Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Nhân Quả Nghiệp Báo



Nhân quả nghiệp báo rất quan trọng. Người học Phật không dễ gì nắm bắt định luật này cho thấu đáo nếu không nghiên cứu, học hỏi và chiêm nghiệm sâu xa.

Điều đầu tiên chúng ta phải biết là nhân quả khác, nghiệp báo khác. Có khi có nhân quả mà không có nghiệp báo. Định luật nhân quả là tất yếu, ta không thể chấm dứt nó được. Nhưng nghiệp báo thì ta có thể thay đổi hoặc chuyển nó được. Nói thế, ta cũng không loại trừ khả năng, nghiệp báo có thể nặng hơn hoặc làm cho nó giảm nhẹ đi, tùy duyên, căn cơ và sự tu tập của từng người quyết định.

Muốn lãnh hội trọn vẹn bài học về nhân quả nghiệp báo ta phải nghiên cứu toàn diện, lần lượt đi qua những kiến thức giáo pháp cơ bản sau đây:

- Những định luật của vũ trụ.

- Nghiệp là gì?

- Nguồn gốc của nghiệp.

- Nhân quả nghiệp báo.

- Có bao nhiêu loại nghiệp.

- Những điều quan trọng cần phải liễu tri.

- Kết luận.

I- Những Định Luật Của Vũ Trụ

Có những định luật, những quy luật vận hành của vũ trụ, chúng tương quan mật thiết nhau và chi phối toàn bộ đời sống của con người cùng vạn hữu. Chính những định luật, quy luật này, trong tác động hỗ tương của chúng, đã sinh ra vô vàn giống loại hữu tình, vô tình cùng trời đất, trăng sao, thiên hà, vũ trụ...

Những quy luật ấy đã được đức Phật giới thiệu phổ quát như sau:

1- Định luật của thế giới vật lý vô cơ (utuniyāma)

Đây là quy luật vận hành trong thế giới tự nhiên của trời đất, tạo ra những hiện tượng nắng mưa, ngày đêm, nóng lạnh, xuân hạ thu đông... Những ảnh hưởng của mặt trời, mặt trăng, tinh tú đến sông, biển, ao hồ; các lực tương tác chi phối, tác động đến con người, thảo mộc, vạn hữu... là thuộc về định luật utuniyāma này.

2- Định luật của thế giới sinh vật lý hữu cơ (bijaniyāma)

Là những quy luật tác động trong thế giới tế bào của những động vật và thực vật, trong đó có con người. Do những định luật này mà các nhà khoa học đã tìm ra luật bảo toàn giống loại, ADN, di truyền, gène... kể cả những công nghệ sinh học... Cũng nhờ những quy luật này mà giống nào sinh ra giống nấy. Hạt cam sinh ra cây cam. Lúa có từ hạt lúa. Gène di truyền trong việc thụ thai hai trẻ sinh đôi giống nhau nhưng khác tính tình. Khoa học tội phạm hình sự chỉ cần lấy ADN nơi một mẫu tóc có thể tìm ra người gây án...

Những định luật thuộc bija niyāma này còn rất lớn rộng và ẩn mật, sợ rằng nhiều thế kỷ nữa, nhân loại vẫn chưa khám phá ra hết.

3- Định luật về pháp (dhammaniyāma)

Là những quy luật chi phối vạn pháp. Như luật âm dương, ngũ hành, luật hấp dẫn, ly tâm, điện từ ; những phản ứng sinh lý hóa, luật bảo toàn năng lượng, trường sinh học; kể cả những hiện tượng siêu hình như lúc Bồ-tát giáng phàm, thành đạo, Niết-bàn...

4- Định luật về tâm (cittaniyāma)

Những định luật về tâm, tâm lý, như: ý tưởng, ý niệm, tưởng tượng, hồi ức, trí nhớ, ký ức, tư tưởng, trực giác... Ngoài ra, những trạng thái tâm lý, những yếu tố nội tâm diễn tiến theo trình tự nhân quả tương quan đưa đến phán đoán, nhận thức, suy luận, chi phối sinh hoạt hữu thức hoặc vô thức của con người đều thuộc lĩnh vực của định luật này. Những hiện tượng thần giao cách cảm, biết quá khứ vị lai hoặc thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông... cùng từ định luật này mà có.

5- Định luật về nghiệp (kammaniyāma)

Đây là định luật về nghiệp báo, nói đủ là nhân quả nghiệp báo. Khi nói đến nghiệp báo thì phải có tác nhân của nghiệp và kết quả của nghiệp (hay báo ứng của nghiệp).

Trong 5 định luật mà chúng ta vừa điểm xuyết qua, 4 định luật đầu là định luật tự nhiên, chúng có xẩy ra tiến trình nhân quả nhưng không xảy ra nghiệp báo. Riêng định luật thứ 5 này mới xảy ra nhân quả nghiệp báo. Chính ở đây, những hành động và phản ứng tâm lý có ý thức, mang tính đạo đức, luân lý (thiện, bất thiện, bất động) mới tạo ra sự báo ứng của nghiệp. Đây là những quyết định, những chủ đích, những hành động có đầu tư của ý chí tự do của mỗi cá nhân. Tuy là nghiệp riêng biệt (biệt nghiệp) của cá nhân nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội và nhân loại (cộng nghiệp).

Như vậy, chúng ta phải biết cho rạch ròi đâu là nhân quả khách quan đâu là nghiệp báo chủ quan. Cả bốn định luật đầu tiên đều xảy ra theo tiến trình nhân quả. Phạm vi của chúng rất rộng lớn. Nếu ta không thấu triệt dễ sinh ra ngộ nhận, cái gì cũng đổ thừa cho nghiệp thì oan cho ba đời chư Phật! ...

ĐỌC THÊM =>>>
http://thuvienhoasen.org/a18791/nhan-qua-nghiep-bao
Namo Buddhaya.
Theo Phật Pháp Buddha Dhamma
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét