Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Việc Tu Tập Trong Đạo Phật



Ngày nay, nhiều người thường mô tả việc hành thiền trong đạo Phật như là sự rời bỏ cuộc đời nầy để phát triển một trạng thái tâm thức vắng lặng và tập trung cao độ, trong một khung cảnh được lựa chọn, điều chỉnh, và kiểm soát cẩn thận. Vì thế ở Mỹ và một số nước khác, nơi mà việc hành thiền ngày càng phổ biến, người ta quyết đoán rằng hành thiền là để đạt được một trạng thái vắng lặng và tập trung của tâm trong đó kỹ thuật thiền và việc kiểm soát thân tâm là rất quan trọng.

Kỹ thuật hành thiền là tốt và cần thiết. Nhưng khi đã phát huy được một số năng lực quán chiếu thì bạn không cần, hoặc thậm chí không nên mất thì giờ tinh luyện bằng cách đè nén tất cả những gì thô thiển hay khó chịu xảy ra trong tâm. Trái lại, bạn nên triển khai và phát huy tối đa năng lực quán chiếu và nhạy cảm của tâm để biết rằng, ngay bây giờ, những điều kiện mà bạn nhận thức được - hay nói khác đi, những gì bạn đang cảm xúc, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm, và suy nghĩ - đều là vô thường.

Vô thường là đặc tính chung của tất cả hiện tượng, cho dù đó là niềm tin vào Thượng Đế hay những hồi tưởng về quá khứ, những tư tưởng sân hận hay tình cảm thương mến, cao hay thấp, thô thiển hay vi tế, xấu hay tốt, dễ chịu hay đau đớn. Bất kỳ tính chất của nó là gì, bạn đang quán sát nó như một sự vật khách quan. Tất cả những gì bắt đầu rồi sẽ chấm dứt. Đó là vô thường. Và bây giờ, như một phương pháp hành trì và quán niệm về cuộc sống, việc khai mở tâm thức sẽ giúp bạn nhìn thấy rõ tình cảm và tư tưởng, bản chất của sắc thân, cùng với những đối tượng giác quan của bạn.

Chúng ta hãy trở lại vấn đề ý thức. Khoa học hiện đại hay khoa học thực nghiệm xem thế giới vật chất mà chúng ta thấy, nghe và cảm nhận được mới là thế giới có thật. Vì thế, thế giới khách quan nầy được xem là một thực tại. Chúng ta có thể trông thấy thế giới vật chất, đồng ý với nhau về tính chất của nó, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm nó, hay thậm chí đồng ý với nhau về cảm nhận hay tên gọi mà chúng ta dành cho nó. Nhưng phải chăng cảm nhận về thế giới nầy cũng chỉ là một điều kiện khách quan được sinh khởi trong tâm thức? Vì ý thức tạo ra cảm tưởng là có chủ thể và khách thể nên khi quan sát về thế giới vật chất, chúng ta nghĩ là chúng ta đang quan sát một cái gì đó tồn tại bên ngoài và biệt lập với chúng ta.

Trong khi giảng dạy giáo lý, Đức Phật đã đẩy quan hệ chủ thể và khách thể đến điểm tận cùng của nó. Ngài dạy rằng tất cả cảm nhận, tất cả trạng thái khởi lên trong tâm thức, tất cả tình cảm, tất cả cảm xúc, tất cả đối tượng thế giới vật chất mà chúng ta nghe và thấy đều thay đổi. Ngài nói, "Những gì có sự bắt đầu sẽ có sự chấm dứt.”Và Đức Phật luôn nhắc đi nhắc lại rằng đây là một cái nhìn trí tuệ rất quan trọng. Nó giải thoát chúng ta khỏi tất cả những mê lầm. Những gì có sự bắt đầu sẽ có sự chấm dứt.

Ý thức cũng có thể được định nghĩa là khả năng thấy biết hay kinh nghiệm của sự thấy biết. Chủ thể thấy biết khách thể. Khi nhìn vào những sự vật và cho chúng tên gọi, chúng ta nghĩ là chúng ta biết về chúng. Chúng ta nghĩ là mình biết người nầy hay người nọ vì chúng ta biết tên của họ hay ghi nhớ họ trong ký ức. Chúng ta nghĩ là chúng ta biết tất cả mọi việc trên đời vì chúng ta có thể ghi nhớ được chúng. Nhưng phần lớn, khả năng thấy biết của chúng ta luôn bị giới hạn - chúng ta chỉ có thể biết "về”chứ không biết trực tiếp bản chất của sự vật.

Tu tập trong đạo Phật là an trú trong sự tỉnh giác thanh tịnh nơi đó có một loại hiểu biết đặc biệt mà chúng ta gọi là trí tuệ, hay cái thấy biết trực tiếp. Đó là một loại tri giác không dựa trên cảm nhận, tư duy, lập trường, hay học thuyết, mà chỉ có thể có qua sự chánh niệm và tỉnh giác. Chánh niệm và tỉnh giác là khả năng không bị dính mắc vào bất cứ đối tượng nào, dù đó là vật chất hay tinh thần. Khi không bị dính mắc, tâm sẽ ở trong trạng thái tỉnh thức, hiểu biết, và trong sáng thuần tịnh. Đó chính là tỉnh giác và chánh niệm. Tâm tỉnh giác là tâm thanh tịnh, dễ tiếp thu, và nhạy cảm với những gì xảy ra chung quanh. Nó không còn là cái tâm bị giới hạn, quy định và chỉ biết phản ứng lại với những lạc thú và đau đớn, lời khen và tiếng chê, hạnh phúc và đau khổ.

Thí dụ nếu bây giờ bạn đang nổi giận, bạn có thể để cho cơn giận khống chế mình. Bạn có thể cho mình giận là đúng và tiếp tục nuôi dưỡng tình cảm đặc thù đó, hoặc là bạn có thể đè nén cơn giận và tìm cách tiêu diệt nó vì bạn sợ hoặc không thích sự giận dỗi. Tuy nhiên, thay vì chọn một trong hai cách trên, bạn có thể quan sát cơn giận như một đối tượng khách quan. Và nếu cơn giận là bản ngã thật sự của bạn, thì bạn không thể nào quan sát nó được; đây chính là ý nghĩa của những gì mà tôi gọi là "quán tưởng". Cái gì có thể quan sát và suy tưởng về tình cảm giận? Cái gì có thể theo dõi và xem xét tình cảm, sự nóng lạnh của thân thể, hay những trạng thái của tâm? Cái có khả năng quan sát và xem xét nầy chính là tâm quán tưởng hay tâm chánh niệm và tỉnh giác. Tâm của con người là tâm có khả năng quán tưởng.

Ajahn Sumedho
Sunanta Nguyễn dịch
Theo Phật Pháp Chân Thật
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét