Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Màu Sắc Hội Họa Qua Góc Nhìn Phật Giáo

Kính thưa quý thầy, quý sư cô và các cô chú trang Hoa Thức!

Con pháp danh là Tịnh Liên, bạn của chị Bạch Thủy và Thủy Văng. Thông qua hai chị mà con biết đến blog Hoa Thức như một cái nôi ươm mầm tuệ giác. Con hay vào đọc các bài viết trên blog Hoa Thức và cảm thấy rất là nuôi dưỡng. 
Nay con cũng xin phép tham gia cho vui nhà vui cửa bằng bài viết sau ạ dù khả năng của con còn hạn chế nhiều lắm hihi!
Kính mong nhận được sự đóng góp của mọi người ạ!




SẮC MÀU VÀ MỘT THOÁNG PHẬT GIÁO
Sáng nay là một sáng cuối năm rất an lành, ngọn gió mùa xuân đang khẽ khẽ thổi qua khung cửa sổ. Tôi mở mắt thức dậy với một tinh thần sảng khoái và một nụ cười ấm áp nhất dành cho mình để khởi đầu một ngày bình yên. Tuy vậy, tôi vẫn chưa ra khỏi giường mà cuộn tròn trong chăn ấm, nằm đó và tầm phóng mắt nhìn ra bầu trời màu xanh lam trong vắt, có điểm chút mây trắng đang trôi lững lờ. Đâu đó, một vài chú chim non nho nhỏ đang chim chíp kêu trên cành, như muốn mời gọi nhau một tiếng nói yêu thương. Dưới con phố kia thì chợ sáng đang nhóm họp, rộn ràng kẻ nói người đi. Khung cảnh đó không quá tĩnh lặng nhưng nó rất bình yên, bình yên như một niềm an ủi ban sơ và dịu ngọt vậy tựa hồ như trong những huyên náo ấy lại ẩn chứa một nguồn sống thanh bình.Tôi thấy lòng mình lâng lâng quá nên nhắm mắt rồi lại mở mắt ra nhìn thêm một lần nữa để ý thức là mình vẫn còn sống đây, ngay trong giây phút hiện tại này. Kìa, những sắc màu trong trẻo, những âm thanh tươi tắn của cuộc sống đang hiện bày trước mắt, đó là một phép lạ nhiệm màu!
Lặng im chiêm ngưỡng cảnh sắc ấy, lặng im chiêm ngưỡng thế giới nội tâm thanh bình của mình, bỗng dưng câu nói nhà Bụt " Sắc tức thị không, không tức thị sắc" chợt vang lên trong đầu, có lẽ Bụt muốn gửi gắm cho tôi một thông điệp huyền diệu nào đó chăng?

SẮC TỨC THỊ KHÔNG:
(Tất nhiên chữ " Sắc" trong giáo lý nhà Bụt không đơn thuần mang nghĩa là màu sắc, nhưng trong phạm vi nhỏ hẹp của bài viết này tôi muốn mang đến cho quý vị một chút tiếng nói của hội họa, và thông qua đó dùng những hiểu biết hạn hẹp của mình minh họa phần nào cho giáo lý cao thâm của nhà Bụt mà thôi.)
Đầu tiên, phải nhắc đến ánh sáng. Bởi không có ánh sáng thì hẳn nhiên cũng không có bóng tối, không có màu sắc, không có chiều sâu, không có sự nổi bật của khối lồi lõm cũng không có một thế giới thần tiên mang đầy những màu sắc rung động lòng người và lôi
cuốn hàng triệu triệu trái tim của nhân loại.
Ánh sáng làm đẹp cuộc đời như vậy đó, vì " khi mặt trời đi qua con ngươi ướt át, nó tạo nên sự cảm nhận muôn ngàn màu sắc". 
Vậy, một câu hỏi được đặt ra là: liệu màu sắc có phải là một thực tại khách quan và nó tồn tại độc lập hay không? Câu trả lời là không!
Nhà bác học Newton đã nói : " Sự khác biệt của những màu sắc tùy thuộc vào cái đã tạo ra những loại tia sáng ấy". Về mặt quang học, màu sắc chính là hiệu quả hiển thị của các loại ánh sáng có bước sóng dài - ngắn khác nhau. Nếu ánh sáng ấy thiên về bước sóng nào thì nó sẽ biểu hiện sắc màu của bước sóng ấy. Màu của ánh sáng có thể tách ra thành 7 màu quang học: tím, chàm, lam, lục, vàng, cam , đỏ. Bảy màu quang học này khi hòa trộn lại cũng cho ra màu trắng. Điều đó phần nào phản ánh được giáo lý " Cái một ở trong tất cả, cái tất cả ở trong cái một" của Hoa Nghiêm.
Mặc khác, màu sắc của vật thể mà chúng ta nhìn thấy cũng là sự tổng hòa của các màu sắc: màu của ánh sáng, màu tự thân của vật thể, mà của môi trường và bầu khí quyển xung quanh đang bao bọc lấy vật thể ấy. Như vậy là, màu sắc mà chúng ta đang nhìn ngắm có yếu tố Vô Ngã, bởi nó được tạo nên từ rất nhiều yếu tố khác chứ không phải là một sáng tạo phẩm riêng biệt của thượng đế. Các vật thể chỉ hấp thu và phản chiếu ánh sáng rồi phô bày nó dưới muôn hồng nghìn tía cho thế gian cảm nhận mà thôi.
Do vậy, ta có thể nói: màu sắc chính là con đẻ của ánh sáng và nó là một minh chứng hùng hồn cho giáo lý vô ngã của nhà Bụt " Sắc tức thị không, không tức thị sắc". Bởi, không có một màu sắc nào tự thân nó có thể tồn tại độc lập mà không có sự xuất hiện của ánh sáng. Bản tính của vạn hữu trống rỗng như hư không, do tương quan mà trở thành hiện hữu. Khi chọn màu sắc làm đề tài thiền quán, nhìn sâu vào một đóa hoa lung linh sắc màu hay bỏ chút thời gian nghiền ngẫm về màu lam của đại dương xanh thẳm ta sẽ thấy được mặt trời ở trong đóa hoa ấy, thậm chí là một cụm mây bay hay một giọt mưa sa cũng đều có mặt trong màu lam của đại dương ấy. Cảnh giới này trong kinh Hoa Nghiêm cũng thường nhắc đến, đó là sự phản chiếu trong nhau trùng trùng vô tận, vừa đồng thời lại vừa sai biệt, mỗi tự thể vừa như một toàn thể vừa vô tận lại vừa vô hạn. 
Trước một thế giới vô hạn và vô tận ấy, người ta cảm thấy khỏi cần vượt qua ngoài vị trí cá biệt của mình mà vẫn có thể thực hiện vô biên tác dụng. Kinh nói: "Tất cả các Pháp môn như một biển cả vô tận đều tụ hội ở một pháp trong đạo tràng". Đó là về phương tiện vô biên của Bụt. Tất cả những điều Bụt nói phát ra từ Hải ấn Tam muội. Cũng như tất cả mặt trời, mặt trăng, tinh tú.... Đều in bóng trong lòng biển – hải ấn, vừa như là một – vì có vị trí cố định và vừa như là tất cả – vì khắp mọi nơi trong lòng biển. Cũng vậy, từ Hải ấn Tam muội, thân của Bụt như một biển cả, trong mỗi lỗ chân lông xuất hiện vô biên thế giới là vậy.

SỰ TƯƠNG PHẢN THẦM LẶNG HAY SỰ TỒN TẠI SONG SONG CỦA CÁC CẶP ĐỐI LẬP:


Trong hội họa tồn tại khái niệm gọi là " Màu Tương Phản Liên Tục". Đây là trạng thái ảo giác xuất hiện trên võng mạc của thị giác sau khi nhìn chăm chú vào một trong các màu chính. Ví dụ như khi ta nhìn màu vàng tươi chừng 10 phút thì sẽ thấy dư ảnh màu tím bao quanh màu vàng ấy, lặp lại thí nghiệm trên với màu đỏ tươi ta sẽ thấy dư ảnh màu xanh lục nhạt, màu lam tươi sẽ có dư ảnh màu cam nhạt...
Ứng dụng hiện tượng này, các họa sĩ thường chọn các cặp màu tương phản này để có một hòa sắc đẹp: Màu vàng chanh tương phản với màu tím thì có nghĩa là màu vàng sẽ nổi bật khi được đứng gần màu tím, màu lam tương phản với màu cam thì nghĩa là màu lam sẽ nổi bật khi đứng gần màu cam và ngược lại...
Quan sát hiệu ứng đó, mở rộng hơn ra với những cặp mệnh đề tưởng chừng như mâu thuẫn khác như: ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối, bên trái và bên phải, bên trên và bên dưới, đúng và sai...ta sẽ nhận ra sự mâu thuẫn ấy chính là căn nguyên của sự sống, là bản chất không thể tách rời nhau của vạn hữu. Nó cần cho sự vận động, biến hóa và sinh sôi của mọi loài: Vì ngắn cho nên mới có dài, vì có cho nên mới có không, vì sinh cho nên mới có diệt, vì nhơ cho nên mới có sạch, nhờ sáng cho nên mới có tối. 
Liên hệ đến Kim Sư Tử Chương của thầy Pháp Tạng " Vị chánh kiến sư tử sinh thời, đản thị kim sinh, kim ngoại cánh vô nhất vật. Sư tử tuy sinh hữu diệt, kim thể vốn vô tăng giảm, cố viết vô sinh...", sư ông Nhất Hạnh có nói: "Sinh là từ không mà trở thành có. Đám mây có bao giờ sinh ra đâu? Trước khi là đám mây thì nó đã là hơi nước rồi. Hơi nước đổi ra thành đám mây, tướng này đổi sang tướng khác. Thấy được tướng vô sinh của đám mây không khó. Chúng ta biết là hơi nước thành ra đám mây, đám mây không phải từ không mà trở thành có. Đứng về lý luận thôi thì cũng đủ chứng minh được vô sinh rồi. Đã là vô sinh cũng là bất diệt..."
Tương tự như vậy, ta không thế tách ngày ra khỏi đêm, lấy bên trái ra khỏi bên phải, lấy màu tím ra khỏi màu vàng, lấy màu lục nhạt ra khỏi màu đỏ tươi... Sự mâu thuẫn, tương phản đó suy cho cùng chỉ là những ảo giác sai lầm, những ý niệm nhị nguyên sai lầm mà hành giả của đạo Bụt cần phải gỡ bỏ dần trên bước đường thực tập. 

MÀU XÁM - HAY CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO:
Nếu bạn cho rằng màu xám chỉ được tạo bằng cách pha trộn giữa hai màu đen và trắng thì tôi xin chúc mừng là bạn đã sai lầm. Màu xám có thể được tạo ra bởi những gam màu hoàn toàn tương phản nhau như: Đỏ - lục ( vàng + xanh lam), Lam - Cam ( Vàng + Đỏ), Vàng - Tím ( Đỏ + Xanh lam)...Những màu xám được tạo ra bằng cách hòa trộn những cặp màu tương phản này gọi là màu xám đẹp và dễ phối màu hơn màu xám được tạo ra từ đen - trắng. Nó có đặc tính là có khi hơi ửng ấm hoặc hơi lạnh.
Trong các hòa sắc lạnh thì nó ửng nóng làm cho màu trầm lại, trong các hòa sắc nóng thì nó lại hơi lạnh . Trong trường hợp các hòa sắc nóng và lạnh đang tương phản mãnh liệt thì chúng ta có thể dùng màu trắng hoặc xám để làm dịu sự tương phản đó, các màu sẽ trầm lại, tạo cảm giác chắc chắn và tươi hơn.
Trong hội họa màu xám có vai trò nhất định như vậy, cũng giống như nghệ thuật căng dây đàn mà Bụt đã giảng cho đại đức Sona. 
" Đó là lần đầu Bụt gặp thầy Sona. Đêm qua nghe tiếng tụng kinh của thầy. Bụt biết là Sona đã cố gắng quá sức mình trong nỗ lực tu học. Người bảo Ananda cùng đi với người tới tịnh thất của thầy Sona. Thấy Bụt, Sona đứng dậy chào mừng. Bụt bảo Ananda và Sona ngồi xuống cạnh Bụt, rồi người hỏi Sona: 
- Ngày trước, hồi chưa xuất gia, thầy là nhạc sĩ chuyên về đàn mười sáu dây, phải không? 
- Bạch Thế Tôn, phải. 
- Khi đánh đàn, nếu dây đàn chùng thì sao? 
- Bạch Thế Tôn, nếu dây đàn chùng thì tiếng đàn chưa đúng mức. 
- Còn nếu dây quá căng. 
-Bạch Thế Tôn, nếu dây đàn quá căng thì tiếng đàn biến thể và dây đàn có thể đứt. 
- Còn nếu dây đàn được lên vừa phải? 
- Bạch Thế Tôn, nếu dây đàn được lên vừa phải thì bản nhạc sẽ hay. 
- Đúng như vậy đó, Sona! Giải đãi và lười biếng thì đạo nghiệp không thành, mà cố gắng quá sức mình thì sẽ đưa tới sự mệt mỏi và thối chí. Sona! Thầy phải biết lượng sức mình, đừng ép uổng thân và tâm quá mức, như vậy thầy mới mong thành tựu được đạo nghiệp. "
Một bản nhạc và một con người, tuy thấy 2 nhưng chỉ là 1. Thiền chính là giây phút tuyệt đối để thưởng thức âm nhạc, trong âm nhạc luôn luôn có thiền. Người nhạc sỹ phải biết " nghệ thuật lên dây đàn " cũng như thiền gỉa phải nghe được tận cùng âm thanh của mỗi nốt nhạc của tự thân.

CÒN CÁC HỌA SỸ THÌ SAO?


Nỗi buồn, niềm vui, yêu thương, đau đớn, giận dữ... tất cả đều là những mảng màu khác nhau để vẽ lên bức tranh cuộc sống. .Chúng đến như những dòng nước lũ ngập tràn trong một cuộc sống đầy biến động, không báo trước, không mong đợi.
Cuộc sống là một bức tranh với muôn vàn sắc màu, cung bậc vui buồn. Những bức tranh được treo cất giữ là cả một thế giới phong phú và thi vị. 
Thiên nhiên thật sự là tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ nhất qua những mảng màu sáng tối. Nó là món quà của tạo hóa dành cho những người biết hòa mình một cách vô tư nhất vào cuộc sống mà không phán xét hay đòi hỏi sự đền đáp. Nhưng bạn có biết: Việc vẽ một bức tranh đẹp có hòa sắc ít lại cực kỳ khó so với một bức tranh có quá nhiều hòa sắc? Khi bắt đầu phác cọ, chắc hẳn bạn đã thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như vẻ đẹp của tác phẩm nghệ thuật do bạn tạo nên. Nhưng còn có những cảnh sắc của nội tâm, nó chỉ được thanh luyện và trở nên đẹp đẽ hơn bạn cầm lấy cây cọ vẽ " Chánh Niệm", thắp sáng chân thiện mỹ nơi chính tâm hồn mình. 

THIỀN TRANH:
Dòng tranh cổ điển này có gốc gác gắn liền với Phật giáo, Những hoạ sĩ đầu tiên của dòng tranh này có lẽ được bắt nguồn từ những nhà sư. Vì lẽ đó, tranh không chỉ đơn thuần là một môn nghệ thuật mà nó còn mang đậm màu sắc triết học.
Triết lý chính trong tranh thường là sự đối lập và tĩnh tại, thể hiện qua vẻ đẹp giản đơn nhưng duyên dáng, nhìn vào đó người ta có thể cảm nhận được sự đối lập Âm-Dương, sự dung hoà giữa ánh sáng và bóng tối, động và tĩnh,... Lúc đậm lúc nhạt, lúc nhanh lúc chậm, từng nét bút lướt qua trang giấy ẩn chứa trong nó sức sống của thiên nhiên. Người hoạ sĩ không chỉ quan sát bên ngoài mà phải đi sâu vào nắm bắt thần thái của đối tượng, phải làm sao để đưa vào tranh cả linh hồn của sự vật đó. Trong từng đường nét là sự cân bằng, sự đồng điệu của tâm hồn người cầm bút với cảnh sắc được miêu tả trong tranh.
Cầu vồng có cả thảy là bảy màu, bài hát cũng bảy nốt, thế giới ta bà này cũng gói gọn trong bảy đại: đất, nước, gió, lửa, không, phong, thời. Điều quan trọng nhất khi vẽ bức tranh hay ca lên một bài ca của chính mình, chúng ta nên có một sự thực tập để không ngắm cuộc đời theo 1 chiều tươi sáng hoặc ảm đạm. Thiền Sư Nhất Hạnh có nói: Hãy sử dụng năng lượng của chánh niệm để nhận diện và ôm ấp niềm đau nỗi khổ trong ta, như một bà mẹ ôm ấp đứa con mình. Chánh niệm là mẹ, đau khổ, buồn phiền, tuyệt vọng là con. Giữa mẹ và con không có tranh chấp. Năng lượng của chánh niệm sẽ nhận diện, ôm ấp và thoa dịu niềm đau, tức khắc ta cảm thấy tâm mình lắng yên, êm dịu lại vì năng lượng của chánh niệm đã hòa nhập vào năng lượng của khổ đau.
Nếu cứ để mặc, không chăm sóc nỗi sợ hãi, hờn giận, và tuyệt vọng thì những cảm xúc tiêu cực đó sẽ biến thành sức mạnh tàn phá. Thay vì sử dụng năng lượng để đè nén khổ đau, ta hãy sử dụng năng lượng chánh niệm đó để bảo toàn cơ thể, thiết lập cho mình một vương quốc tươi đẹp, an hòa.
Càng có đông bạn hữu thực tập chung, năng lượng càng thêm mạnh. Năng lượng chánh niệm tập thể giúp cho sự thực tập ôm ấp niềm đau nỗi khổ dễ dàng hơn nhiều. Cho nên trong một cộng đồng mà mọi người cùng thực tập với nhau thì càng vui, hiệu quả lớn gấp bội, và năng lượng ngày càng thêm thâm hậu. Được năng lượng tập thể ấy bao bọc ta sẽ khỏe khoắn thêm ra, được nuôi dưỡng được trị liệu.
Vài dòng thô sơ, xin kính chúc Hoa Thức Tu Viện ngày càng lớn mạnh và vững chãi, là con thuyền từ bi cho mọi người nương náu ạ!

Sài Thành, ngày 13/1/2015.
-- 
Ta Du Ca




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét