Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Ngày Tết Cổ Truyền Ở Quê Tui (kỳ 3)

Kỳ 3: Hái Lộc-Xin Xâm-Coi Bói
Nói về phong tục tập quán của Việt Nam ta trong ngày Tết cổ truyền  thì có rất nhiều nên không thể chỉ trong một bài viết mà nói hết được,tuy nhiên phong tục và các loại hình sinh hoạt Dân gian trong ngày Tết còn ảnh hưởng theo từng truyền thống văn hóa tư tưởng của mỗi miền ,riêng người Dân quê Long Điền chúng tôi ngoài việc cúng Tổ Tiên trong 3 ngày Tết còn có nhiều tập tục khác như dựng Nêu( dựng cây nêu vào 30 Tết và hạ nêu xuống vào mồng 7 ,Tết ) ,xông Đất ,hái lộc,xin Xăm.... :
Mặn lạt mùi đời ba bữa Tết
Đỏ đen dưới thế bảy ngày Xuân(Ca Dao)
Hồi còn Bà Ngoại ngày mồng 7 được coi là Lễ khai sơn(cúng khai hạ)nhà Tôi không dựng nêu vào ngày 30 Tết như những gia đình khác mà tới ngày cúng khai hạ(*) Bà ngoại mới ra hàng rào hái một nhánh cây và dán lên đó hình Ông hổ được vẽ trên giấy đỏ(người ta bán sẵn ngoài Chợ)với nghi thức cúng gồm hoa  quả ,xôi ,Gà luộc ,mứt ,sau khi cúng xong hình Ông Hổ được dán lên trên chót vót ngoài cửa chính(Ngoại nói đó là ý nghĩa có Sơn Thần bảo hộ ) ,sau này tục lệ này đã được chúng tôi lượt bỏ bớt chỉ cúng trái cây đơn giản chứ không còn dán hình Ông Hổ nữa và khi qua tới Mỹ rồi thì tục lệ  bỏ hẳn không cúng khai hạ mà chỉ dựng nêu bằng một bình hoa Mai lớn chưng giữa nhà từ 30 đến mồng 7 tết thì hạ xuống.
Về tục xông đất thì dân gian cho rằng ngày mở đầu của một năm là vô cùng quan trọng ,cho nên Họ chỉ muốn đón những hạnh phúc ,niềm vui ,điều tốt lành vào nhà trong ngày đầu năm ,thường thì sau khi mở cửa cúng Ông bà vào ngày mồng một ,người ta thường chọn sẵn một  vị khách nào có ngoại hình tương đối,đủ tài đủ đức có tư cách và có tuổi thọ ,có cái tên mà đọc lên nghe vui vẻ ,may mắn như :Phước ,Lộc , Thọ ,Vàng ,Bạc ,Tiền ,Tài,mừng ,vui, khỏe ,mạnh ...... quan trọng là phải hợp tuổi với người chủ gia đình(ví dụ như  người chủ gia đình mạng mộc thì tìm người mạng thủy ,tuổi Tuất thì tìm tuổi Dần hay tuổi Ngọ....)tập tục này  là nét văn hóa đẹp mà Ông Bà để lại nếu như ta đừng quá lệ thuộc , theo T nghĩ , tài lộc ,phước báo của mỗi người một nữa do vận mạng(nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp trước) và một nữa do bản thân mình  phấn đấu,những điều kiện khách quan bên ngoài chỉ tác động một phần nào không phải là tất cả ,ở nhà T hồi xưa Bà ngoại không quan trọng tục lệ này cho lắm ,Ngoại nói đại ý như vầy : nếu như có sự bắt đầu suông sẻ mà mình không biết gìn giữ trân trọng nó thì kết cục cũng chẳng còn gì ,nên ngày mồng một Ngoại chỉ mời người ăn ở có nhân có nghĩa đến xông đất mà không có coi kỹ lưỡng người đó tuổi gì tên gì mạng gì.....Mà từ trước đến nay chưa nghe sách vở hay Ai nói về tâm trạng của Người được mời đi xông đất đầu năm ,T "bị dính" vào cái vụ xông đất này lúc T còn ở Việt Nam ,lúc đó T 24 tuổi chưa có gia đình ,Tết năm đó T được một người bạn mời đến "xông đất " đầu năm ,T chỉ là một người bình thường như mọi người ,không có tài đức ,sắc vóc gì "ghê gớm" hết(thậm chí lúc đó Tui quê một cục không biết sửa soạn gì hết  đi đâu cũng áo sơ mi trắng quần tây thôi )chỉ vì cái tên "cúng cơm " của T( hồi đó Tui còn sân si dữ lắm ,tên Tuyền mà mọi người trong xóm cứ  kêu là Tiền...tiền không hà ,chỉ có ở Trường, Cô Thầy mới gọi đúng tên ,hồi xưa tui bực vì cái cách kêu này lắm nên gặp Ai kêu là :Tiền...tiền thì  ghét ghê hồn bỏ đi một nước không thèm nhìn  luôn hi hi ,sau này bỏ bớt rồi )và tuổi của T hợp với Tuổi của  Ba bạn đó ,người nào được mời đi xông đất thì mừng và hân hạnh,mà sao lúc đó tâm trạng của T không vui cho lắm ,thứ nhất mình tự biết mình rất bình thường mọi dự tính cho tương lai lúc đó còn bấp bênh ,thứ hai tên cúng cơm bị Người ta đọc trại lại hiểu sai nghĩa(Tuyền là dòng suối ),thứ ba lỡ mình vô nhà người ta xông đất đầu năm mà nguyên năm đó nhà ấy làm ăn không khấm khá hay có gì không như ý thì có thể người ta sẽ đổ thừa cho mình(người họ "Đỗ" thời nào cũng có )nhưng nếu từ chối không đi thì kỳ quá ,nên đành phải "liều mạng " đi một chuyến ,sáng mồng một sau khi cúng cơm ở nhà xong( bà Ngoại mất mọi việc cúng quảy trong nhà Thờ tự do hai Mẹ con T lo hết)đúng giờ hẹn ,T thay quần áo tươm tất đến nhà nhỏ Bạn ,mới vừa tới cổng  thì nghe trong nhà tiếng Má nó la lên : "Đầu năm "Tiền" vô như nước Bây ơi ra mở cửa cho "Tiền" vô Con ơi " nghe câu này thiệt tình hổng muốn bước vô chút nào hết nhưng bắc đắc dĩ đã đến thì phải làm cho trót ,T phải tươi cười như.....hoa nở bước vô trên tay cầm theo một trái Quýt( trái này có ý nghĩa là may mắn-cát tường vì cái tên của nó có phiên âm Hán việt là "cát " nghĩa là đại cát(kiết) đại lợi nên người ta thường mua Quýt và những chậu Quất chưng vào ngày Tết là vậy )và một nắm hoa mai giả của nhỏ Bạn đưa cho , khi nó ra mở cổng ,nó kêu Tôi rải hết chỗ hoa mai đó khi đi từ cổng vào đến thềm nhà , câu đầu tiên của T  là : "Dạ con xin chào 2 Bác con xin chúc gia đình mình năm mới sức khỏe dồi dào tiền vô ào ào ", Má nhỏ bạn tiếp lời  liền : Cám ơn con nhiều nha ,Con đi theo Bác ra đây xịt nước vô mấy cây Kiểng dùm nhớ xịt nhiều nhiều  nhen ,ha ha tiền thì phải vô ào ào như nước vậy hén con ha "T đành phải làm theo như cái máy,làm xong mọi "thủ tục" xông đất Tui kiếm lý do "dzọt" lẹ dìa nhà ngồi bực bội !(he he sau này nghĩ lại cũng hối hận lắm dù gì thì cũng là một "vinh dự" mà đi xông đất thì tâm trạng phải vui như "trúng số" vậy thì mới mang niềm vui đến cho người ta được còn làm bằng mặt mà chẳng bằng lòng thì thà từ chối còn hơn )không biết nhà nhỏ Bạn hên hay xui vào năm đó và những năm sau T tìm người khác giới thiệu cho Nó để thoát cái nạn "đi xông Đất "(**).
Nhiều gia đình rất coi trọng tin tưởng tuyệt đối vào tập tục hái lộc đầu năm ,từ tối ngày 30 trước giao thừa mọi người thường đổ xô đi hái lộc ở 2 địa điểm :Chùa Bà ở Xóm Chùa Bà và Dinh Bà Cố ở Núi Chân Tiên , có năm đó T ham vui đi theo nhỏ Bạn hái lộc  ở Chùa Bà vào đêm 30 Tết :
Còn 2 h nữa mới tới giao thừa mà những cành mai trên hai chậu mai lớn đặt ở chổ trang nghiêm nhất của Điện thờ  đã được "vặt trụi" từ lâu nếu mà khiêng luôn cái chậu được chắc người ta cũng khiêng đi rồi ! lượng người đi "xin" lộc thì quá tải mà "lộc" trong Chùa thì giới hạn chỉ có trong mấy cái chậu hoa kiểng chưng trong  Chùa để điểm tô cho mùa Xuân thêm tươi đẹp nhưng trong lúc này Người ta chỉ nghỉ đến việc hái cái may mắn về nhà hái càng nhiều càng tốt ,hái cành to thì được may mắn to ....nên đua nhau mà hái ,cái này gọi là tàn phá môi trường "hợp pháp" nè ,T không chịu nổi cảnh chen lấn và mùi khói hương cay mắt (thay gì mỗi người thắp một cây hương tượng trưng ,nhưng đằng này họ lại đua nhau thắp thật nhiều hương với niềm tin là càng thắp nhiều hương càng cảm động đến thần linh )nên rút lui ra bên ngoài đứng "ngắm" .....Ông từ giữ Chùa vừa đánh chuông vừa nhắc khéo mọi người giữ gìn trật tự cho chỗ tôn nghiêm ,thỉnh thoảng Ông lại lấy bớt chỗ nhang đang cháy dở dang để đem đi nhúng nước ,cái job này phải làm liên tục cho đến hết giao thừa nếu không khói lửa ngút ngàn như thế này chắc cũng có thể dẫn đến cháy nổ giữa đêm Xuân cho mà coi .Xin trích một đoạn văn  trong bài viết về việc hái lộc đầu năm để làm rõ hơn về ý nghĩa của tập tục đẹp đã  bị rất nhiều người hiểu nhầm này :
"Trước hết, “hái” trong cụm từ “hái lộc” không chỉ có nghĩa là tay người ngắt từ cành cây một đóa hoa, một quả ngọt hoặc một nhánh non vừa mới nhú. Từ “hái” khi được ông bà ta ghép với từ “lộc” mang một ý nghĩa rất nhân bản, qua đó, tiền nhân muốn gởi gắm cho con cháu một ý nghĩa về giáo dục rất sâu xa. Đó là đạo lý nhân quả rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày “có làm thì mới có ăn”, “tay làm hàm nhai” v.v…rất phổ biến trong văn học dân gian Việt Nam. Đạo lý nhân quả mà ông cha chúng ta đã gởi gắm qua nét đẹp “hái lộc đầu Xuân” muốn nói với chúng ta rằng: Những may mắn, những quả phúc, và cả niềm hỷ lạc mà ta gặt hái được phải xuất phát từ bản tâm, từ hành động, từ lời nói, và ý nghĩ thiện lành mà chúng ta đã gây tạo. Đất trời đổi mới, vạn vật chuyển mình và tâm thức con người trong sáng, đã gột tẩy mọi ưu phiền, buông xả mọi cừu oán v.v…thì chính giờ phút ấy, quả phúc chúng ta đã gieo trồng cũng hội đủ nhân duyên mà kết thành quả vậy. Vì thế, tâm thức của người khi “hái lộc” trước hết phải là một tâm thức thật sự thanh tịnh và thuần khiết, thì Lộc mà cúng ta hái được, nhận được, gặp được mới thật sự tốt đẹp và lợi ích. Khi ấy, phúc lộc mà ta nhận được mới thật sự của ta, chính nó do ta gieo trồng từ tâm thức thuần khiết thanh tịnh."(nguồn internet)
Hồi còn ở Việt Nam ngày mồng Tết mỗi năm là ngày mà T thường xuống Dinh Cố (nơi thờ Bà Cố Nguyễn Thị Rịa)xin Xăm ,tục xin Xăm có ngồn gốc từ Đạo giáo mang ý nghĩa  thỉnh ý Thần Linh ,có khoảng 100 thẻ Xăm theo số thứ tự từ 1-100 trong đó có 12 xấu(hạ hạ)-50 trung bình và 38 tốt (thượng thượng )mỗi lá Xăm là 4 câu thơ thất ngôn tứ tuyệt(4 câu bảy chữ )nói chung chung về gia duyên vận mệnh tài lộc nhưng cốt lõi vẫn là khuyên người hướng thiện ,gieo nhân tốt sẽ gặt quả tốt.Có lẽ Bà Cố nổi tiếng linh thiêng nên không chỉ người dân quê Long Điền Bà Rịa chúng tôi đến chiêm bái mà ngay cả dân Sài Gòn cũng bao xe đò xuống đây xin Xăm vào dịp Tết, dòng người đi xin Xăm luôn đông đúc từ đêm giao thừa kéo dài cho tới ngày Rằm tháng giêng,Tôi mê xin Xăm đến nỗi có khi quỳ mỏi gối để chờ tới lượt và không những chỉ xin Xăm của Bà Cố mà còn qua chỗ Thờ năm bà ngủ hành và miếu Ông hổ ở cạnh bên để xin thêm 2 cái Xăm nữa sau khi xin được 3 cái Xăm T ra ghế đá vừa ngồi ngắm toàn cảnh Long Điền Bà Rịa bên dưới ngọn Núi vừa ngâm nga mấy câu thơ trong 3 lá Xăm và tự....suy diễn vận mệnh rủi may của mình trong năm mới đây vừa là niềm vui ngày Tết cũng vừa là sự "mê tín" của bản thân !trong lúc xin Xăm T chứng kiến nhiều cảnh vui buồn lẩn lộn ,có người vì thiếu kiên nhẫn nên không chịu lắt Xăm mà thò tay rút đại một thẻ ,rồi cũng chẳng thèm xin keo để khẳng định Quẻ Xăm họ rút lá Xăm ra đọc, nếu tốt thì hí hửng mang về còn xấu thì giận dữ quăng vô sọt rác hay lén đem để lại sau bàn thờ gọi là "Con gửi lại cho Bà Cố " ...Sau này ngẩm nghỉ lại thấy như vầy : ngày đầu năm đi thắp hương cho Bà Cố để tưởng nhớ người khai hoang mở cõi là chuyện nên làm đồng thời để cho vui ba ngày Tết mình có thể xin một Quẻ Xăm dù tốt hay xấu cũng gọi là quà năm mới không có gì phải buồn vui quá đáng vì nhân quả vốn tự mình tạo lấy ,không nên biến việc này thành một hình thức mê tín rồi đem sân si vào để làm mất cái hay của tập tục mà lại còn vô tình đắc tội với Thần minh .
Còn một chuyện nữa  kể ra rất ư là ....quê xệ là hồi đó  T rất "ghiền"  coi Bói ,chỉ thích đi coi mà không có tin tưởng gì cho lắm ,Bạn bè biết ý nên đầu năm hể biết chỗ nào có coi Bói là hú T đi liền ,nói về Bói thì có nhiều hình thức như : Bói Bài ,xem chỉ tay ,chỉ chân ,xem tướng ,chấm tử vi ,coi xăm hình ,hay là lên đồng.....xin kể một mẫu chuyện vui về cái vụ Coi Bói cốt Cậu vào ngày mồng 3 Tết năm hai mươi sáu  tuổi ,sáng sớm hôm đó khi đang ăn bánh tét với Má thì Chị M ở cùng xóm mang dép Lào chạy lẹt xẹt tới với vẻ mặt nghiêm trọng Chỉ nói một hơi  với Má T :" Cô 6  có nghe gì chưa? trời ơi ở ngoài cầu đá thùng có
 một Bà coi bói cốt Cậu dựa vào ,Bả coi hay bà cố luôn nói đâu trúng đó ,người ta xin bùa làm ăn hay xin...số đề đều trúng phóc hết !mà bà này  bả coi 3 trong 1 nhen hay quá trời luôn " Má T cắt ngang : "3 trong 1 là sao Mày nói Tao nghe coi?" Chỉ trả lời : "3 trong 1 là Bả vừa coi bằng cốt Cậu mà còn kết hợp thêm bói Bài với Xăm hình nữa "

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét