Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Bài Kệ Bốn Câu


Tánh Không như một tấm gương sáng nó phản ảnh những gì đi qua nó tuyệt đối không lưu giữ. Nó không phải là năng duyên tức thọ, tưởng, hành, thức. Cũng không phải là sở duyên tức sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

“Trước có nay không
Trước không nay có.
Ba đời có pháp.
Không có lẽ đó”

Từ khi kinh điển Đại thừa xuất hiện cho đến bây giờ, đã trải qua bao nhiêu thời đại, cũng trải qua bao nhiêu nền văn minh của nhân loại. Và nó đã làm cho những nhà tư tưởng, những nhà tri thức, những vị học giả, những nhà thông thái vừa tán thán khen ngợi, vừa tò mò lại cũng vừa sợ hãi và phỉ báng.

Tán thán ngợi khen vì từ lâu trong tự thâm tâm có sự thấy biết lờ mờ mà không dám nhận, bây giờ nhờ học kinh mà tin nhận là mình thấy biết đúng. Cũng như Huệ Năng ngài ngộ ra câu kinh “Ưng vô sở trụ. Nhi sanh kì tâm” nhưng cũng không dám chắc vì vậy ngài mới lặn lội đi gặp Ngũ Tổ để ấn chứng cho.

Tò mò vì nghe nhiều vị đức cao, học rộng tán thán khen ngợi cho nên cũng muốn học, đọc cho biết cho thỏa mãn tánh tò mò.

Sợ hãi là vì lời kinh nói ngược lại sự chấp thủ của tâm thức, vì sợ mất đi những gì mình đã bỏ công thu thập được nên đâm ra phỉ báng.

Không có gì nghi ngờ khi nói rằng Thế Tôn ngài thuyết giảng kinh “Bát nhã ba la mật đa” ròng rã suốt hai mươi năm.Thật vậy, những vị tu học muốn biết được thật tánh của vạn pháp, muốn biết nhân sinh quan, vũ trụ quan, muốn khám phá thật tánh của thân tâm này mà không ngộ được Tánh Không thì khó có thể bước chân vào thế giới quan của Đại Thừa. Nếu đọc tụng kinh sách Đại Thừa mà có hiểu chăng thì chỉ hiểu theo tri thức mà thôi, vì tất cả kinh điển Đại Thừa đều từ Tánh Không mà lưu xuất.

Trên con đường tu học có rất nhiều cạm bẫy thử thách, cũng giống như đi học ở thế gian muốn lên lớp thì phải thi. Nhưng con đường tu học thì khó hơn đi thi ở ngoài đời nhiều vì những cạm bẫy thử thách vô cùng tế nhị có thô có tế, và tùy theo trình độ của người tu học thử thách nó đến cũng khác nhau: Thuận cảnh hay nghịch cảnh không bao giờ đoán trước được chỉ trừ khi đi qua được nó hay ta bị rớt vào nó.

Tu học mà thấy được Tánh Không thì giống như người có chìa khóa kho tàng quý giá vô tận. Tánh Không giống như kim chỉ bắc, nó giúp người tu học không còn bị lạc đường trong trùng trùng tư tưởng của tâm thức. Tánh Không tự nó biết điều chỉnh những dòng tư tưởng thái quá hay bất cập, nó chỉ cho người tu học biết được dòng tâm nào ô nhiễm, dòng tâm nào thanh tịnh. Tánh Không chỉ cho người tu học thấy biết được pháp nào thuận với chánh pháp sẽ đi đến Bồ Đề Tâm, còn pháp nào làm cho tâm ô nhiễm sẽ đi đến mất chánh định. Nói tóm lại Tánh Không là một vị thầy không phải thầy hay vô sư trí, tự nhiên trí.

Bài kệ sơ ngộ Tánh Không của ngài Lục tổ Huệ năng là:

“Bồ đề không cội. 
Gương sáng không đài
Xưa nay không vật. 
Bụi bám vào đâu?”

Và xuyên suốt hơn ngàn năm các vị tổ truyền nhân của ngài, phương tiện quảng diễn ra 1700 công án thoại đầu, với tôn chỉ duy nhất, là làm cho người tu học ngộ được Tánh Không.

Có nhiều vị muốn học Tánh Không nhưng đa phần những vị đó phân vân nghi ngờ rằng mình đã bỏ ra công sức, tiền tài bao nhiêu năm ròng rã mới có những bằng cấp, địa vị và sự hiểu biết như hôm nay. Bây giờ tu học Tánh Không thì phải bỏ hết những gì hiện có, mà không biết mình có chứng hay thấy Tánh Không. không như vậy thật, không khác nào bỏ hình bắt bóng.

Bài kệ bốn câu trong kinh Đại Bát Niết Bàn câu đầu là “Trước có nay không” để giải thích những tư tưởng ý nghĩ, rằng muốn học Tánh Không thì phải bỏ hết những điều mình có. Thật ra không phải như vậy, chữ không trong câu “Trước có nay không” là “Không đối với có” chứ không phải là Tánh Không.

Tánh Không, không có liên quan đến những gì mà chúng ta đang sở hữu như: Sự hiểu biết, bằng cấp, địa vị tiền tài danh vọng, nói chung là vật chất tâm tư thế tục. Vì sao? Vì những thứ mà ta ra công thu thập được nó thuộc về vô thường là “Trước không nay có” cho nên mới bỏ được, diệt được.

Nhưng cho dù ta có bỏ được, diệt được các dòng tâm thức, những dòng tư tưởng thì cảnh giới sau cùng ta chứng là Phi tưởng Phi phi tưởng xứ. Vì sao? Vì còn tác ý vậy.

Vì không có chánh định nên không thấy chánh niệm, nếu thấy được chánh niệm thì biết rằng các pháp là vô sở hữu, theo duyên mà khởi theo nghiệp mà trụ. Không đến không đi, không sinh không diệt. Vì vậy muốn bỏ hay diệt chẳng khác nào bỏ diệt hư không.

Tánh Không hoàn toàn không ngăn ngại gì với cái có, hoàn toàn không đối lập, đối đãi với cái có. Chúng ta có như thế nào thì Tánh Không thấy như thế đó, không thiên vị, thiên lệch. Không qua trung gian của tâm thức, không qua trung gian của cảm thọ, không đem kiến thức thu thập trước để hiểu, để lí giải cái hiện tại, cũng không đem sự hiểu biết của hiện tại để phán đoán về vị lai. Tánh Không như một tấm gương sáng nó phản ảnh những gì đi qua nó tuyệt đối không lưu giữ. Nó không phải là năng duyên tức thọ, tưởng, hành, thức. Cũng không phải là sở duyên tức sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Tu học Tánh Không giống như có một chàng trai trẻ muốn leo lên đỉnh núi để tầm mắt rộng nhìn, khi đi anh ta mang theo một bao hạt giống, vì đường lên núi thì chật hẹp khó khăn, vách đá cheo leo cản trở nên anh ta buộc lòng phải bỏ bớt hạt giống cho nhẹ. Đến lúc anh ta vừa tới đỉnh núi thì bao hạt giống cũng vừa cạn, cảnh quan trên đỉnh núi thì vô cùng tuyệt diệu đẹp đẽ không thể tả xiết, tầm nhìn rộng rải mênh mông không giới hạn như ở đất bằng. Quá thích thú anh ta không nhớ ngày về cho đến một ngày anh ta sực nhớ lại tìm ra con đường cũ ngày nào đi lên để quay về. Thật không ngờ con đường cũ anh trở về bây giờ lại đầy bông trái mà trước kia thì toàn là lùm bụi. Quá ngạc nhiên anh ta chợt hiểu ra rằng thành quả bông trái trên con đường này có là do những hạt giống mà vô tình anh bỏ lại khi trước.

Cũng vậy Tánh Không không nhận lấy một thứ gì cũng không bỏ một thứ gì, nếu còn lấy bỏ thì đó không phải là Tánh Không thường trụ, tuyệt đối không phải bỏ hết mới không.

Câu thứ hai là “Trước không nay có” là nói lên sự dính mắc về cấp độ. Thí dụ khi ta chưa tu học thì ta không biết gì về giới định huệ, nay nhờ thầy chỉ bảo hay qua kinh sách, qua những vị thiện tri thức, thiện hữu mà ta có giới định huệ, có pháp để tu học. Rồi nhờ có nhiều trợ duyên, nhờ có nhiều tinh tấn mà vị tu học có thể chứng được sơ thiền, nhị thiền cho đến tứ thiền hay ngay cả các bậc cao hơn nữa như các bậc Thánh. Cho dù có chứng được những cấp bậc như vậy thì vẫn là "Trước không nay có”. Vì trước không nay có nên còn ở trong ba thời, vì ở trong ba thời nên không thấy được Tánh Không. Tánh Không như mặt trăng, có đủ phương tiện thì đi đến được còn không có phương tiện thì không đến được. Tuy nhiên dù có đến được hay không đến được thì mặt trăng vẫn là như vậy không phải người đến thì nó thêm còn người không đến thì nó bớt lại. 

Thời đại bây giờ nhiều nước trên thế giới chế tạo phi thuyền đi đến mặt trăng hay các vì sao khác. Tuy nhiên đừng lầm lẫn phương tiện và cứu cánh, vì phi thuyền là phi thuyền còn mặt trăng vẫn là mặt trăng. Trên đường đi đến mặt trăng phi thuyền phải trải qua nhiều tầng lớp khí quyển mà phải đi như phi thuyền thì mới nhận ra.

Cũng vậy trên con đường tu tập hành giả phải trải qua nhiều tầng lớp cảnh giới, mỗi tầng lớp cảnh giới có sự thù thắng khác nhau, Càng lên cao thì càng vi diệu. Cho nên nhiều hành giả bị rớt vào trong cảnh giới đó mà đâu biết rằng cảnh giới đó biến hiện ra từ thân tâm do tu tập mà phát sinh. Vì vậy vẫn là “Trước không nay có” chấp phương tiện làm cứu cánh. Trong Tánh Không thì thân tâm này cũng chỉ là phương tiện mà thôi.

Tánh Không thấy được thật tướng các pháp, vì vậy trên đường tu học ta có đi sai đường thì Tánh Không hướng dẫn cho ta đi đúng hướng. Ta có nghiêng lệch thì Tánh Không chỉ ta cách điều chỉnh cho ngay thẳng, ta có bị ô nhiễm tánh không chỉ ta cách làm trong sạch, ta có bị phiền não Tánh Không chỉ ta cách làm cho thanh tịnh. Tánh Không giống như bầu trời, còn các pháp giống như mây, mưa, nắng, gió, sáng tối… hoạt dụng ở trong Tánh Không.

Mọi người sinh ra trong thế gian này đều bình đẳng tuyệt đối, không phân biệt Phàm hay Thánh, sang hay hèn, nghèo hay giàu. Vì tất cả mọi người ai cũng có thân tâm với sáu căn hoạt dụng, “ Ngoại trừ một phần nhỏ bị khiếm khuyết”. Khi mới sinh ra ta không biết được tương lai của ta là gì, và ngay cả cha mẹ cũng không đoán được tương lai của ta ra sao. Nhưng khi lớn lên do môi trường sống, do hoàn cảnh gia đình, do nghề nghiệp mưu sinh nên thành phần xã hội được hình thành giai cấp dù ta có muốn hay không. Một cá thể khi tự nhận mình là một thành phần nào đó trong xã hội là do sự thu thập kiến thức, sự hiểu biết sự mưu sinh trong đời sống. Rồi chính những thứ đó xác minh ta là thành phần nào, và như thế tức là ta lấy sự thu thập từ bên ngoài vào làm cái ta, do vậy gọi đó là chấp thủ. Khi chấp thủ được định hình thì ngay lúc đó tự ta bước chân vào nhà tù tư tưởng của chính ta, tuy rằng nó vô hình không tường vách, không chắn song, cũng không có người canh giữ, nhưng sự bền chắc của nó thì không có vật hữu hình nào so sánh được.

Đối với tự tánh của sáu căn cho dù chúng ta có ở trong thành phần nào thì nó vẫn luôn luôn tuyệt đối bình đẳng. Trong Tánh Không tự tánh của sáu căn là nhận tất cả những gì đến với nó mà không lưu giữ, không phân biệt, vì vậy nó là Diệu quan sát trí.

Còn người không tu học không thấy Tánh Không thì sáu căn Đối với sáu trần, vì trong đối ngoài, vì ngoài đối trong, nên mới sanh ra phân biệt. Vì phân biệt nên thành ra lục thức.

Vì Nhận nên là Trí, vì Đối nên là Thức. Trí thì thông suốt không trệ ngại, còn Thức thì do Đối nên sinh phân biệt.

Trên con đường tu học vì chưa thấy được Tánh Không nên không nhận ra thực tướng các pháp, vì trụ nơi sự chứng đắc nên “Trước không nay có” vì diệt pháp, vì xa lánh, vì đè nén nên “Trước có nay không”.

Trước Có nay Không, trước Không nay Có, đó là những cái Không đối với cái Có, vì vậy nó là vô thường, nó không phải Tánh Không thường hằng bất sinh bất diệt. 

Mãn Tự
Trích từ: Thư Viện Hoa Sen
Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét