Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

"Tôi" là Mộng - Mị!!



Cái Tôi là cái chi chi!!
Mà hoài quanh quẩn chưa khi nào rời
Thuở còn bé dại nằm nôi
Đã cao giọng khóc cho... đời biết tên.
Điều gì cũng dễ lãng quên
Cái tôi - sâu đậm nhớ bền chẳng phai.
- Sớm mai đã ngắm hình hài
Thế gian kia hỏi mấy ai hơn mình.
Điểm tô, trau chuốt dáng hình
Thèm thuồng thiên hạ cái nhìn, xuýt xoa!!!
Cái tôi theo tháng ngày qua
Măng non thành cụm tre già dặn hơn. 
Trong nhà, cuối xóm, đầu thôn
Tôi là số một, tôi ''ngon'' hơn người.
Tôi khóc, không muốn ai cười
Thấy ai thành đạt tôi thời chẳng vui!
Tôi nói ngược, chớ nói xuôi!
Một khi tôi muốn có Trời mới can!!!
Tôi thành cái rốn không gian
Bên ngoài nảy nở, bất an trong lòng.
Truy tìm hai chữ thành công
Nên đường Danh, Lợi đèo bồng ngược xuôi.
Chiều cao chỉ một mét thôi
Nhưng muốn đời phải ngước đôi mắt nhìn,
Muốn nhân tâm hướng về mình
Dành bao thiện cảm, tâm tình cho tôi.
Tôi đi, tôi đứng, tôi ngồi
Là trung tâm điểm cho người ước mơ...
- Chiều nay, bỗng thật tình cờ
Vào chùa Sư cụ ngó lơ, tôi buồn!
Sư rằng: '' Vạn sự vô thường,
Thân, tâm chiếc bóng trên tường, huyễn hư!
Con người khổ bởi khư khư
Ôm cái huyễn ngã, Chân như đoạn lìa!!! ''
- Ôi! thanh âm chốn Bồ Đề
Nghe như vụn vỡ u mê nghìn đời.
- Còn ''tôi'', còn nặng luân hồi
Buông tôi - nghe nhẹ đất trời thênh thang.
- Có ''tôi'', trăm mối lo toan
Vắng ''tôi'', đời sống bình an mọi bề.
Lời Sư, trăng rọi lối về
Xưa nay nằm mộng, chưa hề có tôi!
- Ngước hư không, bẽn lẽn cười
Thương ''cái tôi'' của một thời trẻ con!!!

Như-Nhiên
Theo Đạo Phật Ngày Nay
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Thích Vũ - Nguyễn Trải

Đêm qua Cali mưa suốt đêm , tôi nhớ những đêm mưa ở quê nhà mà lòng bùi ngùi khôn tả . Xin gởi đến các bạn bài thơ của cụ Nguyễn Trãi . Đọc giải khuây đôi phút . Cám ơn .
Thân kính
Mailoc

   聽雨                    Thính vũ  
        阮廌                    Nguyễn Trãi 

寂寞幽齋裏,    Tịch mịch u trai lý 
終宵聽雨聲。     Chung tiêu thính vũ thanh
 蕭騷驚客枕,   Tiêu hao kinh khách chẩm
點滴數殘更。    Điểm trích sổ tàn canh
隔竹敲窗密,    Cách trúc xao song mật
和鐘入夢清。    Hoà chung nhập mộng thanh
吟餘渾不寐,    Ngâm dư hồn bất mị
斷續到天明。    Đoạn tục đáo thiên minh. 

Dịch nghĩa : Nghe mưa 

Vắng vẻ trong phòng tối tăm, 
Suốt đêm nghe mưa rơi. 
Tiếng não nùng làm kinh động gối khách, 
Giọt thánh thót suốt mấy canh tàn. 
Cách bụi trúc tiếng khua nhặt vào cửa sổ, 
Lẫn tiếng chuông vẳng vào giấc mơ nhẹ nhàng. 
Ngâm rồi mà vẫn không ngủ được, 
Nghe đứt nối cho đến trời bình minh. 

Dịch Thơ

Đêm tối tăm trai phòng lặng lẽ
Suốt đêm trường mưa mãi không ngưng .
Não nùng gối khách run run ,
Giọt mưa tí tách lạnh lùng năm canh .
Tiếng lào xào trúc cành chạm cửa ,
Chuông ngân nga lạc giữa mơ mòng .
Ngâm thơ không dỗ giấc nồng ,
Chập chờn đứt nối, vừng hồng sáng ra .
                                          Mailoc phỏng dịch

Mưa, Tiếng Chuông và Mộng

Thư phòng ngồi nhìn đêm tối
Não người thánh thót mưa rơi
Trăn trở tiếng vọng bên gối
Tàn canh lòng vẫn bồi hồi
Ngoài song lao xao cành trúc
Chuông chùa theo mộng mơ trôi
Thơ ngâm hồn say khôn ngủ   
Chập chờn trời sáng lại rồi
                               C.D.M.  

       Nghe  Mưa 

Lạnh lẽo phòng im vắng
Đêm trường mưa gió lay
Xuyến xao choàng tỉnh giấc
Rỉ rả suốt canh chày
Ngoài cửa mưa xào xạc
Vào mơ chuông vọng dài
Ngâm nga tìm giấc ngủ
Trằn trọc đã sang ngày

                             Quên Đi

 Lắng tiếng mưa rơi

Trong trại buồn hiu hắt,
Suốt đêm nghe mưa nhanh.
Tầm tả bên gối khách,
 Rả rít suốt tàn canh.
Tre xạc xào kẻo kẹt ,
Chuông ngân nga mong manh.
Trầm ngâm không ngủ được,
Dai dẳng suốt đêm thanh !
                       Đỗ Chiêu Đức.

       Đêm Nghe Tiếng Mưa Rơi                               

Đêm khuya vắng thư phòng thêm quạnh quẻ
Suốt canh chầy lặng lẻ giọt mưa rơi !
Nghe não nùng, làm dạ khách chơi vơi
Tiếng tí tách rơi đều như nức nở
Cành tre trúc đập khua khung cửa sổ
Chuông vẳng đưa vào ảo mộng nhẹ nhàng
Trầm ngâm hoài,giấc ngủ vẫn đi hoang
Mưa không dứt,bình minh vừa ló dạng
                                                 Song Quang

      Nghe Tiếng Mưa Đêm


Một mình vò võ suốt trong đêm
Im lặng nghe mưa trước mái thềm
Thê thiết, não nùng run gối chiếc
Lạnh lùng, giá buốt gợi sầu riêng
Xạc xào ngọn trúc khua song cửa
Văng vẳng hồi chuông lắng nỗi niềm
Trằn trọc năm canh không chợp mắt
Giọt buồn dai dẳng não lòng thêm.
                                         Lộc Mai

(theo huynhhuuduc.blogspot.com)

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Postcard "Cứ Để Mây Bay "



Mời xem video clip về những tấm postcard cùng với những hình ảnh và những câu nguyên lý Thiền - cuộc sống, và những bài kệ được Thầy Viên Minh trả lời trong website http://www.trungtamhotong.org/ , cho từng người và những trường hợp khác nhau, nên không phải là công thức chung để áp dụng . Nếu đọc thấy mình được gỡ vướng mắc ngay ở đấy thì tốt , còn không thì cũng đừng cố gắng hiểu hoặc tìm kiếm , cứ ngắm nhìn postcard ấy trôi đi như ngắm một dòng sông chảy vậy ! Biết đâu một khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống vô tình lại chợt nhận ra ... !



Thầy Viên Minh có một bài thơ rất đơn sơ và nhẹ nhàng như một bức tranh của Sengai,

Kìa mây giăng trên núi
A, xuống cho thầy hay
Ơ mà thầy đang ngủ
Thôi cứ để mây bay

Thầy Viên Minh giải thích ý nghĩa của bài thơ ấy,


“Lúc đó thầy đang ở chùa Huyền Không Lăng Cô. Một hôm có người Phật tử ra thăm chùa khi thầy đang nghỉ trưa. Người Phật tử đó đi dạo quanh cảnh già lam rồi vào trà thất ngồi ngắm cảnh núi non hùng vĩ. Có lẽ hôm ấy trời chuyển lạnh nên mây mù bắt đầu giăng trên núi. Hiện tượng trông rất huyền ảo này thu hút những khách tham quan từ thành phố lên, lúc thầy mới đến đây cũng vậy.

Người Phật tử thấy cảnh tượng quá tuyệt vời muốn xuống báo cho thầy lên xem, nhưng khi xuống thì thầy vẫn còn ngủ, lúc nhìn lại thì mây đã bay mất...

Khi thầy thức dậy người ấy kể lại giây phút kỳ diệu vừa qua. Thầy hiểu, và chợt đọc bốn câu thơ tặng người Phật tử ấy - một người đang có nhiều tâm sự đau buồn. Ý thầy muốn nhắn nhủ rằng dù đẹp hay xấu, khổ hay vui... cứ để mọi chuyện đến đi trong cuộc đời như mây bay trên đầu núi... rồi con sẽ thấy vạn pháp vẫn thật là mầu nhiệm.”

Nguyễn Duy Nhiên
Đăng bởi Cội Nguồn Hạnh Phúc
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Bật Mí Số Lượng Calo Trong Trái Cây


Trái cây rất tốt cho các bữa ăn nhẹ, bởi chúng chứa ít calo nhưng lại nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Nhưng bạn có biết mỗi loại trái cây lại chứa một lượng calo khác nhau? 

Những trái cây có lượng calo thấp

Những loại trái cây có lượng calo ít là những trái cây có chứa ít hơn 50 calo mỗi lần ăn. Trong đó, quả anh đào chứa 25 calo, trái chanh chứa 16 calo (một cốc nước chanh vắt), ½ cốc quả mọng cho 23 calo, mận chứa 25 calo, cà chua chứa 9 calo.

Trong đó, bạn không thể không nhắc đến quả bưởi vì nó được coi là một thực phẩm ăn kiêng phổ biến nhất. Một nửa quả bưởi chỉ chứa 35 calo. Mận có chứa 36 calo. Một chén dâu tây, ngũ cốc cho 45 calo. Quả kiwi cho 46 calo.


Chanh là một trong những loại trái cây 
có chứa lượng calo thấp 


Những trái cây có lượng calo vừa phải 

Đây là những loại trái cây cung cấp một lượng calo trung bình thường chứa 50-80 calo mỗi lần ăn. Ngay cả những trái cây với lượng calo vừa phải thì lượng calo vẫn thấp hơn nhiều so với nhiều thực phẩm khác. 

Ví như, một cốc nước dưa hấu cho 51 calo lại giúp lợi tiểu; quất cho 49 calo/100g, nho không hạt cho 50 calo/100g, xoài cho 40 calo, đu đủ cho 67calo/20g, quít cho 26 calo. Cốc nước mơ cho 51 calo. Bạn có thể thưởng thức 1 ly nước nho cho 58 calo, hoặc một nửa quả đu đủ cho 59 calo. Trung bình 01 loại quả màu cam như cam cho 62 calo, dứa cho 76 calo. 


Đu đủ cho lượng calo vừa phải (chứa 59 calo)

Những trái cây có lượng calo cao 

Đây là những loại quả có chứa lượng calo cao nhất. Tuy nhiên chúng vẫn là một lựa chọn tốt nhất cho bạn khi ăn vặt so với các thực phẩm giàu calo khác. Bởi vì những loại trái cây vẫn chứa nhiều chất xơ và tương đối ít calo khi so sánh với các loại thực phẩm khác. 

Ví như một trái táo có chứa 81 calo. Một trái lê cho 98 calo, chuối cho 105 calo. Bên cạnh đó, loại trái cây có chứa calo cao nhất là nho khô cho 109 calo. 


Chuối chứa lượng calo cao (105 calo)


Lưu ý: 

- Chúng ta có thể ăn hoa quả vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Chúng ta cũng có thể kết hợp loại trái cây ít calo với loại trái cây có lượng calo cao, để đạt số lượng calo lành mạnh cần thiết mỗi ngày. 


Khi ăn những loại trái cây có lượng calo thấp và cao 
nên lưu ý kết hợp và ăn vào thời điểm nào thì tốt nhất 

- Với những trái cây có chứa lượng calo cao, không nên măm vào buổi tối trước khi đi ngủ nhé. Ngược lại, với những trái cây có chứa lượng calo thấp, chúng ta nên măm chúng vào sáng sớm vì sẽ tốt cho dạ dày, giúp kích thích tiêu hóa. Tuyệt đối không nên ăn vào buổi tối vì sẽ dễ bị ợ chua.

Lê Nhi (K14)
Theo Ni giới Ngày nay
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Thảnh Thơi - Bây Giờ Hoặc Không Bao Giờ



Bây giờ hoặc không bao giờ

Nhiều năm thăng trầm trong cuộc đời, phần lớn chúng ta đều ý thức rằng những hấp dẫn lực bên ngoài sớm muộn gì cũng sẽ vỡ tan, chỉ có một cõi lòng bình an và hạnh phúc với chính nó mới đích thực là nhu yếu sâu sắc nhất của con người. Cho nên trong truyền thống Phật giáo hay nói đến từ an lạc. Bình an sẽ đưa đến hạnh phúc. Bình an càng lớn thì hạnh phúc càng lớn. Bình an là sự dừng lại mọi mong cầu và chống đối, nó chấp nhận mọi điều kiện đang diễn ra trong thực tại một cách tự nhiên, đầy bao dung và hiểu biết. Hạnh phúc mà không có bình an là hạnh phúc giả tạm, nó chỉ là một sự thỏa mãn nhất thời, nhưng để lại tàn dư là nỗi cô đơn day dứt.

Có nhiều khi ta thấy lòng mình thật bình an và hạnh phúc, nhưng ta hãy nhìn kỹ lại có phải mình đang sống trong những điều kiện quá thuận lợi như công việc ổn định, những người thân rất hiểu và rất thương, không có bất cứ sự tấn công hay tổn thất nào, cũng chẳng có một điều gì đáng phải bận tâm giải quyết nữa. Tuy ta đang bằng lòng với thực tại nhưng ta vẫn đứng trên nền tảng của sự vay mượn, chỉ khi nào ta sống trong những nghịch cảnh mà vẫn vui vẻ chấp nhận vì ta không còn đòi hỏi gì ở bên ngoài nữa thì lúc ấy cái bình an và hạnh phúc kia mới thực sự là của ta.

Đó là cái an lạc chân thật, và chỉ có nó mới chứa đựng tính chất thảnh thơi. Không có an lạc thì không có thảnh thơi, an lạc càng lớn thì thảnh thơi càng lớn. Trong vài truyền thống hay nói đến từ "giải thoát" hoặc "tự do" theo nghĩa là ta đã vượt thoát khỏi sự khống chế ràng buộc của một đối tượng hay hoàn cảnh nào đó, có khi phải lìa xa cả thế giới này mới giải thoát được. Trong khi "thảnh thơi" thì không cần chạy đi đâu cả, cũng không cần xua đuổi đối tượng hay hoàn cảnh nào cả, ta vẫn sống ung dung tự tại giữa khó khăn ràng buộc bởi vì những phiền não mong cầu và chống đối trong ta đã rơi rụng. Lòng ta giờ nhẹ như mây trôi mãi giữa không gian vô tận mà không có gì có thể ngăn ngại được.

Nếu ta nói rằng bây giờ ta đâu có rảnh rang, còn quá nhiều việc phải làm, phải đối đầu với ngàn muôn áp lực thì làm sao thảnh thơi cho được. Nói như thế là ta chỉ có khái niệm về thảnh thơi chứ chưa thật sự cảm nhận trực tiếp hương vị của sự thảnh thơi. Làm sao ta tin chắc rằng khi ta giải quyết xong những hoàn cảnh khó khăn trước mắt, hoàn thành những dự án kế hoạch, đạt được những tâm nguyện là ta sẽ được thảnh thơi? Ta đã tập dượt cho mình thói quen căng thẳng lo lắng, suy tưởng mông lung, bỏ hình bắt bóng, đứng ngồi không yên… thì dù hoàn cảnh đã lắng dịu rồi ta cũng không tài nào lắng dịu nổi, cũng lại kiếm chuyện để lăng xăng.

Vấn đề là ta phải có ý thức giữ tâm chứ không giữ cảnh thì ta mới có thể chạm tới sự thảnh thơi được. Tuy ta còn cần tới vài điều kiện tiện nghi bên ngoài, nhưng nó chỉ là phương tiện tạm thời chứ không phải là mục đích chính của cuộc đời ta. Mà cái chính yếu ta không tiếp xúc được ngay bây giờ, ta cứ hẹn lần hẹn lữa ở tương lai, thì chừng nào ta mới tiếp xúc được? Còn đùn đẩy cho tương lai là ta chưa ý thức sâu sắc về bản chất của sự thảnh thơi, ta vẫn còn nghĩ thảnh thơi thuộc về sự thuận lợi của hoàn cảnh bên ngoài chứ không phải chính nơi tâm mình.

Vì vậy ta có thể nói thảnh thơi là bây giờ hoặc không bao giờ. Bây giờ mà ta không biết cách thảnh thơi, vẫn bị hoàn cảnh lôi kéo và khống chế, dù đó là hoàn cảnh đặc biệt cỡ nào thì ta sẽ không bao giờ nắm được sự thảnh thơi trọn vẹn. Dĩ nhiên nếu ta chưa đủ giỏi, chưa gạn lọc sạch hết những cấu bẩn phiền não thì sự thảnh thơi cũng có giới hạn, sẽ khi đầy khi vơi, nhưng bắt buộc ta phải đang đứng trên con đường thảnh thơi chứ không phải đứng trên con đường khác. Nghĩa là thảnh thơi phải luôn có mặt trong từng bước đi chứ không phải nằm ở cuối con đường. Tại vì sự thật không có con đường nào đưa tới sự thảnh thơi mà bản thân nó không thảnh thơi.

Phương tiện là cứu cánh

"Rủ nhau đi cấy đi cày/Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu". Chắc ai trong chúng ta cũng quen thuộc câu ca dao này. Chữ "phong lưu" có nghĩa đen là gió cuốn trôi, tức là phải nhẹ lắm thì gió mới cuốn đi được; còn nghĩa bóng là sự sung sướng, thoải mái, không phải lo toan gì nữa. Vì ta thấy mình còn thiếu thốn nhiều thứ, ta không tin rằng với bấy nhiêu điều kiện mà mình đang sở hữu là có thể hạnh phúc, nên ta cứ tự nhủ thôi ráng "cày bừa" cực khổ đi rồi ngày mai sẽ hưởng. Ngày mai mình sẽ hưởng cái gì? Có kho thóc vàng thì mình sẽ ăn sung mặc sướng, nhưng liệu nó có đủ trang trải hết những nhu cầu về hạnh phúc của con người không? Nó có giải quyết nổi những buồn tủi, cô đơn, phản bội hay tuyệt vọng không?

Đó là chưa nói khi no ấm rồi thì ta lại hay sanh tật, trong điều kiện thuận lợi con người thường hay dễ dãi với chính mình, tự mình thưởng cho công lao làm việc khó nhọc của mình bằng những chuyến đi hoang bất tận. Trong khi "cực" không nhất thiết phải đưa tới "khổ". Nếu mình chấp nhận được cái cực nhọc đó vì mình ý thức rằng muốn hưởng thì phải làm, không có cái sung sướng bền vững nào từ trên trời rớt xuống cả, cái cực nhọc sẽ tôi luyện cho thể chất và tinh thần mình vững chắc nên mình sẽ không than van, không trả giá hay không tìm cách tránh né nó. Cái khổ thường có là do mình không thích nó, mình muốn nó đừng có mặt mà nó vẫn tới.

Nhưng hai câu ca dao sau thật hay và giá trị: "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa". Khung cảnh có chồng có vợ cùng san sẻ gian lao trên từng cánh đồng cạn hay dưới đồng sâu, rồi có thêm con trâu bầu bạn thì chẳng phải là điều kiện của hạnh phúc sao? Có phải ta đã từng thấm thía rằng cái vất vả gian lao thể xác không là gì so với cái chia lìa mất mát không? Có kho thóc vàng thì điều kiện hưởng thụ sẽ cao hơn, nhưng nó cũng không phải là mục đích tối hậu của con người. Vậy nên, không vì bất cứ lý do gì mà ta đánh mất giá trị an lạc và thảnh thơi của mình, dù công việc hay hoàn cảnh kia có đặc biệt như thế nào thì ta cũng quyết không để mình tiếp tục trôi dạt vào những cơn hôn mê cảm xúc.

Người ta hay nói "an cư lạc nghiệp", tức là mình cần phải có cơ ngơi ổn định, tiện nghi vật chất kha khá, thì mới có thể tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc được. Cái quan điểm này gạt gẫm không biết bao nhiêu lớp người rồi. Vì ngay khi họ đang sống trong những điều kiện của hạnh phúc nhưng họ không dám tận hưởng hay không dám tin mình làm như vậy là đúng, phải phấn đấu không ngừng, phấn đấu đến khi nào thấy không còn thua sút hay có thể ngẩng cao đầu nhìn người khác thì họ mới an tâm. Thật ra, chữ "an cư" nghĩa là mình đã thật sự dừng lại, không chạy ngược chạy xuôi nữa, ta bằng lòng với những gì mình đang có thì gọi là an cư. "An" ở đây không phải là do hoàn cảnh ổn định, mà chính những mộng tưởng đảo điên đã không còn có lãng đãng trong tâm ta nữa.

Vậy thì khi tâm an thì ở đâu hay lúc nào mình cũng thảnh thơi được cả. Ngày mai có kho thóc vàng hay không, có thêm những điều kiện tiện nghi nữa hay không thì nó không thay đổi lẽ sống của mình được. Phương tiện không thể làm hư hại mục đích, và mình phải xem phương tiện cũng chính là mục đích. Mình có thể cắt đời sống mình ra thành từng mảnh nhỏ, mỗi giây phút mỗi công việc mình đang tiếp xúc là một cơ hội để mình sống sâu sắc và nhận diện ra sự có mặt của thực tại mầu nhiệm đang không ngừng nuôi dưỡng ta. Ta sẽ không còn mơ mộng tương lai nữa, không chạy đi tìm cái gì nữa, không còn nôn nóng vội vàng nữa, vì tất cả những gì làm nên một đời sống đúng nghĩa đã có sẵn ở đây cả rồi.

Sống như người biết sống

Cách đây vài thập niên người ta còn quan niệm ai sống thảnh thơi là người đó đã biết cách điều hợp cuộc sống, đã thành công. Bây giờ nếu ta nói ta đang tận hưởng những giây phút của hiện tại, ta không có gì quan trọng phải làm, thì mọi người sẽ nhìn ta sửng sốt. Ta phải nói ta luôn bận rộn thì ta mới biết sống, ta mới có giá trị. Ở Mỹ, người ta không nói công ty đắt khách hàng mà họ nói công ty rất bận rộn. Người trẻ còn muốn tăng thêm mức bận rộn nữa, bận rộn tới mức quay cuồng thì họ mới chịu, thà quay cuồng mà có tiền xài thì cũng không sao.

Chung quanh ta ai cũng lao tới phía trước như điên, thậm chí có kẻ bất chấp cả những phương tiện tồi tệ nhất, nên ta cũng không dám chậm chân. Đôi khi lại bị những người thân thúc đẩy là nếu đi chậm như vậy thì lấy gì sống, tương lai sẽ đi về đâu, nên ta hốt hoảng rồi thả mình trôi theo dòng chảy của xã hội. Ai sao ta vậy, ta khó có được chánh kiến hay bản lĩnh để tự tách mình ra khỏi sức hút mãnh liệt ấy. Nhưng ta hãy làm thử đi, ta có tài năng chinh phục kẻ khác để làm gì mà ta không thể thiết kế đời sống thảnh thơi cho mình được. Có thể ban đầu ta cảm thấy lạc lõng, nhưng dần dần ta sẽ tìm thấy được chính mình, tìm thấy được cái tâm vốn rất an lạc và thảnh thơi mà ta đã lạc mất từ những ngày chập chững bước vào dòng đời.

Không phải trở thành một nhà tâm linh thì ta mới có thể thảnh thơi được, tại vì có nhiều nhà tâm linh vẫn còn đầy dẫy những khắc khoải mong cầu, vẫn chưa chấp nhận thực tại một cách tuyệt đối. Họ nhân danh những công tác cao cả mà đánh mất khả năng sống thảnh thơi của mình thì làm sao có thể dẫn dắt kẻ khác đến nơi bình yên chân thật được.

Do vậy, nếu ta biết luôn quay về để nhận diện và chuyển hóa những phiền não của chính mình, dừng lại cuộc truy đuổi theo những đối tượng khác. Tâm tham cầu và tâm chống đối càng bị triệt tiêu thì cảnh giới an lạc và thảnh thơi sẽ hiện ra lập tức. Mỗi khi ta suy tư, nói năng hay hành động điều gì thì ta hãy tự hỏi ta có thảnh thơi không, ta có đang nắm giữ mục đích cao cả của kiếp người không? Nếu không, ta hãy can đảm buông bỏ nó đi. Buông bỏ những ưu tư phiền muộn để giữ gìn tâm bình an phải cần đến một sự luyện tập nhất định nào đó chứ không chỉ có ý chí mà làm được. 

Dù vậy, ta vẫn tin chắc một điều là an lạc và thảnh thơi luôn có sẵn trong ta, chỉ cần biết cách và đủ can đảm để sắp xếp lại guồng máy hoạt động tâm thức của mình sao cho thuận với nguyên tắc của vũ trụ. Nguyên tắc ấy là vô ngã, không có cái tồn tại biệt lập đáng để tự hào, kiêu ngạo hay thù hận.

Ngồi yên trong thảnh thơi
Tiếp xúc với mây trời
Buông cái tôi bé nhỏ
Thấy mình hiện muôn nơi.

Minh Niệm
Hoaentrang
Theo Ni giới ngay nay
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Tiếng Vọng Từ Chân Tâm



Ngài Ðại Ðức Acharn Mun dạy rằng tâm của tất cả mọi người đều có ngôn ngữ giống nhau. Dầu ta nói tiếng gì, dầu ta là người thuộc dân tộc nào, tâm chỉ là sự hay biết (lời người dịch: chữ tâm được phiên dịch từ phạn ngữ "citta". Bản Chú giải định nghĩa là cái gì hay biết một đối tượng). Vì lẽ ấy Ngài nói rằng tất cả tâm đều có ngôn ngữ giống nhau. Khi một ý nghĩ phát sanh, chúng ta hiểu nó, nhưng khi chúng ta diễn đạt ra thành lời, nó trở thành ngôn ngữ này hay ngôn ngữ nọ. Do đó chúng ta không thật sự thông hiểu lẫn nhau. Mặc dầu vậy, những cảm giác sâu kín trong lòng mỗi người đều như nhau. 

Giáo Pháp thích ứng với tâm một cách toàn hảo bởi vì Giáo Pháp không phải là ngôn ngữ của dân tộc đặc biệt nào. Giáo Pháp là ngôn ngữ của tâm. Giáo Pháp cùng ở chung với tâm.

Thỏa thích và đau khổ cùng ở chung với tâm. Những hành động tạo thỏa thích và đau khổ trước tiên được suy tư và phát xuất từ trong tâm. Tâm là cái gì hay biết hậu quả của những suy tư ấy, phát hiện dưới hình thức thỏa thích hay đau khổ. Tâm phải gồng gánh hậu quả những suy tư của chính nó. Ðây là lý do tại sao tâm và Giáo Pháp tương ứng với nhau một cách toàn vẹn. Dầu ngôn ngữ và quốc tịch của ta là gì, tất cả chúng ta đều có thể thấu hiểu Giáo Pháp, bởi vì Giáo Pháp và tâm là một cặp, do bản tánh thiên nhiên của nó.

Tâm là phần nồng cốt bên trong cơ thể, là phần chánh yếu, là cái cốt lõi, là thực chất, là tinh chất cơ bản bên trong thể xác. Nó là nền tảng. Những hiện tượng khởi phát từ trong tâm, như những tư tưởng khởi hiện rồi tan biến, hiện rồi biến, mãi mãi lặp đi và lặp lại. Nơi đây chúng ta đề cập đến tình trạng khuấy động của tâm. Khi tâm chao động, đó là một tư tưởng vừa mới được cấu tạo.

Tưởng uẩn, vốn liên quan đến sự liên tưởng, hồi nhớ và nhận ra, được gọi là sanna. Những tư tưởng "dài" là sanna, tưởng uẩn. Tư tưởng "ngắn" là sankhara, hành uẩn. Nói cách khác, khi tư tưởng được cấu thành -- "blip" -- đó là hành uẩn, sankhara. Sanna, tưởng uẩn hàm xúc ý nghĩ nhận ra và đặt tên. 

Thức uẩn, vinnana, là sự ghi nhận mỗi khi có trần cảnh phát hiện và tiếp xúc với giác quan, như khi có một hình thể (sắc trần) giao tiếp với mắt (nhãn căn) ắt có sự thấy (nhãn thức). Tất cả những hiện tượng này luôn luôn tự nó phát sanh rồi hoại diệt, và Ðức Phật gọi là  khandha, uẩn. Mỗi "đống" hay "nhóm" được gọi là khandha, uẩn. Năm uẩn (panca khandha, ngũ uẩn) này luôn luôn khởi phát rồi biến tan, không ngừng sanh diệt. Chí đến chư vị A La Hán cũng cùng ở trong trường hợp như vậy. giống hệt như một người thường bất cứ ở đâu. Chỉ có điểm khác là ngũ uẩn của các Ngài hoàn toàn trong sạch và đơn giản, không chứa chấp những ô nhiễm truyền lệnh cho các Ngài phải làm điều này hay suy tư điều nọ. Thay vì thế, ngũ uẩn của các Ngài tự do sinh hoạt theo bản chất giải thoát thiên nhiên của nó mà không bị bắt buộc phải suy tưởng thế này thế nọ như tâm của người thường nói chung. Ðể so sánh, ngũ uẩn của người thường giống như tù nhân trong ngục thất, luôn luôn bị sai khiến. Những tư tưởng, những ghi nhận, những nhận định và những suy diễn khác nhau của người thường luôn luôn bị ra lệnh, luôn luôn bị một năng lực ngoại lai nào bắt buộc phải phát hiện, suy tư, nhận định và diễn dịch như thế này hay thế nọ. Nói cách khác, nó bị ô nhiễm làm chủ, chỉ đường dẫn lối, sai khiến, cưỡng bách nó phải phát hiện.

Ngũ uẩn của chư vị A La Hán thì không phải vậy. Khi một tư tưởng cấu hợp, nó chỉ đơn giản cấu hợp. Một khi đã hợp thành, nó đơn giản tan biến. Không có một chủng tử để nuôi dưỡng nó tiếp tục, không có chủng tử đè nặng trên tâm, bởi vì không có gì cưỡng bách, bắt buộc nó phải như thế nào, không giống như ngũ uẩn mà bị ô nhiễm thống trị hay nằm dưới quyền lãnh đạo của ô nhiễm. Ðó là điểm khác biệt.

Nhưng bản chất của ngũ uẩn vẫn như nhau. Tất cả các uẩn mà chúng ta đề cập trên đây đều vô thường (aniccam). Nói cách khác, trạng thái bất ổn định và luôn luôn biến đổi là một phần dính liền theo bản chất thiên nhiên của nó, bắt đầu từ sắc uẩn, cơ thể chúng ta, và thọ uẩn, những cảm giác thỏa thích (thọ lạc), đau khổ (thọ khổ) và những cảm giác không thỏa thích không đau khổ (thọ vô ký). Các uẩn này phát sanh rồi hoại diệt, triền miên lặp đi lặp lại. Tưởng uẩn, sanna, hành uẩn, sankhara, và thức uẩn, vinnanana, cũng ở trong trạng thái luôn luôn sanh diệt, vốn là một phần dính liền với bản chất thiên nhiên của nó.

Nhưng sự hay biết thật sự -- vốn hợp thành nền tảng kiến thức của chúng ta về những sự vật khác nhau không ngừng sanh diệt -- thì không tan biến. Ta có thể nói rằng tâm không thể tan biến. Ta có thể nói rằng tâm không thể khởi sanh. Như vậy, một cái tâm mà đã được thanh lọc đầy đủ không còn vấn đề phiền phức nào liên hệ đến hiện tượng sanh và tử của thân và các uẩn; và như vậy không còn sanh nữa, ở đây hay ở đâu khác, không còn phát hiện trong những hình thể thô thiển như một cá nhân, hay một chúng sanh bởi vì tâm đã hoàn toàn trong sạch.

Nhưng còn những người mà tâm chưa được thanh lọc: Họ là những người còn trong sanh và tử triền miên, những người luôn luôn để mắt trông chừng nghĩa địa, và tất cả chỉ vì cái tâm không chết.

Vì lẽ ấy Ðức Thế Tôn ban truyền giáo huấn cho thế gian, đặc biệt là thế gian loài người, vì con người hiểu biết điều phải lẽ trái, biết điều nào là thiện và điều nào bất thiện; biết bảo tồn nuôi dưỡng cái này và sửa sai chữa trị cái kia; thông hiểu ngôn ngữ của Giáo Pháp mà Ngài giảng dạy. Vì lẽ ấy Ngài dạy thế gian loài người trên và vượt ra ngoài các thế gian khác. Ngài dạy để chúng ta có thể cố gắng chữa trị, sửa sai những gì gây thiệt hại và tổn thương, tách rời nó ra khỏi hành động, lời nói và tư tưởng, để chúng ta có thể gia công nuôi và bảo tồn những gì tốt đẹp đã sẵn có và tạo duyên, làm khởi phát những thiện pháp mà ta chưa có. Ngài dạy chúng ta dưỡng nuôi và phát triển những thiện pháp sẵn có để cung ứng chất dinh dưỡng cho tâm, làm cho tâm tươi tỉnh và an lành, nâng đỡ cho nó ở một mức độ đức hạnh khả quan, trau giồi thiện pháp, để khi tách rời khỏi thân xác hiện tại này và hướng về bất luận nơi nào hoặc cảnh giới nào cái tâm mà đã được dưỡng nuôi trong thiện pháp sẽ là một cái tâm tốt. Bất luận nơi nào mà nó đến nó sẽ đến một cách tốt đẹp. Bất luận ở nơi đâu mà nó được tái sanh vào nó sẽ tái sanh an lành. Bất luận sống ở cảnh giới nào, đó là cảnh giới nhàn lạc. Nó sẽ tiếp tục chứng nghiệm trạng thái an vui hạnh phúc cho đến khi tích tụ đầy đủ khả năng, tiềm lực và phước báo để vượt qua khỏi thế gian và chứng ngộ giải thoát.

Khả năng, tiềm lực và phước báo phải được tuần tự trau giồi và phát triển từ quá khứ đến hiện tại. Hôm qua là quá khứ của ngày hôm nay, hôm nay là vị lai của ngày hôm qua, mỗi ngày trong tất cả những ngày quá khứ và hiện tại ấy ta phải gia công dưỡng nuôi và phát triển thiện pháp, tuần tự từng bước tiến cho đến khi, nhờ sự hỗ trợ của thiện pháp, tâm vững chắc dũng mãnh để vượt thoát ra khỏi thế gian.

Một cái tâm như thế ấy không còn tái sanh nữa, dầu sanh vào cảnh giới nhàn lạc và vi tế nhất của chúng sanh, vốn còn tiềm tàng dấu vết của thực tại quy ước (sammati) -- đó là sanh và chết như chúng ta. Một cái tâm như thế ấy đã vượt ra khỏi những hiện tượng sanh và tử tương tợ. Ðó là tâm của chư Phật và chư vị A La Hán. Tích chuyện Ðại Ðức Vangisa cho ta một ý niệm về vấn đề này. 

Khi còn tại gia cư sĩ Ðại Ðức Vangisa có biệt tài là biết được vong linh của một người chết đã tái sanh vào cảnh giới nào, dầu người ấy là ai. Ta không thể nói ông là một phù thủy hay một thầy bói. 

Thật sự ông là một đại sư nắm vững vấn đề tâm lý. Khi có người chết ông lấy sọ của người ấy và gõ trên đó -- cốc! cốc! cốc! -- rồi tập trung tư tưởng... và biết rõ người này tái sanh về đâu. nếu người chết tái sanh vào địa ngục, hay cảnh Trời, làm thú hay làm ngạ quỷ ông ta có thể nói liền mọi trường hợp không chút do dự. Ông chỉ cần gõ trên cái sọ của người ấy.

Khi nghe bạn bè mách bảo rằng Ðức Phật còn tài giỏi hơn gấp mấy lần như thế ấy thì ông muốn mở rộng kiến thức, đến hầu Phật xin thọ giáo để học thêm về khoa này. Khi đến nơi Ðức Phật đưa cho ông cái sọ của một vị A La Hán để ông gõ thử, "Ðược rồi! Để xem ông thiện nam có thể nói người này đã tái sanh về đâu không."

Ðại Ðức Vangisa gõ vào cái sọ và lắng tai nghe. Im lặng. Ông gõ nữa và lắng nghe. Im lặng. Ông ngừng lại, suy gẫm. Im lặng. Ông tập trung tâm lực. Im lặng. Ông không thể tìm thấy chủ của cái sọ đã tái sanh về đâu. Hết phương, ông thành thật nhìn nhận rằng mình không thể biết người chết này tái sanh về đâu.

Lúc ban đầu vị cư sĩ mà sau này là Ðại Ðức Vangisa nghĩ rằng mình tài giỏi, thông minh và đã tinh thông lão luyện trong nghề nên có ý định đến so tài với Ðức Phật rồi mới xin thọ giáo. Nhưng khi đến nơi, Ðức Phật đưa cho ông cái sọ của một vị A La Hán để gõ -- và ngay tại đây ông thảm bại. 

Giờ đây thật sự ông muốn xin học thêm, nghĩ rằng sau khi gia công tu luyện ông sẽ còn tài giỏi hơn trong hiện tại nhiều -- quả thật đặc biệt! Sự việc đã xảy ra như vậy, ông xin theo học với Ðức Phật. Và Ðức Phật dạy ông khoa học. Ngài dạy ông một phương pháp -- nói cách khác, Ngài dạy ông khoa học của Giáo Pháp. Ðại Ðức Vangisa thực hành và gia công thực hành cho đến khi cuối cùng, đắc Quả A La Hán. Từ đó Ðại Ðức không còn hứng thú gõ vào sọ ai nữa, ngoại trừ cái sọ của chính mình. Một khi đã thấu rõ ràng thì vấn đề tự nhiên chấm dứt. Ðiều này gọi là "gõ đúng vào cái sọ".

Lần nọ Ðức Phật có nêu lên vấn đề cái tâm mà không còn tái sanh -- đầu lâu của người mà tâm đã được thanh lọc hoàn toàn. Dầu Ðại Ðức Vangisa có gõ vào đó bao nhiêu lần và dầu Ngài đã tinh thông lão luyện về khoa này đến đâu cũng không thể biết được cái tâm ấy tái sanh về đâu, bởi vì nơi chốn mà tâm hoàn toàn trong sạch tái sanh vào, quả thật không thể tìm biết. Trường hợp của Ðại Ðức Godhika cũng vậy: Câu chuyện này có thể là thức ăn tinh thần rất bổ ích. Ðại Ðức Godhika hành thiền, tiến bộ dần dần từng bậc, nhưng rồi bị trở ngại, thụt lùi. Tích chuyện thuật rằng Ngài thoái bộ sáu lần như vậy. Sau khi thất bại lần thứ bảy, vì tinh thần quá suy sụp Ngài dùng dao tự khứa cổ mình, nhưng không chết. Lúc tỉnh lại Ngài quán chiếu Giáo Pháp và đắc Quả A La Hán vào khoảnh khắc cuối cùng. Vắn tắt, đó là câu chuyện. Khi Ngài tịch diệt, đạo quân của Ma Vương kéo nhau đi tìm hương linh của Ngài. Nói một cách đơn giản, chúng quậy trời khuấy nước để tìm biết Ngài tái sanh về đâu, nhưng không thể được.

Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn mở lời, "Dầu có đào xới, tìm tòi hay tra hỏi thế nào đi nữa bọn ngươi sẽ không thể tìm ra hương linh của Godhika, con Như Lai, vốn đã viên mãn hoàn thành nhiệm vụ. Dầu có lật ngược, làm đảo lộn thế gian đi nữa cũng chỉ thế mà thôi, bởi vì điều ấy đã vượt ra ngoài phạm vi của thực tại quy ước." Làm sao Ma Vương Tâm Ác và đạo binh của Ma Vương có thể tìm được? 

Làm thế nào khả năng của người còn ô nhiễm trong tâm có thể hiểu biết được tâm lực của một vị A La Hán? Không thể được.

Trong phạm vi quy ước của người thế gian không ai có thể theo dõi con đường mà tâm của một vị A La Hán trải qua, bởi vì tâm của vị A La Hán đã vượt qua khỏi thế gian quy ước, mặc dầu vẫn giống như của ta. Hãy suy gẫm về điểm này: Dầu cái tâm chao động và chậm tiến của ta đi nữa, khi đã thanh lọc tuần tự, liên tục, không ngừng, không gián đoạn, một cách kiên trì không thối chuyển, nó cũng sẽ dần dần đến vi tế cùng tột. Ðến chừng đó chính trạng thái vi tế cũng sẽ tan biến -- bởi vì trạng thái vi tế cũng là thực tại quy ước -- chỉ còn lại bản chất vàng ròng thuần túy, bản chất uyên nguyên của Giáo Pháp, gọi đó là tâm thanh tịnh, hoàn toàn trong sạch. Chừng đó chính chúng ta cũng sẽ không còn vấn đề khó khăn nào nữa, như các vị A La Hán, bởi vì tâm của chúng ta đã trở thành siêu tuyệt, giống như tâm của những vị đã thành đạt giải thoát.

Tất cả tâm cùng loại ấy đều giống nhau, không có sự phân biệt nào chia cách nam và nữ. Nam tính hay nữ tính chỉ là vấn đề quy ước của thế gian. Ðối với tâm không có sự phân chia giữa nam và nữ, và tất cả, dầu là quý ông hay quý bà, đều có khả năng giống nhau để thực hành Giáo Pháp. Cả hai phái, nam và nữ, đều có khả năng thành đạt những tầng Thánh Quả khác nhau, dài dài suốt Con Ðường, cho đến mức giải thoát. Trong lãnh vực này không có hạn định nào cho bất cứ ai. Tất cả những gì cần thiết chỉ là phát triển đầy đủ năng lực và tiềm năng. Rồi tất cả mọi chúng ta đều có thể vượt sang bờ bên kia.

Vì lẽ ấy chúng ta nên tận lực rèn luyện tâm và trí. Tối thiểu đi nữa chúng ta cũng nên đạt đến tình trạng tĩnh lặng và an lạc, với bất luận đề mục hành thiền (hay công án) nào có thể ru dỗ tâm vào trạng thái vắng lặng, và từ vắng lặng phát sanh an lạc thanh bình và thoải mái bên trong. Thí dụ như pháp niệm hơi thở, vốn là đề mục rất phổ thông trong giới hành giả, hình như thích hợp với nhiều người hơn các đề mục khác. Nhưng dầu bất cứ đề mục nào, hãy lấy đó làm nguyên tắc căn bản, làm nơi ẩn trú, làm chỗ nương tựa cho tâm. Hãy áp dụng nó vào pháp hành để rèn luyện, làm cho tâm ngơi nghỉ và an lạc.

Khi tâm bắt đầu lắng động, chúng ta sẽ khởi sự nhìn thấy bản chất chánh yếu và giá trị của nó. Chúng ta sẽ bắt đầu nhận thức tâm là gì và tâm là thế nào. Nói cách khác, khi tất cả những thành phần của tâm tập trung lại và tụ hội vào một điểm duy nhất như chỉ đơn giản là sự hay biết bên trong nó thì đó được gọi là "tâm" (citta). Trạng thái gom tâm xảy diễn ở nhiều tầng lớp khác nhau, tương ứng với khả năng và những mức độ vi tế khác nhau. Cho dù tâm còn ở mức độ thô thiển đi nữa ta cũng có thể hiểu biết khi nó tụ hội lại bên trong. Khi tâm trở nên ngày càng vi tế hơn chúng ta sẽ hiểu biết trạng thái vi tế của nó -- "Tâm này thật là vi tế... Tâm này quả thật sáng ngời... Tâm này vô cùng tĩnh lặng... Tâm này thật vô cùng kỳ diệu" -- càng ngày càng thêm lên, tiến từng bước một, cũng chính cái tâm này!

Trong khi gội rửa và rèn luyện tâm nhằm đạt đến trạng thái vắng lặng, trong khi, với trí tuệ (panna), quán chiếu, nhìn vào và giải quyết những vấn đề khó khăn của tâm -- vốn là phương cách làm cho tâm tiến triển hay làm cho ta có khả năng thấu đạt thực tướng của tâm, từng bước một, bằng những phương tiện đề cập ở trên -- dầu tâm còn thô thiển thế nào, không nên lo ngại. Nếu chúng ta thật sự tinh tấn và chúng ta liên tục kiên trì, với cái vốn kiên trì nỗ lực chuyên cần ấy, trạng thái thô thiển sẽ dần dần phai mờ và tan biến. Trạng thái tâm vi tế sẽ dần dần phát hiện, do nhờ công phu thực hành và đức kiên trì tinh tấn của ta, chí đến khi chúng ta có đủ khả năng vượt qua khỏi bờ mê và thành tựu giải thoát bằng cách phá vỡ, đập tan nhiễm ô ra từng mảnh vụn. Ðây là điều chắc thật cho tất cả, nam cũng như nữ.

Tuy nhiên, trong khi ta chưa đạt đến mức độ có khả năng làm được như vậy, chớ nên lo ngại. Tất cả những gì cần làm trong hiện tại là phải giữ cái tâm trong khuôn khổ kỷ cương để nó có thể là nơi ẩn trú, là chỗ nương tựa cho chính nó. Còn thân này, chúng ta đã nương nhờ nơi nó từ thủa mới ra đời. Ai cũng biết như vậy. Chúng ta đã làm cho nó sống, nằm, ngồi, đi tiểu tiện, đại tiện, làm việc, sinh sống. Ta đã sử dụng nó và nó đã sử dụng chúng ta. Ta đã sai khiến nó và nó truyền lệnh điều khiển chúng ta. Thí dụ như chúng ta bắt nó làm việc và nó làm cho chúng ta đau khổ, đau chỗ này, nhức nơi nọ, và chúng ta phải tìm thuốc đễ chữa trị cho nó. Nó là người bị đau và nó là người đi tìm thuốc. Cũng nó là người giúp phương tiện. Và cứ thế, ngày này qua ngày khác, chúng ta tự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Khó mà nói rõ là ai chịu trách nhiệm, thân này hay ta. Ðôi lúc chúng ta sai khiến nó, nhưng luôn luôn nó điều khiển ta. Bệnh hoạn, đói, khát, buồn ngủ: Tất cả chỉ là một khối đau khổ và phiền lụy trong đó cơ thể này không ngừng sai khiến chúng ta, và nó sai khiến từ mọi phía. Ta chỉ có thể điều khiển nó được đôi chút. Do đó, khi thời cơ đến, đúng lúc ta có thể điều khiển, hãy bắt nó hành thiền.

Vậy, hãy bắt tay vào việc. Ngày giờ nào mà cơ thể này còn sinh hoạt bình thường, dầu công việc có bề bộn hay nặng nhọc đến đâu, hãy tiến hành ngay. Nhưng khi thân không thể hoạt động bình thường như lúc bịnh hoạn, ta cần phải để ý xem nó có thể làm việc được đến đâu.

Còn cái tâm thì khác, hãy tiếp tục kiên trì tinh tấn, hãy nỗ lực không thối chuyển, bởi vì đó là nhiệm vụ chánh yếu của quý vị.

Từ thủa nào, đã quá lâu rồi, quý vị sống tùy thuộc nơi thân. Giờ đây nó đã hao mòn suy nhược, hãy hiểu biết rằng thân của quý vị đã mỏi mòn yếu kém -- phần nào còn có thể hoạt động, phần nào đã hết khả năng sinh hoạt. Qúy vị là người gánh chịu trách nhiệm. Quý vị hoàn toàn hiểu biết như vậy. Chính quý vị phải tự lo liệu và châm chước để giữ thăng bằng.

Nhưng cái tâm thì không cùng bệnh hoạn với thân. Tâm phải gia tăng cố gắng để tránh khỏi lỡ mất cơ hội thọ lãnh những lợi ích mà thân có thể tạo cho. Hãy nâng cao mức độ của tâm và khép nó vào khuôn khổ kỷ cương -- kỷ cương trong cuộc sống, kỷ cương lúc lìa đời. Bất luận nơi nào mà nó tái sanh vào, hãy làm cho nó nằm trong khuôn khổ mẫu mực, ở mức độ đạo đức thanh cao. Cái mà được gọi là phước báo (punna) không bao giờ phản bội niềm hy vọng và lòng trông đợi của quý vị. Phước báo lúc nào cũng sẽ cung cấp cho quý vị những hoàn cảnh thuận lợi đúng theo nghiệp lành tích trử và những tình trạng an vui hạnh phúc mà toàn thể thế gian đều ham muốn và không ai cho là quá đủ. 

Nói cách khác, điều mà thế gian hằng mong mỏi muốn được là tình trạng an lành, bất cứ loại an lành nào, và đặc biệt là trạng thái tâm an lành, phát sanh dần dần từng giai đoạn nhờ vào những nghiệp lành cao thượng và tốt đẹp.

Ðó là tình trạng an lành hợp thành phần nồng cốt hay tinh chất chánh yếu rất quan trọng bên trong tâm. Ta phải kiên trì nỗ lực trong khi thân này còn hoạt động, bởi vì khi kiếp sống đã đến mức tận cùng thì không thể làm gì được. Dầu có thành tựu được nhiều hay ít ta phải chấm dứt tạt thời điểm này. Chúng ta ngưng công việc, gác qua một bên, rồi gặt hái phần thưởng của việc làm -- trong một kiếp tới. Bất luận gì có thể làm, hãy làm ngay trong hiện tại. Nếu ta có thể vượt qua và thành đạt giải thoát, đó là mức cùng tột của tất cả những vấn đề khó khăn. Sẽ không còn gì lôi cuốn ta vào phiền lụy.

Nơi đây chúng ta đề cập đến tâm vì tâm là vấn đề căn bản sơ khởi. Chúng ta ra đi an lành hay không, hạnh phúc hay đau khổ tất cả đều chỉ do nơi tâm.

Cái mà người ta gọi là nghiệp bất thiện (akusala kamma) cũng nằm bên trong tâm và do nơi tâm tạo nên. Dầu ta còn nhớ nó không, hột giống đã gieo -- đã nằm bên trong tâm -- không thể ngăn cản nó trổ quả, bởi vì nó đã đâm chồi mọc rễ trong tâm. Chúng ta phải chấp nhận cái nghiệp của mình. 

Không nên chạy tội. Một khi đã tạo nghiệp thì nghiệp đã được tạo rồi, làm cách nào có thể chối cãi? Bàn tay đã viết ra chữ, vậy chính bàn tay phải bôi (tẩy) những chữ đã viết. Chúng ta phải chấp nhận theo đúng tinh thần thể thao ngay thẳng. Ðó là đường lối thiên nhiên. Ðối với nghiệp báo nó là vậy, cho đến khi chúng ta thành đạt giải thoát -- chừng đó mọi vấn đề khó khăn sẽ chấm dứt.

Trích: Tiếng Vọng Từ Chân Tâm
[01] Ngôn Ngữ Của Tâm
Tác giả: Acariya Maha Boowa Nanasampanno



Tác giả Acariya (Acharn) Maha Boowa (Bhikkhu Nanasampanno) là một Ðại Thiền Sư danh tiếng tại Thái Lan trong thời hiện đại. Ngài sanh trưởng trong một làng nhỏ bé của tỉnh Udon-thani và hiện là Sư Trưởng Thiền Viện Wat Pa Barn Tard.

Sau khi rời trường ở làng, Ngài vào chùa Wat Bodhisomporn, thọ giới Sa Di với Ðại Ðức Chao Khun Dhammachedi, học Giáo Pháp và tiếng Pali. Ðến khi đúng tuổi, Ngài thọ Cụ Túc Giới, rồi một thời gian sau vào rừng hành thiền. Ngày kia Ngài được hướng dẫn đến Ðại Ðức Acharn Mun (Bhuridatta Thera) và người ta nói là khi vừa gặp Ngài đã nhận ra đây là vị thầy của mình. Ngài theo học và hành với Ngài Acharn Mun trong chín năm, chí đến ngày Sư Thầy viên tịch vào lúc tám mươi tuổi thọ mới tự mình du phương thực hành trong các rừng núi hầu như cùng khắp xứ Thái.

Thiền Viện Wat Pa Barn Tard nằm trên một khu rừng độ 100 mẫu Anh, trong tỉnh Udorn miền Ðông Bắc xứ Thái, cách tỉnh lỵ khoảng hơn hai mươi cây số. Trong khu rừng rậm cây cao to lớn ấy rải rác đó đây có độ hai mươi tịnh thất nhỏ và riêng biệt, dành cho thiền sinh, phần lớn là chư Tăng mà một số là người Tây Phương.

Thiền viện tương đối nhỏ và xưa cũ nhưng giới luật rất trang nghiêm, thiền sinh sống dưới sự hướng dẫn của một vị thiền sư nổi tiếng là rất nghiêm khắc. Mặc dầu không xa xóm làng và mặc dầu Phật Tử phương xa xin dâng máy điện và hệ thống nước máy, Ngài Sư Trưởng từ chối vì muốn thiền sinh lối sống đơn giản: ngày một buổi cơm, tịnh thất nhỏ, phải đi kéo nước giếng để dùng, vào lúc tửng bưng sáng mỗi ngày phải vào làng đi bát, rất ít chuyện vãn, phần lớn chỉ sống đơn độc v.v... tất cả những điều ấy là để sống biệt lập, không nghĩ đến chuyện ngoài thế.

Thỉnh thoảng có người cung thỉnh Ngài đi Bangkok thuyết pháp. Một số các bài giảng ấy được thâu vào băng nhựa và lưu trữ tại Wat Bovorniwas.

Quyển Straight From The Heart phiên dịch những bài Pháp do Acharn Maha Boowa thuyết giảng bằng tiếng Thái tại Thiền Viện và đã được thâu vào băng nhựa. Trung tâm Narada xin phép chuyển ngữ để cống hiến quý đạo hữu Việt Nam.

Phạm Kim Khánh trích dịch quyển Straight From The Heart
Theo: http://www.budsas.org/
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Đừng Hiểu Lầm Lời Phật Dạy - Quả Dự Lưu




1. Đừng hiểu lầm lời Phật dạy

(Hỏi) Trong nhiều bản kinh Đức Phật khuyến khích hành giả ngồi thiền, nên hiểu như thế nào?

Thời Đức Phật chưa ra đời, ngoại đạo xem thiền định là tối cao nên họ cho rằng vào rừng tu là mục đích tối thượng, nếu không ngồi thiền định bị thiên hạ cho là không tu hành gì cả. Khi Phật giác ngộ, thấy ra thiền định, khổ hạnh không đưa đến giác ngộ giải thoát, nhưng thời đó người Ấn thích như vậy, nên Ngài vẫn duy trì thiền định như một hình thức hiện tại lạc trú mà thôi. Thật ra đó mới chỉ là tu ngoài da, chưa giác ngộ thì vẫn còn ở ngoài da, chưa thấy được cốt lõi của Đạo.

Pháp hành Tứ Niệm Xứ không có trong ngoại đạo, Đức Phật dạy pháp hành Tứ Niệm Xứ cho người dân xứ Kuru, ở đó mọi người đi làm lụng, sinh hoạt bình thường nhưng vẫn thực hành tứ niệm xứ một cách tự nhiên, Đặc biệt Đức Phật dạy: Thân như thế nào thấy vậy, thọ như thế nào thấy vậy, tâm như thế nào thấy vậy, quan hệ với Pháp như thế nào thì thấy vậy...đó chính là tu, là thiền, là hành nghiêm túc nhất. Công phu Thiền định vốn là pháp tu tập của ngoại Đạo, nếu bỏ đi ngoại đạo không vào được chánh pháp ngay được vì vậy ai thích ngồi thiền định thì Đức Phật cho ngồi, rồi hướng họ vào chánh đạo sau. Nếu ngồi thiền định mà chứng Đạo được thì khi Đức Phật gặp ông Bàhiya tại sao Ngài không khuyên ông ngồi thiền định mà chỉ dạy rằng: Trong thấy chỉ là thấy. Trong nghe chỉ là nghe. Trong xúc chỉ là xúc. Trong biết chỉ là biết... không có cái ta Bāhiya nào ở đó thì Bāhiya liền chứng quả Alahán.

Nói chung, thà không có kinh điển còn hơn quá lệ thuộc vào ngôn ngữ kinh điển. Khi được hỏi sau khi đức Phật nhập Niết Bàn tứ chúng nương tựa vào ai, vị ấy do Ngài đề cử hay chư Tăng bầu lên để làm bậc ý chỉ. Đức Phật dạy, không nương tựa vào ai mà chỉ nên nương tựa vào Pháp thôi. Nhưng chữ Pháp được người sau chú giải là lời dạy của Đức Phật tức ám chỉ Kinh điển. Thực ra y cứ vào Pháp chính là y cứ vào Sự Thật muôn đời như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo… Y cứ trên Cái Thật chứ không phải y cứ trên ngôn ngữ kinh điển. Trong kinh Kalama đức Phật cũng nói rất rõ rằng đừng tin kinh điển, lời truyền tụng, những tin đồn hay bất cứ điều gì, mà mỗi người phải tự thực nghiệm để thấy ra Pháp. Những lời lẽ trong kinh điển đôi lúc bị vặn vẹo làm sai sự thật. Có thể do các vị tiền bối có thiện ý muốn giúp người sau phải tu hành nghiêm túc. Nhưng đó cũng là một sự nhầm lẫn, trong khi Đức Phật dạy Pháp tự nhiên phù hợp với căn cơ trình độ của mỗi người thì bây giờ lại trở thành những công thức cứng nhắc... Chính vì vậy trong Kinh Ví Dụ Lõi Cây đức Phật dạy người học Phật cũng như người vào rừng tìm lõi cây, cần biết rõ đâu là lõi, đâu là giác, đâu là vỏ, đâu chỉ là cành lá, nếu không chỉ lấy được cành lá, vỏ hoặc giác cây đem về mà không tìm được chút lõi nào. 

Cũng vậy người học Phật nếu chỉ biết nắm giữ những điều thứ yếu mà không biết rõ điều gì là chính yếu trong lời dạy của đức Phật thì cũng rơi vào nhánh ngọn của thời mạt pháp. Vì vậy trong Dhammapāda 12 đức Phật dạy:

“Chính yếu thấy chính yếu
Không chính thấy là không
Mới đến được chính yếu
Hành xứ chánh tư duy”

(Sārañca sārato
Asārañca asārato
Te sāram adhigacchanti
Sammā sankappa gocarā) *

Người nào không thấy ra cái chính là cái chính, cái phụ là cái phụ, cứ tưởng cái chính là cái phụ, tưởng cái phụ là cái chính, thì người đó không bao giờ thấy được cái chính. Không biết cái gì là cái chính, là cốt lõi... Cứ cành lá, vỏ cây, giác cây, cốt lõi, quơ hết cho rằng đồng đẳng với nhau nên tu hoài mà vẫn không giác ngộ.

Trong kinh, cần lưu ý điểm rất quan trọng này: Ngoại trừ một số nguyên lý tổng thể, phổ quát là cốt lõi, còn tất cả trường hợp khác đều tùy duyên mà nói, vì vậy những câu nói đó chỉ đúng với trường hợp của người trong cuộc thôi. Như kinh Chuyển Pháp Luân, Phật chỉ nói với 5 Vị Kiều Trần Như, vì 5 Vị này tu khổ hạnh, nên Phật mới dạy về khổ do đâu mà ra để 5 vị này đừng bám vào lý tưởng khổ hạnh đó nữa. Vì vậy cách trình bày trong kinh Chuyển Pháp Luân chỉ là hình thức phù hợp với các vị tu khổ hạnh, còn nội dung BỐN SỰ THẬT VI DIỆU mới là cốt lõi của bài kinh. Nội dung đó đức Phật và các bậc Thánh đệ tử trình bày rất khác trong những tình huống khác.



2. Quả Dự Lưu

(Hỏi) Có phải trong quả dự lưu, hoài nghi là chưa tin vào bản chất giác ngộ có sẵn để trở về với chính mình?

Khi người thực chứng được nguyên lý hay cốt lõi của Pháp thì được gọi là bậc Dự Lưu hay Nhập Dòng (Tu-đà-hoàn) đã vào sống với Thực Tánh Chân Đế hay Thánh Đế. Lúc đó, không còn nghi ngờ gì cả vì đã thấy rõ đâu là Pháp Tánh. Thí dụ như người đi tìm lại ngôi nhà mà mình đã bỏ quên, trên đường khi thấy ngôi nhà nào cũng nghi ngờ không biết có phải đây là nhà của mình không, đó chính là hoài nghi, đến khi nhận diện đúng ngôi nhà của mình rồi, người ấy liền vào ở mà không còn nghi ngờ gì nữa.

Vị Nhập Lưu cũng không còn xem ngũ uẩn là “ta" nên không còn thân kiến tức là không chấp vào hiện tượng đời sống trong quan hệ thân-tâm-cảnh mà thường trở về sống với tâm rỗng lặng trong sáng. Người mê không biết mình đang sống trong thế giới ảo do bản ngã tạo ra, nên họ càng không thấy thế giới duyên khởi do điều kiện giả hợp mà thành, luôn biến đổi không có gì chắc thật như ý muốn. Người ngộ không còn đắm chìm trong thể giới ảo của vọng tưởng mà cũng không còn rơi vào thế giới duyên khởi vì đã thấy tính vô thường, khổ, vô ngã của nó, do đó không còn thân kiến - không còn chấp hiện tượng duyên khởi của thân-tâm-cảnh là mình, không như người mê tạọ ra thế giới ảo để rồi nhận giả làm chân.

Vị Nhập Lưu cũng không còn giới cấm thủ tức không còn chấp vào mọi hình thức bên ngoài, họ đã thâm nhập nội dung tinh tế của mỗi hành động nên mọi cử chỉ, mọi dáng dấp đi đứng ngồi nằm đều tự nhiên thoải mái không câu nệ mà vẫn trang nghiêm thanh tịnh. Đôi khi người ta lầm tưởng chứng quả Dự Lưu là một sở đắc của bậc Thánh. Thực ra còn sở đắc tức còn bám chấp vào sự tướng mà “ta đạt được”, có nghĩa là còn chấp thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ thì làm sao Nhập Dòng được.

Đăng bởi Cội Nguồn : Thứ Hai, tháng 8 01, 2016
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Đạp Tuyết Tầm Mai


Buổi sáng mùa đông năm ấy, tu viện Thiên Môn, phía Bắc thị trấn Odeti, chợt xuất hiện một người khách lạ. Không biết y bao nhiêu tuổi nhưng nom đã già cỗi lắm. Lão vác một nhánh mai to nặng và thò tay giật chuông cổng tu viện.

Lúc ấy tuyết đang rơi, đường sá phủ từng đống tuyết tròn, nhấp nhô như mộ địa, không một bóng người lai vãng. Gió Tây Bắc ào ào thổi qua, tung tuyết rát mặt. Trời nặng nề, đục, đầy vẻ hăm dọa, có lẽ phải lạnh đến mươi độ âm.

Người khách trùm chiếc áo bông đã tang thương và phong trần quá đỗi. Đôi ủng da cũng đã xác xơ và điêu linh như thế. Không biết y đã dẫm qua bao nhiêu sông núi mới đến được nơi này.

Một nhà sư to, cao, cà-sa trùm kín người, tay đung đưa chùm chìa khóa, dáng bực bội ra mở cổng tu viện. Y chững lại. Ở đâu ra người khách kỳ quái này? Và nhành mai như thần thông diệu hóa thế kia? Làm sao lại có được nhành mai đương độ khi tuyết băng như đang trùm lấp xứ này, cây cối chỏng chơ những que cọng vươn lên từ biển tuyết thế kia thì chưa hứa hẹn một mầm xanh nào cả. 

Giữa cái trơ trụi của mùa đông, nổi bật lên nhành mai mơn nõn, điểm lác đác mấy nụ vàng tươi như thách thức và bỡn cợt với hóa công! Người khách - cái lão già khú đế kỳ khôi này -rõ ràng là đang đứng đó thôi: Bất động, lạnh lùng, đôi mắt sáng đục, lờ đờ nhưng bình thản. Đấy là sự nghỉ ngơi của con ngựa già dẻo dai, hiển hách sau chặng đường xa lao nhọc.

- Quý tôn ông hẳn là không gõ lầm cửa đấy chứ ạ? Nhà sư dè dặt cất tiếng hỏi.

- Không lầm đâu! Người khách đáp, giọng nhỏ, nhưng luồng hơi dường như đi xoáy vào tai.

Nhà sư biến sắc, giật lùi một bước, lát sau mới trấn tĩnh lại:

- Xin cho bần đạo hay là vào tu viện để gặp ai? Có việc gì?

Người khách như thoáng mỉm cười rồi giọng nói như làn gió mùa thu mát mẻ:

- Nó như thế này! Khách nói như phân trần - lão sẽ làm phiền nhà chùa một chút thôi. Đại đức ạ! Lão xin được cắm nhành mai này vào một chiếc lọ thích hợp, mà đúng là thích hợp đấy nhé! Lão nhấn mạnh rồi ngước nhìn trời - Tiết dương nguyên cũng không còn bao chày, có một gốc mai đúng độ để nhà chùa thưởng xuân, cũng là một nhã thú đấy chứ? Chẳng hay có trở ngại gì không ạ?

- Dạ không! Nhà sư vội đáp nhưng có vẻ ngần ngừ - sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy? Bần đạo có nghe lầm chăng? Có điều kiện gì chăng?

Người khách lại tủm tỉm cười, cất giọng dịu dàng:

- Đại đức ạ! Nếu đây là việc cúng dường thì hẳn là tốt chứ?

- Đúng vậy! Nhà sư gật đầu - việc cúng dường thì chẳng có gì trở ngại, mà lại rất quý báu nữa, thưa tôn ông!

Nói xong, nhà sư nhấc tay đẩy cánh gỗ lim dày.

Hơn ai hết, nhà sư hiểu rõ giá trị của nhành lão mai nọ, dẫu ngàn vàng cũng không mua được. Sau những ngày tuyết giá là mùa xuân, nhưng mùa đông năm nay dường như kéo dài ra, hoa anh đào sẽ nở muộn. Suốt cả vùng Tây Bắc này sẽ không có được một nụ hoa tươi. Tại chốn đế kinh, mấy năm về trước, thiên hoàng cũng có được mấy cành do các nhà thương buôn Trung Quốc mang đến phụng dâng, nhưng chắc là không thể sánh được với cỗi mai tuyệt vời này. Người lựa chọn nó chẳng phải là một con người tầm thường. Cành mai này thì bậc đế vương cũng ngoài tầm mơ ước. Cỗi mai xứng đáng để trong một cái lọ cổ quý màu thanh ngọc điểm tuyết vân, đặt trên cái kỷ bằng gỗ trầm hương, chẳng cần phủ gấm thêu chỉ vàng chỉ bạc. Được bình mai vô giá này, danh tiếng nhà chùa sẽ lan tới chốn đế kinh, chắc chắn thiên hoàng sẽ tìm đến cùng với thiên hậu, thứ hậu lẫn tùy tùng đông đảo. Và như vậy, nhà chùa sẽ có chút bổng lộc, sống đầy đủ vài ba tháng. Ngoài ra, các tao nhân mặc khách tha hồ tìm đến để ngâm vịnh, xướng họa. Thơ phú sẽ được trân trọng viết lên giấy bạch vân, hoa tiên, xuyến chỉ, nguyệt cung điện... để chưng ở khách đường, viện trà, thư hương quán... Mà hễ có tài tử tất có giai nhân, biết bao nhiêu là tía hồng kiều mị lả lướt vào ra, đông vui như ngày hoa bướm hội.

Miên man suy tưởng, rạng rỡ nụ cười, nhà sư đã dẫn khách đến Nghinh Phong đường hồi nào chẳng hay. Cả chùa đổ xô lại, sửng sốt, hết nhìn khách lạ lại nhìn nhành mai: cành, nhánh phân bố hài hòa, gốc to đen sần sù, gân guốc, bám đầy rêu đá. Đẹp như tranh!

Sư tri sự bước lại. Sau khi biết chuyện, một chiếc lọ cổ được mang ra. Người ta chuẩn bị mọi thứ cho khách cắm nhành mai vào đấy.

- Không được! Khách nói lớn giọng, dứt khoát - Không thích hợp! Giọng oang oang đinh cả tai mọi người.

Nhóm thiền sinh hoảng kinh, dạt ra xa. Sư tri khách lễ độ nói:

- Thưa tôn ông! Đây là cái bình cổ nhất, quý nhất, đẹp nhất của tu viện.

Người khách có vẻ không muốn nhiều lời, chỉ một mực lắc đầu. Một vài tiếng thì thào. Nhưng giá trị của cỗi mai bắt người ta phải chiều lòng vậy. Rồi mấy chục chiếc lọ nữa được mang ra, khách vẫn không vừa ý. Cả chùa đã tỏ ra bực bội vì sự khó tính này, một vài lời bất như ý, phạm thượng đã nho nhỏ thốt ra.

- Có một chiếc lọ cổ! Khách chậm rãi nói - không quý lắm! Trên miệng bình đã sứt hai chỗ. Một to bằng đồng tiền có phù điêu của Thánh đức Thái tử. Một to bằng miệng chung rượu niên đại Suy Cổ Thiên hoàng. Men màu thúy lam, đôi chỗ lửng ửng màu hoàng yến; đường hoa văn thủy tiên chạy chỉ thêu màu thanh thủy rạng...

Ai nấy đều ngơ ngác. Vài vị thượng tọa niên cao, lạp lớn nhăn trán, nhíu mày. Chịu. Không ai biết ất giáp gì cái lọ ấy.

Hòa thượng viện trưởng đang đọc sách ở Thính Tâm đường sau khi nghe thượng tọa tri khách trình bày câu chuyện về người khách, cỗi mai và chiếc lọ, ngài vội buông sách, chụp vội chiếc gậy lê, không kịp xỏ hài, đã như đám phù vân lướt nhanh ra phía trước.

Bốn tia mắt gặp nhau. Những ánh sao loáng lên. Hòa thượng rùng mình. Không khí lặng yên, đọng lại. Đột ngột, hòa thượng đọc to lên:

- Kỵ lư quá tiểu kiều
Cảm thương mai lạc hoa...

Lạ lùng thay! Đôi mắt khách chớp chớp, thoáng mờ như hơi sương. Hai câu thơ kia được tiếp tục như gió xao qua ngàn lau:

- Cổ nhân sầu bạch phát
Kỷ độ thủy lưu hà!”

Hòa thượng viện trưởng lắc lư như chao sóng:

- Các con! Ngài cố dấu sự xúc động - Chiếc lọ cổ ấy các con không biết là phải. Đấy là di vật của tổ sư, ta cất giữ kín đáo ở Tàng Vân các. Lão tôn ông đây không phải là người lạ. Tạm thời các con ai về phòng nấy. Ta sẽ nói chuyện với các con sau.

Tổ sư khai sơn chùa Thiên Môn, vốn là chưởng môn một tông phái võ học danh tiếng. Sau khi nghe pháp thấy đạo, ngài biến võ đường thành thiền đường, lần lượt thụ giáo các cao tăng, sau đó thâu nhận môn đồ cả tăng lẫn tục. Ngài chọn một con đường riêng biệt. Các đệ tử của tổ sư phải trải qua một thời gian công phu khổ hạnh - về đạo, về võ học cũng như văn chương, nghệ thuật... Có người đã đi những bộ môn chuyên biệt, nên sau này ra đời, họ có thể xuống núi theo con đường tùy duyên hạnh nguyện. Đấy như là thông lệ để gạn cát tìm vàng, đào tạo những bản lãnh tăng tài làm giềng mối mai hậu cho cửa thiền.

Cứ mỗi năm giáp Tết, tổ sư cho sửa sang quét dọn sau trước, đốt hương, xông trầm rồi chưng ở chiếc kỷ một bình mai. Bên kia vách nứa thấp thoáng vài câu đối. Bên này vách nứa lấp loáng câu thơ trên mảnh giấy mộc vân:

“Kỵ lư quá tiểu kiều
Cảm thương mai lạc hoa
Cổ nhân sầu bạch phát
Kỷ độ thủy lưu hà!” (1)

Bài thơ này được tổ sư chép ra từ bức tranh thi họa ở chiếc lọ cổ - kể từ năm năm thứ nhất khi đợt đệ tử đầu tiên xuống núi. Rồi năm năm thứ hai nữa qua đi, bài thơ cũ được viết lên trên giấy mới, cành mai được lựa chọn công phu hơn, cành nhánh tỉa tót nghệ thuật hơn - vẫn không có bóng dáng người đệ tử nào trở về!

Từ hai mươi tháng chạp, những năm tuyết tan sớm, tổ sư thường đi vào cơn nhập định dài. Ngài ngồi trên nệm cỏ, đôi mày bạc kéo xiên như hai vệt tuyết, vừng trán cao nhẵn bóng như vách đá cẩm thạch. Bình mai bây giờ đã là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Bài thơ bây giờ rõ là nét chữ đang muốn hóa rồng để bay lên mây xanh! Nhưng sự đón chờ dường như đã mỏi mòn, chỉ có ngọn gió đông thì thào thoảng qua như cợt, như trêu! Qua cánh cửa tròn nhìn ra vùng đồi nhấp nhô, những cánh đào bung lộc mởn, lơ thơ mấy nụ “hồng vân sơn trà” ửng đỏ như điểm chu sa - tổ sư ngồi nhìn bất động. Có lẽ nào tổ sư đang ngưng lắng cả thân tâm để phân biệt chiếc lá khô rơi hay tiếng bước chân khe khẽ quen thuộc bên kia triền núi? Tổ sư có xả thiền vài lần, chống chiếc gậy lê, lững thững cô liêu theo triền núi xanh sim dại, bóng cắt giữa nền trời quạnh hiu. Tiếng chim núi hót vút lên không. Mấy con đường mòn ngoằn ngoèo bò lên tu viện, heo hút. Vẫn không có một bóng ma nào!

Buổi giảng pháp đêm giao thừa, tổ sư ngồi trên chiếc bồ đoàn, từ xa, phất tay áo rộng. Một làn gió quật tới. Chiếc lọ cổ dường như được chà thành men láng. Màu thúy lam chợt sáng lên, hiện rõ nét, linh động hơn, bức tranh: “Đạp tuyết tầm mai”.

- Các con hỡi! Giọng tổ sư thoảng như tiếng gió lướt qua sơn khê hồ hải - Những huynh trưởng của các con thành tài, xin xuống núi, thế là hơn mười năm rồi, không có ai trở lại. Thế là đã như ông lão trong bức tranh kia, suốt bao ngày lặn lội, công phu tìm kiếm trên non cao tuyết giá, lúc về làng, qua cầu, ngoảnh nhìn lại - thì nhành mai tuyệt đẹp chỉ còn là nhánh củi khô!

Các con ơi! Đời tu hành lập nguyện đều như thế cả. Mai này các con có xuống núi, thầy mong rằng được nhìn thấy chỉ một cành mai nguyên vẹn cũng đã thỏa nguyện lắm rồi...

Tổ sư nói xong, thở dài, đưa mắt nhìn đệ tử một lượt, đôi mắt vừa thẳm sâu, vừa thương bi khó tả. Đột nhiên, thân không động, một làn khói vọt đi. Chỉ mấy thoáng nhấp nhô. Tổ sư đã đến vách đá phía Tây tu viện, hai tà áo không ngớt lay động, những mảnh bụi đá tung bay tào rào... Sáng ngày, tuyết trong, nhật rạng, như chạm vào vách trời một câu thơ - một vế đối - lạnh buốt cả hư không:

“Thiên hạ minh mông, vị tằng nhất hữu! (2)”

Và ngạc nhiên xiết bao, mấy hôm sau, bên cạnh đấy, nét chữ sâu mạnh cũng một tám một mười, vế đối lại cũng hàm tàng mấy phần khẩu khí:

“Môn trung lạc bạc, hà dĩ duy vô! (3)"

Rồi từ đó, cửa Thiền mất bóng vị đệ tử trưởng tràng tài hoa. Y vì tự ái hoặc vì đau xót tâm sự bi thương của tổ sư mà đã lặng lẽ vác lưỡi gươm Thiền đạo lên đường? Lời nguyền nơi vách đá không biết có hổ thẹn với tuế nguyệt và càn khôn?

Nhà tổ chỉ có hai người. Trầm hương ấm cúng và man mác. Một loài chim tuyết lạc giọng kêu ở đâu đó. Gió thì thào ở rất xa...

Chiếc lọ cổ được hòa thượng viện trưởng đích thân mang ra. Đôi mắt khách lạ sáng lên rồi cúi xuống thò tay xoa lớp bụi đục. Tranh là một ông lão cỡi la qua cầu, đằng sau là chú tiểu đồng vác một cành mai, cuốn bụi chạy theo, hoa rơi từng đóa, từng đóa... Như gặp lại hình ảnh giáo huấn đẹp đẽ đã quá lâu xưa, khuôn mặt khách toát ra niềm vui tĩnh lặng. Nó như thoáng nắng mới hồng lên rồi tan nhanh giữa hư không - tan mà không mất. Khách như trẻ lại hằng mươi tuổi.

Bình mai đã cắm xong, đầy tinh tế và đầy trân trọng. Đặt đúng vào chiếc lọ này, cỗi mai như tăng thêm sức sống và sự linh động. Vài hạt tuyết li ti còn dính ở đâu đó làm cho cành nhánh tươi mới hẳn lên. Gió lất phất thổi qua. Không cần nắng ấm mà chỉ cần cành mai đơn sơ mấy nụ, với một nghệ thuật vững chắc, mùa xuân thật sự đã về ở đây rồi!

Người khách đứng vòng tay, trầm mặc. Lát sau, y bước tới bàn thờ tổ. Y quỳ rất lâu như hoàn toàn quên bẵng mình và ngoại giới. Y như bỏ cả sông núi, phong trần bên ngoài chân trời, thu gói mình lại trong không khí cô đọng, cổ xưa và thanh khiết.

Khi quay lại, như bước ra từ vùng huyền hoặc khói sương, khách vươn mình đứng thẳng, dáng cao lênh khênh và cằn cỗi như một lão bách tùng, khuôn mặt sáng rỡ bình an và đôi mắt như hai ngôi sao lấp lánh.

Hoà thượng Thiên Môn thân nổi gai ốc, hai đầu gối như muốn khuỵu xuống.

- Hãy bình tĩnh! Hãy bình tĩnh! Giọng khách rất dịu dàng, như đỉnh núi nói với ngàn dâu, như sự tịch lặng nói với niềm xao xuyến - hòa thượng đã nhận ra ta, lão sư huynh bạc hạnh này. Dẫu bây giờ ta đã không còn hổ thẹn với tổ sư xưa, nhưng ta... nhưng ta...

Khách chợt xúc động nắm bàn tay run run của hòa thượng viện trưởng. Họ không nói được, chỉ nhìn lặng lẽ vào mắt nhau. Họ dẫn nhau đến bàn trà. Cũng rất lặng lẽ.

Khách nhìn khắp liêu phòng, dừng lại nơi mấy bức tranh, mấy bài thơ đã cũ vàng, trang trọng lồng trong những khung hoa văn cổ kính - vẻ đăm chiêu. Hòa thượng nhỏ nhẹ nói:

- Mấy bài thơ, mấy bức tranh này là bảo vật còn lại của tổ sư. Sau khi lão huynh xuống núi, tổ sư đóng cửa dạy môn đồ. Thì giờ còn lại, tổ sư dành cho thiền định. Tổ sư không còn làm thơ, vẽ tranh, cắm hoa hoặc bất kỳ một sinh thú chân tay nào khác. Tổ sư cũng không còn thông lệ dạo chơi trên những ngọn đồi vắng hay ngồi bên bình mai vào mỗi độ giáp Tết. Tuy thế, những hành tung của lão huynh, dầu tận chân trời cuối đất, tổ sư vẫn biết rất rõ... Hòa thượng nghỉ một lát, định nói gì, lại thôi. Sau đó, hòa thượng thở dài rồi tiếp - tổ sư tịch năm 845, khi Hoàn Vũ Thiên Hoàng thiên đô từ Nại Lương về Kyoto năm thứ mười...

Hai tay khách nâng chung trà uống một ngụm sâu, xoay xoay cái chung trong tay, trầm ngâm, rồi hỏi:

- Những huynh đệ của chúng ta và cả vài thế hệ sau này nữa, có ai về núi đến không?

- Có, khá nhiều! À, nhưng mà không! Tổ sư bảo là không có một nhành mai nào nguyên vẹn cả!

Khách mỉm cười xa xôi:

- Thế thì vế đối nơi vách đá của tổ sư, vẫn là cái tiên tri đời đời vậy.

Hòa thượng móm mém nở nụ cười, nhưng lại lắc đầu:

- Không phải thế, không hẳn là thế! Còn nhành mai nguyên vẹn của lão huynh thì sao? Hà dĩ duy vô?

- Đấy cũng là mong ước của ta! Nhưng mà không biết tỏ sư có chứng giám cho ta chăng? Cành mai kia không biết có phải là cành mai nguyên vẹn như kỳ vọng của tổ sư chăng?

Hòa thượng Thiên Môn không biết nói làm sao cả. Lời nói nào cũng chưa chắc đúng, đôi khi lại trống không, vô nghĩa nữa. Cũng như thế hệ huynh trưởng đi trước, vị lão huynh này cũng mang đầy nhiệt huyết xuống núi sống đời hạnh nguyện, tát nước bể đông, biến cải thế gian. Y đã lao thân vào dòng, chẳng ngại gì những vùng nước xoáy. Cái bản lãnh của y, lưỡi gươm chính khí của y đánh bại được cả những ma quân hung bạo nhất, thế nhưng y đã không đánh bại được chính mình. Khoảng cách này là sợi tóc. Lộ trình này là đi trên lưỡi dao cạo. Và thế là... trọn một đời tìm kiếm, hoạch đắc, cái gia tài vô giá ấy đã rơi rụng xuống dọc đường, trên mọi nẻo tối tăm của dục vọng và bản ngã... Nhưng mà vị lão huynh này đã trở về, thành khẩn trở về... và ta đã thấy trong đôi mắt y có một nhành mai. Như vậy thì sự thất vọng kia quan trọng hay sự giác ngộ khổ đau quan trọng hơn?

Chợt nhiên, một hình ảnh lóe lên từ bức tranh cổ.

Cụ già ở đây hốt nhiên trắng bạc, da mặt với những nếp nhăn nheo như sóng gợn, điệp điệp lên nhau thời gian và sinh tử. Lưng lão cúi xuống, cong hơn, gót chân sây sứt máu, mồ hôi vã ra, rơi xuống biển đen. Trăng trên cao lạnh lùng băng giá. Hoang mạc tiếp hoang mạc, sơn khê tiếp sơn khê... Tất cả chúng đang chập chùng nhảy múa trong vô thức như những ám ảnh trường đồ tại thế khổ nạn... Hòa thượng Thiên Môn rùng mình, thấy thêm một mật ngữ của “khổ đế” trong bức tranh “Đạp tuyết tầm mai” mà vị lão huynh đã chứng nghiệm bằng chính trái tim, hơi thở, bằng cả sự sống của một đời người. Hòa thượng bần thần dã dượi. Khi ngước mắt lên thì khách lạ đã đi đâu mất. Ánh trăng đêm đông về sáng lấp ló sau bức mành thưa. Té ra một đêm đã trôi qua. Xung quanh cửa đóng then cài nhưng khách lạ đã biến đi như một trò huyền hoặc.

Hòa thượng khơi đèn. Trên bàn còn có một phong thư với những nét chữ chưa ráo mực.

“Chỉ có đau khổ và sự giác ngộ đau khổ. Không còn gì nữa hết. Không có gì đáng nói ở trong đời. Khi mặt trời đã lên thì còn đâu nữa những ngọn đèn leo lét bên đường rọi tìm an lạc hay chân phúc? Ta về đây không phải vì lời thề trên vách đá. Ta chỉ muốn đặt dưới chân Tổ sư một cành mai nguyên vẹn mà thôi”.

Đọc xong, hòa thượng Thiên Môn tủm tỉm cười. “Đúng như ta nghĩ là cành mai kia còn nguyên vẹn, nguyên vẹn và tươi đẹp hơn cả ở đầu non, hơn cả trên băng tuyết! Nhưng mà lão huynh đã phải lặn lội tìm kiếm lâu quá, lâu quá... Ồ, mà có hề gì đâu! Có kẻ suốt đời ướp trầm, xông hương rồi chưng trên những chiếc bình trân quý mấy cành củi khô, hoa đã rụng lâu rồi! Còn ta nữa, tám mươi năm qua, có lẽ nào ta cũng đã từng làm vậy?”

Một tình cảm mang mang len vào lòng. Hòa thượng đứng dậy. Ánh trăng vẫn lạnh lùng bên bức mành thưa, sáng nhờn nhạt. Một tâm hồn nào vòi vọi ở trên cao, sau mấy tầng mây khói? Một cơn gió thổi mạnh. Một mảnh giấy chao động trước mắt. Hòa thượng bước lại. Đấy là một bài thơ trên manh giấy mộc vân đã cũ. Bài thơ với nét chữ tài hoa hiện ra như một trò ảo thuật. Bài thơ cũ, thêm hai câu mới, như mở ra một chân trời mới, rồi khép lại đâu cũng ở cuối chân trời...

“Kỵ lư quá tiểu kiều
Cảm thương mai lạc hoa
Cổ nhân sầu bạch phát
Kỷ độ thủy lưu hà
Ngã kim bạch vân quá
Không xứ, vong cố gia! (4)

Hòa thượng sung sướng quá, buông rơi ngọn đèn. Trước mắt, đám mây trắng và dòng nước xanh trôi chảy bình yên, thanh thản. Và khách lạ đứng ở trên cao, mỉm cười dịu dàng, mảnh y bào phất phới. Sao kết thành từng chuỗi, từng chùm bông trắng rơi tua tủa. Cỗi lão mai thò qua từ sau hốc núi điểm lơ thơ mấy nụ vàng, nụ vàng kết thành đài sen. Và tổ sư tĩnh tọa an nhiên, khuôn mặt vĩnh cửu và nụ cười hỷ hoan như chư Phật.

Chú thích:

(1) “Cởi lừa qua cầu nhỏ. Cảm thương mai rụng hoa. Người xưa sầu bạc tóc. Nước chảy mấy thu là!”
(2) Tạm diễn ý: Thiên hạ mênh mông rộng lớn, chưa từng có một người (đệ tử).
(3) Tạm diễn ý: Trong cửa chùa đơn sơ ít ỏi, sao há lại không (có ai!)
(4) Tạm diễn ý hai câu cuối:“Quên quê nhà, quên chốn. Ta nay mây trắng qua”.

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Theo Đạo Phật Ngày Nay
Sưu tầm: Hanh Nghiêm