Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Hoài Niệm Vu Lan




Cứ mỗi độ thu về, nhìn những chiếc lá vàng rơi xào xạc với những áng mây trôi lững thững, xa xa, đâu đó, thấp thoáng những cánh nhạn tung trời, mắt dõi theo mà lòng con bồi hồi xúc động vì nhớ đến một mùa Vu Lan nữa lại về!

Vu Lan ơi! công sanh thành dưỡng dục
Vu Lan về! con nhớ tưởng Mẹ Cha.

Khó tả xiết bao khi nói đến Công lao Cha Mẹ, chín tháng cưu mang, ba năm ẵm bồng, ướt Mẹ nằm, khô ráo phần con, dành cho con các cuộc thanh nhàn, lo lắng cho con mà chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm…Nhưng các con có mấy ai nghĩ đến ơn đức ấy, bởi vất vả với cuộc sống mà các con quên đi nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với Mẹ Cha, quên đi niềm hạnh phúc mình còn đủ Cha Mẹ trong cuộc đời, tự các con đã đánh mất đi niềm vui được chăm sóc hai đấng sanh thành khi tuổi già bóng xế.

Còn Cha còn Mẹ thì hơn
Không Cha không Mẹ như đờn đứt dây
Đờn đứt dây còn xoay còn nối
Cha Mẹ mất rồi con trẻ mồ côi.

Cha đã không quản nắng mưa nuôi con không lớn, mang cả cuộc đời che chở con con, lặng lẽ âm thầm, Cha không bộc lộ cảm xúc như Mẹ, nhưng đằng sau sự nghiêm nghị ấy chứa đựng cả một tình thương.

Mẹ thì khác Cha, với các con Mẹ như một cô tiên, cần gì, có gì khó nói cũng đều chạy đến bên Mẹ mà thỏ thẻ, những lúc ấy Mẹ xoa đầu, vỗ về mà nựng yêu đứa con khờ.

Cha Mẹ là cả bầu trời thương yêu mà các con là những người hạnh phúc đang thừa hưởng sự yêu thương đó, thế mới biết:

Lên núi nhớ ơn Cha
Xuống sông thương tình Mẹ
Ôi ! núi cao vòi vọi
Ôi ! sông rộng mênh mông
Hai vai con mang nặng
Từ vô lượng kiếp rồi
Ơn Cha và Nghĩa Mẹ
Lặn ngụp biển luân hồi.

Đạo Phật có Đức Quán Thế Âm tượng trưng cho người Mẹ

Thiên Chúa thì có Đức Mẹ Maria cũng mang hình dáng Mẹ, hai hình ảnh ấy đều nói lên những đức tính dịu hiền, tình thương bao la, thương yêu các con như Mẹ thương con vậy!

Người Việt Nam có lối ví von người Mẹ rất bình dị, thân thương:

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau.

Chuối ba hương vừa ngon vừa ngọt, xôi nếp một vừa dẻo vừa thơm, đậm đà ngọt lịm như đường mía lau. Người nhà quê không biết nói một cách cao kỳ, nên họ đã mượn những hình ảnh xung quanh để họa lên hình ảnh người Mẹ.

Nói đến Mẹ thì không bút mực nào nói hết, không văn tự nào có thể lột tả hết về người Mẹ, bởi vì:

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha
Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả thân gầy Cha che chở đời con
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không!

Đức Phật dạy: Sinh ly Tử biệt là điều đau khổ mà tất cả những chúng sanh trong cõi Ta bà đều không tránh khỏi, bởi đó là định luật ngàn thu ấy, nhưng khi đối diện cảnh hợp tan vẫn không sao tránh khỏi sự xúc động nghẹn ngào.

Ngày Cha tôi mất, tôi như kẻ mất hồn, im lặng, đờ đẫn tận sâu trong đáy lòng tôi tự hiểu rằng từ đây tôi đã thực sự mất Cha rồi!

Trời ơi! một sự hối hận trong tôi pha lẫn niềm đau khổ, vì tôi chưa báo hiếu cho Cha một ngày nào .Hơn nửa đời người tôi nghĩ mình đã khôn lớn, nhưng không! người dù năm sáu mươi tuổi mà mất Cha Mẹ thì cũng không lớn thêm được, cũng chỉ là đứa trẻ mồ côi. Bài thơ MẤT MẸ của Xuân Tâm càng làm cho tôi mang nỗi xót xa khi nghĩ về hai đấng sanh thành :

Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi
Độ nhỏ tôi không tin
Người thân yêu sẽ mất
Hôm ấy tôi sững sờ
Và nghi ngờ trời đất
Từ nay tôi hết thấy
Trên trán Mẹ hôn con
Những khi tôi phải đòn
Đau lòng Mẹ la lại
Kìa ! nhà ai bên cạnh
Mẹ con vỗ về nhau
Tìm Mẹ tôi không thấy
Lúc buồn biết tìm đâu
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất Mẹ
Là mất cả bầu trời !

Thật vậy! tôi đã mất đi bầu trời mà không bao giờ tìm lại được, tuổi thơ nghèo khổ cùng những hình ảnh bên người Cha đêm đêm đốt đèn bắt rệp cho các con được yên giấc thì giờ đây chỉ còn là kỷ niệm.

Cha ơi! ở bên kia thế giới Cha có được thảnh thơi chăng? hay bị đọa đày trong cảnh lao lung ấy?

Chiều nay theo bóng Mục Kiền Liên
Ta muốn tìm ra bóng Cha hiền
Chiếc nhạn tung trời theo biển gió
Mùa thu mang nặng nỗi truân chuyên

Biết nói sao đây cho hết nỗi lòng con trẻ, nhớ lời Cha dạy trước lúc lâm chung, con đã nương mình nơi cửa Phật, mượn tiếng chuông chùa cho vơi bớt niềm đau. Giờ đây con thực sự sống xa Cha Mẹ rồi! con như cánh chim trời cô lẻ, bay đi mãi trong cùng tận của không gian.

Nơi phương xa viết đôi dòng cảm xúc
Tận đáy lòng khắc khỏai nhớ Mẹ Cha
Hỡi các con! những ai còn Cha Mẹ
Xin một lần! hãy làm Cha Mẹ vui!

Hạnh Hiếu là Hạnh Phật, Tâm Hiếu là Tâm Phật chắc hẳn người già 60-70 tuổi mà còn Cha Mẹ cũng có thể làm Cha Mẹ vui và tỏ lòng hiếu kính của mình đối với Cha Mẹ, bởi có những hạnh phúc thật đơn giản, bình dị, ít nhất một lần trong cuộc đời bạn cũng có thể ngồi đối diện với Cha Mẹ của mình mà nói rằng: “ Ba Mẹ có biết không? con thương Ba Mẹ nhiều lắm! ” Lời nói không được trau chuốt hoa mỹ, nhưng chắc chắn cả người nghe lẫn người nói đều lâng lâng một niềm hạnh phúc …

Vu Lan pháp nhiệm rải hồng ân
Tự tứ oai linh chuyển lực thần
Phật Tổ Từ bi truyền Chánh Giáo
Mục Liên thành khẩn cứu Từ ân.

Thắng Hội Vu Lan – quả thật mang đầy ‎Ý nghĩa biết bao khi mà nét đẹp tinh thần này đã được lưu truyền từ thời Đức Phật cho đến ngày nay. Phật giáo đã trải qua bao biến cố thăng trầm, nhưng vẫn đứng vững với những Đạo lí sâu xa mà các Tôn giáo khác không thay thế được.

Chúng con - những người con Phật xin đốt nén Tâm hương hướng về Cha Mẹ, tất lòng thành gởi trọn vào Vu Lan.

Hiếu Tâm tưởng nhớ Mẹ Cha
Hiếu Hạnh thiết lễ trai đàng cúng dâng
Hiếu Tu đáp nghĩa muôn phần
Hiếu Dưỡng tánh thiện ở đời bình an
Hiếu Kính thân tộc gia đàng
Hiếu Hòa huynh đệ đẹp trang Đạo Đời
Hiếu Thuận tin kính vâng lời
Hiếu Ngôi Tam Bảo trọn đời hiến Tu .

NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN BỒ TÁT MA HA TÁT .

Thích Nữ Liên Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét