Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Tuyển Tập Thư Thầy 16 - 17




[Thư số16]


Ngày ..... tháng ..... năm .....

Con thương mến,

Lần trước nhận được thư con Thầy trả lời ngay, Thầy viết rất rõ ràng và giải thích cặn kẽ. Tiếc là con không nhận được thư ấy.

Nay nhân chị NN ra Thầy viết lại cho con.

Con là một Phật tử may mắn. Ngay từ khi vào đạo con đã gặp những Thầy hay, bạn tốt truyền cho con tinh thần giác ngộ của Ðạo Phật, Đạo Phật có giá trị là khi nào nó đem lại cho con người một đời sống giác ngộ. 

Một người học đạo chỉ đến chùa để cầu phước, van xin khấn vái để được thế này thế kia theo ước vọng trong lòng họ, vậy là Ðạo Phật chỉ đáp ứng tham vọng. 

Người nghèo cầu được giàu, người bịnh cầu được lành, người thường dân muốn được danh vọng, người khổ muốn được vui... họ cầu Phật nếu đuợc thì Phật linh, họ cúng, nếu không được là Phật không linh, họ bỏ chùa. 

Còn một hạng người thứ hai tìm học tất cả pháp môn của Phật, trở thành học giỏi, thông minh, lý luận, vậy là Ðạo Phật đáp ứng khát vọng tri thức. Nhưng rồi khi tiếp xúc với đời sống họ lúng túng, sợ hãi, toan tính, dối gian v.v... cuối cùng họ kết luận Ðạo Phật chỉ là một mớ lý thuyết.

Không, Ðạo Phật có nghĩa là sự sống giác ngộ, và giản dị làm sao khi con ăn biết mình đang ăn; khi đang đi, đứng, nằm, ngồi biết mình đang làm như vậy. Khi sân biết tâm mình có sân, khi buồn biết tâm mình có buồn, khi đau đớn biết mình đau đớn, khi vui thích biết mình vui thích, khi chơn chính biết mình chơn chính, khi sai lầm biết mình sai lầm. Ðó là sống đạo, đó là sống hồn nhiên và trong sáng.

Con không cần tính toán, so đo, lo nghĩ vì dù có lo toan con cũng chẳng giải quyết được gì hơn, con chỉ cần trầm tĩnh để mọi việc được giải quyết một cách trực tiếp và bình thường, đời sống thực sự mới giản dị làm sao, thế mà con người cứ làm cho nó rắc rối và khó khăn thêm trong khi cố tìm an ổn.

Hai người đi xe đạp ngược chiều vô ý đụng nhau, xây xát chút đỉnh thế mà lớn chuyện mới kỳ. Họ nổi nóng gây gổ, xỉ vả rồi ấu đả... cuối cùng phải bị dẫn tới công an xử phạt mất hết cả buổi, mất công ăn việc làm, ở nhà cha mẹ, con cái trông đợi, v.v... Thế tại sao họ không mỉm cười xin lỗi, phủi bụi, sửa lại dây sên rồi lên xe đi làm công việc của mình nhỉ? Sống biết mình là thế, là giản dị biết bao, cuộc đời thế ra có gì rắc rối đâu, phải không con?

Thầy mong rằng con sẽ hiểu đạo, sống đạo, nghĩa là sống trung thực với sự sống.

Chúc con an vui.

Thầy.


[Thư số17]



Ngày ..... tháng ..... năm .....

DT con,

Cách đây khoảng một tuần, Thầy có viết thư cho con, nhân nghe D nói con bịnh. Hơn nữa lâu quá Thầy cũng trông thư con, muốn biết con đã tiến bộ ra sao?

Trước khi C vào, Thầy có trả lời con một lá thư, trong đó Thầy giải thích làm thế nào để nhiếp phục tâm sân hận, bằng cách tránh nó hay bằng cách nhìn thẳng vào nó, không biết con đã nhận được chưa, hay là thư đó của NT, nếu vậy con mượn NT để xem nhé. Bây giờ Thầy nói thêm một chút.

Khi giận con cố giữ tâm bình thản hoặc niệm Phật với tâm thư thả hoặc buột miệng hát lên... đều là những cách né tránh thực tại. Né tránh cũng là một phương pháp tu trong trường hợp thích ứng. Vì vậy con có thể áp dụng nếu con muốn, miễn là thành công. Nhưng Thầy thích nhìn thẳng vào thực tại hơn, nghĩa là nhìn thẳng vào cơn giận.

Như Thầy đã nói, có hai cách tu tâm: một là chỉ, hai là quán. Chỉ là giữ tâm yên tĩnh bằng cách tập trung tư tưởng vào một đối tượng nhất định, như niệm Phật, đếm hơi thở v.v... để giữ tâm không xao động. Hàng ngày lúc nào thuận tiện con có thể tập an chỉ tâm như vậy trong 5, 10 phút hoặc hơn tùy theo điều kiện của con.

Còn quán là soi chiếu tâm, phần nhiều là lúc nó khởi động. Như khi con giận là tâm khởi động, hãy chú tâm soi chiếu hành tướng của nó "đây là cơn giận phát sinh"... "đây là cơn giận hiện hành"... "đây là cơn giận lắng dịu"... "đây là cơn giận chấm dứt"... trong một vài niệm như vậy con sẽ thấy không còn đâu là giận cả, bây giờ chỉ còn lại hơi thở gấp, tim đập mạnh v.v... Ðó chỉ là sự xáo trộn còn lại trên thân sau tâm sân hận chứ không phải là sân hận. Con có thể hít vào một hơi thật sâu, thở ra từ từ bằng miệng để điều hòa nhịp tim lại, trong năm ba hơi thở là xong. Ðó là cách làm chủ thân tâm bằng soi chiếu, cùng với một vài phương tiện kỹ thuật giản đơn mà hiệu nghiệm.

Thầy đã nói rất nhiều rằng không phải tránh khổ đau, phiền não, không phải tránh tranh chấp, ganh tị... ở đời. Làm sao con thoát được khi bản chất cuộc đời là như vậy? Thật ra chính nhờ những xô đẩy đó con mới biết cách tự điều chỉnh mình sao cho có thể tự tại giữa những được mất, hơn thua, thành bại, xấu tốt... và biết bao những mâu thuẫn khác ở đời. Nếu không có những xô đẩy đó con sẽ trở thành yếu đuối không sao giác ngộ, giải thoát được.

Con bảo khi đọc thư Thầy thì đời có vẻ dễ sống, phiền muộn dễ quên, khó khăn dễ vượt. Coi chừng, con nói oan cho Thầy đó nghe. Thầy không bao giờ khuyên con quên phiền muộn, vượt khó khăn đâu. Thầy thường bảo con phải bình tĩnh đối diện với nó, học hỏi nó. Chỉ cần con đừng sợ hãi thì khó khăn, phiền muộn thế mấy cũng như không.

Thầy rất thông cảm với con khi con phải đương đầu với bao nhiêu phiền lụy của cuộc sống trên hành trình giác ngộ, có những lúc con sợ hãi cô đơn. Ai cũng thế cho đến khi nào chưa đứng vững một mình, nhưng bên cạnh con còn có Thầy và các bạn, sẵn sàng chia sẻ với con. Nếu Thầy để con một mình thì việc gì Thầy phải quan tâm hướng dẫn con. Chính con cũng thấy rằng luôn luôn vẫn có Thầy bên cạnh những khổ đau sợ hãi của con, tất nhiên không phải để làm vơi đi những khổ đau đó mà để giúp con có thêm lòng can đảm và giữ vững niềm tin mà "vác thập tự giá" của mình. Con đừng sợ hãi phiền não, con không nghe người ta nói phiền não tức Bồ Ðề sao? Phát tâm Bồ Ðề tức là con dám đón nhận mọi ưu phiền của cuộc đời cho sự nghiệp giác ngộ.

Con đừng có ý tưởng tự ti, cảm thấy mình yếu hèn, tội lỗi, không xứng đáng với Phật, không xứng đáng với Thầy, con hãy dứt bỏ ý tưởng ấy đi. Lòng từ bi của Phật, tình thương yêu của Thầy không đủ lượng bao dung hay sao?

Tất nhiên con còn có những tình cảm, những ước vọng, những thôi thúc rất yếu đuối. Nhưng Thầy không bảo con phải thành thánh, phải tinh khiết, phải hoàn toàn, Thầy chỉ khuyên con nên lấy đó làm chất liệu cho sự giác ngộ mà thôi, hãy cám ơn những thứ đó đã giúp con chất liệu trui rèn trí tuệ.

Con đừng tưởng Thầy là thánh, hoặc Thầy tinh khiết hoàn toàn. Không, Thầy cũng như con với tất cả cảm giác, tình cảm, ước vọng, thôi thúc của một con người. Thầy không cầu làm thánh, không cầu tinh khiết, không cầu hoàn hảo, Thầy chỉ làm người tỉnh giác trước sự bất toàn của đời sống.

Nếu đi con đường của Thầy, con không cần thêm gì, không cần bớt gì, không cần bỏ gì, không cần đạt gì, con chỉ cần giác ngộ. Nhưng giác ngộ là bản tính của con, con đâu cần phải tìm kiếm đâu xa:

Thấy như thực thấy
Nghe như thực nghe
Xúc như thực xúc
Biết như thực biết

là bản chất sẵn có nơi con. Cái gì làm cho không thấy được như thực, cái ấy là vọng; cái gì giúp con thấy được như thực, cái ấy là chơn. Vậy con không cần tự ti, mặc cảm với cái này hoặc tự tôn, tự đại với cái kia. Cái gì cũng có giá trị khi nó là thực, khi nó được nhìn qua cái nhìn giác ngộ. Những gì con thấy là xấu xa, nó chỉ xấu xa khi mê, nhưng nó trở thành tốt đẹp khi giác ngộ.

Vậy con đừng tự ti, đừng sợ hãi, hãy chỉ giác ngộ mà thôi.

Chào con.

Thầy.

Trích Trong Tuyển Tập Thư Thầy
Thiền Sư Viên Minh
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét