Ở Trung Hoa và Đài Loan hiện nay, Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng giêng, đêm rằm đầu tiên của năm mới) được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới và còn được gọi là "Lễ hội đèn hoa" hoặc "Hội hoa đăng", có thể bắt nguồn từ tục cúng tế thời Hán Vũ Đế , với tập tục trưng đèn trên cây nêu trước cửa nhà, đốt đèn, chơi lồng đèn ngũ sắc, có thể kéo từ 13 đến 17 tháng giêng. Được yêu chuộng là những lồng đèn có hình thù rồng, phượng,12 con giáp hoặc những nhân vật cổ trong truyền thuyết, cổ tích. Ngoài ra còn những tập tục khác như: cúng tế cầu an cầu phước, ăn bánh trôi (gọi là "thang viên" - viên tròn trong nước), thi đoán hình thù trên lồng đèn, ngâm thơ. Người Đài Loan còn ghi những câu ước nguyện của mình vào đèn lồng và thả bay lên trời. Nhiều người còn coi đây là mùa Valentine Phương Đông, tương tự như lễ Thất Tịch. Thơ Đường xưa đã viết: Nguyên tiêu chi dạ hoa lộng nguyệt, mùa trăng tròn lung linh sắc màu hoa đăng rực rỡ cũng là dịp Ngưu Lang Chức Nữ hiện đại gặp gỡ se duyên.
Ở Philippines, có lễ hội diễu hành truyền thống vào ngày rằm tháng giêng, đánh dấu khởi đầu năm mới.
Nguồn Gốc& Truyền Thuyết Về Tết Nguyên Tiêu
Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Nhiều tài liệu viết phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc với lễ hội rước đèn lồng long trọng. Chính vì thế, có nơi gọi Tết Nguyên Tiêu là Lễ hội lồng đèn hay hội hoa đăng.
Ngày nay ở nhiều thành phố có người gốc Hoa sinh sống đều có tổ chức Tết Nguyên Tiêu long trọng. Ở Hội quán Phúc Kiến (đường Trần Phú, Phường Minh An, thành phố Hội An, Quảng Nam) là một ví dụ. Tại sông Hoài – Hội An, tối 14 âm lịch hàng tháng cũng đều tổ chức thả đèn hoa đăng cầu may.
Theo sách Trung Hoa, lễ Thượng Nguyên trước đây chính là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp này, nhà vua hội họp các Ông Trạng để thết tiệc và mời vào Thượng Uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ.
Truyền thuyết thứ nhất kể rằng: "Ngày xửa ngày xưa có một con thiên nga từ trên thiên đình bay xuống hạ giới đã bị một người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc Hoàng đã sai một đội quân Thiên đình đúng ngày 15 tháng 1 xuống hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật dưới hạ giới. Rất may cho loài người là có một số vị thần trên Thiên đình không đồng ý với quyết định có phần hơi nặng tay của Ngọc Hoàng. Họ đã liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh. Thế là vào ngày đó, nhà nhà treo đèn lồng và bắn pháo hoa để trên Thiên đình tưởng rằng nhà cửa của họ đã bị phóng hoả. Nhờ đó mà loài người mới thoát khỏi cảnh diệt vong".
Truyền thuyết thứ hai kể rằng: "Vào thời Hán Vũ Đế, có một cô gái trẻ tên là Yuanxiao sống trong cung bị cấm về thăm cha mẹ vào ngày 15 tháng 1 đã có ý định lao xuống giếng để tự vẫn. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cô gái, một vị quan cận thần có tên là Dongfang Shuo đã nghĩ ra một kế để giúp cô. Ông tâu với Hán Vũ Đế rằng, ngày 16 tháng 1, Thiên dình sẽ sai Hỏa thần xuống thiêu rụi Kinh thành. Để tránh tai họa đó, mọi người phải treo đèn lồng trước cửa nhà mình và ngoài đường vào ngày 15. Theo lệnh của Hán Vũ Đế, ngày đó mọi nhà đều treo đèn lồng, nhân lúc mọi người đang mải ngắm những chiếc đèn xinh xắn đó, cô gái trẻ đã trốn về nhà thăm cha mẹ mà không hề ai biết".
Có truyền thuyết cho rằng, Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng. Vào dịp rằm tháng giêng, bà con nông dân khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng, nên tối ngày 15/1 âm lịch là thời điểm ra đồng ruộng tập trung cỏ khô, lá khô, châm lửa tiêu hủy sâu bọ.
Một số ý kiến khác cho rằng Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Vào ngày này, chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Bởi vậy, những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đến đức Phật.
Rằm Tháng Giêng với Dân Việt.
1 - Ăn Tết Lại
Ngót hai thế kỷ nay, ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là ở nội và ngoại thành Hà Nội, có tập tục “Ăn Tết Lại”. Ra giêng (trước hay sau rằm), người ta gói tiếp đợt bánh chưng khác để chờ người thân chưa kịp về dịp Tết, để mời khách đột xuất và cũng là để gia đình ăn Tết lại.
Đây là một biểu tượng văn hóa được kết lại từ hiện tượng có thực xảy ra cách đây trên hai thế kỷ: sự kiện vua Quang Trung cho quân tướng của mình ăn Tết Kỷ Dậu (1789) trước khi tiến quân ra Bắc đánh đuổi giặc Thanh, và sự kiện dân thành Thăng Long chạy loạn giặc Thanh, sau đó trở lại kinh thành, ổn định cuộc sống, tổ chức ăn mừng chiến thắng.
Theo Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái, trước khi tiến đánh Thăng Long, vua Quang Trung đã mở tiệc khao quân ở đền Tam Điệp. Hôm đó là ngày 30 Tết (25/1/1789) Kỷ Dậu. Rồi nhà vua bảo kín với các tướng rằng: “Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ ăn Tết Nguyên Đán trước đã. Hẹn đến năm mới, mồng 7, thì vào thành Thăng Long, sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lời ta xem có đúng không?” Nhưng chỉ đến ngày mồng 5 Tết, vua Quang Trung đã tiến quân vào kinh đô.
Lại nói, trước đó, dân thành Thăng Long đã chuẩn bị ăn Tết với đầy đủ các thứ vật phẩm. Nhưng do phải chạy giặc Thanh, họ chỉ đem được rất ít, còn bánh chưng, phần lớn phải vứt xuống ao. Khi kinh thành được giải phóng, họ trở về và thử vớt bánh lên, thấy vẫn còn thơm ngon. Thì ra, tiết trời lạnh, nước ao lạnh nên bánh không bị hư hỏng. Dân chúng cảm tạ thần linh đã giúp vua Quang Trung tiêu diệt được quân Thanh, cho họ được mở tiệc ăn Tết tại nhà.
Từ đó, ở nhiều nơi, nhiều nhà giữ lại cách thức ngâm bánh chưng xuống ao, xuống giếng nước, sau vớt lên “ăn Tết lại”. Hoặc tiện hơn là gói đợt bánh khác để ăn tới tận rằm tháng giêng, có khi tới tận cuối tháng giêng, gọi là tục “ăn Tết lại”.
Đó là một sinh hoạt văn hóa, một hành động tưởng niệm người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, người cho quân ăn Tết Kỷ Dậu trước khi chiến đấu giải phóng kinh đô và “ăn Tết lại” sau ngày đại thắng. Và đây cũng trở thành một nét nhân hậu, có trước có sau của tính cách người dân Việt đối với những người thân ở xa.
2 - Lễ Thượng Ngươn (Thượng Nguyên)
Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười). Đây là ba rằm lớn đối với tín ngưỡng người Việt.Rằm Tháng Giêng ở Việt Nam khác hẳn điển tích nguyên thủy của Trung Hoa, mà nhập vào Phật giáo. Dù kinh điển nhà Phật không nói đến ngày rằm Tháng Giêng nhưng trong dân chúng thì đây là dịp lên chùa cúng sao giải hạn, ước nguyện điềm lành.
Rằm tháng Giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu lan) nhưng trùng hợp với lễ Thượng nguyên và Tết Nguyên tiêu trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng. Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt.
Theo truyền thống Phật giáo Nam tông, Rằm tháng Giêng còn là ngày vía của Phật tổ. Ngày này đức Phật thông báo giáo Pháp đã được thiết lập vững vàng và ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa. Lúc đức Phật ở Trúc Lâm tịnh xá (thành phố Ràjagaha), 1250 vị thánh Tăng tự tập trung về ngồi vây quanh đức Phật lắng nghe bài kinh Giải Thoát Giáo.
Nhìn chung, Tết Nguyên Tiêu ở Việt Nam mang một sắc thái hoàn toàn khác với người Hoa, không chú trọng đến lễ hội vui chơi, đây là lễ tết quan trọng nặng tính tôn giáo, nên ông bà ta có câu:
“Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”
hay
“Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.
Huỳnh Hữu Đức
Tổng Hợp và Biên Soạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét