Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Thiên La Địa Võng



Nhiều khi trong đời có những chuyện vớ vẩn mà cứ bắt mình phải bận lòng đến thê thiết mới lạ. Sáng nay tôi đọc báo thấy giới nhà giàu trong nước có người dám bỏ ra cả tỉ đồng, tức khoảng năm bảy chục ngàn Mỹ kim, để mua vài con cá kiểng loại quý hiếm về nuôi trong nhà cho vui. Ngó ảnh chụp mấy con cá đắt tiền đó, tôi chợt nghĩ đến một chuyện thiệt ngộ. Trong thiên nhiên làm gì có sẵn những loài động vật chỉ để nuôi trong nhà. Chắc chắn phải có những người đầu tiên nghĩ ra việc nuôi nhốt động vật nhằm vào mục đích gì đó, lâu ngày thiên hạ thấy hay thì bắt chước theo. Có thể những thế hệ gia cầm, gia súc đầu tiên đã phải khổ sở lắm lắm mới có thể thích nghi với kiểu sống lồng chậu chuồng cũi, rồi theo thời gian, đám con cháu của chúng cũng quen thuộc và thậm chí e sợ kiểu sống hoang dã.

Theo dòng suy tưởng vớ vẩn về mấy con vật nuôi đó, tôi bất giác rùng mình khi nghĩ đến thế giới loài người. Hình như đâu chỉ chim cá mới bị nuôi nhốt, mà cả con người hình như cũng vậy, cũng đều qua hành trình "Trước Lạ Sau Quen" ấy để mà trở thành những nô lệ. Chẳng hạn ở đâu trên hành tinh này lại không từng có những điền chủ, lãnh chúa với bao nông nô và tá điền để họ đày đọa, bóc lột. Một chuyện nghe qua thấy khó tin lắm: Ai lại ngu ngốc gì đi làm tôi đòi cho người khác? 

Nhưng nguồn gốc của sự tình thì hình như là thế này, đơn giản lắm thôi. Lúc đầu người này đóng vai kẻ tốt bụng để cưu mang người kia là kẻ cơ nhỡ. Tôi cho anh ăn mặc, nhà ở và việc làm, và anh làm việc cho tôi. Cứ sống trên đất của tôi, rồi trồng tỉa chăn nuôi, đến lúc thu họach thì chia đôi, có điều là phần của anh luôn là con số lẻ. Chuyện đó đúng quá mà. Anh mang ơn tôi còn chưa kịp, nói gì là trách móc phàn nàn. Chuyện thảm ở chỗ là ở đời anh và tôi thì ai cũng biết mối quan hệ nặng nề giữa chúng ta, nhưng qua vài thế hệ nữa, con cháu chúng ta sẽ mặc nhiên xóa bỏ cảm giác nặng nề đó. Con cháu của anh vừa lọt lòng mẹ đã thấy con cháu của tôi ngồi trên đầu nó, tự nhiên và dễ hiểu như mây bay bên trên ngọn cây, như nước phải chảy xuống thấp và khói phải bốc lên cao. Vậy thôi. Quan hệ chủ tớ lúc này không chỉ nằm trong quan hệ xã hội nữa, nó còn là vấn đề tâm thức: Đứa con của người tá điền đã là nô lệ ngay từ đáy lòng!

Theo đó mà nói, có được mấy người trong nhân loại hôm nay lại chẳng đang là một con cá kiểng, một đứa bé nô lệ bẩm sinh. Ai trong chúng ta lại không đang phục lụy cúi đầu trước một thứ gì đó để sống: Bên cạnh việc thường xuyên chịu thua trước bản năng bất thiện của mình, có người còn phải cúi đầu vô điều kiện trước những áp đặt của kẻ khác, trong đó có rất nhiều thứ quái gở và vô lý. Mọi suy tư và sinh hoạt của mỗi người thường y cứ trên một trong hai nền tảng đó. Từ ngày chào đời đã nghe tuyên truyền nhồi sọ, hết trường lớp thì còn có bao thứ sách báo, TV và Radio. Người ta đã phải trưởng thành với bao thứ nhét đầy trong tai, trong óc, trong tim. May mắn nhét được thứ tốt lành thì đó là hành trang sống đời, để mà chắp cánh lên mây. Xui xẻo gặp thứ khó ngửi thì lập tức trở thành con cá lia-thia hay chim nhồng, chim két cho người ta giam cầm. Từ đạo đức, văn hóa, khoa học, đến tôn giáo, triết học, chính trị… đều hoàn toàn có thể là lồng chậu, chuồng cũi cho bất cứ ai e sợ niềm tự do trong thiên nhiên. Ông F. Nietzsche của Đức có câu này hay lắm: “Con người là cái gì đó cần được vượt qua!”.

Ta sợ gì mà không thử xét lại điều mình vẫn cho là đúng? Nhút nhát quá thì cứ vào phòng đóng cửa trùm mền rồi lén lút suy tư, hay vào rừng lên núi khoét lỗ chun xuống để nghiền ngẫm một lần thiệt đàng hoàng xem sao? Nếu đến cả chuyện đó cũng không dám làm thì anh đúng là con cá kiểng của ai đó rồi. Tôi đau lòng vì anh, đau hơn cả một người con gái nhìn thấy gã người yêu của mình cứ suốt ngày níu áo mẹ.

Tôi là một người tin Phật, nhưng vẫn muốn mượn giọng Kinh Thánh để thưa rằng, phúc cho ai biết nghĩ trước khi tin, và đã tin rồi vẫn thường nghĩ lại. Tôi không hề hi vọng bất cứ đồng đạo nào của tôi chỉ tin Phật qua một cơ hội nào đó, rồi suốt đời không dám nghi hoặc. Một Phật giáo không có tra vấn thì không thể là ánh sáng cho ai được, nhiều lắm chỉ là một lối mòn. Dù đời hay đạo, hệ thống tư tưởng nào cấm người ta nghi ngờ thì ai cũng có thể là người khai sinh ra cái quái thai đó cả. Điều khó khăn nhất của một ông tổ là dám công khai mời gọi mọi thử nghiệm, tra vấn. Người ta xưa nay không dám đứng lên đặt câu hỏi thường chỉ vì hai nỗi sợ hãi: E ngại người khác và không dám nhìn thẳng vào chính mình. Kẻ không biết gì nên bị phỉnh thì đáng tội rồi. Cái đáng tiếc nhất là có người biết rõ mọi chuyện hoặc vẫn có lòng ngờ nhưng vì thiếu cả quyết nên tiếp tục theo đuổi đường cũ. Ở đời của họ vấn đề chưa nghiêm trọng bằng các thế hệ con cháu hay đệ tử kế thừa trung thành nếp nghĩ của họ. Lớp hậu tấn đó sẽ như những đứa con của người nô lệ, chấp nhận thờ phụng ai đó mà không cần tìm hiểu. Đến nước này thì nói thiệt, tôi không biết họ khác biệt chim cá trong lồng chậu chỗ nào: Cũng mãn nguyện với những gì hiện có, không muốn tìm hiểu gì ngoài ra, và tệ hại nhất là e sợ tự do.

Từ đầu bài viết, tôi nhớ mình chưa hề kêu gọi ai nổi loạn hay bất tuân, chỉ đề nghị một khả năng biết đặt những dấu hỏi một cách lễ phép và trách nhiệm, trách nhiệm với mình và với đời. Anh hoàn toàn có thể làm việc này ngay khi đang rất mực khiêm tốn dễ thương trước ai đó. Điều tôi muốn làm trong bài viết này là nhắc đến hai thứ chuồng cũi hay lối mòn trong đời: Do chính mình huân tập thành nếp hoặc do ai đó áp đặt. Rõ ràng, lý tưởng cao nhất của đời sống là giữ lại cái hay và bỏ đi cái dở, nhưng để có thể làm được việc đó, trước hết anh phải biết nghi ngờ con đường dưới chân mình. Hãy cẩn trọng trước cái mình thương thích và điều mình ghét sợ. Chính chúng đưa ta vào những chuồng cũi. Hãy biết nghi hoặc. Bởi nhiều lúc sự yên tâm quá sớm cũng dẫn đến chết người.

Nếu ngay bây giờ có người hỏi tôi đã dựa vào cái gì mà bước đi trên đường đời hay nẻo đạo, trước hết tôi sẽ nhỏ nhẹ thưa rằng tôi là một người dốt (không phải cách nói vờ khiêm tốn), nên tôi chỉ có thể hiểu được một ít chuyện, trong đó có lời Phật. Nhờ hiểu ít nên dễ nhớ lâu, rồi lấy đó làm đèn rọi đường. Tôi chỉ hiểu và nhớ đại khái ba chuyện thôi. Trước hết, cái gì cũng vô thường nên phải cẩn thận trước khi cho cái gì là tuyệt đối. Chuyện đời luôn biến đổi, các nguyên tắc hay quy luật gì đó nhiều khi phải được xét lại. Điều thứ hai, tôi tin lý nhân quả (đời hay đạo đều có) nên tự thấy mỗi người trước sau phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì mình suy tư và thực hiện. Và đó cũng là cái cớ để đừng bao giờ cực đoan, vì nếu điều ta nghĩ là chuyện bậy thì lúc nào đó chính mình sẽ lãnh đủ. Điều cuối cùng, tôi thấy hình như khi sống thiếu tỉnh thức (không đủ trí tuệ và chánh niệm để biết mình là gì và đang ra sao) thì người ta dễ dàng mắc vào hai chuyện này: Sống đau khổ hơn và dễ làm ác hơn. Khi anh sống lệ thuộc mù quáng vào ai đó, anh sẽ khó lòng tỉnh thức, bởi phần lớn tim óc của anh đã thuộc về người khác. Anh không thể điều động, vận dụng cái gì không thuộc về mình. Anh chỉ có thể sống tỉnh thức, khi anh hiểu tự do là gì và có được tự do!

Chiều nay, nếu có người đến hỏi tôi về chuyện tu học, tôi sẽ thưa rằng điều cốt tử phải làm chính là ngoài việc không khiến mình trở thành một con vật nuôi trong nhà ai đó, còn phải cẩn trọng với những chuồng cũi do chính mình tạo ra để tự chui vào. Trong bài viết trước (Ai Khỉ Hơn Ai), tôi đã tình cờ đề nghị pháp môn Hầu Thiền, Thiền Khỉ, nhằm kêu gọi sống sao cho đừng giống khỉ. Trong bài viết này, cũng thật ngẫu nhiên, tôi lại mong mỏi ai kia đừng trở thành chim lồng cá chậu. Nếu điều tôi viết không là vung tay quá trán, thì rõ ràng thứ gì trong đời này cũng có thể là những công án cho ta một đời tham chiếu. Mong thay!

TOẠI KHANH
Nguồn Huyền Không Sơn Thượng
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét