Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Nghi Lễ Phật Giáo


A. DẪN NHẬP
Phật giáo so với nền văn minh hiện đại không bị lỗi thời! Nietzche đã nói: “Phật giáo chính là giải pháp khả thi cho một nền văn minh mòn mỏi ” Đứng trướcbối cảnh đất nước đang bước sang kỷ nguyên mớisự hội nhập và giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, Phật giáo cần phải có những bước chuyển mình mạnh mẽ, để nhanh chóng thích ứng với nhu cầu và xu thế phát triển chung của xã hội, nhất là đối với nền văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc. “Giải pháp” ấy là bảo tồn, và phát huy những giá trị văn hóa ưu việt của nghệ thuật Phật giáo về sắc tướng lẫn tâm linh, là điều “khả thi” hơn hết.  Điều này phải được thể hiện qua nhiều phương diện, một trong các phương diện ấy là nghi lễ. 
Nghi lễ, là một bộ phận sinh hoạt không thể thiếu trong Phật giáo Việt Nam. Tuy nghi lễ tham dự vào cấu trúc văn hóa Việt với tư cách là thành tố văn hóa tinh thần, nhưng đã để lại dấu ấn sâu sắc cả trong sinh hoạt văn hóa vật chất. Làm sao, nghi lễ được đặt để trong khuôn khổ chính đáng của Phật pháp, để nó hoạt động miên viễn một cách tích cực, tạo thành các sắc thái riêng của Phật giáo Việt Nam như Giáo sư Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê đã nêu
Đã đến lúc Tăng Ni Phật giáo Việt Nam chúng ta phải bảo tồn và phát huy những di sản cao quý của cha ông, đừng hời hợt coi thường giống như bác nhà quê đem một cái trống đời Khang Hy đựng lúa cho vịt ăn.”
Đề tài: “Bảo tồn và phát huy nghi lễ Phật giáo Việt nam trong bối cảnh hiện nay” sẽ được người viết nghiên cứu để ứng dụng cho đời sống tu tập hàng ngày của tự thânNhằm góp phần bảo tồn và phát huy nền văn hóa Phật giáo. Vì kiến thức về nghi lễ còn hạn hẹp, nên người viết chỉ triển khai khái quát và cô đọng một phần đề tài so với chiều rộng của nghi lễ thông qua oai nghi tế hạnh, nếp sinh hoạt và công phu tu tập thể hiện qua hình tướng của người hành lễ.
B. NỘI DUNG
I. Tổng quan về nghi lễ Phật giáo
I. 1.  Khái niệm về nghi lễ Phật giáo
Trên thế giới, bất cứ một tôn giáo nào đều có những hình thức nghi lễ, để biểu hiện tinh thần đạo vị của tôn giáo mình. Nghi lễ, thường được thể hiện sự tương tác trong xã hội, trong tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo thông qua đời sống tâm linh, mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc. Khi nói đến nghi lễ, chúng ta cần phải hiểu rõ “Nghi lễ” là gì?
Nghi: có nghĩa là uy nghi, là phép tắc cung cách, phong cách dáng vẻ nghiêm nghị bên ngoài là hình thức tốt đẹp ở bên ngoài, là khuôn mẫu đã được định trước. 
 Lễ: là cách bày tỏ sự kính trọng đối với người trên, nghĩa cử đẹp đẽ, xử sự tốt được thực hiện qua các phép tắc, khuôn mẫu đã định sẵn mà người xưa đã thực hiện; là hình thức thể hiện việc tổ chức giao tế xã hội, ví dụ: các cử chỉ, ngôn ngữ trong giao tiếp, cách ứng xử trong cuộc sống đời thường, các hình thức cúng bái, tế lễ, cầu nguyện…
Nghi lễ, là phương thức bề ngoài để bày tỏ lòng tôn kính bên trong. Đối với Phật giáo, nghi lễ là một pháp môn hành trì để truyền tải chân lý và biểu hiện sự tôn kính. Khi chúng ta học tập nghi lễ, nếu không hiểu ý nghĩa của chân lý sâu xa, thì khi hành trì nghi lễ, chẳng khác nào như “con vẹt biết nói”. Những cách thức thể hiện, từ lý cho đến sự, từ thân cho đến tâm được nhịp nhàng hài hòa đồng nhấtthì chẳng những hành giả có được sức sống tâm linh, một đạo lực vững chãi để chuyển hóa phiền não, mà còn giáo hóa chúng sanh bằng thân giáo và khẩu giáo, “Nghi tại tướng, Lễ tại tâm”.
I. 2. Đặc điểm của nghi lễ Phật giáo
Pháp môn “Nghi lễ  của Phật giáo Việt Nam dù xưa hay nay, cũng không ngoài ba thành phần : Người hành trì nghi lễ, Nội dung nghi lễ và Đối tượng nghi lễ.

I. 2. 1. Người hành trì nghi lễ
Người hành trì nghi lễ phải thể hiện hành sự lý tu viên dung, tức tam mật tương ưng thì thành tựu công đức viên mãn, công đức ấy chính là “hạ thủ công phu viết công, vận tâm bình đẳng viết đức”. Vì “Nghi tại tướng, Lễ tại tâm”, phải có tướng mới thấy được tâm. Cho nên, điều quan trọng trong nghi lễ Phật giáo là đạo phong trang nghiêm, thể hiện chính nơi oai nghi tế hạnh của người hành trì. Như trong Sa di Luật nghi nói: Hữu oai khả úy, hữu nghi khả kính” 
F Thế nào là “Hữu oai khả úy” (là cái oai đáng sợ)? Đường đường tăng tướng, dung đức oai nghiêm. Vì có hạ thủ công phu hành trì tịnh giới mà phạm hạnh viên mãn, cung cách mẫu mực, đáng tin. Cho nên, dù ta không làm gì,nhưng khi xuất hiện liền khiến cho người khiếp sợ.
F Thế nào là “Hữu nghi khả kính” (cái nghi đáng kính)? Là ta đi đứng, nói năng đúng phép, ròi rọi hình ngay bóng thẳng, khiến cho người cung kính.
Đấy thực là đạo phẩm xuất gia, cũng là sư phạm giữa cõi trời người. Chính chỗ gọi rằng hạnh thanh tịnh thành nơi đạo nghi, ngọc trong trắng tròn nơi giới phẩm, khí tượng như tinh hán, uy nghiêm như phong vân. Trong tâm hoài bảo đức sư tử, ngoài thân hiển hiện uy tượng vương. Hai chúng người, trời khen vâng, tám bộ rồng, thần kính nép.
Oai nghi theo nhà Phật, được thể hiện qua tứ oai nghi: hành, trụ, tọa, ngọa. Với hình thức “Viên đảnh phương bào tướng” và chí nguyện “Thượng cầu hạhoá” người tu sĩ Phật giáo phải: Hành như phụngTrụ như tùngTọa như chung Ngọa như cung
“Hành như phụng” nghĩa là khi đi thế nào cho khoan thai nhẹ nhàng hồ như chim phụng bay, nhẹ nhàng nhưng chững chạc.
“Trụ như tùng” là đứng cho vững vàng, đĩnh đạt, thẳng người.
“Tọa như chung” là ngồi như thế nào cho vững chãi, đoan nghiêm.
“Ngọa như cung” nằm tư thế kiết tường, nghiêng về bên phải, kín đáo, thể hiện phạm hạnh.
Được như thế thì “Đức trọng quỷ thần kinh”Người có tích đức tu lâu, đạo cao đức trọngkết thành khối đạo lực khiến ma quỷ kinh sợ, đi tới đâu tự khắc phước tỏa ra xung quanh làm cho nơi đó phồn thịnh, người thấy mặt tâm liền anvui, tin tưởng. Quý là ở chỗ đó! nên Pháp cú có kệ:
Hương các loài hoa thơm
Không bay ngược chiều gió,
Nhưng hương người đức hạnh 
Ngược gió khắp tung bay,
Chỉ có bậc Chân nhân
Toả khắp mọi phương trời”
Ngoài ra, trong các buổi pháp sự trai đàn, tế lễ. Đặc biệt bao giờ cũng phải có Nhạc lễ và Chủ sám đàn, cũng như Ban Kinh sư đều có mang hia giày, mũ mão y hồng hậu bá nạp và tọa cụ. Trang Nghiêm tự thân chính là trang nghiêm tự tâm và cũng chính là trang nghiêm đạo tràng. Đạo tràng được trang nghiêm thì việc sử dụng nghi lễ mới tác dụng có hiệu quả về mặt tâm linh.
I. 2.  2.  Nội dung nghi lễ
Nội dung nghi lễ gồm có 2 phần: đó là Nghi thức và Nhạc lễ. 
Nghi thức: tức là văn bản hay văn chương về nghi lễ, hay còn có thể gọi là “Lễ Văn” 
Nhạc lễ: tức là âm nhạc đặc biệt dùng cho tế lễ, hay còn được gọi là “Lễ nhạc”. Vì nội dung nghi lễ là biểu hiện “thẩm mỹ Phật giáo” cụ thể nhất cho sự giải thoát, nên nghi thức cần phải nghiêm chỉnh, mực thước. Lễ văn thì cần phải hoàn bị trong đó có Ấn Pháp. Khi nói đến Ấn pháp tức Ấn Chứng Chi Pháp : 
-  Xuân bán Tuế, khi đóng Ấn Chứng Tam Bảo tại Tuế thứ tức vào mùa xuân ta nên đóng dấu giữa phân nữa của chữ Tuế trở xuống.
Hạ Bán Thứ, tức vào mùa Hạ ta nên đóng dấu giữa phân nữa của chữ Thứ.
Thu Trùm, tức vào mùa Thu ta nên đóng trùm cả hai chữ Tuế - Thứ.
Đông Trạm (Trẹm) tức vào mùa Đông ta nên đóng dưới 2 chữ Tuế - Thứ.
I. 2. 3.  Đối tượng nghi lễ
Đạo Phật tuy không phải là một tôn giáo, nên chỉ chú trọng phương diện nghi lễ làm phương tiện để dẫn người vào đạo, ứng dụng tùy căn cơ của nhơn quần và xã hội, nhằm mục đích để cứu độ và giáo hóa chúng sanh. Ví dụ: Nghi thức cầu an cho người bệnh, cầu siêu bạt độ cho người mất, hay thí thực cô hồn.v.v…Đó là những hình thức thực tế nhất, để điều hòa lý trí, khai thị lẽ đạo, an ủi tâm hồn, xoa dịu nỗi khổ niềm đau trong tâm thức của người còn cũng như kẻ đã mất. Nhờ thể hiện được một nếp sống tâm linh cao đẹp, với màu sắc thiền vị, âm điệu du dương, thanh thoátcùng nghĩa lý uyên thâm, nghi lễ Phật giáo có công năng cảnh tỉnh chúng sanh sống thánh thiện, đạo đức, và đem tâm trở về thực tại hiện tiền, để không bị đảo điên trước huyễn cảnh.
I. 3.  Phân loại nghi lễ
Nghi lễ phân ra hai phần rõ rệt: Nghi lễ truyền thống và Nghi lễ đại chúng
1- Nghi lễ truyền thống (cổ truyền)
2- Nghi lễ đại chúng ( phổ thông)
] Nghi lễ truyền thống thì nên sử dụng đúng những nét nhạc cổ điển của Phật giáo Việt Nam tùy theo từng miền (Dân tộc). Ngoài những nghi thức trong Thiền Môn Qui Cũ bên cạnh đó còn có Trai Đàn Pháp Sự - Ứng Phó Đạo Tràng Tế Lễ Ma Chay.
] Nghi lễ đại chúng thì đơn giản hóa, nhưng phải thống nhứt những văn bản Việt ngữ để mọi người dù Nam - Trung hay Bắc, xuất gia hoặc tại gia xướng tụng mà đại chúng vẫn họa theo được.

II.Bảo tồn và phát huy nghi lễ Phật giáo Việt nam trong bối cảnh hiện nay
II. 1. Nghi lễ Phật giáo chính là văn hóa Phật giáo
Nghi lễ Phật giáo cũng có thể gọi là văn hóa Phật giáo, nên có cả hai phần vật thể và phi vật thể:
   II. 1. 1. Phần vật thể: là những hiện vật có thể cầm nắm được như: Pháp khí, Pháp phục, Tràng phan, Bảo cái, Lọng, Tàng, Bê, Tích ...
 Pháp khí: Trống Bát Nhã (Đại cổ), trống Đạo (Trống công phu sáng + chiều), trống Bảng (Trống cái), Chuông (Đại hồng chung), Chung (Bảo chúng), Bảng (Bảng bằng đá quý hoặc bằng gỗ), Kiền chùy, Kích tử, Tang (Đẩu), Linh, Sử, Ốc Địch, Thủ lư, Thủ xích…
 Pháp phục: Các loại y, hậu, tọa cụ.
Ngoài ra, Phật giáo mỗi khi buổi lễ cung nghinh thường sử dụng Lọng Tàng, Tích và Nhạc Lễ.
] Lọng: Là cây lọng hình thù giống như cây dù nhưng to hơn, cao hơn màu sắc được thêu trên mảnh vải lụa bóng màu vàng.
] Tàng: Giống như cây Lọng vậy, tuy nhiên sự thiêu thùa qua giữa kết nối có phần linh động hơn.
] Nhạc Lễ: là một trong sáu món cúng dường: (Hương, Hoa, Đăng, Trà, Quả và  Nhạc.Nhạc khúc du dương, với âm điệu Thiền vị là một trong các hình thức nghệ thuật trực tiếp gợi lên cảm xúc và dẫn đến sự đồng cảm, nhạc gồm có:
Ai nhạc: Khiến lòng người buồn thương
Hòa nhạc: Khiến tâm người luôn vui vẻ
Quân nhạc: Khiến chí người phấn chấn giương cao nghĩa khí
Thánh nhạc: Khiến thần người an tĩnh thanh tịnh.
II. 1. 2. Phần phi vật thểlà một dạng tồn tại (hay thể hiện) của văn hóa không phải chủ yếu dưới dạng vật thể có hình khối tồn tại khách quan trong không gian và thời gian, mà nó thường tiềm ẩn trong trí nhớ, tập tính, hành vi, ứng xử của con người và thông qua các hoạt động sống của con người. Trong đời sống giao tiếp xã hội, trong hoạt động tư tưởng và văn hóa - nghệ thuật mà thể hiện ra, khiến người ta nhận biết được sự tồn tại của nó. Những dạng thức chính của văn hóa phi vật thể :
Ngữ văn truyền miệng, như thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, ca dao, thành ngữ, tục ngữ, vè, ngụ ngôn...
Các hình thức diễn xướng và trình diễn bao gồm các hình thức ca múa, nhạc, sân khấu (nghệ thuật diễn xướng)
Các hình thức nghi lễ, tín ngưỡng tôn giáo, phong tục, lễ hội như Phật giáo, Ki-tô giáo, đạo giáo, thờ cúng tổ tiên, đạo Mẫu...
- Tri thức dân gian cũng là một lĩnh vực của văn hóa phi vật thể. Tri thức dân gian ở chừng mực nào đó còn được hiểu tương ứng với các thuật ngữ như tri thức bản địa, tri thức địa phương...
Phần phi vật thể của Nghi lễ Phật giáo bao gồm những hoạt động trong khi hành lễ như: Phúng tụng, Diễn tấu, Xướng từ, Âm thinh theo từng nhịp diệu, rất phong phú và khúc chiết được chia ra như :
 Tán tụng : Tán là khen ngợi ca dương mười phương ba đời chư Phật, chư Bồ Tát, chư vị Lịch đại Tổ sư. Tụng là đọc qua những câu kinh tiếng kệ. 
 Xướng vịnh : Là xướng câu kinh kệ, xướng câu xưng dương Tam bảo đảnh lễ mười phương ba đời chư Phật, chư Bồ Tát, chư Long Thần, Bát Bộ Kim Cang cùng chư Hiền Thánh Tăng với giọng xướng lễ trầm hùng, truyền cảm sẽ ảnh hưởng sâu sắc vào tâm khảm của những người xung quanh, lắm khi đưa tiếng cất cao bay bổng này thành vạn lời thăm hỏi những chợ đời còn đang chìm trong bể khổ.
 Thán : Là than, ai oán bi thương đau buồn thê thảm qua những bài văn “Cảm Hoài Tôn Sư”, một khi cất lên qua những làng hơi điêu luyện nhấn nhá của quý Ngài Ban Kinh sư hòa chung giai điệu khúc nhạc du dương ai oán của những người cầm đàn.
 Hô : Là gọi nói cách khác kêu gọi. Ví dụ : “Âm Công Giả Nhập”, vai trò vị Hô này phải là Chủ sám hoặc thầy Duy Na, vị này thường được gọi là Tả Bạch đứng đầu trong Ban Kinh sư (Tứ chúng).
II. 2. Bảo tồn và phát huy nghi lễ Phật giáo như thế nào?
Trước tiên, “Phần vật thể” thì chúng ta có thể bảo tồn nó bằng cách cất giữ hoặc tạo ra được dựa vào mẫu cũ. Còn phát huy, chúng ta có thể sáng tạo cái mới một cách khoa học, thẩm mỹ… để hình thức nghi lễ phong phú và đa dạng hơn. Nhưng xử dụng thường xuyên và truyền dạy quảng bá, là cách bảo tồn và phát huy tối ưu nhất.
Nhưng còn “Phần phi vật thể” chúng ta làm thế nào để bảo tồn và phát huy? Đó còn là niềm trăn trở của tất cả Tăng ni Phật giáo Việt Nam. Chúng ta có thể đề cặp ở một dịp nghiên cứu khác riêng biệt hẳn cho mảng này.
Theo quan niệm của người viết, để bảo tồn và phát huy Nghi lễ trong Phật giáo, điều quan trọng nhất vẫn là “Người hành lễ”. Mà “Người hành lễ” chính là các vị Tu sĩ. Do đó, đòi hỏi các vị này phải có một số phẩm chất tối ưu nhất định. Vì người hành lễ có thể là những người thực hành nghi lễ, người truyền bá nghi lễ và người vừa thực hành vừa truyền bá nghi lễ. Nên người hành lễ cần hội đủ ít nhất phải có ba phẩm chất sau đây : 
         1. Có thanh văn tướng trang nghiêm (Âm thinh sắc tướng) 
         2. Có chiều sâu nhất định (Về mặt tu tập tâm linh - 10 hạ lạp trở lên) 
         3. Có thẩm quyền về Nghi lễ (Phải thông thạo bản văn nghi thức - Khoa Nghi tán tụng nội - ngoại khoa Hán văn). 
Phần thứ 3, xin phép không đề cặp đến. Vì nó thuộc về tài năng, kiến thức hữu vi. Phần thứ 2 là đạo lực do tu tập về mặt tâm linhCòn phần 1 có được nhờ đã thực hiện 2 phần kia “ Vì có tâm nên mới hiện  tướng, và có tướng mới thấy tâm”. Cho nên, người thực hiện nghi lễ muốn “Có thanh văn tướng trang nghiêm” là cần phải có đời sống tâm linh vững chãi, thảnh thơi, bằng ánh sáng chánh niệm quán chiếu. Từ đó, thân, khẩu, ý tương ứng trong chơn lý của pháp ngữ, kệ tụng; sự chuyên nhất này sẽ tạo thành một đạo lực thanh tịnh lan tỏa ra không gian pháp giới, có công năng chuyển hoá nghiệp lực của đối tượng.
Muốn đạt được các điều kiện tối ưu trên, người hành lễ phải có một thời gian khổ luyện và tu tập nội tâm “Học kinh ba tháng học tán ba năm” là vậy. 

Có một nhận định rất tương ưng với nhứng điều trênPhật giáo là một tôn giáo cá nhân, ít lễ nghi. Một hành động được thực thi với chính sự suy tư, thì tự nó đã điều kiện hóa để không còn là một nghi lễ. Phật giáo nhìn bề ngoài có nhiều nghi lễ, nhưng thật ra không phải như vậy….” 
Hàng ngày, người tu sĩ chân chính thể hiện qua sự hành trì giới luật trang nghiêm, oai nghi tế hạnh đỉnh đạt (như đã nêu trên). Đó chính là nghi lễ Phật giáo mà không phải nghi lễvì hành trì mà như không hành trì, vì thuần thục, vì không chấp mắc. Mỗi động thái của một cá nhân tu tập đều có mặt tâm hiện tiền, đem tâm về ngay bây giờ và ở đây, suy tư có chánh kiến, nên nó đã được điều kiện hóa rồi.
Đức Phật dạy:


"Tỳ ni tạng trụ Phật pháp cửu trụ


Tỳ ni tạng diệt Phật pháp diệc diệt”.

Nghĩa là Giới luật còn thì Phật pháp còn, Giới luật mất thì Phật pháp mất. Vì Nghi lễ bắt nguồn từ giới luật mà có, nên Phật pháp còn thì nghi lễ Phật giáo mới có thể miên viễn. Ngược lại, Giới luật không cònPhật pháp hủy diệt thì nghi lễ sẽ không tồn tại. Người hành lễ mà không có thân giáo qua sự tu tập thì chẳng khác nào ông thầy cúng, không hơn không kém. Do đó, người hành lễ, phải nghiêm trì Giới luật.
Tóm lại, cái chính không phải là hình thức hay nội dung trong nghi lễ mà là nội tâm của người làm công tác nghi lễ. Nội tâm đó được thể hiện qua sự tu tập hành trì công phu của một người tu sĩ có như thế mới đưa nghi lễ áp dụng trên con đường hoằng pháp lợi sanh.

C. KẾT LUẬN

Phật giáo có giá trị vượt thời gian và không gian, chúng ta có thể khẳng định rằng đứng trước ngưỡng cửa thế kỷ 21, Phật giáo vẫn tiếp tục là chiếc chìa khóa mở ra hướng giải quyết tốt đẹp cho những bế tắc cùng đường của nhân loại. Xây dựng một thế giới phát triển về mọi khía cạnh vật chất và tinh thần, như nó đã từng thực hiện suốt chiều dài lịch sử hơn hai ngàn năm trăm năm. Nền văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc trong thời đại văn minh như hiện nay, chắc chắn là không thể thiếu nghi lễ. Vì “Nghi lễ Phật giáo là một trong những pháp môn hành đạo, tự lợi, tự thanên cần phải được nghiên cứu, học tập, rèn luyện, bảo tồn và phát huy. 
Nghi lễ được chú ý thông qua giới luật, là những phép tắc giữ gìn thân tâm, thanh tịnh đạo tràng. Nên nghi lễ dù với hình thức nào thì việc trang nghiêm giới thể vẫn luôn được xem là điều thiết yếu nhất của người tu sĩ Phật giáo. Vì từ nghi lễ ứng phó, chư Tăng có thể hướng người dân trở về với Chánh pháp bằng hình ảnh thân giáo của mình.
Nếu chúng ta biết sử dụng nghi lễ để tuyên dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh là phước báo cho Nhơn Thiên, là bảo tồn và phát huy. Ngược lạimượn nghi lễ để mưu cầu lợi dưỡng thì tai hại cho sinh mạng đạo pháp vô cùng. Có sự ý thức về những nguyên lý Phật học thì những hình thức nghi lễ sẽ phục vụ đạo pháp và cho con người một cách tốt đẹp, đem đến sự an lạc. Nhưng vắng mặt tinh thần đạt đạo và không ý thức được những nguyên lý Phật học thì những hình thức sinh hoạt này lập tức biến thành nguy hại, những phương tiện bị chấp chặc và coi như là cứu cánh.
Thích Nữ Lệ Đạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét