Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Ý Nghĩa Của Một Câu Phong Dao



Phong dao, tục ngữ Việt Nam rất hay, rất đa dạng, rất phong phú, có thể nó được hình thành và xuất xứ qua một giai thoại hay một điển tích nào đó, cũng có thể qua một sự ngẫu hứng của những đôi nam thanh nữ tú tình cờ gặp nhau giữa sông, giữa chợ cũng nên. Thí dụ câu ca dao: "Gió đưa Cải Cải về trời, Răm Răm ở lại chịu đời đắng cay". Câu nầy qua điển tích về bà Phi Yến (tục gọi là Lê Thị Răm-Răm) là vợ của Nguyễn Ánh và là mẹ của người con trai tên là Hội An (tục gọi là Cải-Cải), vì bà nầy dám can ngăn Nguyễn Ánh không nên “cõng rắn cắn gà nhà” khi Nguyễn Ánh cầu viện Pháp bằng cách gởi Hoàng Tử Cảnh cho giám mục Bá Đa Lộc mang qua Pháp rồi đến cầu viện quân Xiêm La và bà dám khen Quang Trung- Nguyễn Huệ là một bậc anh tài, chí khí, làm cho Nguyễn Ánh điên tiết lên và ra lệnh giết bà. Sau nhờ tất cả các quần thần can dán Nguyễn Ánh, và bà được tha tội chết, nhưng bà đã bị Nguyễn Ánh sai đem giam vào trong hầm núi ở Côn Đảo. Khi nghe quân Tây Sơn tiến đến thì Nguyễn Ánh nhổ neo bỏ chạy. Hội An (Cải-Cải) la lên, con muốn mẹ, con muốn mẹ, liền khi đó Nguyễn Ánh đạp con mình xuống nước cho chết chìm và được dân làng vớt lên chôn cất. Tâm trạng của bà Phi Yến lúc bấy giờ đau khổ đến dường nào! Cho nên dân làng tại đấy mới có câu ca dao đó. Ngày nay chúng ta quen truyền miệng là “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay.” Nhưng, ở bài nầy người viết chỉ muốn đề cập đến câu phong dao có liên quan đến đạo lý của nhà Phật là chính, đó là câu: Thứ nhất là tu tại nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu Chùa.

Ý nghĩa tu tại nhà như thế nào mà phải được xếp hạng nhất vậy! Và tu chợ ra sao mà cũng ưu tiên đứng trước người tu tại Chùa? Có lẽ là có ẩn nghĩa sâu xa gì chăng? Mời các bạn đọc tìm hiểu thêm ý nghĩa hai câu nầy như thế nào. Thường thì ca dao Việt Nam cứ đọc ra như vậy và tùy tâm cảnh của mỗi người mà hiểu. Do đó, đôi khi có nhiều người hiểu và giải thích rất là tuỳ tiện theo ý riêng của mình.

Như câu thành ngữ “Có thực mới vực được đạo” chẳng hạn. Câu nầy các bậc tiền bối của chúng ta ngụ ý rằng, người có thực tâm xây dựng mới vực dậy được đạo. Có nghĩa rằng tâm của người làm đạo đó phải nhất nhất chân thực, chân thực bất hư – tâm chân thực không hư dối thì Đạo Phật là đạo của sự thật. Không có gì hủy hoại được đạo Phật qua cái tâm chân thực của con người làm đạo cả. 

Nhưng rất tiếc, ngày nay không ít người hiểu câu nầy đồng với nghĩa ăn uống , “có ăn mới làm nên đạo.” Thế thì người Việt chúng ta không có câu, “miếng ăn là miếng tồi tàn…” đó sao? Hiểu như thế thì quả là lệch lạc, và cũng là giềng mối dẫn đến hình thành những tệ đoan có thể xảy ra nơi nhiều từng lớp xã hội trong quá trình và ngay cả trong hiện tại. Một danh từ nói lái mà ở xã hội Việt Nam bây giờ ai cũng biết là, thủ tục “đầu tiên,” để ám chỉ các cơ quan công quyền với thói quan liêu “có ăn mới làm nên đạo” của người Việt nói riêng và người Á Châu nói chung từ xưa đến nay. Tệ đoan nầy còn lây lan qua các cơ quan Tôn Giáo cũng phải trải qua cái khâu của, thủ tục “đầu tiên” mới được đóng dấu thị thực nữa thì thật là hết biết!...

Trở lại câu phong dao, thứ nhất tu tại nhà… cũng không ít những người hiểu câu nầy theo quán tính. Nghĩa là người ta hiểu theo “cách riêng” của họ. Thế nên, không ít quí thầy than rằng, thời bây giờ khuyến khích Phật tử đến chùa tu tập, quí ngài nhận được những câu trả lời không mấy khả dĩ. Thường thì, “thưa thầy, Phật tại tâm, con bận bịu việc nhà quá thôi thì ở nhà tu cũng được, bởi vì thứ nhất tu tại nhà mà…” Vậy là cũng huề.

Còn nếu có một người muốn đi làm Phật, như câu trả lời dứt khoát của lục tổ Huệ Năng với ngũ tổ Hoằng Nhẫn rằng, “con đến đây chỉ để xin làm Phật.” Một người có tâm làm Phật như thế, thì chí ít họ cũng phải có cái căn bản “thứ nhất tu tại nhà” đã chứ. Cái căn bản đó sao mà quan trọng cho người muốn xuất gia lắm thế? Chúng ta hãy ôn lại lời đức Phật dạy: gặp thời không có Phật và các bậc hiền thánh, mà biết thờ kính cha mẹ thì cũng như đang thờ kính Phật, các bậc hiền thánh vậy. 

Như vậy là người muốn xuất gia phải tu ngay cái tâm hạnh của mình ở nhà trước đã, đó là ở trong nhà biết kính cha thờ mẹ, thương yêu anh chị em, là căn bản đạo đức mà một con người muốn phát tâm rộng lớn (xuất gia) phải cần có. Bởi vì “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.” Còn nếu một người mà ở nhà đối với cha mẹ, anh chị em đã vắng bóng sự hiếu kính, thương yêu thì, dù có đến Chùa xin làm phật, Phật có hiện diện trước mặt họ, họ vẫn, “vào chùa dắt Bụt đi chơi, gần chùa kêu Phật bằng anh”, là cùng. Câu tục ngữ đó đã đi vào dân gian và lẫn cả văn chương Việt Nam rồi vậy. Con người tâm địa không được trong sáng thì dù có đến chùa nữa cũng ở không lâu. Nhưng càng ở chùa lâu dài thì càng hại cho đạo, càng thêm ô nhiểm cửa Phật. 

Thế còn, “thứ nhì tu chợ.”? Thường chúng ta hay nghe các bậc lớn tuổi với những lời trân quí khen tặng các nam thanh nữ tú có cử chỉ và ngôn từ nết hạnh ở giữa chợ đời, thì ngược lại họ cũng không tiếc rẻ để buông những lời không mấy tốt đẹp cho những anh chị khuyết hạnh vậy. Bởi vì ở trong nhà hiếu thảo với mẹ cha, ra đường kính trên nhường dưới là một đức hạnh lớn mà ở trong nhà Phật còn gọi là sự khiêm cung, khiêm hạ. Nếu ta là người muốn tu mà không chịu chuẩn bị cho chính mình những bước khiêm cung hòa ái, tôn Sư trọng Đạo đó, thì khi tới Chùa đảnh lễ xin phép vị Trú Trì để cho mình được xuất gia đi nữa thì, việc tu tiến của mình cũng không đi vào đâu, đôi khi còn tạo thêm lớn cái nghiệp nữa. Bởi vì, tính khí của mình vốn dĩ ở nhà đã không biết kính trọng cha mẹ, ra ngoài đường chẳng biết nhường nhịn ai, là đã hỏng bước căn bản rồi. Thường thì người tu phải có một duyên lành sâu xa nào đó, nên họ mới có được những đức hạnh ấy. Nói thế không có nghiã là những người không xuất gia không có những đức hạnh đó mà rất nhiều, tuy nhiên không đạt tới ý nghĩa của một đức hạnh sâu xa ở trong câu tục ngữ này đó thôi. Một thí dụ căn bản: Một người chưa trang bị được sự kiên nhẫn và sự hiếu kính đó, đến cửa Phật một thời gian sau mình sẽ nhận ra ở vị Trú Trì đó vẫn còn vài khuyết điểm, rồi mình vội cho là thô thiển và sẽ trở nên sinh tâm bất kính, do đó không tiếp nhận được những ưu điểm, những đức hạnh tích cực của vị Thầy của mình. Mất hết sự cung kính đối với người Cha hướng dẫn tinh thần, và sự xây dựng tuệ giác cho tự thân cũng sẽ không thể thành tựu, một khi ngã mạn và sân si của tự thân người tu đó trổi dậy. Nên nhớ một điều là dù các bậc cao tăng đi nữa nhưng họ vẫn chưa có thể hoàn hảo được như một bậc thánh mà mình luôn mong đợi đâu nhé. Nếu có một vị thật hoàn hảo thì vị đó là một Thánh nhân, còn nếu không phải là thánh nhân mà hoàn hảo như vậy thì vị nầy chắc sẽ rất khó đi cho trọn vẹn trên con đường đạo. Chuyển nầy quí bạn đọc tự suy nghĩ lấy, xin đừng hỏi lại tôi, tại sao?

Cho nên, người có sự khiêm cung, khiêm hạ là người đó sẽ xây dựng được công đức vô lậu. Nghĩa là công đức nầy sẽ là những nấc thang căn bản để cho người tu bước lên và vượt ra khỏi vòng tam giới, là dục giới, sắc giới và vô sắc giới, để đi đến Niết Bàn tịch tịnh. 

Thế mới biết việc quan trọng của một người khi muốn cắt ái ly gia thì phải thành tựu được hai bước căn bản là, thứ nhất tu tại nhà, thứ hai tu chợ, rồi thứ ba mới vào chùa thì lúc đó dù có phải đứng trước những sóng gió của nghiệp chướng, đứng trước những ngoại ma, nội ma, và ngay cả thiên ma ba tuần cũng không thể xô đẩy được người tu đó. Còn vài tháng nữa cũng sẽ đến mùa Xuân Đinh Dậu, người viết xin mượn câu nói của bồ tát Di Lặc (Bố Đại Hòa Thượng) cho nghĩa của câu thứ ba và cũng để kết thúc bài nầy, “Dù ai có nhổ nước bọt lên mặt ta, ta vẫn không cần lau chùi, để tự nhiên nó khô.” Nghĩa là dù ai có phỉ nhổ, vu khống, mạ lỵ, chửi bới Ngài, thì Ngài vẫn thản nhiên bất động, để tự gió bay, đó là đức hạnh lớn của người xuất gia (bát phong xuy bất động) vậy. Và đây cũng là chân lý sáng ngời của bước chân hạnh phúc của một người tu, vì, lời Đức Phật dạy: "Con đường mà người đang đi đó là chân lý, chứ chân lý không nằm ở cuối con đường". Người viết, xin hướng về mười phương Tam Bảo, thành tâm cầu nguyện cho tất cả chúng ta, tranh thủ để đạt được ba bước căn bản đức hạnh đó để làm hành trang trên bước đường giải thoát.

Tuệ Minh-T Phước Toàn
Chùa Phước Huệ, Tacoma, cuối thu 2016
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét