Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Đứng Lên Từ Vấp Ngã



Nhân ngày kỷ niệm đức Phật thành đạo xin được rút tỉa từ ý nghĩa sự kiện trọng đại này một bài học rất nhỏ nhưng thật sâu sắc đó là: Đứng lên từ vấp ngã 

Trong suột cuộc đời tại thế 80 năm của đức Phật đã để lại cho chúng ta những bài học bổ ích để noi theo ngài mà tiến bước trên hành trình tu tập giác ngộ tự thân. Cuộc đời ngài là một bài thuyết giáo không lời, sự lan tỏa từ thân giáo của ngài đã có một sức hút mãnh liệt đối với những người có duyên với Phật Pháp và đem họ về quy y với Đức Phật đồng thời nối tiếp bước theo lộ trình mà ngài đã hướng dẫn.

Vào thời Đức Phật còn tại thế đã có rất nhiều người quy y làm đệ tử với ngài mà động cơ ban đầu không phải là vì thấm nhuần giáo lý mà ngài đã tuyên thuyết, mà chính là sự cảm nhận để rồi ái mộ một cách sâu sắc từ bản thân cùng với uy nghi tế hạnh được thể hiện qua cuộc sống thường ngày của ngài. Từ chổ ngài xuất thân là một thái tử có tất cả mọi thứ dục lạc của thế gian biết bao nhiêu người mong ước mà không được, để rồi ngài lại phủi tay buông bỏ tất cả để trở thành một du sĩ một thân một mình lang thang nơi rừng sâu núi thẳm tìm chân lý cứu chúng sanh.

Lịch sử đã ghi lại cuộc đời Đức Phật từ sơ sanh cho đến nhập niết bàn và sau này đã được chư thầy tổ và các nhà nghiên cứu Phật học ghi lại mặc dù có khác nhau về niên đại nhưng lịch sử cuộc đời ngài thì thống nhất không có sự dị biệt, cho nên người phật tử hậu bối chúng ta đều biết khá chi tiết về cuộc đời đấng giáo chủ mình tôn kính.

Nhân ngày kỷ niệm đức Phật thành đạo xin được rút tỉa từ ý nghĩa sự kiện trọng đại này một bài học rất nhỏ nhưng thật sâu sắc đó là: ĐỨNG LÊN TỪ VẤP NGÃ.

Như hầu hết Phật tử chúng ta đều biết sau khi rời bỏ hoàng cung thái tử Tất-đạt-đa đã một thân một mình đi tìm thầy học đạo mong tìm ra chân lý giải trừ khổ đau cho chúng sanh. Lần thứ nhất người đã học đạo với ông Alasa-Kalama tu về số luận chuyên nhiếp tâm vào định sơ thiền...sanh vào cõi trời Vô Tưởng đặng giải thoát. Thái tử cũng tu theo và cũng chứng đặng cõi trời Vô Tưởng nhưng ngài nhận thấy đây không phải là đạo giải thoát nên đã rời đi.

Lần thứ hai hai ngài đến học đạo với ông Uddaka-Camaputta tu để giải thoát sanh lên cõi trời Phi Tưởng Phi Tưởng xứ, thái tử cũng tu theo nhưng khi đắc quả rồi ngài nhận thấy đây chưa phải là đạo chân chính giải thoát nên ngài cũng đã tạ từ ra đi tiếp tục cuộc hành trình tìm chân lý. Sau hai lần học đạo và cũng đã có thành quả nhưng ngài nghiệm ra rằng hiện thời không có đạo nào thực sư giải thoát nên đã thân hành tự tìm lối tu trì. Thế là ngài đã đến rừng Ưu-lâu-tần-loa phía nam núi Tượng Đầu bên dòng sông Ni-liên-thuyền và bắt đầu tu khổ hạnh với năm anh em ông Kiều-trần-như. 

Sử ghi lại rằng qua sáu năm tu khổ hạnh ép xác thân thể ngài chỉ còn da bọc xương cho đến một ngày kia ngài ngã quỵ vì kiệt sức, sau đó ngài được một thiếu nữ tên là Sujuta dâng một bát sữa, ngài dùng sữa xong sức lực dần hồi phục ngài xuống sông Ni-liên-thuyền tắm rửa sạch sẽ và nhận ra rằng tu theo lối ép xác chỉ làm cho thân thể kiệt quệ vì thế trí lực càng u tối không thể nào thấy đạo được.

Thế là ngài quyết định từ bỏ tu khổ hạnh và chọn giải pháp tu trung đạo, ăn uống bình thường không khổ hạnh ép xác mà cũng không tham cầu lợi dưỡng, năm anh em ông Kiều-trần-như tưởng ngài đã thối chí nên bỏ đi. Sau khi sức lực hồi phục ngài liền đến dưới cây Tất-bát-la trải cỏ làm nện ngồi tỉnh tọa, ngài đã phát lời đại nguyện: “Nếu ta không thành đạo chứng quả thì quyết trọn đời không rời khỏi gốc cây này!”.

Sau 49 ngày đêm tham thiền nhập định đêm mồng 8 tháng chạp ngài đã chứng tam minh, lục thông và đạt quả vị Vô thượng chánh đẳng, chánh giác, sau khi chứng thành đạo quả Đức Phật đã tuyên thuyết: …"Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi đi mãi. Như Lai đi tìm mãi mà không gặp. Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này. Lập đi lập lại đời sống quả là phiền muộn. Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi. Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi dựng nên cũng bị phá tan. Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục."

Từ đó ánh đạo vàng của ngài đã lan tỏa khắp cùng mười hương ba cõi cho đến ngày nay giáo lý cao thượng của Đức Phật đã giúp cho chúng sanh nương theo tu tập tìm được sự an lạc trong cuộc sống hiện tiền, giáo pháp của ngài đã cứu vô số chúng sanh thoát vòng khổ đau, phiền não Sự kiện thành đạo của đức Thích Ca đã mở ra cho chúng sanh một con đường chánh đạo, một lối thoát cho sự khổ đau triền miên trong muôn kiếp, một bài học được rút ra từ sự kiện thành đạo của Đức Phật khiến cho chúng ta cần phải suy ngẫm để thực hành trong cuộc sống.

Chúng ta thấy rằng mặc dù chí nguyện rất kiên cường nhưng khời thủy đi tìm thầy học đạo thái tử Tất-đạt-đa đã đầu sư với những vị thầy lừng danh thời bấy giờ và cũng đã tu đắc đạo đến quả vị mà họ mong cầu, thế nhưng ngài nhận thức rằng những đạo đó vẫn còn sanh vào tam giới nên cho dù có được sanh vào cõi trời hưởng được phước báu đi nữa nhưng vẫn còn trong vòng lục đạo nên khi hết phước vẫn bị đọa lạc trở lại.

Thế là ngài dứt áo ra đi mặc dù vị giáo chủ bổn sư của ngài muốn ngài ở lại để tiếp tục thay họ truyền giáo. Từ sự kiện này chúng ta cảm nhận một sự quyết đoán trong lập trường của ngài, mặc dù đã có những thành quả và có thể hưởng lạc an vui nhưng ngài quyết đi đến cùng để tìm sự giác ngộ nên đã mạnh dạn khước từ. Đây là cái dũng của bậc đại giác hiếm ai làm được!

Một pháp tu sau đó của ngài là khổ hạnh ép xác để tìm sự giải thoát vì hồi đó có rất nhiều giáo phái tu theo pháp này, họ cho rằng thân thể con người là nguồn gốc mọi tội lỗi, phải hành hạ nó, phải làm cho nó kiệt quệ để diệt trừ mọi tham ái, diệt trừ được bản ngã, có thế mới tu giải thoát. 

Chọn pháp tu khổ hạnh sáu năm đã làm cho ngài kiệt sức và kết quả là ngài suýt chết vì sự sai lầm này. Thế nhưng, một lần nữa ngài kịp tỉnh ngộ nhận ra cái sai lầm của mình khi chọn tu khổ hạnh vì nó chỉ làm đọa đày thân xác mà không khai mở một đạo pháp chân chánh nào cả, ví như phải bỏ thân mạng này vì sự sai lầm như thế thì thật là đáng tiếc biết bao, tu ép xác mà để chết đi mất thân người rồi thì còn đâu nữa để làm điểm tựa mà tu tập chuyển hóa tâm linh?!

Biết sai thì phải kịp thời sửa, biết vấp ngã thì phải kịp thời đứng dậy, từ sự vấp ngã trong chọn lầm pháp tu đến nỗi gần mất mạng của hành giả Tất-đạt-đa và ngài đã sáng suốt đứng dậy dùng trí tuệ để nhận chân đường lối tu hành đúng phương pháp và kết quả là ngài đã chứng được đạo vô thượng, đây là một bài học hết sức sâu sắc của ngài đã để lại cho hậu bối chúng ta. Một bài học cần phải suy ngẫm và áp dụng trong cuộc sống, trong hành trình tu tập không phải chỉ dành riêng cho hàng phật tử mà cho tất cả những ai muốn đi đến đích cuộc hành trình mà mình đã chọn.

Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Cư Trần Lạc Đạo Phú Đệ Cửu Hội


Vậy cho hay:
Cơ quan tổ giáo,
Tuy khác nhiều đàng (đường),
Chẳng cách mấy gang.
Chỉn xá nói từ sau Mã tổ;
Ắt đã quen thuở trước Tiêu Hoàng.
Công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi;
Khuếch nhiên bất thức, tai ngu mảng ắt còn vang.
Sinh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ;
Thân bồ đề, lòng minh kính, bài giơ mặt vách hành lang.
Vương lão chém mèo, lại trẩy lòng ngừa thủ toạ;
Thầy Hồ khua chó, trỏ xem trí nhẹ con giàng.
Chợ Lư Lăng gạo mắt quá ư, chẳng cho mà cả;
Sở Thạch Đầu đá trơn hết tấc, khôn đến thưa đang.
Phá Táo cất cờ, đạp xuống dấu thiêng thần miếu;
Câu Chi dời ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang.
Lưỡi gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước nạp tăng no dầu tự tại;
Sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt hượm xá nghênh ngang.
Đưa phiến tử, cất trúc bề, nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn;
Xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hoà thửa khoe khoang.
Thuyền Tử rà chèo, dòng xanh chửa cho tịn tẩy;
Đạo Ngô múa hốt, càn ma dường thấy quái quàng.
Rồng Yển lão nuốt càn khôn, ta xem chỉn lệ;
Rắn ông Tồn ngang thế giới, người thấy ắt dương.
Cây bách là lòng, thác ra trước phải phương Thái Bạch;
Bính đinh thuộc hoả, lại trở sau lỗi hướng Thiên Cang.
Trà Triệu lão, bánh Thiều Dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát;
Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang.
Gieo bó củi, nẩy bông đèn, nhân mang mới nết;
Lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mặc vẻ mà sang.


Chữ Nôm:
第九會
丕朱処
機關祖教
雖恪饒塘
庄隔某剛
㐱舍吶自罒馬祖
乙乑涓課訳蕭皇
功德全無,性執癡強添磊
廓然不識,碒愚渕乙群肹
生天竺,折少林,畕肁真筃熊耳
身菩提,峼明鏡,牌剶炦壁行廊
王老斬貓,辣忛峼馭首坐
柴胡摳匵,擼娂智珥昆床
悪盧陵欕末過於,庄朱麻垰
所石頭廏瀾歇則,坤典撪當
破灶拮棋,踏笹酉煶神庙
俱胝移阮,用隊躡躡翁盎
攨劍臨济,鑲秘魔,訳衲僧奴油自在
獅子翁端,橮柴佑,譤檀越歛舍迎昂
媫扇子,拮竹篦,驗几學機關珥(-)
芻丸毬,倿木杓,伴禪和所木誇光
船子耶掉,匇籑渚朱羨洗
道吾扄笏乾魔羕体怪光
纅偃老訥乾坤,些娂㐱戾
氜蓊存昂世界,勜体乙揚
夛柏羅峼,托歯訳沛方太白
丙丁屬火,吏呂罒磊向天罡
茶趙老餅韶陽,排禪子矣群肁渴
鋫曹溪園少室,眾衲僧仍底留荒
招勑檜乃厠嘫,因芒買涅
祿桃花宜曢竹,默峃高禥

Nguồn: Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học xã hội, 1977


Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Kỳ Vọng


Cuộc sống có đôi khi
Người ta cứ kỳ vọng
Vào những điều không thể
Khi.... niềm tin đổ bể
Mới nhận ra hảo huyền....

Mọi chuyện muốn như ý
Đó chỉ là mơ thôi
Cách hiện thực xa lắm
Đâu giống xưa cô tấm
Chờ bụt ban phép mầu

Chẳng phải đời bi quan
Chỉ là không với tới
Hãy mơ về thực tế
Cố công là có thể
Chạm vào những ước ao

Kỳ vọng của mỗi người
Hãy tự mình đặt để
Niềm tin tìm không dễ
Giữa cuộc đời yếm thế
Đừng để bị mòn hao

Diệu Nguyễn
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Theo Đạo




Theo đạo, dù là đạo nào, cũng đều không phải là đi theo một tổ chức, là gia nhập một hiệp hội, một đảng phái, càng không phải là theo một chủ nghĩa hay theo một học thuyết....

Vậy là càng không phải đi theo để học giáo thuyết và tìm hiểu hệ thống tổ chức, hoàn thành thủ tục đăng ký làm thành viên tham dự các nghi lễ...mà là phải làm sao được thường xuyên gặp gỡ, ở lại và chiêm nghiệm với đạo, với đạo sư ngay trong tâm hồn mình hàng ngày, bằng cách tạo thêm nhiều những khoảnh khắc vắng lặng nơi tâm, đó mới là môn đệ nhiệt thành!

Những lời dạy của bậc đạo sư như mưa trời rơi xuống làm cho đất trở nên phì nhiêu, cho hạt nẩy mầm, cho hoa kết trái, cho lúa đơm bông.... Nhưng nếu tâm hồn ta đóng lại như cái thùng đậy kín nắp thì mưa có rơi bao nhiêu cũng không thể lợi ích gì. Lời dạy dỗ của bậc đạo sư như ngọn hải đăng bừng sáng giữa đêm đen soi đường cho mọi tàu thuyền đang trôi dạt được về bến an toàn, mà nếu thuyền trưởng không thèm để ý thì coi như bằng không.

Ta xây dựng chùa tháp, đền đài, thánh đường, nhà thờ...là để có dịp nhắc nhở chính mình về sự có mặt của đạo và các bậc đạo sư. Chúng ta xây dựng các ngôi đền, chùa rất đẹp, rất ..hoành tráng, lộng lẫy. Và thực sự thì nội tâm ta có đền tháp nào không!?

Xin cho trong mỗi chúng ta, đền đài chùa chiền thánh đường hiện hữu đích thực! Mong sao trong chúng ta, chuyện bề ngoài hình thức là thứ yếu! 

Cho dù cuộc sống đời thường còn trăm điều phải đối diện thử thách đi nữa, xin mong cho mỗi chúng ta đừng đánh mất lương tâm để đền đài trong tâm hồn còn có thật.

Xin cho mỗi việc làm đều có ý thức mang lại nhiều niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân, cho mình là đang tô điểm, làm đẹp thêm đền thờ trong tâm hồn, để ngày nào cũng như hương như hoa trang điểm cuộc sống này .

Han nghiem nguyen
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Những Câu Hỏi của Alavaka




NHỮNG CÂU HỎI CỦA ALAVAKA

Cái gì đối người đời,
Là tài sản tối thượng?
Cái gì khéo hành trì,
Ðem lại chơn an lạc?
Cái gì giữa các vị,
Là vị ngọt tối thượng?
Phải sống như thế nào,
Ðược gọi sống tối thượng?


(What here is a man's best treasure?
What practised well brings happiness?
What is really the sweetest of tastes?
How lives the one whom they say lives best?)


ĐỨC PHẬT TRẢ LỜI

Lòng tin đối người đời,
Là tài sản tối thượng
Ðem lại chơn an lạc.
Chân lý giữa các vị,
Là vị ngọt tối thượng.
Phải sống với trí tuệ,
Ðược gọi sống tối thượng.


(Faith is here a man's best treasure;
Dhamma practised well brings happiness;
Truth is really the sweetest of tastes;
One living by wisdom they say lives best.)

Viên Không Tăng
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Lời Giáo Huấn Của Sư Ông Trúc Lâm



Người tham sắc Phật dạy dùng thuốc “quán bất tịnh” để trị. Bởi vì khi tham sắc thì thấy người đẹp, tự nhiên chúng ta nghĩ ngợi người đó đẹp thế này, người đó quí, sang thế nọ v.v… Ngược lại nếu chúng ta quán thân mình bẩn thỉu không ra gì, thân mọi người cũng vậy. Quán đến khi mình gớm thân mình, thì thân người khác mình cũng gớm luôn. Mà gớm thì hết tham. Đó là cách trị bệnh tham sắc.

Đến tham danh phải dùng pháp quán “vô thường”. Bởi vì mọi thứ trên đời này được rồi sẽ mất. Thí dụ như người ứng cử Tổng thống được đắc cử, thì bốn năm năm cũng hết nhiệm kỳ, có còn mãi đâu! Bởi nó không bền, vì vậy phải quán vô thường, quán nó là khổ hai thứ hòa hợp. Khi chưa được danh vì lo lắng chạy chọt đủ thứ đã là khổ. Khi được rồi lo nó mất lại khổ nữa. Nếu thật sự nó mất thì càng buồn. Cho nên quán tham danh gốc là khổ đau. Người không hiếu danh dù được mời gọi cũng không muốn. Nếu có làm việc gì thì vì tất cả lợi ích chung chớ không vì danh vị của mình. Đã vì tất cả lợi ích chung thì được không mừng, mất cũng không lo, như vậy mới không khổ.

Đến việc tham ăn (thực) cũng là gốc của khổ. Phải dùng hai thứ thuốc “vô thường” và “bất tịnh” hòa lại. Thức ăn khi còn ở miệng thì quí, nhưng nuốt qua khỏi cổ rồi thì hết quí. Giả sử nó không chịu vào mà ụa ra thì có gớm không? Như vậy nó quí khi còn ở ngoài. Nuốt vô rồi nó trở thành dơ, đâu phải là quí. Tại vì chúng ta cứ mê say nên cho là quí. Nếu thấy nhơ nhớp thì đâu có tham. Lại một điều nữa, thức ăn ngon được bao lâu? Chỉ một hai phút ở trong lưỡi trong miệng thôi, qua khỏi cổ thì hết ngon rồi, nên nó tạm bợ vô thường, tham làm gì. Xét như vậy thì bớt được tham ăn.

Tới bệnh tham ngủ. Nhà Phật dạy muốn trừ bệnh tham ngủ phải dùng thuốc “vô thường”, thuốc “tinh tấn” hòa lại. Nên nghĩ mạng sống này không bao lâu, không có gì bảo đảm. Giờ nào còn sống thì mừng giờ đó, qua giờ khác thì không thể biết được. Vì thân này rất mỏng manh, rất tạm bợ. Nên chúng ta hiện sống, có những việc nên làm đáng làm mà không lo làm, cứ nằm ngủ hoài. Nhà Phật dùng câu: “cần tu như lửa cháy đầu”, nếu đốm lửa rơi trên đầu thì chúng ta chần chờ hay phủi ngay? Vô thường đến bất kể lúc nào, chúng ta không thể lường trước được. Vì vậy giờ nào còn sống, còn khỏe thì nên làm tất cả những gì có thể làm, chớ không bỏ trôi ngày giờ lãng phí một cách vô ích.

Chánh Thiện Đạt
*** Trích ( PHÁP PHẬT LÀ THUỐC TRỊ TÂM BỆNH CHÚNG SANH ) - thuongchieu.net
Sưu tầm: Hanh Nghiêm