Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Ngày Tết Cổ Truyền Ở Quê Tui (kỳ 1)

Kỳ 1 : Nốt Nhạc Đêm Giao Thừa

Trước khi mở đầu bài viết xin phép giới thiệu về lịch sử của Long Điền-Bà Rịa Vũng Tàu :
-Lịch sử đất Long điền -Bà rịa
Đại Nam thực Lục (tiền biên) thể hiện rõ: năm 1578, Chúa Nguyễn Hoàng cử Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh đưa lưu dân (những người nghèo không sản nghiệp) vào vùng đất từ nam đèo Cù Mông đến Đèo Cả khai hoang lập ấp, chính thức mở đầu sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong trong công cuộc Nam tiến vĩ đại của dân tộc.
Sau 33 năm xây dựng vùng đất mới, làng mạc hình thành, Chúa Nguyễn Hoàng chính thức thành lập phủ Phú Yên năm 1611 (trực thuộc Thừa tuyên Quảng Nam - đơn vị hành chính cấp tỉnh thứ 13 của Đại Việt). Năm 1613, Chúa Nguyễn Hoàng trối trăn lại cho người con thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) dựa vào vùng đất mới từ Hoành Sơn (đèo Ngang) đến Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia) để xây dựng cơ nghiệp muôn đời, tiếp tục mở rộng cương vực vào phía Nam.
Năm 1620, Quốc vương Chân Lạp Prea Chey Chettra cầu thân với Chúa Sãi, xin cưới công chúa Ngọc Vạn lập làm hoàng hậu. Chúa Sãi ưng thuận. Sau đó Chúa Sãi còn gả công chúa Ngọc Khoa cho Chiêm Thành vương (Bình Thuận ngày nay) để tiện mượn đường đi lại.
Hai nàng công chúa lá ngọc cành vàng Ngọc Vạn, Ngọc Khoa đưa nhiều người Việt về quê chồng. Ngọc Vạn lập xướng thợ, mở tiệm buôn ở kinh đô Oudong. Chúa Nguyễn cử quân lính, thuyền chiến giúp người rể quý (vua Chân Lạp) chống lại các cuộc xâm lấn của vua Xiêm. Để trả ơn, vua Chân Lạp cho Chúa Sãi mượn đất Sài Côn (Sài Gòn) xây dựng cảng thị và cho lưu dân người Việt vào lập nghiệp ở Mô Xoài (nay là Bà Rịa). Chúa Sãi cấp ngưu, canh, điền, khí cho lưu dân, khuyến khích họ khai khẩn làm ăn ở vùng đất mới, năm 1623 lập hai đồn thu thuế ở Sài Côn, cử tướng lĩnh đến lập đồn bảo vệ lưu dân.
Năm 1629, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ly khai với Đàng Ngoài, xây dựng xứ Đàng Trong từ Sông Gianh vào đến Phú Yên được thành lập 7 dinh (đơn vị hành chính cấp tỉnh). Phủ Phú Yên được nâng cấp thành dinh Trấn Biên - có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp Nam tiến của dân tộc.
Mặc nhiên, các xứ Mô Xoài và Sài Côn trở thành khu vực biên cảnh do Dinh Trấn Biên (Phú Yên) phụ trách.
Năm 1653, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần cử Hùng Lộc Hầu từ Phú Yên vượt đèo Hổ Dương (đèo Cả) lập phủ Thái Khang (Khánh Hòa ngày nay) và sau đó một thời gian lập phủ Thuận Thành (Ninh Thuận - Bình Thuận ngày nay).

Đại Nam Thực Lục thể hiện rõ, trong thời gian 69 năm tồn tại từ 1629 đến 1698 (thời điểm thành lập phủ Gia Định với hai huyện Phước Long và Tân Bình có cương vực rất rộng, tương ứng với ngày nay gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh và Long An), dinh Trấn Biên (Phú Yên) tiến hành hai chiến dịch quan trọng và ôn hòa vào phần đất phía Nam để khẳng định cuộc Nam tiến.
Chiến dịch lần thứ nhất, Thực Lục ghi: “Tháng sáu năm Mậu Tuất (1658) vua nước Chân Lạp Nặc Ông Chân xâm lấn biên thùy. Dinh trấn Biên (Phú Yên) báo lên. Chúa Hiền sai Phó tướng dinh Trấn Biên Tôn Thất Yến cùng cai đội Xuân Thắng, tham mưu Minh Lộc đem 3.000 quân đến Mỗi Xuy - tên Việt là Hưng Phước (nay thuộc huyện Long Điền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh phá được, bắt Nặc Ông Chân đưa về. Chúa tha tội và đưa người hộ tống về nước, khiến làm phiên thần, hàng năm nộp cống”.
Phó tướng Tôn Thất Yến hành quân vào Mỗi Xuy là thi hành nhiệm vụ an ninh trật tự trên phần lãnh thổ nội thuộc, dẫu chưa chính thức đặt thành phủ huyện.

Chiến dịch lần thứ hai, năm Mậu Thân 1668, hai tướng cũ nhà Minh là Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch thần phục chúa Nguyễn được Chúa cử vào khai khẩn vùng biên cảnh. Tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1679), hai tướng nhà Minh bị phó tướng Hoàng Tiến mưu phản. Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn cử Mai Vạn Long (tướng Dinh Trấn Biên Phú Yên) làm thống binh vào dẹp tan và đóng quân ở đó.
Tháng hai năm Mậu Dần (1698) chúa Minh Nguyễn Phúc Chu cử Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, lập phủ Gia Định.

Trong 69 năm đóng vai trò trấn biên (1629-1698), Dinh Trấn Biên Phú Yên đã đóng góp sức người, sức của bảo vệ và xây dựng vùng biên cảnh Mỗi Xuy và cả Đồng Nai - Gia Định, đưa nhiều lưu dân vào khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc, góp phần xuất sắc vào sự nghiệp Nam tiến vĩ đại của dân tộc.

Tiêu biểu nhất trong những lưu dân ấy còn lưu dấu ấn trong sử sách là bà Nguyễn Thị Rịa - người có công lao to lớn trong xây dựng vùng đất Mỗi Xuy và nhiều cứ liệu đáng tin cậy thể hiện rằng, nhân dân đã lấy tên Bà Rịa đặt cho vùng đất này để ghi nhớ công lao của Bà.
- Đôi nét về Bà Rịa:
Sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong cuối thế kỷ XVII được thể hiện trong hai sử liệu quan trọng, đó là “phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn và “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức.
Trịnh Hoài Đức (1765-1825), bắt đầu làm quan năm 1788 khi chúa Nguyễn Ánh lấy lại đất Gia Định. “Gia Định thành thông chí” được viết trong khoảng thời gian Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng trấn Gia Định Thành (1805-1808) và 1816.
“Gia Định thành thông chí” là bộ địa lý học - lịch sử được biên soạn công phu theo thể loại địa chí, gồm 6 quyển ghi chép về Trấn, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Trong bộ sách này, Trịnh Hoài Đức ghi chép tỉ mỉ cụ thể từng tên sông, tên núi, tên vùng đất mà còn giải thích cặn kẽ ý nghĩa của các địa danh ấy.
Về Bà Rịa, Trịnh Hoài Đức đề cập như sau: Bà Rịa người Phú Yên (1665-1759). Năm 15 tuổi (1670) thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bà có mặt trong đoàn lưu dân từ Dinh Trấn Biên (Phú Yên) vào nam lập nghiệp. Nơi đến là vùng đất rộng lớn, có địa hình lồi lõm phức tạp, nổi tiếng là vùng nước độc, chướng khí, có nơi đầm lầy lau sậy mịt mù, có rất nhiều thú dữ. Khi đặt chân đến vùng rừng thiêng nước độc này, bà lao vào công việc khai khẩn ở vùng rừng núi Đồng Xoài (xã Hòa Long), tiếp đó hướng về hướng biển đến Lữ Khê rồi mở rộng ra vùng Gò Xoài - Phước Liễu (xã Tam An - do hai xã An Nhất và Tam Phước hợp nhất) và tiếp tục khai hoang đến Láng Dài - Xuyên Mộc. Đặc biệt, Bà Rịa huy động dân chúng sửa chữa cầu cống, đường sá bị hư hỏng nặng do bão lũ, giúp đoàn quân của Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành nhiệm vụ. Bà Rịa không rõ họ gì, có công lớn trong việc khai hoang lập ấp, là người đức độ có uy tín khắp cả vùng. Với những công trạng đó, bà được Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1752) phong tước Hàm Nghè và sắc phong cho mang họ nhà Chúa, từ đó có tên là Nguyễn Thị Rịa.
Bà Nguyễn Thị Rịa sống qua năm đời Chúa Nguyễn và mất năm 1759 thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) tại Hắc Lăng, Phước Liễu (xã Tam An) hưởng thọ 94 tuổi. Bà Rịa không có con cái, 300 mẫu ruộng của bà khai khẩn được sung vào công điền chia cho người nghèo. Hiện nay, mộ và miếu thờ bà Nguyễn Thị Rịa ở xã Tam An, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, phần bia mộ còn khắc dòng chữ “Nguyễn Thị Rịa tiên nương”. Năm 1902, Trường Viễn đông bác cổ Đông Dương xây lại mộ Bà Rịa, năm 1936, chính quyền sở tại cho sửa sang lại để ghi nhớ công lao của Bà.
- Những ý kiến khác nhau về địa danh Bà Rịa:

1. Gia Định Thành thống chí của Trịnh Hoài Đức bên cạnh ca ngợi bà Nguyễn Thị Rịa cũng viện dẫn tài liệu Trung Quốc đưa ra một số giả thiết để cắt nghĩa địa danh Bà Rịa và xếp loại đây là một địa danh chưa rõ ràng bởi có nhiều cách giải thích khác nhau.
Các tác giả dựa vào thư tịch cổ Trung Quốc, cụ thể là Tân Đường thư: “Bà Ly ở ngay phía đông nam Chiêm Thành từ Giao Châu đi ghe theo biển, trải qua các nước Xích Thố, Đan Đan rồi đến đại địa châu Đà Mã (cũng gọi là Mã Lễ, quốc tục xỏ tai, đeo hoa, lấy một bức vải quấn ngang lưng) phía nam nước ấy có Thủ Nại, sau niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường (651-655) bị Chân Lạp thôn tính”.
Căn cứ Tân Đường thư, Trịnh Hoài Đức viết: Bà Rịa là ở đầu biên giới trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng, cho nên các phủ phía Bắc có câu ngạn (ngữ) rằng “Cơm - Nai - Nịa, Cá Rí - Rang”.
Trịnh Hoài Đức là người Minh Hương, tuân thủ đặc điểm ngữ âm tiếng Hán nên ông cắt nghĩa: “Tra theo chánh văn thì chữ Lợi âm là lục địa, thiết âm là lịa, vậy nghi chữ Bà Rịa tức là nước Bà Lợi thuở xưa” (1).
Một số học giả theo hướng này (2) giải thích địa danh Bà Rịa bắt nguồn từ vương quốc Bà Lợi, Bà Ly, Bà Lịa hoặc cho rằng Bà Rịa vẫn là tên đất (Bàn Ray, Bàn Rey) do biến âm trở thành Bà Rịa.
2. Địa danh Bà Rịa được cấu tạo theo phương thức chuyển hóa từ nhân danh Nguyễn Thị Rịa - một người phụ nữ quê gốc Phú Yên có công to lớn khai khẩn vùng đất này. Dùng nhân danh chuyển hóa thành địa danh là phương thức cấu tạo địa danh quen thuộc của địa danh học.
Các nhà nghiên cứu người Pháp đồng tình theo hướng này. Hiệp hội nghiên cứu Đông Dương (Societé dus Études Indochinoises) xuất bản cuốn “địa chí Bà Rịa” căn cứ sự lưu truyền của dân gian, giải thích nguồn gốc địa danh Bà Rịa là để tưởng nhớ bà Nguyễn Thị Rịa.
Xuất phát từ quan điểm này, Viện Viễn đông bác cổ Pháp (E.F.EO) xây dựng lại mộ Bà Rịa năm 1902 và được chính quyền địa phương trùng tu năm 1936 (3).
Tuy nhiên, sách “Địa chí Bà Rịa” năm 1902 có một chi tiết chưa chính xác. Tài liệu này nói rằng Bà Rịa vào nam khai khẩn đất hoang lập làng Phước Liễu năm 1789 và mất năm Gia Long thứ hai (1803). Không đồng tình về mốc thời gian này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (tác giả Địa bạ Phú Yên và Địa bạ Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định: Trong danh mục “Các họ đạo của xứ Đồng Nai từ năm 1747 có ghi rõ Bà Rịa có 140 giáo dân và Đất Đỏ có 350 người theo đạo Công giáo (4). Như vậy vùng đất có địa danh Bà Rịa đã có từ trước đó rất lâu.
Theo chúng tôi, địa danh Bà Rịa được chuyển hóa từ nhân danh Nguyễn Thị Rịa. Quan điểm này được soi sáng và có căn cứ vững chắc dưới nhiều phương pháp tiếp cận khoa học về lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ học, văn hóa dân gian.
Về mặt lịch sử, từ dinh Trấn Biên (Phú Yên), theo tiếng gọi của các chúa Nguyễn, có nhiều đoàn di dân được Nhà nước tổ chức khai khẩn vùng đất biên cảnh ở Mô Xoài (Bà Rịa ngày nay) trong thế kỷ XVII, trong đó có bà Nguyễn Thị Rịa.
Về mặt dân tộc học, có tài liệu của Trung Quốc như Hán thư, Đường thư chỉ đề cập đến quận Nhật Nam mà nhà Hán đã từng tạm chiếm. Biên giới quận Nhật Nam là Lăng già Bát Bạt Đa (phiên âm địa danh Chăm Linga Pravta - Linga đại sơn thần) - tức núi Đá Bia. Ngoài ngọn núi này là “Nhật Nam ngoại khiếu” (ngoài cõi Nhật Nam). Tân Đường thư đề cập đến Vương quốc Bà Ly nào đó là mơ hồ.
Về mặt ngôn ngữ học, không có phương thức biến thể ngữ âm (dân gian gọi là đọc trại) từ Bà Lợi, Bà Ly, Bà Lịa thành Bà Rịa hoặc từ Bà Ray - Bàn Rey thành Bà Rịa
Về văn hóa dân gian, làng Phước Liễu xã Tam An nói có mộ bà Nguyễn Thị Rịa có phương thức cấu tạo địa danh giống với quê gốc Phú Yên. Xã Tam An do hai xã An Nhất và Tam Phước nhập lại. Xã An Nhất (cũ) có các làng An Lạc, An Hòa, An Đồng, An Trung…
Mộ Bà Rịa vẫn còn đó. Cây cầu nối Tam Phước - An Nhất (nơi Bà Rịa khai hoang 300 mẫu ruộng) được mang tên là cầu Bà Nghè (Bà Rịa được Chúa Nguyễn Phúc Chu phong Hàm Nghè - như tiến sĩ danh dự ngày nay) vẫn còn đó. Ngày giỗ bà Nguyễn Thị Rịa là ngày 16/6 âm lịch, cúng lúc 12 giờ vẫn là một phong tục đẹp mà nhân dân địa phương tiến hành hàng năm.
Từ những căn cứ trên, nhiều nhà khoa học tán thành cách giải thích địa danh Bà Rịa được chuyển hóa từ nhân danh Nguyễn Thị Rịa (nguồn internet)

Dựa vào những dữ kiện trên thì Long Điền-Bà Rịa Vũng Tàu xưa thuộc về nước Chân Lạp sau mới sát nhập với nước Việt Nam ta ,trãi qua bao nhiêu dâu bể biến thiên hội tụ nhiều thành phần sắc Dân lưu lạc tha hương cộng cư với nhau, nên những loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian cũng vì vậy mà vô cùng đa dạng và đầy màu sắc ,có nhiều hủ tục lưu lại thời xa xưa đã được thế hệ văn minh sau này lượt bỏ bớt ,tuy nhiên có câu "phép Vua thua lệ Làng " nên đa số những phong tục thời xa xưa ấy vẫn còn lưu lại qua nghi thức thờ cúng-tín ngưỡng tôn giáo và truyền miệng từ Đời này qua Đời khác.....trong bài viết này T chỉ đơn cử một tập tục đón Tết Cổ Truyền Việt Nam ở Quê hương thời Tui còn để tóc "cum bê hai mái "
Người Dân Quê Long Điền theo đủ nghanh` nghề nhưng chủ yếu vẫn là Nông nghiệp đa số rất hiếu khách hiền hòa và biết tôn kính Ông Bà Tổ Tiên ,tuy quê nghèo nhưng chất phát ,chịu thương chịu khó và đam mê văn nghệ.
T lớn lên theo lời ru của Ngoại và Má trên cánh Võng trưa hè bên hiên nắng vàng trãi mát bóng giậu mồng tơ trái tím và mùi Đất Sét màu vàng nhạt (nền nhà) ,mùi rạ còn ươm hương lúa chín mùa gặt , lại ảnh hưởng rất nhiều nếp sống bên họ Ngoại. Nhà Ngoại lại là phủ Thờ chính của giòng họ Bùi do vậy vẫn còn lưu lại những tập tục thờ cúng từ nhiều Đời truyền lại.
Dân gian nói : vui 3 ngày Tết nhưng nhưng thiệt ra Quê Tui tuy nghèo mà hơi bị "chảnh" và cũng do sau những ngày cật lực cấy cày người Dân muốn có một thời gian nghỉ ngơi nên chợ búa miền Quê cũng vì thế mà bắt đầu nhộn nhịp đón Tết từ ngày 15 tháng chạp rồi kìa ,chợ Tết người ta bày bán đủ loại Bánh,Hoa Kiểng ,Rau Củ đồ chạp phô, ....giấy vàng mã ,gia cầm...đồ trang trí cho ngày Tết ,nhang đèn, lư hương ,chuông mõ,gian hàng Mứt Tết đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn ,T còn nhớ có Cô còn sên mứt Gừng và mứt Dừa ngay tại chỗ bán mùi thơm tỏa khắp nơi .Má Tui là một tiểu thương buôn bán nhỏ ngoài Chợ Long Điền ,mấy ngày cận Tết T được nghỉ học nên thường ra bán phụ với Má,nhưng Tui "ham dzui" và "ăn hàng"(Bà Ngoại hay nói :mỏng môi ăn hàng ,dày môi nhiều chuyện) lắm hể rảnh tí là thích la cà xuống đầu Chợ dưới để đi ngắm gian hàng Chợ Tết và ăn vặt ,có khi là tạt vô hàng bán cá khô đuối nướng đập tơi ra chấm nước tương me vừa ăn vừa hít hà vì cái vị chua và cay của ớt hiểm với me chín pha chung với nước tương đen nguyên chất ,hay thưởng thức dĩa gỏi đu đủ Tôm thịt giòn tan trộn với nước mắm chanh ớt tỏi vừa ăn vừa ngóng lỗ tai nghe âm thanh rộn ràng vui nhộn của Chợ Tết vang lên từ bốn phía : tiếng rao của anh bán bao lì xì,giấy dán Dưa ,giấy vàng mã lảnh lót như con gái : "Cò bay-ngựa chạy 23 đưa Ông Táo dề Trời ,bộ đưa bộ rước bộ rước bộ đưa mại dôoooo đây " tiếng rao trầm ấm của mấy Anh Sơn Đông mãi võ(mà dưới Quê gọi là Đám hát Xiệc )"Thuốc này trong uống ngoài thoa-uống vào hết bệnh thoa vô nhẹ người -Ai mà trái gió trở trời-đau lưng thấp khớp xin mời mua dô ",tránh ra để mấy Anh biểu diễn em bé ơi ,bà con cô bác đi Chợ xin ghé ngang ủng hộ cho Anh Em chúng tui đi nhen ".
Bên kia văng vẳng tiếng cô bán vòng vàng đeo tay giả : "Cô nào Chồng bỏ Chồng chê-mua "dề" đeo thử Chồng mê tới già "mua dô đi Em gái,Chị gái ơi Tết nhất tới nơi rồi đeo vô chưng diện lên cho Chồng mê tới già nè ", "Bảo vệ tình yêu 2000 đồng một cây đây Cô Bác ơi! " đố Bạn đó là tiếng rao bán cái gì? Tui nói rõ Bạn sẽ phì cười vì điều tra cho kỹ mới biết Anh này rao bán Dao Thái Lan cán màu vàng ,lúc đó có người tò mò hỏi tại sao, thì Anh ta lạnh lùng giải thích : "Mua cái này để "hù" người Bạn Đời ,cho nó không dám lăng nhăng ,vậy là đúng nghĩa "bảo vệ tình yêu rồi còn gì? " . Từ dưới đầu Chợ cá văng vẳng theo gió vọng lên tiếng ca : "Nhưng dù sao tôi cũng là tội nhân và.... tôi a a đang cúi đầu xót thương aaaa/ cho muôn Dân, cho nước non / đang bị người ta xâm lấn á á.... ,thì tôi đâu có quyền, nghĩ đến điều yêu thương...ươn...ươn..... " giọng ca cải lương ngọt ngào không thua gì nghệ sĩ cải lương Minh Vương trong trích đoạn "Người Tình Trên Chiến Trận " nhìn cho kỹ Tui mới thấy đó là giọng ca của một Người ăn xin đã mù hai mắt với chiếc Đờn cò trên tay vừa thoăn thoắt đàn vừa hát rất hay ,khiến cho bà con đang đi Chợ cũng phải dừng lại đôi phút để lắng nghe giọng ca ngọt ngào đầy tâm sự và tặng cho Chú ta chút tiền lẻ,thật khâm phục cho Chú này dù đôi chân bị què và đôi mắt không còn nhìn được nhưng vẫn đem lời ca tiếng hát phục vụ cho Đời để đổi lấy chén cơm ,trong suốt thời gian hai mươi mấy năm ở Việt Nam T đã từng gặp rất nhiều những nghệ sĩ vỉa hè , có nhiều người thổi Sáo trúc ,đàn guita....nhưng trong thâm tâm chưa bao giờ dám xem thường Họ vì Họ hát và biểu diễn bằng cả trái tim của mình ,một trái tim nghệ sĩ nguyên vẹn đầy nghị lực dù thân thể không lành lặn thật đáng cho Đời trân trọng . Lâu lâu lại nghe tiếng ồn ào của máy Xe Lam ngừng lại đổ hàng la gim xuống Chợ Rau ,tiếng rao hàng ,tiếng Gà ,Vịt ,Heo con kêu ,tiếng chửi bới nhau của mấy cô hàng chợ Cá ,hàng Thịt Heo tiếng chào hỏi của những người thân quen lâu ngày tình cờ gặp nhau trong phiên Chợ tất cả những âm thanh hỗn tạp ấy pha lẫn hòa quyện nhau thành một âm thanh rất đặc biệt chỉ có trong ngày Chợ Tết ở Quê hương Long Điền ,âm thanh mà hơn 20 năm nay dù ở phương nào T vẫn còn lưu giữ trong bộ nhớ.....

Tục đón Tết ở Quê Tui là trước đêm giao thừa ngày 30 tháng Chạp Âm lịch nhà cửa phải được dọn dẹp cho sạch đẹp ,nhất là bàn thờ Cửu huyền thất tổ(Cha Mẹ Tổ Tiên 7 Đời)phải được quét bụi lau chùi bộ lư đồng cho sáng loáng sau đó chưng mâm ngũ quả thường gồm những loại trái cây mang ý nghĩa cho lời nguyện cầu cả năm may mắn thịnh vượng như : May(tượng trưng cho may mắn) Dưa(đọc trại thành dư )Sung(Sung túc ) Cầu ,Dừa Đủ, Xoài ,Thơm(quá khóm ) ,vì Má đi bán suốt đến ngày 29 mới được nghĩ nên không có giờ lo công việc này ,Bà Ngoại lúc đó là "tổng chỉ huy" nhà T theo Đạo Phật phải thắp nhang mỗi tối , sau khi đưa Ông Bà vào ngày 23 tháng Chạp thì theo lệ cũ không còn thắp nhang nữa(nghe Ngoại nói Ông Bà đi về Trời chầu Ngọc Hoàng thượng đế hết rồi nên khỏi thắp nhang??? )Bà Ngoại bắt đầu phân công cho 4 Anh Chị Em Tui mỗi người một việc : Anh tư là "đờn ông" duy nhất trong nhà nên phải lãnh trọng trách : chùi bộ Lư của 3 cái Bàn Thờ chính ,xách nước đổ đầy 3 thùng phuy để dành xài ,Chị Hai,quét dọn sau hè , gánh nước uống đổ đầy 2 cái Lu(Ngoại nói phải.....chứa nước để dành 3 ngày Tết vì bắt đầu rước Ông Táo về tối ngày 30 thì người ta đậy nắp Giếng lại đến ngày mùng 4 cúng tất( hoàn tất)mới mở ra ,có 3 ngày thôi mà chứa 2 Lu nước thiệt là... hi hi.....T và Chị ba thì gom hết những tấm trãi bàn thờ ,chén bát ly tách hộp đựng bánh mứt ,quần áo...đi giặt giủ ,còn nhớ trong cái đống đồ đó có tấm vải căng làm la phông vì nhà lợp bằng mái ton thiết nên hể nóng thì như lữa đốt mà lạnh thì lạnh cóng ,phải căng tấm vải dày đó lên mái nhà để điều hòa nhiệt độ ,tấm vải này gở xuống dơ khủng khiếp trãi qua 4 mùa nắng gío với rất nhiều bụi bặm chưa kể bồ hống(bụi khói bếp )mạng nhện bám đầy dù cho có giặt sạch phơi khô nhìn vẫn còn xỉn mầu(sau này khi tình cờ đọc được 2 câu thơ Thiền của Ngài Thần Tú :"Thân thị Bồ Đề thụ-Tâm như minh cảnh Đài " tạm dịch :Thân là Cây Bồ Đề-Tâm như đài gương sáng "Tui giựt mình nhớ lại tấm la phong hồi xưa mới treo có 1 năm mà giặt cỡ nào nó cũng không giữ được màu sắc nguyên thủy vậy thì cái Tâm này đã chìm nỗi bấy lâu nhiễm đủ bụi Trần mà lau cho sạch như đài gương sáng không tỳ vết thì thật là chuyện khó lắm thay !).Mấy chị Em Tui vừa làm vừa nghe giọng ca của nghệ sĩ Hùng Cường và Nghệ sĩ Phượng Liên trong vở cải lương "Tướng cướp bạch hải đường" từ cái máy hát bên Lò Xưng Xáo nhà Cậu ba kế bên vọng qua....ngọn gió heo may của mùa Đông thỉnh thoảng lại thổi qua mang theo cái se se lạnh của ngày giáp Tết.
Tối 30 trước 8h pm khi mọi việc trong ngoài tươm tất ,Ngoại mặc áo dài màu xanh rêu đậm lên thắp hương trên bàn thờ chưng hoa Vạn Thọ mâm ngủ quả ,bánh mứt được bày biện đẹp mắt rước Ông Bà về.Bọn trẻ chúng tôi thì tắm rửa sạch sẻ thay đồ mới háo hức chờ Ngoại cho phép đốt dây Pháo treo trước nhà và chắc chắn đêm đó sẽ thức tới 1h để được nghe tiếng Pháo nổ liên tục đón giao thừa ,tiếng Pháo từ Thôn xóm bên ngoài và tiếng Pháo vang lên từ trong lòng đón phút giao thời giữa năm cũ và năm mới, mà lòng rộn lên niềm vui ba ngày Tết chắc chắn tiền lì xì sẽ vô đầy túi , lại được đi chơi thả cửa !
12 năm nay T cũng giữ nguyên tập tục cúng Tổ Tiên dù đón giao thừa trên Đất khách(nói là đất khách nhưng thật ra T đã coi nó như Quê hương thứ 2 của Mình từ lâu lắm)cũng bánh chưng xanh ,cũng khay mứt ,nồi Thịt kho trứng ,Mâm ngũ quả ,Hoa Mai ,hoa vạn thọ- có một câu nói rất hay và chính xác :cảnh chẳng theo Người mà người phải tùy vui theo cảnh ....đôi bờ thùy dương của Biển Long Hải quê xưa được thay bằng tiếng sóng rì rào vổ trên bờ cát mịn của Bãi Biển Deland ,tiếng pháo năm nào giờ là tiếng từng nốt nhạc du dương đón phút thiêng liêng....Thế giới thật ra đang thay đổi từng giây từng phút chứ chẳng phải chờ đủ 365 ngày Ta mới có được phút giao thừa , hiểu vậy nhưng Ta cũng phải tùy duyên mà nhậm vận sống vui theo cảnh cho cuộc Đời thêm hương vị.

Tui có cách nghĩ rất lạ lùng : dòng Đời như cây Đàn guita mà Bạn là người điều chỉnh dây đàn và chọn nốt nhạc để tự sáng tác một bài hát cho vận mệnh của chính mình...phút giao thừa là cơ hội để mình tự kiểm điểm điều chỉnh lại bản Nhạc cuộc đời ,dù Bạn đang ở trên đỉnh vinh hoa hay tận cùng nỗi khổ.

Xin kết thúc bài viết bằng hai câu đối tặng cho mọi người làm quà đầu năm mới và hai bài thơ đón giao thừa nơi Đất khách đã sáng tác từ năm nào không nhớ :

"Tối ba mươi tiễn thăng tiễn giáng (*) tiễn nỗi buồn tan vào quá khứ
Sáng mồng một đón duyên đón phước đón niềm an lạc tỏa nơi Tâm "(**)

Giao Thừa Tha Hương

Có phải giao thừa thật đấy không
Chẳng nghe xao xuyến ở trong lòng
Tìm hoài có thấy câu đối đỏ ?
Kiếm mãi đâu ra xác pháo hồng ?
Nồi bánh chưng xanh ai đang nấu ?
Mai vàng mấy chậu có ai trông ?
Mỗi năm mình lại thêm một tuổi
Mấy chốc rồi lên chức lão ông !!!

Tiểu Tăng

Bạch Thủy kính họa :

Thì đúng Giao Thừa đấy ...sao không ?
Ðón Xuân mộng ước chớm trong lòng ,
Phương Tây khan khiếm ...Câu đối đỏ ?
Nhìn Pháo thăng thiên ngỡ Pháo hồng !
Nồi Bánh Mẹ già loay hoay nấu ,
Mai vàng bằng ...giấy khỏi cần trông !
Thiên tăng tuế nguyệt ,Nhân tăng ..tuổi ,
Năm mới mừng Ai lĩnh chức ...Ông !

Cảm ơn tất cả sự chia sẻ của Bạn bè gần xa chúc năm mới sức khỏe và niềm vui ,mời đón đọc tiếp kỳ 2 sẽ đăng trong vài ngày tới.

(*) thăng giáng là lên xuống
(*)an lạc tỏa ngay Tâm trong phút giây hiện tại
            D.THUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét