Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Chiếc Van



Trái tim mỗi con người, về cơ học, có các van tim. Ngoài các van nhĩ thất hai lá, ba lá và van bán nguyệt vốn hoạt động theo chu kỳ co giãn của tim và cơ chế của hệ tuần hoàn ra, trái tim con người có một chiếc van vô hình của cảm xúc đóng mở dường như không theo một quy luật cơ học nào cả.

Điều khiển chiếc van cảm xúc mở hay đóng nối liền là 'mạch chủ cảm xúc' xuất phát từ gốc ‘tự ngã’. Với những lời có cánh, dù không phản ảnh sự thật, chiếc van cảm xúc tự động mở ra, cảm xúc giãn mạch, đón nhận tất cả và trân trọng đan kết những lời ngọt ngào thanh tao này thành chiếc bánh vẽ thật đẹp hay thành vòng hoa ảo lộng lẫy xinh tươi. Những lời nói đầu môi bóng bẩy ấy là một thứ nhạc 'sến' của trái tim và hầu hết chúng ta thích loại nhạc 'sến' này! Với những lời nói thật nhưng không góp phần tô son điểm phấn cho tự ngã, chiếc van tự động đóng kỹ để tự vệ, để tách mình ra khỏi những thô ráp mà cảm xúc vốn rất dị ứng. Chính sự đóng chặt van cảm xúc với những lời có tính góp ý, phê bình mà chúng ta trở thành người bảo thủ, độc đoán, khó tiếp thu ý kiến người khác để hoàn thiện mình hơn. Những ý kiến theo kiểu 'trung ngôn nghịch nhĩ' trở thành một thứ thuốc đắng làm cho van cảm xúc đóng kín và thế là không ít người trong chúng ta tránh né thuốc đắng này.

Công dụng của chiếc van là làm người lính canh mù quáng nhưng rất trung thành của trái tim. Trung thành mà lại mù quáng thì tai hại không lường được. Đến khi chiếc bánh vẽ đẹp đẽ hay vòng hoa lộng lẫy kết thành từ những lời có cánh kia trở thành…bánh cúng và vòng hoa tang, chiếc van trung thành kia sẽ cùng chủ nó chết tức tưởi trong sự dối trá, xảo quyệt, tàn nhẫn và mất niềm tin vào con người cùng cuộc sống. Đến mức này, tự ngã bị tác động và tổn thương thê thảm. Tổn thương là điều tự ngã cố tránh và chính vì tránh những sây sát nhỏ, cái giá phải trả của nó là bị gai đời đâm rỉ máu đớn đau.

Vì lẽ đó, người ta vẫn thường nói đến một trái tim mù lòa! Nói chính xác, cảm xúc khi không có sự can thiệp của lý trí sẽ trở nên mù lòa mà đến khi u đầu bể trán, nó mới chịu để cho lý trí dẫn dắt. Thế nhưng, trước sau gì nó cũng muốn tách ra ‘làm ăn riêng’ và lại bị cuốn hút vào những cạm bẫy qua lớp nhung êm ái du dương của cuộc đời che phủ. Do sự dao động của cảm xúc cùng với sự ‘hợp tác’ với lý trí không thường trực, cuộc sống của cảm xúc cũng thăng trầm theo sơ đồ hình ‘sin’ mà chính bản thân nó lắm lúc cũng tự đánh lừa mình để rồi được hưởng cái vui ‘ảo’ và sau đó chịu đựng cái khổ ‘thật’.

Chỉ khi nào khả năng điều tiết cảm xúc trưởng thành hơn, ta sẽ hiểu rằng, ngôn ngữ xuất phát từ tiếng nói của cõi lòng đáng trân quý hơn thứ ngôn ngữ dùng để trang trí và cả ngụy trang. Khi ấy, chiếc van sẽ đóng mở linh động hơn với sự can thiệp của lý trí, nội lực, tự tin và can đảm. Khi chúng ta dám sống thật với mình để chấp nhận cả khuôn mặt thiên thần lẫn ác quỷ của bản thân, chúng ta mới dự phần trong việc điều khiển chiếc van cảm xúc để tự hoàn thiện mình hơn theo từng nhịp gõ của thời gian. Một khi cảm xúc trưởng thành, biên độ dao động của cảm xúc cũng giảm theo và niềm vui sẽ tăng lên khi ta đứng trên mặt đất và biết chấp nhận những gì mình đang có!

Posted by Hằng Như at 12:53 PM
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét