Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Phật Với Con Tuy Hai Mà Một


Từ thuở bé, hình ảnh Đức Phật với ngôi chùa làng đã sớm in sâu trong tôi như một phần máu thịt không thể thiếu. Từ thuở tóc còn để trái đào, níu áo mẹ đến chùa, cũng â a câu kinh tiếng kệ, cũng xì xụp lạy nhưng mắt thì mải dán vào vản xôi, nải chuối… Lớn hơn chút nữa thì biết phụ giúp quý Thầy rửa nồi, tưới rau, hay chỉ đơn giản là quét nhà hay nhặc một cọng rác…, để rồi khi ra về thế nào trong túi cũng có chút “lộc” của quý Thầy – khi thì trái xoài vàng ươm, khi là chùm nho, chùm nhãn… Đến tuổi dắt trâu ra đồng, lắm lúc đối bụng chạy xuống nhà trù, thế nào thầy cũng để phần miếng cơm cháy chan tương quẹt thơm phức! Tuổi thơ của bọn trẻ chúng tôi gắn liền với ngôi chùa làng. Gần gũi đến thế nhưng chúng tôi chẳng bao giờ dám bén mảng lên chánh điện một mình, trừ khi đi cùng người lớn trong các khóa lễ. Chỉ cần nhìn thấy ông Phật to cao sừng sững ngồi trên bệ là đứa nào đứa nấy lấm la lấm lét lủi mất. Bỡi lẻ sinh ra và lớn lên ở một miền quê mà chùa làng luôn là điểm tựa tâm linh trong huyết mạch của mỗi người dân, thì đều ấy không có gì là khó hiểu. Từ nhỏ, chúng tôi đã được nghe đi nghe lại các giai thoại huyền bí và hấp dẫn về Đức Phật.


Qua đó, Đức Phật hiện ra như một đấng thần linh toàn năng toàn trí, sỡ hữu quyền lực và trí tuệ tối cao, “một siêu nhân vĩ đại” có thể làm những việc không ai làm được…, tóm lại là không phải một người bình thường như chú Sáu hay dượng Tư của tôi. Lại thêm những câu chuyện huyền hoặc về quỹ thần địa ngục… Chỉ riêng cái việc tôi khám phá ra pho tượng ông Tiêu đáng sợ ấy cũng là do Phật, Bồ-tát hóa thành, đã khiến tôi sợ đến mức không dám bước lại gần! Tất cả những điều huyền diệu đến khó tin như thế đã vô tình gieo vào đầu óc non nớt của chúng tôi một nỗi sợ vô hình, rằng một ngày nào đó. Ông Phật xi măng vẫn mỉm cười hiền từ ấy sẽ đột nhiên hóa ra một “hung thần” tợn bay đến trị tội chúng tôi, vì một lỗi nghịch phá gì đấy! Thật là trẻ con quá phải không! Nhưng bạn đừng cười, Đức Phật đối với chúng tôi lúc ấy quả thật to lớn lắm, uy quyền lắm, và ở mãi nơi xa tít nào kia, luôn dõi mắt xuống nhân gian để trừng phạt kẻ ác, ban phước cho người hiền. Một Đức Phật như vậy đã sớm tượng hình và ngự trị trong tôi từ thuở ấu thơ và cho đến tận sau này vẫn luôn in sâu trong tâm trí tôi như nhắc nhở. Vô tình, tôi đã rèn luyện cho mình tâm cung kính Đức Phật gần như tuyệt đối! Sau này, khi chen chân vào phố thị xa hoa, tôi đã viếng thăm nhiều cảnh chùa nhưng không hiểu sao chẳng thể tìm được cảm giác năm xưa chỉ có ở ngôi chùa thêm nghiêm chốn quê hương!

Song song với sự trưởng thành của tôi, những sợ sệt trẻ vẫn dần tan biến, thay vào đó là sự kính ngưỡng tâm linh vô biên. Càng thâm nhập vào giáo lý Phật đà, tôi càng thêm kính phục, càng tăng trưởng đức tin và lòng cung kính không thể tả bằng lời!Làm sao bút mực thế gian có thể hiển bày được hết những giá trị tâm linh màu nhiệm! Một Đức Phật lịch sử đã tịch diệt cách đây hàng chục thế kỷ, nhưng giáo pháp của Ngài vẫn hiện hữu trong từng con tim khói óc của thế hệ đi sau! Quả thật, mỗi ngày trong tôi đều có những thể nghiệm mới. Một ngày dài đua chen với dòng đời tấp nập, bị cuốn trôi bỡi ngũ dục lục tình – nhưng chỉ cần một khắc quay về dưới chân Phật là lòng tôi thanh thản! Ai đã từng lắng đọng tâm thơ – dù chỉ một lần – hướng về Đức Phật, chắc hẳn đều cảm nhận được nguồn năng lượng an lành đến trong nội tâm! Tôi đã từng học ở đâu đó hai câu thơ rất hay, phác nên một hình ảnh vô cùng ý nghĩa.

“Một thiền sư thầm lặng chắp hai tay.
Tâm tưởng Phật, hướng vọng về Đức Phật”!

“Lễ Phật một lễ, tội diệt hà sa” mỗi ngày lạy thành kính dâng lên là vun bồi nên một phần phước đức trên thửa phước điền của chính mình. Lạy Phật cần phải dung tâm cung kính chứ không phải cắm đầu cắm cổ mà lễ lạy. Thuở bé, tôi thường thắc mắc với mẹ tại sao phải lạy Phật. Mẹ tôi vốn giàu lòng kính tin chứ không ham tìm hiểu, bà giải thích: lẽ dĩ nhiên đến chùa thì lễ Phật như khách đến chào chủ nhà thôi! Đương nhiên tôi không bằng lòng với câu trả lời ấy. Sau này, tôi đã thưa hỏi nhiều vị Thầy! Ồ, thì ra việc ấy đối với nhiều người cũng là hành động tự nhiên như ngủ thì nhắm mắt vậy! nếu giải thích rõ, lạy Phật không phải vì ta cung kính bậc Giác ngộ, đó còn là cách để hậu thế mài mòn cái bản ngã đang dần che lấp chân tâm! Không phải nói trên lý thuyết đâu, bạn hãy lạy đi rồi sẽ thấy! tuổi trẻ của tôi cũng đã lãng phí một thời gian khá dài, cứ quanh quẩn trước cánh cửa tâm linh mà không chịu bước vào! Tôi đã từng ương bướng, chấp chặt với Thầy: “Vạn pháp là huyễn, thân này cũng huyễn, vậy thì lạy ai và lạy cái gì?”. Thầy tôi đáp lại một câu - hết sức giản đơn nhưng đã phá tan cái tôi nghi ngại tà kiến và mang tôi đến với đạo: “Có phải mỗi khi con lạy Phật với tâm chí thành chí kính thì con cảm thấy an vui? Vậy nếu con chấp thân là huyễn, lạy là huyễn mà không lạy thì làm sao có thể “thấy” được cái an vui đó? An vui ấy đến từ chính Phật tánh nơi con đó!”.Thật vậy, khi “thân tâm cung kính lễ”, khi cúi rạp mình xuống, để hai bàn tay ngửa ra và trán chạm đất, thân tôi lúc ấy chạm đất ở năm điểm. Điểm thứ nhất, tôi biết tôi không sát sanh! Ở điểm thứ hai, tôi biết tôi không trộm cắp,… Như vậy, ở năm điểm ấy, tôi biết tôi không phạm vào năm giới căn bản ít nhất là ở ngay hiện tại! Lạy sám hối như vậy tức là vứt bỏ dần cái ngã mạn đi, bởi lẻ còn ngã mạn tức là đang cố tách mình với Phật ra làm hai! Bỏ được ngã mạn thì mới có thể thực nghiệm được cái màu nhiệm của pháp! Có mấy ai hiểu được màu nhiệm ngoài kinh nghiệm bản thân!


Trà thất ở Nhật Bản thường có những cái cửa rất thấp. Công hầu khanh tướng đều phải cúi đầu đi vào! Kiếm sĩ, võ sĩ cũng phải bỏ gươm, buông kiếm cúi đầu mà đi! Cúi đầu tức là vất bỏ tất cả những vướng bận của thế giới bên ngoài để thâm nhập vào thế giới nội tại bên trong – để thấy được bên trong kỳ diệu. màu nhiệm không bao giờ đến với chén trà khi người cầm chén trong tay mà lòng đầy ngã mạn. Cúi đầu tức là vất đi cái ngã, vất luôn câu hỏi đã ấp ủ bấy lâu: “Tại sao phải lạy?”.Tôi thật sự đã làm một hành trình lớn nhất trong đời – hành trình đi tìm ông Phật của chính mình, trong tự tâm mình! Càng buông bỏ được bao nhiêu, tôi cảm nhận Đức Phật gần tôi hơn bấy nhiêu! Khoảng cách giữa một bậc Thánh nhân xuất thế và một người phàm phu lắm trần tục – tưởng như xa vời nay đã dần thu hẹp lại! Cho đến ngày nhân duyên hội đủ: tôi chính thức trở thành một người xuất gia – một người con Phật, với lý tưởng cao thượng: giác ngộ và giải thoát! Xuất gia là môi trường tốt để thực tâp, rèn luyện theo khuôn phép của bậc Thánh. Xuất gia là hành trình tìm lại chính mình, là giải thoát khỏi khổ đau, là đi từ có đến không, từ ngã đến vô ngã.

“Hủy hình thủ khí tiết                                
Cắt ái từ sở Thân 
Xuất gia hoằng thánh đạo
Thề độ nhất thế nhân”.

Trên lý thuyết hằng ngày, tôi vẫn thường được học rằng chân tâm Phật tánh vốn tại nơi bản tâm, rằng “Phật tại tâm” chứ không đâu xa mà tìm kiếm. Vậy mà phải một thời gian dài tu tập, sống đời sống của bậc Vô thượng sĩ, tôi mới có thể hiểu được. Chưa phải là Phật nhưng đã tự nguyện lãnh thọ giới pháp, mặc pháp y thì ít nhiều tâm địa hình nghi cũng phải có chất liệu Phật. Người xuất gia chân chánh dù chưa phải là Huyền Thánh nhưng nhất định không thể như kẻ phàm phu.

“Trãi lòng bi mẫn Tâm đồng Phật
Dứt hết vô minh Phật tức tâm
Phật Phật tâm tâm đồng thể tánh
Phật Tâm cũng diệt đến viên thành”.

Đó là giây phút an lạc nhất, khi người con Phật chợt phát hiện ra: Đức Phật vẫn đang hiện hữu trong chính mình – rỗng rang và sáng suốt ! Có một Đức Phật vẫn luôn hằng hữu trong dòng tâm thức rạng ngời: Đức Phật với con – tuy hai mà chỉ một !

Thích Nữ Diệu Niệm
Tạp chí Hoa Đàm số 22
Sưu tầm: Hoa Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét