Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Đạo Sĩ Và Hư Vô





Ta ngồi mãi giữa hư vô lòng núi
Bỗng thấy chiều hớt hải đuổi theo mây
Khối thời gian rơi vào triền đá lặng
Hiện tại nào mất hút ở đầu cây.

Đời đạo sĩ, con còng già bỏ tổ
Lên non cao còn sợ nước triều lên
Bụi đầy áo, phủi hoài tay cũng mỏi
Có nhiều khi ẩn dật cũng ưu phiền.

Ta ghé bến đìu hiu tìm hạt lệ
Rơi quanh mình với nỗi chết xanh xao
Hoa đốm bay đã vô tri tròng mắt
Còn bầu trời ai hái những vì sao!

Đời đạo sĩ, con chim trên đỉnh núi
Ngợi ca ngày nắng mới, giữa mù sương
Chim rướm máu bởi hồn thơ u khoát
Rớt xuống trần như lửa cháy tà dương.

Ta bước xuống, đêm, và vầng trăng lạnh
Khóm lau già run rẩy nước sương mưa
Trọn thân thế ta chối từ vinh hạnh
Theo con đường lặng lẽ tự ngàn xưa.

Chừ vô biên chỉ còn là hơi thở
Và nụ cười bất diệt ở quanh đây
Đời đạo sĩ, con còng già bỏ tổ
Hóa thân làm lau cỏ ở đồi tây!

( MDTTA)
Tánh Thuẩn
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

Môi Trường Sống Với Cái Nhìn Duy Thức



Trong kinh “Phật thuyết Bát đại nhân giác” có lời dạy:

“Thường niệm tri túc
An bần thủ đạo
Duy tuệ thị nghiệp”

Đây chỉ là một phần của bài kệ nhưng đã biểu hiện đến độ sâu thẳm khi ta trầm tư trong tỉnh lự. Trong thời đại ngày nay, con người đã đạt được những khám phá kỳ diệu của vũ trụ, của những thành tựu khoa học công nghệ. Nhưng hình như còn nhiều vấn đề về bên trong nội tâm con người, cũng như về bản chất thực sự, chưa thu được những kết quả tương xứng. Theo thuật ngữ của Phật giáo, con người đang còn vây kín bởi vô minh, kết quả là con người giải thích sai lầm mọi điều, và hành động theo sự sai lầm ấy, nên khoác lên mình một lý lịch sai lầm của cái ngã ích kỹ cao ngạo.

Con người là quả cao nhất trên cây tiến hoá, nên con người cần phải hiểu được vị trí của mình trong tự nhiên và hiểu được ý nghĩa thực sự của đời mình. Nhưng dường như, chúng ta không thích đối đầu với sự thật của đời sống: sự thật đối với tha nhân và xã hội; sự thật với thiên nhiên và vũ trụ. Trái lại, chúng ta ưa thích tự ru ngủ bằng cảm giác an tâm giả tạo trong giấc mơ và tưởng tượng hảo huyền, điều động bởi dục vọng vật chất mang tính mù quáng và không có điểm dừng.

Ý của Kinh dạy: muốn thoát khỏi phiền não, phải quan sát sự tri túc. Người không tri túc thường bị ngũ dục lôi kéo. Tri túc là: phải hiểu và trân trọng tất cả những gì mình vốn có. Tri túc thì luôn được an lạc. Tinh thần “thường niệm tri túc” được xem là quan trọng để trở thành một con người giàu có và hạnh phúc theo nghĩa xa lánh được những khát vọng thấp kém, bn chen lợi danh, tranh giành quyền thế. Với cách sống này, con người có điều kiện đi vào cảnh giới an lạc, hạnh phúc và giải thoát bằng từng hành động của thân, khẩu, ý. Cảnh giới ngoài sự điều động của tham, sân, si được gọi là cảnh giới vô vi; cảnh giới của “không đến, không đi” của “không sanh, không diệt“, hay của sự đoạn diệt khổ.

Trí tuệ Duyên khởi xác minh sự cộng tồn giữa tất cả mọi sinh vật, phản ảnh sự hiểu biết về bản chất phụ thuộc lẫn nhau của mọi tồn tại. Điều này biểu đạt một cơ sở của “chủ nghĩa sinh vật bình đẳng” làm nền tảng đạo đức cho con người và soi sáng cho con người nhận thức và hành động thực tế đối với các hiện hữu có liên quan đối với con người như các loại sinh vật, động vật khác v.v..

Dưới đôi mắt tuệ giác của Phật, con người không khác gì hơn là hiện hữu của “Mười hai nhân duyên“. Sự vận hành của “Mười hai nhân duyên” là “Năm uẩn” của con người. Do đó thể nhận của sự vận hành ấy đồng nghĩa là thể nhận con người như thật.

Sắc uẩn là cơ thể vật lý. Thọ uẩn gồm cảm thọ khởi lên từ giao tiếp của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và của ý. Tưởng uẩn gồm có tư tưởng về sắc, thanh, hương, vị và về thế giới hiện tượng. Hành uẩn là tất cả hành động về thân, khẩu, ý. Thức uẩn gồm nhân thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

Con người là như vậy, là do các duyên thuộc thế giới vật lý và tâm lý. Mỗi cá nhân đều có liên quan đến cá nhân khác, đến xã hội, đến thiên nhiên và nhất thiết không hiện hữu tự thể. Do đó, đạo Phật có nói đến tính vô ngã, vô thường.

Trong hệ thống Năm uẩn, Thức uẩn (conscióuness) là tri giác – hiện hữu, không thể phân định Thức là ở quá khứ hay tương lai vì nó là “dòng vận hành bất tuyệt“. Trong lúc sinh thành thì được gọi là Kiết sinh thức. Khi mạng căn chấm dứt (sự chết), thân vật lý tan rã, Thức năng vẫn tồn tại, nó sẽ gọi là Nghiệp thức, có công năng dẫn đến sự tái sinh vì nó vô hình, không mang tính vật lý thì lấy gì mà biến đổi và mất đi. Tuy nhiên, Thức uẩn không thường tại, mà là hiện thân của tiến trình tương tục.

Một khía cạnh rối răm khác gặp phải khi định nghĩa Thức uẩn là tri giác – hiện hữu, chính là sự nhận thức được nhìn từ tổng tướng bởi ý thức phân biệt đối với một hiện hữu hàm chứa trong nó một tiến trình hiện hữu.

Những gì được phân tích, suy luận và tiếp nhận qua tri giác chỉ là chân lý thường nghiệm mang tính tương đối, chứ không phải là cảnh giới tự chứng của chư Phật hay là chân lý tuyệt đối. Từ những chi tiết trên, ta thấy con người là một sinh thể hữu hạn bởi sinh lão, bệnh tử.v.v..; vừa là vô hạn. Nó vô hạn từ sự định hướng đoạn trừ Ái dục, khi Ái, Thủ được đoạn diệt thì “Mười hai khoen xích nhân duyên” của thế giới sinh tử luân hồi tan ra.

“Do vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên lục nhập; lục nhập duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sinh; sinh duyên lão tử”.

Theo kiến giải của các luận sư Phật học, nếu chỉ nắm bắt cái khái niệm bên trên ở cấp độ bề mặt của Thức thì chúng ta sẽ không thấy được bản chất của chúng ở tầng sâu hơn, rộng lớn hơn trên nền tảng của Duyên khởi. Biểu hiện của Thức là thế giới sơn hà, đại địa, sum la vạn tượng, mà con người nhận biết, cụ thể là tất cả những hoạt động trong đời sống con người như: ngân hàng, siêu thị, giáo dục, y tế, các đoàn thể xã hội.v.v..

Mối quan hệ giữa con người và thế giới, cũng như chủ thể và khách thể tựa hồ như khi đứng nhìn đỉnh núi vào lúc chiều tà, ta đang mất hút trong nó và nó đang hiển thị, phô trần trong ta. Tính bất khả phân giữa chủ thể tri giác và đối tượng tri giác gọi là Duy thức hay “chỉ có thức biểu biệt“. Điều này nói rằng: không phải chỉ có tâm thức, mà không có thực tại khách quan. Do đó, Duy thức là biểu hiện, biểu biệt của tâm thức và nếu thiếu vắng tâm thức thì tất cả các đối tượng của nó, gọi là Pháp, đều không có mặt.

Theo học thuyết Duy thức, tầng cao nhất thuộc ý thức của con người được hình thành từ Tiền ngũ thức, tương ứng với năm giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân). Tiền ngũ thức chính là sự nhận thức của các cơ quan cảm giác như: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức.

Ý thức là thức thứ sáu bao gồm sự phân biệt, tổng hợp sự nhận thức của năm giác quan thành ảnh tượng mạch lạc.

Thức thứ bảy gọi là Mạt na thức, nó hoạt động như một trạm thu thập những hoạt động của sáu thức kia. Thức này phân biệt thế giới tinh thần bên trong. Sự nhận thức cơ bản về Ngã, khởi đầu từ cấp độ này. Sự chấp chặt về Ngã mà tạo nên ác nghiệp cũng từ đây. Những nghiệp này gồm Ngã si dẫn đến vô minh; Ngã mạn có thể tạo nên tính kiêu mạn; Ngã kiến thường là những kiến giải sai lầm và Ngã ái là gốc của sự tham lam. Tính khí của Mạt na thức trên nền tảng bốn phạm trù nghiệp nói trên đã mô tả bao quát toàn bộ đời sống nhu cầu sinh lý con người. Vì rằng sự khổ đau hay hạnh phúc của con người đều bắt nguồn từ sự chấp thủ cái tôi, cái của tôi và cái tự ngã của tôi.

Nói theo tâm lý hiện đại, thì hình thái của Mạt na thức chính là sự vận hành của tư duy hữu ngã theo sự điều động của ái dục thúc đẩy tâm lý tìm kiếm sự thoả mãn dục vọng, khoái lạc, là thứ hạnh phúc giả tạo và điên dại. Đây cũng là tập khí di truyền của đời sống tâm thức, nó cũng là “ý niệm tối sợ“ hay còn gọi là “kiết sinh thức” trong mỗi “chu kỳ đời sống mới” .

Trong Kinh Lăng Già có bài kệ viết:

Biển tàng thức thường trụ
Gió cảnh giới nổi dậy
Lớp lớp các sóng thức
Ào ạt mà chuyển sinh

(Thích Thanh Từ dịch)

Nằm trong tầng sâu hơn Mạt na thức là thức thứ tám, có tên A lại da thức hay còn gọi là Tàng thức. Đây là thức bất tử vì nó được xem là đi qua dòng sinh tử. Nó là thực thể căn bản thuộc sự chuyển sinh liên tục, vĩnh hằng của sinh mệnh. Tàng thức có các đặc tính:

+ Tất cả những kinh nghiệm của sinh mệnh do bảy thức trước phát khởi hay do những hoạt động thuộc thể chất hoặc tinh thần thông qua ba nghiệp gồm thân, khẩu, ý, được lưu giữ dưới dạng chủng tử trong Tàng thức. Những chủng này được bảo trì, phát triển và thành thục rồi cho ra đời một hiện hữu mới. Trước viễn cảnh của dòng sông tâm thức, mọi hiện tượng tâm lý sinh khởi hay mất đi đều nướng vào chủng tử có sẵn mà thuật ngữ gọi là “Chủng tử bản hữu” trong Tàng thức.

Trong sự giao tiếp với hiện tại của dòng tâm thức, chủng tử bản hữu có điều kiện vun trồng, tưới tẩm sẽ hiện hành và chủng tử mới được giao vào Tàng thức gọi là tân huân chủng tử. Sự tưới tẩm, xông ướp, chăm sóc thường xuyên thì chủng tử tân huân là tập khí. Chẳng hạn, niệm Phật lần đầu tiên là tân huân và cứ mỗi ngày đều niệm là huân tập và ý niệm về Phật đã thể hiện trong phong thái cuộc sống là tập khí.

Vì các chủng tử này được khái niệm hoá thông qua ngôn ngữ nên để lại sự ảnh hưởng rất sâu sắc. Nhìn từ góc độ của đạo đức thì có những chủng tử thiện, chủng tử ác và chủng tử vô ký (không thiện, không ác). Từ ý nghĩa này, dù thân nghiệp, ý nghiệp là thiện hay ác đều in dấu trong Tàng thức dưới dạng chủng tử nghiệp. Về mặt bản chất, Tàng thức là trung tính, như tờ giấy trắng và những chủng tử thiện và ác sẽ quyết định một điều kiện của nó trong thế giới tương lai.

Ba thể dạng, tân huân, huân tập và tập khí là một tiến trình của đời sống tâm thức. Nó biểu hiện cụ thể qua thói quen, phong cách hay cá tính tạo nên cái biệt nghiệp của mỗi cá nhân. Những hoạt động của thân và tâm của một người vốn mang tính cá nhân, do đó chúng được tác thành bởi biệt nghiệp. Trái lại, môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội chung cho tất cả mọi thành viên, vì thế chúng được hình thành bởi cộng nghiệp: sông, núi, trái đất v.v... được sinh ra từ cộng nghiệp và ngược lại các loài hữu tình được sinh ra từ biệt nghiệp.

Thuyết Duy thức của Pháp Tướng Tông cho rằng Như Lai Tạng hay Chân Tâm bị che lấp mới trở thành Tàng thức nên Tàng thức được ví như nền tảng của tâm thức, là đất để tâm phát triển, là thể của tâm.

Chính vì vậy, Tàng thức có những chức năng riêng để nhận thức. Sự nhận thức được thể hiện phản ảnh qua các hoạt động của thân, khẩu và ý, rồi chúng lại được in dấu vào Tàng thức bằng các chủng tử. Tiến trình này được định danh là “Duyên khởi của Tàng thức”. Vòng phản hồi biệt nghiệp của Tàng thức ở cá nhân sẽ được hình thành tại đây. Bồ Tát Thế Thân phát biểu rằng: A lại da thức, thường thay đổi và giống như một dòng nước lũ“ (Hằng chuyển như bộc lưu)

Kết quả được nhìn từ phía duyên khởi thì ba nghiệp thân, khẩu, ý biểu đạt chính nó một cách mới mẻ, nên Tàng thức luôn luôn thay đổi do sự tích chứa biệt nghiệp chủng tử mới như thế. Và rõ ràng, khi được chia sẽ với cộng đồng xã hội, với môi trường thiên nhiên thì các biệt nghiệp có thể trở thành cộng nghiệp.

+ Hiện thân của tập khí chính là con người toàn diện về hai mặt tâm lý và vật lý, tư duy và hành động, vật chất và tinh thần, tự tướng và tổng tướng, biệt nghiệp và cộng nghiệp, cá nhân và cộng đồng v.v... Tại nơi đây không thể tìm ra một hiện tượng mang tính cách hoặc riêng, hoặc chung. Trong cái riêng có cái chung và trong cái chung có cái riêng nghĩa là nó phơi bày ra lý duyên khởi và lý trung đạo.

“Khi cái này có mặt thì cái kia có mặt
Khi cái này không có mặt thì cái kia không có mặt
Khi cái này sinh khởi thì cái kia sinh khởi
Khi cái này đoạn diệt thì cái kia đoạn diệt”

Như vậy, tập khí hay phong cách sống của một cá nhân cũng phản ánh một mặt nào đó cái phong cách sống của mọi người trong cùng một xã hội, một giai đoạn lịch sử: vì mỗi cá nhân là sản phẩm của chính mình, lại vừa là sản phẩm của cộng đồng xã hội mà cá nhân đó là một thành viên.

Trong quan điểm này, mối liên hệ giữa cá nhân với tâm thức, giữa cá nhân với xã hội, giữa con người với thiên nhiên, những mối quan hệ là những phương diện trong cách nhận thức thế giới của Phật giáo.

Khái niệm này cho thấy cộng nghiệp được lưu vào Tàng thức duy trì được những mối liên hệ sinh động với cộng đồng, với xã hội và môi trường thiên nhiên và chuyển đổi liên tục dẫn đến sự tích luỹ các cộng nghiệp mới để cuối cùng biểu lộ chính nó trở thành hiện tượng. Tóm lại, cả thế giới hiện thực khách quan với muôn vạn dị biệt đa thù, lẫn các hiện tượng tâm lý như buồn vui, giận hờn, yêu thương đều là các biểu hiện của Tàng thức.

Theo đạo Phật, con người trước hết là biểu hiện từ Tàng thức bao gồm các nhân duyên: địa, phong, thuỷ, hoả, không, thời, phương, thức và xuất hiện như một tổng thể của 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Bản chất của con người là một tích hợp của nhân duyên với dòng nghiệp thức, dòng nghiệp ở đây chính hạt giống, các tập khí, các tạo tác trong sâu thẳm của tâm thức và là nguyên uỷ cho vòng luân hồi sinh tử của một dòng sinh mệnh.

Môi trường sống là không gian cho sự cộng sinh của muôn loài bao gồm cả con người được điều phối nghiêm ngặt của nguyên lý Duyên khởi và tiến trình vòng phản hồi của cộng nghiệp trong Tàng thức.

Cho đến muôn thuở, nhân loại đã cải tạo biến đổi môi trường sống chỉ nhắm thẳng mục đích đáp ứng dục vọng của con người. Nói cách khác những gì thuộc bên trong con người như những dục vọng sẽ được biến hiện thành những thành tố bên ngoài môi trường sống và chính sản phẩm của dục vọng này lại trở thành đối tượng kích thích ngũ quan: sắc, thanh, hương, vị, và xúc giác con người. Từ ban đầu, cộng nghiệp như là một tổng thể có qui mô nhỏ, nhưng dần dà thông qua vòng phản hồi của Tàng thức, phóng đại tính cộng nghiệp theo biên độ rộng lớn trong cả cộng đồng nhân loại.

Thực ra, ta cần phân biệt giữa hai khái niệm dục vọng và khát vọng. Dục vọng về bản chất là một sức mạnh mù quáng nó như một sự thèm khát đầy dẩy dằn vặt tâm trí, bị điều động bởi lòng ích kỷ, nó chỉ nhằm thoả mãn những toan tính vô hạn của cuộc sống tầm thường. Dục vọng nhanh chóng biến chất để chuyển thành độc tố tham, sân, si của Tâm ngay khi nó trở nên gay gắt, ám ảnh hoặc chấp thủ không kiểm soát được. Trái lại, khát vọng nảy sinh từ tâm ý muốn biến mình thành người tốt, phụng sự cho phúc lạc con người, hoặc vươn tới giác ngộ tâm linh.

Sự chuyển hoá Tàng thức.

Như đã trình bày, Tàng thức dung chứa các hạt giống vừa ô nhiễm vừa thanh tịnh. Sự chuyển hoá có mục đích làm tan biến, diệt tận các hạt nhân ô nhiễm, bất thiện, trả lại bản tính thanh tịnh, chân thật của nó. Nói một cách cụ thể là giải trừ các hạt giống tạp niệm trôi lăn trong diễn biến tâm lý của chủ thể nhận thức.

Con người hiện hữu trong môi trường sống tương tác nhận thức của mình thông qua ngũ quan và được tổng hợp vào ý thức (thức thứ 6) và cũng được nhận thức bởi Tàng thức (thức thứ 8), Hầu hết các biểu hiện của chủng tử được in vào Tàng thức thông qua ngôn ngữ bằng các phương tiện như giáo dục, đối thoại, diễn thuyết, báo chí, triển lãm v.v... là các chủng tử nghiệp thiện. Các chủng này lại được lưu giữ thông qua vòng phản hồi của xã hội sẽ là cộng nghiệp tốt, tác dụng tốt trong tương lai.

Mặt khác, bằng phẩm hạnh nhẫn nhục, phát triển chánh niệm, chịu đựng khó khăn, thực hành thiểu dục với tinh thần tri túc, kiềm chế tham lam, không để tâm trí bị đầu độc, bị ám ảnh bởi những xa hoa phù phiếm của vật chất, bởi những tham đắm quyền thế. Sau cùng, quán về Tính không của vạn hữu để nuôi dưỡng ý thức về mối quan hệ Duyên khởi giữa tất cả dạng thức sống, để nhận ra sự cộng tồn giữa con người và sinh vật khác và từ đó con người trực nhận được sự bình đẳng giữa mình và chúng sinh về mặt sinh mệnh nhưng vẫn dành cho con người một dạng sinh mệnh thông minh hơn có quyền ưu tiên.

Điều phải suy ngẩm

Dường như, ngày nào sự phát triển khoa học và kỹ thuật còn phát triển mạnh, bí mật của thiên nhiên không ngừng được khám phá, phơi bày trước mắt con người, thì nhân loại càng trở nên cuồng vọng hơn. Dưới ảnh hưởng tư tưởng duy vật luận của phương Tây, con người vẫn cho rằng vật chất quyết định ý thức, vật chất trở thành mục tiêu cao cả, ưu tiên cho cuộc sống, và vì thế con người dần dà bị vật chất hoá, không hay không biết tự lúc nào.

Con người vẫn mãi mê nhận thức rằng chỉ có điều kiện vật chất càng nhiều thì hạnh phúc càng ổn định và vì thế dưới mục tiêu chung của phát triển kinh tế thì lực lượng tiềm ẩn của con người đã được kích thích một cách mãnh liệt, trạng thái tâm lý thay đổi, chao đảo không ngừng và dường như ý nghĩa kiếp người chỉ được đo bằng con số trên tài sản của họ sau bao năm tháng bôn ba.

Xét từ quan điểm của Phật học, lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của đời người là không khác nhau. Lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân cũng là một thể. Vì vậy tư tưởng tìm kiếm lợi ích trước mắt để làm giàu không nghỉ đến hành vi tức thời sẽ gây đến hậu quả đến mai sau là một điều quá tai hại cho cộng đồng xã hội và rộng hơn cho toàn thể nhân lại. Đây chính là vấn nạn của môi trường sinh thái và sâu xa hơn là vấn nạn của biến đổi khí hậu mà nhân loại đang đối mặt trong toàn cầu như hiện nay.

Quan niệm của Phật giáo về sinh mệnh con người trong vũ trụ xuất phát thông qua trực giác của Đức Phật sau khi ngồi thiền định dưới cội Bồ-đề và khám phá bản chất của vũ trụ, Ngài đã nhận ra rằng bản thân đời sống không thể tách rời nguồn gốc của sinh mệnh muôn loài và vũ trụ mà nó được hình thành trong đó Ngài đã đặt tên là sinh mệnh cơ bản hay còn gọi là Pháp (dhamma). Đức Phật đã thấy rõ sinh mệnh vũ trụ và tính bất nhị giữa Ngài và vũ trụ trong chiều sâu thẳm.

Theo các luận sư Phật học. Pháp không có hình dạng, nó là sinh mệnh trong sinh mệnh, thuật ngữ khác dùng thay cho Pháp gọi là Như Lai. Như Lai “là người đã đến như thế” danh hiệu chỉ một vị đã đến bậc giác ngộ cao nhất, bậc Chánh đẳng, Chánh giác, đôi khi có nghĩa là biểu hiện cụ thể của Chân như, thể tính của vũ trụ, được xem là gạch nối giữa hiện tượng và bản thể. Như Lai trong nhiều trường hợp đồng nghĩa với trí huệ, với Không tánh.

Mọi thứ hiện hữu trong vũ trụ được kết nối bằng luật Duyên khởi, một nguyên lý của tính tương đối mang bản chất khoa học hiện đại. Tác dụng của sinh mệnh vũ trụ là thực hiện những hành động trong mạng lưới phức tạp của nhân quả. Quá trình vận hành của sự tiến hoá sinh mệnh và thế giới vật chất làm xuất hiện dạng sinh mệnh thông minh gọi là con người.

Trong Kinh Đại Thừa có dạy: Trong vũ trụ bao la rộng lớn này tồn tại những dạng sinh mệnh thông minh khác hoạt động xuyên suốt trong sự phát triển của nó, đó chính là khái niệm: “Quốc độ của Phật“ ở quá khứ, hiện tại và vị lai trong mười phương. Bởi vậy, con người phải nỗ lực thực hiện những hành động tương thích với nhận thức cao hơn của mình.

Nhìn trên qui mô địa cầu, hệ thống sinh thái, tiến hoá chọn lọc, phát triển theo cách sáng tạo và nhân loại là một thành viên trong cộng đồng này. Con người là vốn quý, là bậc linh trưởng của vạn vật vì có tâm thức có tự do chọn lựa, khác với động vật. Sung sướng, hạnh phúc, đau khổ và phiền muộn đều là các cảm giác lưu xuất từ tâm, cho nên phải có nhận thức sâu sắc về tác dụng của tâm linh, và chính tâm linh chứ không có nhân tố nào khác là cội nguồn ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến sự thay đổi của thế giới mà con người đang sống. Chính đời sống, xã hội, thế giới của con người, do con người muốn làm ra chứ không phải do một sự mặc khải nào cả.

SÁCH THAM KHẢO
1. Thích Chơn Thiện: Lý thuyết Nhân tính qua Kinh Tạng Pali - NXB Phương Đông 2009.
2. Tuệ Sỹ (dịch và chú) – Thành Duy Thức - NXB Phương Đông 2009.
3. Pháp Hiền – Triết học và khoa học Tây Phương - NXB Phương Đông 2010.

Đặng Công Hanh
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Chu Trung




 Đất trời hoà một, trời là đất, đất là trời, không còn ranh giới giữa cõi Phật và nhân gian, chỉ có Chân Như trong sáng thôi.

         舟中                              Chu Trung

一葉扁舟湖海客     Nhất diệp biển chu hồ hải khách        
撐出葦行風     Sanh xuất vy hành phong thích thích             
微茫四顧晚潮生     Vi mang tứ cố vãn triều sinh
江水連天一鷗白     Giang thuỷ liên thiên nhất âu bạch       
          玄光禪師                 Huyền Quang Thiền Sư

Dịch Nghĩa: Trong Thuyền

Kẻ đang phiêu bạt biển hồ, ngồi trên con xuồng mong manh như chiếc lá
Chống xuồng qua đám lau, nghe tiếng gió buồn buồn rên rỉ
Bốn phía mịt mù, trong khi con nước buổi chiều đang lên
Giữa vùng trời và sông nước như liền nhau, xuất hiện một cánh chim hải âu trắng.

Diễn ý:

 Đây có phải là chiếc Thuyền không đáy của Tiếp Dẫn Tăng, và người khách là thầy trò Đường Tăng? Rời bến Lăng Vân, bỏ lại phía sau chốn mê, Tiếp Dẫn Tăng đưa thầy trò Đường Tăng sang đất Phật.

Dịch Thơ

      Kẻ phiêu bạt ngồi trên xuồng nhỏ
      Vượt ngàn lau trong gió thì thào
        Chiều mờ con nước dâng cao
Giữa trời đất quyện hiện màu trắng âu.
                               Quên Đi

***

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Bố Thí Vì Từ Mẫn



Bố thí mà không vụ lợi, bố thí mà không toan tính lợi về mình, bố thí vì từ mẫn, đây mới là bố thí chơn thật. Vì sao?

Khi chúng ta không vụ lợi, mà không toan tính lợi mình thì chúng ta không mong cầu một sự trả ơn của người được nhận bố thí, chính nhân duyên này làm tâm chúng ta an lạc, không phân vân, không đắn đ, đối tượng bố thí là bất kỳ ai, miễn sao người nhận được bố thí thấy an vui trong lòng. Ngược lại, người bố thí cũng hoan hỷ, cũng kính mến người bố thí. Do đó, ân oán không có xiềng xích nhau. Ngược lại, chúng ta bố thí vụ lợi, toan tính cho bản thân.

Bố thí vụ lợi, toan tính cho bản thân, chắc chắn loại bố thí này không sớm thì muộn đều có ân oán, vay trả nhau. Khi chúng ta bố thí mưu cầu ích lợi cho bản thân, tâm chúng ta bị chi phối tham, nhưng khi những lợi ích không đến thì sân sẽ chi phối, nhưng lợi có đến thì ân lại càng chồng chất ân, hay nói cách khác, tham càng tham thêm. Chúng ta không biết lợi và không lợi đều vô thường, biến hoại, chúng đều chứa khổ, đó là "vô minh". Từ đó, vay trả, trả vay cứ gặp nhau mãi mãi, triền miên mà chúng ta không hề biết đến.

Bố thì vì lòng từ là một trong những bố thí vượt lên trên tất cả bố thí. Chính bố thí vì tâm từ, quy luật nhân quả không tác động vào thân, tâm chúng ta, từ đó tâm an lạc, thanh thản. Đây là loại bố thí "trí tuệ", bố thí tâm từ làm cho muôn loài an lạc, trong đó có chính chúng ta. Tâm từ là một loại tâm đặc biệt của con người, mà các bậc thánh luôn khuyên dạy chúng ta rèn luyện, trau dồi, tâm từ là dòng nước mát lành, xóa tan ưu phiền, khổ não, sân hận, ân oán chính chúng ta, và cả người khác.

Bố thí vì tâm từ rất trí tuệ, không phải cả đống vật chất, cả khối kiến thức để chúng ta san sẻ cho người khác, mà đôi khi chỉ một miếng bánh mì cho đàn kiến, một bát cơm cho chú chó, con mèo đang đói, một cử chỉ ân cần cứu một con chim, con cá,...gặp hoạn nạn, hay chỉ 1 lời nói làm người khác "bừng tỉnh", để hướng về điều thiện, hay chỉ 1 hành vi mang đậm dấu ấn "lòng từ bi",...Đây là một trong những hình thức bố thí mang tính chất "trí tuệ" rất cao. Do đó, chúng ta phải tư duy để mình bố thí phù hợp với "lòng yêu thương" chơn chánh, hay từ bi.

Nói tóm lại, bố thí rất cao quý, nhưng bố thí không vụ lợi, không toan tính và bố thí vì tâm từ thì vô cùng cao quý. Hơn nữa, bố thí đúng chánh pháp là một tài sản to lớn của mỗi con người.

Kính ghi
Long Nguyen
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Quân Tử Và Tiểu Nhân



"Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử thì gặp một người đang đứng ở cổng nhà.

Người khách này ngăn vị học trò kia lại hỏi: “Nghe nói thầy dạy của ngài là Khổng thánh nhân, như vậy thì học vấn của ngài chắc phải cao lắm. Ngài cho ta hỏi một năm có mấy mùa? Nếu ngài trả lời đúng, ta sẽ dập đầu quỳ lạy ngài, còn nếu trả lời sai thì ngài phải bái lạy ta.”

Vị đệ tử kia suy nghĩ một lát rồi nói: “Xuân, Hạ, Thu, Đông, có bốn mùa!”

Người khách kia cãi lại: “Sai! Có ba mùa!”

Vị đệ tử cảm thấy thực sự là kỳ quái nói: “Rõ ràng là một năm có bốn mùa, sao ngươi lại nói là có ba mùa?”

Đúng lúc hai người tranh luận không thôi thì Khổng Tử đi ra. Vị khách kia hỏi: “Thánh nhân! Xin ngài hãy phân xử, một năm rốt cuộc là có mấy mùa?”

Khổng Tử nhìn vị khách một lượt rồi nói: “Ba mùa!”

Vị khách vô cùng đắc thắng, quay sang cậu học trò của Khổng Tử: ‘Ngươi nghe đã rõ chưa, còn không bái ta một lạy tạ lỗi sao?’. Nói rồi đắc chí cười ha hả đi thẳng.

Cậu học trò thấy hết sức quái lạ, bèn hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy! Một năm rõ ràng là có bốn mùa, sao vừa rồi thầy lại nói là có ba mùa?”

Khổng Tử trả lời: “Con không thấy người kia sao? Đó là một con châu chấu biến hóa mà thành. Một năm, châu chấu chỉ sống có ba mùa, xuân, hạ và thu, nó đâu có biết mùa đông? Con tranh luận với nó chẳng phải là không bao giờ có kết thúc sao?” 

Vị đệ tử bừng tỉnh hiểu ra đạo ý cao thâm của bậc Thánh nhân: Tranh cãi với người không cùng cảnh giới là việc phí thời gian vô ích. Lão Tử nói: “Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện ” (Nghĩa là: người thiện thì không tranh biện, người tranh biện thì không phải thiện). Sự tu dưỡng, trưởng thành trong đời một người thể hiện ở việc làm, không phải ở lời nói, tranh biện. Xưa nay, phàm đã là chân lý thì đâu cần tranh biện.

Kẻ tiểu nhân nhầm tưởng rằng tranh luận không ngớt là khẳng định được chân lý thuộc về mình. Kỳ thực, chân lý vốn không thuộc về người, mà là đạo của vũ trụ. Việc của người quân tử là dụng tâm tu dưỡng đến cảnh giới của chân lý, gọi là giác ngộ, viên mãn. Kẻ tiểu nhân lấy cái ngu xuẩn của mình khăng khăng tranh luận cao thấp với người khác. Trong Đạo đức kinh, Lão Tử viết: “Đạo của bậc Thành nhân là làm mà không tranh”.Một trong ba nguyên lý tu dưỡng tối cao của Phật gia chính là NHẪN. Nhẫn nhịn không tranh biện mới là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.

Phú Bật thời Bắc Tống khi còn trẻ, ông đang đi bộ trên đường phố thành Lạc Dương thì bỗng nhiên có một người mắng chửi ông. Một người đi đường đã ghé tai Phú Bật mà nói nhỏ: “Chàng trai trẻ, có người đang mắng chửi cậu kìa.” Phú Bật nghe xong liền nói: “Hình như là mắng người khác đó.” Người đó lại nói: “Người ta còn gọi tên của cậu mà chửi đó.” Phú Bật suy nghĩ một chút rồi nói: “Có lẽ là mắng người khác, rất có thể người đó trùng tên họ với tôi.” Sau đó, người mắng chửi Phú Bật nghe được phản ứng của ông nên thấy rất hổ thẹn, đến xin lỗi Phú Bật. 

Phú Bật chẳng phải chính là đã hành xử như người quân tử, không tranh biện với kẻ tiểu nhân. Đó không phải là nhu nhược mà là không để tâm vào những chuyện vụn vặt, lùi một bước biển rộng trời cao. Cho nên, người xưa cho rằng người thông minh nhưng giả ngốc mới là đạo xử thế của nhà thông thái. Đời người quá ngắn ngủi và quý giá, việc cần làm lại quá nhiều, sao phải vì điều khó chịu mà lãng phí thời gian? Hiểu được cái đạo của người giả ngốc, bạn sẽ thấu một cảnh giới khác của đại trí tuệ.

Trong Luận ngữ, Khổng Tử giảng: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn vu sự nhi thận vu ngôn.” (Tạm dịch: Bậc quân tử ăn nhưng không cầu ăn no, ở không cầu an, nhanh nhẹn, minh mẫn trong việc làm nhưng rất thận trọng về lời nói). Lại thêm: “Quân tử dục nột vu ngôn nhi mẫn vu hành” (Bậc quân tử thường chậm trong lời nói nhưng hành động thì nhanh nhạy). 

Rõ ràng là người xưa xem phẩm chất người quân tử là ở hành động, nói ít làm nhiều, lấy hành động chứng minh thay vì xảo biện, có nói cũng lấy khiêm nhường, đúng mực, thậm chí im lặng không nói. Kẻ tiểu nhân ngược lại, nói nhiều nhưng chẳng làm gì cả. Thế nên nhân gian mới có câu: ‘Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo…’ 

Một lẽ hết sức dễ hiểu là những người nhẫn nhịn không tranh biện bởi họ còn đang phải… miệt mài làm việc. Kẻ tiểu nhân làm ít nên rảnh rỗi nói nhiều, về bản chất thực sự không phải có năng lực. Người tài trí biết trân quý thời gian hữu hạn, một khi qua đi không trở lại nên dốc lòng toàn tâm toàn trí vào công việc, không muốn phí tiếc cho việc tranh cãi đúng sai. Tâm tranh đấu hơn thua cao thấp họ đã buông bỏ từ lâu…

Kẻ tiểu nhân khoa ngôn xảo ngữ nhưng thực ra mọi việc đều để người khác làm cả. Như vậy tranh cãi với kẻ tiểu nhân há chẳng phải hạ mình xuống bằng họ mà phí thời giờ vô ích sao? ‘Người tốt không tranh biện, người tranh biện không tốt. Người biết không học rộng, người học rộng không biết'.

Hàm ý là: Người thông minh không nhất định là kẻ học rộng. Người học rộng lại cũng không nhất định là người thông thái trí huệ. Bởi thứ quyết định trí tuệ của một người không phải ở tri thức tích lũy nhiều bao nhiêu mà là ở tâm thái cảnh giới tư tưởng cao bao nhiêu. Kẻ thông minh dùng khoa ngôn xảo ngữ để hùng biện. Bậc trí giả, ngược lại, đã tu dưỡng đến độ hiểu rằng, nói là một loại năng lực, còn im lặng là một loại trí huệ. Vậy há chẳng phải sống trên đời, không cần tranh cãi với kẻ tiểu nhân?"

Lam Thư 
(daikynguyen.vn)
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Ngác Ngơ Xuân Mộng!




Ngẩn ngơ bởi mối tình bậu cửa!
Mĩm cười khi thoáng thấy em qua!
Viết cho ngày mai mầu nhiệm trải dài...
Trên vạn dặm tình yêu màu sữa!

Không lời khi bước nhẹ mà sâu
Viết lại trên hoa ..mối tình đầu!
Tóc tiên buộc với cành hoa nắng!
Trên tim ... lời tỏ chẳng thành câu!

Ba mươi năm lẻ...vết nương dâu
Ba mươi mùa xuân qua lại cầu...yy
Đời chiều cơn sóng lòng quên tuổi!
Thoáng bóng mùa hoa, nhớ mắt sâu!

Một năm lẻ nữa đi qua cửa!
Một mùa xuân nữa cắn hạt dưa!
Trên đầu cọng tóc già nhẩm tính...Một chút mới vừa... đời đã xưa! 

Xin ừa! Vâng ạ! ...Dạ thưa!
Trái vừa chín mọng, tình vừa oằn cây! 🍀🌸🌼🌸💕🍀
Hannghiem Nguyen

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Trí Thức và Trí Tuệ



Thông thường người ta thường lẫn lộn giữa trí thức và trí huệ.

Những người có học thức, có bằng cấp thế gian thì ta gọi là trí thức. Người trí thức được xem là thông minh vì có sự hiểu biết rộng rãi. Khi đến với đạo Phật, họ có thể hiểu giáo lý nhanh chóng hơn người bình dân thất học, nhưng không phải vì vậy mà được xem là có trí huệ.

Những giáo sư Phật học ở các đại học là người biết nhiều về Phật giáo nhưng những điều họ nói và dạy không ăn nhằm gì đến cuộc sống của họ cả. Họ vẫn uống rượu, hút thuốc, chơi bời, hưởng thụ, tham dục, chìm đắm trong cuộc đời như bao nhiêu người không biết đạo. Do đó đối với đạo họ vẫn là người vô minh.

Có trí huệ là người thấy rõ nguyên nhân của khổ và biết tu tập, ly dục, tu tâm sửa tánh để thoát khỏi vòng chi phối của tham, sân, si.

Trí thức là cái biết đến từ bên ngoài nhờ thâu thập kiến thức, còn trí huệ là cái biết xuất phát từ bên trong nhờ sự tu tập, thực hành được những điều mình biết và nó có công năng giải thoát.

Thí dụ ta biết đời là khổ, vô thường, vô ngã, nhưng ta vẫn bám víu vào cuộc đời, bám víu vào của cải vật chất, danh vọng và khổ đau vì chúng, như vậy cái biết này tuy có mùi đạo nhưng vẫn còn thuộc về trí thức chứ chưa phải là trí huệ.

Chỉ khi nào cái biết (về đạo lý) khiến ta thực sự xả bỏ mọi bám víu, ham muốn, ưa ghét, giận hờn thì đó mới là trí huệ.

Thích Trí Siêu
Sưu tầm: Hanh Nghiêm