Kỳ 4: Lễ Hội Ngày Xuân
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.
Mùa Xuân theo thuyết ngũ hành thuộc về hành Mộc , là mùa đẹp nhất trong năm khí hậu trong lành ấm áp ,muôn hoa đua nở ,cây cỏ tốt tươi,Trời đất giao hòa ,vạn vật sinh sôi ,mùa mở đầu của một năm mới hứa hẹn nhiều niềm vui phía trước nên Dân gian không những ăn Tết cổ truyền trong tháng Giêng mà còn tổ chức rất nhiều Lễ Hội vào những ngày Xuân làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần ,Lễ Cúng Kỳ Yên(cúng cầu cho quốc thái dân an,mưa thuận gió hòa, ngày mùa thuận lợi ) của người Dân Long Điền được tổ chức vào ngày 16 đến ngày 18 tháng 2 Âm lịch là một trong những Lễ hội mang màu sắc văn hóa dân gian đặc trưng đầy ấn tượng của người Nam bộ....
Đình Thần Long Điền (Tên cũ là Đình Long Phượng)được xây cất từ thời Vua Thiệu Trị Nhà Nguyễn (1841-1847)trên nền của một khu Thành cổ được đoán là Đồn thu thuế thời xa xưa ,có nhiều giai thoại của người dân kể lại về sự linh thiêng của ngôi Đình này như chuyện thỉnh thoảng giữa đêm khuya ngày trăng tròn người ta thấy đôi Hạc trắng rất to đậu trước cổng Đình và Ông Thần râu tóc bạc phơ đứng uy nghi cao vút như bóng mấy cây Tùng có tuổi thọ cả trăm năm mọc trong sân Đình,chuyện trong thời chiến có một quả bom rơi xuống ngay Điện thờ Thần mà không nổ ,chuyện một người biết chữ Nho lén mở cái hộp đựng sắc phong Thần để coi tên họ của Vị Thành Hoàng sau đó bị khùng ,chuyện một Cô Đào của gánh hát Bội( đang trong thời gian kinh nguyệt)nằm mơ thấy một Vị Thần bảo cô ta không được hát vào ngày xây chầu ,mà Cô Đào này cãi lời rốt cuộc đang hát thì bị thổ huyết mà chết ngay trên sân khâu......Cách Đình Thần không xa là khu di tích Bàu Thành , một Hồ chứa nước thiên nhiên rất lớn đã có từ thế kỷ IX tương truyền năm xưa Vua nước Chân Lạp dùng nơi này để cho Voi-Ngựa tắm cách nay 350 năm trước (trong khi khai quật các Nhà khảo cổ tìm được rất nhiều di chỉ Văn Hóa Óc Eo của Phù Nam thời xa xưa )dân gian còn lưu lại 2 câu ca dao để nói về di tích lịch sữ này :
"Bao giờ Bưng Bạc hết Sình
Bàu Thành hết nước thì mình hết thương "
Người Dân Quê quanh năm tần tảo với Ruộng Đồng nắng gió nhưng vẫn trân trọng giử gìn những nét đẹp văn hóa từ những tập tục truyền thống mang giá trị tâm linh của thế hệ Cha Ông nhiều Đời lưu lại.Khi vầng trăng tròn đêm 16 giữa mùa Xuân mới vừa nhô lên khỏi Lũy tre xanh bao quanh con đường đê nhỏ dẫn vào cổng Đình Làng cũng là lúc tiếng Trống từ Sân Đình vang lên rộn rã báo hiệu "đám Cúng Đình " bắt đầu khai mạc ,Bà Ngoại tôi khăn áo đề huề tay phải cắp theo cái giỏ "đồ nghề" bên trong đựng Trầu ,Cau, Vôi ,thuốc xỉa,Ống quấy trầu và cái Ống nhổ(ăn trầu xong nhổ vô đó)tay trái dắt tay Tôi (lúc đó khoảng 9-10 tuổi gì đó ) hòa theo dòng Người ở trong Xóm cùng đi dự Lễ Cúng Kỳ Yên ,con đường Làng từ nhà Tôi đến Đình Thần phải băng qua nhiều cánh đồng lúa mà lúc đó người ta làm vụ Đông Xuân ,Lúa đang ra hoa kết hạt còn xanh (Lúa còn ngậm sữa)chứ chưa chín vàng ,con đường này trước chiến tranh có rất nhiều người chết trận hay chết oan uổng vì súng đạn vô tình ,nên nghe nói có rất nhiều.....Ma ,hồi đó T còn nhỏ lắm mặc dù chưa thấy mặt "con Ma" ra sao nhưng hễ nghe người ta kể là đã sợ nổi..... chicken skin ,bởi vậy ngày bình thường kêu T đi một mình trên con đường này thì có cho vàng T cũng không đi......Nhưng hôm nay là ngày đặc biệt lại có rất nhiều người nên cảm giác sợ hãi không còn nữa mà thay vào đó là tâm trạng mừng vui hớn hở vì đợi lâu lắm mới được Ngoại dẫn đi coi Hát Đình ,trăng sáng vằng vặt ,ruộng lúa reo vui ,từng ngọn Tre xanh xạt xào theo cơn gió thoảng,khoảnh khắc Chúa xuân đang ngự trị giữa thiên nhiên và cả trong lòng người Dân lam lủ ,bước chân rộn rịp ,tiếng nói cười ,câu chào nhau vang lên suốt chặng đường đi ,người Dân quê tôi yêu ruộng đồng và yêu văn nghệ ,yêu từng khúc Nam Ai ,từng câu hò mái đẩy ,điệu lý dân ca ,từng vần Ca Dao ,vần thi thơ trong những câu truyện Thơ Lục Vân Tiên ,Truyện Kiều hay Thạch Sanh Lý Thông....máu đam mê cải lương Hò Quảng ,hát bội đã nhiều đời luân chảy trong huyết quản của người nam bộ ,nên khi cấy lúa ,lúc nấu ăn ,quét dọn nhà cửa người lớn vẫn thường hay hát hò để vừa làm việc vừa thư giản,còn đám con nít lúc ra Ruộng bắt cua ,bắt Dế , thả bò hay chơi nắn đất sét... thì trên môi vẫn là những câu Hát ,câu vè ,ca dao ,hay hát nhại giọng các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng đương thời như Minh Phụng ,Mỹ Châu ,Lệ Thủy.... .Nói hơi lạc đề một chút nhé là hồi xưa mấy Bà chị ruột và Chị con của Cậu 3 không những mê cải lương mỗi buổi chiều sau giờ làm mấy Chị luôn tranh thủ đăng ký đều đều để đi lên Sân Banh Long Điền trãi chiếu(hồi đó Rạp Hát Nhân Dân Long Điền chưa xây) coi gánh hát gì của Ông Bửu Khánh làm bầu(gánh hát này ở luôn dưới Sân Banh Long Điền gần cả tháng nên khán giả chọc quê là :gánh Bửu... lỳ ,Ông bầu gánh trả lời lại là :"Mấy anh là bửu lỳ còn mấy Em là bửu ghiền" ) mà còn "ghiền" đến nổi thành lập luôn một đoàn cải lương "Sóng Dang" tại nhà ,với Sân Khấu là cái Chuồng Bò trước nhà Cậu 3 và hai cánh màn nhung là 2 cái mền Ông Rồng của Má tôi mua dành để đắp ấm cho mùa đông ,T nhớ vở diễn đầu tay của "đoàn" là vở "Tâm Sự Loài Chim Biển " ,chị ba tôi giả trai đóng vai tướng cướp Trường Sơn Vũ ,Bả "chôm" cái nhạo Rượu cúng bị mẻ hết nữa cái nắp của Ngoại để dùng diễn xuất cảnh :tướng cướp đang nhậu ngoài bãi Biển-Chị Tr đóng vai Quận chúa Cát Mộng Thùy Dương.Trưa hôm đó " đoàn" đang diễn dở dang, khán giả(cò bán vé cho mấy Anh ở trong Xóm vô chuồng Bò coi đàng hoàng luôn) đang say mê coi tới cái đoạn Tô Ngã Giang Châu đưa Quận Chúa về Dinh thì Anh tửng nhỏ đột ngột lùa Bò về làm cho kép chánh đào chánh chạy vắt giò lên cổ , "khán giả" và hai đứa kéo màn là T với Chú Dũng con Dì 9 phải giật lẹ 2 cái....mền chạy như chạy giặc !
Trở lại chuyện đám cúng Đình :Lễ cúng kỳ yên còn là dịp cho nam thanh nữ tú hẹn hò với nhau đễ hàn huyên tâm sự và thề non hẹn biển ,có nhiều anh chị đâu có mê coi Hát mà mê "núp" một bên Mái Đình Làng để để "ngắm Trăng " , thuở đó Tôi còn nhỏ chỉ biết nép sau lưng Bà Ngoại coi mấy Vị chức sắc trong Làng cử hành lễ cúng ,T nhớ Lễ cúng diễn ra trong 3 ngày,chiều 16 là ngày đầu tiên già trẻ gái trai đều nhóm họp trong Đình,ngày thứ hai là ngày chánh tế trong Điện thờ chính của Đình Làng ,người ta đã bày sẳn mâm cao cổ đầy trên bàn Thờ Thần gồm Hoa Qủa ,Xôi, chè, bánh Tét, Heo Quay....các vị kỳ Lão trong Làng(gọi là hương thân hội tề) tề tựu đông đủ ,Họ mặc áo thụng bông chử thọ màu xanh dương màu đen, chít khăn đóng ,rồi học trò lễ là những đồng nam được chọn sẵn mặt trang phục trời xưa đứng dàng hàng hai bên Điện Thờ có một vị cao tuổi nhất gọi là Chánh Bái điều hành buổi Lễ có nhã nhạc ,giổ Bóng và múa Lân tưng bừng lắm ! Sau lễ tế Thần thì một Vị hương thân có uy tín nhất được cử làm Chủ Sự để cầm chầu(là người đánh Trống chầu ),ngày cuối cùng là Lễ Dịch Tế gọi là đại đoàn, lễ xong lui về...buổi chiều hôm ấy thường diễn những tuồng tích tôn Vương hay tôn Soái như :San Hậu hay Phàn Lê Huê.....
Trong 3 ngày Lễ ngày thứ hai là vui nhất vì sau khi đãi ăn xong Sân Khấu Đình làng diễn tuồng suốt cả 5-6 giờ đồng hồ từ xế trưa tới chiều luôn ,Bà Ngoại tui rất mê Hát Bội còn T lúc đó chưa hiểu nhiều về nghệ thuật Hát Bội nên T chỉ mê nhìn cái không khí náo nhiệt,linh thiêng ,và y trang phục sức lộng lẩy nhiều màu sắc rực rở của các nghệ sĩ.
Hai cánh màn Sân khấu đỏ chói có thêu Rồng Phụng bằng chỉ kim tuyến trắng vàng xanh thiệt là nổi bật để đúng điệu...cải lương ,người được "nể" nhất trong ngày diễn tuồng là Ông cầm chầu ,hổng biết tại cái "nghiệp" của mấy người cầm chầu hay tại niềm đam mê nghệ thuật cải lương mà Dân gian có câu như vầy :
"Trên đời có bốn cái ngu
Làm mai ,lãnh nợ, gác cu, cầm chầu "
Riêng T lúc đó thấy ghét cái Ông cầm chầu dễ sợ lý do là Bà ngoại T vừa mê coi hát vừa ghiền Trầu ,mà hể coi hát thì làm sao mà nhìn xuống để têm trầu được nên Ngoại dắt T đi theo là ở cái chổ đó ,T biết têm trầu từ lúc còn rất nhỏ(được Bà Ngoại chỉ dẫn tường tận),T đi theo Ngoại để tiêm trầu sẳn bỏ vô ống quấy quấy nhuyễn cho Bà Ngoại ,mỗi khi tuồng diễn đến đoạn hay lâm ly gây cấn như đoạn Tiết Đinh San tam bộ nhất bái(đi 3 bước lạy một lạy) đi cầu Phàn Lê Huê ,hát thì có mấy câu mà....múa(ra bộ) cả tiếng mới xong .....Tôi ngồi dựa dưới chân ghế của Bà Ngoại ngủ ngon lành hồi nào không hay ,đang mơ màng giấc điệp thì nghe.....tùng tùn tùng....Ông cầm chầu gỏ vào mặt cái trống chầu sơn màu đỏ to tổ bố được căng bằng tấm da trâu dày cộm ,tiếng trống này là tiếng trống khen ngợi diễn viên diễn hay làm cho tinh thần biểu diễn của nghệ sĩ càng phấn chấn và cũng để chứng tỏ cái "bản lĩnh am hiểu nghệ thuật " của người cầm chầu !nhưng lúc này T không biết gì ráo trọi về "nghệ thuật" đang ngủ ngon mà bị tiếng Trống kia đánh thức thì Tôi bực Ông cầm chầu là đúng rồi ! lâu lâu vở tuồng có pha hò quảng diễn viên nữ hát giọng ngọt như mía lùi :duyên trúc mai.....á a trăm năm keo sơn bền lâu....Bà ngoại T nghe hay quá quên ăn trầu T được dịp....ngủ tiếp tập 2........cắt cắt cắt.....lại là tiếng gỏ của Ông cầm chầu ,kỳ này là Ổng chê vì gỏ vào thành Trống chứ không phải mặt Trống ,Tui lại giật mình nhìn lên Sân Khấu thì thấy một diễn viên đóng vai Tổng kỳ chắc bữa đó đi hát mà chiều hôm mê nhậu(ở ngoài Sân Đình người ta bày bán đủ thứ món như hột vịt lộn ,cá khô đuối ,nước mía ,rượu đế,Xoài tượng ,cóc ổi ....)nên cái giọng ca nghe khàn khàn khó chịu hèn gì Ông cầm chầu Ổng gỏ vô thành trống lia lịa ,Bà ngoại T nói ; "Thằng kép này hát trật hết trơn rồi !"(đừng tưởng người nhà quê không hiểu gì về nghệ thuật nhen ,coi riết rồi ghiền ,ghiền quá nên...rành hi hi )Anh diễn viên đó đành phải ra "cửa sanh " là cánh gà bên trái xuống hậu trường coi như mất vai,rồi ông Bầu sắp xếp cho một diễn viên khác vô "cửa tử"(cánh gà bên phải) lên Sân khấu hát thế vai .
Người Dân Quê tôi mê ca hát đến nỗi tuồng tích trong bất cứ vở Cải Lương hay hát Bội gì cũng rành như rành 6 câu vọng cổ ,Lễ kỳ yên diễn ra mỗi năm vào mùa Xuân dựa trên tinh thần trung với nước hiếu với Vua của Nho Giáo ,nên những tuồng tích được diễn trên Sân khấu Đình Làng thường mang nội dung thiện thắng ác ,nêu cao gương anh hùng liệt nữ và những tấm gương giử tròn Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín ,Lễ kỳ yên còn mang hàm ý sâu sắc là cầu nguyện Phật Trời Thần linh ban phúc cho mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu để Dân giàu nước mạnh.
Lễ hội ngày Xuân và ánh trăng cổ tích của thời thơ ấu vẫn còn trong ký ức ,nếu có duyên trở lại thăm Quê vào đúng dịp Lễ Cúng Đình Long Điền Tôi nhất định sẽ thưởng lãm cho trọn vẹn ngày Lễ hội và ngắm lại Đồng ruộng quê hương với đàn Cò trắng bay qua mỗi chiều hoàng hôn ,nghe câu Vọng cổ quê ngọt ngào mà da diết ngân vang mãi trong hồn người viễn xứ.
Bài viết xin khép lại ở đây, cảm ơn sự cộng tác về tư liệu của 8 Hà Lan và "phó nháy" Hà David, cảm ơn sự chia xẻ của các Bạn gần xa, mời đón đọc kỳ 5(kỳ cuối) Nét đẹp Văn hóa Qua ngày Tết Cổ truyền Việt Nam sẽ được pót lên vào đúng đêm Giao Thừa Tết Nguyên Đán.
...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét