Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Để Sống Vững Chãi Trong Đạo



Một người khi xuất gia là đã cân nhắc rất kỹ để có quyết định quan trọng của cuộc đời mình trước hai ngả rẽ lớn: sống đời thế tục hay chọn con đường xuất gia. Khi “tóc đã cạo, tơ lòng đoạn phủi” (NT. Huỳnh Liên), người xuất gia nào cũng cảm nhận nếp sống mới là cao thượng tuyệt vời, từ đó hành giả sẽ sử dụng quỹ thời gian của mình cho mục đích học đạo, tu đạo và làm lợi ích cho nhiều người. Để tâm nguyện này được thực hiện, để sự nỗ lực gia công hành trì có hiệu quả và nhất là để có đủ nhiệt huyết đi trọn con đường mình đã chọn, chúng ta cần trang bị cho mình một số kỹ năng căn bản sau:

1. Chân thật

Ở đời, con người nên sống với nhau bằng niềm tin và bằng tấm lòng chân thật, tu đạo càng cần nhiều hơn đức tính này. Điều đáng báo động là sự chân thật ngày càng ít đi trong xã hội, lương tri con người ngày càng chai sạn chứ không còn mẫn cảm đủ để biết hổ thẹn để có thể sống với tâm chân thật của mình. Nhiều người chọn cách sống giả dối như một “nghệ thuật sống” và cổ súy lối sống này vì họ quan niệm, sống thật lúc nào cũng bị lỗ lã! Sống giả dối chỉ có cái lợi trước mắt, nhưng hại thì lâu dài. Ví như thức ăn nhanh hay bình dân hơn là mì ăn liền, ăn thì nhanh mà tiêu hóa thì chậm, cung cấp năng lượng nghèo nàn cho cơ thể, bệnh tiềm ẩn lâu dài! Những ai chọn con đường đi của nhân cách theo kiểu “mì ăn liền” sẽ có đời sống nội tâm nghèo nàn, hoang vu và họ sẽ không cảm nhận được hạnh phúc của một người sống chân thành như được mọi người tin cậy, là chỗ dựa tinh thần ấm áp của bạn bè, người thân, đem lại cảm giác an lành, yên ổn, thanh thản cho những ai sống gần.

Đức Phật luôn khuyến khích các đệ tử Ngài nói lời chân thật, sống chân thật. Trong rất nhiều bài kinh, Ngài nhắc nhở “nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi” (Tiểu kinh Dụ dấu chân voi, trung bộ kinh số 27; Kinh sáu thanh tịnh, kinh số 112; Tăng chi bộ kinh, chương IV, phẩm XX, kinh số 198; chương X, phẩm X, kinh số 99). Đức Phật cảnh báo rằng, lời nói chân thật, nói có mục đích sẽ đem đến an lạc, hạnh phúc và đó là đường đi chân chánh của người học đạo. “Phàm lời nói nào là chân thật, không hư vọng, có liên hệ mục đích, pháp này là pháp không đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, thuộc chánh đạo” (Kinh Vô tránh phân biệt, Trung bộ kinh số139). Những người biết cân nhắc, thận trọng lời nói, chịu trách nhiệm về lời nói của mình được đức Phật khen là bậc hiền trí. Ngài dạy “[người nào] nói lời đúng thời, nói lời chân thực, nói lời có nghĩa, nói lời đúng pháp, nói lời đúng luật, nói lời đáng được gìn giữ, lời nói hợp thời cơ, hợp lý, có giới hạn, liên hệ đến mục đích, thời vị ấy được gọi là vị trưởng lão hiền trí” (Tăng chi bộ kinh, chương IV, phẩm III, kinh số 22).

Sự chân thật phải được bắt rễ sâu xa từ trong một tấm lòng thành, với tình cảm thực sự và lưu xuất trong lời nói thì lời nói ấy có sức thuyết phục, cảm hóa và đánh động tâm thức người đối diện. Ta có thể dối tất cả mọi người trong một lúc nào đó, ta có thể dối một người trong một thời gian dài nhưng ta không thể dối nhiều người trong suốt thời gian dài được. Người khéo lấy lòng, giỏi che đậy thì khó tu sửa lắm, vì bản thân họ tự huyễn hoặc chính mình và huyễn hoặc người khác cho “qua truông”, bản chất của vấn đề không được mổ xẻ, nhìn nhận đúng như nó là thì sẽ không có giải pháp thích đáng. Người như vậy không bao giờ có cơ hội để tiến bộ và chuyển hóa trên con đường tu tập. Đạo cao đức trọng cần được nhìn ở phương diện chất lượng của sự chuyển hóa tâm chứ không phải tính bằng số lượng, hình thức và thời gian vậy.

2. Tha thiết với con đường đã chọn

Trong đạo Phật, tự do cá nhân, ý kiến cá nhân được tôn trọng tối đa. Luật quy định một cách nghiêm ngặt, một người được chấp nhận trở thành một người xuất gia khi đủ trưởng thành, đủ nhận thức và có tâm sinh lý hoàn toàn bình thường. Do đó, xuất gia là con đường tự nguyện, tự chọn chứ không ai chọn thay, không người nào có thể quyết định thay. Xã hội Việt Nam không giống như xã hội Nhật Bản để có thể chấp nhận người xuất gia vẫn lập gia đình và tham gia vào các công việc xã hội chẳng khác người tại gia, mà tăng-tục rạch ròi, chùa-nhà tách bạch. Do vậy, hãy cân nhắc thật kỹ trước những quyết định quan trọng của đời mình. Một khi chọn con đường nào thì hãy tha thiết, dốc lòng và quyết chí với con đường mình đã chọn. Nếu “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước” thì chỉ chuốc khổ mà thôi!

Nếu chọn con đường xuất gia là xác định con đường này ít người đi, nhiều chông gai, đi ngược lại với số đông để chuẩn bị tâm thế cho mình để không hụt hẫng. Đó là chọn lối sống tham bần, đạm bạc, không hưởng thụ vật chất mà đầu tư nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tinh thần cho phong phú. Đó là chọn con đường sống trong nỗ lực, phấn đấu và kiên trì không mệt mỏi. Chỉ những ai tha thiết với con đường đã chọn mới có đủ nghị lực vượt qua những thử thách, chông gai trên con đường tu tập. Nếu người nào không thể thích nghi với nếp sống xuất gia thì sớm muộn gì cũng trở lại cuộc sống đời thường chứ không thể ráng. Cái gì còn có thể ráng chứ việc tu hành thì không thể ráng! Sống vắng vẻ cô tịch là môi trường lý tưởng, thanh tịnh cho người xuất gia và là cảnh buồn chán, sọ hãi với người tại gia. Ăn mặc giản đơn đạm bạc là cái đẹp của người xuất gia lại là điều phải chịu đựng đối với người cư sĩ. Dành thời gian cho công phu tu tập là niềm vui của người xuất gia lại trở thành điều ngớ ngẩn không cần thiết đối với người đời. 3 giờ rưỡi là giờ yên tĩnh nhất để người xuất gia hành trì thiền định, tụng kinh bái sám thì người đời đang say giấc vì giờ này là giờ ngủ ngon nhất… Biết bao là sự khác biệt!

Chỉ có tâm tha thiết với con đường mình đã chọn mới có thể cung cấp đủ năng lượng để hành giả bước tiếp trên con đường ấy và quyết đi cho đến cùng. Đức Phật từng dạy các đệ tử Ngài “tha thiết với hạnh Sa-môn, nhiệt thành tôn trọng Phật pháp, không sống trong sung túc, không biếng nhác, bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc, dẫn đầu về viễn ly, tinh cần, tinh tấn, nỗ lực, chú tâm cảnh giác, định tâm, nhất tâm, có trí tuệ, không đần độn. Những vị này sau khi nghe pháp hình như đang uống, hình như đang nếm với lời nói và tâm ý” (Kinh Không uế nhiễm, trung bộ kinh số 5). Sự tha thiết, hết lòng tạo nên điều thù thắng và vi diệu trong giáo pháp. Đức Phật dạy rằng, ai có đầy đủ bảy điều thù diệu này đáng được khen ngợi, có thể tồn tại lâu dài trong giáo pháp. Bảy điều đó là “vị tỳ kheo tha thiết hành trì học pháp và trong tương lai khát vọng hành trì học pháp; tha thiết quán pháp và trong tương lai khát vọng quán pháp; tha thiết nhiếp phục lòng dục; tha thiết Thiền tịnh, trong tương lai khát vọng Thiền tịnh; tha thiết tinh cần tinh tấn và trong tương lai khát vọng tinh cần tinh tấn; tha thiết niệm tuệ và trong tương lai khát vọng niệm tuệ; tha thiết thể nhập tri kiến và trong tương lai khát vọng thể nhập tri kiến” (Tăng chi bộ kinh, chương VII, phẩm II, kinh số 18; phẩm IV, kinh số 39). 

Tha thiết với con đường mình đã chọn là nguồn năng lượng cần thiết để quá trình tu tập của một hành giả được vận hành hiệu quả nhất để không uổng phí một đời. Khi ấy, người học đạo sẵn sàng chấp nhận đời sống thanh bần, đạm bạc, hài lòng với nhu cầu tối thiểu của người xuất gia, dành trọn tâm huyết, thời gian và sức khỏe để thực hành giáo pháp mà thôi.

3. Tinh tấn, kiên trì luôn luôn

Người sống trong đạo nếu thiếu tinh tấn, sau một thời gian, thấy cuộc sống xuất gia sao mà đơn điệu, tẻ nhạt và thiếu niềm vui. Chính tinh tấn là yếu tố tạo nên sinh khí nuôi dưỡng đời sống tâm linh của hành giả. Tinh tấn là một yếu tố vô cùng quan trọng về phương diện hành trì của một người tu tập. Đạo đế – những giải pháp đưa đến giải quyết triệt để vấn đề, giải thoát khổ đau trong đạo Phật được cụ thể hóa thành 37 phẩm trợ đạo. 37 pháp này được chia làm 7 tụ, thì tinh tấn có mặt trong 6 tụ. Tinh tấn là một trong bốn pháp để đưa đến thành công trong tu tập (trong tứ như ý túc có tinh tấn như ý túc), là toàn bộ nội dung của tứ chánh cần (tinh tấn làm cho điều ác chưa phát sinh thì không cho phát sinh, tinh tấn đoạn trừ những điều ác đã phát sanh, tinh tấn làm cho điều thiện chưa phát sanh thì được phát sanh, tinh tấn làm cho điều thiện đã có phát triển thêm lên), là một trong năm nguồn năng lượng tâm linh (trong ngũ căn có tinh tấn căn), một trong năm nguồn sức mạnh tâm linh (trong ngũ lực có tinh tấn lực), một trong bảy yếu tố đưa đến giác ngộ (chi phần thứ hai trong thất giác chi là tinh tấn), một trong tám con đường thánh đưa hành giả đến giải thoát (trong bát chánh đạo, yếu tố thứ sáu là tinh tấn). Như vậy đủ biết tinh tấn là yếu tố cần thiết xuyên suốt cả quá trình tu tập. Có một số yếu tố cần thiết trong những giai đoạn nhất định nào đó trong cuộc sống tu tập, còn tinh tấn thì cần trong mọi lúc, mọi nơi, dành cho mọi đối tượng. Nếu ví quá trình tu tập là đi từ nơi khổ đau mê mờ tội lỗi về nơi an lạc, sáng suốt, tịnh thanh như một cỗ xe thì tinh tấn không thể là chiếc bugi có tác dụng đánh lửa cho động cơ ở giai đoạn xe khởi động, mà tinh tấn chính là xăng và dầu nhớt cần xuyên suốt cho chiếc xe ấy vận hành.

Một khi dốc lòng tinh tấn, ai cũng mong sự nỗ lực của mình được đền bù xứng đáng. Để không phải lãng phí năng lượng và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, hành giả cần nắm vững năm yếu tố cần thiết để tinh tấn có hiệu quả là có niềm tin, sức khoẻ, chân thật, kiên trì và sáng suốt (Tăng chi, Chương V, phẩm VI, kinh số 53: Các chi phần). Với sự hỗ trợ của năm yếu tố này, cứ miệt mài thực hành pháp không dừng nghỉ, không mong cầu, kết quả tốt đẹp vẫn đến. Ví như con gà miệt mài ấp trứng, không mong cầu, khi đủ thời gian, đủ năng lượng, ấp đúng cách, gà con tự nở vậy (Kinh số 16, Trung bộ kinh: Kinh tâm hoang vu; 53: Hữu học). Để tinh tấn có thể phát huy tối đa chức năng của mình và đưa đến kết quả tốt đẹp nhất, hành giả cần một có một số điều kiện trợ duyên, được đức Phật kể đến trong một bài kinh. Đó là khi hành giả còn trẻ, khi ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, khi ăn uống được đầy đủ, khi các huynh đệ đồng tu sống với nhau thuận hòa, thân hữu, không cãi lộn nhau, hòa hợp như nước với sữa, khi chúng Tăng hoà hợp, cùng nhau hòa hợp, không tranh luận nhau, sống thoải mái cùng hành theo lời dạy của Phật, không có mắng nhiếc lẫn nhau, không có đấu khẩu lẫn nhau, không có kết tội lẫn nhau, không có sự tẩn xuất lẫn nhau (Tăng chi bộ kinh, phẩm V, chương VI, kinh số 54: Thời gian để tinh cần). 

Một khi nỗ lực tinh tấn thì việc khó cũng thành dễ như lời đức Phật nhắn nhủ sau cùng. “Các thầy tỳ kheo, nỗ lực tinh tấn thì không có việc gì khó khăn. Như nước nhỏ mà chảy mãi thì có thể xuyên thủng cả đá, Thế nên các thầy phải thực hành sự nỗ lực tinh tấn”(Kinh Di giáo). Nếu không có sự nỗ lực tinh tấn thì không có việc gì thành tựu được, vì vậy tinh tấn là đức tính luôn luôn có mặt trên suốt lộ trình tu tập từ bước đầu tiên cho đến đạt được mục tiêu cuối cùng là giải thoát.

4. Gần gũi thiện tri thức

Thiện tri thức là những người bạn lành, bạn tốt giúp ta nâng cao trình độ hiểu biết, biết cách tiếp cận những lời dạy chân lý của Đức Phật. Ngoài ra, thiện tri thức còn được hiểu là những pháp môn, giáo lý, kinh điển của Đức Phật giúp ta thăng hoa nhân cách phẩm chất và nếp sống đạo đức. Sinh ta ra là cha mẹ, giúp ta nên ngời là bạn bè. Con người nên hay hư, phần lớn đều chịu ảnh hưởng từ bạn bè. Thiện tri thức là bạn lành, bạn tốt, những người bạn thường xuyên giúp đỡ cho ta hay làm các điều lành mà tránh xa điều xấu ác, chỉ cho ta biết cách thăng hoa đạo đức, tâm linh để sống đời hạnh phúc. Khi có những người bạn như vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ ổn định, tương lai sẽ tốt đẹp theo thời gian. Người bạn Thiện tri thức thì lúc nào họ cũng mong cho ta được bình yên hạnh phúc và giúp ta thành công trong cuộc sống.

Do đó, muốn vững chãi trên đường tu đạo, cần tìm đến thiện tri thức để thân cận và học hỏi. Đức Phật từng tuyên bố “Khi một vị tỳ kheo có bạn tốt, một điều có thể mong đợi là người ấy sẽ thực hành và nuôi dưỡng con đường Bát chánh đạo.” (Tương ưng bộ kinh, Tập V, chương I, phẩm 1, kinh số 2). Ở một bài kinh khác, Ngài dạy “hãy thân cận các vị chân nhân. Do thân cận các vị chân nhân sẽ được nghe diệu pháp. Do ngươi được nghe diệu pháp, sẽ sống đúng với Chánh pháp và tùy pháp” (Kinh Magandiya, trung bộ số 75). Mục đích tối hậu của đạo Phật là thực hành các giải pháp để chấm dứt khổ đau và nhờ thân cận, học hỏi những thiện tri thức, việc này được thực thi dễ dàng và hiệu quả hơn. An lạc và hạnh phúc lâu dài sẽ đến với người biết gần gũi, học hỏi người thiện tri thức (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm X, kinh số 98). Nhờ thân cận thiện tri thức mà hành giả tăng trưởng các pháp lành, “gần gũi Thiện tri thức rồi, niềm tin liền tăng thêm, giới, văn, thí, trí tuệ thảy đều tăng thêm. Thế nên các Tỳ-kheo! Hãy gần gũi Thiện tri thức” (Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Thiện tri thức).

Vấn đề là làm sao để ta có thể nhận biết một người thiện hữu tri thức? Phương cách duy nhất là thân cận tiếp xúc lâu ngày với người ấy, nhìn cách người ấy sử dụng thời gian như thế nào, vào các công việc gì, quan sát người ấy trong giáo tiếp với mọi người, xem cách người ấy giải quyết vấn đề trong cuộc sống, tiếp cận với người ấy trong những hoàn cảnh khó khăn… ta mới có thể thấy được trọn vẹn đức hạnh, sự định tĩnh và trí tuệ của người ấy. Vì vậy, chúng ta phải sáng suốt chọn thầy lành bạn tốt thì quá trình tu tập của ta mới có thể thành tựu viên mãn trong tương lai.

5. Rèn tính tự kỷ luật

Bình thường, con người quen sống theo bản năng vì gốc gác hoang dã vốn rất mạnh và luôn có một sức mạnh tiềm ẩn. Anh em con nhà bản năng cũng khá đông, nào là bất an, lo lắng, căng thẳng, thiếu kiên nhẫn, vô tổ chức, tùy tiện, bực bội… Hãy quan sát hành vi và phản ứng của mỗi đứa, mình sẽ hiểu ra cần phải làm gì với ‘đám giặc’ này. Coi vậy chứ nếu biết cách, điều phục chúng tuy có khó khăn, nhưng không quá sức như mình tưởng lâu nay đâu. Tuy mình chưa đủ sức để thuần hóa chúng hoàn toàn, nhưng dụng công đúng mức và có phương pháp, chúng cũng bớt hung hãn, ngông nghênh và phần ‘con’ sẽ giảm đi cho phần ‘người’ hiển lộ. Muốn thuần phục chúng, ta cần phải trau giồi tính tự kỷ luật.

Tự kỷ luật là một kỹ năng thấy và quản lý, điều khiển những ý nghĩ, lời nói và hành động mang tính bản năng theo một chuẩn mực nhất định. Đối với người học đạo, chuẩn mực ấy là hệ thống giới luật. Hệ thống giới luật chỉ có tác dụng hỗ trợ cho hành giả có đời sống thanh tịnh chỉ khi nào người ấy có ý thức kỷ luật cao. Cứ theo bản năng che giấu lỗi lầm, ta cứ nuôi dưỡng những tập quán không tốt và thường biện hộ “non sông dễ đổi, bản tính khó dời”. Thật ra, người có tính tự kỷ luật cao không dễ dàng chấp nhận có một sức mạnh nào lớn hơn ý chí và nghị lực của chính mình.

Những thói quen bản năng là ngựa bất kham, không dễ dàng ngoan ngoãn tuân thủ nề nếp, khuôn khổ đâu. Chúng có sức mạnh một cách hoang dã thật, nhưng do chính mình dung dưỡng và hèn nhát, nên nó quen được chìu chuộng mới dám lấn lướt đó thôi. Tất cả cũng chỉ do thói quen mà ra. Thử ‘phản công’ một lần xem sao! Hãy dám một lần can đảm đừng chìu chuộng bản năng, hãy quan sát bên trong mình, điều gì đang xảy ra với các cảm thọ. Có thể chiến thắng bản năng với điều kiện, nhớ đem theo ngọn đèn trí và quan trọng là đừng quên mặc áo giáp của tự ý thức kỷ luật, vì các hành động bản năng ẩn nấp rất khéo léo và khôn ngoan trong những ngõ ngách tối tăm. Cần đôi giày kiên nhẫn nữa, thì không có gì đáng sợ cả. Một điều thú vị là bản năng sợ giáp tự kỷ luật vô cùng. Nếu mặc áo này mà xung trận thì chúng không còn đường sống nữa. Các hành động bản năng chỉ có thể sống trong môi trường yếm khí và khi ngôi nhà không còn chìm trong bóng tối, chúng tự động ra đi, nhường chỗ lại cho những hành động có ý thức và đầy trách nhiệm. Bằng cách này, ta sẽ dần thuần hóa các bản năng ương ngạnh cứng đầu, đây là lúc ta thắng phục được chính mình và được đức Phật ngợi khen:

Thắng người đâu sánh thắng mình,

Chiến công tự thắng liệt oanh trên đời (Pháp cú, câu 103).

Thắng người đâu sánh thắng mình,

Thắng mình chế ngự dục tình cao siêu (Pháp cú, câu 104).

Muốn thắng phục mình, hãy kiên quyết và phải trang bị cho mình tính tự kỷ luật. Cho dù bảy lần liên tiếp thất bại, đừng nản lòng với lần thứ tám! Việc cần làm là chúng ta đừng can thiệp vào các hành động bản năng và các cảm thọ cơ thể. Không cần đem bất cứ một loại thức ăn nào như chìu chuộng, biện hộ hay trá hình để nuôi chúng đâu. Chỉ quan sát coi chúng tung hoành ra làm sao và gắng đọc những thông điệp chúng gởi gắm qua phản ứng cơ thể và những tín hiệu qua các cảm thọ. Hãy coi chúng sẽ thế nào nếu không theo lề thói xưa nay mà chìu chuộng chúng. Chúng cần phải được đánh động để hiểu rằng con-người cần phải khác với không-phải-con-người vì con người, lại là người học đạo, là người cần trang bị tính tự kỷ luật. Đây là điều kiện cần thiết để học đạo và sống an ổn trong đạo vậy.

6. Sống với pháp là điều quan trọng nhất

Với các ngành nghề thế gian, học là thiên về lý thuyết, tích lũy tri thức còn làm thuộc lãnh vực thực hành. Tuy nhiên, với đạo, học và hành hòa quyện cùng nhau, học là hành, học là tu, là sống với pháp trong mọi lúc mọi nơi. Do vậy, không có lý thuyết suông trong quá trình học đạo. Quá trình tiếp nhận tri thức (văn) là giai đoạn đầu tiên của học đạo, sau đó cần tư duy điều đã tiếp nhận (tư) và giai đoạn quyết định cuối cùng là thực hành (tu). Quy trình học và hành pháp được đức Phật chi tiết hóa thành 12 giai đoạn như kinh Canki(Trung bộ kinh số 95) mô tả gồm điểm khởi đầu đó là niềm tin (1): tin vào khả năng phát triển nhận thức của người học và tin vào trí tuệ và khả năng truyền trao tri thức và khai mở trí tuệ của người thầy. Các bước tiếp theo là tiếp cận (2), gần gũi (3), để tâm lắng nghe (4), nghe điều cần học (pháp) (5), nhớ điều cần học (pháp) (6), Suy nghiệm về ý nghĩa của điều đã học (7), xác nhận chắc chắn lại điều học được (8), mong muốn (nhiệt tâm) nỗ lực thực hành điều đã học (9, hạ quyết tâm thực hiện điều đã học (10), kiểm nghiệm điều đã học (11) và bền chí nỗ lực thực hành (12). Như vậy năm giai đoạn sau cùng thuộc phương diện thực hành, còn các giai đoạn trước là chuẩn bị cho giai đoạn thực hành này và chỉ có thực hành, công đoạn học mới phát huy tác dụng và có hiệu quả.

Trong nhà đạo là vậy, người thực tu thực học thì không tò mò tìm hiểu những vấn đề lý thuyết không liên quan hoặc chưa phù hợp với những gì họ đang thực hành, trong khi đó, người nghiên cứu Phật học thì chỉ muốn tìm hiểu lý thuyết cho thỏa mãn sự tò mò. Cái khác của người hành trì giáo pháp và người tìm hiểu suông để làm giàu tri thức hiểu biết là chỗ này. Nhờ thực hành mà dần hiểu rõ hơn lý thuyết chứ những câu hỏi đại loại như “rồi sao nữa? tiếp đến là gì? Nó sẽ ra sao?” không phải là mối quan tâm của người đang trên đường thực hành. Sống với hiện tại, với những vấn đề cần giải quyết ngay bây giờ và ở đây để sống trọn vẹn với ý nghĩa của từ này là điều người học Phật nên làm. Trong kinh Pháp cú, đức Phật nhắc rằng “người nào dù thuộc làu kinh điển mà không hành trì, chẳng có lợi ích gì, như người chăn bò thuê, ngày ngày đếm bò cho chủ mà lợi lạc về bơ sữa thì ta không có phần” (Câu số 19).

Đức Phật dạy, muốn có hạnh phúc thì phải thực hành để đạt được an lạc. “Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có an lạc, không thể do cầu xin an lạc hay tán thán an lạc để làm nhân đến an lạc. Vị Thánh đệ tử muốn có an lạc cần phải thực hành con đường đưa đến an lạc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến an lạc, sự thực hành đưa vị ấy nhận lãnh được an lạc, vị ấy nhận lãnh được an lạc.” (Kinh Tăng Chi bộ, Chương V, Phẩm V, kinh số 43: Khả Lạc). Do vậy, ai muốn học đạo mà cứ thắc mắc, tìm hiểu và lý giải bằng tri thức duy lý của mình mà không thực hành thì sẽ không bao giờ thỏa mãn sự tìm hiểu ấy, lại không có chút lợi ích nào, chẳng khác nào đứng quan sát thực đơn của một nhà hàng có nhiều món ăn ngon mà không hề được nếm trực tiếp hương vị của các món này.

Tóm lại, một hành giả khi phát tâm xuất gia là đã có tâm dõng mãnh hơn người thường rất nhiều. Những năm tháng đầu tiên sống trong đạo, với niềm tin và ý chí mạnh mẽ, nghị lực và sức khỏe dồi dào, người sơ tâm xuất gia luôn dành nguồn năng lượng sung mãn cho sự tu tập. Thế nhưng, nếu không có định hướng rõ ràng, không có phương pháp hướng tâm cụ thể để đưa mình vào đời sống quy củ của đời sống phạm hành, hành giả sẽ không cảm nhận được sự an lạc và lợi ích của đời sống một người xuất gia. Lúc ấy, dù tâm vẫn còn rất thiết tha với con đường tu tập, nhiều người bắt đầu loay hoay với con đường mình đã chọn và đang đi, niềm tin bắt đầu lung lay và năng lượng dành cho sự tu tập bắt đầu giảm sút. Do vậy, để tránh tình trạng tu càng ngày càng xa Phật, “nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên bất kiến Phật”, hành giả cần phải trang bị cho mình các kỹ năng căn bản vừa trình bày ở trên. Với tâm chân thật, tha thiết với lý tưởng tu học, tinh tấn, kiên trì thực hành pháp, luôn thân cận người thiện tri thức để tâm lành luôn được nuôi dưỡng và tưới tẩm, rèn mình tính tự kỷ luật để khép mình vào đời sống giới luật thanh tịnh và luôn lấy sự hành trì pháp làm chính cuộc sống của mình, người xuất gia mới có thể sống vững chãi trong đạo và ngày càng tiến bộ hơn trên con đường tu tập.

Posted by Hằng Như at 10:10 PM
Sưu tầm Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét