Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Tuyển Tập Thư Thầy (Thư số 10-11)



[Thư số10]


Ngày ..... tháng ..... năm .....


Con thương mến,

Con đã trình bày khá rõ trình độ học Phật của con, có như thế Thầy mới dễ hướng dẫn con hơn.

Lúc đầu ai cũng thế, tin Phật một cách sai lạc, nhưng càng theo, càng hiểu rõ Phật hơn và dần dần điều chỉnh những quan niệm sai lầm của mình.

Từ nhỏ con đã hiểu Ðạo Phật là ăn chay, thắp hương niệm Phật, khấn vái cầu xin, sám hối v.v... để được ban phước và xá tội.

Tín ngưỡng ấy mất dần tính chất thần quyền và chuyển thành những lý tưởng siêu nhiên theo lối siêu hình học. Rồi tính siêu hình cũng mất dần để nhường chỗ cho khuynh hướng triết học mà ở đây vai trò trọng yếu là luận lý. Sau đó luận lý phải nhường bước cho đời sống xã hội thực tế hơn và từ đó tính đạo đức xuất hiện.

Khi Ðạo Phật được hiểu theo lối tu thân hay đạo làm người là đã có tính đạo đức. Ðạo Phật càng được hiểu thực tiễn chừng nào, càng đúng chừng đó. Tuy nhiên thực tế của người ngộ khác xa thực tế của kẻ mê.

Có một vị thiền sư khi ngộ đã tuyên bố: Lúc chưa tu ông thấy núi chỉ là núi, sông chỉ là sông. Sau ông nhập đạo tu hành, ông thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Nhưng đến khi giác ngộ, ông lại thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông.

Núi là núi, sông là sông thế mà khi mê không giống ngộ. Do vậy giá trị của Ðạo Phật là ở chỗ chuyển mê khai ngộ chứ không phải ở tín lý, siêu lý, luận lý hay đức lý... như người ta thường hiểu.

Tín lý, luận lý, siêu lý, đức lý,... đều có trong Ðạo Phật, nhưng đó chỉ là hình thức bề ngoài tùy theo căn cơ sai khác của con người. Cốt tử của Ðạo Phật vẫn là giác ngộ.

Con thích đọc sách học làm người, lại nghiên cứu Ðạo Phật để có thể có được một "bonne vie" như con nói, vậy là con thiên về đức lý. Nhưng như Thầy đã nói, đức lý là kết quả phụ tùy của người ngộ đạo và sống đạo chứ không phải là điều kiện tất yếu để giác ngộ giải thoát. Ví như người quán thông bệnh và thuốc có thể do vậy mà không bệnh, nhưng không phải ai không bệnh cũng thông hiểu bệnh và thuốc, có khi ngược lại là khác. Cũng vậy, một người giác ngộ chân lý của sự sống có thể vì vậy mà có đạo đức, nhưng không phải ai có đạo đức cũng đều giác ngộ, có khi càng đạo đức càng ngã mạn, cố chấp và quá xa để giác ngộ.

Khi người ta nói: "Une bonne vie, voilà la vraie religion" thì ở đây religion chỉ là một tôn giáo bình thường hiểu theo nghĩa đức lý, chứ không hiểu theo nghĩa giác ngộ như Ðạo Phật. Không dùng thuật ngữ Religion để dịch Ðạo Phật được, tốt hơn dùng thuật ngữ Bouddhisme để dễ phân biệt hơn. Vì Bouddhisme bắt nguồn từ Phạn ngữ Bodhi, Buddhi... có nghĩa là giác ngộ. Rama Krishna, một giáo sư người Ấn nổi tiếng dạy Phật học tại các đại học phương Tây đã định nghĩa "Phật giáo là con đường sống" (Buddhism is the way of life). Ðịnh nghĩa như vậy rất đúng, nhưng dường như cũng có vẻ nghiêng về tính đạo đức hơn là tính giác ngộ.

Vì con hiểu Ðạo Phật theo nghĩa đức lý, do đó không khỏi đưa đến điều khổ tâm mà con trình bày: "Càng đọc sách hay, càng biết nhiều điều tốt, cách sống tốt v.v... con càng thấy khổ tâm khi thấy rằng con có nhiều tánh xấu quá. Biết điều đó là hay, là tốt mà con không làm được cho hay cho tốt, không khắc phục được những tánh xấu của mình, con đâm ra lo âu buồn phiền hơn". Thật là quá đúng, mâu thuẫn đó là điều tất nhiên, nó không bao giờ có thể được giải quyết trừ phi con chuyển cái nhìn đức lý của con thành cái nhìn giác ngộ. Nghĩa là trước kia con để yếu tố đạo đức đóng vai chánh, nay con hãy để cho yếu tố giác ngộ đóng vai chánh và đưa đạo đức xuống vai trò thứ yếu, là con có thể giải quyết được mâu thuẫn trên một cách dễ dàng ngay.

Nếu con có đọc Nho giáo thì đạo đức thuộc về mệnh và giác ngộ thuộc về thiên. Phải "thuận thiên lập mệnh" mới được. Thế mà các nhà nho đã quá đề cao khuôn khổ đạo đức nên Nho giáo càng ngày càng mất hẳn tính chất giác ngộ. Cùng lý tận tính hay cách vật trí tri là thuật ngữ của nho giáo để chỉ sự giác ngộ.

Ðể Thầy ví dụ thực tế cho con dễ hiểu, dễ hành. Trước kia khi giận dữ con muốn trấn áp nó bằng đức trầm tĩnh hay hỷ xả (lý tưởng đạo đức), và con cố gắng để khắc phục, dồn nén cơn giận dữ, con thấy không thành công. Ðó là lẽ dĩ nhiên, một khuynh hướng nội tâm khi đã hiện hành bị dồn nén sẽ ở trong thế ẩn ức và chờ dịp trổi dậy qua ngỏ ngách khác nguy hiểm hơn. Càng dồn nén, càng tạo mâu thuẫn nội tâm. Mâu thuẫn càng gia tăng càng đưa đến thần kinh căng thẳng và suy nhược. Ðó là kinh nghiệm của những người tu hành khắc kỷ theo lối đạo đức khuôn khổ.

Trong trường hợp này làm sao con chuyển yếu tố đạo đức qua giác ngộ? Trước hết con hãy để qua một bên ý định khắc phục giận dữ, con hãy âm thầm lắng nghe cơn giận dữ đó xem nó phát sinh thế nào và bình thản theo dõi nó cho đến khi lắng dịu và biến mất. Thấy được cơn giận dữ từ khi nó phát sinh cho đến khi nó chấm dứt có nghĩa là tỉnh giác trước một sự kiện nội tâm và đó chính là tự giác như Ðức Phật đã dạy. Càng lặng lẽ khách quan lắng nghe cơn giận dữ đó bao nhiêu càng giác ngộ nó rõ ràng bấy nhiêu. Chúa dạy trong Thánh Kinh: "Ta đến như kẻ trộm, phước thay cho kẻ nào ngày đêm tỉnh thức" cũng là ý đó. Khi con lắng nghe sự sinh, diệt của cơn giận dữ một cách chăm chú không xao lãng con sẽ hiểu được nó và thấy nó biến mất một cách vô cùng mau chóng. Lúc đó, mặc dù con đang giận dữ con vẫn thanh tịnh trong hai thời: thanh tịnh lắng nghe cơn giận và thanh tịnh khi cơn giận biến mất.

Như vậy, dù con không cố gắng dồn nén, khắc phục cơn giận để được trầm tĩnh thế mà cơn giận dữ vẫn biến mất trong sự tỉnh giác của con. Nhưng điều quan trọng không phải là nó có biến mất hay không mà là con có lắng nghe được nó trọn vẹn hay không? con có giác ngộ được hành tướng sinh diệt của cơn giận dữ hay không? Cơn giận có thể tùy điều kiện phát sinh lại trong một dịp khác. Càng tốt, vì con có dịp giác ngộ nó rõ hơn. Một ngày kia con làm chủ được cơn giận dữ của con là vì con đã giác ngộ được nó hoàn toàn, đó là lý do tại sao Thầy nói với con giác ngộ là chính, còn đạo đức chỉ là yếu tố phụ tùy.

Tất cả những hành động, lời nói, ý nghĩ khác cũng vậy, hãy giác ngộ chúng thì chúng sẽ trở nên đạo đức, chứ đừng bắt chúng phải đạo đức một cách miễn cưỡng mà tạo nên những mâu thuẫn đấu tranh căng thẳng.

Sách dạy làm người, Nho giáo hiểu theo nghĩa luân lý khắc kỷ, đều là những khuôn khổ đạo đức nguy hiểm khiến con người bị nô lệ vào đạo đức giả tạo hơn là giúp con người có khả năng sáng tạo đạo đức. Luân lý bao giờ cũng chỉ có ý nghĩa tùy thời, tùy chỗ, tùy dân tộc tính v.v... chứ không bao giờ tuyệt đối. Chỉ có con người giác ngộ mới đích thực có đạo đức tự mạch nguồn nội tại. Phép lịch sự của Âu Mỹ không phải là nghi lễ của Ðông phương. Rèn luyện ý chí nghị lực theo lối Tây phương có thể là mối nguy cho đời sống tự nhiên thanh thản của tinh thần Lão Trang. Vậy đâu là đạo làm người đích thực? đâu là "Une bonne vie"?

Ðạo Phật ra đời chỉ nhằm khai thị cho chúng sinh cách hóa giải những mâu thuẫn đức lý kia bằng con đường giác ngộ, và đó chính là tính ưu việt của Ðạo Phật giữa những tôn giáo, triết học ở đời.

Mong con lãnh hội được những điều Thầy muốn nói.

Thân ái chào con.

Thầy.


[Thư số11]


Ngày ..... tháng ..... năm .....

Con thương mến,

Thầy đã nhận được thư con và vui mừng thấy con đã trưởng thành trong tinh thần Huyền Không, mà Thầy muốn trao cho con làm hành trang đi vào muôn hướng của cuộc đời.

Nói là hành trang, là tinh thần Huyền Không, thật ra thì không có phương châm nào buộc con phải theo mà chính là lòng con cởi mở để có thể theo bất cứ phương châm nào thích ứng với lẽ đời chân thật. Chân lý là sự sống của vạn pháp và của thân tâm ta. Tất cả đều trôi chảy, chẳng có gì ngưng đọng để ta phải bám víu, ngập ngừng. Nó như một dòng sông mà ta phải hòa mình vào để lắng nghe từ bên trong nhịp sống trôi chảy vô cùng.

Con thương mến,

Thầy chưa được nghe bản "Ðóa hoa vô thường" của TCS, để Thầy hỏi lại các anh chị con xem. Thôi bây giờ con tạm đọc đóa hoa vô thường của Thầy vậy.

Hôm đó Thầy lại lên sơn thượng, con đường dốc chênh vênh, băng qua dòng suối nhỏ, dẫn vào Không động, đã từ lâu ít người qua lại nên rêu cỏ phủ đầy. Sớm mai nắng chưa lên khỏi núi, sương còn đọng trên cành, Thầy cũng không có việc gì vội vã, nên dừng lại nghỉ chân dưới cội tùng già bên bờ suối vắng. Suối vẫn chảy róc rách, cây chuyển nhựa thì thầm như nhịp thở ngàn đời của sự sống. Thầy cũng thở mà tưởng chừng chỉ nghe tiếng lá tùng reo.

Yên lặng thay là nhịp sống dạt dào vô tận!

Thầy đứng dậy, tiếp tục leo lên dốc núi và chợt thấy bên kia cội tùng già một đóa hoa vàng mới nở!

Vi diệu thay là nhịp sống, dạt dào vô tận!

Lúc đó Thầy không thể làm thơ, cũng không thể vẽ, mà chỉ đứng lặng nhìn. Mãi đến bây giờ khi viết cho con Thầy mới tạm ghi lại những cảm xúc đó với ít nét đơn sơ:

Dốc mòn lên sơn thượng
Một buổi sáng còn sương
Bên cội tùng trăm trượng
Ðóa hoa nở lạ thường.

Con ạ, một đóa hoa tất nhiên phải lạ thường, vì có bao giờ hoa không mới mẻ lạ thường, phải không con? Nhưng con đừng tưởng nó kỳ diệu khác thường đâu nhé, nó vẫn chỉ là đóa hoa dại mỏng manh, nhỏ bé, bình thường. Có thể là nó quá nhỏ so với cội tùng cao lớn và rất vàng so với đám cỏ thật xanh, nhưng nó cũng là "đóa hoa vô thường" nếu con muốn gọi, hay tốt hơn con hãy để yên cho nó tự vô thường.

Con ạ, lúc này Thầy ít làm thơ hơn là vẽ, thỉnh thoảng Thầy vẽ một vài bức tranh thật nhỏ bé. Một cọng cỏ, một chiếc thuyền, một cánh chim, một phiến đá, một mảnh trăng, một đám mây, một mái nhà cỏ rạ v.v... đều có thể là bức tranh của Thầy không có gì phải cố gắng, cái gì cũng chỉ là những nét phất phơ dung dị, điểm xuyết cho cái không vô tận của bức tranh, của tâm hồn, của sự sống.

Thầy không biết vẽ bằng bàn tay thành thạo như các họa sĩ nên Thầy vẽ bằng hồn. Tay của Thầy không có sẵn một kỹ thuật điêu luyện nào, nhưng khi có hồn vào thì nó vung lên bất chấp tất cả, chỉ còn vẽ, vẽ và vẽ mà thôi. Cũng có khi tay nó không chịu hợp tác, lúc ấy Thầy đành để tâm hồn tự vẽ lấy mình.

Rất tiếc Thầy chưa thể gửi tranh cho con. Sau này Thầy sẽ tìm cách gửi đi cho các Phật tử Huyền Không hải ngoại. Lúc bà Huyền Vi, mẹ Huyền Chi đi, Thầy có gửi bà ba bức tặng Huyền Chi. Con liên lạc Huyền Chi xin bản photo có được không? Có khi bản photo đẹp hơn bản chính đấy.

Thầy vừa đi Huyền Không về, ngoài đó các sư thúc con làm việc siêng năng để tự túc sinh sống, vất vả thế mà vui. Có lẽ đời sống cần phải ướp chút mưa, sương, nắng, bụi v.v... để làm phong phú thêm chất thơ và đạo, phải thế không con?

Có những người không bao giờ làm thơ và không bao giờ biết họa, nhưng đời sống của họ đích thị là bài thơ muôn vần muôn điệu, là bức họa muôn hình muôn sắc. Những người đó không là thi sĩ nhưng chính là thi nhân lấy cuộc đời viết nên cung điệu.

Con là thi nhân vì con đang sống. Sống hồn nhiên, cởi mở, bao dung, trong sáng... sống hòa với cuộc sống thăng trầm, vui khổ, tiếng khóc tiếng cười, đó là Huyền Không, bài thơ bất tuyệt Thầy tặng cho con trên vạn nẻo đời.

Thầy.

Trích từ: Tuyển Tập Thư Thầy
Tác giả: Thích Viên Minh
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét