[Thư số12]
Ngày ..... tháng ..... năm .....
Con thương mến,
Những ngày lưu lại Ðà Nẵng Thầy thấy con siêng năng đi chùa, học hỏi giáo lý và tinh tấn tu tập Thầy rất hoan hỷ. Giữa xã hội loài người hiếm thay là người theo đạo, giữa những người theo đạo, hiếm thay là người theo đạo chánh, giữa những người theo đạo chánh hiếm thay là người hiểu đạo lý, giữa những người hiểu đạo lý hiếm thay là người thực hành và giữa những người thực hành hiếm thay là người thành tựu.
Người Phật tử thường hãnh diện mình theo chánh đạo, nhưng thật ra ít người xứng đáng với chánh đạo của họ. Xứng đáng là khi nào họ sống trong đạo lý, hay nói theo Kinh Phật là sống tùy thuận Pháp (Dhammànudhammà patipanno viharati). Trong Kinh Anguttara Nikàya, Ðức Phật dạy rằng:
Dù một người suốt ngày học thuộc lòng Tam Tạng, giảng nói Tam Tạng hay suy tầm nghĩa lý Tam Tạng thì vẫn không phải sống theo pháp, nếu người ấy không tự mình sống an tịnh, không tự ổn định nội tâm, không biết rõ mục đích tối thượng với trí tuệ.
Con đã siêng năng học đạo, tinh tấn tu hành thì phải học và hành sao cho chín chắn, Thầy sẵn sàng giúp con khi con cần đến.
Con hỏi Thầy ý nghĩa hai chữ Huyền Không, nhưng không dễ gì nói hết vô lượng nghĩa của chữ này. Thầy chỉ gợi ý cho con một vài nét để con dễ lãnh hội nhất, và dễ thể hiện nhất, rồi từ đó con tự mở ra vô lượng nghĩa khác.
Huyền là hòa đồng. Thế nào là hòa đồng? Là trọn vẹn với chính mình, với sự sống, với công việc, với tất cả các pháp. Khi con đi trọn vẹn với đi là huyền, khi con ăn trọn vẹn với ăn là huyền, khi con ngủ trọn vẹn với ngủ là huyền, khi con nói năng, hành động, suy nghĩ đều trọn vẹn với mình là huyền. Nói cho kêu là thể nhập vạn pháp.
Con có khi nào nhìn một đám mây trôi qua bầu trời, một đóa hoa nở cuối vườn hay một cơn mưa mùa hạ một cách trọn vẹn không? đó là Huyền.
Con có khi nào thể nghiệm các pháp đến và đi trong hoặc ngoài con như dòng sông trôi chảy một cách trọn vẹn không? đó là Huyền.
Con có khi nào làm mọi việc dù nhỏ dù lớn, dù dễ dù khó tùy nhân duyên việc ấy đến với con một cách trọn vẹn không? đó là Huyền.
Con có khi nào từ bỏ hay chấp nhận điều gì đó một cách trọn vẹn không? đó là Huyền.
Vân vân và vân vân...
Nhưng thế nào là trọn vẹn? Bí quyết ấy Thầy dành cho con khám phá một mình.
Còn Không là gì? Là đạm nhiên, trong sáng, là rỗng rang thanh tịnh, là an ổn giải thoát, không nắm bắt cũng không từ bỏ một điều gì cả.
Sống hay chết đối với con không có vấn đề gì, đó là Không.
Ðược hay mất đối với con không có vấn đề gì, đó là Không.
Thành hay bại đối với con không có vấn đề gì, đó là Không.
Hơn hay thua đối với con không có vấn đề gì, đó là Không.
Sinh hay diệt đối với con không có vấn đề gì, đó là Không.
Có hay không đối với con không có vấn đề gì, đó là Không.
Thiện hay ác đối với con không có vấn đề gì, đó là Không.
Tịnh hay động đối với con không có vấn đề gì, đó là Không.
Niết-bàn hay sinh tử đối với con không có vấn đề gì, đó là Không.
Vân vân và vân vân ...
Tóm lại Huyền Không là hòa đồng với tất cả mà không có vấn đề gì cả và không có vấn đề gì mà vẫn hòa đồng với tất cả.
Tuy nói vậy nhưng khi con đã lãnh hội và sống được tinh thần huyền không thì con muốn nói sao cũng được, cái gì lại chẳng huyền, cái gì lại chẳng không, huyền không vô lượng nghĩa mà.
Và tuy nói vô lượng nghĩa con đừng cố tìm vô lượng định nghĩa bằng danh bằng cú. Vô lượng là ý Thầy nói có bao nhiêu pháp là có bấy nhiêu nghĩa huyền không vậy thôi.
* * *
Ngày nọ thần chết gặp một gã tiều phu. Thần bảo:
- Thôi đừng đốn củi làm gì nữa anh sẽ phải chết ngay bây giờ.
Gã tiều phu nhún vai nói:
- Thì chết!
Rồi gã tiếp tục đốn củi. Thần chết lại bảo:
- Bây giờ ta đổi ý bắt anh phải sống đốn củi với số kiếp bằng lá cây trong rừng này.
Gã tiều phu lại nhún vai:
- Thì sống!
Thầy gọi tên gã là Huyền Không.
* * *
Một hôm Thầy ra sau vườn, thấy chú tiểu đang bỏ cuốc ngồi nghỉ, tay còn lấm đất bưng một bát trà. Thầy hỏi:
- Con làm gì đó?
Chú tiểu nuốt ngụm trà đang uống dở và thưa:
- Dạ, con uống trà.
Thầy gọi tên tiểu là Huyền Không.
* * *
Trời đã trưa, nắng gắt, Thầy đi bộ đã hơn 10 cây số vẫn chưa về tới chùa, còn 3 cây số nữa, sợ trễ ngọ Thầy gọi một chiếc xích lô Bác xích lô hỏi:
- Thầy đi đâu?
- Bác cho về chùa Huyền Không.
- Mời lên xe.
Thầy lên xe. Bác đạp thật nhanh mồ hôi nhễ nhại. Về đến chùa vừa kịp ngọ Thầy mừng rỡ cám ơn:
- Bác cho trả bao nhiêu?
Bác xích lô vừa lau mồ hôi vừa nói:
- Bao nhiêu cũng được.
Thầy gọi tên bác là Huyền Không.
* * *
Bây giờ ngồi kể mãi với con như vậy biết bao giờ cho hết những tên gọi Huyền Không.
À, mà con chưa đọc bài thơ "Gọi tên Huyền Không" của Thầy sao? Thầy chép lại cho con đọc nhé:
GỌI TÊN HUYỀN KHÔNG
1. Huyền Không Huyền Không
Gọi tên lần đầu
Chùa tranh nho nhỏ
Ðồi mây cỏ hoang
2. Huyền Không Huyền Không
Giọt máu tim ta
Yêu từng hơi thở
Ngày qua ngày qua.
3. Huyền Không Huyền Không
Giòng suối trong xanh
Chờ trăng qua ngõ
Giọt nắng long lanh
4. Huyền Không Huyền Không
Trời nước mênh mông
Yêu đàn chim nhỏ
Ngủ yên ngủ yên
5. Huyền Không Huyền Không
Mẹ ru lời kinh
Con ơi hãy ngủ
Sá gì tử sinh
6. Huyền Không Huyền Không
Xin chào vô cùng
Thuyền ta bỏ bến
Ði vào vô biên
7. Huyền Không Huyền Không
Xin gọi tên người
Cỏ, cây, rêu, đá
Muôn loài vô danh
8. Huyền Không Huyền Không
Ðừng nhớ tên nhau
Cho tình yêu mãi
Ngàn sau ngàn sau
9. Huyền Không Huyền Không
Gọi lần cuối cùng
Vang từ vô thỉ
Vọng đến vô chung.
Thầy.
[Thư số 13]
Ngày ..... tháng ..... năm .....
Con thương mến,
Thư con viết khá rành mạch chứng tỏ con có tiến bộ nhiều. Diễn tả rành mạch nội tâm mình là kết quả của chánh niệm tỉnh giác. Một người thiếu sáng suốt, thiếu tỉnh thức và tự tri không làm được điều đó.
Những điều con giải bày chứng tỏ con đã bắt đầu lãnh hội và thể nghiệm được những gì Thầy đã hướng dẫn, Thầy mừng cho con.
Trong thư con có bốn điểm Thầy còn phải giải thích thêm:
1) Khi tâm trí ta không bị chi phối bởi những dao động của tình và lý như vui, buồn, mừng, giận, thương, ghét hay kiến chấp, vọng tưởng, ý hệ v.v... thì đó không phải là trạng thái vô cảm giác. Nó không phải là trạng thái ngưng đọng hoặc thủ động như cơn nhập định, xuất thần, giấc ngủ hay trạng thái bị thôi miên. Trái lại lúc ấy là lúc tâm trí bén nhạy nhất mà người ta có thể gọi nó là trực giác, bát-nhã (pannà) hay trí tuệ quán chiếu (vipassanà-nàna). Vì tâm lúc ấy có đủ ba yếu tố: sáng suốt (Tuệ), an tĩnh (Ðịnh) và trong lành (Giới). Nếu để ý kỹ hơn ta sẽ thấy tâm ấy còn có những trạng thái phụ thuộc như linh động, thích ứng, ngay thực, tế nhị, nhẹ nhàng, thoải mái v.v... chắc chắn đó không phải là bệnh tâm lý đâu. Trái lại, đó là liều thuốc tối thượng của tâm hồn, như Hoàng Ðế Nội Kinh (một cuốn sách Ðông y được liệt vào hàng Kinh) đã nói:
Ðiềm đạm hư vô chân khí tùng chi
Tinh thần nội thủ bịnh an tùng lai
Nghĩa là khi tâm hồn sáng suốt, định tĩnh và trong lành là khi bịnh tật chóng tiêu tan và chân khí chóng hồi phục nhất.
Về phương diện sám hối cũng vậy, khi tâm trí vọng động là tội lỗi phát sinh, khi tâm trí an tịnh là tội lỗi tiêu tan (tội từ tâm khởi đem tâm sám, tâm được tịnh rồi tội liền tiêu) cho nên chỉ cần thấu hiểu được tâm tính mình để tự ổn định là có ngay một tâm hồn lành mạnh trong sáng.
Tóm lại, sáng suốt, định tĩnh, trong lành là yếu tố chữa bệnh tâm thần chứ không phải là bệnh tâm thần như con nói.
2) Khi chờ đợi con thường tưởng tượng ra một cái gì tốt đẹp để khỏi sốt ruột và căng thẳng, như vậy cũng tạm được nhưng quả không phải là thượng sách, vì nó chỉ tạm giải quyết vấn đề chứ không giải quyết đến tận gốc. Cũng như khi bịnh ta có quyền uống thuốc để cho qua cơn bệnh, nhưng nếu bản thân ta vẫn là nguyên nhân gây ra các thứ bệnh thì ta phải cứ uống thuốc hoài. Người chữa bệnh thực sự phải tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện, bịnh trạng, kết quả v.v... bịnh của mình và giải quyết ngay từ bản thân thì không những có thể tự chữa được bệnh mà còn ngăn ngừa được bịnh nữa. Y học dạy ta phòng bệnh hơn chữa bệnh, mà muốn phòng bệnh ta phải hiểu biết bệnh ấy là gì đã chứ, phải không con?
Sốt ruột, căng thẳng, bực mình không phải phát sinh ở sự chờ đợi, chờ đợi chỉ là điều kiện (duyên) kích thích cho sốt ruột, bực mình phát sinh. Vậy quan sát kỹ ta sẽ thấy chính sốt ruột, căng thẳng, bực mình là bệnh trạng phát xuất từ nguyên nhân nội tâm thiếu ổn định, thiếu tu tập, một nội tâm hoang dã. Con phải tự khám phá sự bực mình từ nguồn gốc của nó để thấy rõ nguyên nhân, và giải quyết nó từ đấy; chánh niệm tỉnh giác giúp con làm việc đó một cách dễ dàng. Khi cơn bực mình phát sinh trước hết con hãy giảm trừ những điều phụ thuộc để đối diện ngay với yếu tố chính. Sự chờ đợi là phụ thuộc vì nó chỉ là điều kiện (duyên), đau khổ là phụ thuộc vì nó là kết quả thụ động, chính sự bực mình (bịnh trạng) mới phát xuất trực tiếp từ nguồn gốc (nguyên nhân) của nó là nội tâm. Với chánh niệm, tỉnh giác rất tự nhiên con soi chiếu vào trạng thái bực mình ấy và theo dõi cho đến khi nó diệt, nghĩa là nó trở về nguồn gốc chưa sinh của nó. Ở đó con tìm lại được sự quân bình hay ổn định của nội tâm.
Trong Phật giáo người ta gọi hành trình này là Tứ Diệu Ðế: thấy khổ, thấy nguyên nhân phát sinh ra khổ, thấy khổ đi đến hoại diệt và thấy yếu tố nào đưa khổ đi đến hoại diệt (khổ, tập, diệt, đạo).
Trong Ðạo Ðức Kinh của Lão Tử gọi đó là tiến trình "quy căn viết tịnh, thị vị viết phục mạng, phục mạng viết thường, tri thường viết minh" (trở về gốc của tâm gọi là tịnh, cũng gọi là phục mạng, phục mạng là thường, biết được tâm thường ấy gọi là minh).
Thấy bực mình, thấy bực mình trở về gốc, hay diệt, tức là chữa được nó tận gốc. Như vậy đòi hỏi con phải đối diện với sự thật, không trốn chạy, không giải quyết tạm thời.
3) Vấn đề thiền tuệ và thiền định: Thầy có giảng giải trong nhiều thư chắc con cũng có đọc rồi, rất nhiều người lầm lẫn thiền tuệ với thiền định. Sống thiền hay sống đạo theo thiền tông hoàn toàn khác với nhập định. Ðịnh là tập trung tư tưởng vào một đối tượng để đưa tâm vào một trạng thái an nghỉ gọi là "ngoại tức chỉ duyên, nội tâm tĩnh chỉ" (cắt đứt hoàn cảnh bên ngoài và bên trong tâm ngưng lắng).
Thường người ta gọi chung thiền gồm cả Ðịnh và Tuệ, nhưng thực ra Tuệ nghiêng về Quán còn Ðịnh nghiêng về Chỉ. Trong Ðạo Phật cả Chỉ lẫn Quán đều được dùng. Nhưng phần đông nói tới tu thiền là nói tới Chỉ (Ðịnh) với những phương pháp tập trung tư tưởng làm cho tâm tĩnh chỉ, có khi rơi vào trạng thái không còn hay biết gì nữa. Ngược lại, một số người khác đả kích thiền định, chủ trương thiền là "kiến tánh thành Phật" mà thôi. Còn khi nói tới Quán thì người ta lại hiểu theo nghĩa suy nghĩ về sự chết, về vô thường, về sự khổ, về vô ngã, về bất tịnh v.v...
Thấy sự lệch lạc đó, nhiều thiền sư kêu gọi Phật tử trở lại chỉ quán song tu, tức là tâm vừa sáng suốt vừa định tĩnh, trong đó chỉ là định tĩnh bất loạn, và quán là sáng suốt thấy biết như thật. Chỉ quán song tu cũng còn gọi là định tuệ song tu, theo nghĩa tâm vừa có yếu tố định (an tĩnh) vừa có yếu tố tuệ (sáng suốt), chứ không phải dành một thời gian để tu chỉ rồi một thời gian khác để tu quán như người ta thường làm.
Vì tâm thường dao động, căng thẳng và tiêu mòn sinh lực nên ta cũng cần phải tu tập chỉ tịnh (định) để lấy lại thăng bằng phục hồi nguyên khí, nhưng khi người ta đã biết cách định tuệ song tu, thì hình như ít ai còn quan tâm đến thiền định nữa.Thực ra chánh định vẫn được Ðức Phật khuyến khích vì nó có những lợi ích như:
- Chế ngự tâm tán loạn
- Ðược định tĩnh nhất tâm
- Ðược hiện tại lạc trú
- Phát huy năng lực thắng trí
- Làm nền tảng cho trí tuệ
Tiếc rằng thiền định rất khó tu, cần theo đúng phương pháp và có Thầy hướng dẫn, bằng không có khi không những không ổn định được tâm ý mà còn bị tẩu hỏa nhập ma nữa. Vì vậy có nhiều vị Thiền sư cấm hẳn đệ tử tu chỉ tịnh theo lối tọa thiền nhập định.
Một hôm, Chí Thành bạch với Lục Tổ Huệ Năng:
- Thầy con hằng chỉ dạy đại chúng trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi không nằm .
Tổ nói:
- Trụ tâm quán tịnh là bịnh, chớ chẳng phải thiền, ngồi mãi thì bó buộc thân thể, không lợi ích chi, hãy nghe kệ:
Khi sống ngồi không nằm
Chết rồi nằm chẳng ngồi
Gốc thiệt đầu xương thối
Làm sao lập công tội!
Ðoạn trên Tổ Huệ Năng chê ngồi trụ tâm là chưa phải đạo, Ngài còn gọi đó là bịnh vì nó làm ngưng tụ tâm, mất linh động và hoạt dụng của một tâm sáng suốt. Mặc dù định cũng có lợi ích nhưng nghiêng về định quá tâm dễ sinh thụ động hôn trầm. Người tu tập tọa thiền thường rơi vào hai cực đoan nguy hiểm, một là không định được nên phải gia công tinh tấn nhiều, đưa đến tâm dao động, căng thẳng, mệt mỏi. Hai là đạt được định thì dính mắc vào trạng thái tĩnh chỉ, ngưng tụ, đưa đến tâm thụ động, hôn trầm, trì trệ. Ðó là chưa kể những sai lầm khác rất dễ đưa đến điên loạn, mất quân bình nội tâm, và dễ bực mình với đời sống hàng ngày, với hoàn cảnh chung quanh nữa.
Thiền tuệ hay tuệ quán Vipassana thực ra cũng chính là định tuệ song tu. Vì mặc dù không chuyên về định, thiền tuệ vẫn dùng đến yếu tố định, nhưng không tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất để đưa tới tĩnh chỉ (nhập định) mà là chú tâm, nghĩa là tâm định tĩnh vừa đủ để không bị phân tâm khi quán chiếu thực tại. Trong thiền tuệ, chánh niệm thuộc về Ðịnh, còn tỉnh giác thuộc về Tuệ. Cả hai không thể tách rời nhau được.
4) Tin Thầy và lệ thuộc vào Thầy là hai điều khác biệt. Có những người tin mù quáng, tôn sùng vị Thầy của mình triệt để nhưng hoàn toàn bị lệ thuộc vào Thầy, như vậy chỉ có một phần lợi ích rất nhỏ. Ðức Phật đã từng tuyên bố rằng: "Ngài là người chỉ đường còn mỗi người phải tự thắp đuốc lên mà đi". Nếu con tin Thầy vì con thấy những gì Thầy dạy là đúng và khi thực hành những lời dạy ấy có đem lại lợi ích thiết thực thì không ai có thể tước đoạt niềm tin ấy của con. Cho dù một mai Thầy không còn nữa, con vẫn không mất niềm tin và những gì con thực hành vẫn đem lại lợi ích cho con mãi mãi. Bổn phận của vị Thầy là giữ vững niềm tin nơi người đệ tử, và đồng thời không để người đệ tử lệ thuộc vào mình. Giữ vững niềm tin không có nghĩa là bắt đệ tử tin nơi mình, nhưng phải hướng dẫn đúng đắn để người đệ tử tin tưởng vào chính họ, không để đệ tử lệ thuộc vào mình không có nghĩa là từ bỏ họ, mà giúp họ có thể tự đứng vững một mình.
Ðã hiểu được những điều Thầy dạy, đã thực hành có kết quả những lời dạy ấy thì con còn sợ gì một mai không còn Thầy nữa. Con cứ yên tâm, chưa bao giờ Thầy bỏ rơi một người đệ tử và chẳng bao giờ Thầy bắt một người đệ tử lệ thuộc Thầy.
Thân ái chào con.
Thầy
Tác giả: Thích Viên Minh
Sưu tầm: Hanh Nghiêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét