng hãy im lặng tỉnh giác đi nấu cơm, đừng quan tâm đến số mệnh hay tự do, việc đó hãy nhường lại cho các triết gia, các nhà tư tưởng và những người suy tư mơ mộng...

Namo Buddhaya.

(Trích Thư Thầy Trò.HT.Viên Minh)
Sưu tầm: Hanh Nghiêm