Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Dược tính của cây Chùm Ngây




CTQ vừa nhận được e.mail cám ơn của Giám đốc một công ty chuyên ngành trồng cây gỗ quý hiếm, cây nhiên liệu sinh học và du lịch sinh thái ở Miền Tây Nam bộ về việc CTQ đã tận tình trao đổi, góp ý và giới thiệu địa chỉ để Cty liên hệ mua giống dược liệu quý đặc hữu ở Miền Trung về thử nghiệm di thực với mục đích bảo vệ nguồn gen quý hiếm và sản xuất cung cấp cho thị trường. Giám đốc Cty còn cho biết“Cty muốn đầu tư trồng cây Moringa (Chùm ngây) với diện tích lớn, vì nghe nói đó là cây lương thực đồng thời cũng là cây dược liệu quý, nhưng chưa có thông tin nhiều về dược tính chữa bệnh của cây Moringa cũng như nơi tiêu thụ. Vì vậy mong tạp chí CTQ vui lòng góp ý”. CTQ xin cung cấp thông tin quý Cty yêu cầu như sau:


Về cây Moringa Oleifera vào tháng 10/2007 có một tờ nhật báo đăng bài nói về cây này do một Việt kiều ở Mỹ mua một số hạt giống đầu tiên gửi về giúp dân trồng xóa đói giảm nghèo nên gây xôn xao dư luận một dạo (có người còn đặt cho cái tên cây “Thần diệu”, cây “Độ sinh” nghe khá hấp dẫn). Nhưng thật ra, cây thuốc này có ở nước ta đã lâu. Trước đó, từ năm 1996, TS.Võ Văn Chi soạn Từ điển Cây thuốc Việt Nam đã có đưa vào dưới tên Chùm ngây - Moringa Oleifera Lam., thuộc họ Chùm ngây- MORINGACEAE. Đây là cây nguyên sản ở Ấn Độ, được trồng ở nhiều nước nhiệt đới. Thường trồng ở các tỉnh phía Nam nước ta từ Quảng Nam, Đà Nẵng, qua các tỉnh Nam Trung bộ đến tận Kiên Giang (Phú Quốc), trong các vườn gia đình làm rau ăn. Người ta thu hái các bộ phận của cây quanh năm. Dưới đây xin trích giới thiệu tính vị, tác dụng của Chùm ngây theo tài liệu của TS.Võ Văn Chi.


Mô tả: Cây gỗ nhỏ, cao tới 10m, thường là ba lần lông chim, có 3-9 đôi lá chét hình trứng, mọc đối. Hoa trắng, có cuống, hơi giống hoa đậu, mọc thành chùy ở nách lá có lông tơ; lá bắc hình sợi. Quả nang treo, có 3 cạnh, dài 25-30 cm, hơi gồ lên ở chỗ có hạt, khía rãnh dọc. Hạt màu đen, to bằng hạt đậu Hà lan, tròn, có 3 cạnh và 3 cánh màu trắng dạng màng.


Thành phần hóa học: Vỏ rễ chứa gồm và 2 alcaloit là Moringin và Moringinin; Moringin tương đồng với Benzylanin cũng có trong vỏ thân; trong vỏ thân còn có Beta-sitosterol. Toàn cây chứa một lacton gọi là Pterygospermin, một chất kháng khuẩn có tác dụng đối với vi khuẩn gram + và gram - và cả vi khuẩn ưa axit. Hoa chứa base vô định hình. Hạt chứa 33-38% một thứ dầu không màu, vị dịu, lâu hỏng, dùng ăn được và dùng trong hương liệu để định hương một số hoa.

Tính vị, tác dụng: Rễ có tính kích thích, chuyển máu, gây trung tiện, làm dễ tiêu hóa, trợ tim và bổ tuần hoàn, làm dịu; có tác dụng tốt đối với hệ thần kinh và gây sảy thai cũng như vỏ cây. Quả có tác dụng làm giảm đau; hoa kích thích và kích dục; hạt làm dịu cơn đau. Gôm (nhựa) từ thân cây chảy ra, màu trắng, cũng có tác dụng làm giảm đau nhẹ.

Công dụng: Nhiều bộ phận của cây như quả, lá non, hoa, các nhánh non đều có thể dùng làm rau ăn nhưng phải nấu chín. Ở Lào người ta cũng dùng các nhánh non có hoa và quả xanh dùng nấu ăn như rau. Ở Campuchia người ta dùng lá và quả vào việc nấu món somlo. Lá cây có tính kích thích tiêu hóa và cây có tính lợi tiểu nên cũng được sử dụng trong điều trị bệnh lậu. Rễ là một bộ phận được sử dụng làm thuốc ở nhiều nước. Tại Ấn Độ, rễ được dùng như là chất kích thích trong các cơn đau do bị liệt và sốt từng cơn, dùng trong động kinh, là chất chuyển máu (hoạt huyết) trong bệnh liệt và thấp khớp mạn tính, như là trợ tim và bổ cho tuần hoàn; cũng dùng chế dạng rượu thuốc thường dùng trong khi ngất, choáng váng, suy nhược thần kinh, đau co thắt ruột, icteri và sự đầy hơi. Rễ và vỏ cây cũng dùng gây sảy thai. Vỏ rễ dùng như thuốc chườm nóng làm dịu cơn co thắt. Ở Campuchia, vỏ cây được dùng làm thuốc cho phụ nữ sau khi sinh đẻ uống như là thuốc chóng lại sức. Ở Thái lan, vỏ thân được dùng làm thuốc thông hơi (phá khí). Quả được dùng trị bệnh đau gan và tỳ, đau khớp, sài uốn ván và chứng liệt. hạt dùng trị bệnh hoa liễu; dầu từ hạt dùng đắp ngoài trị bệnh thấp khớp. Gôm (nhựa từ cây chảy ra) dùng chữa đau răng, phối hợp với dầu vừng làm chế phẩm nhỏ tai trị đau tai.

Chúng tôi cũng xin trích thêm một số thông tin nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm sử dụng Chùm ngây chữa bệnh theo bài viết của Lương y Nguyễn Công Đức ở khoa YHCT Đại học Y dược TP.HCM:

Nghiên cứu khoa học về Chùm ngây

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học về lá Chùm ngây non ở miền Nam nước ta, trong 100 g còn tươi có 6,35 g chất đạm, 1,7 g chất béo, 8 g bột đường, 1,9 g chất xơ, 3,75 g chất khoáng (trong đó phốtpho 50 mg, kali 216 mg, canxi 122 mg, magne 123 mg, đồng 0,1 mg, sắt 16 mg, caroten 6.250 UI), các vitamin B1 0,2 mg, B2 0,21 mg, PP 2,25 mg và C 110 - 220 mg. Như vậy lá Chùm ngây non là loại rau giàu dưỡng chất.

Đa số các nghiên cứu được thực hiện ở Ấn Độ, Philippines và châu Phi... Cây đã được biết đến và dùng hơn nghìn năm nay ở các nước có nền văn minh cổ như Hy Lạp, Ý, Ấn Độ. Hiện nay đang có chương trình khuyến khích trồng Chùm ngây ở 80 quốc gia trên toàn thế giới.

Các bộ phận của cây chứa nhiều khoáng chất quan trọng, giàu chất đạm, vitamin, beta-caroten, axit amin và nhiều hợp chất phenol. Cây Chùm ngây cung cấp một hỗn hợp gồm nhiều hợp chất quý hiếm như zeatin, quercetin, alpha-sitosterol, caffeoylquinic axít và kaempferol.

Theo các nghiên cứu khoa học, lá và hoa còn tươi của cây Chùm ngây có chứa: vitamin C nhiều hơn trái cam 7 lần, canxi nhiều hơn 4 lần và protein gấp 2 lần so với sữa, vitamin A gấp 4 lần so với cà rốt, kali gấp 3 lần chuối.

Cách sử dụng

- Các món canh: nấu canh với tôm, tép, cá trê, thịt nạc... hoặc nấu canh chay với bí ngô, bắp non bào nhỏ và đậu phộng sống giã nát. Sau khi nêm nếm cho vừa ăn, dùng lá Chùm ngây non rửa sạch xắt nhỏ bỏ vào nồi canh khi nước đang sôi trộn đều rồi nhấc xuống ngay không để sôi thêm.

- Trộn dầu giấm: Lá Chùm ngây non và đọt non vừa đủ dùng, rửa sạch, trộn với dầu giấm, ít muối, tiêu, đường. Món sống này không còn mùi hăng của lá. Có thể thêm vào ít cà chua và hành tây.

Kinh nghiệm chữa bệnh bằng Chùm ngây

Thuốc ngừa thai của dân tộc Raglay: cứ 5 ngày thì dùng 2 nắm rễ cây chùm ngây còn tươi (150g) rửa sạch băm nhỏ nấu với 2 lít nước còn nửa lít thuốc chia uống 2 lần trong ngày. Phụ nữ Raglay trong tuổi sinh đẻ nếu uống nước sắc rễ Chùm ngây thì không có con.

Trị tăng cholesterol, tăng lipid máu, tăng triglycerit. Làm giảm axxit uric, ngăn ngừa sỏi oxalat: mỗi ngày dùng 100g rễ tươi (30g khô) rửa sạch, nấu với 1 lít nước sôi 15 phút. Uống cả ngày.

Giúp ổn định huyết áp và đường huyết, bảo vệ gan, trị suy nhược: mỗi ngày dùng 150 g lá Chùm ngây non rửa sạch, giã nát, thêm 300 ml nước sạch, vắt lấy nước cốt (hoặc dùng máy xay sinh tố) thêm 2 muỗng canh mật ong, trộn đều, chia uống 3 lần trong ngày.

Trị u xơ tiền liệt tuyến: rễ Chùm ngây tươi 100 g + lá Trinh nữ hoàng cung tươi 80 g (hoặc rễ Chùm ngây khô 30 g + lá Trinh nữ hoàng cung khô 20 g). Nấu với 2 lít nước còn lại nửa lít. Uống 3 lần trong ngày.

Lắng nước: dùng 2 trái Chùm ngây tươi đã có hột già. Lấy hột giã nát quấy đều 5 phút với 3 lít nước. Để lắng 2 giờ thì có nước trong dùng được.

Lưu ý: Phụ nữ có thai không được dùng cây Chùm ngây.

Với những thông tin vừa cung cấp, rõ ràng Chùm ngây là một cây quý nên khuyến khích mọi nhà trồng làm thuốc, làm rau ăn trong vườn. Tuy nhiên, việc tiến hành trồng đại trà thì theo góp ý của chúng tôi, quý Cty cũng cần cân nhắc và tham khảo thêm nhiều ý kiến của các chuyên gia nông lâm, y dược, nhất là phải có chiến lược sản phẩm hoặc tìm đầu ra tiêu thụ cho chắc chắn. Còn nhớ có một dạo nhà nhà đua nhau trồng cây Hoàn ngọc, phải mua cây giống 5-7 ngàn đồng, nhưng một thời gian cây này mọc lan tràn như cỏ dại trong vườn, phải nhổ bỏ vì dùng không hết xuể. Bài học ốc bươu vàng ngày nào vẫn còn nhức nhối hẳn bà con nông dân chúng ta không quên được. Sơ lược trả lời quý Cty như vậy. Kính chúc quý Cty luôn phát triển và thành đạt..

Sưu tầm: Hanh nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét