Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

Xã Tâm



1)- Nếu không làm chủ ý, để tâm dính mắc một điều gì thì tâm không thanh thản. Thế nên, khi có một niệm khởi lên thì tác ý để đánh bạt những tà niệm ấy .

2) Ngồi thiền phải luôn tỉnh thức. Nếu không tỉnh thức sẽ đi lạc thiền, bị tẩu hỏa nhập ma. Khi ngồi thiền mà cảm thấy tâm thanh thản, an lạc là đúng, nếu cảm thấy nhức đầu thì mau xả ngay đi kinh hành để tâm bình thường trở lại. Nếu thấy có sự an lạc trong tỉnh thức là đúng. An lạc mà đắm chìm trong an lạc, người đến gần mà không hay là sai .

3)- Cứ lo xả tâm cho thật sạch, ly dục ly ác pháp cho thật sạch, không cần phải quan tâm đến Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Khi xả tâm thật sạch thì tự nhiên nhập được các thiền định đó dễ dàng, vì thế nên thường để tâm thanh thản an lạc.

4)- Khi một niệm ác khởi lên, phải chặn đứng, xả ngay liền. Khi niệm thiện khởi lên, liền làm một việc thiện gì đó. Sau khi làm xong thì xả ngay, không để dính mắc vào việc thiện.

5)- Để tâm bình thường, thanh thản, vô sự, không kìm thúc tâm, không tập trung tâm chăm chú quá, mà chỉ để ý bình thường. Khi có một niệm khởi lên là tâm phóng dật, phải xả liền, đó là làm chủ cái ý.

6)- Hằng ngày phải thường xả tâm bằng pháp hướng, nhưng không nên dùng pháp hướng liên tục mà thỉnh thoảng 2, 3 phút hướng một lần. Đó là luôn luôn quán xét tâm đang khởi niệm gì thì liền xả ngay niệm đó. Còn không khởi niệm thì tâm đang ở trong trạng thái an lạc tỉnh thức . Như vậy ngồi chơi cũng là tu, ta không còn thấy thời gian trống trải. Pháp này rất ích lợi cho người giữ hạnh độc cư .

7)- Khi cô Út la rầy một người nào là để thử tâm họ còn sân hay không? La rầy thật cũng có và thử cũng có. Thấy người bị la rầy thì ta lấy đó làm bài học, đặt mình vào vị trí người bị la rầy mà rút kinh nghiệm để xả tâm sân giận.

8)- Không dính mắc vào kinh sách và băng giảng mà phải thực hành cho đúng thì mới có kết quả.

9)- Khi dự định làm một điều gì, (thí dụ: dự định nhập thất, sống độc cư trăm phần trăm), không nên nói cho ai biết, chỉ nên âm thầm thực hiện điều đó. Nếu nói ra thì gặp nhiều ma chướng không thực hiện được.

10)- Dùng câu pháp hướng nào phù hợp với sự việc đang dính mắc mà xả tâm thì xả rất nhanh .


a/ Khi bị người nói oan ức, thì xả tâm không buồn giận, mà tự kiểm tra lại mình có hành động hoặc lời nói gì khả nghi hay không, rồi đề phòng để sửa đổi những lỗi lầm mà mình đã phạm để người khác không còn nghĩ và nói oan cho mình nữa.

b/ Xả tâm tốt là khi sự việc nghịch ý đến mà mình biết, mình không còn buồn giận nữa. Đó là biết mình có xả tâm. Còn khi người ta nói nghịch ý mình cứ mặc kệ ai nói gì thì nói trơ trơ như gỗ đá thì đó là ức chế tâm.

c/ Nói ra những điều mình hiểu biết cho người khác nghe, càng tăng thêm tâm ngã mạn . Sống chung trong tập thể phải hòa đồng với tập thể, nhưng giữ hạnh độc cư thì không được nói chuyện. Cứ lo xả tâm tốt, tất nhiên sẽ sanh trí tuệ.

d/ Ngồi chơi thấy không có vẻ gì là tu mà thực sự là tu rất nhiều .

e/ Lo quán xét cái tâm, khi có một niệm khởi lên liền buông xả xuống. Xả tâm được rồi thì không còn thích mặc đẹp, ăn ngon nữa.

f/ Khi bị cô Út đập, thì xả tâm ngay, không nên buồn giận. Khi bị cô Út la rầy, thì phải tự xét mình có làm điều gì lỗi hay không, mà sửa đổi. Còn nếu không có lỗi thì phải biết rằng Út muốn nhắc nhở một điều gì đó và tác ý buông xả hết không buồn, không giận. Đó là xả tâm. Còn ôm ấp giận hờn trong tâm, ủ mày, ủ mặt là tu sai rồi. Đi tâm sự phân trần với người khác cũng sai luôn.

g/ Thực hành pháp hướng, phải tỉnh thức trong câu pháp hướng và nhiệt tâm thì xả tâm mới có hiệu quả. Thực hành pháp hướng mà tâm cứ nghĩ vẩn vơ, thì pháp hướng như câu thần chú, đọc liền liền mà không có kết quả gì hết.

h/ Giữ hạnh độc cư không phải là luôn luôn nín lặng, nếu có người hỏi việc đáng nói thì phải nói. Nếu lặng im không trả lời là tu sai rồi.

i/ Người tu là phải biết dừng cái ý, ý hay khởi niệm phải làm cái này, nhớ nghĩ điều kia, chuyện nọ. Thí dụ : Đang nhập thất, ý nhớ nghĩ phải ra phụ bếp, rồi theo ý đó mà phải ra ngoài. Như vậy là phá hạnh nhập thất, là tu sai . Khi đã nhập thất thì phải quyết tâm giữ trọn hạnh nhập thất. Luôn luôn quán xét cái ý của mình. Khi ý khởi niệm thì buông xả xuống liền. Nếu tâm còn loạn động thì không nên nhập thất, mà nên ở ngoài để xả tâm. Nếu không sẽ ức chế tâm bị tẩu hỏa nhập ma.

j/ Chính mình tạo cảnh vui hay địa ngục cho chính mình. Sống trong cảnh động mà xả tâm được thì chính nơi đó là Niết Bàn. Ở nhà bếp cũng là Niết Bàn chứ không phải ở trong thất mới thấy Niết Bàn.

k/ Khi nghe người ta trách mình một điều gì đó mà mình không có làm, thì không nên cãi lại, vì cãi lại là tâm mình đã dính mắc vào sự việc đó . Mình nên quán xét rồi xả tâm không màng đến điều người ta nói. Miễn sao tâm mình chơn chánh, ngay thẳng là được rồi .

l/ Dừng được ý là tạp khí hiện tại diệt, tạp khí hiện tại diệt thì tạp khí từ quá khứ cũng diệt. Do đó khi bỏ thân này sẽ được tự tại. Khi ý được thuần thục sau này sẽ nhập các định khác dễ dàng.

m/ Làm chủ ý là phải biết điều phục nó, chiến thắng nó. Khi ý niệm khởi lên trong giờ tu, nhớ cái này, nhớ cái nọ, mình phải biết khắc phục nó, không cho nó khởi. Nó khởi lên hoài nó sẽ quen, mình phải cương quyết thắng nó. Khi nó khởi lên thì tác ý” không khởi niệm nữa phải buông xả xuống, buông xuống”. Tác ý lâu ngày thì sẽ làm chủ được ý.

n/ Khi người ta làm khổ mình là người ta đưa mình vào địa ngục, thì mình phải biết thoát ra khỏi địa ngục đó. Mình phải tạo cảnh an vui cho mình, không được quyền làm khổ mình.

o/ Người tu mà đắp y để cho người ta lễ lạy mình là còn danh, còn tâm ngã mạn. Người tu đã đập vỡ tâm ngã mạn thì không đắp y, không còn muốn cho người lễ lạy mình.

p/Thực hành pháp hướng tâm đừng tập trung quá nhiều sẽ thành ức chế tâm. Nên dùng pháp hướng với tâm bình thường, thanh thản, vô sự. Tu trong thoải mái dễ chịu mà có kết quả.

q/ Muốn phá hôn trầm phải đi kinh hành cho nhiều.

r/ Những câu pháp hướng mà Thầy dạy là của Phật, của Thầy. Người tu đến một lúc nào đó, tự tâm phát sinh ra những câu pháp hướng, thì đó là những câu pháp hướng tự động, nó phù hợp với đặc tướng của mình.

s/ Đừng nên khuyên người đi tu. Để tự người ta ý thức cuộc đời là khổ rồi người ta tu thì mới xả tâm được.

t/ Thấy cuộc đời còn vui thích, hoặc bất mãn gia đình, hoặc buồn khổ một chuyện gì mà đi tu thì tu không được, xả tâm không được, chỉ bị ức chế tâm mà thôi.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét