Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Truyện Cổ Phật Giáo: 4. Đâu Nguồn Hạnh Phúc - 5. Cư Sĩ Duy Ma Cật - 6.Trúc Sơn Thị Giả




4. ĐÂU NGUỒN HẠNH PHÚC

Ánh tà dương rực sáng, vui tươi, lan rộng giữa khoảng trời xuân êm ả. Gió muôn phương thổi lại, đem hương hoa về ướp thơm cảnh vật nơi vùng tịnh xá Kỳ Hoàn. Cỏ cây làng mạc đượm vẻ thái bình trong buổi chiều hôm.

Giữa khung cảnh tươi đẹp ấy, có bốn thầy Sa Môn mới nhập đạo cùng ngồi đàm luận dưới gốc cây cổ thụ. Một vị sa môn lên tiếng bảo:

• Này các đạo huynh, thử nghiệm xem trên đời có chi đáng yêu thích nhất?
Ba vị kia tán thành khen:
• Phải đó, chúng ta mỗi người nên suy nghĩ rồi tỏ thật tư tưởng của mình xem đằng nào hơn. Sau vài phút trầm ngâm, 

Vị thứ nhất bảo:
• Vào tiết trong Xuân, cây cỏ khoe tươi, muôn hoa cười nụ, tiếng chim líu lo trên cành bích, hương thanh phảng phất khắp khắp nơi, phong cảnh thật là đẹp! Trong lúc ấy ví ta được thả con thuyền nhẹ theo giòng nước hay mang theo bầu rượu đến sườn non, chắc trong đời không chi thích thú bằng!

Vị thứ hai đáp:
• Cảnh gia đình sum họp vẫn là vui. Nhưng nếu có thêm vào đấy những thức ngon, rượu qúy, và tiếng đàn ca khoan nhặt lẫn trong tình thân mật nét hân hoan, thì tôi thiết tưởng hạnh phúc trên đời chỉ có trong ngần ấy.

Vị thứ ba nói:
• Tôi thấy: Nếu ta được sinh trong dòng tôn quý cao sang ở lầu cao nhà rộng, sẵn tiền bạc nhiều, ta muốn mua sắm món gì cũng tùy thích. Khi ra đàng ta phục sức cực kỳ sinh đẹp, xuống ngựa lên xe. Lúc vào nhà ta gọi đến lắm kẻ kính thưa hầu hạ. Trong cảnh ấy, thử hỏi chi hơn? Theo ý tôi đó là thú vui độc nhất.

Vị thứ tư lại bảo:
• Giữa đời, tiền bạc, quyền tước có lẽ còn dễ tìm hơn gia nhân, riêng về tôi nếu người nào có được đôi ba nàng hầu, thiếp tuyệt sắc, kẻ ấy vua chúa chưa chắc đã sánh bằng! Còn thú gì vui hơn... Khi ngắm nét hoa tươi đẹp buâng khuâng dường lạc non bồng, lúc nghe giọng hát du dương ngơ ngẩn như vào động bích. Lại còn những lúc cùng người ngọc bàn câu phong nguyệt, cạn chén, đồng tâm, chắc rằng hạnh phúc giữa trần hoàn không qua mấy điều tôi đã kể. Sau khi tỏ bầy ý kiến, bốn vị đều cho chỗ nhận xét của mình là đúng, cùng nhau tranh luận phân vân...

Bấy giờ, cách đấy không xa, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đang đi kinh hành chung quanh Kỳ Hoàn Tịnh Xá, nghe mấy lời ấy, Ngài động lòng thương xót liền bước đến hỏi: “Các ông bàn luận chuyện gì thế?” Bốn vị Sa Môn không dám che dấu, phải đem sự thật thưa lên.

Đức Phật bảo: “Những lời mà các ông vừa nói đều là đường lối vào sự lo sợ, đau buồn, không phải hạnh lâu dài chân thật. Vì sao? Cảnh vật dầu tươi đẹp trong mùa xuân, nhưng sang thu, đông phải tàn tạ héo khô... Thân quyến tuy sum họp, vui cười song có lúc sẽ khổ đau vì nỗi sinh ly tử biệt. Tiền của, ngựa xe là những vật không lâu bền, và khi chết ta không thể đem theo. Đến như sắc dục là một mối nguy hiểm vô cùng, nó làm cho con người, thân thể suy mòn, tinh thần mờ mệt. Những cảnh hư nhà hại mạng phần nhiều từ đấy sinh ra.

Bởi vậy, cuộc đời sớm còn tối mất như bóng phù du, như hoa sớm nở tối tàn, như gió thoảng mây bay. Tuổi xanh đưa lần đến già, sống đến chết mới đó như giấc mộng kinh hoàng; sum họp rồi lại chia ly, thú vui không bền vững, hạnh phúc chẳng trường tồn. Thật là:

“Đời người chẳng khác như vầng trăng tỏ
Lại ví như hoa nở tỏa hương lan
Nhưng trải qua thời gian chưa mấy độ
Rồi phôi pha trăng lặn đóa hoa tàn”

Cho nên bao thú vui các ông vừa kể đã mong manh, ngắn ngủi, lại chính là nguyên nhân cho sự luân hồi đau khổ về sau. Chỉ có cảnh Niết Bàn là sáng suốt trường tồn. Đây mới là nguồn hạnh phúc bền vững. Muốn đến cảnh tây phương cực lạc để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, các ông phải thực hành và đi theo con đường bát chánh, con đường ấy có tám chi là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Bốn vị Sa môn sau khi lắng nghe lời Phật thuyết, liền sám hối khỏi tham dục, gương lòng lặng yên. Khi Đức Thế Tôn trở gót bước đi, không ai bảo ai, bốn người đều ngồi thẳng mình để tâm vào cõi thanh nhàn, vắng lặng.

Chúa dương từ từ đi thẳng xuống phương đồi xa thẳm. Dạ thần cũng bắt đầu rũ màn âm u trên vạn vật.Giữa khoảng trống của hai quả núi bên chân trời tây bỗng lộ ra nhiều vết mây hồng rực rỡ tạo nêm một vẻ đẹp huyền ảo thần tiên. Cũng trong lúc ấy, khi ánh sáng đời sắp tắt, ánh sáng đạo lại bật chiếu rạng rỡ nơi tâm tư của bốn vị Sa Môn. Trong một buổi chiều xuân họ đã tìm thấy nguồn hạnh phúc bất diệt, trời xuân của ly dục, của chứng ngộ đạo Bồ Đề.
***

5. CƯ SĨ DUY MA CẬT

Tại thành Tỳ Đa Ly, có ông Cư sĩ tên là Duy Ma Cật, ông giỏi biện tài, có thần thông trí tuệ đầy đủ, phương tiện thông suốt, trọn thành đại nguyện.

Vì hiểu rõ tâm xu hướng của chúng sinh, nên có thể phân biệt căn cơ lanh chậm. Ông vì mục đích muốn độ người nên mới dùng phương tiện ăn ở trong thành, ông giàu có của cải vô lượng, thường giúp dân nghèo. Ông phụng trì giới cấm chẳng hủy phạm; thủ chí nhẫn nhục mà chẳng giận dữ, tinh tế mà chẳng biếng nhác; nhất tâm thiền định mà chẳng loạn ý, dùng quyết định trí huệ mà nhiếp phục kẻ vô tri.

Tuy là người tại gia mà tu luật hạnh Sa Môn thanh tịnh. Đọc các kinh ngoại đạo mà lòng chánh tín chẳng sờn, học các sách thế gian mà vui Phật pháp.

Ông hay đi dạo bốn cửa thành để lợi ích cho chúng sinh. Vào trong giảng đường giảng dạy đạo pháp. Vào trong học hiệu dạy dỗ trẻ em, vào trong dâm xá chỉ rõ tội lỗi dâm dục; vào trong quán rượu dạy dùng phải lẽ.

Khi tiếp các trưởng giả vì nói thắng pháp, tiếp cư sĩ khiến đứt tham đắm, nghinh tiếp vua chúa giáo hóa nhẫn nhục, tiếp Bà La Môn khiến trừ ngã mạn, tiếp quan đại thần giáo hóa chánh pháp, tiếp các vương tử dạy điều trung hiếu, tiếp các nội quan diễn nói chánh pháp, tiếp xúc với thứ dân dạy nên tu phước lực... làm lợi ích chúng sinh rất nhiều.

Bấy giờ cư sĩ mới thị hiện bằng cách dùng phương tiện đau ốm. Thế là Quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ... đều đến thăm bệnh. Nhơn đấy, cư sĩ có dịp rộng thuyết Đại pháp cho các kẻ kia.

Đức Phật ở xa hay tin Duy Ma Cật lâm bệnh ngài mới đòi Xá Lợi Phất đến bảo:
• Ngươi qua thăm bệnh Cư Sĩ.
Xá Lợi Phất thưa:
• Tôi không dám đi vì có một hôm nọ lúc tôi đang ngồi thiền dưới cội đại thọ trong rừng chợt Cư Sĩ đến bên tôi thình lình bảo:
• Xá Lợi Phất! Hà tất phải ngồi thiền nơi đây, lẽ phải ngồi thiền cả Tam giới mà chẳng hiện thân ý, chẳng khởi diệt tận định mà hiện các oai nghi, chẳng bỏ đạo pháp mà hiện sự việc phàm phu, đối với các kiến chấp chẳng bị lay động mà tu ba mươi bảy phần trợ đạo; chẳng dứt phiền não mà vào Niết bàn. Làm được như trên mới chính là ngồi yên trên tòa mà thiền định. Bạch Thế Tôn! Sau khi nghe ông nói tôi không thể đáp được một câu cho nên nay tôi không dám qua thăm bệnh.

Đức Phật cho đòi các ông: Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên, A Na Luật, Ưu Bà Dy, La Hầu La, và A Nan là mười vị đại đệ tử cũng đều từ thác bất kham vì đều đã bị những trường hợp tương tợ như Xá Lợi Phất.

Đức Phật lại cho mời đức Di Lặc đến thì Đức Di Lặc vẫn từ rằng:

• Tôi cũng bất kham vì ngày trước lúc tôi mới nói ba bậc bất thối chuyển thì cư sĩ Duy Ma Cật đến bảo:

• Di Lặc! Tôi vừa nghe ngài được Đức Phật thọ ký cho sẽ thành Phật. Vậy ngài sẽ thành Phật vào đời nào? Quá khứ vị lai, hay hiện tại chăng? Xét ra quá khứ qua rồi vị lai chưa đến mà hiện tại thì chẳng trụ; như vậy ba đời đều tìm chẳng được? Nhưng vô sanh là chính vị, mà đã chính vị là trung ương thì đâu còn có thọ ký gì nữa? Hay là như tánh mà thọ ký chăng? Lại cũng không được vì tất cả chúng sinh đều như tánh, cho nên khi ngài được thọ ký thì tất cả chúng sinh cũng được thọ ký, tại sao? Vì tất cả chúng sanh là tướng Bồ Đề vậy. Nếu ngài được Niết Bàn thì tất cả chúng sinh cũng được Niết Bàn, tại sao? Vì tất cả chúng sinh rốt ráo vắng lặng là tướng Niết Bàn, mà tướng ấy là bất sinh bất diệt rồi vậy. Sau khi nghe ông thuyết một hồi tôi cũng chẳng đối đáp gì được. Cho nên tôi cũng bất kham.

Đức Phật cho mời ngài Văn Thù Sư Lợi đến và bảo thay Ngài đi thăm bệnh Cư Sĩ. Tất cả đại chúng đều nghĩ: Nay Văn Thù Sư Lợi cùng Duy Ma Cật gặp nhau chắc hai đại sĩ sẽ đàm luận đạo pháp nhiệm mầu. Thế là cả Đại chúng tùy tùng với Văn Thù, vào thành Tỳ Đa Ly.

Cư Sĩ đã biết trước ngài Văn Thù Sư Lợi thừa lệnh Đức Phật sẽ đến thăm mình nên ông cho những người nhà và thị giả đều lui hết, trong nhà trống trơn chẳng còn một vật gì cả chỉ còn một cái giường đủ ông nằm thôi.

Cư Sĩ vừa thấy Ngài Văn Thù liền nói:
• Văn Thù Sư Lợi! Là tướng chẳng đến mà đến, tướng chẳng thấy mà thấy.
Ngài Văn Thù đáp:
• Cư Sĩ! đến rồi thì chẳng đến, đi rồi lại chẳng đi. Đoạn ông nhập đề:
• Cư Sĩ! bị bệnh chi, có dễ chịu không? Bệnh tăng hay giảm? Đó là lời ân cần của Đức Thế Tôn gởi thăm Cư Sĩ. Ông lại hỏi tiếp: Vậy chớ bệnh của Cư Sĩ do đâu mà sinh?
• Bệnh tôi do ái mà sinh, vì tất cả chúng sinh bệnh nên tôi mới bệnh, nếu tất cả chúng sinh không bệnh thì bệnh tôi cũng lành. Xin mời Ngài xem: Bồ Tát đâu chẳng phải không bệnh vì chúng sinh ra vẫn còn tử là phải bị tật bệnh.

Nhưng nếu chúng sinh không bệnh Bồ Tát cũng không tật bệnh gì. Ví như trưởng giả có một chút con trai mà cậu con trai bị bệnh, thì ông bà trưởng giả kia cũng muốn bệnh theo, bệnh của Bồ Tát bởi lòng từ bi mà sinh.

Sở dĩ Cư Sĩ Duy Ma Cật mà thông suốt được như thế là nhờ ông ta đã thành tựu được trí lực Ba La Mật vậy.
***

6.-TRÚC SƠN THỊ GIẢ

Thuở xưa ở thành Xá Vệ tại ngôi chùa nọ có một thị giả tên Trúc Sơn trước khi xuất gia lúc thiếu thời là một người thợ đóng giầy, tật hay biếng nhác không tu dưỡng học hành gì cả chỉ lo giúp đỡ cho vị sư trưởng. Các vị khác dạy cho học thêm cũng lười biếng. Một hôm Sư Trưởng và các vị tăng tại chùa đi trai tăng cầu an tại một làng xa. Cùng ngày ấy sa giá của vua cùng một số quần thần văn quan thừa tướng đi kinh lý qua chùa, nhân dịp ấy vua vào viếng chùa luôn thể, vốn dĩ đức vua cũng là môn đệ của nhà Phật nên rất thông hiểu giáo lý của PHẬT PHÁP, vì không có ai nên thị giả của sư trưởng phải tiếp phái đoàn vua quan, sau phần lễ sơ kiến và NAM MÔ PHẬT thị giả kia không nói lời nào cả, thật ra thị giả chẳng biết lời nào để nói, đành phải cúi đầu chào đạt ý. Nhà vua thì trông thị giả cũng không đạt lời mà diễn ý bằng tay như sau:

• Vua đưa tay chỉ trên trời.
• Thị giả lắc đầu và đưa tay chỉ xuống đất.
• Vua đưa tay chỉ trước bụng.
• Thị giả lắc đầu và đưa tay chỉ sau lưng. Quần thần thừa tướng văn quan cao cấp nhìn thấy sau hai lần diễn ý, vẻ mặt đức vua hiện rõ lên nét thán phục.
• Tiếp tục vua lại đưa lên bốn ngón tay.
• Thị giả lắc đầu và đưa mười ngón tay.
• Vua lại đưa ba ngón tay.
• Thị giả lắc đầu đưa một ngón tay.
• Vua sụt xuống còn lại hai ngón.
• Thị giả cũng lắc đầu và đưa một ngón tay.

Lúc đó vẻ mặt vua tỏ vẻ kính phục và nể trọng vị thị giả quá mức liền quỳ gối xuống lạy ba lạy làm cho tất cả quần thần đi theo từ tể tướng trở xuống ai cũng qùy sụp lạy theo cả.
Lạy xong, vua chưa đứng lên, sẵn còn quỳ vua đưa ngón tay vẽ những vòng tròn nho nhỏ dưới đất trước mặt, rồi ngước lên nhìn thị giả lộ ý để hỏi? Thị giả liền ngồi xuống đưa tay vẽ những vòng tròn nho nhỏ rồi bắt đầu những vòng tròn lớn hơn, lớn hơn nữa.
Vua thấy vậy càng kính trọng hơn liền phục lạy thêm ba lạy làm tất cả quần thần đều phải lạy hết.
Sau khi ban thưởng và cúng dường Tam Bảo vua quan và đoàn tùy tùng ra về, vị thị giả niệm “Nam Mô Phật” và tiễn đưa phái đoàn.
Trên đường về kinh, quan tể tướng cùng quần thần thắc mắc và hỏi đức vua không biết tại sao vua quỳ xuống lạy và tỏ vẻ mặt rất là kính phục quá mức như vậy? Vua trả lời:

• Vị thị giả kia quả là đạo hạnh cao thâm, ta cùng với Ngài nói chuyện với nhau bằng tâm ý chứ không phải bằng lời nói, các ngươi không biết Tha Tâm Thông (tức là thần thông về sự hiểu tâm ý kẻ khác) vua mới giải thích như sau:

• Ta chỉ tay lên trời, ý hỏi rằng ngài biết chuyện trên trời không? Có thông thiên thông?

• Ngài chỉ tay xuống đất, ý nói là chẳng những thông thiên, mà còn triệt địa nữa.

• Ta đưa tay trước bụng hỏi rằng Ngài biết chuyện tương lai không? Ngài chỉ sau lưng ý muốn nói rằng chẳng những biết chuyện tương lai mà còn biết luôn việc quá khứ nữa, lúc ấy ta hiểu và phục ngài và ta tiếp tục đưa bốn ngón tay ra, ý hỏi ngài biết bốn phương trời không? Ngài trả lời ta mười ngón, ý ngài nói chẳng những biết bốn phương trời mà còn biết luôn mười phương trời nữa. Ta đưa hai ngón tay rồi ba ngón tay, ý ta hỏi ở đây có đủ Phật Pháp Tăng hay chỉ có Pháp và Tăng. Ngài đưa một ngón tay nhất định là một ngón tay, ý là dù Phật Pháp hay Pháp và Tăng ba ngôi TAM BẢO đáng kính ấy, cũng chỉ là một thể duy nhất mà thôi, lúc ấy ta kính phục ngài quá mức và quỳ xuống lạy như các người đã thấy, và ta đưa tay vẽ vẽ vòng tròn nhỏ, ý của ta muốn hỏi ngài Đạo Pháp ngài truyền ba vòng ở khu vực nhỏ này, vùng này phải không? Ngài lắc đầu và vẽ vòng tròn lớn hơn, lớn hơn, ý nghĩa ngài muốn nói chẳng những trong khu vực nhỏ này mà đạo pháp của ngài truyền bá rất lớn khắp nhân loại nhờ có thần thông và đạo hạnh của Ngài. Như các ngươi đã biết vị thị giả ấy đúng là đạo pháp cao thâm đến mức không lường được.

Về vị thị giả kia, các Hòa Thượng lẫn các chú Sa di trai tăng về biết chuyện và hỏi thị giả:
• Vị thị giả chậm rãi trả lời: Kính bạch Sư Trưởng, Đức vua chỉ lên, ý hỏi con lúc trước xuất gia có phải con làm thợ nón không? Con mới chỉ tay xuống đất và lắc đầu trả lời rằng không phải, trước đây làm thợ giày. Đức vua chỉ trước bụng ý vua hỏi con làm giày bằng da bụng phải không? Con lắc đầu và chỉ sau lưng, ý trả lời vua rằng không phải, làm giày bằng da lưng. Rồi vua lại đưa bốn ngón tay, ý ngài hỏi bốn đồng một đôi giày phải không? Con lắc đầu và đưa mười ngón tay ý nói là không phải, một đôi giày tới mười đồng.

• Đức vua đưa ba ngón tay rồi hai ngón, ý vua muốn hỏi con một ngày làm ba đôi phải không? Hay là hai đôi? Con lắc đầu đưa một ngón tay trả lời: trước sau gì cũng một ngón tay thôi, ý con muốn nói, không phải, mỗi ngày chỉ làm được một đôi giày thôi! Nhất định là một đôi, chứ không thể hơn được. Vì tánh con sư trưởng và tăng chúng cũng biết là rất làm biếng, lúc ấy con cũng không biết tại sao vua lại vẽ vòng vòng nhỏ dưới đất, ý vua muốn hỏi thêm giày của con làm tốt không? Có lẽ đi không được xa chỉ quanh quẩn trong vùng này thôi phải không? Con lắc đầu và vẽ vòng vòng lớn, lớn hơn ý con muốn trả lời vua là không phải, giày con làm đi đâu cũng được đi trong vùng này mà còn đi xa, đi xa hơn nữa, đi khắp thế giới luôn. Thấy con ứng đối rõ ràng bằng dấu, vua ưng bụng và nể phục mới quỳ xuống lạy và cúng dường. Vị thị giả hỏi tiếp sư trưởng: Bạch sư trưởng, con trả lời như vậy có gì phi thường đâu đến nỗi vua quan phải kính trọng như thế? Sư trưởng trả lời: may phước con và chùa chúng ta đấy. Nếu trong dịp khác danh tiếng chư tăng sẽ còn gì. Bây giờ trở đi con phải cố gắng học hỏi giáo lý nhà Phật nhiều hơn nữa.

Pháp Siêu Nguyễn Thanh Dương
Trích từ Chùa Hương Sơn
Sưu tầm: Hanh Nghiêm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét