Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Suy Ngẫm Vấn Đề số 4: Ngày Nay Phải Nương Vào Đâu Để Tứ Chúng Đồng Tu Đều Có Kết Quả?



Phần lớn những kinh hiện nay chúng ta được biết chỉ xuất hiện rất lâu sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt. Như kinh Địa Tạng, Lương Hoàng Sám xuất hiện thế kỷ thứ 6 sau công nguyên, có nghĩa là sau 800 năm.'


Câu hỏi 4: Ngày nay phải nương vào đâu để tứ chúng đồng tu đều có kết quả, như Thọ Bát Quan Trai được hướng dẫn cho Phật tử? Kính xin Thượng Tọa triển khai thêm về pháp hành của người xuất gia?


Trả lời: Thích Nhật Từ
Câu hỏi gồm 2 vế liên hệ đến thực tập và ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống cho người tại gia và xuất gia. 

Vế đầu của câu hỏi liên hệ đến Bát Quan Trai giới. Chúng ta phải ghi nhận rằng Bát Quan Trai giới là những giới pháp được Đức Phật dạy cho những người đang tập sự xuất gia, do đó, không nên truyền và phổ biến cho các Phật tử không có nhu cầu này. Trung Quốc và Việt Nam đang thiên cực trong việc truyền giảng Bát Quan Trai giới vào các tuần Chủ Nhật hoặc ít nhất nửa tháng một lần tại các Chùa. Do không nắm rõ được nguồn gốc và đối tượng tu Bát Quan Trai giới là ai, phương pháp làm đạo này đã khiến cho các quý ông mặc cảm với Đức Phật và ngại không cho vợ của mình đi chùa.

Cốt lõi của Bát Quan Trai giới là tập tu hạnh xuất gia trong một ngày, trong đó cái khó nhất là không quan hệ tình dục trong 24 giờ, không dùng trang sức phẩm làm đẹp, không sống một đời sống vương giả, vì vốn những thứ này thúc đẩy sự đòi hỏi tính dục. Các bà, các cô tham dự Bát Quan Trai giới một thời gian, một số ngộ nhận, về nhà…“cấm vận” chồng.

Trung Quốc đã cường điệu rằng tu một ngày Bát Quan Trai giới sẽ thoát khỏi các cảnh giới địa ngục, ngã quỷ, súc sinh và đạt được nhiều kết quả cao quý trong một kiếp người. Thực ra phải tu tập chuyển hóa thường xuyên mới đạt được kết quả đó, chứ không phải một ngày một đêm. Điều này dẫn tới việc nhiều Phật tử nữ “mê” sự thực tập này, vô tình cấm vận chồng, dẫn đến tình trạng sứt mẻ hạnh phúc vợ chồng, từ đó, kéo theo tình trạng các quý ông không tán đồng việc vợ, con gái, chị, mẹ… mình đi chùa, vì sợ bị rơi vào thiên cực vừa nêu.

Thực chất, Bát Quan Trai giới là cơ hội tìm người có năng khiếu xuất gia trở thành xuất gia thật. Thời Đức Phật có xuất gia đoản kỳ. Trung Quốc đã áp dụng xuất gia đoản kỳ vào ba tháng an cư, hoặc thời điểm thích hợp trong năm, để những Phật tử thuần thành sau thời gian xuất gia thử, nếu thấy thích hợp, phát nguyện đi tu luôn.

Các nước theo truyền thống Nam tông như Thái Lan, Campuchia, Lào biến xuất gia đoản kỳ trở thành cơ hội báo hiếu và xây dựng nhân cách, để xã hội dễ dàng chấp nhận và tôn trọng về sau.

Năm 2007, khi HT. Thích Trí Quảng chủ xướng khóa tu tại Chùa Phổ Quang, thì chúng tôi đã đề xuất với Hòa thượng đặt tên khóa tu là "Một ngày an lạc" chứ không phải là tu Bát Quan Trai giới. Một ngày an lạc thì ai cũng có thể học được. Là Phật tử hay chưa phải là Phật tử, người thọ giới hay chưa thọ giới đều có giá trị giống như nhau. Khóa tu an lạc thường là một ngày, buổi sáng nghe hai vị giảng sư thuyết giảng, một vị giảng sư lão thành, một vị giảng sư trẻ cùng khai thác một vấn đề từ góc độ và cấp độ khác nhau. Sau đó là thời kinh, ăn cơm trong chính niệm. Đầu giờ chiều có thời vấn đáp Phật pháp, đào sâu vào chuyên đề mà mình được nghe buổi sáng, dưới hình thức các câu hỏi, với sự tham gia của ba cho tới sáu giảng sư cho một buổi hội luận. Sau đó là một thời kinh. Một ngày tu như thế chú trọng vào việc dùng trí tuệ giải quyết các vấn đề nghi vấn và đào sâu vào việc thực tập.

Ngày nay, một số tỉnh thành đã bắt đầu nhân rộng mô hình khóa tu "Một ngày an lạc" và không đặt nặng về việc thọ giới. Giới chính trị, giới thương gia rất ngại tiếp nhận năm điều đạo đức của Phật, vì trong đó có hai điều, người tại gia khó giữ: đối với người nam là giới không ngoại tình và giới không uống rượu, đối với người nữ là giới không ngoại tình và giới không nói dối. Chúng ta nên giới thiệu một đạo Phật minh triết. Đừng quá đặt nặng về đạo Phật giới đức vì người ta sẽ ngại, không dám đến đạo Phật. Chỉ trong những thời điểm thích hợp, chẳng hạn như khóa an cư, ta có thể mở Bát Quan Trai, một ngày, hai ngày, ba ngày, hay một tuần để tìm những người có hạt giống tu trở thành người tu. Không nên sử dụng sai đối tượng và không nên lạm dụng khóa tu Bát Quan Trai giới cho những người không có ý định xuất gia.

Bây giờ, xin nói về pháp hành của người xuất gia. Vào thời Đức Phật, Bát Chính Đạo là trọng tâm nhất. Chính Kiến và Chính Tư Duy giúp ta có tầm nhìn đúng để đi đến pháp môn đúng, nhờ đó ta dễ dàng đạt được Chính Niệm, Chính Định trong quá trình tu tập thiền. Chính Ngữ, Chính Nghiệp, Chính Mệnh, Chính Tinh Tấn là những yếu tố đạo đức, giúp cho chính niệm đạt được như ý. Thực tập chuyển hóa trong các Kinh, thực ra là thực tập Tứ Niệm Xứ. Cốt lõi của Tứ Niệm Xứ là xoay quanh việc làm chủ thân và tâm. Quán thân để ta biết thân là vô thường, bất tịnh nên ta không tôn vinh thân như thượng đế, theo kiểu chủ nghĩa vật dụng và hưởng thụ của phương Tây. Ta cũng không xem thân là nguồn gốc tội lỗi như chủ nghĩa khổ hạnh cực đoan của Ấn Độ giáo và Khổng giáo của Trung Quốc.

Khổ đau bám vào thân và tâm. Quán vô ngã trên thân thì các đau nhứt trên thân được loại trừ. Cảm xúc dễ làm chúng ta bị chìm đắm nhất, cho nên phải thực tập làm chủ cảm xúc. Cần thấy rõ được tính nhị nguyên của tâm như tâm thiện, tâm ác, tâm chân, tâm vọng, tâm tốt, tâm xấu, tâm phàm, tâm thánh… để loại trừ các hạt giống tiêu cực, thay thế chúng bằng các hạt giống tích cực trong kho tàng tâm. Tu thật ra là chuyển hóa như vừa nêu. Dựa vào tiêu chí này thì công thức tu của ngài Thần Tú là “chuẩn” so với đức Phật hơn là công thức của ngài Huệ Năng. Pháp tu của ngài Huệ Năng đại diện cho quan điểm của Trung Quốc. Pháp tu của ngài Thần Tú đại diện cho quan điểm của đức Phật gốc.

Các ý niệm trong tâm thường liên hệ đến quá khứ và tương lai. Đức Phật dạy chúng ta cắt đứt ký ức quá khứ, cắt đứt vọng tưởng tương lai để có Chính Niệm, bây giờ và tại đây. Cốt lõi của phương pháp thiền Minh Sát Tuệ là giúp các hành giả đạt được sự làm chủ các giác quan trong các tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi; nói, nín; động, tĩnh; thức, ngủ… Cốt lõi tu chỉ đơn giản như vậy. Làm được chừng đó thôi, chúng ta đã đang đi trên con đường hướng tới Thánh và đạt được Thánh Quả. Cái tu của người xuất gia là thế. Người tại gia đừng nên ngộ nhận và bận tâm tới việc giải thoát như các pháp môn của Trung Quốc khởi xướng.

Trung Quốc đưa ra quá nhiều khẩu hiệu mang tính khích lệ nhiều hơn là mô tả chân lý. Chẳng hạn Thiền tông tuyên bố “ngồi thiền thành Phật”, Mật tông tuyên bố “trì chú thành Phật” và Tịnh độ tông tuyên bố “niệm Phật thành Phật”. Còn trong giáo hóa kẻ tội lỗi thì Trung Quốc có những câu nói cường điệu như: “buông dao đồ tể, lập tức thành Phật.”

Khoảng tám tỷ năm nữa trong tương lai Đức Phật Di Lặc mới ra đời. Trong chừng ấy tám tỷ năm, không có đức Phật thứ hai, ngoài đức Phật Thích Ca, trên cùng một hành tinh. Nói theo Phật giáo Trung Quốc thì bây giờ Trung Quốc đã có vài trăm, vài ngàn vị Phật do “kiến tánh”, tương tự, trong Tịnh độ tông nhiều vị thành Phật do niệm Phật, và trong Mật tông cũng có nhiều vị thành Phật, do trì thần chú. Thực tế trong một hiện kiếp chỉ có một đức Phật. Nói cách khác, nói phương tiện chỉ mang tính khích lệ, chứ không mô tả chân lý.

Theo kinh Trung Bộ, ngoài Bát Chính Đạo không có thánh nhân, ngoài Bát Chính Đạo không có chính đạo, ngoài Bát Chính Đạo không có giải thoát, ngoài Bát Chính đạo không có chứng đắc đích thực. Chúng ta không cần phải đi Ấn Độ, Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, Tây Tạng, Trung Quốc để học đạo, vì cốt lõi của Phật pháp là Tứ Diệu Đế, gọn lại là Bát Chính Đạo; đi đâu cũng chỉ có chừng đó thôi. Có chăng là sự khác nhau trong cách diễn đạt ngôn ngữ của các vị tăng sĩ ở nơi này, nơi kia mà thôi.

Nhờ thực tập và sống theo Bát Chính Đạo mà người tại gia có thể trở thành Chân Nhân, vì họ tu tập không phải với mục đích Giải Thoát, và người xuất gia trở thành Thánh Nhân là vì muốn Giải Thoát nhờ Chính Niệm và Chính Định. Giải Thoát là điều người tại gia không làm được, vì còn tham ái (dục ái, hữu ái và vô hữu ái).

Chính định gồm có bốn cấp độ: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Cốt lõi của Sơ thiền là chuyển hóa tính dục (ly dục sinh hỷ lạc). Không có người tại gia nào đang sống với tình yêu và tính dục có thể đạt được Sơ thiền. Do đó, người tại gia không Giác Ngộ được, không Giải Thoát được. Ngoại trừ, những người tại gia độc thân, quyết tâm tu giống như các tu sĩ, đúng phương pháp Phật dạy thì có khả năng chứng đắc được Sơ thiền, để từ đó đạt được Tứ thiền, trên nền tảng này, chứng được Tam minh, trở thành A-la-hán.

Theo Kinh A-di-đà, năm tiêu chí vãng sinh Tây phương là có: (i) căn lành lớn, (ii) công đức lớn, (iii) nhân duyên tốt lớn, (iv) quán pháp âm lớn, (v) nhất tâm bất loạn. Căn lành lớn được hiểu là hết tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ và điều này Phật tử tại gia làm không được. Nhưng người Trung Quốc cứ hô hào: giác ngộ, giải thoát, vãng sinh Tây phương trong khi còn nghiệp phàm. Tu tập giải thoát đâu dễ thế. Kinh A-di-đà nói rất rõ Cực lạc Tây phương là nơi “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”, tức là nơi hội tụ của các bậc thượng thiện. Bậc thượng thiện có nghĩa là từ sơ quả A-la-hán trở lên hoặc bất thoái chuyển về đạo đức và tuệ giác. Bất thoái chuyển là tam quả A-la-hán trở lên, ở đó, không có người phàm.

Tịnh độ tông trong kinh A-di-đà khác hoàn toàn với Tịnh độ tông được Trung Quốc truyền bá. Tịnh độ tông do Trung Quốc truyền bá dựa vào “tín, hạnh, nguyện” vốn không do đức Phật dạy trong các Kinh về Tịnh độ. Không thể tìm ra tín, hạnh, nguyện trong kinh A-di-đà. Nếu theo Tịnh độ tông thì hãy dựa vào kinh A-di-đà làm chuẩn. Khi đạt được năm tiêu chí của kinh A-di-đà nêu ra thì chúng tôi tin chắc rằng lúc đó không ai còn muốn sinh Tây phương Cực lạc làm gì nữa. Lúc đó, người đạt năm tiêu chí vãng sinh đã trở thành thánh, nên đối với họ, ở đâu cũng là cực lạc và niết-bàn. Cốt lõi triết lý của kinh A-di-đà nằm ở chỗ này, chứ không phải sinh Tây phương.

Điều đó cũng giống như Hoa Kỳ yêu cầu các ứng cứ viên muốn trở thành công dân của nước này phải có 500,000 Mỹ kim trong tài khoản không sử dụng đến và có công ty làm việc ổn định tại Hoa Kỳ. Nếu ở Việt Nam, người nào có được 500,000 Mỹ kim, chỉ cần gửi tiết kiệm ngân hàng mỗi tháng đã được khoảng 50 triệu đồng Việt Nam rồi, cần gì phải qua Mỹ để thành người mà trong 12 con giáp, tuổi nào cũng là “tuổi con trâu”!

Do đó, cốt lõi tu của người xuất gia, xét cho cùng, chỉ là Giới, Định và Tuệ. Các pháp môn của Trung Quốc không phản ảnh được đầy đủ ba phương diện này. Luật tông nhấn mạnh về giới luật. Niết-bàn tông, Hoa nghiêm tông, Pháp hoa tông, Tam luận tông, Câu-xá tông… nhấn mạnh về Tuệ. Thiền tông nhấn mạnh về Định. Từ kinh điển Pali, A-hàm cho đến Đại thừa, thiền công án và thoại đầu là do Trung Quốc sáng tạo ra, rất xa lạ với thiền của đạo Phật gốc. Từ lâu, chúng ta không mạnh dạn nói việc này vì cả nể Trung Quốc, và nhất là sợ động đến các vị tổ sư. Nếu xét về góc độ truyền thống thì thiền tông Trung Quốc là thiền không chính thống, bởi đức Phật không dạy loại thiền này trong Kinh điển.

Pháp hành của người tại gia thấp hơn rất nhiều so với pháp hành của người xuất gia. Pháp hành tại gia giúp con người trở thành chân nhân, sống hạnh phúc và biết chia sẻ phước báu. Pháp hành xuất gia là tu tập Giới-Định-Tuệ, giúp hành giả trở thành Thánh ngay trong đời sống hiện tại này. Hai con đường tại gia và xuất gia hoàn toàn khác nhau. Mười pháp môn của Trung Quốc không pháp môn nào phân biệt giữa pháp hành giữa tại gia và xuất gia. Người tại gia và xuất gia tu cùng một kiểu, đọc cùng một nghi thức, thực tập chung một con đường và cho rằng cả hai đều được giải thoát như nhau. Như vậy là không đúng.

Việc ứng dụng sai lời Phật dạy và không phân biệt các thực phẩm tâm linh dành cho hai đối tượng tại gia và xuất gia đã làm cho Phật giáo Trung Quốc, thông qua đạo Phật pháp môn, dẫn đến việc người ta phải “nhón chân” và “với tay” mãi mà không đạt được kết quả tu chứng. Đây chính là sự “cầu bất đắc khổ” mà đức Phật nói trong kinh Chuyển Pháp luân. Người tại gia không thể giải thoát được mà yêu cầu họ, khích lệ họ cần Giác Ngộ, cần Giải Thoát. Cho nên nhiều tu sĩ, Phật tử tu theo phong cách này một thời gian thì tự nhiên muốn rũ bỏ mọi trách nhiệm gia đình và xã hội, họ tưởng mình đã được tiến bộ. Thực ra đó là sự thiếu tinh tấn, là mất kiên trì, trái với đức Phật dạy.

Phật tử tại gia tiêu biểu thời đức Phật có mười cư sĩ nam, trong đó điển hình nhất là Cấp Cô Độc và mười cư sĩ nữ, trong đó điển hình nhất là Visakha. Hai ông bà này là các đại gia, vẫn tiếp tục làm giàu cho đến cuối đời và đồng thời họ dấn thân làm Phật sự và thiện sự. Nhờ tu đúng lời Phật dạy, họ phụng sự xã hội năng động hơn, chứ không phải tu rụt, tu rị theo kiểu ngày mai sẽ chết. Nhiều người tu cực đoan chỉ cần biết gõ mõ, tụng kinh là hết, nhấn mạnh đến các khóa lễ tín ngưỡng. Hướng làm đạo theo phong cách của Đức Phật bị mất dần trong đạo Phật tổ sư. Đó là sự khác biệt giữa pháp hành của người tại gia và xuất gia.

Labels: VẤN - ĐÁP
TIÊU ĐIỂM
Sưu tầm: Giới Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét