Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

Truyện Cổ Phật Giáo: 1. Chân Lý - 2. Sau Bửa Đại Yến - 3. Dưới Bóng Từ Bi




1. - CHÂN LÝ

Ngày xưa có một chàng trai trẻ mang nhiều tâm sự u uất về cuộc đời, một sớm lên đường đi tìm sự thật.
Anh nghe nói ở một ngôi đền nọ có một vị Đạo Sĩ chân tu, luyện được nhiều phép mầu nhiệm, thông đạt được nhiều lẽ tinh vi, huyền diệu của vũ trụ, bèn quyết tìm đến học.
Đường đi muôn nỗi khó khăn, nhưng chí người sắt đá nên không kể hiểm nghèo. Từ chân trời, một hôm đền thiên đã lồ lộ hiện ra, uy nghi, rạng rỡ. Lòng người trai bừng rộn lên nỗi hân hoan. Anh tìm đến biệt phòng của Đạo Sĩ, qùy dưới chân người:
- Thưa Thầy! kẻ hèn này vốn từng ngưỡng mộ uy danh của Thầy, tin tưởng ở phép mầu nhiệm ở đạo, nên từ xa xôi muôn dậm đến đây để cầu mong Thầy chỉ cho con đường đi tìm chân lý.
Đại Sĩ bảo rằng:
- Cửa đền không hẹp với một ai, lòng đền cũng chứa rộng mọi người. Con đường chân lý phát xuất từ đền thiêng ấy là vì sự thật phải bắt đầu tìm thấy bằng sự “yên tĩnh của tâm hồn, bằng lòng tin cẩn tin yêu của trí tuệ”. Từ đây đến chót đền, con đường chia làm ba bậc: bậc
thứ nhất của sự khổ hạnh, bậc thứ nhì của lòng vô tư, bậc thứ ba của tình nhân ái. Ba bậc ấy dạy rằng: không dày công chịu khổ nhọc để biết rõ cuộc đời, không dứt bỏ được ý riêng tư khách quan nhìn xét sự vật, không thiết tha vì lòng thương mà đòi hỏi sự thực, thì không bao giờ tìm thấy sự thực. Sự thực hay chân lý là của mọi người, nhưng phải tìm đến bằng con đường ba bậc ấy.
Người trai trẻ cảm thấy vui mừng khôn xiết, vội hỏi:
- Thưa Thầy, vậy chân lý hiện ở trên chót đền?
Đạo Sĩ ôn tồn bảo:
- Chính thế. Ta biết chắc rằng ở cuối cùng ba bậc, trên chót vót của đền Thiêng là tượng Thần Chân Lý. Tượng ấy hình dáng thế nào ta cũng chưa biết được, vì ta chỉ mới đi khỏi con đường khổ hạnh xong và đang vào bậc vô tư. Khó nhất là bậc thứ hai này vì gạt bỏ được những tư ý là điều hết sức nhọc nhằn đối với mọi người chúng ta. Còn qua một đoạn đường cuối cùng, đoạn đường nhân ái, là ta sẽ thấy muôn vẻ huy hoàng của Chân Lý, nhưng con đường nhân ái khá gần mà cũng khá xa, bởi vì con người thường lầm lạc tình yêu, lòng yêu mình với lòng yêu kẻ khác, nên chỉ có ba mươi bước nữa mà ta còn lầm lẫn.
Đạo Sĩ lại tiếp:
- Hiện nay trong đền có vô số người tìm học. Có kẻ xong bậc thứ nhất, có kẻ đang bước lên bậc thứ nhì, có kẻ đang loay hoay khởi sự từ đầu và biết bao kẻ đã thối chí trở về từ chối tìm hiểu sự thật, vì lòng họ không đủ tha thiết để chịu đựng bao nhiêu thử thách. Cửa đền vẫn luôn luôn mở rộng hãy tìm lối mà đi.
Từ đấy người trai trẻ bắt đầu học tập. Anh bước lên con đường khổ hạnh để cảm thông nỗi khổ của người đời. Từ đấy đối với anh, cảnh sắc chung quanh đã có phần thay đổi. Tiếng khóc lời reo, nước mắt và nụ cười cũng đượm vẻ khác lạ hơn xưa.
Anh không tiếp xúc sự vật bằng sự hời hợt của não tủy. Anh thấy được bề rộng, bề sâu và bề cao của mỗi âm thanh, mỗi ngày tưởng như gần gũi thêm được với loài người.
Nhưng mỗi sớm nhìn lên đỉnh đền chót vót, anh cảm thấy đường đi quá sức xa vời. Lòng anh không định nên con đường ba bậc kia tuy ngắn mà quá dài vô tận. Anh ngắm những bức tường ngăn cách, những bậc cấp cheo leo và muốn rút ngắn đoạn đường. Một hôm anh bỗng nảy ra một ý kiến. Nhân một đêm trăng lặng anh dùng dây leo tường. Vốn từ nhỏ đã quen luyện tập, nên anh không mất bao nhiêu công phu để vượt khỏi những bức tường dày lởm chởm cheo leo.
Càng lên cao nhìn xuống trở lại, anh thấy mình đã làm được một kỳ công. Khi lên đến chót vót đền thì trăng đã về khuya, rọi bóng anh trên vách đá như một người to lớn dị thường, anh tự thấy mình xa cách hẳn loài người và cao hơn mọi vật. Anh tự nhủ:
- Đi tìm thực sự không phải có một con đường ba bậc. Với óc thông minh, với lòng dũng cảm, với trí quyết đoán, ta vẫn tìm được chân lý mau chóng hơn mọi người. Rồi anh bước vào đền, nơi đặt tượng thần chân lý. Anh đi giữa đêm khuya, trên chốn thượng tầng im lặng, dọc theo các dãy hành lang hun hút gió lạnh, chỉ thấy bóng mình lủi thủi bên cạnh và chỉ nghe chân mình dội vang trên sân đền gây nên những âm hưởng dị kỳ. Anh đi lần vào trong, cảm thấy trong mỗi bước đi sự tịch mịch càng nặng nề. Khi mảnh trăng khuya đã khuất hẳn ngoài đền, anh thấy rúng động, nhưng lòng kiêu hãnh về cái kỳ công của mình lại khiến anh dẹp hết lo âu. Anh tự nhủ:
- Bây giờ chỉ còn mình ta với sự thực. Tượng thần Chân Lý ở sau cánh cửa kia. Anh lại gần thu hết can đảm để xô cửa…!
Bỗng anh rú lên ôm lấy mặt và như một người bị xác chết dậy đuổi, anh hoảng hốt chạy ra khỏi đền, luống cuống húc đầu vào các cột đá, vấp trên bục cửa, ngã trên nền gạch nhưng sự kinh hoàng quá độ khiến anh tìm cách thoát thân.
Anh bám vào tường, tìm giây leo, vội vàng tuột xuống dưới chân đền. Sáng hôm sau người ta tìm thấy xác anh đã cứng lạnh dưới chân đền, nét mặt vẫn còn co túm lại trong một vẻ hãi hùng tột độ. Vị đạo sĩ trầm ngâm đứng nhìn xác anh, rồi quay bảo học trò:
- Đây là một kẻ không muốn tìm sự thực bằng chính đạo. Y đã đi theo con đường tà đạo, vì y cho rằng con đường ấy mau chóng hơn và chỉ có tài năng của y mới giúp y tới mau được. Y quên rằng cái tâm của người là chính yếu trong sự tìm kiếm chân lý. Khi cái tâm đã chính thì tài năng sẽ là những chiến công, những thành tích rỡ ràng. Khi cái tâm đã tà thì tài năng chỉ là những thủ đoạn, những mưu mô hèn hạ. Kết quả mà y tìm thấy là một sự thực gớm ghiếc, đã làm y khủng khiếp phải hủy diệt đời mình.
Các con hãy ghi nhớ: sự thực tốt đẹp, sự thực an ủi và nâng cao được lòng người chỉ có thể đi đến con đường ba bậc: Con đường khổ hạnh, con đường vô tư, và con đường nhân ái. Kẻ nào không đi bằng ngã ấy mà muốn dùng mưu mô thủ đoạn, đàn áp lừa phỉnh thì không
phải chỉ một cá nhân mà cho đến một chế độ cũng phải bị hủy diệt thảm khốc. Đạo sĩ ngừng lại một lát rồi nói tiếp:
- Từ lâu ta đã nhắc các con điều đó, bây giờ đây là chứng cớ hiển nhiên. Các con hãy đem chôn xác y trước cửa đền và đồng thời tạc trên mộ bia y nét mặt kinh hoàng, khủng khiếp của một kẻ đã tìm gặp sự thực bằng con đường phản chánh đạo, để làm gương cho bao nhiêu kẻ khác.
***
2. SAU BỮA ĐẠI YẾN

Xưa kia có năm vị Quốc Vương. Việc bang giao qua lại rất là thân mật chẳng hề gây hấn với nhau. Dân chúng nơi nơi làm ăn thịnh vượng. Vị Quốc Vưong đàn anh tên là Phổ An. Việc trị nước của Vua Phổ An rất là minh chánh mà bốn vị kia lại theo tà đạo.
Có một hôm, năm vị mở một yến hội bảy ngày ca hát đàn nhạc, đủ thứ vui thú dục lạc. Khi mãn hội các vua sắp sửa lên long xa ai về nước nấy.
Bấy giờ vua Phổ An đích thân tiễn chân bốn vị kia ra trước hoàng môn và hỏi rằng:
• Các bạn ưa thích những lạc thú gì, nói cho ta nghe thử?
Các vua tuần tự trình bày:
Vua thứ nhất đáp:
• Tôi thích mùa xuân ba tháng cảnh vật nên thơ cỏ hoa tươi thắm để dạo chơi thưởng thức, thích thú biết bao.
Vua thứ hai:
• Tôi thích được làm vua lâu dài mỗi khi lâm triều mặc triều phục uy nghiêm sang trọng ngự giữa điện rồng, lầu các ngập tràn ngọc ngà châu báu, bá quan thần dân hầu hạ hai bên, tiếng chuông trống long phụng vang rền, cờ xí đôi hàng rực rỡ.
Vua thứ ba:
• Tôi lại thích vợ đẹp như tiên, con xinh như ngọc, cùng nhau tận hưởng cảnh vui thú sang giàu.
Ông vua thứ tư đáp:
• Tôi muốn cha mẹ tôi được trường thọ bách niên, vợ con sum họp, anh em đông đảo, mặc những quần áo đẹp, ăn những món ngon, và cùng nhau chung hưởng vui đời hạnh phúc.
Đoạn bốn ông vua đồng thanh hỏi lại:
• Chúng tôi đã trình bày xong thì đại vương cũng nên tỏ sở thích của mình cho anh em chúng tôi nghe với chứ?
• Những sở thích mà các bạn vừa trình bày đều không phải là thú vui vĩnh cửu. Riêng tôi, tôi chỉ thích cái vui: chẳng sinh, chẳng tử, chẳng khổ não, chẳng lạnh, chẳng nóng.
Bốn ông kia lấy làm quái lạ đồng thanh khen và hỏi dồn:
• Hay quá! Vậy chớ ai dạy những điều ấy cho Đại Vương và vị ấy hiện ở đâu?
Vua Phổ An nói:
• Đức Thế Tôn, hiện giờ Ngài đương ngự tại Tịnh xá Kỳ Viên.
Bốn vua nói:
• Vậy chúng tôi có thể yết kiến Ngài được không?
• Được chớ, quý lắm đấy.
Thế rồi năm nhà vua đồng đi đến Tịnh xá Kỳ Viên để ra mắt Phật.
Khi năm nhà vua hành lễ và thưa thỉnh xong, đều lui về chỗ ngồi.
Đức Phật mới bắt đầu thuyết:
• Nầy các Đại Vương hãy lắng tai nghe: Vì người đời ngu ám không chính trí nên nhiều kẻ say mê vui đời mà chẳng hề biết tội phước là gì cả, cho nên bị khổ. Nhưng khổ của đời quá nhiều, mà gọn lại chỉ còn tám thứ:
Sinh, già, đau, chết, tình yêu ly biệt, cầu mong chẳng được, gặp kẻ oán giết, và rầu lo khổ não.

1/ “Những khổ về sinh”: người chết rồi thần thức chẳng biết đi về hướng nào. Sống cái thân trung ấm với thời gian hai mươi mốt ngày, gặp khi cha mẹ giao hợp liền thọ vào thai, bảy ngày ban đầu hình trạng như chất mỡ lỏng, bảy ngày thứ hai như mỡ đông đặc, bảy ngày thứ ba như mỡ đông cứng, bảy ngày thứ tư như lát thịt mỏng. Đến bảy ngày thứ năm mới bắt đầu thành bào thai, nhờ gió vào bụng mẹ mà thổi nơi thân thể, thời sáu căn mới mở khai. Nếu mẹ ăn phải đồ ăn nóng, thì bào thai như bị nằm trong chảo nước sôi, hoặc uống phải một chén nước lạnh thì như nằm trong băng tuyết và lấn ép thân thể của mẹ, mẹ rất đau khổ. Đầy đủ tháng ngày, đứa con mới quay đầu xuống nơi sản môn của mẹ, như hai viên đá ép, mạng mẹ nguy hiểm, lòng cha lo sợ và thân con cũng cực khổ muôn phần. Ra khỏi cửa lòng mẹ, da thân mỏng manh rủi phải lá cỏ đụng vào cũng đau như bị dao cắt, hoảng hốt thất thanh khóc lớn.

2/ “Những khổ về già”: Chịu nhờ ơn nuôi nấng của cha mẹ, lớn to mạnh mẽ, nhưng lần lựa đã già đầu bạc răng rụng, mắt mờ, tai điếc, và sức mạnh lui dần nhường cho sự suy yếu thay thế. Da đùn, mặt nhăn, trăm đốt xương đau nhức, bước đi cực khổ, ngồi đứng không yên lòng dạ lo buồn, và tinh thần dần dần tiêu giảm.

3/ “Những khổ về đau”: thân người do bốn đại: đất, nước, gió và lửa hiệp lại mà thành. Nếu một món chẳng điều hòa thời phát sinh trăm lẽ bệnh, mà bốn đại không đều hòa thì thân thể nặng nề; thủy đại chẳng điều hòa thân thể phù thủng, hỏa đại chẳng điều hòa thân thể nóng nảy, phong đại chẳng điều hòa thân thể động chuyển. Cảm giác trăm đốt đau khổ; nên tay chân cử động chẳng theo ý muốn, khí lực mòn dần ngồi và đứng dậy phải nhờ người phò trợ. Miệng khô, lưỡi thụt, mũi nghẹt, mắt chẳng thấy, tai chẳng nghe, những đồ nhơ nhớp tuôn trào, rồi ngồi nằm trên ấy: tâm thần khổ não, giọng nói bi ai, buồn thảm. Bà con đến thăm nuôi, ngày đêm chăm sóc chẳng chút nghỉ ngơi, món ngon vật quý ngọt thơm, khi đưa vào miệng biến thành vị đắng.

4/ “Những khổ về chết”: thân người đến lúc sắp chết thì một trăm lẽ một bệnh nhất tề phát khởi, bốn đại phân tán thần thức chẳng an, gió thổi tới như dao cắt, đau nhức toàn thân, toát mồ hôi trắng, hai tay buông xuôi; Phong đại tản đi là hết hơi thở; Hỏa đại đi theo là tấm
thân lạnh ngắt như đồng...

5/ “Những khổ về tình yêu ly biệt”: trong ngoài gia đình cha mẹ anh em, vợ chồng con cháu giòng họ yêu mến lẫn nhau, một khi bị phá hoại lưu vong, mỗi người mỗi ngã, cha đông con tây, vợ nam chồng bắc, chia ly buồn khổ.

6/ “Những khổ về mong cầu chẳng được”: của mất cầu được lại, cầu quan, cầu giàu, khi khổ cực cầu đủ cách, nhưng cầu mãi nào dễ được đâu?

7/ “Những khổ về gặp kẻ oán ghét”: con người trong cảnh ái dục một việc nhỏ cũng vẫn tranh giành rồi do đó mà giết hại lẫn nhau gây thành oán lớn, tuy cố tình lánh mặt nhưng không nơi tránh thoát, chỉ còn nước mạnh ai nấy mài dao chuốt tên hại lẫn nhau, rốt cuộc đôi bên đều bị tổn hại.

8/ “ Những khổ về lo rầu khổ não”: người đời có sống lâu lắm cũng chừng trăm năm, trong đó hết năm mươi năm thuộc về ban đêm, năm năm say rượu hoặc bệnh tật là những năm bất tri nhân sự, mười lăm năm thơ ấu chẳng biết việc gì. Và qua tám mươi tuổi thời già nua hết trí tuệ, tai điếc mắt mù. Và giảm kiếp hai mươi năm nữa, cho nên chỉ còn mười năm mà thôi. Trong khoảng mười năm ấy, chỉ có lo rầu chiếm hết phần nhiều, lo rầu thời cuộc biến loạn, thiên thời nắng hạn, bão lụt mùa màng hư mất, bà con nội ngoại đau ốm, nghèo khổ. Lại còn lo sợ của cải mất mát, người nhà bị quan quân bắt bớ, vào tù ra tội, anh em bà con đi xa...
Như vậy người sống ở trên trần gian này, hầu hết thì giờ bỏ vào việc lo buồn mà phải bị hao tổn tâm thần rồi già chết.
Năm vị vua nghe xong đều thấm thía lời dạy của Đức Phật và tự nhiên thấy mình đầy rẫy tội lỗi (nhất là bốn vị vua theo tà đạo) đã được chân lý soi sáng và giác ngộ từ đây. Bá tánh từ đó mà an cư lạc nghiệp, biên cương yên tĩnh, quốc gia mỗi ngày thêm mạnh, hưng cường hơn trước.
***

3. DƯỚI BÓNG TỪ BI

Ngôi sao mai vừa lên chót đọt cao xa, thì đạo quân tiểu trừ của Đô Đốc họ Đào cũng vừa đến đầu cánh đồng Phượng Vĩ đang chìm đắm trong giấc ngủ mê say, lệnh bao vây đã truyền đi tức khắc.
Người ngựa câm lặng tràn đi dưới một bầu trời sao trong sáng... Đó là đạo binh của triều đình khét tiếng bạo tàn trên khắp núi rừng, thôn xóm của suốt bảy tỉnh miền Nam Trung, bạo tàn với tất cả những kẻ đã chống lại triều đình, chống lại nhà nước Bảo Hộ, tất cả dù là trong hàng vương tôn qúy tộc, hay ngoài tiện dân lê thứ là võ sinh, nho sĩ hay nông phu.
Bao nhiêu tiếng cười ngạo mạn đã tắt đi theo đầu rơi long lốc! Bao nhiêu cái thân trẻ ngang tàng ngã gục xuống dưới vó ngựa thanh trừng! Bao nhiêu mái tranh nghèo vô tội đã bốc lửa giữa đêm khuya.
Không ai đếm được bao nhiêu cảnh chết chóc đó trong bao nhiêu năm nay!
Cũng không ai đếm được thanh Ngân tuyền kiếm của Đô đốc họ Đào đã bao nhiêu lần đỏ máu của anh hùng trong thiên hạ!
Người ta bảo rằng viên tướng trẻ ấy chưa hề biết rung động trước một đôi mắt sầu ngập lệ , trước một tiếng thất thanh não nùng của người sắp chết hay trước một tiếng ré thét kinh hoàng của một đôi môi hồng mọng sữa. Hình ảnh ấy chỉ làm cho Đào bật tiếng cười hả hê, như mỗi lúc được nghe âm thanh ghê rợn của tiếng thép phập vào thân người.
Nhưng người ta cho biết rằng, Đào không bao giờ hả hê cả: hay là như chính Đào đã nghiến răng mà nguyền, là Đào chưa bao giờ hả hê được! Bởi vì Đào còn một mối phụ cừu chưa rửa xong!
Ngày nào thanh Ngân tuyền được vấy máu kẻ đại cừu, họa mới có thể là ngày Đào mới coi lại bàn tay tanh máu của mình...
Nhưng mà chao ôi! Nào có biết được ngày đó là ngày nào. Giữa thời ly loạn, ai kia như hạc nội mây ngàn, có dễ gì để cho Đào thanh toán được. Một thâm thù chẳng đội chung trời?
Cho nên, hận thù xưa, Đào vẫn trút lên đầu dân lành mấy cõi... Và đêm nay, vó ngựa tiểu trừ của Đào lại hướng về Phượng Vĩ thôn vô tội... Phượng Vĩ vẫn êm đềm say ngủ dưới trời sao, không hay biết vòng hung thần đang vây xiết chặt quanh mình.
Tiếng gà xao xác gáy, lẻ loi, rải rác...rồi lan đều khắp trong lòng thôn xóm... Vài tiếng trẻ khóc tu oa... Một giọng hát ru rười rượi... đứt quãng. Xa hơn, hình như ngay từ hướng gió heo mây, tiếng đại hồng chung công phu đang đi dần về sáng.
Lỏng tay cương, Đào khoanh tay ngồi im trên lưng ngựa. Hơi sương làm Đào chợt thấy lạnh.
Quay sang nhìn tùy tướng Đào hỏi:
• Đã chặt chẽ cả chứ?
• Bẩm đã.
• Cẩn mật chứ?
• Bẩm vâng! Và quân binh đang chờ tướng công hạ lệnh.

TIẾNG CHUÔNG NGÂN TRONG SƯƠNG MÙ

• Chưa vội! Hãy chờ đến sáng rõ. Này có ai từng biết Phượng Vĩ thôn?
• Bẩm mùa thu năm ngoái mạt tướng có đi ngang đây.
• À, Võ Nhân!... Thế ngươi biết tiếng chuông kia chứ? Của một ngôi chùa nào gần đây chăng!
• Bẩm vâng! Đó là Bạch Liên Tự. Và tiếng chuông ấy chắc hẳn là của Hòa Thượng Khổ Hạnh đang công phu...Băng tắt cánh đồng này, có thể đến đó mà không bị người hay biết...
• Tiếng chuông hình như vang từ một cao điểm... Bạch Liên Tự nằm trên một ngọn đồi cao có lẽ...
• Bẩm đúng thế! Chùa nằm trên chót đồi Bạch Liên.
• Đồi Bạch Liên! Nghe hay nhỉ! Ngươi có biết vì sao chùa có được cái tên đó chứ?
• Bẩm vì ngay trên trung tâm đỉnh có một cái hồ sen trắng đẹp vô ngần. Có lẽ bây giờ đã nở và đồi đã thơm hương...
• Thế à! Thì ta đến đó vậy! Ngươi cho lệnh ngựa lên trước đi.
Rồi ghìm giây cương Đào nói tiếp như nói với mình:
• Ngồi bên một ấm trà bốc khói trong lúc này hẳn là ấm cúng! Lâu quá rồi ta chẳng biết đến cái hương vị một chén trà mạn sen.
Tiếng đại hồng chung công phu vẫn ngân. Chuông ngân chầm chậm...rời rạc... đều đều... cho lời kinh trầm trầm, dìu dịu... của một vị sư có lẽ đã già.
Nhảy xuống yên, ném cương cho tên quân hầu, Đào bước vào cổng tam quan. Hương sen thoang thoảng quanh người mát rượi thơm tho. Đang đi Đào bỗng dừng lại, lặng ngắm cái đẹp hiển nhiên giữa lòng hồ vòng nguyệt trải rộng trước chân đi.
Quả như lời Võ Nhân, sen đã trổ đầy rồi. Trong ánh sáng mờ đục hơi sương, những cánh sen trắng ngần rung rinh đẹp như những nụ cười thanh khiết, đẹp như những chấm trắng linh động của những cánh chim trên nền trời hoàng hôn trong sáng. Đào lẩm bẩm:
• Lạ! Đồi cao thế này, mà lại tụ thủy được?
Nghe nói Võ Nhân vội đáp:
• Bẩm không phải! Hồ chỉ trũng sâu trong lòng đá, chứ không có mạch thủy. Nước lưng đầy theo mưa sa, nhưng nghe nói không hề cạn người ta bảo thế...Không rõ đó là công trình của hóa công hay của con người. Chỉ biết là nó đã có từ ngàn xưa, bao nhiêu đời trước khi ngôi chùa này có và trước khi có một vị hòa thượng biến nó thành một hồ sen bạch cho đến mãi bây giờ.
Đào gật gù... Rồi cùng với các tùy tướng. Đào đi vòng theo hồ để đến cửa chính Đào bỗng hỏi Võ Nhân:
• Pháp danh của vị Hòa thượng này là gì nhỉ, ta quên mất.
• Bẩm người hiệu là Khổ Hạnh!
• Ra sao?
• Bẩm, người quả là một bậc chân tu! Mạt tướng đã từng nghe người thuyết pháp. Chắc chắn là tướng công sẽ được hài lòng khi gặp người.
Võ Nhân bước lên các bậc cấp đá hoa, đến gõ nhẹ vào cửa. Và cửa mở khi tiếng gõ lần thứ nhì vừa dứt.
Một khuôn mặt đẹp dịu hiền của một ni cô hiện ra giữa khung cửa với ngọn nến hồng trên tay.
Đào sáng mắt nhìn trong lúc ni cô cúi đầu thi lễ:
• Mô Phật! Xin rước quý ngài vào trong... Hòa thượng người cũng vừa xong thời kinh công phu. Rồi trang nghiêm, người đứng về một bên chừa lối, tay giơ cao ngọn nến cháy chập chờn.

HẬN XƯA BỪNG CHÁY.

Tiếng chuông không rõ đã dứt tự bao giờ. Trước Phật đài, vị sư già đang đốt thêm một tuần hương. Khói thơm quyện lấy người, mờ tỏa màu áo cà sa và màu sáng của tượng Phật bằng đồng.
Đào cảm thấy ấm áp nhẹ nhàng...Mắt Đào thong thả nhìn cái dáng lưng gầy gò của sư cụ, qua những bức tượng màu, đến những nét chữ chân chữ thảo trên mặt hoành, mặt liễn. Rồi cuối cùng lại trở về lại cái lưng áo cà sa đã loãng khói. Sư cụ vẫn giữ nguyên tay giữa ngực, và ung dung quay lại. Nét mặt khắc khổ hiền từ, với cái nhìn dìu dịu buồn, sáng rõ dưới ánh nến.
Đang vừa muốn thi lễ, Đào bỗng giựt phắt người, tay đặt ngay vào chuôi gươm. Sư cụ không thấy cái khác lạ của khách. Cái trán cao của người đã cúi xuống với tiếng chào:
• Mô Phật!...
Nhưng một tiếng quát đã bật lên, ghê rợn như tiếng sét:
• Nguyễn Quốc!
Vị sư già giật mình trông thấy đôi mắt sáng như hai tia lửa liền ngửng vội lên đăm đăm. Xung quanh, bao nhiêu ánh mắt cũng ngửng lên, lạ lùng nhìn Đào rồi nhìn sư cụ.
Đôi môi già bỗng lẩm bẩm:
• Đào Kim Vũ?!...
Nghe được, Đào bật lên một tràng cười điên dại, rồi lại tắt ngay, răng nghiến vào nhau trèo trẹo:
• Oan gia!... Oan gia!... Quả trời cao có mắt.
Thanh Ngân tuyền được rút phắt ra, mũi thép sáng ngời tiến chầm chậm đến ngực áo ca sa. Một tiếng kêu hốt hoảng bật khẽ từ bên cạnh.
Đó là tiếng của Võ Nhân. Và một tiếng rú từ trước mặt, giữa khung cửa vào hậu liêu. Đó là tiếng của Ni Cô.
Nhưng Đào không lệch mắt nhìn, mũi Ngân Tuyền vẫn không lệch đích đi... Tiếng rít Đào vẫn đanh đá, dữ tợn:
• Chính ta đây, Nguyễn Quốc!... Đào Kim Vũ này đã tìm người khắp bốn phương trời, trong suốt năm năm nay... Ta đã ngỡ... Ha... Ha! Trời đã giúp ta! Hồn thiêng của thân phụ ta đã giúp ta!... Nguyễn Quốc! Nguyễn Quốc!... Đào lại bật lên cười như điên dại.
• Mô Phật! Công tử đã không lầm, Nguyễn Quốc chính là bần đạo!
Đào dừng chân, và tắt tiếng cười, sòng sọc nhìn cái vẻ điềm nhiên trên nét mặt già khắc khổ của cừu nhân. Điềm nhiên cả giọng nói trầm buồn, như đang ngồi trước một chén trà thơm khói, nhà sư nói tiếp.
• Bao năm nay quả bần đạo không chờ có một ngày nay...
• Không chờ...! Hừ!... Để mà yên thân làm một tên ác tăng dối đời gạt chúng!...
• Đức Thích Ca Mâu Ni sẽ soi sáng cho Phật tâm của bần đạo!... Nhưng giờ đây cái ngày này đã đến, thì bần đạo vui lòng để công tử rửa mối thâm cừu...
• Vui lòng! Vui lòng!... Đừng tỏ ra cái khí phách vạn bất đắc dĩ ấy với ta! Bẩn tai ta lắm!... Này thanh gươm này của ai ngươi nhớ chứ?
Mũi Ngân tuyền ghim sát vào ngực áo gầy, hơi thép rờn rợn lạnh.
Lại một tiếng rú khẽ từ trước mặt, giữa khung cửa vào hậu liêu. Nhưng ở đây gương mặt vẫn không đổi sắc. Vẫn điềm nhiên ở giọng nói:
• Bần đạo chưa quên! Nó chính là người bạn đường oanh liệt của cánh tay này trong suốt một thời gian ngang dọc. Nhưng trong bao năm nay lại cũng chính nó đi đẫm máu dân lành... Thân này chết, nếu còn có điều gì ân hận, thì chính là điều đó...
Đào gầm lên:
• Câm đi!... Oanh liệt!... Thu tay gươm, Đào quay lại đám tùy tướng hạ lệnh:
• Bắt sạch tất cả người của thôn xóm Phượng Vĩ lên đây cho ta.
• Tuân lệnh!
Người tùy tướng vừa muốn quay ra, bỗng phải dừng lại vì tiếng kêu của Khổ Hạnh Hòa Thượng vội vàng:
• Xin đừng!... Xin công tử đừng làm thế mà kinh động dân lành tội nghiệp!... Bần đạo xin trả thân già để công tử gia hình nhưng xin đừng hành hạ người vô tội mà bần đạo không nhắm mắt được... Công tử có muốn họ chứng kiến cái chết của bần đạo cũng được, nhưng xin để cho bần đạo gọi họ... khỏi phải nhọc sức quân binh... Rồi không chờ đợi Đào bằng lòng, sư cụ quay lại gọi:
• Diệu Liên!
• Mô Phật!
• Con ngân đại hồng chung cho tất cả chúng dân biết rằng ta đang cần gọi họ về chùa...
• Mô Phật!
Diệu Liên Ni cô bủn rủn bước đi với đôi mắt ướt long lanh...
Đào và tướng tá đứng quanh không một lời nói.
Cảnh tượng ghê rợn làm sao!
Riêng Võ Nhân cúi đầu suy nghĩ...

MÓN NỢ XƯƠNG MÁU

Dưới thôn xa, gà đang rộ tan canh... Tiếng Khổ Hạnh Hòa Thượng vẫn đều đều, trầm trầm thanh thản như những khi người thuyết pháp...nhưng lại không giống như người thuyết pháp...
Hòa Thượng đã kể rằng:
• “Vào một sớm cách đây bảy năm, cùng cái tin Đức Vua Duy Tân rời Hoàng Thành đi biệt tích, là tin lãnh binh Đào Kim Văn bị giết ngay cửa thành nội...
Cái tin kia đã làm xúc động toàn cả Huế Đô bao nhiêu thì cái tin này, đã khiến phần đông người kể cả dân chúng lẫn quân binh hài lòng bấy nhiêu.
Bởi vì người ta biết mục đích sự ra đi của Đức Vua Duy Tân! Và bởi vì, Văn không được lòng dân lúc sống. Tuy nhiên, người ta đã phân vân không rõ vì sao Văn bị giết? Và ai là người giết Văn?
Nhưng rồi sau đó người ta biết: Kẻ giết Văn chính là Nguyễn Quốc, một bằng hữu thân thiết đồng cấp với Văn trong một đạo quân phòng thành! Biết chính là Quốc, bởi vì gần nơi Văn chết không xa, người ta tìm thấy thanh gươm Ngân Tuyền của Quốc rơi lại. Người ta
chỉ biết có thế, chứ cái lẽ vì sao Quốc giết bạn, thì chưa mấy ai được rõ... Cái lẽ đó như thế này...
Bình sinh chí hướng của đôi bạn một người một khác, Văn thân Pháp, Quốc chống Pháp. Nhập vào đội quân thành Quốc chỉ vì đại cuộc. Đêm đó vâng mật lệnh của chí sĩ họ Trần, Quốc sẵn sàng trông giữ cửa thành để hộ giá Đức Vua Duy Tân lìa Hoàng cung...
Đó là giờ phút quan trọng của lịch sử... Cả một khối dân tộc đang chờ giờ phút ấy... Thế mà buồn biết chừng nào! Văn đã không muốn biết đến, mà còn dụng tâm phá hoại.
Quốc gặp người nghinh giá bên cửa thành ngay lúc vô tình hay cố ý, Văn bỗng đột ngột đến, để rồi chỉ một thoáng nhìn, Văn hiểu ngay được âm mưu của Vua tôi - Quốc. Và tất nhiên, Quốc được lệnh phải bảo vệ cho kỳ được cái kín nhẹm của mưu đồ. Linh hồn của một phong trào chống Pháp, nhất định phải được an toàn, và nếu cần, Quốc không ngại chịu xương rơi thịt nát.
Cuối cùng, chỉ còn Quốc, một người một gươm đối diện với Văn... Hai người như một nhưng chí hướng khác nhau.
Quốc biết việc làm của mình rất khó: “Nhiệm vụ và nghĩa tình” Cho nên Quốc đã rơi nước mắt mà khuyên Văn theo mình nghe theo lời phủ dụ của Đức Vua Duy Tân.
Văn không thuận nghe cũng không tỏ ra phản nghịch. Nhưng cuối cùng, Văn chạy vụt đi... Và rồi điều đau lòng đã phải xảy ra, Quốc phải rút gươm và gươm Quốc phải nhúng vào máu Văn... Cũng chỉ vì đại cuộc của dân tộc!
Khổ Hạnh Hòa Thượng ngưng nói, nhìn bao quát tất cả. Người cảm biết những nét mặt lo âu kia, đã hiểu được phần cuối cùng của sự việc. Và có lẽ họ cũng đã hiểu được điều gì xảy ra trong sớm nay, trước khi mặt trời lóe mọc. Tuy vậy người cũng nói, sau một cái hướng mắt về phía Đào:
• Đề Đốc Đào Kim Vũ chính là công tử đây! Và Nguyễn Quốc chính là bần đạo, cho nên bên cạnh cái đau lòng vì phải tan vỡ cái nghĩa tình trong suốt bảy năm nay, lương tâm của bần đạo đã không có cái ân hận nhục nhã đối với dân, đối với nước, bần đạo cũng không thẹn, không hổ khi khoác chiếc áo cà sa, khi niệm lên lời kinh Đại Từ Đại Bi trước Phật Đài, thẹn chăng, hổ chăng là bần đạo đã đi liệm phần cuối cùng cuộc đời mình trong an nhàn, cạnh một mối sầu vong quốc không tan!... Cho nên trước khi đem cái chết để giải một oan cừu, bần đạo xin mượn lời người xưa để gởi lại đời những nỗi niềm không bao giờ nói... Rồi lại quay về Diệu Liên, người nhẹ bảo:
• Nghiên bút cho thầy!...
Trong khoảnh khắc, vách chùa hồng lên những giòng thơ sắc nét ngang tàng.

LẠI THÊM MỘT CHIẾC ĐẦU RƠI

Đào đứng im lặng nhìn. Nét sát khí như dịu đi trên gương mặt trẻ. Từ nãy, Đào đã nghe có cái gì gợn nhẹ trong lòng. Và trong một thoáng Đào như quên đi việc phải làm, quên đi những điều đã gậm nhấm đêm ngày.
Nhưng chỉ một thoáng, chỉ một thoáng, hình ảnh đẩm máu cái thân của cha hiện rõ trước mắt... Oán cừu lại nổi giận... Mặt Đào lại nóng lửa sát khí... Đào thét:
• Thôi đi! Kẻ khẩu Phật tâm xà! Đừng nhiều lời để mong ta tha thứ! Ngươi phải chết!...
Lưỡi gươm hoa lên theo tiếng nói.
Tất cả như toàn thân ớn lạnh...
Nhưng Võ Nhân đã bước tới nâng lưỡi gươm, cùng với tiếng vội vàng:
• Xin tướng công cho mạt tướng được nói ít lời! Đào dừng tay, long mắt:
• Ngươi muốn gì?
Võ cuối đầu đáp:
• Bẩm, mạt tướng chưa bao giờ dám hé lời mỗi lúc tướng công rút gươm ra khỏi vỏ.
Nhưng hôm nay...
• Thì sao?... Ngươi ngăn ta chăng?
• Bẩm không! Mạt tướng không dám thế! Mạt tướng chỉ cầu xin tướng công xét lại... Không hiểu vì sao... bẩm tướng công, nói điều này mạt tướng biết sẽ chịu ngay sấm sét, búa rìu, nhưng xin tướng công thương, chứ quả tình, không hiểu vì sao mạt tướng lại cảm thấy Khổ Hạnh Hòa Thượng đáng kính hơn đáng hờn.
Đào quát ngay:
• Im đi! Ngươi lại có thể kính được kẻ đã giết cha chủ tướng ngươi sao? Lui đi đừng điên cuồng nói với ta những lời bất hiếu bất mục mà chết bây giờ!
Võ vẫn một giọng van nài:
• Xin cho mạt tướng cạn lời...
• Ta bảo im!... Có nghe chưa?
Đào bỗng nghiến răng... Và chớp mắt, vung mạnh một đường gươm không thương xót...
Người ta chỉ kịp nhìn thấy cái đầu trai trẻ của Võ băng đi và rơi bõm xuống lòng hồ sen bạch.
Một khoảng hoa lá rung rinh... Một ít máu hồng vương trên nhụy vàng cánh trắng... Và khối thịt của Võ văng đi lăn lông lốc trên các bực thềm... Bao bàn tay bụm lấy mặt.
Trời sương hải hùng, nức nở... Máu đã tuôn trên thôn Phượng Vĩ, và lệ sầu còn tuôn mãi nhiều hơn.
Diệu Liên Ni Cô đã quỵ xuống tự bao giờ, toàn thân rung rung trong lớp áo nâu sồng.
Và Khổ Hạnh Hòa Thượng cũng đã quỳ xuống! Mấy giọt nước mắt long lanh, nâng cái hình hài tắm máu lên tay thảm thiết:
• Mô Phật! Thân này của bần đạo có đáng gì để phải lụy đến người!... Có đáng gì!...
Đào vẫn như không nghe thấy gì cả với đôi mắt đỏ ngầu sòng sọc. Hết nhìn bọn tùy tướng len lét cúi đầu, Đào lại nhìn đám dân đen đang bàng hoàng trong nước mắt. Và Đào quát giọng gằn gằn ghê gớm:
• Còn kẻ nào nữa? Muốn điên cuồng chết thế cho kẻ kia thì bước ra ta xem?...
Thâm tâm Đào tự cho đó là câu hỏi thừa. Nhất định là không có đến hai kẻ cuồng như Võ Nhân. Nhưng kia... Đào giật mình, nhìn một mái tóc già, một lưng khọm bước ra với một tiếng lạnh lùng.
• Tôi!
Không nói không rằng, Đào tím mặt nhảy vụt xuống bờ hồ vòng nguyệt.
Nhưng vừa đứng vững, Đào bỗng giật mình quay lại.
Ni cô Diệu Liên cũng đã đứt phắt dậy, và cũng với một tiếng lạnh lùng.
• Tôi!
Đào quắc mắt nhưng chân mày Đào cau lại. Giữa lúc Khổ Hạnh Hòa Thượng vội thẳng người dậy vươn tay về phía trước, như cản ngăn:
• Mô Phật! Đừng! Đừng! Hãy để cho linh hồn bần đạo nhẹ nhàng siêu thoát.
Rồi hướng về phía Đào người nói:
• Hãy giết tôi đi! Công tử! Và hãy tha cho những người vô tội, chao ôi! Đức Phật tổ vì người mà xả thân... Còn kẻ hèn này lại để cho người vì mình mà uổng tử!... Biết bao giờ!... Biết bao giờ ta mới được trả cho tròn!...
• Ngươi muốn gì nữa?
• Không! Không! Bần đạo không còn muốn gì nữa, ngoài cái muốn đem thân này để giải mối oan gia cho hai họ... Vì dân vì nước mà bần đạo gieo cái nhân thì bây giờ gặt cái quả, bần đạo cũng muốn vì dân vì nước... là mãn nguyện cho bần đạo lắm rồi! Công tử hãy cứ xuống tay đi, cho bần đạo khỏi còn rơi nước mắt và cho khỏi đổ thêm máu dân lành.
• Ngươi khỏi cần nài!... Nhưng ta muốn ban cho ngươi một ân huệ cuối cùng, để thiên hạ thấy rằng ta độ lượng khi giết một kẻ tay không...
• ....
Đào thu gươm lại, dằn dằn từ tiếng:
• Sám hối đi!... Ta cho ngươi một khắc cuối cùng để mà dọn mình...
• “Đại từ đại bi mẫn chúng sanh Đại hỷ Đại xả tế hàm thức Tướng hảo quang minh dĩ tự nghiêm Ngã đẳng chí tâm quy mạng lễ” Boong!...
Nam Mô Quy Y Kim Cang Thượng sư... Boong!...
Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng ...Boong!...
Tiếng chuông đồng sám hối ngân trong gió sớm, buồn như tiếng thở dài không bao giờ dứt... Và lời kinh sám hối trên đôi môi già ướt lệ, cũng buồn như một lời than não nùng...
Khổ Hạnh Hòa Thượng cảm nghe lòng mình cũng đang ngân hồi nức nở. Chưa bao giờ người nghe mình đau đớn trong thời kinh sám hối như hôm nay. Cũng chưa bao giờ với lời kinh này, tiếng chuông này, người lại nghe cái nguyện vọng cảnh tỉnh của mình tha thiết như hôm nay! Và tất cả người dân Phượng Vĩ, cũng chưa bao giờ như hôm nay lại nghe lòng mình ấm ức nghẹn ngào, vì một âm thanh đồng vọng, cái âm thanh của hai buổi sớm chiều quen thuộc...
Diệu Liên Ni Cô nghe đau nhói theo từng mỗi tiếng đồng...
Ni cô cảm nghe, đó là tiếng đếm của tử thần đang lăm le lưỡi hái... Người cảm thấy nó sẽ giơ lên và nó sẽ hạ xuống... ghê gớm trên tấm thân già của sư phụ khi tiếng đếm cuối cùng vừa dứt... Than ôi! Suốt bốn năm đằng đẵng, công ân dẫn dắt qua khỏi vòng nghiệp chướng tham, sân, si... Công ân truyền dạy lẽ cứu đời... nào biết là bao nhiêu?
Giờ đây không thể không đền đáp! Không thể không giữ cho tấm áo cà sa kia của sư phụ đừng vấy máu! Boong!
• Xin ngài hãy giết tôi! Hãy giết tôi!... Và xin tha cho một công đức tuổi tác để người sống nốt quãng đời đạo hạnh của người!... Van ngài... Van ngài bằng lòng đi đừng để đến dứt tiếng chuông cuối cùng...
Bờ mi đẹp đọng lệ long lanh, như sương tươm đầu lá ướt.
Đào nhìn vào đó chân mày cau lại. Rồi bỗng quay đi, răng cắn lấy bờ môi... Nhưng mắt Đào lại vấp phải trăm ngàn bờ mi khác cũng đang đọng lệ long lanh.
Và từ nơi đó, và khắp cả rền lên những lời cầu nguyện tha thiết:
• Mô Phật xin hãy thoa dịu hờn căm trong lòng người, xin đừng để... đừng để máu rơi thây ngã... Đừng để cho oán thù truyền kiếp chất chồng.
Đào quay mặt đi cố giữ cho lòng không rung động. Nhưng cái hình hài không đầu chưa khô máu lại đón mặt Đào. Đào nhìn thấy từ nơi đó... từ khắp cả, từ trên mỗi lòng hoa, mặt lá, hiển hiện đôi mắt sầu ai oán của Võ... Những đôi mắt sầu ngập lệ khác... Những lời than não nùng, những tiếng thét kinh hoàng, những đầu rơi lông lốc, những hình hài máu đỏ... Chao ôi sao mà thê thảm thế này! Sao mà ghê tởm thế này! Và những lời kinh, những tiếng chuông kia! Oan hồn nức nở đó chăng?
Bất giác Đào rùng mình, có cái gì ớn lạnh luồn nhanh trong đường gân thớ thịt... Và thanh Ngân tuyền rời khỏi bàn tay đang nắm. Trong kia, qua khói trầm xao động, tượng Đức Thích Ca buồn rầu ánh mắt, Đào thấy như đang đau xót nhìn mình.
Không còn kềm chế được nữa, xúc cảm dâng tràn... thổn thức. Đào ngoảnh mặt quay ra... Rồi giữa tiếng đại hồng chung vừa vang dậy, Đào chạy vụt đi ra cửa tam quan... lệ mờ đất sớm... Từ đó bóng Đào biệt tích.
Mười năm sau, những ai thường đi ngang qua thôn Hoàng Mai yên lành ở cuối dãyTrường Sơn đều biết vị Hòa Thượng trụ trì am Đại Hạnh. Người còn trẻ, da mặt hồng hào mặc dù trải bao nhiêu năm tu khổ hạnh. Không ai biết người từ đâu đến tên thật là gì ngoài pháp danh Giác Minh. Đạo Hạnh của người đã truyền tụng cả một vùng rộng lớn.
Người ta kể rằng:
• Giác Minh Hòa Thượng đã từng cởi áo cà sa của mình đắp cho một người ăn xin nghèo đói đang run rẩy bên đường. Người đã từng thức trắng bao nhiêu đêm để dỗ giấc ngủ, Người đã từng nắm lấy tay cày, cày giúp cho một quả phụ nghèo, mảnh ruộng cao cằn cỗi bên đồi. Những đêm khuya tăm tối, dù giữa trời giông gió, dù dưới cơn rét tận tâm can, hay mưa dầm gió buốt, người ta vẫn thấy một ánh đuốc lập lòe của Hòa Thượng xuống đồi đi lần vào lòng thôn xóm đang cần đến người... Và không biết bao nhiêu lần nữa... Mọi việc người làm để cứu nhân độ thế, chưa từng có một ai tích cực bằng.
Người thường nói rằng:
• Tội lỗi ngày xưa của bần đạo rộng như Đông Hải, nặng như núi Trường Sơn, bốn đại dương nước mắt của chúng sinh quả đã có bàn tay của bần đạo làm nên trong đó không ít, thì khổ hạnh mười năm nào có nghĩa gì?... Cho nên đêm đêm, giữa thảo am chập chờn ánh nến khói hương tỏa mịt trước Phật Đường, lời kinh sám hối của người vẫn buồn như một lời than não nùng.
Và cùng với lệ nến, nước mắt của người chảy mãi không ngừng...

Pháp Siêu Nguyễn Thanh Dương
Trích từ: Chùa Hương Sơn
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét