Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Hoa Mai Của Thiền Sư Mãn Giác



Bài thơ Hoa Mai là bài thơ thường được nhắc đến trong dòng văn học Thiền. Bài thơ không dùng xảo điệu mô tả tư tưởng hay tình cảm thông qua ngôn ngữ, nghệ thuật của một hệ thống tư tưởng biểu tượng, mà mang tính trực chỉ. Chúng ta sẽ nhìn vào thế giới sai biệt và vô sai biệt thông qua bài thơ của Thiền Sư Mãn Giác

“Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua xuân trước một nhành mai”

Xuân nằm trong dòng vận hành bốn nhịp của thời gian, Xuân, Hạ, Thu, Đông là bước chân dịu dàng nhưng nghiệt ngã mang theo hơi ấm và làn gió mát, đồng thời cũng giẫm lên và nghiền nát từ từ tất cả những thành hoại của trần gian. Tất cả các pháp thế gian (trăm hoa) đều bị chi phối bởi bước chân của mùa Xuân, nói lên lẽ vô thường của vạn pháp. Khi mùa Xuân đến, trăm hoa đều nở, khi mùa Xuân đi trăm hoa đều tàn. Tất cả các pháp thế gian đều mang tính sinh diệt trong nó. Ngay chính sự hiện diện của mùa Xuân cũng là một pháp thế gian, nên cũng là một pháp sinh diệt. Nhưng không phải vì có mùa Xuân thì trăm hoa nở hoặc ngược lại, vì trăm hoa nở nên có mùa Xuân. Trong nghĩa đầu, tất cả pháp thế gian đều là pháp sinh diệt nên phải thuận theo pháp duyên sinh. Trong nghĩa sau, trong hoa đã có Xuân, trong Xuân đã có hoa, tất cả đều trùng trùng duyên khởi trong một pháp thế gian đang chặt vào nhau.




Nhìn hoa thấy Xuân và nhìn Xuân thấy hoa. Đẩy thêm một bước, nhìn vạn pháp (hoa, xuân hay sắc), thấy được định luật (trùng trùng duyên khởi trong tánh không) và thấu thoát định luật thì thấy rõ dòng sinh diệt ảo mộng của vạn pháp trong một pháp giới, sự lý dung thông, sắc với không vẫn như là một mà không là một, vẫn như không là một mà là một,“Trước mắt việc đi mãi, trên đầu già đến rồi” Sau khi nhìn cảnh, tới đây nhìn lại người. Cảnh (hoa và xuân) và người (cái già đến trên đầu) cũng đều là những pháp vô thường, pháp sinh diệt, pháp thế gian. Nói đến cảnh rồi nói đến người là để nhấn mạnh hơn tính sinh diệt của vạn pháp, để chỉ thẳng tính có sinh có diệt của pháp thế gian. Nhìn xuân đi, xuân đến, trăm hoa rơi, trăm hoa nở, thấy việc bay qua đi trước mắt, ngó lại mình thì tóc cũng bạc trắng xóa tự thuở nào. Trăm hoa với mình, mình với trăm hoa nào có khác gì nhau trong dòng sanh diệt, vẫn cùng chia sẻ một nhịp vô thường của các pháp sinh diệt. Nhưng giữa dòng sinh diệt vô thường ấy vẫn có: “Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một nhành mai” 

Đừng nói rằng Xuân đi hoa đã rơi hết cả, bởi vì đêm qua ở sân trước vẫn còn một cành mai hiện diện, mặc cho Xuân đi và trăm hoa tàn, mặc cho việc trôi qua và tóc bạc đến. Vẫn còn một cái gì đó vững vàng mặc cho bao giông bão đầy trời, mà vẫn mong manh và lung linh dịu dàng để gọi là một cành mai. Chữ đêm qua (tạc dạ) ý để nói sự có mặt của cành mai này vượt qua sự tàn phá của thời gian. Nó là cái gì mang tính kiên cố, bất khả hoại. Và khi nói đến đêm qua cũng có nghĩa muốn nói là cả đêm nay và đêm mai, không bị ảnh hưởng chút nào bởi cái gọi là phạm trù tiên nghiệm thời gian. Nó hoàn toàn không mang tính vô thường, tính sinh diệt của các pháp thế gian. Cành mai này là một pháp vô sinh diệt, một pháp xuất thế gian. Thiền Sư đã đưa mắt nhìn tất cả các pháp sinh diệt, các pháp thế gian (xuân đi, hoa tàn, việc đã qua, tóc trắng) mà vẫn nhìn thấy một pháp vô sinh diệt, một pháp xuất thế gian (cành mai với tính bất hoại).

Hình ảnh đêm qua ở trong nhà Phật thường được sử dụng trong hai nghĩa khác nhau. Nghĩa đầu tiên như vừa nói, và ứng dụng trong bài thơ này, hàm cả nghĩa đêm nay và đêm mai. Nghĩa thứ hai sẽ mang ý khác hơn như trong Kinh Viên Giác – chương Phổ Nhãn “sinh tử và Niết-bàn đã như giấc mộng đêm qua”. Ngay khi vừa giác ngộ thì thấy được chuyện sinh tử và Niết bàn chỉ như giấc mộng đêm qua. Chữ đêm không có trong câu vừa dẫn nhưng được hiểu ngầm, ám chỉ cho vô lượng kiếp trôi lăn trong vô minh, chập chờn giữa cõi sanh tử, mong cầu đến bờ giác ngộ (Niết-bàn), thực sự cũng là giấc mộng đêm qua. Đó là chuyện đã qua, và không còn nữa khi trí huệ Bát nhã bừng lên. Trong cái thấy của trí huệ Phật trong giây phút giác ngộ đó, sẽ thấy không có cõi sinh tử nào phải vượt qua, không có Niết-bàn nào phải tìm đến.

Chữ sân trước mô tả một khoảng không gian nơi cành mai trụ. Bất kỳ một hiện tượng nào hay tư tưởng nào, khi xuất hiện cũng ở trong một thời gian nào đó. Hình ảnh sân trước ẩn tàng hình ảnh đất tâm. Có nhiều hình ảnh trong nhà thiền dụ cho Tâm như mặt trăng, vọng niệm dụ là mây. Như mặt hồ, vọng niệm dụ là sóng. Như gương sáng, vọng niện dụ là bụi. Nhưng với hình ảnh đất tâm phép tu đã rõ ràng hơn. Nếu thấy Tâm như hình ảnh này thì sẽ thấy Tâm vốn không hề lay động thì không cần tìm đến cái định, cứ tự nhiên vào tính bản định của đất Tâm thì còn có định nào bằng. Đây cũng chính là nghĩa bình thường tâm thị đạo, nếu vậy thì không phải lăng xăng nhập định với xuất định làm gì. Vấn đề còn lại là làm sao để Tâm bình thường để thẳng một niệm.


Hình ảnh sân trước hoặc đất tâm cho thấy tất cả mọi sinh, trụ, hoại, diệt đều xảy ra, dựa vào và trở lại trên mặt đất (tâm), nhưng mặt đất ấy vẫn bất động, không tăng, không giảm. Gom chung ý của đêm trước một cành mai điều này chỉ vào giác tính bình đẳng bất động của Tâm thể. Nương vào tính bản định của nó mà tu. Không phải vào định này thì trở thành gỗ đá, vì Tâm thể vốn bất động mà diệu dụng vẫn hằng chiếu. Mặt khác Tâm thể trổ một cành mai, tâm vẫn hằng bất động mà diệu dụng hằng sa, tâm vẫn thường chiếu. Đọc lại toàn bộ bài thơ chúng ta thấy từ Xuân đi, hoa tàn, Xuân đến, hoa nở, việc qua, tóc trắng, đến câu “chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết”, là lật ngược mặt sau để chỉ cách tu ở câu cuối, đêm qua sân trước để chỉ vào tính bản định của tâm và một cành mai để nói tới diệu dụng, tính thường chiếu của tâm. Phần trên nói về các pháp sinh diệt, câu cuối nói về pháp vô sinh diệt. Nhưng cả hai không rời nhau mà có được. Nhưng không phải vì có cái này mà có cái kia.




Tâm vẫn tự trụ tâm, cảnh vẫn tự trụ cảnh. Sinh tử (xuân, hoa, việc qua, tóc trắng) và Niết-bàn (cành mai trên đất tâm bất hoại trước thời gian) không là một, vì một đằng là thế giới sinh diệt, một đằng là thế giới vô sinh diệt, nhưng cũng không là hai, vì một đằng là sự, một đằng là lý, vẫn viên dung vô ngại trong pháp giới đất tâm, cũng không vì nương vào nhau mà có, vì sóng vẫn khởi đằng sóng và nước vẫn an nhiên đằng nước, cũng không lìa nhau mà có, vì lìa sóng không thấy được nước và lìa nước không thể có sóng. Nếu lấy hình ảnh quen thuộc thường dùng trong thiền là sóng với nước để dụ cho tướng và tánh, chúng ta có thể thấy toàn bộ bài thơ khi lật ngược từ sự qua lý, từ thế giới sai biệt vẫn viên dung vô ngại trong một pháp giới đất tâm như Kinh Lăng Nghiêm diễn tả: “Toàn tướng tức tánh, toàn tánh tức tướng.

Nếu bước chân vào được thế giới trùng trùng sự – lý viên dung vô ngại của bài thơ này thì không sợ lầm lạc, không còn chất vấn đâu là Niết-bàn, đâu là đường sinh tử, đâu là địa ngục. Như vậy, toàn bộ bài thơ nói lên cảnh giới của Đốn giáo Đại thừa. Nếu phân chia các thời thuyết giáo của Đức Phật làm năm thời như Tổ Hoa Nghiêm Tông đã làm, bài thơ này phô bày cái nhìn ở vào thời kỳ thứ tư, thời kỳ của Đốn giáo đưa đến cái nhìn của cái nhìn lý sự vô ngại. Thật sự ít có bài thơ nào chỉ bày phép tắc, nghi quỹ rõ ràng như vậy. Vẫn đứng cõi sinh diệt mà nói về cảnh giới vô sinh diệt bất khả tư nghì thì đúng là ếch ngồi đáy giếng hò trăng. Nhưng chỉ cần quan sát sẽ thấy chúng ta vẫn hằng đứng nơi mép bờ vô sinh diệt, vẫn chưa từng bước lạc xuống trần gian. Muốn lìa sinh diệt mà lấy pháp sinh diệt để tu là chuyện trăm kiếp nghìn đời khó thành được. Chi bằng ngay chỗ sân trước một cành mai, lấy ngay thanh Kim Cương Tuệ Kiếm nhập pháp vô sinh diệt thì ngại gì chuyện sinh diệt. Vào được chỗ này, pháp vô sinh diệt cũng phải buông bỏ, đó không gọi là giấc mộng đêm qua sao.

Thích Nữ Đồng Thủy 
Tạp chí Hoa Đàm số 17 
Sưu tầm: Hanh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét