TỰA ĐỀ ĐẦY ĐỦ:
Người Hiểu Rõ Về Sự Không-Sinh-Tử Là Một Người Cao Quý - Câu Chuyện Về Sư Bà Kisāgotami, Kệ 114 - Kho Báu Sự Thật, Kinh Pháp Cú Minh Họa - Weragoda Sarada Maha Thero - -
(The Seer Of The Deathless Is A Worthy One - The Story of Nun Kisāgotami, Verse 114 - Treasury Of Truth, Illustrated Dhammapada - Weragoda Sarada Maha Thero - Illustrations by Mr. P. Wickramanayaka)
BÀI KỆ 114:
Yo ca vassasataṃ jīve
apassaṃ amataṃ padaṃ
ekā’haṃ jīvitaṃ seyyo
passato amataṃ padaṃ. (8:15)
Người sống một trăm năm
mà không hiểu rõ về Sự Không-Sinh-Tử
thì không cao quý cho bằng người chỉ sống một ngày
mà hiểu rõ về Sự Không-Sinh-Tử
Trong khi cư trú tại Tu Viện Jetavana (Kỳ Viên), Đức Phật đã nói bài kệ này về sư bà Kisāgotami.
Kisāgotami là con gái của một người đàn ông giàu có ở tỉnh Sāvatthi (Xá Vệ); vì thân thể cô gầy ốm nên mọi người gọi cô là Kisāgotami (Kisā = gầy ốm). Chồng của cô Kisāgotami là một chàng thanh niên trẻ tuổi giàu có, và vợ chồng cô có một đứa con trai. Cậu bé con cô, qua đời khi bé mới chập chững tập đi, làm cho cô Kisāgotami hết sức đau buồn, giống như quả tim cô bị tan vỡ. Cô mang xác chết con trai mình đi khắp mọi nơi, để tìm phương thuốc cứu sống con của cô. Mọi người lúc ấy nghĩ rằng cô đang bị điên. Tuy nhiên, có một người đàn ông khôn ngoan hiểu được hoàn cảnh của cô, ông nghĩ ra cách giúp đỡ cô. Do đó, ông nói với cô, "Đức Phật là người mà cô cần gặp, ngài có toa thuốc mà cô đang đi tìm; cô hãy đi gặp ngài." Nghe lời ông, cô đi gặp Đức Phật, và cô xin ngài cho cô toa thuốc để cứu sống con cô.
Đức Phật nói với cô rằng, cô hãy đi xin một ít hạt cải (mù tạc) từ một ngôi nhà mà chưa từng có người chết. Bế con trong lòng, cô Kisāgotami đi từ nhà nầy sang nhà khác, để xin hạt cải. Mọi người đều sẵn lòng giúp cô, tuy nhiên, cô không thể nào tìm ra căn nhà mà chưa từng có người chết. Sau đó, cô nhận ra rằng cô không phải phải là gia đình duy nhất mà đang đối mặt với cái chết, vì cô thấy số người đã chết còn nhiều hơn là số người đang còn sống. Ngay sau khi cô nhận ra điều nầy, thái độ của cô đối với đứa con cô nay đã thay đổi; cô không còn bị dính mắc vào thân xác của đứa con cô nữa.
Cô để xác con trong rừng, và cô trở về gặp Đức Phật, rồi cô thưa với ngài là cô không thể nào tìm ra căn nhà mà chưa từng có người chết. Sau đó, Đức Phật nói rằng, "Như thế, con không mang về được hạt cải nào, có đúng không?" "Bạch Thế Tôn, dạ đúng. Bất cứ ngôi làng nào con đến, số người đã chết còn nhiều hơn là số người đang còn sống." Rồi, Đức Phật tiếp lời cô, "Trong lúc đau khổ, con tưởng tượng rằng con là người mẹ duy nhất đã mất con. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều phải chịu đựng chung một quy luật bất biến, như sau: Thần Chết, giống như là một cơn lũ lụt đang giận dữ, cuốn phăng đi tất cả mọi chúng sinh, rồi hủy hoại họ nơi biển sâu; và cơn lũ lụt nầy thì chẳng bao giờ ngưng nghỉ. Gotami, trước kia con nghĩ rằng con là người mẹ duy nhất có con bị chết. Giờ đây con đã nhận ra, tất cả mọi người đều sẽ phải chết; thần chết sẽ đưa con người ra đi, trước khi các mong ước của họ được hoàn thành." Sau khi nghe xong, cô Kisāgotami hiểu biết thật rõ ràng về sự vô thường, về sự bất toại nguyện, và về sự không-vững-chắc của năm uẩn, và cô đạt quả Nhập Lưu.
Sau đó không lâu, cô Kisāgotami trở thành một sư cô. Một ngày kia, khi cô thắp các ngọn đèn dầu lên, cô nhìn thấy các ngọn lửa đột ngột bừng sáng lên, rồi vụt tắt đi, làm cho cô đột nhiên nhận-thấy rõ ràng sự sinh ra, và sự mất đi của con người. Đức Phật, qua sức thần thông, nhìn thấy cô từ tu viện của ngài, và ngài phóng quang rồi xuất hiện trước mắt cô. Ngài bảo cô Kisāgotami rằng, cô hãy tiếp tục thiền định về bản chất vô thường của tất cả chúng sinh, và cô hãy nỗ lực phấn đấu để đạt quả Niết Bàn. Sau đó, cô đã đạt được các tầng lớp cao hơn trong sự giác ngộ về tâm linh.
BÀI KỆ 114, GIẢI THÍCH TỪ TIẾNG PALI
mataṃ padaṃ apassaṃ yo ca vassasataṃ jīve
amataṃ padaṃ passato ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo
Amataṃ padaṃ: trạng thái không sinh tử (Niết Bàn);
Apassaṃ: mà không nhìn thấy;
Yo ca: nếu một người nào;
Vassasataṃ jīve: sống một trăm năm;
Amataṃ padaṃ: trạng thái không sinh tử (Niết Bàn);
Passato: của người nhận biết;
Ekāhaṃ: (thuộc về, trong) một ngày;
Jīvitaṃ: cuộc sống;
Seyyo: là cao quý
Người sống chỉ một ngày mà hiểu rõ về sự không-sinh-tử, thì cao quý hơn và tốt hơn là người sống được một trăm năm, mà không hiểu rõ về sự không-sinh-tử.
Bài kệ 114 trong Kinh Pháp Cú nầy, đã được anh Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển dịch thành thơ như sau:
Trăm năm sống chẳng nhận ra.
Pháp kia bất tử. Thật là uổng thay!
Chẳng bằng sống chỉ một ngày.
Mà rồi giác ngộ thấy ngay Niết Bàn.
Nơi bất diệt, đẹp vô vàn.
Không trò bệnh lão, không màn tử sinh.
BÌNH LUẬN
Amataṃ padaṃ: trạng thái không sinh tử (Niết Bàn). Niết Bàn được mô tả như là trạng thái 'không sinh tử' bởi vì đây là sự chấm dứt các ảo ảnh trong cuộc sống. Đạt được quả Niết Bàn bằng cách loại bỏ đi cá-tính (cái tôi) trong khi trải-nghiệm về năm uẩn.
Hình-ảnh của chính-mình, mà chúng ta giữ trong tâm, được tạo ra từ các hiện tượng khách-quan (rồi chúng ta biến đổi theo cách của chúng ta). Con người chúng ta là sự tiếp nối các hình-ảnh nầy của chính-mình, mà được mọi người gọi là cá-tính. Khi chúng ta gỡ bỏ hình-ảnh nầy của chính-mình bằng cách loại bỏ đi phần cá-tính, chúng ta không còn tồn-tại. Khi chúng ta không còn tồn-tại (sống), chúng ta không còn bị chết. Đây chính là trạng thái không-sinh-tử. Khi chúng ta quan sát những gì đang xảy ra, để chúng đến rồi đi, mà không dính mắc vào chúng (cá nhân hóa chúng), có nghĩa là chúng ta đang sống trong trạng-thái Niết Bàn, không còn sinh-tử, ngay bây giờ và ở đây.
Source-Nguồn: http://www.buddhanet.net/pdf_file/dhammapadatxt1.pdf
Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến
Vẽ: P. Wickramanayaka - Source
Sưu tầm: Hanh Nghiêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét