Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Kinh Phước Đức

Giác Ngộ Online
__________________

Quãng Tánh  diễn giải

Cầu an theo tinh thần kinh Phước Đức Giác Ngộ - Mahamangala Sutta thuộc Sutta Nipata II, Tiểu Bộ kinh I, Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch là Kinh Phước Đức, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là Kinh Ðiềm Lành Lớn (Kinh Ðại Hạnh Phúc), một bản kinh cầu phước đức rất nhiệm mầu, hiệu ứng an lành đích thực cho những ai tụng đọc, thực hành và ứng dụng trong đời sống hàng ngày.

Vào các ngày đầu xuân, những người con Phật lên chùa dâng hương cầu nguyện, mong ước một năm mới bình an, thịnh vượng. Bên cạnh việc lễ bái, cầu nguyện, cúng dường v.v..., nếu người nào hữu duyên được đọc tụng và hành trì theo kinh Phước Đức thì chắc chắn sẽ gặt hái được phước báo vạn sự cát tường như ý.

Đức Phật thuyết pháp cho các gia chủ

Bản kinh Phước Đức ngắn gọn, súc tích, nghĩa lý rõ ràng có thể đưa vào kinh Nhật tụng để mọi người đọc tụng mỗi ngày. Duyên khởi để Thế Tôn ban pháp thoại này phát xuất từ lời thỉnh cầu của một vị Trời mong muốn biết và thực hành gieo trồng phước đức nhằm xây dựng đời sống an lành. Chư thiên là loài được xem là có phước đức hơn hết so với các loài trong lục đạo mà còn thỉnh ý Thế Tôn nói về phước đức để kiện toàn phước báo cho tự thân, huống gì loài người, và nhất là Phật tử chúng ta.

***
Lánh xa kẻ xấu ác
Được thân cận người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Là phước đức lớn nhất.

Theo Thế Tôn, phước đức lớn nhất, trước tiên là phát huy tuệ giác, thành tựu chánh kiến. Một trong những biểu hiện của chánh tri kiến là thấy rõ thiện và ác cùng với gốc rễ của nó (Kinh Chánh Tri Kiến, Trung Bộ I). Thấy rõ điều ác và người ác để tránh xa, đồng thời thấy rõ điều thiện và người hiền để thân gần, tôn kính các cá nhân đức hạnh, bậc mô phạm về đạo đức trong xã hội… chính là những nhân tố cực kỳ quan trọng để thành tựu phước đức. Đặc biệt, sự "tôn kính bậc đáng kính" vô cùng cần thiết cho việc thành tựu phước đức của cá nhân và cả quốc gia, xã hội. Bậc đáng kính là người có tài đức, bậc hiền tài, là nguyên khí của quốc gia. Thiếu trân quý, không trọng dụng hiền tài hoặc đặt để không đúng người, đúng việc, làm lãng phí tài và đức là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho phước đức của quốc gia suy giảm.

Sống trong môi trường tốt
Được tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chánh
Là phước đức lớn nhất.

Mỗi người đều có quyền lựa chọn môi trường sống và làm việc cho chính mình. Tất nhiên, thực tế thì ít khi toàn diện, được cái này thì mất cái kia, song điều cần tỉnh giác ở đây là những thuận lợi về phương diện vật chất không phải lúc nào cũng cần thiết để cho chúng ta nhắm mắt và sẵn sàng đánh đổi. Cần bình tâm để nhận diện rằng được sống, làm việc, học tập và phụng sự trong môi trường lành mạnh sẽ tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách cao thượng. Nhờ sống trong môi trường đạo đức và trí tuệ, xung quanh hầu hết là người tốt nên ta dần trở nên chín chắn, hiền thiện và an lành hơn.

Có học, có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là phước đức lớn nhất.

Kinh nghiệm của tiền nhân cho thấy "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Có chuyên môn cao ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều hữu dụng, mang lại lợi ích thiết thực cho tự thân, gia đình và xã hội. Có tài năng nhưng phải được đạo đức định hướng và dẫn dắt thì mới xứng hiền tài. Tài mà không hiền thì vẫn vô phước vô phần, đôi khi trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu họ cậy tài để làm ác. Mặt khác, người có tài thì không nên tự cao, quát nạt, giấu nghề mà ngược lại, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, dìu dắt và đào tạo thế hệ kế thừa với tất cả lòng thành, khiêm tốn và yêu thương. Được như vậy, xã hội ngày càng trở nên hoàn thiện, đất nước ngày càng phát triển ổn định hơn. Do đó mỗi chúng ta, nhất là các bạn trẻ phải lập chí học hành để có một nghề nghiệp chân chính, có trình độ chuyên môn và thu nhập cao, phục vụ nhiều hơn cho cộng đồng. Đó chính là một trong những phương diện của phước đức.

Được cung phụng mẹ cha
Yêu thương gia đình mình
Được hành nghề thích hợp
Là phước đức lớn nhất.

Những ai từng vì cuộc mưu sinh mà phải xa cha mẹ và người thân, sống nhờ nương nơi đất khách quê người, nhất là phải làm công việc nghịch tay trái nghề, mới thấm thía về sự thiếu phước. Ấy vậy mà có khá nhiều người đang nắm giữ phước đức trong tay nhưng lại không tự biết, thậm chí còn rúng rẫy xem thường khi đang có một công việc yêu thích ở gần nhà cùng với cha mẹ và những người thân. Cho nên, khi còn duyên lành sống với cha mẹ, anh em trong gia đình thì phải hiếu thuận hết lòng, có việc làm thích hợp (dù thu nhập không cao) cũng nên tận tâm vì đó là những chất liệu hình thành nên nguồn vui sống. Chính niềm hòa hiếu an vui của chúng ta, điều mà không thể đem các giá trị khác như danh tiếng, giàu sang để có thể hoán đổi, nên mới gọi là phước đức lớn nhất.

Sống ngay thẳng, bố thí,
Giúp quyến thuộc, thân bằng
Hành xử không tì vết
Là phước đức lớn nhất.

Một người làm ăn lương thiện, tạo dựng cơ nghiệp từ bàn tay và khối óc của chính mình chính là phước đức lớn nhất. Càng phước đức hơn khi cuộc sống của bản thân đã tạm ổn, người ấy biết phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ người thân và sẻ chia với mọi người xung quanh, nhất là những người đang thực sự thiếu thốn. Sống trung thực, ngay thẳng, nhìn về quá khứ không có bất cứ điều gì phải dằn vặt, bận lòng. Tâm hồn trong sáng, hành xử đúng với ta mà cũng phải với người cùng với niềm kính trọng, yêu thương là nền tảng của bình an. Thiết lập được bình an là thành tựu phước đức.

Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Tinh cần làm việc lành
Là phước đức lớn nhất.

Phước đức hình thành và tăng trưởng nhanh nhất khi chúng ta biết siêng năng làm các điều lành. Một người khi phát nguyện làm các điều lành thì đồng nghĩa với không làm các điều ác. Điều lành luôn mang các thuộc tính có lợi ích cho mình và người, tạo ra hiệu ứng an lành trong hiện tại và tương lai. Một điều rất thú vị ở đây là để tạo phước đức cho bản thân bằng cách làm các hạnh lành thì tuyệt nhiên không dính vào say và nghiện. Vì không nhiều người chú ý đến khía cạnh này nên chủ quan không cảnh giác rồi đánh mất mình khi lỡ sa vào say và nghiện. Nói cách khác, say sưa và nghiện ngập là hai yếu tố quan trọng khiến tổn giảm phước đức nhanh chóng. Do vậy, muốn tạo dựng và giữ gìn phước đức của bản thân thì hãy luôn tỉnh táo, làm chủ được mình.

Biết khiêm cung lễ độ
Tri túc và biết ơn
Không bỏ dịp học đạo
Là phước đức lớn nhất.

Thành tựu phước đức rất khó, nhưng khi có chút phước rồi mà người hưởng phước biết khiêm cung, lễ độ với mọi người đồng thời luôn biết vừa đủ và tri ân lại càng khó hơn. Cái sự đời "giàu đổi bạn, sang đổi vợ" xưa nay không phải là chuyện hiếm. Có phước mà không biết gìn giữ và vun bồi nên chắc chắn sau một thời gian phước đức sẽ suy giảm. Với những người khi đã có cái ăn, cái mặc và chỗ ở rồi thì điều quan trọng không phải là cố gắng làm cho vinh thân phì gia thêm để thụ hưởng mà chính là vấn đề tu dưỡng phát huy đạo đức, an tịnh và thăng hoa tâm hồn. Những ai làm được như vậy thì phước đức ngày càng tăng thêm.

Biết kiên trì, phục thiện
Thân cận giới xuất gia
Dự pháp đàm học hỏi
Là phước đức lớn nhất.

Đi chùa, làm việc thiện, đi nghe pháp thoại, học đạo, tham thiền v.v… chính là những việc làm cao thượng, mang lại phước đức to lớn. Có nhiều vấn đề mà tiền bạc không mua được, danh vọng không đánh đổi được và uy quyền không lung lạc được… và chỉ có học đạo, tham thiền mới có thể giải quyết rốt ráo, mang lại niềm an ổn cho con người. Xưa kia thái tử Siddhartha và sau là vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên rừng tu đạo chính là đi tìm sự an tâm. Khi tâm đã an thì muôn sự đều bình an. Và chỉ có chuyên tâm học đạo mới có thể thành tựu phước đức to lớn này.

Sống tinh cần, tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chứng được Niết-bàn
Là phước đức lớn nhất.

Trong quá trình hướng nội, thanh lọc thân tâm thì chứng đạt Niết-bàn là phước đức lớn nhất. Sự siêng năng chuyên cần tu tập, duy trì sự tỉnh thức thường trực là những nhân tố quan trọng để thành tựu đạo quả. Niết-bàn là sự giải thoát khỏi tất cả những ràng buộc phiền não, là ánh sáng phá tan u ám của bóng tối si mê, là sự chấm dứt khổ đau luân hồi sanh tử. "Việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống" rồi, hành giả thong dong tự tại làm đẹp cho đời.

Chung đụng trong nhân gian
Tâm không hề lay chuyển
Phiền não hết, an nhiên,
Là phước đức lớn nhất.

Với tâm giải thoát tự tại, hành giả an nhiên bất động trước vô vàn biến động, tự tại vào ra trong sanh tử để cứu độ chúng sanh, làm đẹp cuộc đời như sở hành của vị Bồ-tát, đây không chỉ là phước đức cho một người mà tất cả cộng đồng, nhân loại.
***
Thật rõ ràng, xuyên suốt nội dung bản kinh Thế Tôn dạy về "làm" phước mà không hề có chuyện "xin" phước. Nên trong đạo Phật có chủ trương cầu nguyện mà tuyệt không có cầu xin. Vì Phật không trực tiếp ban phước cho ta an lành mà chỉ dạy phương cách rồi chúng ta phải tự thực tập, hành trì để tạo ra phước đức và được bình an.
Mong ước được an lành chính là một sự phát nguyện vun bồi phước đức tự thân, được thể hiện qua sự chuyển hóa ba nghiệp thân miệng ý theo hướng thiện lành. Do đó, bình an và phước đức có thể tạo dựng ngay bây giờ và ở đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét