Có 4 giai đoạn tu tập của một chúng sinh
1) Giai đoạn không biết tu nhưng pháp "tôi luyện" cho cuối cùng thân tâm trí cũng được mở mang và bản lĩnh hơn nhưng lại hình thành bản ngã.
2) Giai đoạn bản ngã tu rất mực tích cực miên mật theo nhiều chiều hướng khác nhau và kẹt vào kinh nghiệm sở tri sở đắc cục bộ.
3) Giai đoạn thấy bản ngã cùng với kinh nghiệm sở tri, sở đắc đều vô dụng, chỉ tạo thêm tà kiến, tham ái, thời gian và đau khổ nên bắt đầu từ bỏ cái ta ảo tưởng.
4) Giai đoạn sống tự tại hồn nhiên, tùy duyên thuận pháp, vô ngã, vô vi (không, vô tướng, vô tác, vô cầu). Lúc đó đúng là "giản dị mới uyên thâm".Triết gia Nietzches, ít ra là trên lý, cũng nhận ra được những giai đoạn tiến hóa này của con người nên ông gọi:
Giai đoạn 1 và 2 là Lạc Đà - bản ngã chở mang, cố gắng sở hữu càng nhiều kinh nghiệm sở tri sở đắc càng tốt, nhưng đó lại là giai đoạn thấp nhất!
Giai đoạn 3 ông gọi là Sư Tử - từ bỏ mọi gánh nặng đã hình thành bản ngã, rống lên tiếng rống con sư tử để an nhiên bước đi trên đôi chân của mình, không lệ thuộc vào bất cứ sở hữu nào.
Giai đoạn 4 ông gọi là Trẻ Thơ - sống hồn nhiên trong sáng tương giao với vạn pháp, không cần thiết lập mối quan hệ nào mà Lão Tử gọi là "vô vi nhi vô bất vi" của một người sống hoàn toàn vô ngã vị tha.
Để trả lời, tôi chỉ dùng thí nghiệm sau:
Tôi đề nghị: “Ai hiện đang vui vẻ, hạnh phúc xin giơ tay mặt lên. Ngược lại xin giơ tay trái vậy.” Hầu hết đưa tay mặt lên - một số thật tình đang vui, số còn lại vì tự ái.
Tiếp theo tôi nói: “Ai đang hạnh phúc, xin dùng ngón tay trỏ mặt chỉ điểm hạnh phúc của mình. Ngược lại, xin dùng ngón tay trỏ trái vậy.”
Thính chúng bắt đầu chỉ lên, chỉ xuống rồi nhìn trái, nhìn phải xem bạn mình làm gì. Họ bối rối thấy rõ. Chừng hiểu ra ai cũng bật cười.Hạnh phúc cũng như đau khổ có thật, không ai chối cãi. Nhưng không ai biết chúng nằm ở đâu, trong hay ngoài thân thể này. Lý do là vì hạnh phúc hay đau khổ là những đặc trưng của tâm. Chúng thuộc tâm như hoa thơm, cỏ dại thuộc ngôi vườn. Có hoa có cỏ chúng ta mới biết có ngôi vườn. Cũng vậy, có hạnh phúc có đau khổ chúng ta mới biết có tâm. Tâm có thật nhưng không ở trong thế gian ba chiều. Biết rằng tâm lớn nhất thế gian - tâm không thể được thu gọn trong thế giới ba chiều mà ngược lại, thế giới ba chiều nằm trong tâm. Tâm chứa cả vũ trụ.
AJAHN BRAHM
Tâm Bất Sinh
...Tôi không bảo quý vị phải tu theo pháp này pháp nọ, phải giữ giới, phải tụng kinh, phải xem Ngữ lục của chư tổ, phải tọa Thiền... Tâm Phật vốn đã sẵn nơi tất cả quý vị, không có cái chuyện tôi đem lại cho quý vị Tâm Phật ấy. Khi lắng nghe bài giảng này, hãy nhận ra Tâm Phật mà mỗi người đều có ngay trong chính mình, rồi từ nay về sau hãy an trú trong Tâm Phật Bất sinh ấy. Một khi quý vị đã xác chứng được Tâm Phật mà mọi người bẩm sinh đều có, thì quý vị muốn đọc kinh cứ việc đọc kinh, muốn ngồi Thiền cứ việc ngồi Thiền, muốn giữ giới cứ việc thọ giới, muốn niệm Phật cứ việc niệm Phật, muốn trì chú cứ việc trì chú, hay cứ việc làm phận sự hàng ngày của quý vị - dù quý vị là hiệp sĩ, nông dân, thợ thuyền, thương gia - công việc sẽ là pháp chánh định của mỗi người. Tôi chỉ nói một điều duy nhất là: hãy nhận ra Tâm Phật mà mỗi người quý vị bẩm thụ từ lúc cha mẹ mới sinh. Điều cốt yếu là nhận ra, và an trú trong tâm ấy với niềm tin tưởng...
Trích : Ngữ lục Bankei
Vô Tâm
Vô tâm không phải là không có tâm. Vô tâm cũng không phải là vô cảm. Mackeno. Có một chữ tượng hình rất hay trong chữ Hán : 木 là mộc. 目 là mục. 心 là tâm.Khi mộc ghép với mục thì thành tướng 相. Tướng vô tội. Không sanh sự. Nói khác đi, khi trần (mộc= cây) gặp căn (mục = mắt) thì chẳng có chuyện gì xảy ra! “Sắc thanh hương…” đụng “nhãn nhĩ tỷ…” chả sao cả. Cận thấy kiểu cận, loạn thấy kiểu loạn, lão thấy kiểu lão. Con người tội nghiệp. Nhãn thua loài cú. Nhĩ thua loài dơi, Tỷ thua loài chó… Con ong cái kiến cũng có căn có trần riêng của nó! Vậy mà con người cứ tưởng mình ngon nhất thế gian. Làm được cái kính thiên văn đường kính rộng, nhìn lên bầu trời đã la hoảng khi thấy có hàng trăm ngàn tỷ thiên hà, trong khi xưa kia tưởng chỉ có mỗi một mặt trời vĩ đại của riêng ta thôi! Nay mai có kính thiên văn đường kính rộng hơn nữa không biết chuyện gì sẽ xảy ra! Trở lại chuyện Tâm. Căn với trần mới là tướng. Ghép thêm chữ tâm vào thì mới thành tưởng 想. Có tưởng là bắt đầu sinh sự. Tưởng vô vàn. Tưởng vô tận. Muốn thiên đàng có thiên đàng. Muốn điạ ngục có địa ngục. Cho nên tu là tu Tâm. “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tất cả là do tâm bày vẽ ra. Phật từ thời Hoa Nghiêm đã nói rõ như thế. Hạnh phúc khổ đau từ đó. So sánh hơn thua, chém giết nhau từ đó. Tiếng Việt ta còn hay hơn: Tướng và Tưởng, chỉ khác nhau có mỗi cái dấu sắc, dấu hỏi… Mà đã ngàn trùng cách xa! Vô tâm thì vô sự. Vô sự thì bình an. Bình an vô sự. Người ta chúc nhau như vậy. Người ta lại chúc nhau “Vạn sự như ý”! Ý dẫn các pháp. Muốn “vạn sự” được “như ý” đâu có khó gì. Một đám du khách hỏi anh nông dân:"Hôm nay thời tiết ở đây thế nào anh?""Hôm nay có thứ thời tiết mà tôi thích!" "Làm sao anh biết là có thứ thời tiết mà anh thích?" Phải học, thưa ông. Không phải lúc nào tôi cũng có cái tôi muốn nên tôi phải biết muốn cái tôi có. “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Trần Nhân Tông).
Đỗ Hồng Ngọc
Sen Và Bùn
Người ta thường nói đến giá trị của khổ đau là để nâng cao giá trị của hạnh phúc. Cũng như hay lấy bùn để tôn xưng sự tinh khiết của hoa sen - "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Vì vậy hoa sen thường được dùng làm biểu tượng cho những gì cao quý - thỏng tay vào trần mà không nhiễm bụi trần. Giá trị của bùn (hay bụi trần) ở đây là làm cho hương thơm của hoa sen càng có giá trị. Đừng phủ nhận bùn khi nói đến hoa sen. Bài học đạo đức và "giác ngộ" ở đây đã rõ. Nhưng “Thị pháp trụ pháp vị”, mỗi pháp đều có một vị trí, một “đang là” của chính nó, không thể so sánh với bất cứ gì khác. Hoa sen có "vị" của hoa sen, bùn có "vị" của bùn. Mùi thơm của hoa sen hay mùi hôi của bùn là do cảm quan của loài người, chứ sen hay bùn... chẳng nói gì cả. Chúng chẳng nâng giá trị gì cho nhau. Do nhân duyên mà sen mọc trên bùn: sự vận hành của Pháp! Vậy “khổ đau” có "vị" của khổ đau, “hạnh phúc” có "vị" của hạnh phúc, giá trị hoàn toàn như nhau nếu chúng "đang là", chứ không phải nhờ khổ đau mới thấy giá trị của hạnh phúc hay hạnh phúc chỉ được nhận diện trên cái nền của khổ đau... Sao không thấy hương sen, mùi bùn, hạnh phúc, đau khổ... như thật và thế thôi?Thật ra, biết và chấp nhận giá trị của khổ đau hay những gì gọi là “mặt trái” cũng đã rất tích cực. Nó giúp giảm thiểu vừa lòng, nghịch ý, tham cầu, chống đối… khi tương giao với mọi sự. Nhưng nếu không vượt thoát khỏi… mệnh đề “A kéo theo B” thì mãi vẫn còn trong phân biệt, dù rất vi tế. Mà “đương xứ tức chân” nên mới có thể nói "Ta bà là Tịnh độ" đúng nghĩa, chứ không phải ngầm chỉ Ta bà là… background của Tịnh độ - nhờ có “hậu cảnh” Ta bà mà “chính cảnh” Tịnh độ tỏa sáng!
LIỄU TÁNH
Trích từ: Cội Nguồn
Hanh Nghiêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét