(Truyện Kể Các Vị Cao Tăng Trung Quốc)
Hạnh Huệ biên soạn - Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh 2001
33. ĐẠI SƯ PHÁP THUẬN
Họ Đỗ, đời truyền là hóa thân Văn Thù. Sanh ở Ủng Châu. Người bệnh đến trước tòa của Sư liền được lành. Người điếc, Sư kêu tai liền thông; người câm, Sư nói chuyện liền nói được. Người điên khùng, Sư ngồi thiền trước họ, họ liền bái tạ rồi đi.
Đường Thái Tông gọi Sư bảo:
- Trẫm nóng nảy, khổ nhọc, nhờ thần lực của Sư làm sao trị được?
- Chỉ cần ban lệnh đại xá, thì thánh thể tự an.
Vua theo lời, bệnh liền khỏi. Nhân đây ban cho Ngài hiệu Đế Tâm. Thường vời vào cung cấm, hoằng truyền ý chỉ viên đốn của Hoa Nghiêm, tạo Pháp Giới Quán. Thiên hạ đều tôn sùng. Thường có kệ pháp thân:
Trâu Gia Châu ăn lúa
Ngựa Ích Châu no bụng.
(Gia Châu ngư khiết hòa
Ích châu mã phúc trường).
Thiên hạ kiếm thầy thuốc
Châm cứu trên vai trái heo.
(Thiên hạ mích y nhân
Cứu trư tả bác thượng).
34. HÒA THƯỢNG VẠN HỒI
Vạn Hồi ở Văn Hương, họ Trương, tuổi trẻ tiêu ngao, ngông cuồng, làng xóm không ai lường được. Có anh tên Vạn Niên đi chinh phạt Liêu Tả. Mẹ Ngài mong tin anh. Ngài nói:
- Việc này quá dễ.
Rồi từ biệt mẹ đi, đến chiều trở về, đem theo thư của anh. Lân lý đều kinh ngạc, nhân đó gọi là Vạn Hồi. Ngài cùng Sa môn Long Hưng và thiếu tướng Đại Minh kết giao, thường qua lại nhà. Cấp Gián Minh Sùng Nghiễm ban đêm qua chùa thầy thần binh đứng hầu hai bên Ngài. Nghiễm kinh hãi.
Một hôm Ngài sai gia nhân quét dọn nhà cửa nói:
- Có khách quý tới!
Hôm ấy Huyền Trang từ Tây Vực trở về đến thăm Ngài. Ngài hỏi thăm phong cảnh Ấn Độ rõ ràng như tự mình trông thấy. Huyền Trang làm lễ đi nhiễu quanh Ngài gọi là Bồ tát.
Niên hiệu Hàm Hanh năm thứ tư (673).
Vua Cao Tông vời Ngài vào cung, độ làm sa môn. Khi ấy có tăng Mông Cổ Phù Phong, trước ở trong cung, thường nói: “Hồi đến! Hồi đến!” Và Ngài đến. Tăng Mông Cổ nói:
- Người thay thế đến, ta sẽ đi.
Nội trong một tuần Tăng ấy tịch.
Đến lúc hiển hóa, Vạn Hồi được ban hiệu là Pháp Vân. Thường có kệ:
Sáng tối cùng quên mở mắt Phật
Chẳng cột một pháp, trổ rừng sen
Chân không chẳng hoại tánh linh tri
Diệu dụng thường còn công vô tác
Trí thánh xưa nay thành Phật đạo
Tịch quang chẳng chiếu tự viên thông.
(Minh ám lưỡng vong khai Phật nhãn
Bất hệ nhất pháp xuất liên tùng
Chân không bất hoại linh tri tánh
Diệu dụng thường tồn vô tác công
Thánh trí bổn lai thành Phật dạo
Tịch quang phi chiếu tự viên thông).
35. CẦU NA BẠT MA (GUNAVARMAM)
Cầu Na Bạt Ma (Công Đức Khải) đến Kim Lăng. Ban đầu, bỏ nước xuất gia, quán thông tam tạng, các vua thuộc quốc đều quy y thọ giới. Ngài dạo nước Đề Bà, vua nước này muốn theo Ngài xuất gia, quần thần cố thỉnh nên không thể đi được, bèn ra lệnh trong nước rằng:
- Nếu mọi người theo Hòa thượng quy y thọ giới thì ta sẽ theo lời thỉnh.
Vì thế thần dân nước ấy đều cúi đầu tuân mệnh.
Đầu niên hiệu Nguyên Gia (424), Tống Văn Đế nghe danh Ngài, sai sứ rước về. Ngài vui vẻ nhận lời ghé thuyền đến Hàng Châu. Đạo pháp do đây được hưng thịnh. Ngài mến núi ở đây giống Linh Thứu, bèn lưu lại suốt năm. Trên vách chùa Ngài vẽ tượng Định Quang trải tóc ..., ban đêm có hào quang chiếu sáng, Ngài thường ngồi nhập định trải mấy ngày chẳng ra. Tăng trong chùa sai sa di hầu hạ. Sa di này bỗng thấy sư tử trắng vờn cột mà giỡn, khắp trời đều có hoa sen xanh. Sa di cả kinh bỏ chạy và la lớn. Tăng trong chùa đổ xô đến chẳng thấy gì cả. Niên hiệu Nguyên Gia thứ tám (431) Ngài đến Kim lăng, vua hỏi:
- Quả nhân thường muốn trì trai chẳng sát sanh; đem thân tiếp vật, mà chẳng tròn sở nguyện, xin thầy dạy cho.
Ngài đáp:
- Đạo tại tâm chứ không phải nơi việc. Pháp do mình chứ chẳng do người. Hơn nữa, Đế vương tu khác với thất phu. Thất phu nếu không khắc kỷ, tiết chế thì còn làm gì nữa? Còn Đế vương lấy bốn biển làm nhà, muôn dân làm con. Ban một lời khen thì sĩ thứ đều vui, công bố một chính sách tốt thì thần dân an hòa. Hình phạt không chết người, sưu dịch không làm nhọc sức người, thì mưa gió đúng thời, nóng lạnh hợp tiết, lúa đậu dồi dào, cây trái tốt tươi. Lấy điều này mà trì trai, trì trai cũng lớn, lấy đây mà chẳng sát sanh, thì lợi cũng nhiều. Đâu phải ở chỗ ngày ăn một bữa, bảo toàn tính mệnh cho một con vật, mới gọi giúp đỡ rộng rãi ư?
Vua vỗ ghế than rằng:
- Người tục thì mê những triết lý xa xôi, Tăng thì trệ ở kinh điển thiển cận. Còn như lời của Thầy, có thể nói gồm cả trời người vậy.
36. PHÁP SƯ HUYỀN CAO
Ngụy Thái Vũ nghe lời sàm tấu của Thôi Hạo, bắt giam Thái tử Triều. Triều bèn kêu cầu với Huyền Cao. Ngài làm bài sám Kim Quang Minh cho Triều. Vua mộng thấy vua cha là Tổ Nhượng nói:
- Chớ nên vì lời sàm báng mà nghi Thái tử.
Tỉnh dậy, vua kể lại cho quần thần. Quần thần đều tâu là Thái tử vô tội. Vua thả Thái tử cho phục quyền như cũ. Thôi Hạo sợ bất lợi cho mình nên tâu vua:
- Trước đây Thái tử quả thật có âm mưu tạo phản, nhưng cấu kết với Huyền Cao, dùng pháp thuật đến tiên đế. Bệ hạ nếu không trừ sớm, e có hại lớn.
Vua nổi giận bắt Huyền Cao và Huệ Sùng thắt cổ.
Huyền Sướng là đệ tử của Huyền Cao, từ xa chạy đến. Huyền Cao chợt mở mắt nói:
- Đại pháp ứng duyên, tùy theo duyên mà thạnh suy, thạnh suy là đối với thân xác chứ lý thường trạm nhiên. Chỉ tiếc các ông hành như ta vậy. Chỉ có Huyền Sướng về Nam hóa độ. Các ông chết rồi, giáo pháp sẽ hưng thạnh lại, khéo tự tu tâm chớ để sau hối hận.
Nói xong liền chết. Sa môn Pháp Tấn kêu gào:
- Thánh nhân đã qua đời, tôi còn sống làm chi?
Dứt lời liền thấy ngài Huyền Cao ở trên không bảo Pháp Tấn rằng:
- Ta chẳng quên mọi người, chẳng lẻ bỏ mình ông sao?
Pháp Tấn nói:
- Hòa thượng với Sùng Công sanh về đâu?
Ngài đáp:
- Ta đến cõi ác để cứu giúp chúng sanh, còn Sùng Công nước An Dưỡng (Cực lạc ).
Nói xong biến mất. Ngài tịch khoảng 427 - 451 thời Ngụy Vũ đế trị vì.
Lúc Huyền Cao ở núi Mạch Tịch, nghe Đàm Vô Sấm đến Lương, liền đến thờ làm thầy. Qua một tuần liền ngộ. Vô Sấm tán thán cho là hơn mình. Ngụy Vũ sai sứ rước Huyền Cao làm thầy Thái tử Triều, môn nhân đắc pháp rất đông. Ngài có một đệ tử tên Tăng Ấn, tự nói mình đắc quả A la hán. Lúc mới nhập hạ, Ngài liền dùng thần lực khiến Tăng Ấn trong định thấy mười phương vô tận thế giới và nghe chẳng phải thuyết pháp, mỗi mỗi chẳng đồng. Cả một hạ đó tìm chỗ thấy này chẳng dứt, bèn sanh lòng hổ thẹn sám hối.
37. PHÁP SƯ HUỆ ƯỚC
Huệ Ước họ Sổ, lúc trẻ đạo đức đã vang xa, tổ tiên là Cấp sự Trung Sổ Ấu Du, mỗi lần thấy Huệ Ước đến thì đứng lên làm lễ. Có người hỏi:
- Đây là hạng con cháu của ông, sao ông lại cung kính thế?
Du đáp:
- Đây là Bồ tát ra đời sẽ làm thầy trong thiên hạ, há chỉ có mình lão phu kính mà thôi sao?
Lương Vũ Đế thỉnh Ngài ở trong cung. Ngày mồng 8 tháng 4 năm thứ mười tám (520) niên hiệu Thiên Giám. Vua thọ giới Bồ tát với Ngài, rồi thiết lập đại hội vô giá. Ngày ấy chợt có cam lộ rưới xuống sân. Ba chim Túc Điểu và hai chim Khổng Tước nằm đậu trên thềm. Thái tử và các vương tử công khanh, đạo tục theo Ngài thọ giới đến bốn vạn tám ngàn người. Nhân đây vua đại xá thiên hạ.
Nguyên hiệu Đại Đồng nguyên niên (546), tháng 9, Huệ Ước có chút bệnh. Vũ Đế cho người đến hỏi thăm. Ngài nói:
- Đêm nay sẽ đi.
Đến canh năm, hương lạ đầy nhà, môn nhân lặng đứng. Ngài dạy:
- Hễ có sanh thì có tử, đó là việc thường. Hãy siêng năng tu niệm huệ, chớ khởi loạn tưởng.
Nói xong, chắp tay mà tịch. Trâu xanh Ngài thường cỡi, rơi lệ kêu rống không thôi. Một đôi hạc trắng từ lúc dựng tháp, bay quanh kêu thương, tiếng rất thê thảm. Sau ba ngày, bay đi.
38. PHÁP SƯ ĐÀM LOAN
Đàm Loan, ở Đông Ngụy, xuất gia chí muốn được trường thọ. Sau tu Phật pháp, nghe ẩn sĩ Đào Hoằng Cảnh ở Giang Nam có tiên thuật. Liền đến nước Lương yết kiến Cảnh. Cảnh vui vẻ truyền cho mười cuốn phép tiên. Ông trở về Ngụy đến Lạc Dương, gặp Bồ Đề Lưu Chi bèn hỏi:
- Trong Phật pháp có phép trường sinh bất tử không?
Đáp:
- Sao lại nói vậy? Đất này từng có phép trường sinh? Dù được ít lâu cũng chết, lại vẫn luân hồi.
Rồi Bồ Đề Lưu Chi bèn truyền cho ông Quán kinh nói:
- Đây là trường sinh thuộc họ Kim Tiên của ta vậy. Y theo đây mà tu, sẽ ra khỏi sanh tử vĩnh viễn.
Đàm Loan bèn đốt kinh Tiên chuyên tu Tịnh độ.
Ngụy chủ gọi Ngài là Thần Loan. Niên hiệu Hưng Hòa năm thứ tư (542) thấy hương, hoa, tràng phan đến rước, thản nhiên mà tịch.
39. PHÁP SƯ KHUY CƠ
Thời Đường Thái Tông là thời kỳ Phật giáo Trung Quốc phát huy rực rỡ, sự tích đại sư Huyền Trang thỉnh kinh, thấu qua sự tường thuật được thần thoại hóa trong Tây Du ký, cũng đã thành câu chuyện truyền khắp mọi nhà.
Lúc thỉnh kinh từ Ấn Độ trở về, Sư có thâu được một đồ đệ rất lý thú: Pháp sư Khuy Cơ (còn gọi là pháp sư Ba Xe).
Pháp sư Khuy Cơ từ bé đã thông minh lanh lợi, xuất thân trong gia đình phú quý, chú là đại tướng của vua Thái Tông, tức là Ngạc Quốc Công Cảnh Đức. Ngài là con của tướng quân Kim Ngô Vệ Kính Tông, mẹ nằm mộng thấy cầm mặt trăng nuốt vào bụng rồi có thai. Chiều sanh Ngài, hào quang đầy nhà. Sáu tuổi đã viết sách. Ban đầu, Huyền Trang qua Tây Vực được một cậu bé, dĩnh ngộ tuyệt luân, nhân Huyền Trang bế đến Kính Tông, Tông gọi Khuy Cơ ra chào Huyền Trang. Nhân Kính Tông sai tụng binh thư của Cơ làm, mấy ngàn lời. Huyền Trang đếm đề mục. Đợi đồng tử và Khuy Cơ tụng xong. Bèn nói gạt rằng:
- Đây là sách cổ.
Rồi bảo đồng tử Tây Vực che lại, đọc không sót một chữ. Kính Tông nổi giận, cho là Khuy Cơ trộm sách cổ để gạt, đòi giết. Huyền Trang xin cho Ngài xuất gia. Ngài đưa ra ba điều kiện: Đời sống xuất gia rất khổ cực, Ngài đòi mang theo một xe vàng ròng; rất ham đọc sách, Ngài đòi mang một xe sách vở; Ngài lại đòi mang theo một xe mỹ nữ để hầu hạ mình, vì thế người đời gọi Ngài là “Pháp sư ba xe”.
Tuy bấy giờ bị người dị nghị, nhưng cuối cùng pháp sư Khuy Cơ trở thành một Cao tăng đương thời, Ngài rất giỏi cả Đại thừa và Tiểu thừa. Niên hiệu Vĩnh Huy thứ năm (654) vua Cao Tông đặc biệt xuống chiếu chỉ cho Khuy Cơ làm Đại tăng, vào chùa Đại Từ Ân, tham gia dịch chánh nghĩa của kinh. Khuy Cơ bèn theo Huyền Trang thọ tông chỉ Du Già Duy Thức. Tạo luận đến 100 bộ, người đời gọi là Bách Bổn Luận Sư, ngoài ra còn có trước tác 25 bộ 118 quyên về các kinh Pháp Hoa Huyền Tán ...
Có một tắc công án rất nổi tiếng phát sanh từ Ngài. Luật sư Đạo Tuyên ở núi Chung Nam là Sơ Tổ của Luật Tông. Ngài trì giới tinh nghiêm, ngày ăn một bữa, cảm động lòng trời, có chư Thiên cúng dường. Do đó, không cần ôm bát khất thực, đến giờ cơm, thiên nhân tự nhiên cúng dường.
Một hôm, pháp sư Khuy Cơ đi qua Chung Nam, nghe đồn luật sư ĐạoTuyên ở đây tinh tấn, muốn lên núi bái phỏng. Luật sư Đạo Tuyên nghe Pháp sư Khuy Cơ muốn đến, đối với học vấn của khuy Cơ, đương nhiên Sư rất bội phục, nhưng đối với lối sống của Ngài thì Sư sanh tâm coi thường. Do đó, Sư định chờ cơ hội này khuyên bảo pháp sư Khuy Cơ, cho ông xem thấy Thánh cảnh chư Thiên đưa thức ăn cúng dường vào giữa ngọ để phô bày sự cảm ứng do đức hạnh nghiêm trì giới luật của mình. Đâu dè giờ ngọ đã qua mà Thiên nhân chẳng đem thức cúng dường đến. Khi pháp sư Khuy Cơ đi rồi, giờ ngọ hôm sau, thiên nhân mới đem cúng dường. Luật sư Đạo Tuyên bèn hỏi:
- Hôm qua sao không cúng dường?
Thiên nhân thưa:
- Hôm qua có Bồ tát Đại thừa ở đây, thần Hộ pháp vây quanh núi này nghiêm mật, tôi vào chẳng được!
Luật sư Đạo Tuyên toát mồ hôi, lập tức sanh lòng sám hối.
Khuy Cơ người to lớn, cao tám thước (Tàu), khí thế trùm vạn người. Trên gáy có ngọc chẩm; mười ngón tay có vân xoay tròn rõ ràng như ấn. Người thấy nể phục. Lòng từ thiện dạy người. Về già cầu sanh nội viện, nên hết lòng giữ giới.
Ban đầu Vô Trước và Thiên Thân ở Thiên Trúc, lên trời Đâu Suất tham hỏi tông chỉ Duy thức với đức Từ Thị, rồi cùng nhau tạo luận. Nước ấy có Thánh hiền hoằng dương giáo pháp này. Đến luận sư Giới Hiền truyền cho Huyền Trang. Huyền Trang truyền cho Khuy Cơ. Khuy Cơ tạo sớ luận giải thích rộng rãi. Gọi là Từ Ân giáo.
Niên hiệu Vĩnh Thuần năm đầu (682) Khuy Cơ nhập diệt, thọ 50 tuổi, là năm Võ Hậu lên ngôi.
40. THẦN TÚ
Thần Tú họ Lý quê ở Khai Phong. Thân cao tám thước, mày đẹp tai to. Lúc nhỏ theo Nho giáo học rộng biết nhiều. Sau bỗng đến Hoàng Mai gặp Hoằng Nhẫn bèn thán phục nói:
- Đây thật là thầy ta.
Hầu hạ Ngũ Tổ sáu năm. Ngũ Tổ biết là pháp khí, bảo:
- Ta độ người rất nhiều, mà kẻ ngộ giải chưa ai bằng ông.
Rồi sai phân tòa thuyết pháp. Phía đông cách chùa bảy dặm, đất bằng phẳng, núi hùng vĩ. Thần Tú nói:
- Đây chính là ngọn cô phong Lăng Già, là độ môn Lan Nhã, bóng tùng thảm cỏ, ta về già sẽ đến đó vậy.
Thần Tú trụ ở Đương Dương, Võ Hậu xuống chiếu rước về kinh đô, cùng Huệ An ở trong đạo trường để cúng dường.
Tú thường có kệ:
Tất cả Phật pháp
Tự tâm sẵn có
Đem tâm cầu ngoài
Bỏ cha chạy trốn.
(Nhất thiết Phật pháp)
Tự tâm bổn hữu
Tương tâm ngoại cầu
Xả phụ đào tẩu).
Thần Tú thường tâu Vũ Hậu thỉnh Huệ Năng đến cung. Năng cố từ chối. Thần Tú lại tự viết thơ mời nữa. Huệ Năng bảo sứ rằng:
- Ta hình dung xấu xí. Ở đó thấy ta, sợ chẳng kính pháp ta. Hơn nữa, thầy ta bảo ta có duyên miền Nam, không thể trái lời.
Và từ chối không đi.
Thần Tú ở Đông đô, thiên hạ gọi là Pháp chủ Lưỡng kinh, Môn sư Tam Đế. Niên hiệu Thần Long năm thứ hai (706) ngày 2 tháng 2 Ngài nhập diệt, hiệu Đạo Thông. Ngài sanh cuối đời Tùy hơn 100 tuổi. Chưa hề tụ nói nên mọi người không rõ biết là bao nhiêu.
(còn tiếp)
Trích từ: Thư Viện Hoa Sen
Hanh nghiêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét