Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Sống Chân Thật: Có khó Lắm Không?



Một điều rất thật: con người ít chịu sống thật

Thiếu chân thật là một biểu hiện tâm lý xuất hiện ở mọi con người bình thường, kể cả những người được cho là ‘chân thật’ hoặc tự nhận mình ‘chân thật’. Cái gọi là ‘chân thật’ ở đời chỉ mang tính tương đối mà thôi. Thiếu chân thật có thể được hiểu qua nhiều khía cạnh, trong nhiều tình huống khác nhau trong các mối quan hệ phức tạp của cuộc sống mà hơn ai hết, mỗi người tự biết mình chân thật với mình và với người đến mức độ nào. Mức độ chân thật được xét từ trong động cơ chứ không thể chỉ căn cứ trên hành vi. Không ai hiểu động cơ trong mỗi hành động của mình bằng chính bản thân mình cả. Ai cũng có thể hiểu lầm mình, chỉ có mình thì không, trừ phi cố tình tự đánh lừa mà thôi.

Một cô gái có sắc đẹp bình thường vẫn thích nghe khen là “em đẹp lắm” hơn là nghe sự thật, sắc đẹp của cô chỉ vào khoảng ‘thường thường bậc trung’ thôi. Một cô gái mặc chiếc áo mới, chẳng ra làm sao cả, tây không ra tây, tàu cũng chẳng phải tàu, áo đi phần áo, người đi phần người, ấy thế mà khi hỏi bạn bè “thấy chiếc áo thế nào?”, vẫn thích nghe trả lời “ồ, đẹp lắm!” Nhiều người thích được khen là trẻ hơn tuổi, thậm chí có người vui đến mấy ngày khi nghe một người lâu ngày gặp lại khen “trông chị trẻ hơn hai năm trước”. 

Vẫn biết trái với quy luật thế mà ta thích, tin và vui với lời nói láo đến ngô nghê như vậy. Chính vì cái tâm lý thích khen ghét chê này mà con người trong giao tiếp, cố làm vừa lòng nhau, cố đánh mất mình để được nhiều người chấp nhận và được khen là xinh đẹp, là rộng rãi, hào hoa, sống tâm lý, sống biết điều, khéo léo, cư xử hay và cư xử lịch thiệp. Chính bản thân họ cũng quên bén rằng càng láo phét, càng được khen! Và cứ thế, nói láo trở thành phương châm sống để tự ngã được bao bọc trong tư tưởng công thần khen nhau, cùng tạo vỏ bọc nhung của tâng bốc, khen hão, chấp nhận nhau trên nguyên tắc “bằng mặt không bằng lòng.”

Chính vì sống trong cái tương đối của xã hội, các hiện tượng “bằng mặt không bằng lòng” và “khen trước mặt chê sau lưng” mà chúng ta cần phải tự biết mình nhiều hơn để kịp thời điều chỉnh cách nghĩ và hành vi của mình. Phải đủ tỉnh táo và khôn ngoan để thu nhận và xử lý thông tin với những lời có cánh và cả với những lời ‘trụi cánh’ nếu chẳng may mình làm tổn thương đến cảm xúc người ta! Mình hiểu biết mình hơn ai hết nếu mình không tự đánh lừa cảm xúc. Nếu người đối diện không thích nghe sự thật, nếu có thể, chúng ta nên tìm cách trả lời khác hơn là khen hão lấy lòng. Ví dụ, để trả lời câu “thấy em mặc chiếc áo này đẹp không?” nếu không thấy đẹp, mình có thể trả lời “khái niệm đẹp xấu tùy vào từng người mà, thích thì tự tin mà mặc vậy” sẽ không góp phần tạo nghiệp cho mình. Có thể người nghe không được vui bằng nghe một lời khen, nhưng những ai khôn ngoan và sáng suốt đều hiểu rằng, lời có cánh thì trước sau gì cũng trụi cánh mà thôi và chân thật sẽ có giá trị “bất hư” vậy!

Động cơ để con người không chân thật: Để chứng tỏ mình tốt

Không ai muốn lưu lại trong mắt người khác với một hình ảnh xấu cả, thậm chí lắm người hiểu rất rõ con người thực của chính mình với tất cả những điểm thiếu khuyết, vậy mà họ vẫn muốn người khác đánh giá họ cao hơn, tốt hơn những gì họ đang có. Khi nhìn hình mình sau khi qua sự hình sửa của công nghệ photoshop, hình không còn giống mình nữa nhưng đẹp hơn, ta hài lòng với hình đẹp hơn chứ không chịu hình giống mình. Ta thích nghe lời khen dù biết đó là khen đểu. Ta thích khen và cố tạo ra một vẻ ngoài lung linh để ăn mày lời khen ấy dù rất có thể tâm ta còn xù xì, thô nhám hơn nhiều!

Có một chị bạn kể lại với tôi rằng, một hôm, chị ta đi ngoài phố. Trong lúc đang đi giữa đám đông, gặp người bà cụ ăn xin, chị ta liền móc túi cho mấy đồng, vì cảm thấy khó lòng làm thinh giữa đám đông. Hôm khác, chị đi chơi với một nhóm bạn, gặp em bé đi xin, chị không ngần ngại biếu mấy đồng tiền lẻ. Rồi một hôm khác nữa, chị lủi thủi đi một mình, gặp cụ ông đưa tay cần giúp đỡ, chị vô tình làm thinh bước về phía trước. Đi một quãng, chị vội giật mình với chính con người mình. Chị ta nghĩ, vậy con người thật của chị ta là gì? Là tốt hay xấu? thương người hay ích kỷ? chị ta kể rằng, cuối cùng chị ta đã dám nhìn thẳng vào bản chất của con người mình và thú nhận rằng, lần thứ nhất, chị biếu tiền người ăn xin là vì đám đông. Chị sợ rằng những người xung quanh thấy chị từ chối vài đồng bạc lẻ với người cần giúp đỡ sẽ nghĩ cô gái này keo kiết, bủn xỉn. Lần thứ hai, chị làm việc tương tự để giữ hành ảnh đẹp trong mắt bạn bè vì còn gì tồi tệ hơn khi một người bị bạn bè cho là bỏn xẻn, rít rắm? Chị tự nhận xét về mình rằng, lần thứ ba, chị mới lộ chân tướng con người thật của chính mình. 

Nghe chị tâm sự, tôi cảm phục chị đã dám nhìn mình một cách “như thị”. Tôi cũng không khỏi giật mình, thấy đâu đó hình ảnh của con người mình, hoặc khi này hoặc khi khác, một cách vô thức, mình hành xử không khác chị bạn này về tính chất, dẫu sự việc có khác đi. Không chỉ tôi, hay chị bạn tôi – người kể lại câu chuyện trên, mà không ít người trong chúng ta có cách hành xử như vậy, hoặc vô tình hoặc cố ý. Thế nhưng, tôi tin rằng, không nhiều người nhận ra điều mà chị bạn tôi đã nhận ra, dù chỉ nhận với chính bản thân mình, chứ khoan nói đến việc chia sẻ những diễn biến tâm lý ấy với người khác.

Để được chấp nhận và khen ngợi

Dường như trong cuộc sống tương đối, con người có xu hướng chấp nhận và khuyến khích nhau nói dối theo kiểu “không hại ai” (“white lie”). Người ta cứ nghĩ đơn giản, không đáng khen cũng khen một tiếng cho người ta vui, thì cả làng đều vui, có mất mát gì đâu! Thế nhưng, nghiêm túc mà nhìn nhận vấn đề, nói dối, không thể nào không có tác hại được. Đã là ‘dối’ thì chỉ có ‘dark’ chứ làm gì có ‘white’? Về người nhận lời khen hão, người ấy sẽ không biết đâu là sự thật trong khi, sự thật là cái mà người chân chánh nào cũng đi tìm và muốn biết. Về phía người khen, nói khác sự thật chỉ để làm vừa lòng người khác chẳng có ích gì cả mà còn có tác hại là tập cho mình một thói quen nói láo. Khi đã hình thành thói quen này rồi, người ấy sẽ sẵn sàng nói láo không ngượng miệng trong nhiều trường hợp khác, lắm khi phương hại khôn lường đến người, nhất là việc nói láo đó đem chút ít lợi trước mắt cho bản thân họ. Đó là chưa kể ngay sau khi mở lời khen hão người kia mặc cái áo đẹp, trong bụng họ, rất có thể, lại khởi lên một ý niệm ngược lại “xấu hoắc mà cũng hỏi.” Đó là chưa tính đến đi “buôn dưa lê” bàn ra tán vào với người khác. Từ chỗ nói không đúng sự thật ấy mà dễ dàng tạo thêm bao nghiệp xấu ác mà không hề hay biết. Biết mà nói láo, như Đức Phật từng dạy La-hầu-la, “đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm” (Kinh giáo giới Rahula ở rừng Ambala, Trung bộ kinh, số 61 (Trung bộ kinh số 61: Kinh giáo giới La-hầu-la). Ở một bài kinh khác, đức Phật ân cần nhắc nhở rằng “chân thật là lời nói bất tử. Đây là định luật từ xưa” (Kinh Tập - Sn. 453) để mỗi người chúng ta tự tin để vượt qua mọi cám dỗ tầm thường và sống với tâm chân thật.

Để bảo bọc và nuôi dưỡng cái “ta”

Trong tiếng Anh, từ nhân cách (personality) có nguồn gốc từ chữ Latin persona, nghĩa là cái mặt nạ mà người diễn viên thường mang khi biểu diễn trên sân khấu. Bởi vì con người thường có tâm lý cải trang, che chắn, một cơ chế tâm lý tự vệ - tất nhiên là có nói dối - để bảo vệ mình, nói đúng hơn là để hình ảnh của mình đẹp hơn trong mắt mọi người, nên từ ‘persona’ dùng để chỉ nhân cách con người. Nói cách khác, trên sân khấu cuộc đời, mỗi một con người chúng ta, dù là người chân thật nhất, phải đóng nhiều vai diễn khác nhau. Môi trường xã hội bắt buộc phải thế, mỗi con người đều phải đảm trách các vai diễn khác nhau tùy thuộc vào các vai trò khác nhau trong xã hội. Một người vừa có thế là cấp dưới của một số người nhưng đồng thời là sếp của nhiều người khác, vừa là cha/mẹ của một vài đứa trẻ nhưng vừa là con của cha mẹ mình… Như vậy, trong mỗi vai trò, có một chuẩn mực đạo đức tương đối để quy định trách nhiệm, bổn phận và cách ứng xử của mình. Thực hiện tròn vai trong mỗi vai trò được xã hội ngợi khen, đi ra khỏi ngưỡng quy ước chung của xã hội sẽ không được chấp nhận. Ai cũng muốn mình được đánh giá và nhìn nhận tích cực với những gì chúng ta thể hiện với người khác. Chính vì tự tạo áp lực về bổn phận và trách nhiệm mỗi người cần phải thực hiện, hiện tượng nói dối dần phổ biến và được nuôi lớn song hành cùng các mối quan hệ. Chính cái tâm lý muốn “tỏ ra” mà mình không dám sống thật với mình và với người. Tôi lấy mối quan hệ cha/mẹ với con làm ví dụ.

Mỗi cá nhân cùng lúc phải làm tròn mọi vai diễn là một thử thách lớn. Một người nào đó có thể là một người cha/mẹ chưa đủ tốt, chưa gương mẫu mà không muốn con mình buồn và xấu hổ khi có người cha/mẹ như mình, thế là trước mặt con, mình “tỏ ra” tốt. Để làm được cái gọi là “tỏ ra” ấy thì chỉ còn cách sống thiếu chân thật và nói dối con. Nói dối, trong trường hợp này, là để giữ hình ảnh một người cha/mẹ gương mẫu trong mắt con mình khi người ấy muốn có cái ‘ảnh’ đẹp hơn thực chất vốn có. Chắc ít cha mẹ nào đủ cam đảm để nói với con “ba/mẹ có lỗi, ba/mẹ xin lỗi con”, hoặc “về mặt này, ba/mẹ sai, ba mẹ sẽ sửa đổi”. Tôi tin rằng, ngay cả trong ý tưởng, các bậc cha mẹ cũng ít ai dám nhìn lại mình một cách khách quan để nhận ra những điều vụng về thiếu sót của bản thân. Thường thì người ta hay dùng uy quyền của người lớn như chiếc bùa hộ mạng khi gặp gay cấn với con cái. Thiếu chân thật và dối trá sẽ len lỏi vào trong tâm thức, trong cách nghĩ, lời nói và hành động để duy trì cái quyền lực “bất khả xâm phạm” của cha mẹ.

Nói cho cùng, chúng ta sống thiếu chân thật phần nhiều để bảo vệ cái ‘ta’ của mình. Cái ‘ta’ ấy mình tự dệt nên với nào là uy tín, thể diện và cả sĩ diện nữa. Để không ‘mất mặt’ mà cần làm cho ‘đẹp mặt’ thì chúng ta phải có nhiều chiêu thức và mánh lới để bao bọc, hộ trì, tự vệ và phản công khi có cảm giác cái ‘ta’ của mình bị đe dọa. Chúng ta làm việc này cả trong ý thức và vô thức. Gọi là vô thức nhưng động cơ tâm lý này âm ỷ chạy bên trong, ẩn sâu dưới bề mặt ý thức như mạch nước ngầm, có tác dụng dẫn dắt và điều khiển tâm thức thực hiện tốt chức năng che chắn, phòng vệ và phản công khi cần thiết.

Sống chân thật là dám can đảm nhận mình chưa hoàn thiện

Người thiếu chân thật thường có biểu hiện bênh vực, bao biện mình khi có lỗi. “Vụng múa chê đất lệch; hát dở chê micro rè” mà ta thường nghe có thể được dùng để chỉ tính cách của người thiếu chân thật. Đối với bất cứ chuyện gì, họ luôn tìm cách chứng tỏ mình đúng bằng cách đổ lỗi cho người khác, hoặc đổ cho hoàn cảnh khách quan. Những người ấy thường không dám nhìn nhận sự thật mà luôn bào chữa, biện minh cho những sai lầm của mình, biểu hiện phổ biến nhất là nổi nóng, cãi lại, phủ nhận càng bướng theo kiểu tự vệ “xù lông nhím”. Lúc này, họ sẽ không nhận ra mình đang bị sân chi phối và dần mất quyền tự chủ. Trong một số trường hợp, ta không nhận ra ta phải chịu trách nhiệm việc mình làm nên chối bỏ chứ không phải thiếu chân thật. Thế nhưng phần lớn ta biết mà tránh né trách nhiệm, luôn đổ lỗi cho người khác (cho rằng vì người ta mà mình nổi giận…). Người không chân thật không dám nhận lỗi của mình, và rõ ràng là không thể nào kiểm soát được tâm mình và lại càng không thể tăng trưởng về đạo đức.

Người chân thật luôn hướng đến chân-thiện-mỹ

Đức Phật từng tuyên bố “Như Lai nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy” (Kinh Thanh Tịnh, Trường bộ kinh số 29).Tâm chân thật và tâm thiện thường đi đôi với nhau để làm cho ai sở hữu chúng trở nên đẹp và có giá trị nhiều hơn. Chấp nhận một sự thật chưa toàn thiện ở bản thân là biết hướng đến chân trời toàn thiện và toàn mỹ. Chân-thiện-mỹ luôn có giá trị trong mọi lúc mọi nơi. Với người chân thật, việc xảy ra như thế nào, họ trình bày như thế ấy và luôn cảm thấy tâm thanh thản. Ngược lại, người nói dối phải tác ý, phải khởi tâm, dựng chuyện cho hợp lý và cố ghi nhớ để lần khác không nói sai đi. Chính vì vậy, tâm của họ rất mệt mỏi. Đó cũng là lý do khiến tâm không bình an được. Người thiếu chân thật luôn sống trong điên đảo vọng tưởng vì phải luôn động niệm để đặt điều, khởi ý và tưởng tượng để thêu dệt câu chuyện theo chủ đích của mình nhằm bảo vệ và che giấu cái xấu ác của bản thân. Như vậy, con đường phấn đấu của người ấy như chưa hề có.

Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, người đã đấu tranh xoá bỏ được chế độ nô lệ ở Mỹ từng nói một câu rất chí lý “Ta không thể lừa dối một người nào đó suốt đời, ta có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, nhưng ta không thể lừa dối mọi người mãi mãi”. Một vị Tổng thống mà hiểu được như vậy và lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình là điều rất quý. Sở dĩ ông nói như vậy vì ông quan niệm rằng, chân lý có sức mạnh, sự thật có sức mạnh. Các bạn ạ, cuối cùng chân lý tự nó khẳng định giá trị của mình và sự giả dối bao giờ cũng bị phanh phui, cây kim trong bọc sớm chầy gì cũng thò đầu ra thôi. Vì vậy, cái hay nhất của con người là sống trên đời biết làm việc lớn thì đừng suy nghĩ thiếu chân thật và làm điều gian dối. Dẫu rằng cuộc đời này chưa hoàn hảo nhưng chúng ta, mỗi người nên góp một bàn tay xây dựng thế giới cộng sinh của mình tốt hơn bằng hành động thiết thực của chính bản thân mình: hãy sống chân thật với mình và với những người xung quanh.

Người chân thật có lòng tự trọng cao 

Những ai càng trân trọng nhân vị của mình, người ấy càng ý thức trong việc giữ tâm ý mình thành thật. Người có suy nghĩ và tự trọng luôn biết giữ hình ảnh của mình bằng cách sống chân thật, nhất là khi họ sống trong môi trường tập thể, nơi “tiếng lành đồn xa” thì tiếng dữ cũng không lý do gì mà không phát tán khắp bốn phương. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, sự thật tự nó có phép mầu. Dù bị che đậy, cuối cùng sự thật cũng vẫn là sự thật. Nếu vì một chút lợi danh nào đó mà dối trá, vì một chút sỉ diện mà đậy che, vì một chút tự tôn mà lươn lẹo thì trước sau, mặt trời chân lý sẽ chiếu soi mọi ngõ ngách tối tăm nhất! Một khi bị người đời phanh phui ra ánh sáng, uy tín của họ sẽ không còn nữa thì uổng phí lắm. Vì vậy, tốt nhất là nên sống đời chân thật.

Đã là con người ai cũng có những vụng về, vấp ngã và tội lỗi; điều quan trọng là sau mỗi lần vấp ngã, chúng ta cần làm gì để không hổ thẹn với lương tâm và với những người xung quanh. Cách sống chân thật hay giả dối được nuôi dưỡng tùy thuộc vào thái độ của chúng ta sau mỗi lần vấp ngã như thế đấy.

Sống chân thật, được nhiều hơn mất

Chân thật lúc nào cũng được tất cả mọi người đón nhận, ngay cả những người chưa biết sống và nói chân thật cũng hiểu được giá trị của chân thật. Trong cuộc sống, ai cũng thích được cư xử bằng tấm lòng chân thật, nghe lời chân thật và ai cũng thích chứng minh và mong được nhìn nhận mình là người chân thật. Ấy thế mà oái oăm thay, hiếm ai có thể sống thật và nói được lời chân thật với tất cả mọi người trong mọi lúc mọi nơi. Ai cũng từng nhiều lần sống giả dối và nói không chân thật và cứ mỗi lần như thế, ta đều có lý do để biện minh cho việc mình làm và rất có thể sau một vài giây áy náy, mình tự trấn an mình như là một cách gián tiếp ủng hộ và tiếp tay cho cách sống thiếu chân thật.

Ta chỉ có thể sống chân thật khi thật sự nhận thức về lợi ích của chân thật một cách rõ ràng và đầy đủ để có sức mạnh cưỡng lại thói quen sống che chắn và bao biện vốn ăn sâu trong tâm thức ở mỗi con người. Chân thật là một đức tính mà con người cần phải phấn đấu một đời để duy trì, nuôi dưỡng và phát huy. Có một điều người chân thật được đáp đền xứng đáng với sự nỗ lực liên tục của họ là có được tâm thanh thản bình yên. Tất nhiên sẽ có lúc bạn phải chịu sự thiệt thòi vì sự chân thật, nhưng đó chỉ là tạm thời, chung cuộc thì cái được vẫn nhiều hơn. Nếu nghĩ đến tâm bình yên như là một quả ngọt của lối sống chân thật, tâm bạn sẽ đủ mạnh để không còn chấp nhặt những điều nhỏ bé, tầm thường đó nữa và thản nhiên bước qua. Lối sống chân thật chỉ cho quả ngọt khi chín muồi. Ai nóng lòng vội hái quả xanh thì không đủ kiên nhẫn để đợi đến khi nếm được hương thơm vị ngọt của quả chín. Chính vì vậy, nhiều người hiểu được giá trị của chân thật trên lý thuyết, nhưng rồi họ bị cuốn trong dòng sống tạm bợ và phù phiếm, bằng lòng với cái lợi chóng vánh trước mắt mà càng ngày càng xa chân tâm của mình, thật đáng tiếc.

Sống chân thật: lòng thanh thản

Lòng thanh thản và hạnh phúc thật sự chỉ đến từ sự chân thành của nội tâm chứ không phải từ những thứ bên ngoài. Câu chuyện nhỏ sau đây thể hiện điều đó. Có hai đứa bé, một trai, một gái chơi thân với nhau. Bé trai có rất nhiều bi đủ màu sắc, kích cỡ. Bé gái thì thường có kẹo. Hai bé vẫn thường cho kẹo và cho mượn bi để cùng chơi với nhau. Một hôm, thấy bé gái có túi kẹo đủ các loại thật ngon; bé trai chơi bi hoài sinh chán, bé gái ăn kẹo mãi cũng khôngcòn thích thú nữa. Thế là hai bé thỏa thuận đổi nhau những gì chúng có: bé trai đưa hết số bi mình có để đổi lấy tất cả kẹo bé gái có, bé gái đồng ý. Bé gái đưa hết số kẹo cho bé trai và nhận về túi bi đủ màu sắc. Bé trai sau khi lén giấu lại cho mình viên bi đẹp nhất trước khi trao bi cho bé gái. Bé gái rất vui với túi bi. Đêm đó, bé có một giấc ngủ ngon lành. Bé trai thì cứ nằm trằn trọc không sao ngủ được và cứ miên man suy nghĩ “liệu bé gái có giấu lại viên kẹo ngon nhất không nhỉ?” Liệu ta nên chọn cách sống của bé trai hay bé gái trong câu chuyện này? Đừng nói ta sống như bé trai kia và mong người khác đối với mình như bé gái nọ, rằng phần mình thì không thật, mà cứ muốn người khác chân thật và tử tế với mình.

Sống chân thật là một cách đem lại hạnh phúc giản đơn nhất. Có sao thể hiện vậy, nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy, cứ chịu trách nhiệm về mình, dù kết quả thế nào, thì lòng thanh thản, khỏe nhẹ vô cùng và khi ấy hạnh phúc liền có mặt. Sống chân thật là tự trao cho mình cơ hội để tiến bộ. Sống chân thật là tin tưởng vào tâm bao dung, rộng lượng của người khác dành cho mình. Sống chân thật là thể hiện của tình yêu thương và chia sẻ thay vì đối kháng và tự vệ. Sống chân thật là không gồng mình để biến thành một ai đó, mà vẫn cứ là mình để tâm được nhẹ nhàng, thanh thản.

Sống chân thật: thêm nhiều uy tín

Với mỗi một con người, khi nói ra được một sự thật thì tâm hồn người đó thêm một lần trong sạch, thêm một cơ hội sống chân chánh với chính mình và thêm một lần củng cố niềm tin nơi người khác. Niềm tin là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất cho mọi thành công trong sự nghiệp cũng như trong các mối quan hệ của con người. Chân thật là thước đo bản chất và nhân cách của mỗi người và là cơ sở để trao gởi niềm tin cho nhau. Khi một người có lương tâm đứng trước một sự thật bị bóp méo hay bị vùi dập mà bất lực đứng nhìn thì con người đó sẽ thấy bị sỉ nhục, mất niềm tin vào con người và cuộc sống. Có lỗi hay thậm chí có tội không có gì xấu nếu biết lỗi, hồi tâm cải sửa và nhắc tâm tránh tội lỗi trong tương lai. Người dám nhìn sự thật và nhận lãnh trách nhiệm về những hành vi của mình là người đáng trân trọng và đáng được tha thứ vì lương tâm họ được đánh thức và nhận ra được sai lầm của mình.

Người che giấu sự thật không đáng cho người khác tin tưởng. Như trò chơi ghép hình mất đi vài mảnh ghép, người không thật thường làm cho người nghe bối rối và nghi ngờ khi không đủ dữ liệu cần thiết để hiểu một câu chuyện hoàn chỉnh. Người nghe không thể nào tái hiện câu chuyện hoặc tình huống với những thông tin bị cắt xén hoặc thêm vào hay bớt đi nhiều chi tiết theo chủ ý của người nói. Câu chuyện vì thế trở nên què quặt (vì bị cắt xén) hoặc dị dạng (với các thông tin thêm vào thiếu hợp lý). Người nào cố tình tránh né sự thật một cách có ý thức, thậm chí chuẩn bị những cách biện hộ bào chữa khi sự thật lỡ được soi ra trong ánh sáng, là còn đang nuôi dưỡng sai lầm và tội lỗi. Chọn lọc hay thêm vào các chi tiết có lợi cho mình để nói và ém nhẹm các chi tiết có nguy cơ làm hoen ố hình ảnh của mình trong mắt người khác, lạc dẫn người khác hiểu theo ý đồ của mình là một cách sống dối trá có toan tính. Một nửa chiếc bánh thì vẫn là bánh nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật. Nói thật và sống thật, kể ra, không dễ dàng tí nào!

Để sống chân thật: dám chấp nhận mình với tất cả những gì đang có

Trong cuộc hành trình mình đi qua bao nhiêu năm tháng trên cuộc đời, bao dấu chân mình lưu lại sau lưng, in trên đường đời thành tài sản để lại của mỗi một con người. Dù mình có ngoảnh mặt lại nhìn hay không, hài lòng với nó hay không, sự thật vẫn là sự thật. Dẫu có ai đó chối từ dấu chân mình hay chấp nhận chúng, mọi người cũng sẽ thấy dấu chân mình. Dấu chân ấy, có khi in trên con đường thẳng tắp, có khi hằn trên vũng sình lầy, có lúc bên vực thẳm tưởng chừng tí xíu nữa là lao xuống hố. Có đoạn các dấu chân đều đặn thành hàng trên đường thênh thang cho thấy những bước chân vững chãi và thảnh thơi đã bước qua. Có khúc dấu dài dấu ngắn chệch choạng ghi lại những bước đi lảo đảo trong những lúc lơ đễnh thiếu quan sát cẩn thận. Dấu chân nào rồi cũng của ta. Dấu chân chỉ là sự ghi lại sự có mặt và hành trạng của mình trong quá khứ. Do đó, hãy sáng suốt và thanh thản nhìn nhận chúng để định hướng đi tới, bớt đi những bước chân chệnh choạng, lảo đảo và có thêm những bước đi thăng bằng và tự tin hơn. Những gì mình nói và làm trong cuộc sống chính là những dấu chân mình lưu lại. Đó như là cái bóng của cuộc đời mình. Muốn để lại dấu chân thế nào, cần ý thức khi cất bước và đặt bước. Hình cong thì bóng vạy, hình thẳng thì bóng ngay. Đừng mất công đi sửa cái bóng mà hãy sửa hình! Lúc này, chánh niệm là yếu tố vô cùng cần thiết hỗ trợ để mỗi người chúng ta sống thật với mình, với người để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Posted by Hằng Như at 3:33 PM
Labels: Cuộc sống
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét