Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Tu Hành Là Đi Thẳng



(PGVN) 
Tu hành có rất nhiều tầng cấp, mỗi tầng cấp cần phải có phương pháp, phương tiện, nhu cầu, trí huệ, căn cơ… khác nhau. Đức Phật để lại cho chúng sinh tám vạn bốn ngàn pháp môn tu tập, pháp nào cũng vi diệu để đối trị với phiền não, nghiệp chướng.

Nước trong bốn bể vô lượng nhưng chỉ có một vị duy nhất – vị mặn. Giáo lý của đức Phật cũng vậy, nhiều vô số nhưng chỉ có một vị duy nhất – vị giải thoát. 45 năm truyền đạo của Người là 45 năm khai mở đạo mạch giải thoát để tưới nhuần cho muôn loài, giải thoát khỏi tham, sân, si; giải thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu não. 

Dưới cặp mắt của bậc Đại giác, thế giới này là Vô thường, cuộc sống này là vui ít khổ nhiều, con người này là vô ngã. Đây là ba dấu ấn để thẩm định lời dạy của đức Phật. Những ai chấp nhận rằng thế giới này là thường còn, cuộc sống này là hạnh phúc, con người này là thật ngã thì không bao giờ đặt được chân lên bờ giải thoát. Cho nên, dù kinh điển có nhiều, pháp môn tu có nhiều nhưng chỉ có một mục đích duy nhất là đưa ta đến sự giải thoát tối thượng.

Và muốn đến đạt tới sự giải thoát tối thượng ấy chỉ có một cách duy nhất ấy là chúng ta phải tu. Tu để đi thẳng tới con đường giải thoát. Nhưng quan trọng là chúng ta phải tu như thế nào? 

Có nhiều người tu hành đã chọn lầm mục tiêu, thành ra bước thẳng vào con đường tà đạo, gây ra nhiều thiệt hại cho chúng sinh. Có người cứ tưởng rằng ba cõi thiện trong lục đạo là tốt nhất, thành ra cứ đời đời kiếp kiếp phải chịu sinh tử luân hồi. Thậm chí, có người mê muội suốt đời cứ mãi tạo nhân địa ngục, ngã quỷ, súc sinh thì tu hành dù có ra gì đi nữa cũng sẽ đi thẳng xuống các cảnh giới địa ngục, ngã quỷ, súc sinh để thọ khổ mà thôi. 

Thực tế, tu pháp nào cũng thẳng cả nhưng phải tự hỏi lại chính mình rằng, liệu có đủ trí tuệ để nhận rõ mục tiêu cuối cùng một cách chính xác không?

Nếu trí huệ chưa có, mê mê muội muội chưa rõ đâu là chánh, đâu là tà thì mau mau trở về với lời Phật dạy, y giáo phụng hành. 

Tu hành có rất nhiều tầng cấp, mỗi tầng cấp cần phải có phương pháp, phương tiện, nhu cầu, trí huệ, căn cơ… khác nhau. Đức Phật để lại cho chúng sinh tám vạn bốn ngàn pháp môn tu tập, pháp nào cũng vi diệu để đối trị với phiền não, nghiệp chướng. Nếu là tiểu tu thì có cách đi thẳng của tiểu tu, đại tu thì có cách đi thẳng của đại tu,… Nhất định mỗi bậc thành tựu đều có nhu cầu riêng, đòi hỏi những năng lực khác nhau.

Chính vì thế, nói rằng đi thẳng thì cách tu nào cũng có thể gọi là đi thẳng. Nhưng khi nói đi thẳng tới đâu thì lại là vấn đề hoàn toàn khác. Càng cao càng khó hơn, càng vi tế hơn.

Ví dụ, có người nghĩ rằng con người là nhất, họ chỉ muốn tu sao cho cho được làm người là đủ. Cách tu này không xấu, nhưng đối với người muốn sinh lên Trời hưởng phước thì cách tu làm người trở nên quá nhỏ hẹp. Tu để lên một cảnh giới Trời thì quá tốt, nhưng đối với người muốn vượt ra khỏi tam giới lục đạo thì họ lại chê. Vượt ra khỏi tam giới lục đạo gọi là thoát ly sinh tử luân hồi.

Thoát ly sinh tử luân hồi là một trong những mức chứng đắc trong pháp Phật, đã vượt ra khỏi hành phàm phu, bắt đầu nhập vào bốn quả của bậc A la hán.

Đức Thích Ca Mâu Ni xuống trần lập đạo để cứu chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi. Ngài dạy chúng sinh phải tinh tấn tu đạo giải thoát.


Người suốt đời cứ chạy theo những lý huyền luận diệu có khác gì mắt thì nhìn trên mây xanh còn chân thì loạng choạng bước thẳng vào các nơi chông gai hầm hố. Thật chua xót biết bao!

Khổ trước chưa nguôi
Sầu sau đã tới

Kiếp sống này chỉ toàn là nổi khổ, niềm đau nối tiếp nhau, triền miên không dứt nên hãy tu mau kẻo trễ. Và điều quan trọng nhất là chúng ta phải nhìn nhận được bản thân, biết được trí tuệ của mình ở ngưỡng nào để chọn pháp môn tu cho đúng. Đừng vì thấy người ta tu pháp môn cao mà sinh tự ti để rồi cũng lao vào tu theo họ rồi gặp chướng ngại.

Tự chọn pháp môn tu đúng với căn cơ của mình thì hiệu quả sẽ cao và tránh cho ta gặp phải những sai lầm đáng tiếc. Khi pháp môn phù hợp với bản thân thì đó chính là phương pháp tu đi thẳng tới con đường giải thoát. Ngược lại, nếu cứ chọn những phương pháp tu học cao siêu, chỉ để sánh kịp với người đời thì đó là con đường vòng luẩn quẩn. Đôi lúc, nó còn dẫn chúng ta vào ngõ cụt, không tìm thấy đường ra.

Bởi vậy, đừng nên tham lam cầu đạo nơi những pháp môn huyền diệu, thần thánh. Hãy tu học từ những điều đơn giản nhất, dễ hiểu nhất để ứng dụng một cách thiết thực vào cuộc sống của mỗi chúng ta. Nếu có thể làm được điều đó thì con đường giải thoát chắc chắn sẽ ở ngay trước mắt bạn chứ không cần tìm cầu nơi đâu.

Nguyễn Linh Chi
Theo phatgiao.org.vn
Sưu tầm: Hoa Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét