Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Cầu Siêu?



" Cầu siêu xin hỏi lấy gì siêu?
Ngũ ấm giai không Phật dạy rồi!
Vô ngã, vô nhơn... vô thọ giả!
Cái gì ở lại? Cái gì siêu? "

Cầu siêu, cầu an, cầu nguyện, cầu hòa bình thế giới. Người nào không còn muốn sống và không còn muốn gì nữa hết, mới dám không tin, thậm chí dám nói thẳng: Không được gì!

Nếu nhìn thẳng sự thật, nếu tâm trong sáng nhận xét khách quan, nếu đừng tự ti mặc cảm, nếu đừng kiến thủ kiến, ai cũng có thể chứng minh được rằng: tất cả các thứ cầu nguyện nói trên đều không hiệu nghiệm.

Đạo Phật chân chính, cho việc “cầu nguyện, cầu an, cầu siêu, cầu xin” là việc làm không hợp chân lý. Xin hãy đọc kỹ bài thơ trên với tâm trong sáng và thực tế.

Người đệ tử Phật hãy mở rộng lòng chánh tín khách quan mà tu tập. Đạo Bà La Môn tự đặt cho mình cái độc quyền cầu nguyện, lễ khấn, cúng tế, Đức Phật bất hợp tác từ khi thành Phật cho đến lúc từ giã nhiệm vụ độ sanh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thập phương chư Phật, không phải là đối tượng sở cầu để chúng sanh khấn nguyện van xin kêu cứu. Nếu Phật vạn năng, đáp ứng việc van xin phù hộ theo ý năng cầu của khách hàng đệ tử, thì tam tạng giáo điển kinh Phật dạy để làm gì? Thực tế, kinh tụng lễ CẦU SIÊU ai cũng biết, dù có dụng ý câu giờ cũng không hơn ba tiếng đồng hồ hê ha tụng tán!

“Tụng kinh giả minh Phật chi lý”, tụng đọc kinh cốt để học hiểu Phật dạy cho ta cái gì để học tập hành theo. Sự thật trên đời, ai ăn người ấy no, ai ngủ người ấy khoẻ; người này ăn đem sự no của mình cầu nguyện hứa cho để người khác được no, việc làm ấy không hợp chân lý, người trí không tin như vậy. Tụng kinh Cầu Siêu, lấy công tụng của người này Cầu Nguyện ban cho kẻ khác, việc làm đó chẳng những trái với sự hiểu biết của người trí ở thế gian, mà còn phản nghịch chân lý “Nhân quả” của vũ trụ. Đức Phật đã chứng ngộ, đúc kết và dạy dỗ cho hàng đệ tử mình về chân lý nhân quả và duyên sanh.

“Xưa bày nay làm” câu tục ngữ ấy chẳng có gì hay ho, vậy mà nhiều người nghe, ít người dám sửa đổi, dù biết nó lạc hậu sai lầm!

Dựa trên chân lý nhân quả và duyên sanh ấy, Tổ Qui Sơn dõng dạc giọng hải triều:

Kim sanh tiệm tu quyết đoán
“Tưởng liệu bất do biệt nhơn
“Tức ý vong duyên bất dữ chư trần tác đối
“Tâm không cảnh tịch chỉ vị cửu trệ bất thông”

Thế cho nên đệ tử Phật chơn chánh không van xin, không khấn vái, mà chỉ siêng năng tu tập:

“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”.

Hòa Thượng Thích Từ Thông
NHTS.
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét