Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Chiều Phật Đường


Chiều Phật Đường

Chiều Phật đường, một mình ngơ ngác

Sân lạnh lùng, lác đác vàng rơi.
Lặng nhìn theo cánh chim trời
Gió thu mây xám tơi bời hồn ai!


                          Mailoc
***

Bài Cảm Tác:

Chiều Phật Đường


Đến Phật đường dâng nhang đảnh lễ,

Nguyện bình an ngọc thể chiều rơi.
Nước xanh trong vắt da trời,
Nắng thu tháng chín nhớ lời hẹn ai.
                         Mai Xuân Thanh,


***
Chiều Phật Đường

Phật đường vọng tiếng lời kinh nguyện
Nhân quả luân hồi chuyện chúng sinh
Sân ngoài phiến lá trở mình
Thành tâm hồi hướng hiển linh tầng trời
                                     Kim Phượng

***
 

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Nụ Cười Bất Diệt



Trong thời gian yên tu, một hôm bỗng dưng chúng tôi cảm thông được nụ cười nhẹ nhàng hiện trên môi tượng đức Phật và nụ cười tạm biệt của các Thiền sư khi từ giã cuộc đời. Tại sao bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật tại Lộc Uyển đề cập trước nhất là Khổ đế, cho đến nhiều bài thuyết pháp sau này, đức Phật cũng thường nhắc đến nỗi khổ của chúng sanh vô tận bằng những câu "nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển cả...", mà trên gương mặt Ngài luôn nở nụ cười? 

+ Vô minh là cội nguồn của muôn kiếp khổ đau.- Con người có mặt trên cõi đời do vô minh chủ động, nên khi ra đời đã mang sẵn chất keo đau khổ. Vô minh là gì mà đày đọa con người lắm thế?_ 

Vô minh là nhận hiểu sai lầm về con người và muôn vật. Về con người, thân này là cái không thể giữ mà cố giữ, cái sắp bại hoại mà muốn không bại hoại, cái tạm bợ mà tưởng lâu dài, cái nhơ nhớp mà tưởng đẹp đẽ; các cảm giác là hư ảo mà tưởng là chân thật, cảm giác là vô thường mà tưởng lâu dài, cảm giác là đau khổ mà tưởng là hạnh phúc; nội tâm vọng tưởng là ảo ảnh mà chấp là tâm mình, chân tâm bất diệt thì lơ là không biết đến. Về muôn vật, những sắc hình hào nhoáng, những âm thanh sanh diệt, những hương vị tạm bợ, mà mê say đắm đuối, khao khát thèm thuồng đuổi bắt suốt đời không biết mệt mỏi. Từ những nhận hiểu sai lầm này, con người không bao giờ toại nguyện, không bao giờ được như ý, không bao giờ thấy hạnh phúc; mà luôn luôn thấy bất mãn, bất như ý, bất hạnh... là nguồn gốc khổ đau. Cái nhận hiểu sai lầm này gắn chặt vào chúng ta từ đời này sang kiếp nọ, mãi mãi không rời, cho nên khổ đau do nó gây ra không biết lấy đâu làm ngằn mé, chỉ còn cách diễn tả "nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển cả". 

Mặc dù vô minh hiểm nguy như thế, song một phen giác ngộ chúng liền tiêu tan. Như ngôi nhà tối ngàn năm chỉ cần thắp ngọn đèn sáng lên thì bóng tối tan mất. Cái mê lầm u tối tạo thành muôn ngàn sợi dây nghiệp khổ, trói buộc lôi kéo con người lăn lộn trong vạn nẻo luân hồi, tưởng chừng như không có cách gì thoát khỏi; đâu ngờ ngọn đèn giác ngộ vừa bừng sáng lên, chúng liền lui mất không còn tung tích. Thấy tường tận sự việc này, đức Phật không nở nụ cười an lành sao được. 

Chúng sanh si mê tranh giành sắc, tài, danh, lợi, đấm đá nhau, sát phạt nhau, lừa đảo nhau, hận thù nhau... biến cảnh nhân gian trở thành bãi chiến trường. Kẻ thắng thì được hoan hô thăng thưởng, được vật chất dẫy đầy; người bại thì bị khinh miệt chê đè, bị thân tàn nghèo đói. Một bên hạnh phúc, một bên khổ đau hiện bày trước mắt mọi người. Vì thế, bất cứ ai có mặt trên trần gian đều sẵn sàng cầm kiếm xông vào trận mạc để mong giành phần thắng về mình. Nhưng nơi chiến trường đâu phải ai cũng là kẻ thắng. Có người thắng là có kẻ bại, có hạnh phúc là có khổ đau. Ðôi khi kẻ bại phải tan thân mất mạng đã đành, mà người thắng cũng thương tích đầy mình. Hạnh phúc rất ít mà khổ đau quá nhiều. Mặc dầu là thế, ở đời có ai chịu nhường bước cho ai. Những chiếc xe tranh nhau qua mặt gây tai nạn, hằng ngày xảy ra nhan nhản trước mắt, mà các chú tài xế ít khi chịu nhường tránh nhau để mình và người được sự an toàn. Tranh đấu đã trở thành qui luật của con người. Song kẻ thắng người bại kết cuộc sẽ thành cái gì?_ Một nấm mồ hay một nhúm tro tàn! 

Ðời người là diễn viên đang diễn xuất những vở bi hài kịch trên sân khấu của kịch trường. Dù đóng vai người tài danh lỗi lạc hay đóng vai kẻ ăn mày cùng khổ ở xó chợ đầu đường, khi hạ màn kết thúc thì mọi việc đều không. Trong lúc giả trang tạm thời ấy, mọi sự được mất thành bại... đều là trò chơi. Người diễn viên thông minh đóng kịch, dù bi kịch hay hài kịch, khi sân khấu buông màn liền nở nụ cười, đây là trò đùa trên sân khấu, không có một chút hối tiếc hay lo buồn. Ðức Phật đã giác ngộ viên mãn, thấy rõ cuộc đời là vô thường ảo hóa, khi từ giã cuộc đời tự nhiên Ngài hé môi cười nhẹ. 

+ Những thứ suy tư nghĩ tưởng trong nội tâm, mỗi con người chúng ta đều thừa nhận là tâm của mình, hoặc nhận là mình. Tôi suy tư thế này, tôi nghĩ tưởng thế kia, hoặc tôi nghĩ tôi tưởng. Do thừa nhận chúng là mình, nên chúng ra oai tác quái tạo đủ thứ nghiệp, cột trói lôi kéo mình lăn tròn trong lục đạo không có ngày thoát khỏi. Hằng ngày các thứ ấy lăng xăng lộn xộn bủa vây che đậy trong nội tâm chúng ta không một phút giây an ổn. Có khi chúng nó ồn ào náo loạn khiến đầu óc ta nóng rực bất an, cố van xin chúng cho ta được vài phút an lành, nhưng chúng nó nào có chịu tha, cứ tha hồ quậy, buộc lòng ta phải dùng thuốc an thần để kháng cự. Thậm chí những nhà tu hành cũng bực bội sự náo loạn của chúng, phải chạy tìm cầu "pháp an tâm". Có vị sợ sự trói buộc vô hạn định của chúng, phải đi cầu xin "pháp giải thoát". Gặp bậc thầy cỡ lớn, nhà tu hành liền đem ra hỏi "pháp an tâm". Ông thầy nghiêm nghị bảo "đem tâm ra ta an cho". Nhà tu hành sửng sốt phản quang soi lại thì bọn giặc ồn ào đã biến đâu mất, đành thưa "con tìm tâm không được". Bậc thầy nhếch mép cười bảo "ta đã an tâm cho ngươi rồi". Nhà tu hành bỗng dưng thấy bọn giặc ấy là một đám khói mây. Nhà tu hành khác thao thức lo sợ sự trói buộc của đám phiền não này, đi cầu thầy dạy "pháp giải thoát". Ông thầy cỡ lớn chỉ hỏi "ai trói buộc ông". Nhà tu hành tìm lại không thấy có gì trói buộc, liền thưa "không có ai trói buộc". Ông thầy cả cười bảo "cầu giải thoát làm gì?". Nhà tu hành bỗng dưng thấy trăm dây ngàn mối trước kia nhất thời đã biến đâu mất. 

Khi thấy tột bản chất ảo hóa của các thứ tâm lăng xăng lộn xộn này, đức Phật chỉ còn cười với chúng mà thôi! Nếu ai còn lầm nhận chúng là mình thì bị chúng ra oai tác quái; trái lại người biết rõ bản chất hư ảo của chúng thì không bị chúng lừa gạt và khả năng lôi kéo của chúng cũng bị hạn chế. 

Thấy rõ các thứ tâm hư ảo rồi, đức Phật còn nhận ra tâm thể chân thật nơi mỗi con người là thênh thang trùm khắp, chưa bao giờ bị sanh diệt vô thường. Xả bỏ thân khổ đau nhớp nhúa, tạm bợ, thể nhập pháp thân thanh tịnh bất sanh bất diệt (Niết-bàn), nhẹ nhàng an lạc biết mấy, thì làm sao đức Phật chẳng hé nở nụ cười an lành thanh thản. Không những Phật, mà các Thiền sư đệ tử Phật khi từ giã cuộc đời cũng cười. Tôn giả Pháp Loa khi sắp tịch để kệ: 

Dịch âm: 

Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn, 
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian. 
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,
 Na biên phong nguyệt cánh man khoan. 

Dịch nghĩa: 

Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn, 
Hơn bốn muơi năm giấc mộng tràng. 
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi, 
Bên kia trăng gió rộng thênh thang. 

Ðeo mang thân này là đeo mang gông cùm, bệnh tật, bại hoại, khổ đau, buông xả được nó thì nhẹ nhàng thảnh thơi an lạc. Xả bỏ thân này đâu phải là hết, mà còn bầu trời mênh mông có trăng trong gió mát, còn gì thích thú bằng nên Thiền sư cười! 

Người thế gian có khi cười có lúc khóc, hoặc cười xã giao, cười nhạo báng, cười gằn, cười gượng khóc thầm..., tất cả cái cười ấy đều thuộc về tình cảm sanh diệt. Cái cười của đức Phật, của Thiền sư là nụ cười giác ngộ thoát ra ngoài mọi thứ mê lầm, chỉ có cười mà không có khóc, gọi là "nụ cười bất diệt". Hơn nữa, vì đạt được thể vô sanh, mọi khổ đau sanh diệt đã trút sạch, thong dong tự tại đi trên con đường Niết- bàn, trên môi nở nụ cười rạng rỡ, nụ cười này thật là "nụ cười bất diệt". Như thế, có ai cả gan dám lớn tiếng bảo đạo Phật là bi quan. Ðạo Phật tạo cho con người niềm vui hiện tại và mãi đến mai sau. Chúng ta tu theo đạo Phật là vứt bỏ mê lầm để cho đời này được an lạc và giác ngộ để về sau mãi mãi an lạc. Chính đây là mục đích cứu khổ của đạo Phật. Ðạo cứu khổ cho chúng sanh, quả là đạo ban vui. Vì hết khổ là được vui, nên phải nói đạo Phật thực sự là lạc quan, mà 
là lạc quan vĩnh cửu.

Thiền Sư Thích Thanh Từ
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Con Đường Thoát Khổ



LỢI ÍCH CỦA SỰ THẬT THEO CHÂN NGHĨA PHÁP

Hành giả thực hành thiền tuệ, điều quan trọng đầu tiên cần phải học hỏi hiểu biết rành rẽ thông thạo về Chân nghĩa pháp, có 4 pháp: Tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết Bàn, được phân chia thành những pháp như: Ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới,… tóm tắt còn 2 pháp là:

- Sắc pháp (rūpadhamma) thuộc pháp hữu vi.

- Danh pháp (nāmadhamma) thuộc pháp hữu vi, đó là tâm và tâm sở.

- Danh pháp (nāmadhamma) thuộc pháp vô vi, đó là Niết Bàn.

Niết Bàn thuộc danh pháp đặc biệt, chỉ làm đối tượng của tâm siêu tam giới, đó là 4 Tâm Thánh Đạo và 4 Tâm Thánh Quả mà thôi.

Sự thật Chân nghĩa pháp (Paramatthasacca) không thể thấy rõ, biết rõ bằng trí tuệ do học hỏi (sutāmayapaññā), hoặc trí tuệ do tư duy (cintāmayapaññā), mà chỉ thấy rõ, biết rõ bằng trí tuệ do thực hành thiền tuệ (bhāvanāmayapaññā) mà thôi.

* Kết quả của sự thật theo ngôn ngữ chế định

Trong đời này, có số người chỉ biết sự thật theo ngôn ngữ chế định, mà không hiểu biết sự thật theo Chân nghĩa pháp, nên không hiểu rõ danh pháp, sắc pháp là pháp vô ngã. Số người ấy, thường phát sinh tà kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi), cho là ta, của ta, người, của người, chúng sinh, vật này, vật kia,… dễ phát sinh mọi phiền não, tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ mình lẫn làm khổ người.

* Kết quả của sự thật theo Chân nghĩa pháp

Trong đời này, bậc Thánh Nhân đã thấy rõ, biết rõ sự thật theo Chân nghĩa pháp là pháp vô ngã, có thiền tuệ chánh kiến, Thánh Đạo chánh kiến, Thánh Quả chánh kiến, đã diệt đoạn tuyệt được tà kiến chấp thủ ngũ uẩn (sakkāyadiṭṭhi) rồi, nên không còn chấp ta, người, chúng sinh, vật này, vật kia,…

Trong cuộc sống hằng ngày, bậc Thánh Nhân vẫn biết rõ sự thật theo ngôn ngữ chế định dùng để giao tiếp với mọi người: Như thuyết pháp, nói đạo, thông tin, truyền đạt ý nghĩ của mình. Nhưng đặc biệt bậc Thánh Nhân hoàn toàn không chấp ngã. Cho nên, phiền não không phát sinh, không tự làm khổ mình, không làm khổ người, không tự làm khổ mình lẫn làm khổ người.

Đó là điều lợi ích của sự thật Chân nghĩa pháp.

Thích Hộ Pháp
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Thay Đổi Tích Cực




1. Thay đổi hoàn cảnh tích cực: 

Sẽ giúp chúng ta thay đổi lối sống, việc làm, hành vi, ứng xử, thái độ. Khi có mặt trong môi trường tốt, cộng hưởng của những nghiệp tốt sẽ làm chúng ta trở thành người tốt và có giá trị. 

2. Thay đổi thái độ tích cực: 

Hiện thực cuộc sống thì như nhau, nhưng thái độ sống thì mỗi người mỗi khác. Thay đổi thái độ tích cực thì dù trong hoàn cảnh tiêu cực, không như ý muốn, chúng ta vẫn làm được những điều vĩ đại và khó làm, vẫn có thể trải nghiệm hạnh phúc bây giờ và tại đây.

3. Thay đổi hành động tích cực: 

Bao gồm ba phương diện: tư duy tích cực, lời nói tích cực, hành động tích cực. Thay đổi hành động tích cực là sự chuyển nghiệp, bằng cách gieo vào trong đời sống các hành động thiện, có phước quả đối lập với các hành động xấu mà ta gieo tạo trong quá khứ. Không có định mệnh, định nghiệp vì mọi điều đều có thể chuyển hóa được.

Thích Nhật Từ
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Chớ Lo Lắng - Hãy Sống An Lạc



Phóng sanh chim bị phê phán 
慈邱育(Từ Khâu Dục), phóng viên thời báo Đài Bắc. 
Ngày 3 tháng 11 năm 2004

Việc làm độc ác: Thói quen phóng sanh chim là một việc làm tốt. Thế nhưng, việc làm này đã tạo ra ngày càng nhiều những người hung bạo và thiếu tính người của một bộ phận làm nghề bắt giữ chim.

Người theo đạo Phật và đạo Lão từ lâu đã có thói quen phóng thích chim chóc và các loài động vật với niềm tin rằng làm như thế sẽ tích lũy được nghiệp tốt. Thế nhưng ở Đài Loan, các nhà hoạt động tranh đấu quyền động vật vừa phát biểu hôm qua rằng, hành động này trở thành thương mại hóa và như thế, đã dẫn đến cái chết khổ không cần thiết của khoảng 600 ngàn con chim mỗi năm.

Trong hai năm qua, những tình nguyện viên của Hội bảo vệ môi trường và động vật ở Đài Loan và Hội giáo viên ở Cao Hùng thuộc Trung tâm giáo dục sinh thái đã đến thăm 155 quầy bán chim ở Đài Bắc, Đài Trung và Cao Hùng. Những người bán chim này nói rằng 60 % số chim họ bán được là do Phật tử mua để phóng sanh vì người Phật tử tin rằng để các nghiệp xấu được đoạn trừ, họ cần phải phóng sanh. Một cuộc hội thảo tổ chức tại Đài Bắc hôm qua, có trình bày một tài liệu đã được đăng tải trên thông tin truyền thông về tội ác của việc bắt giữ chim và đưa về bán cho các cửa tiệm. Nhiều chim bị phơi nắng đến khô hoặc bị bỏ đói đến chết vì người bắt chim không kiểm tra lưới thường xuyên. Tài liệu ấy cũng nói rằng chim bị nhử mồi và bị bẫy bằng một cái lưới lớn. Một khi bị mắc lưới, chim vùng vẫy để thoát thân nên một số đã chết vì nguyên nhân này. Số chim sống sót phải trải qua một chặng đường dài trong quá trình vận chuyển đến nơi bán. Thước phim ấy cũng cho thấy chim bị nhồi nhét chật như nêm cối vào trong các chiếc lồng bình thường rồi được vận chuyển bằng tàu đến cho khách hàng, thường là những vị trụ trì các tu viện.

Các nhà hoạt động xã hội cho rằng chim bắt để bán cho người ta phóng sanh gồm có nhiều loại. Người ta thấy nhiều cửa tiệm có bán chim cu gáy, chim bông lau, chim ri, chim Nhật Bản mắt trắng, chim sẻ và chim bồ câu. Giá mỗi loại khác nhau từ 10 Đài tệ đến 300 Đài tệ một con. Có loại chim đắt hơn rất nhiều như chiền chiện hay chim vẹt lớn nhập khẩu, giá từ 1 ngàn đến 6 ngàn Đài tệ một con. Ngay cả các loại chim quý đang được bảo tồn như chim trĩ thiên hoàng, chim họa mi, chim vẹt xanh, cũng bị bắt bán với giá cao hơn.

Những nhà hoạt động xã hội đoán rằng có khoảng 10 % số chim bị bắt thật sự may mắn được phóng thích bởi những tín đồ tôn giáo. Những người này cũng thường phát tâm đóng góp tiền cho các nhà tổ chức sự kiện. Cả nước, có khoảng 500 nhóm tín đồ hay làm những việc như thế. Ông Wu Hung, chủ tịch Hội EAST phát biểu rằng, “chúng ta không đổ thừa cho các tín đồ mù quáng khi làm việc này, nhưng trách nhiệm là ở một số người lãnh đạo tôn giáo không chân chánh. Những Phật tử này không ý thức được rằng phóng sanh theo tín ngưỡng của họ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại bắt và bán chim”. Theo ông Wu Hung những người không tôn trọng mạng sống của chim, không có lòng thương cảm động vật và làm những việc như vậy mối nguy hại tạo nên sự mất cân bằng của môi trường sinh thái quốc gia. Điều này đưa đến nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe. Ông Wu Hung còn nói rằng “nhiều giống chim khác loài trộn lẫn vào nhau trong quá trình vận chuyển làm tăng nguy cơ bệnh dịch như cúm gia cầm”.

Những nhà bảo vệ chim nói rằng các loài chim hoang dã, một khi bị bắt nhốt, dễ chết hơn chim cảnh được nuôi vì chim hoang dã rất nhát, khi bị bắt, do quá sợ mà không chịu ăn uống. Đồng thời, ngày hôm qua đây, ông Yuan, phía lập pháp, đã thông qua bản chỉnh sửa điều luật thứ 10 của Luật bảo vệ động vật với chi tiết mới thêm vào là không được tự do bắt giữ động vật.

"Mối quan hệ giữa cung và cầu đã tạo nên thương mại giữa những người bắt chim không lương thiện, người môi giới và người mua”. Lu Po-chi, luật sư đảng dân chủ tiến bộ, người khởi đầu dự luật, hôm qua phát biểu như vậy. Ông Lu nói ông sẽ sớm cùng với những nhà lập pháp khác chỉnh sửa các điều luật để ngăn chặn những việc làm tạo điều kiện cho nghề kinh doanh độc ác này phát sinh.

Lời tác giả: Điều này không có nghĩa rằng chúng ta không nên bảo vệ và phóng thích động vật. Tuy nhiên, chúng ta nên hành động thận trọng theo một cách thức phù hợp có trí tuệ và từ bi.
Trị liệu liên quan đến các kiếp sống quá khứ.

Một trong những khám phá vĩ đại nhất của đức Phật là Ngài chủ trương có tái sinh qua nhiều kiếp sống. Giáo sư Ian Stevenson, một nhà khoa học đã dành ngót ba thập kỷ qua để nghiên cứu và tích lũy nhiều chứng cứ ủng hộ sự khám phá của đức Phật. Nhiều nhà tâm lý trị liệu ngày nay đã giúp nhiều bệnh nhân theo cách nhìn toàn diện, với quan niệm con người không chỉ có một kiếp sống này. Một trong số những người nổi bật nhất nghiên cứu về lãnh vực này là tiến sĩ Brian Weiss, nguyên chủ tịch khoa Tâm thần học ở trung tâm y khoa Sinai tại Miami. Ông đã thực hành trị liệu trên cơ sở nhìn lui về các kiếp sống trước để giúp bệnh nhân chữa lành bệnh về thân và bệnh về tâm.

Với cách giúp cho các bệnh nhân nhớ lại các kiếp sống trước bằng phép thôi miên, ông đã làm cho bệnh nhân có thể giải tỏa những mâu thuẫn trong kiếp sống quá khứ vẫn còn tồn tại đến bây giờ. Câu chuyện sau đây trích từ cuốn sách “Xuyên dòng thời gian để trị bệnh”, một cuốn sách đề cập đến nhiều trường hợp, bệnh nhân có khả năng chữa lành bệnh nhờ vào trị liệu nhớ lại các kiếp sống quá khứ. Một lần, có một người phụ nữ bị chứng ho mãn tính mà không tìm được nguyên nhân và thuốc gì chữa cũng không khỏi. Trong y khoa, một khi đã áp dụng tất cả các phương thức chữa trị đặc biệt mà các triệu chứng bệnh vẫn không thuyên giảm thì bác sĩ sẽ khuyên bạn đến chuyên gia tâm thần học để xác định nguyên nhân tâm lý của các triệu chứng bệnh. Trường hợp này tương tự như vậy. Khi bệnh nhân được hướng dẫn để có thể nhìn lui lại thời thơ ấu và cả khi mới sinh ra, cô ta không thấy gì ảnh hưởng đến những triệu chứng cô đang chịu đựng cả. Một hôm, bác sĩ Brian quá mệt mỏi, bèn bảo cô ta “hãy nhìn lui về nguồn gốc của bệnh cô xem sao.” Thế là người phụ nữ ấy nhìn lui về 4 ngàn năm trước. Cô ta thấy trong một kiếp sống nọ, cô ta bị đâm vào cổ họng và chết. Sau khi nhớ lại từ trong ký ức như vậy, bệnh cô trở nên thuyên giảm dần. Bằng cách nhớ lui lại các kiếp sống trước, cô ta đã hoàn toàn bình phục từ căn bệnh của mình.

Nước mắt chúng ta trong vòng luân hồi nhiều như nước biển (Đức Phật).

Tám nguyên nhân gây bệnh
(Tương ưng bộ kinh)

♥ Mật

♥ Đờm dãi

♥Gió

♥ Sự tích tụ thể dịch trong cơ thể

♥ Thời tiết thay đổi 

♥ Tâm lý sang chấn

♥ Bị tấn công bất ngờ từ bên ngoài

♥ Nghiệp

Một điều quan trọng cần ghi nhớ là không phải tất cả các loại bệnh đều do nghiệp. Có bốn quy luật tự nhiên khác (Niyamas) tương tác với quy luật về nghiệp gây nên bệnh:

1. Utu Niyama (trật tự bên ngoài cơ thể), ví dụ hiện tượng mưa gió thay đổi theo mùa.

2. Bija Niyama (trật tự bên trong cơ thể) ví dụ các học thuyết khoa học về tế bào và gien.

3. Dharma Niyama (trật tự các nguyên tắc) ví dụ luật vạn vật hấp dẫn và các định luật vật lý khác.

4. Citta Niyama (trật tự của tâm hay luật về phương diện tâm thần) ví dụ sự vận hành tâm thức, thần giao cách cảm, khả năng dự cảm và thần thông.

Một điều quan trọng không kém cần ghi nhớ rằng đây là các luật tự nhiên chứ không có ai, Thượng đế chẳng hạn, là người sáng tạo ra các luật này. Theo quan điểm của Phật giáo, bệnh tật phát sinh không có sự can thiệp của Thượng đế. Bệnh phát sinh do một số điều kiện. Nó chỉ khởi lên khi các điều kiện này chín muồi. Do đó, chúng ta có thể ngăn ngừa bệnh bằng cách can thiệp vào một số điều kiện vốn là nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ, bỏ hút thuốc.

Posted by Hằng Như at 9:56 AM
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Tình Thương



Tình yêu đích thực là vô điều kiện, là cho đi mà không mong cầu đáp trả. Thậm chí khái niệm cho và nhận không tồn tại, chỉ còn sự tương giao một cách trọn vẹn và vô ngã. Tình yêu nam nữ phổ biến hiện nay chỉ là sự trao đổi, mà hàng hóa chính là cảm xúc và cảm giác của hai bên. Khi còn ảo tưởng về cái tôi thì không thể xảy ra tình yêu đích thực, vì thế nào cũng có điều kiện nào đó hiện diện. Tình yêu lúc đó dù bắt đầu có nồng thắm đến đâu, dù khoái cảm có mạnh mẽ đến đâu cũng thật mong manh. Vì chỉ cần xuất hiện yếu tố bên ngoài làm cảm xúc - cảm giác của một bên thay đổi, thế là bão táp phong ba liền ập tới.

Khi ta yêu một người tức là ta yêu luôn cả mặt tốt và mặt xấu của người đó. Xấu và tốt như hai mặt của một bàn tay. Ta không thể chỉ giữ lấy một mặt mà bỏ đi mặt kia. Ta luôn tự vẽ ra cho mình một hình ảnh về người mình yêu hay người chồng của mình. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng của ta, không phải con người thực. Vì vậy ta cần nhẫn nại lắng nghe, quan sát và chia sẻ để có thể hiểu rõ về người bạn đời của mình. Khi thấu hiểu cả mặt tích cực và tiêu cực của người ấy, ta mới có thể yêu thương họ thật sự.

Khi ta thật sự yêu thương một người thì người đó sẽ cảm thấy tự do để được là chính họ. Tình yêu đích thực không ràng buộc đối tượng được yêu mà còn là động lực để cho họ đổi mới chính mình. Khi có biến cố xảy ra thì phụ nữ vẫn là người chịu thiệt thòi nhiều hơn, nhưng họ cũng dễ buông bỏ tư kiến của mình hơn. Nếu cô gái biết chấp nhận chàng trai như anh ấy là, thì sẽ có cơ hội để chàng trai thay đổi thái độ của mình.

Quy luật của cuộc sống là vô thường, kể cả tình yêu đôi lứa. Nếu ta đủ nhẫn nại để quan sát, ta sẽ thấy rõ, vị đắng, vị ngọt của tình yêu. Thấy rõ nó sinh ra và mất đi như thế nào. Và khi hiểu rõ, ta sẻ không còn bám chấp vào hôn nhân nhưng cũng không sợ sệt hôn nhân nữa.

Ta có thể làm giấy kết hôn với người mình không hề yêu, và cũng có thể nhắm mắt ký giấy ly hôn khi mình vẫn còn yêu tha thiết. Hôn nhân hay ly hôn vốn chỉ là hình thức, là một bản hợp đồng mà thôi. Làm sao nó có thể ràng buộc được tâm ta. Quan trọng là khi có biến cố xảy ra, ta cần đối diện với chúng bằng thái độ sáng suốt và trong lành. Vì biến cố đó là như ý hay bất như ý cũng là cơ hội cho ta hiểu thêm về chính mình, về người mình yêu. Và từ đó nhận ra bản chất thật của tình yêu, của cuộc sống.

Đừng tưởng xuất gia đi tu là ta có thể trốn thoát được bài học tình yêu. Với hiểu biết mờ mịt không rõ ràng, bất cứ lúc nào ta cũng có thể gặp vướng mắc tình cảm bất kể ta đang làm gì, ở đâu. Đức Phật có dạy rằng chỉ có thể thoát ly một pháp khi ta đã tường tận mặt tích cực cũng như mặt nguy hại của nó, khi ta nhận biết rõ từ khi nó sinh ra cho đến khi nó mất đi. Nói đúng hơn, lúc đó nó tự thoát ly, chứ không ai làm gì cả.

Hãy nhớ điều quí giá nhất trong cuộc sống chính là sự bất toàn. Vì khi toàn vẹn thì sự sống sẽ kết thúc. Sự bất toàn là một phần của vô thường, một quy luật tất yếu của cuộc sống. Khi ta còn đang sống trong ảo tưởng về bản ngã, về cái tôi và cái của tôi, thì bản ngã luôn cầu toàn, và nỗ lực để được như ý. Nhưng những gì nó nhận được từ cuộc sống đều là bất toàn và bất như ý. Sau những cố gắng và nỗ lực vô vọng, nhờ sự bất toàn ấy mà cuối cùng bản ngã cũng đầu hàng. Ta bắt đầu sống vô ngã vị tha, và tự nhiên ta thấy sự bất toàn lại chính là động lực để phát triển và tiến hóa của vạn vật. Chính vì mọi thứ đều bất toàn mà ai cũng có cơ hội làm mới bản thân mình.

Bản ngã luôn mong cầu tốt hơn những gì đang xảy ra. Nó không cho ta cơ hội trọn vẹn với thực tại đang là. Vì vậy ta rơi vào phiền não khổ đau. Nhưng chỉ cần ta buông mọi ý đồ muốn tốt hơn, và trở về trọn vẹn với những gì đang diễn ra. Ta sẻ thấy mọi sự đều vô thường, tự nhiên đến rồi đi. Tất cả đều có lý do, tùy duyên mà sinh khởi và cũng tùy duyên mà chấm dứt bất kể ta muốn hay không. Tất cả những thiện - ác trong đời đều:"Bất khả tư nghị", tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng mà nó được gán cho cái nhãn "thiện" hay "ác". Dù những gì đang xảy ra là thiện hay ác, nó đều là bài học giác ngộ vô cùng quí giá về cuộc sống.

Thích Viên Minh
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Bong Bóng Nước



Xưa thật là xưa, có nàng công chúa xinh đẹp rất được quốc vương yêu thương. Quốc vương luôn đáp ứng đầy đủ những yêu cầu, mong ước của nàng, chiều chuộng trăm bề. Công chúa giống như đóa hoa giấu kín trong phòng, được bảo hộ, chăm sóc hết mực; từ trước đến nay chưa có thứ gì nàng muốn mà không được cả.

Một hôm, đột nhiên trời mưa như trút nước, những chỗ lồi lõm trên mặt đất chứa đầy nước, hình thành những vũng nước lớn. Những hạt mưa rơi vào các vũng nước đó, sinh ra những bong bóng nước nho nhỏ, tròn trịa, lóng lánh, xinh đẹp. Công chúa vừa xem thấy những bong bóng nước nhỏ xinh xinh, liền bị hấp dẫn, nghĩ bụng: “Bong bóng nước này có thể kết thành vòng, đội lên đầu, đẹp biết chừng nào!”

Công chúa liền đến làm nũng với đức vua, đòi ông phải sai người đi lấy bong bóng nước đó về làm thành đồ trang sức cho mình.

Quốc vương nghe công chúa nói liền bật cười khanh khách:

– Ha ha! Con gái bảo bối của trẫm! Bong bóng nước mong manh như vậy, đến cầm lên còn không được, làm sao có thể dùng làm đồ trang sức được chứ?

Nhưng cô công chúa vùng vằng nói một cách giận dỗi:

– Con mặc kệ! Nếu phụ vương không làm được cho con, con sẽ chết ngay trước mặt cho người xem!

Quốc vương dở khóc dở cười, khuyên răn thế nào cũng không được, chỉ còn cách tập hợp tất cả thợ điêu khắc trong nước lại, ra lệnh cho họ:

– Các ngươi mau đem bong bóng nước đến làm thành đồ trang sức cho công chúa đội lên đầu. Nếu làm không được sẽ bị xử trảm!

Những người thợ nghe quốc vương ra lệnh như vậy, sợ đến nỗi xanh cả mặt, không biết phải làm thế nào. Lúc đó, có một bác thợ già bước ra, nhận lời thực hiện công việc đó. Quốc vương vui mừng vô hạn liền báo ngay với công chúa tin tức tốt lành này.

– Con gái yêu của ta! Hôm nay có một bác thợ già hứa sẽ giúp con làm đồ trang sức bằng bong bóng nước, con có muốn đi xem thử không?

Công chúa nghe xong vui mừng nhảy cẫng lên:

– Thật không phụ vương? Như vậy tốt quá rồi!

Và nàng nhất định phải đến xem bác thợ già làm việc. Ngày lấy bong bóng nước, quốc vương và công chúa đứng một bên nín thở chăm chú nhìn. Lúc đó, bác thợ già thưa:

– Khải bẩm bệ hạ! Trong số rất nhiều bong bóng nước xinh đẹp này, thần không thể biết được công chúa thích những cái nào. Vậy xin phiền công chúa đích thân lựa chọn. Sau khi chọn xong, thần sẽ mài giũa, chỉnh sửa và làm thành đồ trang sức theo đúng ý công chúa.

Công chúa nghe xong không chút do dự, liền đến bên chậu nước chọn lựa những bong bóng nước mình yêu thích. Nhưng khi tay nàng vừa chạm vào thì bong bóng liền vỡ tan. Công chúa không cam lòng, liền thử lại nhiều lần nữa, nhưng dù cẩn thận nhẹ nhàng thế nào cũng đều không thể vớt bong bóng nước lên được.

Đã hơn nửa ngày, công chúa cảm thấy mệt mỏi quá liền thưa với quốc vương một cách uể oải:

– Thưa phụ vương! Cuối cùng con cũng đã hiểu được. Bong bóng nước không thể nào vớt ra khỏi nước. Nó là vật hư ảo không thật, chỉ có người ngu muội như con mới nghĩ đến việc lấy nó, lãng phí nhiều công sức cho nó!

Kỳ thật, không chỉ có bong bóng nước mà trên thế gian này mọi thứ đều hư ảo không thật, nhưng vẫn có không ít người bỏ hết tâm lực, công sức của đời mình để không ngừng truy đuổi, nắm bắt những thứ không thật đó. Điều này khi xét dưới con mắt trí tuệ của chư Phật và Bồ Tát thật đáng thương xót biết bao!

(TT. Thích Thiện Thuận - Trích từ pháp thoại "ĐẠO PHẬT ĐI VÀO CUỘC ĐỜI - PHẦN 2")
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Nhìn Lại Chính Mình



" Ta phải thỉnh thoảng nhìn lại chính ta trong lúc đang nói hay đang làm một điều gì. Ta hãy quán chiếu bản thân ta để trước hết là ta thấy ta đang nói điều đó hay đang làm điều đó. Chỉ từng ấy thôi cũng đủ đưa ta về chính niệm cho dù trong khi đó nói điều kia ta đã có thể đi xa chính niệm đến hàng muôn dặm. Ta nên biết rằng mỗi lần quán chiếu tự thân như thế ta chỉ tiêu xài một vài giây đồng hồ. Nhưng chính một vài giây đồng hồ đó có thể thắp lên một mặt trời trong thế giới của ta và giải phóng ta khỏi thế giới quên lãng bị động có tính cách mê ám. Mỗi ngày ta có thể dành được bao nhiêu giây đồng hồ công trình quán chiếu này? Bậc giác ngộ là người quán chiếu thường xuyên tự tâm mình. Ta là người quyết tâm học theo các bậc giác ngộ, chẳng lẽ ta không để dành được vài phút trong một ngày cho công trình quán chiếu quan trọng ấy sao? Ta nên biết, dù chỉ có thể tiêu xài vài ba phút trong ngày cho công trình quán chiếu tự tâm, ta cũng đã làm cho cuộc đời ta sáng rỡ và có ý nghĩa vạn lần hơn trước ".

Thiền sư Thích Nhất Hạnh_
Thích Nhật Từ Fanpage
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Anh Chàng Cầu Phật...!!!



Một anh chàng quỳ trước Phật đài
Xin ban sức khỏe,đồng thời giàu sang.
Lắc đầu Phật dạy: Nhớ rằng
Ta nào có phải là thần thánh đâu
Để mà ban phát nhiệm màu
Cho con sức khỏe,sang giàu hỡi con
Nếu con muốn khỏe mạnh luôn
Hãy chăm rèn luyện đến thân thể mình
Hàng ngày sinh hoạt hợp tình,
Còn như nếu muốn trở thành giàu sang
Phải lo làm việc đàng hoàng,
Phát tâm bố thí người đang khốn cùng
Người nghèo,đói khổ khắp vùng
Có gieo nhân tốt mới mong quả lành!
Chàng quỳ xin Phật chi mình
Hoàn thành sự nghiệp công danh rạng ngời.
Lắc đầu Phật khẽ mĩm cười:
"Ta nào thần thánh cho đời cầu xin
Công danh sự nghiệp muốn tìm
Con nên tập luyện cho chuyên một nghề
Mà con yêu thích say mê
Luyện cho tinh tấn muôn bề giỏi giang!"
Quỳ xin Phật, chàng mơ màng
Xin ban cho một cô nàng đẹp xinh
Một người yêu thật diễm tình.
Lắc đầu Phật dạy điều lành cho nghe:
"Mắt phàm con thấy được gì
Đều là hư dối có chi thật nào
Tấm thân tứ đại bền đâu
Như sương đọng giọt tan mau đầu cành,
Con nên lưu giữ trong mình
Tâm hồn trong sáng,chân thành,tốt tươi
Để giao tiếp với mọi người
Đó là vẻ đẹp tuyệt vời dài lâu
Ròi con sẽ gặp được mau
Một người yêu mến tâm đầu cùng con.
Hãy yêu vẻ đẹp tâm hồn
Vượt xa nhan sắc,quý hơn dáng ngoài!"
Chàng quỳ trước Phật xin Ngài
Ban cho trí tuệ rạng ngời,rộng sâu.
Mĩm cười Phật lại lắc đầu:
"Muốn có trí tuệ dược mau đạt thành
Thời nên chăm chỉ học hành
Mở mang kiến thức mọi ngành cho thông!"
Chàng suy nghĩ rồi cầu mong
Phật ban cho một tấm lòng từ bi
Thật là quảng đại mọi bề
Để chàng có thể tràn trề yêu thương
Yêu người ở khắp muôn phương
Dù cho thù hận,ghét chàng lâu nay
Dù cho muốn hại chàng ngay.
Phật nghe,khen ngợi,tỏ bày niềm vui:
"Con cầu nguyện thật đẹp lời
Quả là quảng đại lòng người từ bi!"
Cuối cùng chàng chẳng xin gì
Không cầu xin Phật thứ chi cho mình,
Chàng quỳ đảnh lễ tâm thành
Nguyện cầu tất cả chúng sinh trên đời
Có duyên với giáo pháp Ngài
Khoan dung,đức độ,rạng ngời từ bi
Diệt đi hết tham,sân,si
Mở mang trí tuệ,quy y với Ngài
Thực thi lời Phật hàng ngày
Thoát vòng tăm tối đọa đày khổ đau.
Phật nghe không nói lời nào
Nhìn chàng hoan hỉ gật đầu ngợi khen !!!

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

 Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Theo Phật Pháp Ứng Dụng
Sưu tầm: Hanh Nghiêm