Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Tuyển Tập Thư Thầy [Thư 1 - 3]


[Thư số1]

Ngày ...... tháng ..... năm .....

Con thương mến,

Thầy mới là người đáng trách. Từ lâu Thầy rất ít có dịp để chăm sóc đến đời sống tinh thần của con. Tuy nhiên, Thầy luôn luôn tin rằng con, một phật tử đã trưởng thành, không bao giờ có thể bị ngã gục. Thầy cũng tin rằng tình thương mà Thầy dành cho con đủ để có thể nhắc nhở và an ủi con giữa những cơn sóng gió của cuộc đời, và lòng kính tín của con đối với Tam Bảo sẽ giúp con an nhiên vượt qua mọi hiểm nguy, gian khó.

Con biết không, Thầy nói điều này con đừng buồn, khi đọc thư con Thầy vô cùng xúc động, nhưng Thầy đã cười, không phải cười chế nhạo con đâu, mà cười vì thương con, thông cảm với con và vui mừng cho con. Một nụ cười khó lắm mới cầm được nước mắt. Thầy vui mừng vì con đã thấy. Thật ra, con có ngã gục đâu, trái lại con đang vươn lên đó chứ! Con cũng đâu có làm mất thể diện của Thầy như con đã nghĩ, chính con đang xứng đáng là một Phật tử trưởng thành trên đường Ðạo. Con không nhận ra điều đó hay sao?

Con thương mến,

Ðối với tình thương của một vị Thầy, khi thấy đệ tử hạnh phúc sẽ không vì hạnh phúc ấy mà vui, khi thấy đệ tử khổ đau sẽ không vì khổ đau ấy mà buồn, vì có sá gì hạnh phúc khổ đau của thế gian. Chỉ có sự giác ngộ của người đệ tử mới làm cho Thầy vui sướng mà thôi.

Giác ngộ nghĩa là thấy rõ, càng ngày càng rõ bản chất như thật của sự sống. Sống và nhận thức được sự buốt đau tột cùng của sự sống mới có thể giải thoát và an nhiên.

Khi con gặp những người có vẻ hạnh phúc vui tươi, như đang hãnh diện với những địa vị, giàu sang của mình, con đừng tự ti mặc cảm mà hãy thương họ! Họ mới là kẻ đang bị chìm đắm, vì chìm đắm là thỏa mãn với hạnh phúc mà không tự biết mình đang bị đắm chìm.

Còn con, con đã giáp mặt với khổ đau, đã thấm thía với tủi nhục, nhờ vậy con đã tận mắt nhìn nó và thấy rõ mặt mũi nó ra sao, và nhờ vậy con mới phát hiện được chân tướng ẩn núp đàng sau hạnh phúc và đau khổ. Như thế con đang bước những bước chính xác trên đường giác ngộ, đang đối diện với bộ mặt thật của cuộc đời mà Ðức Phật đã từng khai thị trong Bốn Sự Thật Vi Diệu. Ðừng lùi bước, bên cạnh con còn có tình thương yêu và niềm cảm thông sâu xa của Thầy.

Con ơi, hãy can đảm vươn mình đứng dậy hiên ngang như con mãnh sư để nhìn ngắm cuộc đời, đừng sợ hãi lẫn tránh, cũng đừng toan tính gì hơn cho cuộc đời này nữa. Nếu con mong ước một hạnh phúc, một sự cải thiện nào, đó mới chính là kẻ thù nguy hiểm. Hãy trả hạnh phúc lại cho hạnh phúc giả tạm của cuộc đời, hãy trả khổ đau lại cho cuộc đời ngập tràn đau khổ. Còn chúng ta, những người con của Ðấng Giác Ngộ, phải giác ngộ, phải giải thoát, không bám víu vào một cái gì tốt đẹp hơn trong cuộc đời. Hạnh phúc trần gian mới là vực thẳm bi đát khôn cùng, vì nó chỉ là cái ảo ảnh trước mắt của những kẻ lạc đường trong sa mạc. Thương chúng sinh Ðức Phật không ban cho họ thứ hạnh phúc trần gian ấy, vì Ngài biết rõ rằng chỉ có an ổn thanh tịnh mới là nguồn chân phúc ngọt ngào vi diệu.

Con hãy chấp nhận tất cả những gì đến với mình từ cuộc đời, từ sự sống hay từ nỗi chết. Không cầu mong gì cả, không sợ hãi gì cả, con hãy thản nhiên đi vào cuộc đời, hãy lặng nhìn và lắng nghe đau khổ, hãy kham nhẫn và chịu đựng kiên trì với nó, và hãy sẵn sàng đón nhận hạnh phúc hay khổ đau của cuộc đời như người đánh vợt tiếp nhận những quả banh bất ngờ của đối thủ. Vì con ơi, không có con đường giác ngộ nào không hiểm nguy, gian khó, không có sự giải thoát nào không đi qua cay đắng, chông gai. Ðừng sợ cuộc hành trình đơn thân độc mã, con không đi một mình đâu, bên cạnh con còn có Thầy, Sư thúc và các bạn bè đồng đạo. Nhưng hãy nhớ, con phải đi trong niềm cô đơn thầm lặng của chính mình.

Con thương mến! thực ra đau khổ, tủi nhục không phải là kẻ thù của chúng ta, mà chính những tâm niệm xấu xa tăm tối núp lén dưới nhiều hình thức khác nhau bên trong chúng ta, để dựng lên muôn vàn bộ mặt khác nhau của giả ngã mới là kẻ thù vô cùng nguy hiểm. Vì vậy hãy thận trọng, tỉnh thức, đừng để bị kẻ thù lừa bịp một cách dễ dàng.

Khi ngồi dưới cội cây Bồ Ðề, chính nhờ phát hiện ra mặt thật của những kẻ thù mà Bồ Tát trở nên thanh tịnh. Chính vào giờ phút giác ngộ ấy, Ngài đã đối diện với tất cả kẻ thù bên trong đang ồ ạt tấn công theo chiến thuật biển người. Nhờ thế, Ngài nhận diện tất cả những bộ mặt hư ngụy đầy nguy hiểm của chúng, Ngài chỉ vào mặt chúng: "Hỡi những kẻ thù, các ngươi chính là tham muốn, bất mãn, khao khát, ái dục, hôn trầm thụy miên, sợ hãi, hoài nghi, phỉ báng, cố chấp, lợi lộc, khen tặng, vinh dự, địa vị, tự tán hủy tha ... Từ bao nhiêu kiếp rồi Ta đã tìm kiếm các ngươi, nhưng các ngươi cứ núp lén sau bình phong cái ngã và không chịu xuất đầu lộ diện, nay thì các ngươi tự dẫn xác đến đây để Ta thấy rõ bộ mặt hư ngụy của các ngươi, từ đây các ngươi không thể lén lút dưới bất cứ mặt nạ nào để đánh lừa Ta được nữa".

Giác ngộ là như thế, là thấy rõ mặt thật của những kẻ thù mà xưa nay con xem là bạn hay thậm chí còn xem là chính mình. Nay con đã thấy mặt mũi của những kẻ thù trong lòng con, đó là một bước tiến vĩ đại trên đường giác ngộ.

Hiểu được một cách thâm sâu tất cả ý nghĩa khổ đau, hiểu được đâu là con đường giác ngộ, con mới thực sự hiểu thế nào là tình thương. Con nói con thương yêu những người thân thuộc như chính mình, thì trước hết phải biết yêu thương chính mình. Yêu thương chính mình thì phải biết quên nó đi để bước vào con đường đầy gian nguy hiểm trở, để thành tựu sự giác ngộ cuối cùng. Như thế khi yêu thương người thân thuộc sao con lại ao ước cho họ được những hạnh phúc thế gian? Yêu thương họ con hãy tập có nụ cười khi thấy họ đang đối đầu với đau khổ, vì chỉ ở đó họ mới thấy ra đường vào giải thoát, nhất định sự giải thoát mới là hạnh phúc cuối cùng. Nhưng giải thoát chỉ là hệ quả của giác ngộ, mà muốn giác ngộ thì phải thấy ra đau khổ, và nguyên nhân sâu xa của nó.

Con hãy tập yêu thương chính mình và mọi người với tình thương đau buốt ấy, rồi con mới hiểu được thế nào là lòng từ bi vô lượng của Chư Phật. Phải dũng cảm lên con mới có được tình thương như thế, thiếu dũng và trí tình thương chỉ là phản ảnh của lòng ích kỷ, là khóc than bi lụy, là luyến ái buộc ràng. Với tình thương đầy hệ lụy như thế, ta chỉ tự ràng buộc chính mình và tha nhân vào trong vòng lao lung đau khổ, chẳng khác nào một người yêu chim bắt nó nhốt trong cái lồng vàng son của hắn, tình thương như thế đã trở thành tù ngục. Ở đâu có ngục tù, ở đó tự do ngộp thở, thiếu tự do và sáng tạo thì cánh cửa giác ngộ đã khóa chặt mất rồi. Con ơi, huống nữa là tình thương đầy toan tính lợi dụng và lừa lọc thì chỉ đưa con người rơi sâu vào hố thẳm bùn nhơ, phải không con?

Trở lại với sự thật xót đau của cuộc đời, ở đó sẽ là môi trường thích hợp cho con phát triển tình thương, một tình thương vô ngại đủ để hỗ trợ cho hành trình giác ngộ giải thoát.

Cuối cùng, Thầy chép cho con một đoạn trong " Luận Bảo Vương Tam Muội " để giúp con can đảm tiến lên trên đường tu tập.

" Ðức Phật thiết lập chánh pháp, 

Lấy bệnh khổ làm thuốc hay, 

Lấy hoạn nạn làm thành công,

Lấy gai góc làm giải thoát,

Lấy ma quân làm đạo bạn, 

Lấy khó khăn làm sự tác thành,

Lấy bạn tệ bạc làm người giúp đỡ, 

Lấy kẻ chống nghịch làm người giao du, 

Lấy sự thi ân làm đôi dép bỏ,

Lấy xả lợi làm vinh hoa, 

Lấy oan ức làm đà tiến thủ. 

Thế nên ở trong chướng ngại mà vượt qua tất cả".

"Ðức Thế Tôn được giác ngộ chính trong mọi sự chướng ngại, Angulimàla hành hung, Devàdatta khuấy phá mà Ðức Phật giáo hóa cho thành đạo tất cả. Như vậy há không phải sự tác nghịch là sự tác thành mà sự khuấy phá là sự giúp đỡ cho ta đó sao?"

Con thương mến,

Con hãy hành động như những người Phật tử đã trưởng thành, không tự ti mặc cảm, không rụt rè yếu đuối, và nếu cần con có quyền hãnh diện mình là người con Phật. Nói thế không có nghĩa là tự tôn mà chỉ để tự tin ở chính mình trên hành trình giác ngộ. Thầy cầu chúc cho con có thừa dũng mãnh để vượt qua mọi gian nguy với những bước chân thênh thang vô ngại giữa không thời gian biến ảo vô thường.

"Hãy lắng nghe bước chân
Bước chân qua thời gian
Thời gian vô sở trụ
Chân bước hề thênh thang".

Thầy.


[Thư số 2]


Ngày ..... tháng ..... năm .....

Pháp đệ thương mến!

Kể từ khi pháp nạn, hoàn cảnh đưa đẩy chúng mình phải rời am tranh bên đồi mây vắng, chia tay nhau mỗi người một ngã, như cánh nhạn lạc đàn từ giã quê hương đi tìm xứ lạ.

Hình ảnh ấy đã làm sống lại kỷ niệm ngày xưa, chắc đệ còn nhớ, một buổi chiều thu thật buồn và đẹp, huynh đệ mình đứng tựa hiên tây, ngắm cảnh hoàng hôn đang buông theo dòng nước lung linh xuôi về biển cả... Bỗng trong không khí tịch liêu đó, một con nhạn lạc đàn vươn cánh bay cao, vẽ ngang nền trời lam một làn khói bạc. Và vô tình, từ đỉnh Bạch Vân một cụm mây cô đơn len khỏi đồi cao bay ra đồng nội. Lúc đó huynh chợt nhớ đến câu thơ:

"Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc".

(Cô đơn ráng lẻ bay ngang
Trời thu cùng với trường giang một màu).

mà huynh đã ngâm cho đệ nghe với một giọng thì thầm xa vắng. Lời thơ rì rào len trong từng đầu cây, ngọn cỏ, ve vuốt đám rêu xanh trên bờ vách đá, lúc ríu rít líu lo cùng chim hót gọi đàn, khi biệt tích vô thanh theo gió chiều thoang thoảng, rồi bỗng ầm ĩ thét vang cuối ghềnh sóng vỗ, cho đến khi tan dần vào hư không vô tận của buổi chiều tà. Chỉ còn nghe ngọn lá vàng rơi lặng lẽ trên lối vào am vắng. Bất chợt ngày tháng ngừng trôi, không gian bất động.

Nhiên! Khứ lai hề
Thiên thu giả mộng!

Pháp đệ thương mến,

Bây giờ những kỷ niệm êm đềm xa xưa đã trôi theo dòng suối... và xô đẩy chúng ta vào giữa dòng định mệnh của cuộc đời chìm nổi. Bỗng đâu chạnh thấy mình đã mang kiếp nhạn lạc, mây trôi tự bao giờ, để cho:

"Cô đơn theo dõi mỏi chân này
Bơ vơ hoa nắng cùng mây trắng
Ủ trọn hồn ta giấc ngủ say".

(quên tác giả...?)

Nhưng trong giấc ngủ cô đơn ấy huynh đã tìm ra được ý nghĩa nhiệm mầu của sự ra đi và trở lại.

Ðệ có biết chăng làm kiếp mây trôi chính là đánh mất quê hương, đi vào viễn mộng, để rồi bị cuốn trôi trong bầu trời huyễn hóa của cõi phù sinh.

Nhưng làm kiếp mây trôi cũng có nghĩa là giã từ thế giới mây mưa, cô thân vạn lý trên đường tìm về tự tánh rồi giải thể chính mình trong biển huyền không, chân như, vắng lặng.

"Cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu
Thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu
Thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị dành
Ðồng vị chi huyền, huyền chi hựu huyền
Chúng diệu chi môn.

(Lão Tử - Ðạo Ðức Kinh)

Ra đi hay trở lại tất cả chỉ có bấy nhiêu, trở lại hay ra đi muôn đời là ảo mộng. Cho nên "Niết-bàn sinh tử thị không hoa" là vậy.

Nhưng dù với ý nghĩa nào đi nữa, đã dấn thân làm kiếp phù vân thì phải sẵn sàng chịu đựng vùi dập giữa muôn ngàn giông tố bão bùng, có mong chi tìm được giây phút trời yên biển lặng, phải không đệ? Kiếp phiêu du của chúng ta trong cuộc đời đau khổ này không thể nào khác được.

Chắc đệ còn nhớ có lần bác đạo Tâm ghé qua thảo am thăm chúng ta trong một đêm trăng bên bờ suối đá, bác đã tâm sự:

Ðạo sĩ chờ ta chán hải hồ
Ta chờ đạo sĩ lãng hư vô.

Và mấy tháng gần đây huynh có gặp lại con người nghệ sĩ ấy trong một trường hợp tình cờ. Bác kéo huynh vào một con đường vắng và lại thì thầm tâm sự:

Sống trong cái chết bao lần khóc
Gẫm lại cơn mê mấy trận cười!

Giọng nói nửa như trầm buồn nửa như hài hước của bác chứng tỏ bác đã gặt hái ít nhiều khổ đau trong cuộc đời hồ hải. Rồi bác xiết chặt tay huynh, từ giã, không quên ngoái lại: "Xin cứ đợi chờ" với một nụ cười tự tin đượm mùi chua chát của một con người từng ra vào sóng gió. Thế là bác lại tiếp tục ra đi theo tiếng gọi hải hồ muôn đời của bác.

Huynh đứng trông theo bước chân của bác xa dần mà tự nghĩ không biết bác đang đi vào viễn mộng hay đang tìm lại đường về.

Bỗng huynh nhớ tới bài thơ của Ðoàn Khuê và ngâm khẽ:

Bể khổ mênh mông sóng ngập trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió
Gẫm lại cùng trong bể thảm thôi.

Và huynh cũng rẽ vào một con đường khác, trong lòng còn nghĩ vẩn vơ đến những kỷ niệm năm xưa dưới mái thiền am lợp cỏ khô trên đồi mây hoang vắng.

Pháp đệ thương mến,

Có bao giờ đệ chợt thấy mình hiện diện một cách phi lý trên cuộc đời mộng huyễn này không? Có bao giờ đệ tự hỏi mình là ai mà phải chịu nổi trôi làm thân "bọt trong cửa bể, bèo ngoài bến mê" không? định đòi trở về... phi hữu:

Tích ngã vị sinh thời
Minh minh vô sở tri
Thiên không hốt sinh ngã
Sinh ngã phục hà vi
Vô y sử ngã hàn
Vô phạn sử ngã cơ
Hoàn nhĩ thiên sinh ngã
Hoàn ngã vị sinh thời.

Huynh xin tạm dịch:

Xưa khi mộng chửa vào đời
Thênh thang mờ mịt đất trời nào hay
Hốt hề hóa hiện thân này
Không trung vô cớ hiển bày mà ra
Áo cơm làm kiếp người ta
Gót chân trần thế âu là cuộc chơi
Cái tôi hoàn lại đất trời
Trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sinh.

Như thế có phải là nhà thơ họ Phạm đã ngao ngán mộng phiêu du hay không còn kham nổi cuộc đời khổ ải? Người nghệ sĩ sao không tiếp tục dệt nốt vần thơ mà đã muốn trở về "minh minh vô sở tri" để an thân trong cái "vị sinh thời" thiên không vô ảnh.

Ðó có phải là con đường về chân không hay chỉ là bước trầm luân bên bờ phi hữu?

Cũng cùng một ý niệm trên, nhà thơ đất Ấn, Rabindranath Tagore lại có thái độ khác hẳn, ông hiên ngang gởi tối hậu thư thách thức tuyên chiến với khổ đau và xông lên đối đầu với ma quỷ:

Không cần tránh gian nguy
Can trường ta chống đỡ
Khổ đau nào sá chi
Kiên trì ta chiến đấu
Cầu chi người giúp sức
Một mình ta xông pha
Dù bao người sa ngã
Ta vững một niềm tin
Ma vương dù phép lạ
Không cúi lạy van xin
Vì lòng ta đã quyết
Lìa xa nẻo vô minh.

Và con đường xông pha hiên ngang dấn bước của ông có thể là :

Ra đi tức thị trở về
Biển phiền não đó Bồ Ðề khác chi.

(Triều Tâm Ảnh)

Nhưng không phải ai từ giã vườn địa đàng ra đi cũng đều có thể trở về dưới chân Thượng Ðế. Vì "quả thật ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không xây lại trở nên như con trẻ thì hẳn chẳng được vào nước trời đâu" (Tân ước Mathieu, 18) và những kẻ ấy đã ra đi, đi hẳn vào hỏa ngục đời đời. Ðó chính là:

Người thức ngủ, thấy đêm dài
Ðường xa trĩu nặng đôi vai lữ hành
Si nhân chẳng thấy pháp lành
Luân hồi nào biết mối manh nẻo về.

(Dhammapada 60)

Thế là có kẻ ra đi "quên hẳn đường về, tình ái si mê, tù trong lục đạo, trăm dây phiền não... nghiệp báo không rời", như Vũ Hoàng Chương đã nói:

Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về.

Như thế vẫn có kẻ ra đi, có người trở lại, Socrate đã từng lang thang trên vạn nẻo đường với đôi bàn tay trắng. Chàng Rimbaud lại trở về sau khi đã "giã từ cõi mộng điêu linh". Và Nietzsche cô đơn đi vào sa mạc cuộc đời để tìm lại đứa "hài nhi chưa tắm sông nào" (Trần Ðới), may mắn gặp Lão Tử được Lão gia trao cho Xích Tử anh trở về miệt mài ru con trong cơn điên câm lặng.

Rồi Huệ Năng, Bùi Giáng, Krishnamurti, Marx, Miller... biết đâu là lối về, biết đâu là nẻo vọng.

Hữu lai nhi khứ
Hữu khứ lai hề
Hữu lai nhi lai
Hữu khứ khứ hề
Tri chi bất lai
Tri chi bất khứ
Nhiên! Khứ lai hề
Thiên thu giả mộng!

Huynh,



[Thư số 3]


Ngày ..... tháng ...... năm .....

Con,

Ðã lâu không nhận được thư con, Thầy nghĩ là con đã trở lại bình thường. "Trở lại bình thường", Thầy nói đây, không phải theo nghĩa thông thường, mà là "bình thường tâm thị đạo". Than ôi! Chúng sinh ít ai có thể trở lại bình thường vì họ hoặc là quá tầm thường hoặc quá bất thường hay quá phi thường.

Người tầm thường là người bị cuộc sống cuốn trôi như một kẻ vong thân buông mình theo dòng sông định mệnh.

Người bất thường là người bị phong ba của cuộc đời quăng lên bờ sự sống, nằm giãy chết chờ ngọn thủy triều lôi trở lại giòng sông.

Còn người phi thường muốn với lên cao, bay bổng khỏi thực tại khổ đau của cuộc sống, muốn chắp cánh tung bay, lánh xa sự thế, cho đến ngày kia cánh mỏi, sức mòn lại rơi trở về phong ba, định mệnh.

Chúng sanh thường là một trong ba hạng người trên, hoặc là cả ba cùng làm chủ họ, thế thì biết làm sao trở lại bình thường?

Con ạ, Thầy biết con đã từng là kẻ tầm thường, rồi có khi bất thường và bây lâu nay (từ khi gặp Ðạo) con lại mang thêm mộng ước phi thường.

Con tưởng có thể vùng vẫy ra khỏi quá khứ. Con tưởng có thể hướng đến một tương lai trên giải đất bình an. Và con băn khoăn tự nghĩ "biết bao giờ mình mới được bình an" hoặc tỏ ra khẳng khái "ta nhất định phải đạt được bình an". Nhưng bằng cách ấy, con đã vô tình đánh mất cái bình an thường trụ, mà Thầy gọi là cái bình thường, cái đang là hoặc cái đương như muôn thuở của chính mình. Con ơi, sao con lại cứ mãi bỏ rơi cái bình an muôn thuở của con để đuổi bắt cái sẽ là hoặc cái bình an lý tưởng xa xăm?

Một thiền sư đã nói :

Thân tại hải trung hưu mích thủy
Nhật hành lãnh thượng mạc tầm sơn.

(Thân ở biển khơi thôi tìm nước
Ngày ngày trên núi há tìm non).

Cái bình thường là cái khổ đau, vô thường và vô ngã mà con luôn luôn ở trong đó. Chỉ vì con vọng cái phi thường - cái thường lạc ngã tịnh, hay cái bình an xa xăm nào khác - nên con đã tự bỏ quên cái bình thường thiên thu vô giá. Cũng như một người đãng trí cầm ngọn đèn đi tìm ngọn đèn ấy, tìm mãi không gặp, mà thật ra ngọn đèn nằm sẵn trong tay chưa rời nửa phút.

Trở lại bình thường không phải là có đi có lại mà con chỉ cần xả ly cái viễn vọng phi thường, chỉ cần buông tay một lần dứt khoát, thế là xong. Nhưng buông tay để trở lại cái bình thường chứ không phải buông xuôi theo cái tầm thường, nghĩa là làm sao con không bị cuốn trôi trong dòng định mệnh.

Chắc con còn nhớ công án "con cá" mà Thầy cho con lúc trước. Tại sao cá không bị cuốn trôi theo giòng nước? Tại sao cá không bị quăng bỏ lên bờ? Tại sao cá không biến thành rồng để bay bổng lên mây? Chỉ vì cá biết bơi lội, bơi lội trong chính giòng nước bình thường muôn đời của nó.

Con tưởng người giác ngộ ra khỏi cái bình thường sao? Không, họ chỉ ra ngoài cái tầm thường, cái bất thường và cái phi thường. Giác ngộ chỉ có nghĩa là trở lại bình thường, mà người ta thường diễn tả thật kêu là "ngộ nhập tự tánh". Một thiền sư đã xác nhận: Người giác ngộ "bất muội nhân quả" chứ không phải "bất lạc nhân quả". Nhân quả biến dịch là cái bình thường, là cái "dữ ngã tịnh sinh" (cùng ta sinh ra), là cái "dữ ngã vi nhất" (cùng ta là một). Cho nên họ ở trong nhân quả mà không "muội" nhân quả, nghĩa là họ sống ung dung trong giòng sông nhân quả ấy mà chẳng hề bị nhân quả cuốn trôi và hẳn nhiên trong sự huyền đồng tuyệt đối đó họ đã là một với giòng sông - và vì biết như thế (như thị giác), nên đã "ra khỏi nó", ra khỏi sự cuốn trôi (luân hồi) của giòng sông định mệnh. đó cũng chính là ý nghĩa lời tuyên bố siêu việt của Ðức Phật: "Không dừng lại, không bước tới Như Lai thoát khỏi bộc lưu". Nếu con có học Kinh Kim Cang thì con nên hiểu chữ "thoát khỏi" theo lối biện chứng này: "Thoát khỏi mà không thoát khỏi nên gọi là thoát khỏi".

Nếu không thế thì thoát khỏi chỉ là cơn đại mộng của loài người. đại mộng ấy đã chi phối hầu hết sinh hoạt của họ, đã hóa hiện ảo thuật trong toàn bộ những thăng trầm, khủng hoảng, phân hóa, chiến chinh... của con người mệnh danh là "linh ư vạn vật"!

Ôi tự do! Chính mi là ngục tù ràng buộc con người. Ôi giải đất bình an! Chính mi là bãi chiến trường bốc đầy khói lửa.

"Hãy tỉnh ngộ, hãy dừng chân!". Tiếng thét sư tử vương ấy đã từng đánh thức Angulimàla giữa giấc chiêm bao của kẻ mộng thấy phi thường. Không thể có tự do nào khác, không thể có hạnh phúc nào hơn ngoài cái bình thường muôn thuở. Vậy chỉ còn một lối thoát duy nhất Thầy xin mở cho con:

Tự do là ung dung trong ràng buộc
Hạnh phúc là tự tại giữa đau thương.

Vâng, đúng thế, vui buồn, đuợc mất, hơn thua, xấu tốt... là bản chất của cái bình thường. Nếu con chỉ để một thoáng phân vân lựa chọn là hỏng hết rồi! Nhưng vì sao người ta không kham nổi với cái bình thường? Ðức Phật trả lời: "Chính vì vọng tưởng tham, sân, si".

Sống tầm thường là biểu hiện của si mê. Sống bất thường là biểu hiện của sân hận. Sống phi thường là biểu hiện của tham lam. Và ở đâu có si, ở đó có tham sân. Ở đâu có sân, Ở đó có si tham. Ở đâu có tham, ở đó có sân si. Tham, Sân, Si là những ảo ảnh biến hiện không lường, đổi thay không dứt. Chúng là trùng trùng duyên khởi trên cái trùng trùng duyên khởi, là khổ đau chồng chất trên khổ đau, là tri kiến che mờ tri kiến. Bởi vậy, duyên khởi, khổ đau, tri kiến đã bị xuyên tạc, đã mất bình thường. Từ đó con người sống trong thế giới huyễn mộng của tầm thường, bất thường và phi thường. đó chính là tiến trình vận chuyển của vô minh ái dục, thập nhị nhân duyên, biến kế sở chấp, nghiệp báo luân hồi...

Thoát khỏi tiến trình vô minh, ái dục vì thế không phải là để bay bổng vào thế giới siêu nhiên, huyễn mộng, mà chính là lột bỏ tất cả mọi mặt nạ trá hình mang nhãn hiệu cái ta để dừng lại hồn nhiên trong cái nguyên tính bình thường bản lai diện mục.

Thiền sư Vĩnh Gia đã từng nói:

Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân
Bất trừ vọng niệm bất cầu chơn
Vô minh thật tánh tức Phật tánh
Huyễn hóa không thân tức pháp thân.

Tuyệt học vô vi chính là trở lại bình thường, là nhảy vào giữa giòng định mệnh không một chút sợ hãi, và lạ lùng thay ở đó ta gặp lại mặt mũi của ta trong pháp giới mông lung. Đúng là "bất tranh nhi thiện thắng" như Lão Tử đã dạy. Nhưng biết bao nhiêu người niệm Phật Di đà, vọng cảnh Tây Phương. Những người phi thường ấy thật là khờ dại khi bỏ cõi tịnh độ ta-bà đi tìm Tây Phương Cực Lạc mộng ảo xa xăm, vì không biết rằng Di Ðà là tự tánh, tịnh độ là bổn tâm.

Ðức Phật dạy: "Tâm bình thế giới bình", tâm bình hay tâm thanh tịnh là bình thường tâm - "bình thường tâm thị đạo".

Vậy tâm bình thường, thế giới bình thường, là Niết-bàn Tịnh độ chứ nào phải tìm kiếm đâu xa. Thế nên cổ đức đã từng nói:

Ðiểu ngữ, thiền minh giai đạo lý
Sương đầu, diệp lạc thị thiền na.

(Chim hót ve kêu đều đạo lý
Sương mai lá rụng thảy thiền na).

Tâm hồn của một người bình thường là thế, đạo vị và thi vị biết là bao!

Trong tâm thái hồn nhiên, chánh niệm và tỉnh giác, con người bình thường ấy có thể mỉm cười khi thấy:

Ba cõi lầm mê tâm tịch tịnh
Một đời sinh tử tánh thường như
Sớm mai thấy nụ hoa hồng nở
Nhẹ gót trần sa mộng tỉnh rồi.

Thầy ngừng bút, chúc con thường như trong cái như thường.

Thầy.

Trích từ: Tuyển Tập Thư Thầy
Tác Giả: TS Viên Minh
Sưu Tầm: Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét